Cuốn Những lời răn trên đá của Ellworth M.Toohey được xuất bản vào tháng Mười một năm 1925.
Cuốn sách có một cái bìa khắc khổ màu xanh đen với một hàng chữ màu bạc đơn giản và một hình kim tự tháp bạc ở một góc. Nó có phụ đề Kiến trúc cho mọi người và thành công của nó thật vang dội. Nó giới thiệu toàn bộ lịch sử ngành kiến trúc, từ những túp lều trát bùn đến nhà chọc trời, bằng lời lẽ của một người bình thường, nhưng lại khiến cho những lời này nghe có vẻ khoa học.
Tác giả của nó tuyên bố trong phần Lời dẫn rằng đây là một nỗ lực “nhằm đưa kiến trúc về đúng vị trí của nó – về với con người.” Ông ta tuyên bố thêm rằng ông mong muốn được thấy những người dân bình thường “nghĩ và nói về kiến trúc như là nói về bóng chày.” Ông không làm người đọc buồn chán vì những nguyên lý kỹ thuật của Ngũ Luật[34], của cột kèo, của hoành ngang hay bê tông gia cố. Các trang sách của ông đầy những câu chuyện nội bộ về cuộc sống hàng ngày của các quản gia Ai Cập, của thợ chữa giày La Mã, cung phi của vua Louis XIV – họ ăn gì, tắm giặt ra sao, mua sắm ở đâu và nhà cửa của họ ảnh hưởng thế nào đến đời sống của họ. Tuy thế, người đọc dường như có cảm giác họ đang được học tất cả những gì họ cần về Ngũ Luật và bê tông gia cố.
Ông cho độc giả cảm tưởng rằng chẳng có vấn đề gì, chẳng có thành tựu nào và cũng chẳng có tư tưởng nào vượt quá cái sinh hoạt thường ngày của những người vô danh trong quá khứ cũng như trong hiện tại; rằng khoa học chẳng có mục đích và phương tiện thể hiện nào ngoài việc ảnh hưởng đến các sinh hoạt hàng ngày này; rằng chỉ cần sống cuộc sống hàng ngày là độc giả của ông đã đại diện được và đạt được tất cả những mục tiêu cao cả nhất của bất cứ nền văn minh nào. Sự chính xác khoa học của ông là hoàn hảo, sự uyên bác của ông thật đáng kinh ngạc; không ai có thể phản bác ông trong lĩnh vực dụng cụ nấu ăn của vương quốc Babylon hay thảm chùi chân Bi-zăng-tan. Ông viết với sự tinh tế và sống động như thể ông đang quan sát trực tiếp những gì mình viết lại. Ông không lê bước nặng nhọc qua các thế kỷ; ông khiêu vũ – các nhà phê bình nói – trên đại lộ của các thời đại, như một anh hề, một người bạn, và một nhà tiên tri.
Ông nói: kiến trúc thực sự là môn nghệ thuật vĩ đại nhất trong các môn nghệ thuật bởi vì nó vô danh – giống như tất cả sự vĩ đại bao giờ cũng vô danh. Ông nói: thế giới có rất nhiều công trình nổi tiếng, nhưng có ít nhà kiến trúc nổi tiếng – và điều này là đúng đắn, bởi không có một người nào có thể một mình tạo ra bất kỳ cái gì có giá trị trong kiến trúc, hay trong bất cứ ngành nào khác – nếu anh ta chỉ một mình. Một số ít những người có tên tuổi thì thực ra chỉ là những kẻ mạo danh đã chiếm đoạt vinh quang của công chúng giống như có những kẻ chiếm đoạt của cải của công chúng. “Khi chúng ta ngắm nhìn sự tráng lệ của một tượng đài cổ và quy thành tích tạo ra nó cho một người, thì chúng ta đã mắc tội “biển thủ tinh thần[35].” Chúng ta quên mất đội ngũ những nhà kiến trúc, những người chẳng ai biết đến, chẳng ai tung hô, những người đã đi trước con người nổi tiếng kia, trong bóng tối của các thời đại đã qua, những người lao động một cách khiêm nhường – mọi sự anh hùng đều khiêm nhường – để đóng góp phần nhỏ của mình vào kho tàng chung của thời đại họ. Một công trình vĩ đại không phải là phát minh riêng của một thiên tài nào đó. Nó đơn thuần là sự đúc kết tinh thần của cả một dân tộc.”
Ông giải thích rằng thời kỳ suy đồi của kiến trúc đã đến khi mà chủ nghĩa tư hữu thế chỗ cho tinh thần công xã của thời Trung cổ, và rằng sự ích kỷ của những kẻ tư hữu – những kẻ xây dựng không vì mục đích nào khác ngoài thỏa mãn thị hiếu tầm thường của họ – đã hủy hoại cái đẹp bao đời của các thành phố. Ông chứng minh rằng không hề có cái gọi là tự do ý chí, bởi vì động lực sáng tạo của con người, giống như mọi thứ khác, được quyết định bởi cấu trúc kinh tế của thời kỳ mà họ sống. Ông bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với tất cả các phong cách kiến trúc vĩ đại trong lịch sử, đồng thời cảnh báo việc kết hợp chúng một cách bừa bãi. Ông bác bỏ kiến trúc hiện đại và tuyên bố rằng “Cho đến nay, kiến trúc hiện đại chẳng đại diện cho bất cứ cái gì ngoài ý thích nhất thời của những cá nhân bị cô lập; nó không có dáng dấp của bất cứ phong trào tự phát mang tính quần chúng nào và vì thế nó sẽ không thể có một hiệu ứng nào với quần chúng. Ông tiên đoán một thế giới tốt đẹp hơn sẽ đến, nơi mà mọi người sẽ là anh em, nơi các công trình xây dựng sẽ hài hòa với nhau, và giống nhau – tất cả đều theo kiến trúc Hy Lạp cổ đại, thứ kiến trúc “mẹ đẻ của nền dân chủ.” Khi viết đến đây, ông làm cho người đọc thấy rõ – mà không phá vỡ giọng điệu trầm tĩnh của mình – rằng dưới những dòng chữ được in mạch lạc mà người ta đang đọc là một bản thảo run rẩy vì người viết đã run lên vì xúc động. Ông kêu gọi các kiến trúc sư hãy từ bỏ việc tìm kiếm vinh quang cá nhân để hiến mình cho những kiến trúc xứng đáng là hóa thân của tinh thần dân tộc họ. “Kiến trúc sư là đầy tớ chứ không phải ông chủ. Họ không nên phô phang cái tôi nhỏ mọn của họ mà phải phô bày linh hồn của dân tộc cũng như nhịp điệu thời đại họ sống. Họ không nên chạy theo những ảo tưởng cá nhân mà phải tìm kiếm cái mẫu sỗ chung, cái sẽ đưa các công trình của họ lại gần với trái tim của công chúng. Kiến trúc sư – các bạn của tôi – họ không nên lý luận. Họ không phải người chỉ huy; mà họ là người thừa hành.
Quảng cáo cho cuốn Những lời răn trên đá là những lời trích dẫn các nhà phê bình: “Tuyệt vời!”, “Một thành tựu vĩ đại!”, “Không có đối thủ trong lịch sử nghệ thuật!”, “Cơ hội cho bạn làm quen với một người đàn ông quyến rũ và một nhà tư tưởng sâu sắc.”, “Sách bắt-buộc-phải-đọc với tất cả những ai muốn mình mang danh trí thức.”
Có vẻ như rất nhiều người muốn mang danh hiệu trí thức. Người đọc đạt được sự uyên bác mà không cần học hành, có sự thành thạo mà không cần tốn phí, có khả năng đánh giá mà không phải trải qua nỗ lực nào. Thật dễ chịu khi có thể ngắm các công trình và nhận xét về chúng một cách chuyên nghiệp bằng cách ghi nhớ trang 439; khi có thể tổ chức các buổi thảo luận nghệ thuật và trao đổi những câu trích dẫn giống hệt nhau từ cùng một đoạn văn. Trong các phòng thiết kế danh tiếng, người ta nhanh chóng được nghe “Kiến trúc à? Phải rồi, Ellsworth Toohey.”
Theo nguyên tắc cá nhân, Ellsworth Toohey không kể tên bất cứ kiến trúc sư nào trong các trang chính của quyển sách vì “phương pháp xây dựng huyền thoại hay tôn thờ các cá nhân anh hùng của ngành nghiên cứu lịch sử luôn luôn làm tôi khó chịu.” Ông để tên của tất cả các kiến trúc sư vào phần chú thích ở bên dưới mỗi trang. Một số chú thích này có đề cập đến Guy Francon, “người có xu hướng hơi quá hoa mỹ nhưng cần được tuyên dương vì sự trung thành với truyền thống nghiêm ngặt của Chủ nghĩa Cổ điển.” Có một chú thích đề cập đến Henry Cameron – “nổi tiếng một thời như một trong những cha đẻ của cái gọi là trường phái kiến trúc hiện đại nhưng từ đó đã bị đào thải vào trong lãng quên một cách đích đáng.”
Tháng Hai năm 1925, Henry Cameron ngừng công việc kiến trúc.
Một năm qua, ông đã biết ngày này sẽ đến. Ông đã không nói chuyện này với Roark, nhưng cả hai đều biết và vẫn tiếp tục làm việc, chẳng chờ đợi điều gì ngoài việc cứ tiếp tục làm việc cho đến khi nào còn có thể. Một vài hợp đồng chảy nhỏ giọt vào văn phòng của họ trong năm qua – vài túp lều ở nông thôn, vài cái ga-ra ô-tô, vài hợp đồng tu sửa các tòa nhà cũ. Họ nhận bất cứ việc gì. Nhưng rồi những giọt nước nhỏ này cũng ngừng. Ống nước cạn khô. Nguồn nước đã bị cắt bởi một xã hội mà Cameron đã không chịu thanh toán cho họ[36].
Simpson và ông già lễ tân đã được cho nghỉ từ lâu. Chỉ còn Roark ở lại – ở lại để ngồi yên cho qua những buổi tối mùa đông và để nhìn thấy cơ thể của Cameron gục xuống trên bàn làm việc, hai cánh tay xoài ra, đầu gục trên cánh tay, một chai rượu lấp lánh dưới ánh đèn.
Thế rồi, vào một ngày tháng Hai, sau nhiều tuần lễ không động đến rượu, Cameron với lấy một cuốn sách trên giá và đổ gục xuống chân Roark, bất ngờ, đơn giản, dứt khoát. Roark đưa ông về nhà; bác sĩ nói rằng chỉ cần ông bước ra khỏi giường cũng đủ là bản án tử hình cho ông. Cameron biết điều đó. Ông nằm im trên gối, hai bàn tay ngoan ngoãn đặt hai bên người, đôi mắt không chớp và trống rỗng. Rồi ông nói:
“Howard, cậu sẽ đóng cửa văn phòng cho tôi, được không?”
“Vâng,” Roark nói.
Cameron nhắm mắt, và không nói gì nữa, và Roark ngồi cả đêm bên giường ông, chẳng biết ông già có ngủ hay không.
Một người chị của Cameron xuất hiện từ một nơi nào đó ở New Jersey. Đó là một bà già nhỏ bé với mái tóc bạc trắng, đôi tay run run và một khuôn mặt người ta sẽ không bao giờ nhớ. Bà ít nói, kín đáo và yếu ớt. Bà có một khoản thu nhập ít ỏi và nhận trách nhiệm đưa em trai về nhà mình ở New Jersey; bà chưa bao giờ lấy chồng và chẳng còn ai thân thích khác trên đời; bà chẳng vui cũng chẳng buồn về gánh nặng này; bà đã mất hết các năng lực cảm xúc từ cách đây nhiều năm.
Ngày ông ra đi, Cameron đưa cho Roark lá thư ông đã viết đêm hôm trước, viết một cách khó nhọc, với một bảng vẽ cũ kỹ trên đầu gối, một cái gối tựa lưng. Lá thư đề địa chỉ một kiến trúc sư nổi tiếng. Đó là thư giới thiệu việc làm cho Roark. Roark đọc nó và – nhìn thẳng vào Cameron chứ không phải vào tay mình – xé đôi lá thư, gấp hai mảnh vừa xé lại và xé tiếp.
“Không,” Roark nói. “Bác sẽ không xin họ cái gì hết. Đừng lo cho cháu.”
Cameron gật đầu và im lặng một lúc lâu.
Rồi ông nói:
“Howard, cậu sẽ đóng cửa văn phòng. Cậu sẽ để họ giữ lại đồ đạc thay cho tiền thuê nhà. Cậu sẽ lấy bản vẽ trên tường trong phòng tôi và gửi nó cho tôi. Chỉ mỗi nó thôi. Cậu sẽ đốt hết mọi thứ khác. Tất cả giấy tờ, hồ sơ, bản vẽ, hợp đồng, mọi thứ.”
“Vâng,” Roark nói.
Bà Cameron đến cùng những người hộ lý và một cái cáng; họ đi bằng một chiếc xe cứu thương đến bến phà. Tại cổng xuống phà, Cameron nói với Roark:
“Bây giờ thì về đi.” Ông nói thêm: “Cậu sẽ đến thăm tôi, Howard… Đừng quá thường xuyên…”
Roark quay người và bước đi trong khi người ta đưa cáng Cameron vào bến. Đó là một buổi sáng xám xịt và không khí mang mùi tanh tưởi lạnh lẽo của biển. Một con hải âu lượn thấp xuống mặt đường; trông nó xám xịt như một mảnh báo trôi dạt, rồi đậu xuống góc một hòn đá ẩm ướt, vằn vện.
Tối đó, Roark đến văn phòng đã đóng cửa của Cameron. Anh không bật đèn lên. Anh nhóm lửa trong cái bếp lò hiệu Franklin trong phòng Cameron, và dốc hết ngăn kéo này đến ngăn kéo khác vào lửa mà chẳng hề nhìn chúng. Những tờ giấy sột soạt khô khốc trong tĩnh lặng, một mùi ẩm mốc nhẹ nhàng lan tỏa trong căn phòng tối, và ngọn lửa rít lên, lách tách, bùng lên thành những vệt sáng rực. Đôi lúc một mẩu giấy trắng với phần mép đã bị đốt thành than bay phật ra khỏi ngọn lửa. Anh đẩy nó trở lại bằng phần đầu của một chiếc thước kẻ làm bằng thép.
Chúng là các bức tranh vẽ những công trình nổi tiếng mà Cameron đã xây và chưa xây; chúng là các bản thiết kế trên giấy xanh với những đường kẻ trắng mỏng biểu hiện các xà nhà của các công trình hiện đang đứng đâu đó; chúng là những hợp đồng với những chữ ký nổi tiếng; và đôi lúc, từ trong ánh lửa rực sáng lóe lên một con số tổng với bảy chữ số viết trên giấy vàng, lóe sáng rồi biến mất giữa những tia lửa mảnh dẻ bùng lên.
Từ đống thư từ trong một tập tài liệu cũ, một mẩu báo rơi xuống sàn. Roark nhặt nó lên. Nó khô, giòn và ngả vàng, bị vỡ tan ở những chỗ gấp và trong các ngón tay anh. Đó là một bài phỏng vấn Henry Cameron, đề ngày bảy tháng Năm năm 1892. Bài báo viết: “Kiến trúc không phải là một ngành kinh doanh, không phải là một nghề nghiệp, mà là một cuộc thập tự chinh và sự dâng hiến cho một niềm vui mà chính nó là lý do khiến cho Trái đất này tồn tại được.” Anh thả mẩu báo vào lửa và với tay lấy một tập tài liệu khác.
Anh nhặt nhạnh mọi mẩu bút chì từ bàn của Cameron và ném nốt chúng vào lửa.
Anh đứng cạnh bếp lò. Anh không động đậy, anh không nhìn xuống; anh cảm thấy sự chuyển động của ánh lửa, cảm thấy cái rùng mình rất khẽ trong cái bóng của mình. Anh nhìn vào bức vẽ cái tòa nhà chọc trời chưa từng được xây ở trên bức tường trước mặt anh.
*
* *
Đó là năm thứ ba Peter Keating làm việc ở công ty Francon & Heyer. Anh luôn ngẩng đầu cao và chú ý giữ thân người thẳng đứng – trông anh giống hình ảnh một người đàn ông trẻ thành đạt trong những quảng cáo dao cạo râu đắt tiền hoặc quảng cáo chiếc xe hơi giá bình dân.
Anh ăn mặc bảnh bao và theo dõi việc mọi người nhận thấy sự bảnh bao đó. Anh có một căn hộ ở Đại lộ Park, một căn hộ khiêm tốn nhưng hợp thời trang, và anh mua ba bức họa quý giá cũng như bản in đầu tiên của một tác phẩm cổ điển mà anh chưa bao giờ đọc và cũng chưa hề mở ra kể từ lúc mua. Đôi lúc anh đi cùng khách hàng đến Nhà hát Thành phố. Anh xuất hiện, một lần, tại vũ hội hóa trang nghệ thuật và được rất nhiều người chú ý nhờ bộ cánh thợ xẻ đá thời Trung cổ, áo nhung tím và quần bó; người ta nhắc đến anh trong bài tường thuật sự kiện này trên trang xã hội; đấy là lần đầu tiên tên anh được nhắc trên báo – anh cắt bài báo ra, cất nó đi.
Anh đã quên mất tòa nhà đầu tiên anh thiết kế, quên luôn cả nỗi sợ và nghi ngờ về sự ra đời của nó. Anh đã học được rằng mọi chuyện thật đơn giản. Khách hàng của anh sẽ chấp nhận bất cứ cái gì, miễn là anh cho họ một mặt tiền thật hoành tráng, một cổng vào oai vệ và một phòng khách vương giả, để họ làm cho khách khứa phải kinh ngạc. Điều này làm tất cả các bên đều hài lòng: Keating hài lòng nếu khách hàng hài lòng, còn khách hàng sẽ hài lòng nếu như khách đến nhà họ choáng ngợp; còn khách đến nhà thì thế nào cũng xong.
Bà Keating cho thuê ngôi nhà của bà ở Stanton và dọn đến ở với anh ở New York. Anh chẳng muốn bà đến; nhưng anh không thể từ chối – vì bà là mẹ anh và người ta nghiễm nhiên hiểu là anh sẽ không từ chối. Anh gặp bà với một chút háo hức; ít nhất anh có thể gây ấn tượng với bà về sự thăng tiến của anh. Nhưng bà chẳng có ấn tượng gì; bà kiểm tra các phòng của anh, quần áo của anh, các sổ sách ngân hàng của anh và chỉ nói: “Thế là tốt, Petey ạ – hiện tại cứ thế đã…”
Bà đến thăm văn phòng anh một lần và ra về trong vòng nửa tiếng. Tối đó anh phải ngồi yên suốt một tiếng rưỡi đồng hồ, vừa nắm vừa bẻ các đốt ngón tay khùng khục, trong khi bà đưa ra những lời khuyên cho anh. “Petey, cái anh chàng Whithers mặc một bộ vét đắt tiền hơn của con. Thế không được. Con phải để ý đến uy tín của mình trước họ. Còn cái cậu nhỏ con mà đem các bản vẽ vào phòng ấy – mẹ không thích cái kiểu nó nói với con… Ồ, cũng chẳng có gì, nhưng nếu là mẹ thì mẹ sẽ để mắt đến nó một chút… Còn cái thằng mũi dài thì chẳng phải bạn bè gì của con đâu… Đừng hỏi tại sao, mẹ biết – thế thôi… Cẩn thận với anh chàng có tên Bennett đấy nhá. Mẹ mà là con thì mẹ sẽ loại hắn ngay. Hắn rất tham vọng. Mẹ biết những dấu hiệu của việc này…”
Rồi bà hỏi:
“Guy Francon… Ông ta có con cái gì không?”
“Một con gái.”
“Ồ…” bà Keating nói. “Con bé thế nào?”
“Con chưa gặp bao giờ.”
“Thế đấy, Peter” bà nói, “con thật là thô lỗ với ông Francon khi không đến thăm gia đình ông ấy.”
“Cô ấy đi học đại học ở xa mẹ ạ. Lúc nào đó con sẽ gặp cô ấy. Bây giờ muộn rồi mẹ ạ, và con có rất nhiều việc phải làm ngày mai…”
Nhưng anh nghĩ về chuyện này tối hôm đó và cả ngày hôm sau nữa. Trước đó anh đã nghĩ về chuyện này và thường xuyên nghĩ. Anh biết rằng con gái của Francon tốt nghiệp đại học đã lâu và hiện đang làm cho tờ Ngọn cờ New York. Cô phụ trách một mục nhỏ về trang trí nhà cửa. Ngoài ra anh chẳng biết gì khác về cô. Chẳng ai trong văn phòng có vẻ biết cô cả. Francon không bao giờ nói về cô.
Ngày hôm sau, vào bữa trưa, Keating quyết định đề cập đến chủ đề này.
“Cháu nghe nói nhiều điều rất hay về con gái bác,” anh nói với Francon.
“Cậu nghe những điều rất hay về nó ở đâu?” Francon hỏi với vẻ không vui.
“Ồ, bác biết đấy, ai chả hóng chuyện. Và cô ấy viết rất hay.”
“Phải, nó viết rất hay.” Miệng Francon mím chặt.
“Thật sự là, bác Guy, cháu rất muốn gặp cô ấy.”
Francon nhìn anh và thở dài mệt mỏi.
“Cậu biết là nó không sống với tôi,” Francon nói. “Nó có một căn hộ của riêng nó – Tôi cũng không chắc tôi có nhớ nổi địa chỉ của nó không nữa… Rồi cậu sẽ gặp nó một ngày nào đó. Cậu sẽ không thích nó đâu, Peter.”
“Nào, tại sao bác lại nói thế?”
“Thì chuyện nó thế đấy, Peter. Với tư cách là cha thì tôi e là tôi đã hoàn toàn thất bại… Nào thế bà Mannering nói gì về cách sắp xếp cầu thang mới?”
Keating cảm thấy tức giận, thất vọng – và nhẹ nhõm. Anh nhìn thân hình mập lùn của Francon và tự hỏi không biết cô con gái ông đã kế thừa ở cha những nét gì về ngoại hình mà bị ông bố không ưa ra mặt đến thế. Hẳn cô ta giàu có và xấu xí khủng khiếp – như hầu hết tất cả bọn họ – anh kết luận. Anh nghĩ điều này sẽ không ngăn cản anh – một ngày nào đó. Anh thấy vui chỉ vì ngày đó đang được trì hoãn. Anh nghĩ, với sự háo hức mới, rằng anh sẽ đi gặp Catherine tối nay.
Bà Keating đã gặp Catherine ở Stanton. Bà đã hy vọng rằng Peter sẽ quên. Giờ đây bà biết anh chưa quên, mặc dù anh ít khi nói về Catherine và chẳng bao giờ mang cô về nhà. Bà Keating không nhắc đến tên Catherine. Nhưng bà nói về việc những cô gái không một xu dính túi bám chặt lấy các chàng trai trẻ xuất chúng để đào mỏ, về những anh chàng đầy hứa hẹn nhưng sự nghiệp bị hủy hoại vì lấy phải người đàn bà không hợp; và bà đọc cho anh mọi bài báo kể về những người nổi tiếng đã phải ly dị người vợ bình dân vì người vợ không môn đăng hộ đối.
Trong lúc đi bộ đến nhà Catherine tối hôm đó, Keating nghĩ những lần hiếm hoi anh gặp cô – chúng thật chẳng phải sự kiện quan trọng gì, thế mà chúng lại là những ngày duy nhất mà anh nhớ được về cả quãng thời gian sống ở New York.
Khi cô mở cửa cho anh vào, anh thấy giữa phòng khách của chú cô là một đống thư từ nằm khắp trên thảm, một chiếc máy chữ di động, báo chí, kéo, hộp và một lọ keo dán.
“Ôi trời ơi!” Catherine thốt lên, ngồi thụp xuống trên hai đầu gối giữa đống rác bừa bãi. “Ôi trời ơi!”
Cô nhìn anh, cười hiền lành, hai tay vươn ra trên những đống giấy trắng nhàu nhĩ. Bây giờ cô đã gần hai mươi tuổi mà trông vẫn chẳng già hơn chút nào so với hồi mười bảy.
“Anh ngồi xuống đi Peter. Em đã nghĩ em sẽ làm xong trước khi anh đến, nhưng bây giờ thì rõ là em không thể. Đây là thư từ những người hâm mộ chú em và các bài báo về chú. Em phải phân loại chúng, trả lời và lưu trữ chúng, phải viết thư cảm ơn và… Ôi, anh phải xem một vài thứ mà người ta viết cho chú em mới được! Thật tuyệt vời. Đừng đứng như thế anh. Anh ngồi xuống đi! Một phút nữa là em xong ngay mà.”
“Em phải xong ngay bây giờ!” anh vừa nói vừa đưa tay nhấc cô lên và đưa cô đến một chiếc ghế.
Anh ôm cô và hôn cô và cô cười hạnh phúc, đầu cô ngả trên vai anh. Anh nói:
“Katie, em ngốc không thể tưởng được và tóc em thơm quá đi mất!”
Cô nói: “Ngồi yên nào, Peter. Em đang rất dễ chịu.”
“Katie, anh muốn nói với em, hôm nay anh có một ngày tuyệt vời. Chiều nay họ chính thức khai trương Tòa nhà Bordman. Em biết đấy, ngay trên phố Broadway, hai mươi ba tầng và một ngọn tháp kiểu Gothic trên mái. Francon bị đau bụng, nên anh đến đó đại diện cho ông ấy. Mà đằng nào anh cũng là người thiết kế tòa nhà đó và… Mà thôi, em chẳng biết đâu…”
“Nhưng em biết mà, Peter. Em đã thấy tất cả các tòa nhà anh thiết kế. Em có ảnh chúng. Em cắt chúng ra từ báo. Và em đang làm một quyển sưu tầm ảnh, giống như quyển của chú em. Ôi Peter, nó thật tuyệt vời!”
“Cái gì?”
“Những quyển sổ sưu tầm ảnh của chú em ấy mà, cả những lá thư gửi cho chú ấy… tất cả những cái này…” Cô vươn tay về phía đống giấy trên sàn, như thể muốn ôm lấy chúng. “Nghĩ mà xem, những bức thư này đến từ khắp nơi trên đất nước, từ những người hoàn toàn xa lạ, thế mà chú ấy có ý nghĩa thật nhiều đối với họ. Và em đang ở đây giúp chú ấy, em, một người vô danh tiểu tốt, nhìn xem em có trách nhiệm lớn đến thế nào! Thật là cảm động và lớn lao. Chúng thì có ý nghĩa gì cơ chứ – những thứ lặt vặt có thể xảy ra với chúng ta ấy? – khi so sánh với cái có liên quan đến bao nhiêu người thế này!”
“Thế à? Chú em bảo em thế à?”
“Chú chẳng bảo em cái gì cả. Nhưng người ta không thể sống với chú ấy hàng năm mà không nhiễm sự… sự vị tha tuyệt vời của chú ấy.”
Keating muốn nổi giận, nhưng anh nhìn thấy nụ cười long lanh của cô, thấy ngọn lửa mới trong cô, và anh buộc phải cười đáp lại.
“Anh sẽ nói cho em cái này, Katie: em ngày càng xinh lên, rất xinh. Em biết không, em có thể trông tuyệt vời nếu em học cách ăn mặc. Một ngày nào đó anh sẽ phải tóm lấy em và lôi em đến một hiệu may đo tử tế. Anh muốn em gặp Guy Francon lúc nào đó. Em sẽ thích ông ấy.”
“Ồ thế ạ? Em tưởng anh từng nói là em sẽ không thích ông ấy.”
“Anh đã nói thế à? Thực ra trước đây anh cũng chẳng hiểu ông ấy lắm. Ông ấy là một người rất tuyệt. Nói chung anh muốn em gặp tất cả bọn họ. Em sẽ… nào nào, em định đi đâu đấy?” Cô đã nhìn đồng hồ đeo tay của anh và đang chuồi ra khỏi anh.
“Em… Gần chín giờ rồi Peter ạ, và em phải làm xong cái này trước khi chú Ellsworth về. Chú ấy sẽ về trước 11 giờ, tối nay chú ấy phát biểu ở một hội nghị công nhân. Em sẽ vừa làm việc vừa nói chuyện với anh, có sao không ạ?”
“Có sao đấy! Mặc kệ cái đám hâm mộ ông chú quý hóa của em đi! Cứ để chú em tự mà giải quyết cái đống thư đó. Em ngồi nguyên đây cho anh!”
Cô thở dài, nhưng rồi lại ngoan ngoãn tựa đầu lên vai anh. “Anh không được nói như thế về chú Ellsworth nhé. Anh không hiểu chú ấy một tí nào đâu. Anh đã đọc sách của chú ấy chưa?”
“Rồi! Anh đã đọc sách của ông ấy và nó rất vĩ đại, nó tuyệt vời, nhưng đi đâu anh cũng toàn phải nghe về cuốn sách chết tiệt của chú ấy rồi, cho nên mình có thể đổi đề tài câu chuyện được không?”
“Anh vẫn không muốn gặp chú Ellsworth à?”
“Tại sao? Cái gì làm em nói như thế? Anh muốn gặp chú ấy mà.”
“Ồ…”
“Sao nào?”
“Có lần anh đã nói rằng anh không muốn gặp chú ấy thông qua em mà.”
“Anh đã nói thế à? Làm sao mà em cứ luôn nhớ những thứ vớ vẩn anh nói thế nhỉ?”
“Peter, em không muốn anh gặp chú Ellsworth.”
“Tại sao lại không?”
“Em không biết. Em thật vớ vẩn. Nhưng bây giờ em không muốn anh gặp chú ấy. Em cũng không biết tại sao.”
“Thế thì quên chuyện đó đi vậy. Anh sẽ gặp chú ấy khi có dịp. Katie, nghe anh này, hôm qua anh đứng cạnh cửa sổ phòng anh, và anh nghĩ về em, và anh muốn có em bên cạnh đến mức suýt nữa anh gọi em, nhưng lúc đó quá muộn rồi. Anh cảm thấy cô đơn, anh muốn có em khủng khiếp, anh…”
Cô lắng nghe, hai cánh tay choàng quanh cổ anh. Và sau đó anh thấy cô đột nhiên nhìn vượt qua anh, miệng há ra thất kinh; cô nhảy lên, lao qua phòng, và bò trên đầu gối và hai tay để với lấy một chiếc phong bì màu xanh nhạt dưới gầm bàn.
“Lại còn cái gì nữa thế?” anh cáu kỉnh hỏi.
“Đây là một lá thư rất quan trọng,” cô nói, vẫn quỳ gối, chiếc phong bì kẹp chặt trong nắm tay nhỏ, “đây là một lá thư rất quan trọng và nó đã ở chỗ đó mới chết chứ, gần như trong sọt rác rồi, em mà không để ý thì rất có thể đã quét nó đi rồi. Thư này là từ một bà góa nghèo có năm con và con trai cả của bà ấy muốn trở thành một kiến trúc sư và chú Ellsworth định thu xếp một học bổng cho cậu ấy.”
“Dào ôi,” Keating nói, đứng dậy, “anh ngán chuyện này đến tận cổ rồi. Mình ra khỏi đây đi Katie. Mình đi bộ đi! Ngoài trời hôm nay đẹp lắm. Ở đây em có vẻ không phải là chính em nữa.”
“Thôi được rồi! Mình đi bộ vậy.”
Ngoài trời, tuyết đang rơi – thứ tuyết khô, mịn, nhẹ bỗng treo lơ lửng trong không khí, lấp đầy những đường phố chật hẹp. Họ đi bên nhau, cánh tay Catherine ép vào cánh tay anh, bàn chân họ để lại những vệt dài màu nâu trên vỉa hè trắng tuyết.
Họ ngồi trên một chiếc ghế băng ở Quảng trường Washington. Tuyết phủ kín quảng trường, tách rời họ khỏi những ngôi nhà và thành phố phía xa. Qua bóng mái vòm, những chấm ánh sáng nhỏ lăn qua người họ, sáng trắng, xanh và đỏ sậm.
Cô ngồi nép sát vào người anh. Anh ngắm thành phố. Anh luôn sợ nó và lúc này vẫn sợ nó; nhưng anh có hai thứ mỏng manh để bảo vệ mình: tuyết và cô gái cạnh anh.
“Katie,” anh thì thầm, “Katie…”
“Em yêu anh, Peter…”
“Katie,” anh nói, không do dự, không nhấn mạnh, vì sự chắc chắn trong lời nói của anh không cho phép bất kỳ sự kích động nào, “như này là chúng mình đính hôn rồi, đúng không em?”
Anh thấy cằm của cô khẽ động đậy khi nó cúi xuống rồi nâng lên để thốt ra một từ.
“Vâng,” cô dịu dàng nói, trang trọng đến mức lời nói nghe như thờ ơ.
Cô chưa bao giờ cho phép mình tự hỏi về tương lai, vì hỏi có nghĩa là tự thừa nhận sự nghi ngờ. Nhưng cô biết – khi cô thốt ra từ “vâng” – rằng cô đã chờ đợi giây phút này và cô sẽ phá vỡ nó nếu như cô tỏ ra quá hạnh phúc.
“Một hoặc hai năm nữa,” anh vừa nói vừa nắm chặt tay cô, “chúng mình sẽ cưới nhau. Ngay sau khi anh ổn định được và có vị thế vững chắc lâu dài trong công ty. Anh phải chăm sóc mẹ anh, nhưng chỉ một năm nữa thôi là mọi chuyện sẽ ổn cả.” Anh cố nói một cách bình thản và thực tế để không phá hỏng cảm giác tuyệt diệu mà anh đang trải qua.
“Em sẽ đợi, Peter ạ,” cô thì thầm. “Chúng mình không cần phải vội.”
“Chúng mình sẽ không kể với ai, Katie nhé… Đây là bí mật của chúng mình, chỉ của chúng mình thôi, cho đến khi…” Và bỗng nhiên một ý nghĩ đến với anh, và anh thất kinh nhận ra rằng anh không thể chứng minh nó chưa bao giờ đến với anh trước đó; nhưng thành thật mà nói thì anh biết, mặc dù nó làm anh kinh ngạc, rằng anh chưa bao giờ nghĩ đến nó trước đó. Anh đẩy cô sang một bên. Anh giận dữ nói: “Katie! Em không nghĩ đó là vì ông chú vĩ đại đáng nguyền rủa của em chứ?”
Cô cười; tiếng cười nhẹ nhàng và vô tư lự, và anh biết rằng anh đã được thanh minh.
“Chúa ơi, không, Peter! Tất nhiên là chú ấy sẽ không thích thế, nhưng chúng ta cần gì cơ chứ?”
“Chú ấy sẽ không thích thế? Tại sao?”
“Ồ, em không nghĩ là chú ấy thích chuyện cưới xin. Không phải vì chú ấy rao giảng điều gì trái đạo đức, mà là vì chú ấy luôn bảo em rằng hôn nhân là lỗi thời rồi, chỉ là một công cụ kinh tế để kéo dài thể chế tư hữu, hoặc một thứ gì tương tự như thế mà chú ấy không thích.”
“Tuyệt quá nhỉ! Chúng ta sẽ cho chú ấy thấy.”
Bằng tất cả sự chân thành, anh thấy vui vì điều đó. Nó đã giải tỏa, không phải khỏi đầu óc anh (anh đã biết là nó vô tội), nhưng khỏi đầu óc của tất cả những người khác mối nghi ngờ rằng trong tình yêu của anh dành cho cô có một chút tính toán như trong trường hợp đối với… đối với con gái của Francon, chẳng hạn. Anh nghĩ: thật lạ khi anh coi trọng điều này; và thật lạ là anh mong mỏi có thể giữ cho quan hệ của anh với cô hoàn toàn tách rời những ràng buộc với người khác.
Anh ngửa cổ ra phía sau và cảm thấy những bông tuyết cắn vào môi mình. Sau đó anh quay lại và hôn cô. Môi cô mềm mại và lạnh vì tuyết.
Mũ của cô đã trượt sang một bên, môi cô hé mở, mắt cô tròn, trông bơ vơ, lông mi cô lấp lánh. Anh giữ lòng bàn tay cô ngửa lên và nhìn nó: cô đeo một chiếc găng tay len màu đen, những ngón tay xòe ra vụng về như bàn tay một đứa trẻ; anh thấy những giọt tuyết tan trong đám sợi len của chiếc găng; chúng sáng lấp lánh trong ánh đèn của một chiếc xe chạy vụt qua.