Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Suối Nguồn

Chương XI

Tác giả: Ayn Rand

Howard Roard mở văn phòng riêng của anh. Đó là một căn phòng rộng trên đỉnh một tòa nhà cũ, với một cửa sổ lớn bên trên những mái nhà.

Qua cửa sổ anh có thể thấy sông Hudson phía xa xa, với những vệt nhỏ của những con tàu chuyển động bên dưới những đầu ngón tay anh khi anh ấn chúng vào mặt kính cửa sổ.

Anh có một chiếc bàn, hai chiếc ghế và một bàn vẽ lớn. Cửa vào bằng kính mang mấy chữ: “Howard Roark, Kiến trúc sư.” Anh đứng trong sảnh một lúc lâu, ngắm những chữ đó. Rồi anh bước vào và đóng sầm cửa, anh nhặt một chiếc êke từ trên bàn và quẳng nó xuống trở lại, như thể buông một mỏ neo.

John Erik Snyte đã phản đối. Khi Roark đến văn phòng để lấy những dụng cụ vẽ của anh thì Snyte xuất hiện trong phòng tiếp tân, bắt tay anh một cách thân mật và nói: “Ồ, Roark! Ồ, cậu có khỏe không? Vào đi, vào ngay đi, tôi muốn nói chuyện với cậu!”

Và với Roark ngồi trước bàn ông, Snyte bắt đầu nói to: “Xem này, anh bạn, tôi hy vọng cậu hiểu để không để bụng bất kỳ điều gì tôi có thể đã nói ngày hôm qua. Cậu biết thế nào rồi đấy, tôi hơi mất bình tĩnh một chút, và nó không phải vì việc cậu làm cái gì, mà là cậu lại làm ngay trên cái bản vẽ đó… chính bản vẽ đó… nhưng thôi, không sao. Cậu không để bụng chứ?”

“Không,” Roark nói. “Không một chút nào.”

“Tất nhiên cậu không bị sa thải. Cậu biết là chuyện đó không nghiêm túc, đúng không? Cậu có thể quay trở lại làm việc, ngay phút này.”

“Để làm gì, ông Snyte?”

“Ý cậu là gì cơ, để làm gì á? Ồ, cậu đang nghĩ đến ngôi nhà Heller phải không? Nhưng cậu không cho là Heller nghiêm túc đấy chứ? Cậu đã thấy ông ấy thế nào rồi đấy, cái lão điên ấy có thể đổi ý sáu mươi lần một phút ấy chứ. Ông ta sẽ không thực sự cho cậu công trình đó đâu, cậu biết đấy; không đơn giản như thế, không ai lại làm như thế cả.”

“Chúng tôi đã ký hợp đồng ngày hôm qua rồi.”

“Ồ, hai người đã ký rồi? Ồ, thật là tuyệt vời! Nghe này, Roark, để tôi nói cậu nghe chúng ta sẽ làm gì: cậu mang công trình đó trở lại đây và tôi sẽ để cậu đặt tên của cậu trên đó cùng với tên tôi – “John Erik Snyte và Howard Roark.” Và chúng ta sẽ chia tiền thù lao. Cái đó là ngoài lương của cậu – và, nhân thể, cậu sẽ được tăng lương. Rồi chúng ta sẽ sắp xếp như thế đối với bất kỳ công trình nào khác cậu mang lại được. Và… Lạy Chúa, này, cậu đang cười cái gì thế?”

“Xin lỗi, ông Snyte. Tôi xin lỗi.”

“Tôi không tin là cậu hiểu.” Snyte nói, bối rối. “Cậu không thấy sao? Đó là sự bảo đảm cho cậu. Cậu không nên ra làm một mình vội. Các công trình sẽ không rơi vào tay cậu như thế này đâu. Lúc ấy cậu sẽ làm gì? Bằng cách này cậu sẽ có một công việc vững chắc và cậu sẽ gây dựng dần để tiến tới làm độc lập, nếu đó là điều cậu theo đuổi. Trong vòng bốn hay năm năm, cậu sẽ sẵn sàng có một cú nhảy vọt. Mọi người đều làm như thế. Cậu có thấy không?”

“Có.”

“Vậy thì cậu đồng ý chứ?”

“Không.”

“Nhưng, lạy Chúa lòng lành, trời ơi, cậu điên mất rồi! Tự lập một mình vào lúc này? Không kinh nghiệm, không quan hệ, không có… chậc, không có gì hết cả! Tôi chưa nghe thấy chuyện này bao giờ. Hãy hỏi bất kỳ ai trong nghề mà xem. Hãy xem họ sẽ nói gì với cậu. Điều đó là vô lý!”

“Có thể.”

“Nghe này. Roark, cậu làm ơn nghe tôi nói chứ?”

“Tôi sẽ nghe nếu ông muốn tôi nghe, ông Snyte ạ. Nhưng tôi nghĩ bây giờ tôi nên nói với ông rằng những gì ông nói cũng không thể làm mọi chuyện khác đi được. Nếu ông không phiền điều đó thì tôi cũng không phiền khi nghe.”

Snyte tiếp tục nói một lúc lâu và Roark lắng nghe, không phản đối, giải thích hay trả lời.

“Ồ, nếu đó là kiểu của cậu, thì đừng mong đợi tôi nhận cậu trở lại khi cậu thấy mình trên vỉa hè.”

“Tôi không mong đợi điều đó, ông Snyte ạ.”

“Đừng mong đợi bất kỳ ai nữa trong nghề nhận cậu vào, sau khi họ biết cậu đã làm gì với tôi.”

“Tôi cũng không mong đợi điều đó.”

Trong vài ngày Snyte nghĩ về việc kiện Roark và Heller. Nhưng ông quyết định không làm thế, vì không có tiền lệ để làm theo trong những tình huống như thế: vì Heller đã trả tiền công cho ông, và ngôi nhà đã thực sự được thiết kế bởi Roark; và vì không một ai lại kiện Austen Heller.

Người khách đầu tiên đến văn phòng Roark là Peter Keating.

Anh bước vào, không báo trước, vào một buổi trưa. Anh đi ngang qua căn phòng và ngồi xuống bàn của Roark. Anh mỉm cười vui vẻ, dang rộng hai tay trong một cái khoát gọn gàng:

“Chà, Howard!” anh nói. “Chà, nhìn mà xem!”

Anh chưa gặp Roark đã một năm rồi.

“Chào Peter,” Roark nói.

“Văn phòng của chính cậu, tên của chính cậu và mọi thứ! Rồi! Hãy tưởng tượng xem!”

“Ai nói cho anh biết, Peter?”

“À, thì mọi người nói chuyện. Cậu không nghĩ là tôi lại bỏ qua sự nghiệp của cậu đấy chứ? Cậu biết tôi luôn nghĩ về cậu thế nào. Và chắc tôi không phải nói với cậu là tôi chúc mừng cậu và chúc cho cậu điều tốt đẹp nhất.”

“Không, anh không phải thế đâu.”

“Cậu có chỗ này đẹp đấy. Sáng sủa và rộng rãi. Có thể không thật gây ấn tượng như ý muốn, nhưng một người có thể mong đợi gì nữa khi mới bắt đầu? Lại còn chuyện tương lai cũng chưa biết thế nào, đúng không Howard?”

“Khá đúng.”

“Cậu đã rất mạo hiểm đấy.”

“Có thể.”

“Cậu có thực sự định hoàn thành nó không? Ý tôi là tự làm ý?”

“Thì nó đang thế rồi mà, đúng không?”

“À, thì cũng chưa quá muộn đâu, cậu biết đấy. Tôi đã nghĩ, khi tôi biết chuyện, là cậu chắc chắn sẽ chuyển nó lại cho Snyte và làm một thỏa thuận khôn ngoan với ông ta.”

“Tôi đã không làm thế.”

“Cậu thực sự không định làm thế?”

“Không.”

Keating tự hỏi sao anh lại có cái cảm giác phẫn nộ kinh tởm đó, vì sao anh đã đến đây mong thấy câu chuyện anh nghe được là không đúng, mong thấy Roark hoang mang và sẵn sàng đầu hàng. Cái cảm giác đó đã ám ảnh anh kể từ khi anh nghe được tin tức về Roark; cái cảm giác một thứ gì đó không dễ chịu nhưng sẽ sống dai dẳng trong đầu anh, kể cả sau khi anh đã quên mất nguyên nhân của nó. Cái cảm giác đó sẽ trở lại với anh, không có lý do – một cơn giận dữ trống rỗng – và anh sẽ tự hỏi mình: nào, cái quái gì đây? – hôm nay mình đã nghe thấy gì? Rồi anh sẽ nhớ ra: À phải, Roark – Roark đã mở văn phòng kiến trúc riêng. Anh sẽ tự hỏi mình một cách nôn nóng: Thế thì sao? – và lập tức biết rằng những lời lẽ này làm anh đau và cảm thấy nhục nhã như vừa bị lăng mạ.

“Cậu biết đấy, Howard, tôi ngưỡng mộ sự dũng cảm của cậu. Thật sự, cậu biết đấy, tôi có nhiều kinh nghiệm hơn, tôi có vị trí chuyên môn tốt hơn – tôi không có ý khoe khoang đâu, tôi chỉ đang nói một cách khách quan thôi – nhưng tôi sẽ không dám đi một bước như cậu.”

“Không, anh sẽ không làm thế.”

“Vậy là cậu đã đi trước. Chà, chà. Ai có thể nghĩ thế kia chứ?… Tôi chúc cậu tất cả may mắn trên thế giới này.”

“Cảm ơn anh, Peter.”

“Tôi biết cậu sẽ thành công. Tôi chắc chắn thế.”

“Anh chắc chắn thế?”

“Tất nhiên! Tất nhiên tôi chắc chắn thế. Cậu không thế sao?”

“Tôi chưa nghĩ đến nó.”

“Cậu chưa nghĩ đến nó?”

“Không nhiều.”

“Vậy cậu không chắc chắn hả Howard? Cậu không à?”

“Tại sao anh lại hỏi điều đó háo hức như thế?”

“Gì cơ? Ôi… không, không phải là háo hức, nhưng tất nhiên, tôi quan tâm, Howard ạ, bây giờ mà không chắc chắn thì không phải là tâm lý tốt đâu. Vậy là cậu có những nghi ngờ?”

“Không chút nào.”

“Nhưng cậu đã nói là…”

“Tôi khá chắc chắn về mọi thứ, Peter.”

“Cậu đã nghĩ đến chuyện lấy giấy phép[52] chưa?”

“Tôi đã nộp đơn.”

“Cậu không có bằng đại học nào cả, cậu biết đấy. Họ sẽ gây khó khăn cho cậu ở bài kiểm tra.”

“Có thể.”

“Cậu định làm gì nếu cậu không có giấy phép?”

“Tôi sẽ có.”

“Ồ, tôi đoán là giờ thì tôi sẽ gặp cậu ở A.G.A[53], nếu cậu không coi thường tôi, vì cậu sẽ là một thành viên đầy đủ còn tôi chỉ là một thành viên dự bị thôi.”

“Tôi sẽ không gia nhập A.G.A.”

“Cậu nói “không gia nhập” là ý làm sao? Giờ cậu có đủ tư cách mà.”

“Có thể.”

“Cậu sẽ được mời tham gia.”

“Bảo họ đừng bận tâm làm gì.”

“Gì kia!”

“Anh biết đấy, Peter, chúng ta đã từng có một cuộc nói chuyện giống như thế này bảy năm trước, khi anh cố bảo tôi tham gia hội nam sinh viên của anh ở Stanton. Đừng nói lại nữa.”

“Cậu sẽ không tham gia A.G.A khi mà cậu đang có một cơ hội?”

“Peter! Tôi sẽ không gia nhập bất kỳ cái gì, bất kỳ lúc nào.”

“Nhưng cậu không nhận ra nó sẽ giúp đỡ cậu như thế nào à?”

“Trong cái gì chứ?”

“Trong việc là một kiến trúc sư.”

“Tôi không không thích được giúp đỡ trong việc là một kiến trúc sư.”

“Cậu đang gây thêm khó khăn cho bản thân mình.”

“Tôi đang.”

“Và như thế sẽ rất khó khăn, cậu biết đấy.”

“Tôi biết.”

“Cậu sẽ biến họ thành kẻ thù của cậu nếu cậu từ chối một lời mời như thế.”

“Đằng nào thì tôi cũng là kẻ thù của họ.”

Người đầu tiên mà Roark kể chuyện là Henry Cameron. Roark tới New Jersey sau ngày anh ký hợp đồng với Heller. Trời đã mưa và anh thấy Cameron trong vườn, lê bước chậm chạp xuống những lối đi ẩm ướt, nặng nhọc dựa vào một cái gậy. Mùa đông năm ngoái, sức khỏe của Cameron đã khá lên, đủ để ông có thể đi bộ một vài giờ mỗi ngày. Ông đi một cách khó khăn, cơ thể còng xuống.

Ông ngắm những chồi xanh đầu tiên trên mặt đất dưới chân mình. Thỉnh thoảng ông lại nhấc chiếc gậy của mình lên, dận chân để đứng vững một lúc; ông dùng đầu chiếc gậy để chạm vào một cái chồi cây vẫn còn đang cuộn lại như một cái phễu và nhìn nó làm rớt một giọt nước long lanh trong ánh chạng vạng. Ông thấy Roark đang đi lên đồi và cau mày lại. Ông mới gặp Roark cách đây một tuần, và vì những cuộc viếng thăm này có quá nhiều ý nghĩa đối với cả hai người nên không ai muốn chúng diễn ra quá thường xuyên.

“Thế nào?” Cameron hỏi cộc cằn. “Cậu lại muốn gì ở đây nữa thế?”

“Cháu có chuyện này để kể cho bác.”

“Nó có thể đợi.”

“Cháu không nghĩ vậy.”

“Chuyện gì?”

“Cháu sẽ mở văn phòng riêng. Cháu vừa mới ký hợp đồng xây tòa nhà đầu tiên của cháu.”

Cameron xoay tròn chiếc gậy, đầu gậy quệt xuống mặt đất, thân của nó tạo thành một vòng tròn rộng, hai bàn tay ông nắm lấy chỗ tay cầm, lòng bàn tay này đặt trên mu bàn tay kia. Đầu ông chậm chạp gật gật theo nhịp, đôi mắt ông nhắm lại một lúc lâu. Rồi ông nhìn Roark và nói:

“Rồi, đừng có khoác lác về điều đó.”

Ông nói thêm: “Giúp tôi ngồi xuống.”

Đó là lần đầu tiên Cameron nói ra câu này; em gái ông và Roark từ lâu đã học được rằng cái hành động độc ác và hoàn toàn bị cấm trước mặt ông là việc có bất kỳ ý định nào về việc giúp ông di chuyển.

Roark nắm lấy khuỷu tay ông và để ông ngồi xuống một chiếc ghế băng. Cameron hỏi một cách cau có trong lúc nhìn chằm chằm về phía hoàng hôn:

“Xây gì? Cho ai? Bao nhiêu tiền?”

Ông lặng lẽ lắng nghe câu chuyện của Roark. Ông nhìn một lúc lâu vào bản vẽ trên tấm bìa các-tông đã bị bẻ gãy với những đường chì đè trên đường màu nước. Rồi ông hỏi nhiều về đá, thép, những con đường, những nhà thầu, các loại chi phí. Ông không chúc mừng. Ông không nhận xét gì cả.

Chỉ khi Roark chuẩn bị đi, Cameron đột ngột nói:

“Howard, khi cậu mở văn phòng, hãy chụp vài tấm ảnh – và đưa cho tôi.”

Rồi ông lắc đầu, nhìn ra xa vẻ có lỗi, và chửi thề.

“Tôi lại lẩm cẩm rồi. Quên chuyện đấy đi.”

Roark không nói gì.

Ba ngày sau anh quay lại. “Anh đang trở thành một mối phiền phức đấy.” Cameron nói.

Roark không nói gì, đưa cho ông một cái phong bì. Cameron ngắm những bức ảnh chụp cái văn phòng rộng, trần trụi, cửa sổ lớn, cửa ra vào. Ông thả rơi những cái còn lại và giữ tấm ảnh chụp cửa ra vào trong một lúc lâu.

“Thế đấy,” cuối cùng ông nói, “tôi quả đã sống và thấy nó.”

Ông thả rơi tấm ảnh xuống.

“Cũng không hẳn” ông nói thêm. “Không phải theo cách tôi muốn, nhưng tôi cũng đã sống và thấy nó. Nó giống như những cái bóng của trái đất mà ai đó nói là chúng ta sẽ nhìn thấy ở thế giới bên kia. Có thể đó là cách tôi sẽ nhìn thấy phần còn lại của nó. Tôi đang học cách.”

Ông nhặt tấm ảnh lên.

“Howard,” ông nói. “Nhìn xem.”

Ông giữ tấm ảnh giữa họ.

“Nó chẳng có gì nhiều. Chỉ mỗi ‘Howard Roark, Kiến trúc sư.’ Nhưng nó giống như những khẩu hiệu người ta khắc trên lối vào của một lâu đài và chết vì nó. Nó là một thách thức với một thứ gì đó quá lớn và quá đen tối đến nỗi tất cả sự đau đớn trên trái đất – và cậu có biết trên trái đất này có bao nhiêu sự chịu đựng không? – tất cả sự đau đớn đều bắt nguồn từ cái mà cậu sẽ đối mặt. Tôi không biết đó là cái gì, tôi không biết vì sao nó lại được thả ra để chống lại cậu. Tôi chỉ biết nó sẽ được thả ra. Và tôi biết rằng nếu cậu mang được những từ này đến tận cùng thì đó sẽ là một chiến thắng, Howard ạ, không phải chỉ cho cậu, mà là cho cái-đáng-phải-chiến-thắng, cho cái đã đẩy thế giới này dịch chuyển nhưng lại không bao giờ được công nhận. Nó sẽ chứng minh sự đúng đắn cho rất nhiều người đã ngã trước cậu, đã chịu đựng như cậu sẽ chịu đựng. Cầu Chúa phù hộ cho cậu – hay bất kỳ ai một mình nhìn thấy cái tuyệt vời nhất, cái cao nhất mà trái tim con người có thể đạt được. Cậu đang trên đường đến địa ngục, Howard ạ.”

*

* *

Roark đi bộ trên con đường dẫn đến đỉnh của bờ đá, nơi cái khung thép của ngôi nhà Heller vươn lên bầu trời xanh. Bộ khung đã được dựng lên và vữa đang được đổ vào; những tấm hoành lớn của các hàng hiên treo lơ lửng phía trên làn nước màu bạc đang chạy lăn tăn ở xa bên dưới, những người thợ ống nước và thợ điện đã bắt đầu đặt những ống cáp của họ.

Anh nhìn những vuông trời được thu vào trong những đường nét thanh mảnh của rầm và cột, những khối không gian trống rỗng mà anh đã bóc ra khỏi bầu trời. Hai tay anh bất giác di chuyển, như để lấp đầy những mặt phẳng còn trống bằng những bức tường sắp được xây, như để ôm lấy những căn phòng tương lai. Một hòn sỏi lạo xạo dưới chân anh và lăn nảy xuống đồi – những giọt âm thanh vang vang lăn trong không khí mùa hè ngập nắng và thoáng đãng.

Anh đứng trên chỏm đá, hai chân anh dang rộng, người ngửa ra sau tựa vào khoảng không. Anh ngắm những vật liệu trước mặt mình – những cái đầu tròn của lũ đinh tán bằng thép, những tia sáng lấp lánh của những khối đá, những đường xoắn ốc đan vào nhau của những tấm ván gỗ còn tươi, màu vàng.

Rồi anh nhìn thấy một hình dáng vạm vỡ lẫn trong đám dây điện – một khuôn mặt chó ngao dãn ra thành một nụ cười ngoác lớn và đôi mắt màu xanh sứ hể hả với một chiến thắng tội lỗi.

“Mike!” anh nói với vẻ hồ nghi.

Mike đã rời đến một công trình lớn ở Philadenphia cách đây nhiều tháng, lâu trước khi Heller xuất hiện trong văn phòng của Snyte, và Mike chưa bao giờ nghe được tin tức này cả – hoặc Roark đoán như vậy.

“Chào Tóc Đỏ,” Mike nói, giọng hết sức suồng sã; rồi thêm: “Chào sếp.”

“Mike, làm thế nào mà anh…”

“Cậu đúng là một kiến trúc sư. Sao lãng công việc như thế đấy. Tôi làm ở đây ba ngày rồi, và chờ cậu xuất hiện.”

“Mike, sao anh lại ở đây? Sao lại sa sút đến nông nỗi này?” Anh chưa bao giờ biết Mike lại buồn làm những dinh thự tư nhân nhỏ cả.

“Đừng giả vờ ngốc nghếch nữa. Cậu biết vì sao tôi ở đây. Cậu không nghĩ là tôi sẽ bỏ qua ngôi nhà đầu tiên của cậu đấy chứ? Và cậu nghĩ đây là một sự sa sút? Cũng có thể. Mà cũng có thể là ngược lại.”

Roark chìa tay ra và những ngón tay bụi bặm của Mike nắm mạnh lấy nó như thể những hạt bụi anh ấn vào da Roark nói hết mọi điều anh muốn nói. Và vì anh sợ là anh có thể nói ra điều đó, Mike làu bàu:

“Đi đi, sếp, đi đi. Đừng cản trở công việc như thế.”

Roark đi qua ngôi nhà. Có những giây phút mà anh có thể chính xác, lạnh lùng, và dừng lại để đưa ra những chỉ dẫn như thể đây không phải ngôi nhà của anh mà chỉ là một bài toán – đấy là lúc anh cảm thấy rõ sự tồn tại của những đường ống và đinh tán, trong khi bản thân con người anh lại biến mất.

Có những giây phút mà thứ gì đó lớn lên trong anh, không phải là một ý nghĩ hay một cảm giác, mà là một làn sóng của một sức mạnh thể chất nào đó, và rồi anh muốn dừng lại, ngửa ra sau, cảm thấy thực tại con người mình được gia cố thêm bởi cái khung thép đang vươn lên mờ mờ, bao bọc lấy sự tồn tại tuyệt vời, nổi bật của cơ thể anh. Anh không dừng lại. Anh tiếp tục một cách bình tĩnh. Nhưng hai bàn tay anh lại phản bội điều anh muốn giấu. Đôi bàn tay anh vươn ra, chầm chậm miết dọc những xà nhà và mối nối. Những công nhân trong ngôi nhà đã chú ý thấy điều đó. Họ nói: “Cái tay ấy yêu ngôi nhà. Anh ta không thể thôi sờ soạng nó.”

Những người công nhân thích anh. Những người giám sát của nhà thầu thì không. Anh đã gặp rắc rối trong việc tìm một nhà thầu để xây ngôi nhà. Một vài trong số những hãng khá hơn đã từ chối công trình. “Chúng tôi không làm cái kiểu như thế.” “Không, chúng tôi sẽ không quan tâm. Quá phức tạp cho một công trình nhỏ như thế.” “Ai mà lại muốn cái kiểu nhà như thế chứ? Chắc là chúng tôi sẽ không thể lấy lại được tiền từ đồ gàn dở như thế. Bỏ qua đi.” “Chưa bao giờ làm bất kỳ cái gì như thế cả. Sẽ chẳng biết phải làm nó như thế nào. Tôi chỉ xây cái gì đúng là xây dựng thôi.” Một nhà thầu nhìn liếc qua những bản vẽ thiết kế rồi quẳng chúng sang một bên, tuyên bố chắc chắn: “Nó sẽ chẳng đứng được đâu.” “Nó sẽ đứng,” Roark nói. Nhà thầu lè nhè một cách lạnh lùng. “Vậy sao? Anh là ai mà nói với tôi như vậy hả ông kễnh?”

Anh đã tìm được một nhà thầu nhỏ cần công việc và đảm nhận nó, nhưng đòi tiền nhiều hơn mức công việc có thể đảm bảo – với lý do họ phải mạo hiểm với cái thí nghiệm kỳ quặc này. Việc xây dựng tiếp tục, và những đốc công tuân thủ với vẻ mặt sưng sỉa, trong một sự im lặng phản đối, như thể họ đang chờ đợi những dự đoán của họ sẽ trở thành sự thực và sẽ vui mừng khi ngôi nhà đổ sụp quanh đầu họ. Roark đã mua một chiếc xe Ford cũ và lái xe xuống công trường thường xuyên hơn mức cần thiết. Thật khó để ngồi ở bàn trong văn phòng anh, để đứng cạnh một chiếc bàn vẽ, buộc bản thân phải xa địa điểm xây dựng. Ở công trường có những giây phút anh muốn quên đi văn phòng và cái bảng vẽ của mình, muốn chộp lấy dụng cụ của những người công nhân và thực sự làm công việc xây dựng ngôi nhà, như anh đã làm hồi nhỏ, để xây ngôi nhà bằng chính đôi bàn tay anh.

Anh đi qua ngôi nhà, bước nhẹ trên những chồng ván và những cuộn dây, anh ghi chép, anh đưa ra những mệnh lệnh ngắn gọn với một giọng thẳng thừng. Anh tránh nhìn về hướng của Mike. Nhưng Mike đang quan sát anh, theo bước đi của anh xuyên qua căn nhà. Mike nháy mắt với anh trong sự thấu hiểu, bất kỳ khi nào anh đi ngang qua.

Một lần Mike nói: “Hãy kiềm chế bản thân mình, Tóc Đỏ ạ. Cậu đang mở toang như một cuốn sách ý. Chúa ơi, thật là không phải phép khi sung sướng như thế!”

Roark đứng trên tảng đá, bên công trình, và ngắm nhìn đồng quê, nhìn con đường như một dải ruy-băng dài màu xám xoắn dọc bờ biển. Một chiếc xe mui trần chạy qua, như trốn vào vùng đồng quê. Chiếc xe đầy những người đang đi pích-ních. Có một đám những chiếc áo len sáng màu, và những chiếc khăn quàng phấp phới trong gió; một hỗn hợp những giọng nói ré lên vô nghĩa, át tiếng gầm của động cơ, và những tiếng cười nấc được chú ý quá mức; một cô gái ngồi ngang, đôi chân cô đu đưa trên thành xe; cô đội một chiếc mũ rơm của đàn ông trượt cả xuống mũi cô và cô kéo những sợi dây của chiếc đàn ghi-ta Hawaii một cách hoang dã, bật lên những âm thanh khàn khàn, cô kêu lên “Hây!” Những người này đang tận hưởng một ngày trong sự tồn tại của họ; họ đang gào lên tới tận trời sự giải thoát khỏi công việc và những gánh nặng của những ngày đằng sau họ; họ đã làm việc và đã mang những gánh nặng đó để đạt được một mục tiêu – và đây chính là mục tiêu đó.

Anh ngắm nhìn chiếc xe khi nó phóng vút qua. Anh nghĩ là có một sự khác biệt, một khác biệt quan trọng nào đó giữa anh với họ trong ý thức về ngày hôm nay. Anh nghĩ rằng anh nên cố gắng nắm bắt lấy nó. Nhưng anh quên mất. Anh đang ngắm một chiếc xe tải bò lên ngọn đồi, chở một đống đá granit lấp lánh đã được cắt ra.

*

* *

Austen Heller đến xem ngôi nhà thường xuyên; ông ngắm nó lớn lên, tò mò, vẫn hơi ngạc nhiên. Ông nghiên cứu Roark và ngôi nhà với sự tỉ mỉ như nhau; ông cảm thấy như thể ông không thể nào tách hai thứ ra được.

Heller – người đấu tranh chống lại sự cưỡng bức – đã thất bại trước Roark, một người đàn ông quá dửng dưng với sự cưỡng bức đến nỗi chính anh ta lại trở thành một kiểu cưỡng bức – một tối hậu thư đối với những thứ gì đó mà Heller không thể định nghĩa được. Trong vòng một tuần, Heller biết rằng ông đã tìm thấy người bạn tuyệt vời nhất ông có thể có được; và ông biết rằng tình bạn đó đến từ sự thờ ơ mang tính bản chất của Roark. Trong cái thực tại sâu thẳm bao quanh sự tồn tại của Roark, Heller không tồn tại, không được yêu cầu, không được đòi hỏi, không được ra lệnh. Heller cảm thấy một ranh giới đã được vạch ra mà ông không thể chạm tới; phía trên ranh giới đó, Roark không đòi hỏi gì ở ông cả và không cho ông gì cả. Nhưng khi Roark nhìn ông với một sự đồng tình, khi Roark mỉm cười, khi Roark khen ngợi một trong những bài báo của ông, Heller cảm thấy một niềm vui thuần khiết vì một sự công nhận không phải là sự hối lộ và cũng không phải của bố thí.

Trong những buổi tối mùa hè, họ ngồi cùng nhau trên một rìa đá ở lưng chừng ngọn đồi, và nói chuyện trong khi bóng tối chậm chậm leo lên những xà nhà của ngôi nhà phía trên họ, khi những tia nắng cuối cùng lùi lên đỉnh của những cột thép.

“Cái gì làm tôi lại thích ngôi nhà cậu đang xây cho tôi đến thế hả Howard?”

“Một ngôi nhà có thể có sự chính trực, cũng như một con người” Roark nói, “và cũng hiếm như thế.”

“Theo cách nào?”

“Thì, hãy nhìn nó. Mọi mảnh của nó ở đó vì ngôi nhà cần nó – và chẳng vì lý do nào khác cả. Ông thấy nó từ chỗ này cũng như là nó từ bên trong. Những căn phòng ông sẽ sống trong đó quyết định hình dáng của nó. Mối quan hệ của những khối nhà được quyết định bởi việc phân bổ không gian bên trong. Cách trang trí được quyết định bởi phương pháp xây dựng – trang trí chỉ là sự nhấn mạnh cái nguyên tắc khiến cho nó đứng được. Ông có thể nhìn thấy mỗi điểm nhấn, mỗi hỗ trợ cho nguyên tắc đó. Khi ông nhìn một ngôi nhà, đôi mắt ông có thể nhìn thấu suốt cả quá trình xây dựng nó, ông có thể theo từng bước một, ông nhìn thấy nó lớn lên, ông biết thứ gì làm nên nó và vì sao nó lại đứng được. Nhưng ông đã nhìn thấy những tòa nhà với những cây cột chẳng đỡ gì cả, với những mái đua vô tác dụng, với những trụ bổ tường, những đường gờ, những mái vòm giả, những cửa sổ giả. Ông đã nhìn thấy những tòa nhà nom như thể chúng bao gồm một sảnh lớn duy nhất, chúng có những cây cột rắn và những cửa sổ đơn suốt sáu tầng cao. Nhưng ông bước vào và thấy sáu tầng nhà bên trong. Hay những tòa nhà gồm một sảnh duy nhất, nhưng với một mặt tiền được cắt ra thành nhiều tầng, những chiếu nghỉ, những tầng cửa sổ. Ông có hiểu sự khác biệt không? Ngôi nhà của ông được làm từ nhu cầu tự thân của nó. Những ngôi nhà kia được làm từ nhu cầu gây ấn tượng. Động cơ quyết định của ngôi nhà của ông nằm ở bên trong ngôi nhà. Động cơ quyết định của những ngôi nhà kia nằm ở khán giả.”

“Anh có biết rằng đó là điều tôi đã lờ mờ cảm thấy? Tôi đã cảm thấy là khi tôi chuyển vào sống trong ngôi nhà này, tôi sẽ có một kiểu tồn tại mới, và thậm chí cả những hoạt động hằng ngày đơn giản của tôi sẽ có một sự trung thực hay đức hạnh nào đó mà tôi chưa thực sự định nghĩa được. Đừng ngạc nhiên nếu tôi bảo cậu là tôi cảm thấy như thể tôi sẽ phải sống cho xứng đáng với ngôi nhà.”

“Tôi chủ ý như thế,” Roark nói.

“Và, nhân thể, cảm ơn cậu vì tất cả những suy nghĩ mà cậu dường như đã cân nhắc vì sự thoải mái của tôi. Có quá nhiều thứ tôi nhận thấy là tôi cũng không hề nghĩ đến, nhưng cậu đã lên kế hoạch như thể cậu đã biết tất cả những nhu cầu của tôi vậy. Ví dụ như phòng làm việc là căn phòng tôi sẽ cần đến nhiều nhất và cậu đã cho nó một vị trí nổi bật – và, tình cờ là tôi lại thấy cậu cũng làm cho nó thành một khối nổi bật từ phía bên ngoài. Và rồi cái cách nó nối với thư viện, và phòng khách khá xa phòng làm việc của tôi và những phòng dành cho khách – nơi tôi sẽ không nghe thấy quá nhiều tiếng ồn của họ – tất cả cái đó. Cậu thật chu đáo với tôi quá.”

“Ông biết không,” Roark nói. “Tôi đã không hề nghĩ đến ông. Tôi đã nghĩ về ngôi nhà thôi.” Anh nói thêm: “Có thể đó là lý do vì sao tôi đã biết cách để chu đáo với ông.”

*

* *

Biệt thự Heller được hoàn thành vào tháng Mười một năm 1926. Vào tháng Một năm 1927, tờ Diễn đàn Kiến trúc đăng kết quả một cuộc khảo cứu những ngôi nhà đẹp nhất nước Mỹ được xây dựng trong cả năm trước đó. Nó dành mười hai trang bóng khổ lớn cho những bức ảnh của hai mươi tư ngôi nhà mà những biên tập viên đã chọn ra như những thành tựu kiến trúc đáng giá nhất. Biệt thự Heller không được đề cập.

Những mục về bất động sản của những tờ báo ở New York mỗi Chủ nhật lại đăng những bản mô tả ngắn về những dinh thự mới đáng chú ý trong vùng lân cận. Chẳng có bài miêu tả nào về biệt thự Heller.

Cuốn niên giám của Hiệp hội Kiến trúc sư Hoa Kỳ, cuốn sách thể hiện những phiên bản của những tòa nhà mà nó chọn là đẹp nhất trong cả nước, dưới dòng tít Nhìn về phía trước, đã không hề đề đến biệt thự Heller.

Có nhiều dịp những diễn giả bước lên bục giảng và nói chuyện trước những khán phòng thưa thớt về sự tiến bộ của kiến trúc Hoa Kỳ. Không một ai nói về biệt thự Heller.

Trong những câu lạc bộ của Hiệp hội Kiến trúc sư Hoa Kỳ, vài ý kiến đã được người ta đưa ra.

“Thật là một nỗi nhục cho đất nước này,” Ralston Holcombe nói, “khi một thứ như cái biệt thự Heller lại được phép xây dựng. Đó là một vết nhơ đối với ngành kiến trúc. Phải có luật.”

“Chính điều này khiến những khách hàng bỏ đi,” John Erik Snyte nói. “Họ nhìn thấy một ngôi nhà như thế và họ nghĩ tất cả các kiến trúc sư đều điên rồ cả.”

“Tôi không thấy có lý do nào để phẫn nộ cả,” Gordon L. Prescott nói. “Tôi nghĩ nó khôi hài đến nực cười. Nó nửa giống như một trạm đổ xăng, nửa giống như một cái tranh biếm họa về tàu du hành lên mặt trăng.”

“Anh cứ chờ đợi một vài năm” Eugene Pettingill nói, “rồi xem điều gì xảy ra. Thứ đó sẽ sụp đổ như một ngôi nhà làm bằng những lá bài vậy.”

“Sao lại nói đến năm nhỉ?” Guy Francon nói. “Những trò cách tân đó chẳng bao giờ tồn tại quá một mùa cả. Chủ nhà sẽ ăn đủ và rồi phát ốm với nó và ông ta sẽ chạy vội về với ngôi nhà thuộc địa đầu tiên.”

Biệt thự Heller trở nên nổi tiếng khắp cả vùng quê quanh nó. Mọi người lái xe ra khỏi lộ trình của mình, đỗ xe trên con đường phía trước ngôi nhà để nhìn chằm chằm, chỉ trỏ và cười khúc khích. Những nhân viên trạm xăng khúc khích cười khi xe của Heller lái ngang qua. Người đầu bếp của Heller phải chịu đựng những cái liếc nhìn giễu cợt của những người chủ cửa hàng khi bà chạy đi làm những việc lặt vặt. Ngôi nhà Heller được biết trong vùng lân cận với cái tên “Nhà thương điên.”

Peter Keating nói với các bạn trong nghề, với một nụ cười bao dung: “Nào, nào, không nên nói thế về cậu ấy. Tôi biết Howard Roark lâu rồi, và cậu ấy khá có tài, khá có tài. Cậu ấy đã từng làm việc cho tôi. Cậu ấy chỉ hơi nôn nóng với cái nhà đó thôi. Cậu ấy sẽ học được. Cậu ấy có tương lai… Ồ, anh không nghĩ cậu ấy có tương lai? Anh thực sự không nghĩ là cậu ấy có tương lai à?”

Ellsworth M. Toohey, người không để cho một viên đá nào trồi lên từ mặt đất của nước Mỹ mà lại không có lời bình luận của mình, không biết rằng biệt thự Heller đã được xây dựng – trong chừng mực mà cột báo của ông quan tâm. Ông không coi việc thông báo cho độc giả của mình biết về nó là cần thiết, kể cả là để chỉ trích nó. Ông chẳng nói gì cả.

Bình luận
× sticky