Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Suối Nguồn

Chương VII

Tác giả: Ayn Rand

Khi Dominique xuống tàu ở New York, Wynand đã chờ cô ở đó.

Trong suốt mấy tuần lễ ở Reno, cô đã không viết thư cho ông cũng như không nhận được tin tức gì của ông. Cô đã không báo cho bất cứ ai về việc cô quay lại New York. Nhưng nhìn dáng đứng điềm tĩnh một cách quả quyết của ông trên sân ga, cô biết rằng ông đã liên lạc với các luật sư của cô, đã theo dõi sát sao việc ly hôn của cô, đã biết ngày mà người ta cấp giấy chứng nhận ly hôn, biết cả giờ cô lên tàu và số toa tàu của cô.

Ông không tiến lên khi nhìn thấy cô. Chính cô là người bước về phía ông, bởi vì cô biết ông muốn nhìn thấy cô bước, cho dù chỉ một quãng ngắn. Cô không mỉm cười, nhưng khuôn mặt cô toát ra một vẻ thanh thản đáng yêu như thể một nụ cười.

“Chào ông, Gail.”

“Chào em, Dominique.”

Cô đã không nghĩ đến ông khi ông vắng mặt, cô không nghĩ một cách rõ ràng, cũng không thấy có cảm giác riêng tư nào về sự hiện hữu của ông; nhưng giờ đây, cô cảm thấy một sự nhận biết tức thì. Đó là cảm giác đoàn tụ với một người cô biết rõ và cần đến.

Ông nói: “Đưa thẻ lấy hành lý của em cho tôi, tôi sẽ cho người đến lấy sau; ô-tô của tôi ở bên ngoài.”

Cô đưa thẻ cho ông và ông đút nó vào túi áo. Cả hai biết rằng họ phải quay người và đi qua sân ga về phía cổng ra, nhưng những việc mà họ dự định sẽ làm đều cùng lúc bị phá vỡ, vì họ không quay đi mà cùng đứng nguyên ở đó, nhìn nhau.

Ông là người cố gắng sửa chữa sự phạm quy trước. Ông mỉm cười nhẹ nhàng.

“Nếu như tôi có quyền nói, tôi sẽ nói rằng tôi đã không thể chờ đợi được nếu tôi biết trước trông em sẽ như thế này. Nhưng mà tôi không có cái quyền đấy, nên tôi sẽ không nói ra.”

Cô cười to. “Được rồi, Gail. Đấy cũng là một hình thức giả vờ – cái việc chúng ta quá thoải mái với nhau ấy. Nó sẽ làm cho mọi việc trở nên quan trọng hơn chứ không tầm thường đi, đúng không? Hãy nói bất cứ thứ gì mà chúng ta muốn nói.”

“Tôi yêu em,” ông nói, giọng ông vô cảm, như thể ông vừa tuyên bố về một nỗi đau và không phải tuyên bố với cô.

“Tôi rất vui được quay về với ông, Gail. Tôi đã không biết là tôi sẽ cảm thấy như thế này, nhưng tôi rất vui.”

“Theo cách nào hả Dominique?”

“Tôi không biết. Tôi nghĩ là theo cách lây nhiễm từ ông. Theo cách quả quyết và bình yên.”

Rồi họ nhận ra rằng họ đang nói chuyện với nhau giữa một sân ga đông đúc, với những con người và xe chở hành lý đang hối hả qua lại.

Họ đi ra ngoài đường, về phía xe của ông. Cô không hỏi xem họ đang đi đâu; và cô không quan tâm. Cô ngồi yên lặng bên cạnh ông. Cô thấy mình bị phân tách, hầu như toàn bộ trí óc cô bị cuốn đi bởi mong muốn không kháng cự lại, nhưng một phần nhỏ lại làm cô băn khoăn về cái mong muốn đó. Cô cảm thấy cái khao khát để cho ông nâng đỡ cô, một cảm giác tin cậy không suy tính, dù không phải sự tin cậy một cách hạnh phúc, nhưng vẫn là một sự tin cậy. Một lúc sau, cô nhận thấy tay cô nằm trong tay ông, những ngón tay đi găng của cô áp vào những ngón tay của ông, chỉ có ở chỗ cổ tay trần của cô chạm vào da thịt ông. Cô đã không nhận ra việc ông nắm tay cô; nó có vẻ quá tự nhiên và cũng là điều cô đã mong muốn từ lúc cô nhìn thấy ông. Nhưng cô không thể cho phép bản thân cô muốn điều đó.

“Chúng ta đang đi đâu, Gail?” cô hỏi.

“Đi lấy giấy chứng nhận. Sau đó tới văn phòng thẩm phán. Để kết hôn.”

Cô từ từ ngồi thẳng dậy, quay mặt về phía ông. Cô không rút tay ra, nhưng những ngón tay của cô cứng lại, tự chủ, và xa lạ với ông.

“Không,” cô nói.

Cô mỉm cười và giữ nụ cười ấy quá lâu, với một sự chính xác có chủ ý và kiên quyết. Ông nhìn cô điềm tĩnh.

“Tôi muốn có một đám cưới thật sự, Gail. Tôi muốn nó được tổ chức tại khách sạn phô trương nhất thành phố. Tôi muốn những thiếp mời in chữ nổi, khách khứa, hàng đám khách; tôi muốn có những nhân vật nổi tiếng, hoa, máy ảnh, và máy quay phim. Tôi muốn một đám cưới mà thiên hạ trông đợi ở Gail Wynand.”

Ông buông những ngón tay cô, đơn giản, không hề phật ý. Trông ông có vẻ lơ đãng trong giây lát, như thể là ông đang nhẩm tính một bài toán số học không quá khó. Sau đó ông nói:

“Được rồi. Phải mất một tuần để thu xếp những việc này. Tôi có thể yêu cầu làm những việc đó trong tối nay, nhưng nếu là thiếp mờ in chữ nổi thì chúng ta phải báo trước cho khách khứa ít nhất một tuần. Nếu không, mọi việc sẽ có vẻ bất thường, mà em lại muốn có một đám cưới Gail Wynand bình thường. Bây giờ tôi sẽ đưa em tới một khách sạn và em sẽ ở đó một tuần. Tôi đã không lên kế hoạch cho việc này, nên tôi chưa đặt chỗ. Em muốn ở đâu?”

“Ở căn hộ của ông.”

“Không được.”

“Thế thì ở khách sạn Nordland.”

Ông ngả người về phía trước và nói với người lái xe: “John, đến Nordland.”

Trong sảnh chính của khách sạn, ông nói với cô:” Tôi sẽ gặp em một tuần nữa kể từ hôm nay, thứ Ba, ở khách sạn Noyes-Belmont, Vào lúc bốn giờ chiều. Thiệp mời sẽ phải đứng tên em. Em hãy báo trước với ông ấy là tôi sẽ liên lạc với ông ấy. Tôi sẽ lo những việc còn lại.”

Ông cúi đầu chào, phong thái của ông không đổi; sự bình tĩnh của ông vẫn có một vẻ riêng biệt, do hai thứ tạo thành: sự tự chủ hoàn toàn của một người đàn ông biết rõ về khả năng làm chủ của bản thân đến mức làm cho nó trở nên thoải mái, và sự đơn giản của một đứa trẻ chấp nhận mọi sự kiện như thể nó không thể làm gì để thay đổi chúng.

Cô không gặp ông trong suốt tuần lễ đó. Cô thấy mình nôn nóng chờ đợi.

Cô gặp lại ông khi cô đứng bên cạnh ông, đối diện với thẩm phán, người tuyên bố lễ thành hôn trước sự yên lặng của sáu trăm người trong phòng khiêu vũ được thắp đèn sáng trưng của khách sạn Noyes-Belmont.

Cái quang cảnh đám cưới mà cô muốn có được sắp đặt hoàn hảo đến mức nó tự trở htành một bức tranh biếm họa. Nó không còn là một đám cưới cụ thể của giới thượng lưu mà là một nguyên mẫu khách quan cho sự dung tục xa hoa, hào nhoáng. Ông đã hiểu nguyện vọng của cô và phục tùng nó một cách chính xác, tỉ mỉ; ông đã từ chối mong muốn của bản thân là không làm ầm ỹ mọi việc; ông đã không dàn dựng đám cưới một cách sơ sài mà tổ chức nó thật đẹp đẽ, theo đúng phong thái mà Gail Wynand, ông chủ báo, sẽ lựa chọn nếu như ông muốn tổ chức đám cưới trước công chúng. Có điều, Gail Wynand không muốn tổ chức đám cưới trước công chúng.

Ông khiến bản thân mình hài hòa với xung quanh, cứ như thể ông là một phần của giao kèo này, và buộc phải có phong thái tương xứng. Khi ông bước vào, cô thấy ông nhìn đám khách như thể ông không nhận ra rằng đám khách ấy phù hợp với những buổi công chiếu ở Nhà Hát Lớn hay một buổi bán đấu giá các đồ lặt vặt của hoàng gia cứ không phù hợp với giây phút thiêng liêng nhất của cuộc đời ông. Trông ông đàng hoàng và cực kỳ nổi bật.

Rồi cô đứng cạnh ông; cả đám đông biến thành một sự im lặng nặng nề và một cái nhìn chòng chọc sau lưng ông; rồi họ đứng đối diện với thẩm phán. Cô mặc một cái váy dài màu đen và một bó hoa nhài tươi mà ông tặng được đính vào cổ tay cô bằng một sợi ruy-băng màu đen. Dưới vành mũ viền đăng-ten đen, khuôn mặt cô hướng về phía ông thẩm phán; ông ta nói chậm rãi, nhả từng chữ một vào trong không khí.

Cô liếc nhìn Wynand. Ông không nhìn cô, cũng không nhìn ông thẩm phán. Rồi cô thấy ông chỉ có một mình trong căn phòng này. Ông làm chủ khoảnh khắc này và ông được tạo nên bởi nó, bởi sự hào nhoáng, bởi sự thông tục, bởi chiều cao lặng lẽ của chính ông. Ông đã không mong muốn một nghi lễ tôn giáo, thứ mà ông chẳng coi trọng. Ông cũng không coi trọng việc người ta đọc vào mặt ông những lời lẽ có sẵn trong thể thức cưới xin của chính quyền[121]. Tuy nhiên ông cư xử như thể nghi lễ này là một nghi lễ tôn giáo thuần khiết. Cô nghĩ nếu như cô đang làm đám cưới với Roark cũng trong bối cảnh như thế này, Roark hẳn cũng sẽ đứng như vậy.

Tiếp đó, sự khôi hài của buổi tiếp tân hoành tráng làm cho ông trở nên miễn dịch. Ông cùng với cô đứng tạo dáng cho đám thợ ảnh; ông lịch lãm làm theo mọi yêu cầu của cánh nhà báo – một đám đặc biệt, huyên náo nhất trong đám khách khứa. Ông đứng với cô ở chỗ tiếp tân, lần lượt bắt cả cái dây chuyền những bàn tay lăn ngang qua họ suốt mấy tiếng đồng hồ. Những ánhđèn, những giỏ hoa loa kèn khô, âm thanh của dàn nhạc dây, cả dòng người tràn vào và tỏa ra khắp căn phòng sau khi nhận một ly sâm-banh dường như không chạm được vào ông. Cả những vị khách đã đến đây vì buồn chán, vì căm ghét, vì thiệp mời mang cái tên đáng sợ của ông, vì hiếu kỳ với những vụ xì-căng-đan cũng không chạm được vào ông. Trông ông như thể o oko biết đến đám khách khứa tự cho rằng họ xứng đáng được đến xem lễ tế thần của ông; không biết rằng sự có mặt của họ đánh dấu phép ban phước bắt buộc đối với lễ tế thần này; rằng trong số hàng trăm người có mặt, chỉ có ông và cô dâu của ông nhận thấy rằng vở diễn này thật ghê tởm.

Cô chăm chú quan sát ông. Cô muốn nhìn thấy ông cảm thấy hài lòng với tất cả những thứ này, dù chỉ trong giây lát. Hãy để ông chấp nhận và hòa nhập vào cuộc vui, dù chỉ một lần; hãy để ông trưng ra cái hồn của tờ Ngọn cờ New York theo đúng cách của nó. Nhưng cô không nhìn thấy một sự chấp nhận nào. Đôi lúc cô nhìn thấy dấu ấn của một nỗi đau; nhưng thậm chí cả nỗi đau đó cũng không hoàn toàn chạm được vào ông. Và cô nghĩ tới một người đàn ông khác, người duy nhất đã nói với cô rằng mọi nỗi đau chỉ xuống sâu được đến một điểm nhất định.

Theo những quy tắc của đám cưới thì họ được tự do rời khỏi phòng tiệc sau những lời chúc mừng cuối cùng. Nhưng ông không có động thái về việc rời đi. Cô biết là ông đang chờ quyết định của cô. Cô rời khỏi ông và đi về phía những đám khách; với một ly sâm-banh trong tay, cô mỉm cười, cúi đầu chào và lắng nge những câu chuyện tẻ nhạt.

Cô nhìn thấy cha cô trong đám đông. Trông ông tự hào và đăm chiêu; ông có vẻ hoang mang. Ông đã đón nhận tin đám cưới của cô một cách yên lặng; ông đã nói: “Cha muốn con được hạnh phúc, Dominique. Cha rất muốn điều đó. Cha hy vọng ông ấy là người đàn ông thích hợp.” Giọng điệu của ông cho thấy ông cũng không được chắc chắn lắm.

Cô nhìn thấy Ellsworth Toohey trong đám đông. Ông nhận ra cô đang nhìn ông và vội vã quay đi chỗ khác. Cô muốn cười to; nhưng lúc này, việc Ellsworth Toohey bị chộp thình lình vào lúc sơ ý cũng chẳng quan trọng đến mức phải cười.

Alvah Scarret rẽ đám đông đi về phía cô. Ông cố gắng để có một sự biểu cảm thích hợp, nhưng khuôn mặt ông vừa đau khổ lại vừa sưng sỉa. Ông lầm bầm điều gì đó rất nhanh về việc chúc cô hạnh phúc, nhưng liền sau đó ông nói một cách rành mạch với vẻ giận dữ:

“Tại sao hả Dominique? Tại sao?”

Cô không thể tin rằng Alvah Scarret lại cho phép mình lỗ mãng như cái cách mà câu hỏi của ông dường như có ngụ ý. Cô lạnh lùng nói:

“Anh đang nói về cái gì thế, Alvah?”

“Dĩ nhiên là về cái lệnh cấm.”

“Lệnh cấm nào?”

“Cô biết rất rõ lệnh cấm nào mà. Bây giờ tôi hỏi cô, tại sao lại để mọi tờ báo trong cái thành phố này, từng tờ khốn kiếp một, ngay cả những tờ lá cải rẻ tiền nhất, lại còn cả dịch vụ điện tín nữa. Tất cả trừ tờ Ngọn cờ! Tất cả trừ những tờ báo của Wynand! Tôi biết ăn nói thế nào với mọi người? Tôi biết giải thích thế nào đây? Đấy là cách cô đối xử với một người bạn cũ của cô đấy à?

“Anh nên nhắc lại điều đó, Alvah.”

“Cô định nói là cô không hề biết việc Gail không cho phép bất cứ phóng viên nào của chúng ta ở đây? Rằng ngày mai chúng tôi không được có bất cứ một câu chuyện, một trang tin nào, không một bức ảnh, không gì ngoài hai dòng ở trang thứ mười tám?”

“Không” – cô nói – “Tôi không biết điều đó.”

Ông ngạc nhiên trước cử động đột ngột của cô khi cô quay người bỏ đi. Cô đưa ly sâm-banh cho một người xa lạ đầu tiên trong tầm mắt, người mà cô tưởng nhầm là phục vụ. Cô lách qua đám đông đi về phía Wynand.

“Đi thôi, Gail.”

“Được thôi, em yêu.”

Chính cô cũng không thể tin nổi là cô đang đứng giữa phòng khách trong căn hộ của ông và nghĩ rằng nơi này giờ đây là nhà của cô, rằng nó trông đúng là nhà cô.

Ông quan sát cô. Ông chẳng có vẻ gì là muốn nói chuyện hay chạm vào cô, mà chỉ quan sát cô ở đây, trong nhà của ông; quan sát việc cô đã được đưa đến đây, phía bên trên thành phố. Ông quan sát như thể khoảnh khắc này có ý nghĩa quá lớn và ông không thể chia sẻ, ngay cả với cô.

Cô bước chậm chạp ngang qua căn phòng, bỏ mũ xuống, và đứng tựa vào mép bàn. Cô tự hỏi vì sao cái mong muốn thông thường của cô là được im lặng, giữ kín mọi chuyện, lại bị vỡ tan tành khi đứng trước ông; vì sao cô lại cảm thấy buộc phải có một sự thẳng thắn đơn giản mà cô không thể có với bất cứ một ai khác.

“Cuối cùng thì ông vẫn làm được theo ý ông, Gail. Ông đã kết hôn như ông mong muốn được kết hôn.”

“Phải, tôi cũng nghĩ vậy.”

“Cố gắng tra tấn ông thật vô ích.”

“Phải. Nhưng tôi cũng chẳng phiền lòng khi bị tra tấn.”

“Ông không thấy phiền?”

“Không. Nếu như đó là những điều em muốn, thì tôi chỉ việc giữ lời hứa thôi.”

“Nhưng mà ông căm ghét nó, Gail.”

“Hoàn toàn đúng. Nhưng thế thì đã sao? Chỉ có khoảnh khắc đầu tiên là khó khăn – khi em nói điều đó trong xe. Sau đấy, tôi thấy khá vui với chuyện đó.” Ông nói một cách bình tĩnh, hoàn toàn tương xứng với sự thẳng thắn của cô; cô biết rằng ông sẽ để cô lựa chọn, ông sẽ làm theo cô, ông sẽ giữ yên lặng hoặc thừa nhận bất cứ cái gì cô muốn phải được thừa nhận.

“Tại sao?”

“Chẳng lẽ em không nhận ra sai lầm của em à – nếu có thể gọi đó là sai lầm. Nếu như em hoàn toàn không quan tâm đến tôi thì hẳn em đã không muốn làm tôi phải chịu đựng.”

“Không. Đó không phải là sai lầm.”

“Em là một người thua cuộc biết điều, Dominique ạ.”

“Tôi nghĩ điều đó cũng lây từ ông đấy, Gail. Và có một việc tôi muốn cảm ơn ông.”

“Việc gì?”

“Việc ông đã cấm những tờ báo Wynand đến đám cưới chúng ta.” Ông nhìn cô; trong khoảnh khắc, ánh mắt ông có một vẻ tỉnh táo đặc biệt; rồi ông mỉm cười.

“Việc em cảm ơn tôi về điều đó thật chẳng đúng với tính cách của em.”

“Việc ông làm như thế cũng chẳng đúng với tính cách của ông.”

“Tôi buộc phải làm như thế. Nhưng tôi đã nghĩ rằng em sẽ nổi giận.”

“Đáng ra thì đã như thế. Nhưng tôi đã không. Và giờ cũng không. Tôi biết ơn ông.”

“Một người có thể biết ơn một sự biết ơn không nhỉ? Hơi khó diễn đạt, nhưng đó là những gì tôi cảm thấy, Dominique.”

Cô nhìn ánh sáng dìu dịu trên những bức tường xung quanh cô. Ánh sáng ấy là một phần của căn phòng; nó làm cho bức tường có một bề mặt đặc biệt, như không phải làm bằng vật liệu thường hay được quét màu. Cô nghĩ rằng có những căn phòng khác ở phía sau những bức tường này, những căn phòng cô chưa nhìn thấy bao giờ và nay thuộc về cô. Và cô nhận thấy là cô muốn chúng thuộc về mình.

“Gail, tôi chưa hỏi ông là bây giờ chúng ta sẽ làm gì. Chúng ta có đi xa không? Chúng ta có đi tuần trăng mật không? Thật buồn cười là tôi thậm chí không hề nghĩ về điều này. Tôi chỉ nghĩ về đám cưới và không nghĩ gì thêm. Cứ như thể là tất cả dừng lại ở đó và ông sẽ đảm nhận những việc về sau. Cái này cũng không đúng tính cách, Gail.”

“Nhưng lần này tôi không đồng tình. Thụ động không phải là một dấu hiệu tốt. Không phải là với em.”

Có thể chứ – nếu như tôi thấy hài lòng với điều đó.”

“Có thể. Mặc dù nó sẽ chẳng kéo dài. Không, chúng ta sẽ chẳng đi đâu cả. Trừ khi em muốn đi.”

“Không.”

“Thế thì chúng ta ở đây. Đây cũng là một cách tạo ngoại lệ khác thường nữa. Một cách phù hợp với em và tôi. Với hai chúng ta thì đi xa luôn đồng nghĩa với bỏ đi. Lần này chúng ta không bỏ đi nữa.”

“Được thôi, Gail.”

Khi ông ôm cô và hôn cô, cánh tay cô gập lại, chèn giữa người cô và người ông, bàn tay cô bám vào vai mình và cô cảm thấy má chạm vào đóa hoa nhài đã héo ở cổ tay; mùi hương của nó vẫn còn nguyên, vẫn là thứ mùi tinh tế gợi người ta nhớ đến mùa xuân.

Khi cô bước vào phòng ngủ của ông, cô nhận thấy nó không phải là nơi mà cô đã nhìn thấy trong các bức ảnh trên vô số các tờ tạp chí. Cái lồng kính đã bị dỡ bỏ. Thay vào đó là một căn phòng khép kín như một cái hầm, không hề có cửa sổ. Nó được thắp sáng và có điều hòa nhiệt độ nhưng cả ánh sáng và không khí đều không đến từ bên ngoài.

Cô nằm trên giường ông và cô ấn hai lòng bàn tay xuống tấm ga trải giường lạnh, nhẵn ở hai bên mình; cô giữ không để cho cánh tay cô dịch chuyển và chạm vào ông. Nhưng sự cứng đờ vô cảm ở cô không làm ông nổi giận. Ông hiểu. Ông cười lớn. Cô nghe thấy ông nói – giọng ông thô ráp, không nương nhẹ và có vẻ thích thú “Chẳng ích gì đâu, Dominique.” Và cô biết rằng cái hàng rào này giữa hai người sẽ không đứng vững; rằng cô không hề có sức mạnh để giữ nó. Cô thấy câu trả lời ngay trong cơ thể cô – câu trả lời của sự thèm khát, của sự chấp thuận, của sự thỏa mãn. Cô nghĩ đây không phải là chuyện của ham muốn nhục dục, cũng chẳng phải chuyện một hành động tình dục; mà là chuyện đàn ông luôn mang sức mạnh cuộc sống và một người đàn bà luôn đáp lại điều này, rằng người đàn ông nằm cạnh cô mang một ý chí sống – thứ sức mạnh cơ bản nhất của con người – và hành động này chỉ là một tuyên ngôn giản đơn nhất của sức mạnh đó, và rằng cô không đáp lại bản thân hành động hay bản thân người đàn ông, mà cô đang đáp lại cái sức mạnh trong con người ông.

*

* *

“Thế nào, bây giờ thì anh đã hiểu vấn đề chưa? Ellsworth Toohey hỏi.

Ông đứng tựa người một cách hờ hững vào lưng ghế của Scarret, còn Scarret ngồi nhìn xuống cái giỏ mây đựng đầy thư từ để bên cạnh bàn.

“Hàng nghìn” – Scarret thở dài “hàng nghìn cái, Ellsworth. Ông phải đọc họ gọi ông ấy là cái gì. Tại sao ông ấy lại không cho in bài về đám cưới của mình cơ chứ? Ông ấy xấu hổ vì cái gì? Ông ấy có gì phải che đậy chứ? Tại sao ông ấy lại không cưới trong nhà thờ, như bất cứ một người đàn ông đứng đắn nào khác? Làm sao mà ông ấy lại đi cưới một người đàn bà đã ly dị chứ? Đấy là điều mà tất cả bọn họ thắc mắc. Hàng nghìn người. Còn ông ấy sẽ chẳng thèm ngó đến những lá thư. Gail Wynand, người mà người ta gọi là ‘máy đo địa chấn’ của dư luận.”

“Đúng thế,” Toohey nói. “Ông ấy là kiểu người như thế.”

“Ví dụ này” – Scarret nhặt một bức thư trên bàn lên và đọc to: “‘Tôi là một người phụ nữ có tự trọng và là mẹ của năm đứa con, và chắc chắn là tôi không muốn nuôi dạy các con tôi bằng tờ báo của ông. Tôi đã bọc báo của ông suốt mười bốn năm qua nhưng giờ đây, khi ông chứng tỏ rằng ông là loại người không hề có chút liêm sỉ, ông đã biến sự thiêng liêng của hôn nhân thành trò hề khi ngoại tình với một người đàn bà sa ngã, vợ của một người đàn ông khác và là một người đàn bà dám mặc một bộ váy đen trong dám cưới cứ như thể là bà ta nhất định phải làm như thế; thì tôi sẽ không bao giờ đọc báo của ông nữa bởi vì ông không phải là một người đàn ông có thể làm gương cho bọn trẻ, và tôi thì hoàn toàn thất vọng về ông. Rất kính tôi hư. Bà Thomas Parker.’ Tôi đọc thư này cho ông ấy. Ông ấy chỉ cười phá ra.”

“Ừ… Hừm…” Toohey nói.

“Cái gì nhập vào ông ấy không biết?”

“Không phải cái gì nhập vào ông ấy đâu, Alvah. Mà là cái ở trong ông ta rút cục đã lộ diện.”

“Nhân tiện, ông có biết chuyện nhiều tờ báo lại bới ra mấy bức ảnh cũ chụp cái tượng Dominique khỏa thân từ cái ngôi đền chết tiệt ấy; mà lại đăng cùng với chuyện đám cưới – để minh chứng cho sự quan tâm của bà Wynand đến nghệ thuật, bọn khốn kiếp. Chúng rất khoái chí khi trả đũa được Gail. Mà bọn nó trả đũa được rồi đấy, lũ chấy rận! Không hiểu ai đã gợi ý việc này cho chúng.”

“Tôi không biết.”

“Hừm, dĩ nhiên thì cũng chỉ là ‘ném đá ao bèo’ thôi. Rồi họ sẽ quên tất cả chuyện này trong vài tuần. Tôi không nghĩ là chuyện này sẽ gây hại gì nhiều lắm.”

“Không. Chỉ riêng việc này thì không. Tự bản thân việc này thì không.”

“Hừm? Ông dự đoán sẽ có chuyện gì à?”

“Chính những bức thư này dự đoán điều đó, Alvah. Không phải là bản thân những bức thư. Mà là việc ông ấy không thèm đọc chúng.”

“Lo lắng cũng chẳng ích gì. Gail biết phải dừng ở đâu và khi nào. Không cần phải việc bé xé ra t…” Ông ngước lên nhìn Toohey và đổi giọng: “Chúa ơi, đúng rồi, Ellsworth, ông nói đúng. Chúng ta phải làm gì bây giờ?”

“Chẳng làm gì, anh bạn ạ, chẳng làm gì hết. Trong một thời gian dài tới thì không.”

Toohey ngồi lên mép bàn làm việc của Scarret và lấy mũi của chiếc giầy nhọn nghịch đống thư trong cái hộp; ông gẩy gẩy chúng làm những lá thư sột soạt. Ông đã có một thói quen yêu thích là rẽ vào và rời khỏi văn phòng Scarret bất cứ lúc nào. Scarret đã trở nên lệ thuộc vào ông.

“Hãy nói xem nào, Ellsworth,” Scarret đột ngột hỏi – “ông có thực sự trung thành với tờ Ngọn cờ không?”

“Alvah, đừng có nói những thứ nặng nề như thế. Chẳng có ai nghiêm trọng đến thế cả.”

“Không, tôi hỏi thật đấy… Mà thôi, ông hiểu tôi muốn nói gì rồi đấy.”

“Tôi chẳng hiểu một chút nào cả. Có ai lại phản bội miếng cơm manh áo của mình?”

“Thì đúng là như thế… Nhưng ông biết đấy, Ellsworth, tôi rất thích ông, có điều tôi chẳng bao giờ hiểu khi nào thì ông chỉ nói cho vui lòng tôi, và khi nào mới là suy nghĩ thực của ông.”

“Đừng tự đẩy mình vào những chuyện tâm lý rắc rối. Anh sẽ làm rối tung mọi thứ lên. Anh đang thắc mắc chuyện gì nào?”

“Tại sao ông vẫn viết cho tờ Những mặt trận mới?”

“Vì tiền.”

“Thôi nào, chỗ đấy thì được mấy tiền?”

“À, thì đó là một tạp chí danh tiếng. Sao tôi lại không viết cho họ chứ? Các anh đâu có hợp đồng độc quyền với tôi.”

“Đúng là không; và tôi chẳng quan tâm đến chuyện ông còn viết thêm cho những ai nữa. Nhưng mà tờ Những mặt trận mới dạo này rất là nực cười.”

“Về cái gì?”

“Về Gail Wynand.”

“Ôi dào, thật vớ vẩn. Alvah!”

“Không đâu, thưa quý ông, chẳng vớ vẩn chút nào. Ông không nhận ra thôi. Chắc là ông không đọc kỹ, chứ tôi thì có năng khiếu với mấy chuyện như thế này, tôi biết. Tôi biết chỗ nào là chỗ mấy thằng ranh con ranh ma chỉ viết chuyện kiếm tiền, và chỗ nào là chỗ một tờ báo đang âm mưu chuyện gì đó hẳn hoi.”

“Anh hay lo quá, Alvah; và anh đang phóng đại mọi chuyện. Những mặt trận mới là một tạp chí tự do và lúc nào nó chả công kích Gail Wynand. Mọi người đều thế. Anh biết là ông ấy chưa bao giờ được giới báo chí ưa cả. Mà những chuyện ấy cũng chẳng làm hại gì ông ấy, phải không?”

“Nhưng chuyện này khác. Tôi không thích khi có cả một hệ thống đằng sau vụ này, một ý đồ đặc biệt; như kiểu nước nhỏ giọt, trông thì chẳng có gì nhưng chẳng mấy chốc thì thành những dòng suối nhỏ, cũng vẫn vô hại, nhưng rồi chẳng mấy chốc…”

“Anh bị mắc chứng hoang tưởng hành hạ đấy à, Alvah?”

“Tôi không thích chuyện này. Chẳng sao cả khi người ta chỉ tấn công chuyện du thuyền, chuyện đàn bà và vài chuyện xì-căng-đan bầu cử cấp thành phố của ông ấy – mà cũng chẳng ai chuyện ứng minh được những việc này.” Ông hấp tấp nói thêm. “Nhưng tôi không thích cái giọng điệu trí thức mới mà bây giờ người ta đang dùng để chửi ông ấy: Nào là Gail Wynand, kẻ bóc lột; nào là Gail Wynand, tên cướp biển của chủ nghĩa tư sản; nào là Gail Wynand, căn bệnh của thời đại. Vẫn chỉ là rác rưởi thôi, Ellsworth; có điều dưới đống rác này có thuốc nổ.”

“Chỉ là bình mới rượu cũ thôi mà, chẳng có gì hơn. Ngoài ra không thể bắt tôi chịu trách nhiệm cho chính sách của một tờ tạp chí chỉ vì thỉnh thoảng tôi có bán cho nó một vài bài.”

“Nhưng mà… đó không phải là điều tôi nghe được.”

“Anh nghe được chuyện gì?”

“Tôi nghe là ông đang tài trợ cho cả cái tạp chí khốn kiếp đấy.”

“Ai cơ? Tôi ấy à? Bằng cái gì cơ?”

“À, cũng không chính xác là ông. Nhưng tôi nghe nói chính ông đã xui thằng cậu ấm nát rượu Ronny Pickering tiêm cho tờ Những mặt trận mới ấy một liều thuốc bổ trị giá một trăm ngàn đôla đúng lúc mặt trận của nó sắp vỡ.”

“Quỷ tha ma bắt, tôi chỉ cứu Ronny ra khỏi chỗ cặn bã xa hoa của thành phố thôi. Thằng bé ấy đang xuống dốc. Tôi chỉ cho nó một mục đích sống tử tế hơn. Và cũng là sử dụng một trăm ngàn đôla một cách có ích hơn là để cho cả tá gái xinh đẹp móc tiền khỏi túi nó.”

“Được rồi, nhưng ông đã có thể buộc một sợi dây vào món quà đó; ông đã có thể nhắn bọn biên tập bên đó nên để Gail được yên, nếu không thì…”

“Tờ Những mặt trận mới không giống như tờ Ngọn cờ, Alvah ạ. Đó là một tạp chí có nguyên tắc. Người ta không thể buộc dây vào các biên tập viên bên đó và cũng chẳng thể nào bảo họ ‘nếu không thì…'”

“Trong cái nghề này á, Ellsworth? Ông đang đùa à?”

“Được rồi, nếu như nó làm anh yên tâm hơn thì tôi sẽ nói cho anh một chuyện anh chưa được nghe. Chuyện này đáng ra không được để lộ – nó đã được làm rất lòng vòng. Anh có biết tôi vừa xui Mitchell Layton mua lại một phần đáng kể của tờ Ngọn cờ không?”

“Không đời nào!”

“Có đấy!”

“Ôi Chúa ơi, Ellsworth, điều đó thật tuyệt vời! Mitchell Layton à? Chúng ta có thể dùng một tên tuổi như thế… Khoan đã, Mitchell Layton á?”

“Ừ, Mitchell Layton thì sao?”

“Có phải đó là thằng nhãi không biết làm gì để tiêu hết tiền của ông nó để lại không?”

“Ông nó đã để lại cho nó quá nhiều tiền.”

“Hừm, nhưng hắn ta là một gã lập dị. Hắn ta đã từng theo tập Yoga, rồi ăn chay, rồi theo Thuyết Nhất Thể,[122] rồi chủ nghĩa khoả thân. Bây giờ thì hắn mới xây một cung điện cho người vô sản ở Matxcơva.”

“Thế thì sao?”

“Ôi Chúa ơi, một tên Đỏ làm cổ đông của chúng ta ư?”

“Mitch không phải là một tên Đỏ. Làm sao mà một tên Đỏ lại có trong tay một phần tư tỉ đôla được? Hắn ta chỉ là một bông hoa hồng phai màu thôi. Gần như thành màu vàng. Nhưng hắn là một thằng bé tốt bụng đấy.”

“Nhưng… làm cổ đông tờ Ngọn cờ!”

“Alvah, anh đúng là một con lừa. Anh không thấy gì sao? Tôi đã làm cho hắn ta bỏ tiền vào một tờ báo tốt, làm ăn chắc chắn và bảo thủ. Việc đó đã giải thoát hắn khỏi những tư tưởng ‘màu hồng’ và dẫn hắn đi đúng hướng. Ngoài ra thì hắn ta có thể làm hại ai chứ? Ngài Gail yêu quý của anh vẫn khống chế tất cả những tờ báo của ông ta cơ mà, phải không?”

“Thế Gail có biết việc này không?”

“Không. Năm năm trở lại đây, ngài Gail yêu quý đã không còn để ý đến mọi việc như trước nữa. Và tốt nhất là anh đừng nói với ông ta. Anh nhìn thấy đường đi nước bước của Gail rồi đấy. Ông ấy cần có một chút sức ép. Còn anh thì cần tiền. Hãy tử tế với Mitch Layton. Rồi có lúc anh cần đến cậu ta đấy.”

“Thế cơ đấy.”

“Đúng thế. Anh thấy chưa? Trái tim tôi để đúng chỗ đấy chứ. Tôi đã giúp một tạp chí tự do non nhớ như tờ Những mặt trận mới, nhưng tôi cũng mang được cả đống tềin cho một tờ bảo thủ kiên cố như tờ Ngọn cờ New York.”

“Ừ thì ông có làm thế thật. Kể ra ông cũng tử tế đấy – nhất là khi ông là loại người ủng hộ tư tưởng tự do.”

“Nào bây giờ thì anh còn định nói đến chuyện không trung thành nữa không đấy?”

“Chắc là không. Tôi nghĩ ông sẽ đứng về phía tờ báo lâu đời Ngọn cờ.”

“Dĩ nhiên là thế rồi. Tôi thích tờ Ngọn cờ. Tôi có thể làm bất cứ điều gì cho nó. Tôi có thể hy sinh cả cuộc sống của mình cho tờ Ngọn cờ New York.”

Bình luận