Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Suối Nguồn

Chương V

Tác giả: Ayn Rand

Gail Wynand ngồi tại bàn làm việc và đọc các bản in thử của một bài xã luận về giá trị đạo đức của việc xây dựng các gia đình lớn. Các câu văn giống như là kẹo cao su được nhai đi nhai lại, được khạc nhổ ra và lại nhặt lên, chuyển từ cái mồm này sang cái mồm khác, xuống mặt đường, dính vào đế giày, rồi lại tới miệng, tới trí não… Ông nghĩ về Howard Roark và tiếp tục đọc tờ Ngọn cờ. Điều đó làm cho mọi việc dễ dàng hơn.

“Vẻ thanh nhã là tài sản lớn nhất của một cô gái. Hãy nhớ giặt đồ lót của bạn mỗi tối, và học cách nói chuyện về một vài đề tài văn hóa, rồi bạn sẽ có bất cứ cuộc hẹn hò nào bạn muốn.” “Tử vi ngày mai của bạn chỉ ra một điềm tốt. Sự chuyên cần và chân thành sẽ mang tới các phần thưởng trong lĩnh vực công nghệ, tài chính công và tình cảm.” “Sở thích của bà Hungtington Cole là làm vườn, xem kịch và sưu tầm bát đựng đường của Mỹ từ thời sơ khai. Bà phân chia thời gian của mình cho đứa con trai nhỏ và những hoạt động từ thiện.” “Tôi chỉ là Millie, tôi chỉ là một trẻ mồ côi.” “Để giảm cân hoàn toàn, hãy gửi mười xu và một phong bì có ghi sẵn địa chỉ và dán tem.” Ông lật các trang báo trong khi nghĩ về Howard Roark.

Ông vừa ký một hợp đồng quảng cáo với Kream-O Pudding[129] có giá trị năm năm trên toàn hệ thống Wynand; quảng cáo của họ sẽ chiếm toàn bộ hai trang trong các số báo Chủ nhật. Những người đàn ông ngồi phía trước bàn ông giống như những khải hoàn môn bằng xương bằng thịt, như cái tượng đài kỷ niệm chiến thắng của những buổi tối kiên nhẫn và tính toán, của các bàn tiệc trong nhà hàng, của những ly cốc đã cạn rượu bia, của những tháng ngày suy nghĩ, của năng lượng của ông – nguồn năng lượng sống của ông như những dòng chất lỏng đổ từ trong ly qua những bờ môi nặng nề đang hé mở, chảy qua những ngòn tay múp míp, tràn lên bàn, chảy vào hai trang báo mỗi Chủ nhật, vào những bản vẽ những cái khuôn màu vàng khắc hình quả dâu tây, những cái khuôn màu vàng đựng nước sốt làm bánh pút-đinh. Ông nhìn vượt qua đầu của những người đàn ông đó vào bức ảnh treo trên tường: vào bầu trời, dòng sông và khuôn mặt của một người đàn ông đang ngẩng cao.

Nhưng nó làm ta đau, ông nghĩ. Mỗi lần nghĩ về anh ấy, ta lại thấy đau đớn. Nó làm cho mọi thứ trở nên dễ dàng hơn… con người, những biên tập viên, những bản hợp đồng… Nhưng dễ dàng hơn là bởi vì nó làm ta quá đau đớn. Vết đau cũng là một tác nhân kích thích. Ta nghĩ rằng ta ghét cái tên đó. Ta sẽ tiếp tục lặp lại nó. Nó là nỗi đau ta muốn được mang.

Rồi khi đối diện với Roark trong phòng làm việc ở nhà, ông lại không cảm thấy đau đớn nữa; chỉ còn lại duy nhất ước muốn được cười một cách thoải mái.

“Howard, theo những lý tưởng được công bố của nhân loại thì mọi thứ anh đã làm trong cuộc đời anh đều sai lầm cả. Thế mà nhìn anh kìa. Theo một cách nào đó, anh như một tiếng cười nhạo vào mặt cả cái thế giới này.”

Roark ngồi trên một cái ghế bành bên cạnh lò sưởi. Ánh lửa sáng rực rỡ lan tỏa khắp phòng làm việc. Ánh lửa dường như uốn lượn một cách khoan khoái quanh mọi vật trong gian phòng, kiêu hãnh phô bày sắc đẹp của mình, và thừa nhận khả năng thẫm mỹ của người đàn ông đã tạo nên không gian này cho chính mình. Họ ở trong phòng một mình. Dominique đã xin phép đi nghỉ sau bữa tối. Cô biết rằng họ muốn ở một mình.

“Một tiếng cười nhạo với tất cả chúng ta,” Wynand nói. “Với tất cả mọi người trên phố. Tôi luôn nhìn những người đi trên phố. Tôi đã từng đi vào tàu điện ngầm chỉ để nhìn xem có bao nhiêu người cầm tờ Ngọn cờ. Tôi từng căm ghét họ và đôi khi cảm thấy sợ. Nhưng giờ đây tôi nhìn họ và chỉ muốn nói: ‘Ôi, những kẻ ngốc nghếch tội nghiệp!’ Vậy thôi.”

Ông gọi điện tới văn phòng Roark vào một buổi sáng.

“Anh có thể đi ăn trưa với tôi không hả Howard?… Gặp tôi ở khách sạn Nordland nửa tiếng nữa.”

Ông nhún vai mỉm cười khi ngồi đối diện với Roark trong nhà hàng.

“Chẳng có chuyện gì, Howard. Chẳng có lý do gì đặc biệt cả. Tôi vừa mới có nửa tiếng đến là ghê tởm, và tôi muốn tống khứ dư vị của nó ra khỏi miệng tôi.”

“Nửa tiếng ghê tởm gì vậy?”

“Chụp ảnh chung với Lancelot Clokey.”

“Lancelot Clokey là ai?”

Wynand cười phá ra và quên bẵng sự lịch thiệp luôn được kiểm soát của mình, quên cả cái nhìn cảnh giác của người hầu bàn.

“Vậy đó, Howard. Đó là lý do vì sao tôi phải ăn trưa với anh. Bởi vì anh có thể nói những điều như vậy.”

“Nào, có chuyện gì nào?”

“Anh không đọc sách à? Anh không biết rằng Lancelot Clokey là ‘nhà phân tích tình hình quốc tế tinh tế nhất của chúng ta’ à? Đó là lời của các nhà phê bình – trên tờ Ngọn cờ của tôi. Lancelot Clokey được một tổ chức khỉ gió nào đó chọn là tác giả xuất sắc của năm nay hay một cái gì đó đại loại thế. Chúng tôi sẽ đăng lý lịch của hắn trên bản phụ trương số báo Chủ nhật và tôi phải đứng quàng tay qua vai hắn cho người ta chụp ảnh. Hắn ta mặt áo sơ mi lụa bốc mùi rượu gin. Cuốn sách thứ hai của hắn kể về thời niên thiếu của hắn, rằng nó đã giúp hắn ra sao trong việc nắm bắt tình hình quốc tế. Cuốn sách đó đã bán được một trăm ngàn bản. Thế mà anh lại chưa bao giờ nghe về hắn. Thôi ăn trưa đi, Howard. Tôi thích nhìn anh ăn. Tôi ước gì anh nhẵn túi, thế là tôi có thể mua bữa trưa này cho anh và biết rằng anh thực sự cần nó.”

Vào cuối ngày làm việc, ông thường ghé thăm văn phòng hoặc nhà Roark mà không báo trước. Roark có một căn hộ ở tòa nhà Enright, một trong những căn hộ xây theo hình lục giác nhìn ra sông Đông: một phòng làm việc, một thư viện, một phòng ngủ. Anh đã tự mình thiết kế nội thất của gian phòng. Suốt một thời gian dài, Wynand không thể hiểu tại sao nơi này lại cho ông một ấn tượng về sự xa hoa, cho đến khi ông nhận ra rằng căn phòng không hề nhấn mạnh vào nội thất: chỉ có một không gian sạch sẽ và sự xa hoa toát ra từ chính sự giản dị mộc mạc của nó, một sự giản dị không phải dễ dàng mà có được. Đứng về giá trị tài chính thì đó là căn hộ ít tiền nhất mà Wynand đã đến thăm trong hai mươi lăm năm qua.

“Chúng ta đã khởi đầu giống nhau, Howard,” ông nói trong khi liếc nhìn quanh căn phòng của Roark. “Theo đánh giá và kinh nghiệm của tôi thì anh lẽ ra sẽ vẫn nằm dưới đáy xã hội. Nhưng anh đã không như vậy. Tôi thích căn phòng này. Tôi thích ngồi ở đây.”

“Tôi thích nhìn thấy ông ở đây.”

“Howard, anh đã bao giờ nắm quyền định đoạt cuộc sống của một ai đó chưa?”

“Chưa. Và tôi cũng sẽ không nhận nếu như người ta trao cho tôi cái quyền đó.”

“Tôi không thể tin điều đó.”

“Đã có một người đề nghị tôi điều đó, Gail. Tôi đã từ chối.”

Wynand nhìn anh với sự tò mò, đó là lần đầu tiên ông nghe thấy sự gắng gượng trong giọng nói của Roark.

“Tại sao?”

“Tôi buộc phải từ chối.”

“Vì lòng kính trọng với anh ta à?”

“Đó là một người đàn bà.”

“Ồ, anh đúng là đồ ngốc! Vì lòng kính trọng với một người đàn bà ư?”

“Vì sự kính trọng đối với bản thân tôi.”

“Đừng có nghĩ là tôi sẽ hiểu. Chúng ta là hai người đối lập.”

“Tôi từng nghĩ thế. Tôi đã muốn nghĩ như vậy.”

“Và bây giờ thì anh không nghĩ thế nữa à?”

“Không.”

“Anh không khinh bỉ tất cả những việc tôi từng làm sao?”

“Tôi khinh bỉ gần như tất cả những việc ông làm mà tôi được biết.”

“Và anh vẫn thích nhìn thấy tôi ở đây?”

“Đúng thế. Gail, có một người coi ông là tượng trưng cho cái loài ác quỷ đặc biệt đã hủy hoại ông ấy và rồi sẽ hủy hoại tôi. Ông ấy đã truyền cho tôi sự căm ghét kia. Và có một lý do khác nữa. Tôi nghĩ rằng tôi đã căm ghét ông trước khi tôi gặp ông.”

“Tôi biết vậy. Điều gì đã làm anh thay đổi suy nghĩ?”

“Tôi không thể giải thích điều đó cho ông được.”

Họ cùng lái xe tới khu đất ở Connecticut, nơi những bức tường của ngôi nhà đang vươn lên từ mặt đất băng giá. Wynand đi theo Roark qua các căn phòng tương lai. Ông đứng bên cạnh và quan sát Roark hướng dẫn những công nhân ở đó. Thỉnh thoảng Wynand đến một mình. Những người công nhân nhìn thấy một chiếc xe hai chỗ không mui màu đen leo lên con đường vòng vèo dẫn lên đỉnh đồi, và nhìn thấy hình dáng Wynand đứng từ xa ngắm nhìn công trình. Dáng vẻ của ông luôn ẩn chứa những liên tưởng về vị trí của ông: sự thanh lịch nhã nhặn của áo khoác, sự góc cạnh của chiếc mũi, dáng đứng tự tin, vừa căng thẳng vừa thoải mái, làm cho người ta nghĩ về một đế chế Wynand. Nó làm cho người ta nghĩ đến những chiếc máy in gầm gào xuyên qua các đại dương, về những tờ báo, những trang bìa tạp chí rực rỡ, những luồng sáng run rẩy của các rạp chiếu phim, những đường dây điện thoại tỏa đi khắp thế giới, một quyền lực chảy tràn vào mọi cung điện, mọi thủ đô, mọi gian phòng quan trọng và bí mật trên thế giới, ngày cũng như đêm, xuyên suốt mỗi phút giây quý giá trong cuộc sống của người đàn ông này. Ông đứng yên lặng, dựa vào bầu trời có màu xám xịt như nước thải máy giặt. Những bông tuyết rơi một cách lười biếng qua vành mũ của ông.

Vào một ngày tháng Tư, ông lái xe một mình tới Connecticut sau nhiều tuần vắng mặt.

Chiếc xe mui trần hai chỗ băng qua đồng quê, không phải như một vật thể chuyển động, mà là một dải tốc độ dài. Ông không thấy sự chuyển động trong cái hình khối nhỏ bé làm bằng kính và da ấy. Với ông dường như chiếc ô-tô đứng yên, treo lơ lửng phía bên trên mặt đất, trong khi bàn tay ông điều khiển vô lăng làm cho trái đất này bay ngang qua ông. Và ông chỉ đơn thuần chờ nơi ông muốn tới. Ông yêu quý vô lăng của chiếc xe như yêu quý bàn làm việc trong văn phòng ở tòa soạn tờ Ngọn cờ; cả hai thứ đó đều làm cho ông có cái cảm giác như có một con quái vật nguy hiểm đang nhũn người dưới sự điều khiển tài tính của các ngón tay ông.

Có một cái gì đó vụt qua tầm mắt của ông, và phải đi thêm một dặm nữa ông mới đột ngột nghĩ thật là lạ khi ông lại để ý đến nó, vì nó chỉ là một bụi cỏ ven đường. đi thêm một dặm nữa, ông nhận ra rằng càng lạ hơn vì cụm cỏ ấy màu xanh. Không thể nào khi đang giữa mùa đông – ông nghĩ – và rồi ông bất ngờ khi nhận ra rằng mùa đông đã đi qua. Ông đã rất bận rộn trong những tuần qua. Ông không có thời gian để nhận ra điều đó. Giờ đây ông nhìn thấy dấu hiệu của màu xanh trên những cánh đồng bao quanh, giống như một lời thì thầm. Ông nghe thấy trong tâm trí ông vẳng lên ba lời tuyên ngôn được khớp với nhau một cách chính xác như những bánh răng: Trời đã sang xuân – Chẳng biết ta còn bao nhiêu năm để nhìn thấy nó – Ta năm mươi lăm tuổi.

Đó là những lời tuyên ngôn, chứ không phải là những cảm xúc, ông không cảm thấy gì hết, không hề hăm hở hay sợ hãi. Nhưng ông biết rằng việc ông cần cảm nhận ý nghĩa của thời gian thật là kỳ lạ. Ông chưa bao giờ nghĩ về tuổi tác của mình trong mối liên hệ với bất kỳ đơn vị đo nào, ông chưa bao giờ định nghĩa vị trí của mình trong một dòng chảy có giới hạn. Ông đã là Gail Wynand, đã tồn tại vững chắc, như chiếc ô-tô này, nhiều năm đã qua, giống như trái đất này, như động cơ trong cơ thể ông, động cơ đã điều khiển chuyến bay của những năm tháng.

Không, ông nghĩ, ta không hối tiếc gì cả. Ta đã để lỡ một vài điều nhưng ta không hề hối tiếc, bởi vì ta đã yêu cuộc đời của ta như nó vốn có, kể cả những phút giây ta cảm thấy trống rỗng, kể cả những khi ta không tìm thấy lời giải đáp trong cuộc đời ta. Nhưng ta yêu nó.

Nếu như câu chuyện truyền thuyết về việc mỗi người rồi sẽ phải đứng trước một vị quan tòa tối cao và liệt kê những thành tích của mình là có thật; thì ta, với tất cả niềm tự hào của mình, sẽ liệt kê – không phải những thứ ta đã làm được – mà chỉ một thứ, một thứ ta chưa bao giờ làm trên trái đất này: đó là ta chưa bao giờ tìm kiếm bất cứ sự phê chuẩn nào từ bên ngoài. Ta sẽ đứng lên và nói: Tôi là Gail Wynand, người đã phạm phải mọi tội lỗi, trừ một tội lỗi lớn hơn cả: đó là tội tiêu phí sự sống tuyệt vời vào những thứ phù phiếm và tìm kiếm mục đích sống bên ngoài bản thân mình. Đây là niềm tự hào của ta: giờ đây, khi nghĩ về đoạn kết, ta không kêu khóc như tất cả những người ở cùng tuổi ta rằng đâu là mục đích và ích lợi của cuộc sống? Ta chính là ích lợi và ý nghĩa, Ta, Gail Wynand. Ta đã sống và Ta đã hành động.

Ông lái xe xuống chân đồi và đạp phanh xe, giật nảy mình khi nhìn lên phía trên. Trong thời gian ông vắng mặt, ngôi nhà đã hiện hình. Bây giờ đã có thể nhận được ra ngôi nhà ấy, nó giống y như bản vẽ. Trong chốc lát, ông phân vân như một đứa trẻ liệu có đúng là ngôi nhà ấy đã mọc lên từ trong bản phác thảo không nhỉ? Cứ như thể ông chưa bao giờ thật sự tin rằng sẽ có một ngày ngôi nhà sẽ được xây lên đúng như thế. Ngôi nhà mọc lên, tựa mình vào bầu trời xanh nhạt, chưa hoàn thành và trông vẫn giống như một bản vẽ dang dở; những mặt phẳng của phần nề giống như những mảng màu nước, những cột ván trần trụi của giàn giáo giống như những nét chì, cả ngôi nhà như một bản thiết kế khổng lồ trên nền giấy xanh nhạt.

Ông rời khỏi xe và đi bộ lên đỉnh đồi. Ông nhìn thấy Roark giữa những người công nhân. Ông đứng phía ngoài và quan sát cách Roark đi ngang qua công trình, cách anh quay đầu hoặc giơ tay lên để chỉ. Ông nhận ra dáng vẻ của Roark khi dừng lại: chân anh dang ra, các cánh tay buông dọc thân hình, đầu ngẩng cao; một tư thế toát ra sự tự tin bản năng và một nguồn năng lượng tự phát không cần có một sự nỗ lực kiểm soát nào, một khoảnh khắc mà con người anh cũng gọn gàng sạch sẽ giống như công trình của chính anh vậy. Wynand nghĩ thầm, một kết cấu là lời giải cho bài toán về các sức ép đối nghịch, về sự cân bằng và về độ an toàn.

Ông nghĩ: không có những yếu tố cảm tính trong việc dựng lên một tòa nhà, đó chỉ là một công việc cơ học, giống như việc lắp đặt đường ống thoát nước hay việc sản xuất ra một loại xe ô-tô. Và rồi ông tự hỏi tại sao khi nhìn Roark, ông lại có cái cảm giác như khi ở trong gallery của mình. Wynand nghĩ: anh ta thuộc về những công trình chưa hoàn thành, hơn là một công trình đã hoàn thành, hơn là khi ngồi ở bàn vẽ; đây chính là chỗ của anh ta; nó thích hợp với anh ta – như Dominique đã nói rằng cái thuyền buồm thích hợp với ta.

Sau đó Roark đi ra và họ cùng đi bộ theo triền đồi, xuyên qua những đám cây. Họ ngồi xuống một nhánh cây đổ và nhìn ngôi nhà từ xa, qua những bụi cây. Những thân cây khô và trơ trụi, nhưng có thể cảm nhận được sức sống của mùa xuân từ sự reo vui của những cành nhánh đang vươn thẳng lên trời một cách ngạo nghễ, từ sự lay động hàm chứa một mục đích rõ ràng, quả quyết.

Wynand hỏi:

“Howard, anh đã từng yêu bao giờ chưa?”

Roark quay lại nhìn thẳng vào ông và trả lời khẽ:

“Tôi vẫn đang yêu.”

“Nhưng khi anh đi xuyên qua một công trình, cái anh cảm thấy còn lớn hơn thế, phải không?”

“Lớn hơn nhiều, Gail.”

“Tôi đang nghĩ về những người vẫn nói rằng hạnh phúc là điều không thể có trên trái đất này. Hãy nhìn xem tất cả bọn họ phải vất vả như thế nào để tìm kiếm một vài niềm vui trong cuộc sống. Hãy nhìn xem họ giành giật lấy hạnh phúc như thế nào. Tại sao mọi sinh vật trên trái đất này lại phải sống trong đau khổ? Người ta dùng cái quyền chính đáng nào để đòi hỏi con người tồn tại vì bất cứ thứ gì khác, ngoại trừ niềm vui của chính bản thân anh ta? Tất cả bọn họ đều muốn có niềm vui đó. Mỗi bộ phận trong cơ thể anh ta muốn có niềm vui đó. Nhưng họ không bao giờ tìm thấy nó. Tôi không biết tại sao. Họ than vãn và nói họ không hiểu được ý nghĩa của cuộc đời. Có một loại người mà tôi đặc biệt kinh ghét. Đó là những kẻ luôn tìm kiếm một loại mục đích sống cao hơn hoặc một ‘mục đích phổ quát’. Họ không hiểu sống để làm gì, họ rên rỉ rằng họ phải ‘tìm thấy bản thân mình’. Anh nghe thấy những điều như vậy ở khắp mọi nơi xung quanh ta. Đó dường như là thứ thuốc an thần chính thống của thế kỷ này. Mọi cuốn sách anh mở ra. Mọi lời tự thú dài dòng. Việc xưng tôi dường như trở thành một thứ cao quý. Tôi nghĩ rằng đó mới là thứ đáng hổ thẹn nhất trên đời.”

“Hãy xem này, Gail.” Roark đứng dậy, đưa tay ra và giật một cành cây từ một cái cây. Anh cầm nó bằng cả hai tay, mỗi bàn tay nắm một đầu; rồi cổ tay và khủy tay của anh căng ra, anh từ từ uốn cong nhánh cây đó thành một hình vòng cung. “Bây giờ tôi có thể làm cái gì tôi muốn từ cái cành cây này: một cây cung, một ngọn giáo, một cái gậy, hay một hàng rào. Đó là ý nghĩa của cuộc sống.”

“Sức mạnh của anh ư?”

“Lao động của anh.”

Anh quẳng nhánh cây sang bên cạnh. “Nguyên vật liệu mà trái đất cung cấp cho ta và cái mà ta làm ra từ những nguyên liệu ấy… Ông đang nghĩ gì vậy hả Gail?”

“Về bức ảnh trên tường ở trong văn phòng tôi.”

*

* *

Phải luôn kiềm chế, như anh ấy mong muốn; phải kiên nhẫn, phải biến kiên nhẫn thành một trách nhiệm mà ta tự nguyện thực hiện hàng ngày một cách có ý thức; phải đứng trước Roark và để sự bình thản của ta nói với anh rằng: “Đây là điều khó khăn nhất mà anh từng yêu cầu em, nhưng em vui lòng thực hiện, nếu như đó là những gì anh muốn.” – đó là nguyên tắc sống của Dominique.

Cô đứng bên cạnh, như một khán giả yên lặng của Roark và Wynand. Cô yên lặng quan sát họ. Cô từng muốn hiểu Wynand. Và đây là câu trả lời.

Cô chấp nhận các cuộc viếng thăm của Roark tới nhà của họ và chấp nhận rằng trong những tiếng đồng hồ của các buổi tối đó, anh thuộc về Wynand, chứ không phải cô. Cô gặp anh như một bà chủ nhà lịch thiệp, hờ hững và tươi cười, không phải như một người bình thường mà như một đồ vật thanh nhã trong nhà của Wynand. Cô ngồi đầu bàn ăn trong bữa tối, rồi sau đó để mặc họ trong phòng làm việc.

Cô ngồi một mình trong phòng khách, tắt đèn và cửa mở rộng. Cô ngồi thẳng và yên lặng. Mắt cô nhìn vào vạch sáng rọi ra từ khe cánh cửa phòng làm việc đối diện. Cô nghĩ: Nhiệm vụ của ta là nhìn vào cánh cửa đó như khi ta nhìn thấy anh ở đây, không được phàn nàn, một nhiệm vụ cả khi một mình, cả khi trong bóng tối, khi không ai biết ngoài chính ta… Roark, nếu đây là sự trừng phạt mà anh đã dành cho em, em sẽ tuân theo đầy đủ, không phải như một vở diễn trước mặt anh, mà như một nhiệm vụ em phải thực hiện một mình – anh biết rằng chịu đựng một sự tra tấn về thể xác không khó đối với em, chỉ có sự kiên nhẫn mới thật là khó khăn, anh đã chọn cái khó nhất, và em phải thực hiện nó, phải dâng cái đó cho anh… người yêu quý nhất… của em.

Khi Roark nhìn cô, ánh mắt anh không hề phủ nhận những ký ức. Ánh mắt ấy nói đơn giản rằng không có gì thay đổi và không có gì cần phải nói ra. Cô cảm nhận như đang nghe anh nói: Tại sao em lại sốc? Chúng ta đã từng xa cách ư? Phòng khách của em, chồng của em và cái thành phố mà em khiếp sợ ở phía của sổ kia, chúng có thực lúc này không, Dominique? Em có hiểu không? Em đã bắt đầu hiểu rồi phải không?

“Có,” cô thường đột nhiên nói to, tin tưởng rằng lời nói đó thích hợp với cuộc hội thoại lúc này, và biết rằng Roark có thể nghe thấy câu trả lời của cô.

Đó không phải là sự trừng phạt mà anh đã chọn cho cô. Đó là một nguyên tắc áp đặt lên cả hai người; đó là bài kiểm tra cuối cùng. Cô hiểu được mục đích của anh khi cô hiểu rằng cô có thể cảm thấy tình yêu của cô dành cho anh, qua căn phòng này, qua Wynand, thậm chí qua tình cảm của anh dành cho Wynand và cô, qua cái tình thế bất khả, qua sự im lặng bắt buộc của cô – những trở ngại này chứng minh với cô rằng không có một trở ngại nào có thể tồn tại.

Cô không tìm gặp anh một mình. Cô chờ đợi.

Cô không tới thăm công trường xây dựng. Cô đã nói với Wynand: “Em sẽ nhìn ngôi nhà khi nào nó được xây xong.” Cô không bao giờ hỏi ông về Roark. Khi Wynand về nhà vào lúc tối muộn và nói với cô rằng ông đã ở cả buổi tối tại căn hộ của Roark, nơi cô chưa bao giờ nhìn thấy, cô yên tay mình trên thành ghế, để ngăn cản bất cứ một sự bộc phát tình cảm nào, cánh tay cô như là một chiếc phong vũ biểu đo sức chịu đựng của cô.

Một lần cô không kìm được và hỏi:

“Cái gì vậy, Gail? Một kiểu ám ảnh à?”

“Anh đoán thế.” Ông nói thêm: “Thật lạ là em không thích anh ấy.”

“Em chưa từng nói vậy.”

“Anh có thể hiểu được. Anh không thực sự ngạc nhiên. Đó là kiểu của em. Em phải ghét anh ta… chính bởi vì anh ấy là kiểu đàn ông mà em sẽ thích… Đừng bực mình với sự ám ảnh của anh.”

“Em không bực với nó.”

“Dominique, em có hiểu được không nếu anh nói với em rằng anh yêu em nhiều hơn kể từ khi anh gặp anh ấy? Thậm chí – anh muốn nói điều này – thậm chí khi em nằm trong tay anh, chuyện đó lớn hơn lúc trước. Anh cảm thấy mình có quyền lớn hơn với em.”

Ông nói với một sự tự tin đơn giản mà họ đã dành cho nhau trong suốt ba năm qua. Cô ngồi nhìn ông như cô luôn luôn làm vậy; cái nhìn của cô ẩn chứa một sự dịu dàng không trách móc và một nỗi buồn không mang sự thương hại.

“Em hiểu mà Gail.”

Sau một thoáng, cô hỏi:

“Anh ấy là gì đối với anh vậy Gail? Một kiểu đền thờ à?”

“Một kiểu áo tu sĩ[130]” Wynand nói.

Khi cô đã lên gác, ông tới bên cửa sổ và đứng nhìn lên bầu trời cao. Đầu ông ngã về sau, ông cảm nhận được sức căng của những cơ bắp ở cổ và ông phân vân tự hỏi không biết cái cảm giác thiêng liêng khi ngắm nhìn bầu trời đến từ cảnh tượng mà người ta nhìn thấy hay chính cái hành động ngẩng lên của đầu mình.

Bình luận
× sticky