Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Suối Nguồn

Chương X

Tác giả: Ayn Rand

Tòa nhà Enright House khánh thành vào tháng sáu năm 1929.

Không có lễ khánh thành chính thức nào. Tuy nhiên, Roger Enright muốn đánh dấu sự kiện này theo ý muốn riêng của ông. Ông mời một vài người mà ông ưa và ông tự mở khóa cánh cửa lớn bằng kính vào nhà. Ông đẩy nó mở toang cho nắng tràn vào. Một vài phóng viên nhiếp ảnh đã tới vì câu chuyện có liên quan tới Roger Enright và bởi vì Roger Enright không muốn họ có mặt. Ông phớt lờ họ. Ông đứng ở giữa đường, nhìn lên căn nhà; sau đó ông đi qua sảnh chính, đột ngột dừng lại rồi lại tiếp tục bước đi. Ông không nói gì. Ông nhăn mặt rất nhiều, như thể ông sắp hét lên vì giận dữ. Bạn bè ông biết rằng Roger Enright đang hài lòng.

Căn nhà nằm trên bờ sông Đông. Nó là một cấu trúc thăng hoa, như những cánh tay vươn lên. Những hình khối bằng thạch anh nhô lên từng nhịp hùng hồn, khiến cho căn nhà không phải như nằm bất động mà dâng dần lên liên tục – cho đến lúc người ta nhận ra rằng cái dâng đó chỉ là cái nhìn bị bắt buộc phải rướn dần lên theo một nhịp điệu nhất định của chính mình. Những bức tường bằng đá vôi xám nhạt chuyển thành màu bạc trên nền trời – một màu tinh khiết và trầm tĩnh của kim loại nhưng là thứ kim loại đã được biến thành một chất liệu sống, ấm áp, và được cắt bởi một thứ dụng cụ cắt tuyệt vời nhất trên mặt đất – đó là ý chí có mục đích của con người. Tòa nhà trông sống động theo một cách riêng của nó, và vì thế, những người đứng ngắm nó đều tự nhủ một cách bất giác: “… như hình dáng và hiện thân của Người.”[87]

Một phóng viên ảnh của tờ Ngọn cờ nhìn thấy Howard đứng bên kia đường, cạnh kè đá dọc con sông. Anh đang ngửa người ra phía sau, hai tay khoanh lại phía bên trên kè đá, đầu không đội mũ, mắt ngước lên nhìn tòa nhà. Đấy là một khoảnh khắc vô thức và tình cờ. Anh chàng phóng viên liếc nhìn khuôn mặt Roark – và nghĩ đến một thứ đã làm anh ta băn khoăn từ lâu nay: anh ta đã luôn tự hỏi tại sao những cảm giác mà người ta có trong những giấc mơ lại mạnh mẽ hơn nhiều so với những gì người ta có thể cảm nhận trong thực tại tỉnh thức, tại sao sự kinh hoàng lại bao bọc và sự thăng hoa lại trọn vẹn đến thế, và cái gì là cái đặc tính riêng của những giấc mơ mà người ta không bao giờ tái tạo lại được trong hiện thực – cái cảm giác mà anh ta cảm thấy khi anh bước dọc một con đường mòn xuyên qua những cái lá cây màu xanh đan vào nhau trong một giấc mơ, trong một không khí đầy sự hy vọng, đầy cảm giác sung sướng vô tư lự – và khi tỉnh lại thì anh ta không thể giải thích được tại sao chỉ có mỗi con đường mòn qua rừng lại làm anh sung sướng đến thế. Anh ta nghĩ đến điều đó bởi vì anh ta nhìn thấy cái đặc tính riêng ấy lần đầu tiên trong thực tại thức tỉnh, anh ta thấy nó trên khuôn mặt đang ngước lên nhìn tòa nhà của Roark. Người phóng viên còn trẻ, mới vào nghề; anh ta chưa biết nhiều về công việc nhưng anh ta yêu nó; anh đã chụp ảnh nghiệp dư từ lúc còn nhỏ. Và anh ta đã chụp một bức ảnh của Roark vào khoảnh khắc đó.

Về sau, biên tập viên trang Nghệ thuật của tờ Ngọn cờ nhìn thấy bức ảnh và hỏi giật giọng:

“Cái quái gì thế này?”

“Howard Roark.”

“Howard Roark là ai?”

“Người kiến trúc sư.”

“Ai lại cần ảnh một kiến trúc sư?”

“Tôi chỉ nghĩ là…”

“Hơn thế, trông nó thật ngớ ngẩn. Anh ta làm sao thế?”

Và bức ảnh bị ném vào phòng lưu trữ tư liệu.

Tòa nhà Enright được thuê rất nhanh. Những người thuê nhà là những người muốn sống ở một nơi có tiện nghi thích hợp và không quan tâm tới điều gì khác. Họ không thảo luận về giá trị của tòa nhà; đơn thuần là họ thích sống ở đó. Họ là những người sống một cuộc đời có ích nhưng kín đáo, ít được mọi người biết đến.

Trong ba tuần, người ta bàn tán rất nhiều về tòa nhà Enright. Họ nói rằng nó tự mãn, phô trương, và giả dối. Họ nói: “Em yêu, thử tưởng tượng chúng ta phải mời bà Moreland đến chơi nếu chúng ta sống trong tòa nhà đó. Nhà bà ấy thật là đẹp!” Và bắt đầu có những người nói: “Anh biết đấy, tôi khá ưa kiến trúc hiện đại; thời buổi này, kiểu kiến trúc đó có cái gì đó khá hay, ở Mỹ có cả một trường phái kiến trúc như vậy, cũng khá thú vị – nhưng mà cái nhà này thì chẳng giống thế một chút nào. Cái nhà này là đồ bỏ.”

Ellsworth Toohey không hề đả động đến tòa nhà Enright trong mục báo của ông. Một bạn đọc viết cho ông: “Thưa ông Toohey, ông nghĩ gì về cái tòa nhà có tên Enright? Tôi có một người bạn làm trang trí nội thất và anh ta nói rất nhiều về nó; anh ta bảo nó là một tòa nhà kinh khủng. Kiến trúc và những nghệ thuật khác là niềm yêu thích của tôi, tôi không biết phải nghĩ thế nào. Ông có thể trình bày ý kiến của ông trong một bài báo được không?” Ellsworth Toohey trả lời bằng một lá thư riêng: “Bạn thân mến: Có quá nhiều tòa nhà quan trọng và những sự kiện vĩ đại trong thế giới hôm nay và tôi không thể lãng phí mục báo của tôi cho những thứ lẻ tẻ được.”

Nhưng có những người tìm đến Roark – một số ít mà anh đã mong muốn. Mùa đông đó, anh nhận được hợp đồng xây biệt thự Norris, một căn nhà nhỏ ở nông thôn. Tháng Năm, anh ký một hợp đồng khác – đó là hợp đồng xây tòa nhà văn phòng đầu tiên của anh – một tòa nhà chọc trời năm mươi tầng, ngay giữa trung tâm Manhattan. Anthony Cord, chủ tòa nhà, đã đi từ chỗ vô danh thành một tỷ phú nhờ kinh doanh tài chính chỉ trong vài năm. Ông ta muốn xây một tòa nhà riêng của mình và ông ta tìm đến Roark.

Văn phòng của Roark đã mở rộng thành bốn phòng. Nhân viên của anh hết sức yêu quý anh. Chính họ cũng không biết điều đó và họ sẽ sốc nếu nghe ai dùng từ “yêu quý” để mô tả tình cảm của họ với ông chủ lạnh lùng, không hề cởi mở, và có vẻ vô cảm của mình. “Lạnh lùng, không cởi mở, vô cảm” là những từ họ dùng để mô tả Roark – họ đã được huấn luyện việc dùng những từ này theo những tiêu chuẩn và nhận thức trong quá khứ của họ; chỉ có điều, khi làm việc với anh, họ biết rằng tất cả những từ kia đều sai, nhưng họ không thể giải thích được con người anh cũng như cảm giác mà họ dành cho anh.

Anh không cười với các nhân viên của mình, anh không đưa họ đi uống nước, anh không bao giờ hỏi thăm về gia đình họ, về chuyện yêu đương hay về chuyện đi nhà thờ của họ. Anh chỉ quan tâm đến cái cốt lõi nhất của một con người: khả năng sáng tạo của người đó. Trong văn phòng của anh, người ta bắt buộc phải biết làm việc. Không có lựa chọn, không có những chiếu cố nào khác. Nhưng nếu một người làm việc tốt, anh ta không cần gì khác để giành được cảm tình của Roark: nó được trao cho anh, không phải như một thứ quà, mà như một món nợ phải trả. Nó được trao, không phải như một thứ tình cảm yêu quý, mà như một sự thừa nhận về con người. Nó tạo ra cảm giác tự tôn lớn trong tất cả những người làm việc ở văn phòng của Roark.

Khi một nhân viên của Roark cố gắng giải thích điều này ở nhà, một người nói với anh: “Nhưng như thế chẳng giống con người gì cả, cái kiểu đối xử lạnh lùng và không văn minh của anh ta ấy.” Một anh chàng trẻ tuổi – một người kiểu Peter Keating – đã thử lấy tính cách và vẻ ngoài thay vì tài năng để chiếm cảm tình của Roark, anh ta chỉ ở đó được hai tuần. Thỉnh thoảng Roark cũng sai lầm trong việc chọn người làm, nhưng việc đó không thường xuyên; những người mà anh giữ lại được sau một tháng làm việc trở thành bạn vĩnh viễn của anh. Họ không tự gọi mình là bạn anh; họ không ca ngợi anh với người ngoài; họ không nói về anh; nhưng họ biết – một cách mơ hồ – rằng không phải họ đang trung thành với anh mà họ đang trung thành với phần tốt nhất trong chính con người họ.

*

* *

Dominique ở lại trong thành phố suốt mùa hè. Cô nhớ thói quen du lịch của cô với cảm giác thỏa mãn cay đắng; cô giận dữ khi nghĩ rằng cô không được phép đi, không được phép muốn đi. Cô tận hưởng sự giận dữ; nó kéo cô tới phòng anh. Vào những đêm mà cô không đến chỗ anh, cô đi bộ qua những đường phố của thành phố. Cô đi bộ từ tòa nhà Enright tới Cửa hàng Fargo, và đứng nhìn tòa nhà một lúc lâu. Cô lái xe một mình ra khỏi thành phố – để tới ngắm biệt thự của Heller, nhà Sanborn, trạm xăng Gowan. Cô không bao giờ kể cho anh những điều này.

Một lần, cô lên chuyến phà sang đảo Staten vào lúc hai giờ sáng; cô đứng một mình ở lan can vắng người. Cô nhìn thành phố xa dần khỏi cô. Trong khoảng không mênh mông của trời và nước, thành phố chỉ như một khối vật chất rắn chắc nhỏ nhoi, lởm chởm. Nó như bị cô đặc, ép sát vào nhau, không còn những con đường và những tòa nhà riêng biệt mà chỉ như một khối đá điêu khắc đơn nhất. Như những bậc thềm không đều nhau cứ dâng lên rồi hạ xuống không theo quy tắc nào – những đoạn rướn dài xen với những đoạn đứt đột ngột, như bản phác thảo một cuộc vật lộn khó nhọc. Nhưng cuộc vật lộn ấy lên tới một vài đỉnh cao – đó là những tòa nhà cao tầng hiên ngang đứng vượt lên mọi thứ.

Con phà đi ngang qua Tượng thần Tự Do – một hình khối được thắp sáng màu xanh lá cây, với một cánh tay giơ lên như những tòa nhà chọc trời phía sau nó.

Cô đứng ở lan can trong lúc thành phố thu nhỏ dần; và cô cảm thấy cái chuyển động tăng dần khoảng cách giữa cô với thành phố đang làm người cô đanh lại, giống như có một sợi dây chun buộc vào cô và sợi dây ấy chỉ có thể kéo dãn đến một mức nhất định. Cô đứng với một cảm giác sung sướng lặng lẽ khi con phà đi ngược trở lại và cô nhìn thấy thành phố lớn dần lên để chào đón cô. Cô dang rộng hai tay. Thành phố nở rộng ra, tới hai khuỷu tay cô, rồi tới cổ tay cô, rồi vượt ra ngoài những ngón tay cô. Rồi những tòa nhà chọc trời vươn lên quá đầu cô; và cô đã trở lại.

Cô bước lên bờ. Cô biết cô phải tới đâu và cô muốn tới đó thật nhanh, nhưng cô cũng cảm thấy cô phải tự mình đi tới đó, như thế này, trên chính đôi chân của cô. Và cô đi bộ qua một nửa Mahattan, qua những đường phố dài, vắng người, vang vọng tiếng bước chân cô. Khi cô gõ cửa phòng anh, đã bốn rưỡi sáng. Anh đang ngủ. Cô lắc đầu. “Không” – cô nói – “Đi ngủ đi. Em chỉ muốn ở đây.” Cô không chạm vào anh. Cô bỏ mũ và giày, thu mình trong một chiếc ghế bành và ngủ mất, cánh tay thõng qua thành ghế, đầu gục trên cánh tay. Buổi sáng, anh không hề hỏi cô. Họ cùng nhau chuẩn bị bữa sáng, rồi anh vội vã đi đến văn phòng. Trước khi đi, anh ôm cô và hôn cô. Rồi anh bước ra khỏi cửa. Cô đứng khoảng vài giây, rồi cô cũng đi. Họ đã nói với nhau không quá hai mươi từ.

Có những cuối tuần họ rời thành phố cùng nhau và lái xe tới một chỗ vắng người nào đó dọc bờ biển. Họ nằm phơi mình dưới nắng, trên bãi cát của một bãi biển bỏ hoang; họ xuống bơi. Cô thích ngắm thân hình anh trong nước. Cô thường tụt lại phía sau và đứng cho sóng đánh vào đầu gối; cô ngắm anh cắt một đường thẳng trên mặt nước bằng những cái khoát tay. Cô thích nằm với anh ở mép nước; cô nằm sấp, cách anh một chút, đầu quay vào bờ, những ngón chân mở ra đón sóng; cô sẽ không chạm vào người anh nhưng cô sẽ cảm thấy những con sóng đang tràn đến gần họ, đập vào thân thể họ và cô sẽ thấy chúng rút ra như những dòng suối nhỏ tràn xuống từ thân thể cô và thân thể anh.

Họ ngủ ở một nhà trọ nào đó trong vùng nông thôn – chung một phòng. Họ không bao giờ nói về những thứ họ bỏ lại trong thành phố. Nhưng chính những thứ không được tuyên bố ấy mang lại cho họ sự đơn giản thoải mái trong những giờ bên nhau; mỗi khi họ nhìn nhau, mắt họ cười không thành tiếng về cái giao kèo phi lý giữa họ.

Cô cố gắng thể hiện quyền lực của cô với anh. Cô tránh xa nhà anh; cô chờ anh tìm đến cô. Anh phá hỏng nó bằng cách đến quá sớm; bằng cách không để cho cô được thỏa mãn với cái ý nghĩ rằng anh phải chờ đợi và đấu tranh với ham muốn của anh; bằng cách đầu hàng ngay tức khắc. Cô sẽ nói: “Hôn tay em đi, Roark.” Anh sẽ quỳ xuống và hôn cổ chân cô. Anh đánh bại cô bằng cách thừa nhận quyền lực của cô; cô không thể có được sự hài lòng thông qua việc áp đặt quyền lực ấy. Anh sẽ nằm dưới chân cô và anh sẽ nói: “Dĩ nhiên là anh cần em. Anh phát điên khi anh nhìn thấy em. Em có thể làm hầu như bất cứ thứ gì em muốn với anh. Có phải đấy là điều em muốn nghe? Hầu như mọi thứ, Dominique. Và những thứ mà em không thể bắt anh làm – em sẽ bắt anh đi qua địa ngục nếu như em đòi hỏi chúng và anh sẽ phải từ chối em. Qua địa ngục khủng khiếp nhất, Dominique. Em hài lòng chưa? Tại sao em lại muốn biết em có sở hữu anh hay không? Rất đơn giản. Dĩ nhiên là em có. Em sở hữu tất cả những gì có thể sở hữu được. Em sẽ không bao giờ đòi hỏi được gì khác. Nhưng nếu em muốn biết liệu em có thể làm anh đau khổ không thì câu trả lời là có. Nhưng thế thì đã sao nào?”

Những lời anh nói không giống như một sự đầu hàng, bởi vì nó không phải là những lời bị ép phải thốt ra mà là những lời thừa nhận một cách đơn giản và tự nguyện. Cô không cảm thấy sự sung sướng của người chinh phục; cô thấy mình bị sở hữu hơn bao giờ hết, sở hữu bởi một người có khả năng nói những lời kia, biết rằng chúng là có thật, và vẫn cứ để bị kiểm soát và kiểm soát – như cô muốn anh là thế.

*

* *

Cuối tháng Sáu, một người đàn ông có tên Kent Lansing đến gặp Roark. Ông ta 40 tuổi, ăn mặc như thể một người mẫu thời trang và trông như một võ sĩ đấm bốc ăn tiền mặc dù ông không hề lực lưỡng, cơ bắp, hay gân guốc: ông gầy và góc cạnh. Có điều ông làm cho người ta nghĩ đến một võ sĩ đấm bốc và nghĩ đến những thứ hoàn toàn không hợp với vẻ ngoài của ông: như những cái trụ gỗ để phá cổng thành, như xe tăng, hay những quả thủy lôi của tàu ngầm. Ông là thành viên một tập đoàn được thành lập với mục đích xây một khách sạn sang trọng ở gần khu nam của Công viên trung tâm. Có rất nhiều người giàu có tham gia dự án này và tập đoàn chịu sự điều khiển của nhiều hội đồng; họ đã mua đất nhưng vẫn chưa chọn được kiến trúc sư. Nhưng Kent Lansing đã quyết định rằng kiến trúc sư phải là Roark.

“Tôi sẽ không cố nói với ông tôi muốn thiết kế tòa nhà này đến mức nào” – Roark nói vào cuối buổi phỏng vấn đầu tiên giữa họ – “Nhưng tôi sẽ không có cơ hội làm việc đó. Tôi có thể làm việc với từng người. Nhưng tôi không thể làm gì với các nhóm. Chưa từng có một hội đồng nào thuê tôi cả – và tôi không nghĩ là họ sẽ.”

Kent Lansing mỉm cười.

“Anh đã bao giờ thấy một hội đồng làm được việc gì chưa?”

“Ý ông là gì?”

“Chỉ thế thôi: anh đã bao giờ thấy một hội đồng làm được việc gì chưa?”

“Có vẻ họ vẫn tồn tại và vẫn hoạt động.”

“Thật không? Anh biết đấy, có thời, người ta đã nghĩ rằng trái đất hiển nhiên phải phẳng lì. Thật thú vị khi nghĩ về bản chất và nguồn gốc của những ảo tưởng của con người. Một ngày nào đó, tôi sẽ viết một cuốn sách về chuyện này. Chắc là sẽ chẳng ai thích nó. Tôi sẽ dành một chương nói về các loại hội đồng quản trị. Anh thấy đấy, họ đâu có tồn tại.”

“Tôi muốn tin ông, nhưng chuyện đùa này rút cục là thế nào?”

“Không, anh không muốn tin tôi. Chẳng đẹp đẽ gì khi phát hiện ra nguồn gốc những ảo tưởng của con người đâu. Hoặc là chúng xấu xa, hoặc là chúng đáng buồn. Chuyện này thì có cả hai. Chủ yếu là xấu xa. Và nó không phải chuyện đùa. Nhưng chúng ta sẽ không nói về chuyện đó vào lúc này. Ý tôi là một hội đồng quản trị thực ra chỉ là một hay hai người có tham vọng – và một đống những kẻ bợ đỡ khác. Ý tôi là các nhóm người thực ra là những cái ống rỗng. Hoàn toàn trống rỗng. Người ta cứ bảo chúng ta không thể nhìn thấy sự trống rỗng. Thì đấy, cứ ngồi vào bất cứ cuộc họp hội đồng nào xem. Vấn đề chỉ là ai là người lấp đầy cái khoảng trống đó. Đấy là một trận đấu khó khăn. Khó khăn nhất. Chiến đấu với kẻ thù đã khó rồi – miễn là có kẻ thù ở đó mà chiến đấu. Đằng này, không có cả kẻ thù… Đừng nhìn tôi như thế, cứ như là tôi bị điên. Anh hẳn phải biết rõ chứ. Anh đã chiến đấu với sự trống rỗng suốt đời anh còn gì.”

“Tôi nhìn ông như thế bởi vì tôi thích ông.”

“Dĩ nhiên là anh thích tôi. Cũng như tôi đã biết trước là tôi sẽ thích anh. Con người là anh em, anh biết đấy, và họ có một bản năng tuyệt vời về tình anh em – chỉ trừ trong các hội đồng, các công đoàn, các tập đoàn và trong tù. Nhưng tôi nói quá nhiều rồi. Chính vì thế mà tôi là người bán hàng cừ. Tuy nhiên, tôi chẳng có gì để bán cho anh cả. Anh biết điều đó. Thế nên, chúng ta sẽ nói rằng chúng ta sẽ xây tòa nhà Aquitania – đấy là tên khách sạn của chúng ta – và mọi chuyện sẽ kết thúc như thế.”

Nếu như bạo lực trong các trận chiến mà người ta chưa từng biết đến có thể được đo đạc bằng các con số thống kê cụ thể thì trận chiến giữa Kent Lansing và hội đồng quản trị tập đoàn Aquitania hẳn phải được kể đến như một trong những trận chiến bạo lực nhất trong lịch sử. Nhưng những thứ mà ông chống lại không rõ ràng như những tử thi trên các chiến trường.

Ông đã phải chống lại những hiện tượng như: “Nghe này, Palmer, Lansing đang nói đến một ai đó tên là Roark, ông định bỏ phiếu thế nào đây, các đại gia có thích anh ta không?” “Tôi sẽ không quyết định cho đến khi nào tôi biết ai bỏ phiếu thuận, ai bỏ phiếu chống.” “Lansing nói… nhưng mặt khác, Thorpe nói với tôi…” “Talbot đang xây một cái khách sạn hoa hòe hoa sói trên Đại lộ Năm, cỡ 60 tầng – và lão ấy chọn Francon & Keating.” “Harper đem đầu ra bảo đảm cho Gordon Prescott.” “Nghe này, Betsy nói chúng ta điên rồi.” “Tôi không thích cái mặt của Roark – trông anh ta chẳng có vẻ hợp tác.” “Tôi biết, tôi cảm thấy thế, loại người như Roark không hợp đâu. Anh ta không phải một người bình thường.” “Người bình thường là thế nào?” “Thì, ôi dào, ông biết rõ ý tôi là gì: bình thường ấy.” “Thompson nói rằng bà Pritchett bảo rằng bà ấy biết chắc chắn bởi vì ông Macy bảo với bà ấy rằng nếu…” “Thế đấy, các ngài, tôi cóc quan tâm chuyện ai nói gì, tôi đã quyết định rồi và tôi xin nói với các vị cái tay Roark này là một kẻ chả ra gì. Tôi không thích cái nhà Enright.” “Tại sao?” “Tôi không biết tại sao. Tôi chỉ không thích và thế thôi. Chả nhẽ tôi không có quyền có ý kiến của tôi à?”

Trận chiến kéo dài nhiều tuần. Tất cả mọi người đều phát biểu, trừ Roark. Lansing nói với anh: “Không sao đâu. Cứ bình tĩnh. Đừng làm gì cả. Cứ để tôi nói. Anh chẳng thể làm gì được. Khi đối mặt với xã hội thì người quan tâm nhất, người làm việc nhiều nhất và đóng góp nhiều nhất lại có ít tiếng nói nhất. Người ta nghiễm nhiên cho rằng anh ta chẳng có tiếng nói gì và những lý lẽ mà anh ta đưa ra luôn bị bác bỏ sẵn – bởi vì người ta đâu có quan tâm đến lý lẽ mà chỉ quan tâm đến người nói lý thôi. Đánh giá một người bao giờ cũng dễ hơn đánh giá một luận điểm. Mặc dù tôi chả bao giờ hiểu làm sao người ta có thể đánh giá một người mà không đánh giá nội dung đầu óc anh ta. Tuy nhiên, thói đời thì là như vậy. Anh thấy đấy, lý lẽ đòi hỏi phải có cân để có thể cân đo chúng. Và cân thì không được làm từ bông. Thế mà tinh thần của loài người thì toàn là bông cả – anh biết đấy, cái thứ chả có hình dạng cố định gì và luôn luôn lún xuống và có thể vặn xuôi vặn ngược thành một cái bánh pretzel.[88] Anh có thể lý luận tốt hơn tôi về chuyện vì sao họ nên thuê anh. Nhưng họ sẽ không nghe anh và họ sẽ nghe tôi. Bởi vì tôi là người môi giới. Khoảng cách ngắn nhất giữa hai điểm không phải là một đường thẳng mà là một người môi giới. Và càng nhiều môi giới thì càng ngắn. Đấy chính là tâm lý học pretzel.

“Tại sao ông lại chiến đấu cho tôi như thế?” Roark hỏi.

“Tại sao anh lại là kiến trúc sư giỏi? Bởi vì anh có những tiêu chuẩn nhất định về việc thế nào là tốt và chúng là tiêu chuẩn của anh và anh kiên quyết trung thành với chúng. Tôi muốn có một cái khách sạn tốt và tôi có những tiêu chuẩn nhất định về việc thế nào là tốt và chúng là tiêu chuẩn của tôi và anh là người có thể mang lại cho tôi cái tôi muốn. Khi tôi chiến đấu cho anh, tôi chỉ đang làm đúng cái điều mà anh làm cho các tòa nhà của anh. Anh có nghĩ sự chính trực là phẩm chất độc quyền của các nghệ sĩ? Và tiện thể, anh nghĩ chính trực là gì? Là việc không móc đồng hồ khỏi túi người hàng xóm à? Không, không dễ dàng như thế. Nếu chỉ có thế, tôi có thể nói chín mươi lăm phần trăm nhân loại là những người chính trực và trung thực. Có điều, anh cũng thấy đấy, họ đâu có như vậy. Chính trực là khả năng trung thành với một tư tưởng. Điều đó bao hàm tiền giả định về khả năng tư duy. Tư duy là cái mà người ta không thể vay mượn hay cầm cố được. Ấy thế mà nếu người ta hỏi tôi một biểu tượng về con người như chúng ta biết, tôi sẽ không chọn một cây thánh giá hay một con đại bàng hay con sư tử hay là ngựa có sừng gì cả. Tôi sẽ chọn ba quả cầu mạ vàng.”[89]

Và khi Roark nhìn ông, ông nói thêm: “Đừng lo. Tất cả bọn họ đều chống lại tôi. Nhưng tôi có một lợi thế: họ không biết họ muốn gì. Tôi thì biết.”

Cuối tháng Bảy, Roark ký hợp đồng xây khách sạn Aquitania.

*

* *

Ellsworth Toohey ngồi trong văn phòng và nhìn vào tờ báo đang trải rộng trên mặt bàn của ông – trên đó có một mẩu tin công bố về hợp đồng xây khách sạn Aquitania. Ông hút thuốc; ông dùng hai ngón tay giữ đầu điếu thuốc trễ ở khóe miệng: một ngón tay đập đập vào điếu thuốc một lúc khá lâu, chầm chậm, nhịp nhàng.

Ông nghe thấy tiếng cánh cửa phòng ông mở toang; ông ngước nhìn lên và thấy Dominique đứng đó, dựa vào khung cửa, hai tay khoanh lại trước ngực. Khuôn mặt cô trông có vẻ tò mò, ngoài ra không có gì khác; nhưng sự tò mò trên khuôn mặt cô làm cho người ta cảnh giác.

“Cô gái thân mến của tôi” – ông vừa nói vừa đứng dậy – “đây là lần đầu tiên cô quá bộ đến thăm chỗ làm của tôi – trong suốt bốn năm chúng ta ở chung tòa nhà này. Thật là một dịp trọng đại.”

Cô không nói gì mà chỉ mỉm cười nhẹ nhàng – và điều ấy càng làm người ta cảnh giác. Ông nói thêm, giọng ông vui vẻ: “Bài diễn thuyết nhỏ của tôi, dĩ nhiên, cũng giống như một câu hỏi. Hay là chúng ta không hiểu nhau nữa rồi?”

“Tôi đoán là không – nếu như ông thấy cần phải hỏi xem cái gì đưa tôi đến đây. Nhưng ông biết rồi mà, Ellsworth, ông biết rõ điều đó: nó nằm ngay trên bàn ông đấy.”

Cô bước lại bàn và lật một góc tờ báo. Cô phá ra cười.

“Ông có ước là ông đã giấu nó đi không? Dĩ nhiên ông đã không đoán là tôi đến. Điều đó cũng chẳng sao. Có điều, tôi muốn nhìn thấy ông lộ liễu dù chỉ một lần. Ngay ở trên bàn ông, đúng như thế kia. Và ở ngay chính giữa mục nhà đất nữa.”

“Cô nghe như thể cái tin nhỏ nhặt ấy đã làm cô rất hạnh phúc.”

“Nó đã làm tôi hạnh phúc, Ellsworth. Nó vẫn đang.”

“Tôi cứ nghĩ là cô đã cố công để ngăn cái hợp đồng ấy.”

“Tôi đã.”

“Nếu cô nghĩ là cô đang đóng kịch, Dominique, thì cô đang tự lừa dối bản thân cô. Đây không phải là một vở kịch.”

“Không, Ellsworth. Không hề.”

“Cô vui vì Roark có nó à?”

“Tôi rất vui. Tôi có thể ngủ với cái lão Kent Lansing này, bất kể lão ấy là ai, nếu như tôi gặp lão ta và nếu lão ta đề nghị tôi.”

“Vậy là cam kết của cô bị vỡ rồi à?”

“Không đời nào. Tôi sẽ ngăn chặn bất cứ công trình nào sắp đến tay anh ta. Tôi sẽ tiếp tục cố. Sẽ không dễ như trước nữa. Nhà Enright, nhà Cord, và giờ là cái này. Sẽ không dễ cho tôi – và cả ông. Anh ta đang đánh bại ông, Ellsworth. Ellsworth, nếu tôi và ông, chúng ta đã nghĩ sai về thế giới thì sao?”

“Cô đã luôn luôn sai, cô gái yêu quý của tôi. Tha thứ cho tôi. Lẽ ra tôi chả nên ngạc nhiên. Dĩ nhiên việc anh ta có tòa nhà đó phải làm cô vui rồi. Tôi cũng chả cần phải giấu giếm là việc đó không hề làm tôi vui. Đấy, cô thấy chưa? Giờ thì chuyến viếng thăm của cô đã thành công rực rỡ rồi nhé. Vậy chúng ta chỉ cần xóa sổ tòa nhà Aquitana như một thất bại lớn của chúng ta và quên nó đi và tiếp tục như trước.”

“Chắc chắn rồi, Ellsworth. Giống như trước. Tôi sẽ cò cưa một bệnh viện mới rất tuyệt cho Keating vào bữa tối hôm nay.”

Ellsworth Toohey về nhà và ngồi nghĩ cả buổi tối về Hopton Stoddard.

Hopton Stoddard là một người đàn ông nhỏ bé có tài sản 20 triệu đô la. Ba nguồn thừa kế đã đóng góp vào con số này, cộng với bảy mươi hai năm bận rộn với sự nghiệp kiếm tiền của ông ta. Hopton Stoddard có một tài năng thiên bẩm về đầu tư; ông đầu tư vào bất cứ thứ gì – những tòa nhà có tai tiếng, những vở kịch Broadway lớn – chủ yếu có liên quan đến tôn giáo, các nhà máy, các khoản cầm cố trang trại và cả thuốc tránh thai. Ông nhỏ người và còng lưng. Mặt ông không méo mó; người ta chỉ tưởng là nó méo mó bởi vì nó chỉ mang một biểu hiện duy nhất: một cái cười mỉm. Cái miệng bé nhỏ của ông luôn có hình chữ V trên một vẻ mặt luôn luôn vui vẻ; lông mày ông cũng là những chữ V nhỏ xíu được uốn cong; hai mắt ông màu xanh nước biển; tóc ông trắng, dày, lượn sóng, trông như tóc giả nhưng thực ra là tóc thật.

Toohey đã biết Stoddard từ nhiều năm và có một ảnh hưởng lớn đến ông ta. Hopton Stoddard chưa bao giờ lập gia đình, không có họ hàng thân thích và cũng không có bạn; ông không tin mọi người, ông nghĩ rằng họ luôn chỉ chạy theo tiền của ông. Nhưng ông có một niềm kính trọng to lớn với Toohey, bởi vì Toohey đại diện cho cái đối lập hoàn toàn với cuộc đời ông; Toohey không hề quan tâm tới của cải vật chất; và vì sự đối lập ấy, ông coi Toohey là hiện thân của đức hạnh; điều này ám chỉ cái gì về cuộc sống của chính ông thì ông chưa bao giờ tự hỏi mình. Ông không thực sự thanh thản về cuộc sống của ông và càng ngày, cảm giác bất ổn càng tăng lên, cùng với nó là cảm giác chắc chắn về một sự kết thúc đang đến gần. Ông tìm thấy sự giải thoát trong tôn giáo – như một cách hối lộ. Ông đã thử nghiệm với một vài tín ngưỡng khác nhau; ông dự các buổi lễ, cúng tiến những khoản tiền lớn và rồi đổi sang một tín ngưỡng khác. Năm tháng qua đi, tốc độ thay đổi của ông cũng tăng lên; nó mang màu sắc của sự hoảng loạn.

Sự thờ ơ của Toohey với tôn giáo là khiếm khuyết duy nhất khiến ông thấy bất an về người bạn và cố vấn của ông. Nhưng những gì mà Toohey rao giảng đều có vẻ hòa hợp với các lời răn của Chúa: nào là lòng từ thiện, sự hy sinh, giúp đỡ người nghèo. Stoddard cảm thấy an toàn mỗi khi ông làm theo những lời khuyên của Toohey. Ông đóng góp hậu hĩnh cho những tổ chức mà Toohey gợi ý mà chẳng cần để giục giã nhiều. Trong các vấn đề thuộc về linh hồn, ông đối xử với Toohey trên mặt đất cũng gần giống như ông đoán ông sẽ đối xử với Chúa trên thiên đàng.

Nhưng mùa hè này, Toohey đã lần đầu tiên chịu thua trước Hopton Stoddard.

Hopton Stoddard đã quyết định thực thi giấc mơ mà ông đã hoạch định một cách kín đáo và cẩn thận từ vài năm nay, giống như tất cả các vụ đầu tư khác của ông: ông quyết định xây một ngôi đền. Không phải ngôi đền cho một tín ngưỡng cụ thể nào, mà là một ngôi đền liên-tín-ngưỡng, một biểu tượng không bè phái của tôn giáo, một nhà thờ phụng mở cửa cho tất cả mọi người. Hopton Stoddard muốn đánh bài an toàn.

Ông cảm thấy sụp đổ khi Toohey khuyên ông không nên theo đuổi dự án này. Toohey muốn một ngôi nhà để nuôi trẻ khuyết tật; ông đã dựng lên một tổ chức, một hội đồng các nhà tài trợ tên tuổi và một nguồn tiền để chi trả các khoản chi phí vận hành; nhưng ông không có nhà và cũng không có tiền xây nhà. Toohey đã nói với ông: nếu Hopton muốn có một biểu tượng xứng đáng với tên tuổi của ông, một đỉnh cao về sự hào phóng của ông, thì làm gì có mục đích nào cao cả hơn việc xây Nhà Hopton Stoddard cho Trẻ Khuyết tật. Căn nhà sẽ dành cho những đứa trẻ khốn khổ không có người chăm sóc. Nhưng Hopton Stoddard không cảm thấy rung động mảy may đối với việc xây một ngôi nhà cho bất cứ một trung tâm thế tục nào. Ông muốn một thứ như “Đền Hopton Stoddard cho Linh hồn Con người.”

Ông không có lý lẽ nào để chống lại hàng tràng hùng biện của Toohey. Ông chẳng thể nói gì ngoại trừ: “Không, Ellsworth, không, như thế không đúng, không đúng.” Vấn đề được bỏ lửng ở đó. Hopton Stoddard không nhượng bộ nhưng sự phản đối của Toohey làm ông thấy bất ổn và ông cứ trì hoãn quyết định của mình hết ngày này đến ngày khác. Ông chỉ biết rằng ông sẽ phải quyết định vào cuối mùa hè này, bởi vì đến mùa thu, ông sẽ phải đi một chuyến đi dài, một chuyến du lịch vòng quanh thế giới qua tất cả các thánh địa của các tôn giáo, từ Lourdes tới Jerusalem, rồi Mecca và Benares.

Vài ngày sau khi việc xây dựng khách sạn Aquitania được tuyên bố, Toohey đến gặp Hopton Stoddard vào buổi tối, trong căn hộ rộng lớn và đầy đồ đạc của Stoddard ở trên đường Riverside.

“Hopton” – ông vui vẻ nói – “Tôi đã sai. Ông đã đúng về chuyện ngôi đền.”

“Không!” – Hopton Stoddard há miệng kinh ngạc.

“Có đấy” – Toohey nói – “Ông đã đúng. Chẳng gì có thể hợp lý hơn thế. Ông phải xây một ngôi đền. Một ngôi đền cho Linh hồn Con người.”

Hopton Stoddard nuốt nước bọt và mắt ông ngấn nước. Ông cảm thấy ông hẳn đã phải tiến vượt ra khỏi phạm vi của sự đúng đắn nếu như ông có thể dạy được cho thầy của ông một bài học về đức hạnh. Sau đó, chẳng còn gì là quan trọng nữa; ông ngồi, như một đứa trẻ nhàu nhĩ và yếu ớt, lắng nghe Ellsworth Toohey nói; ông gật đầu đồng ý với mọi thứ.

“Đấy là một dự án tham vọng đấy, Hopton, và nếu ông định làm, thì ông phải làm mọi việc thật đúng. Ông cũng biết một việc như thế là khá táo bạo – việc dâng cho Chúa một món quà – và nếu ông không thể làm việc ấy một cách tốt nhất thì nó sẽ trở thành một sự xúc phạm chứ không phải thờ phụng.”

“Phải, dĩ nhiên rồi. Nó phải hoàn hảo. Nhất định phải hoàn hảo. Phải là thứ tốt nhất. Anh sẽ giúp tôi, đúng không, Ellsworth? Anh biết mọi thứ về xây dựng và nghệ thuật và tất cả mọi thứ – hẳn là phải như thế.”

“Tôi sẽ rất vui được giúp ông – nếu ông thực sự muốn tôi giúp.”

“Nếu tôi thực sự muốn anh giúp! Ý anh là gì – nếu tôi muốn…! Lạy Chúa lòng lành, không có anh thì tôi có thể làm gì? Tôi chẳng biết gì về… về những thứ như thế. Và nó nhất định phải hoàn hảo.”

“Nếu ông muốn nó hoàn hảo, ông sẽ làm đúng như tôi nói chứ?”

“Vâng, vâng, vâng. Tất nhiên rồi.”

“Đầu tiên, phải có một kiến trúc sư. Chuyện này rất quan trọng.”

“Phải, đúng thế”

“Ông không muốn thuê những cậu bé mặc đồ sa-tanh chải chuốt chỗ nào cũng thấy tiền là tiền. Ông muốn một người tin vào công việc của anh ta như… như là ông tin vào Chúa.”

“Đúng thế. Chính xác là phải như thế.”

“Ông phải chọn người mà tôi chỉ ra.”

“Chắc chắn rồi. Ai vậy?”

“Howard Roark.”

“Hả?” Hopton Stoddard hoang mang. “Anh ta là ai?”

“Anh ta là người sẽ xây Đền Stoddard cho Linh hồn Con người.”

“Anh ta có giỏi không?”

Ellsworth Toohey quay đầu và nhìn thẳng vào mắt Hopton.

“Tôi thề trên linh hồn tôi, Hopton” – ông nói chậm rãi – “anh ta là người giỏi nhất.”

“Ồ!”

“Nhưng rất khó thuê anh ta. Anh ta không nhận thiết kế trừ với một số điều kiện nhất định. Ông phải tuân thủ những điều kiện này một cách tuyệt đối. Ông phải để cho anh ta có toàn quyền tự do. Chỉ cần nói với anh ta ông muốn gì, ông muốn chi bao nhiêu tiền, còn lại cứ để anh ta lo. Để anh ta thiết kế và xây theo ý anh ta. Anh ta không nhận làm với điều kiện khác. Cứ nói thẳng với anh ta rằng ông không biết gì về kiến trúc và ông chọn anh ta bởi vì ông cảm thấy anh ta là người duy nhất ông có thể tin là sẽ làm mọi việc hoàn hảo mà không cần phải có chỉ dẫn hay can thiệp.”

“Được rồi, nếu anh chọn anh ta.”

“Tôi chọn anh ta.”

“Vậy thì tốt rồi. Tôi không quan tâm việc này tốn bao nhiêu tiền.”

“Nhưng ông phải cẩn thận khi tiếp cận anh ta. Tôi nghĩ anh ta sẽ từ chối – lần đầu. Anh ta sẽ bảo ông rằng anh ta không tin vào Chúa.”

“Cái gì!”

“Đừng tin anh ta. Anh ta là người có đức tin sâu sắc – theo cách riêng của anh ta. Ông có thể thấy nó trong các tòa nhà của anh ta.”

“Ồ”

“Nhưng anh ta không thuộc một nhà thờ cụ thể nào cả. Như thế, ông sẽ không có vẻ thiên vị. Ông sẽ không làm mếch lòng ai.”

“Thế thì tốt.”

“Nào, khi làm việc về vấn đề đức tin thì ông phải là người có đức tin đầu tiên. Đúng không?”

“Đúng.”

“Đừng chờ đến lúc nhìn thấy các bản vẽ của anh ta. Sẽ phải mất một thời gian – và ông không thể trì hoãn chuyến đi của ông. Cứ thuê anh ta đi – đừng ký hợp đồng, việc đó không cần thiết – chỉ cần sắp xếp để ngân hàng của ông dàn xếp chuyện tài chính và để anh ta làm phần còn lại. Ông không phải trả công anh ta cho tới tận lúc ông trở về. Chừng một năm nữa, khi ông xem hết các đền thờ lớn trên thế giới và quay lại, ông sẽ có một đền thờ tốt hơn của riêng ông, chờ ông ở ngay đây.”

“Đấy chính là điều tôi muốn.”

“Nhưng ông phải tính đến chuyện công bố nó một cách hợp lý với công chúng, phải có cách hiến tế hợp lý, phải có những quảng cáo hợp lý.”

“Dĩ nhiên… Nhưng quảng cáo?”

“Chắc chắn là phải quảng cáo. Ông có biết đến sự kiện vĩ đại nào mà lại không đi kèm với một chiến dịch quảng cáo vĩ đại không? Những thứ không như thế thì cũng chả có mấy giá trị. Nếu ông không làm quảng cáo tử tế, mọi việc sẽ có vẻ thiếu tôn trọng.”

“Đúng thế thật”

“Nào, nếu ông muốn có quảng cáo hợp lý, ông phải tính toán cẩn thận, và phải tính trước rất nhiều. Ông muốn gì, khi nào muốn công bố – đấy là một việc quan trọng, giống như là khúc dạo đầu của một vở nhạc kịch, giống như việc tấu một khúc kèn đồng.”

“Thật là tuyệt – cái cách mà anh mô tả nó.”

“Rồi, để làm thế, ông không được để cho bọn báo chí lá cải làm giảm hiệu quả bằng việc tung tin sớm quá. Đừng công bố các bản vẽ của ngôi đền. Phải giữ chúng bí mật. Nói với Roark là ông muốn giữ chúng bí mật. Anh ta sẽ không phản đối. Bảo nhà thầu xây một hàng rào cứng quanh công trường trong lúc đang xây. Không ai được biết nó là cái gì cho đến lúc ông quay lại và tự tay làm việc khánh thành. Lúc ấy thì – sẽ có ảnh trên tất cả các tờ báo của cái đất nước này.”

“Ellsworth!”

“Thế nào?”

“Ý tưởng thật tuyệt. Đấy đúng là cách chúng tôi tung ra vở Huyền thoại Đức Mẹ Đồng trinh, đã 10 năm rồi, dàn diễn viên những chín mươi bảy người.”

“Phải. Nhưng trong lúc này, chỉ cần giữ công chúng biết đến nó. Hãy thuê một tay đại diện báo chí tử tế và bảo anh ta biết ông muốn anh ta làm thế nào. Tôi sẽ cho ông tên một tay rất cừ về việc này. Chỉ cần đảm bảo là cứ vài tuần lại có một bài viết úp úp mở mở về Đền Stoddard. Cứ để cho bọn họ đoán. Để cho họ chờ. Khi nào thời cơ đến thì họ cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng.”

“Phải.”

“Nhưng, trên hết, đừng để Roark biết tôi giới thiệu anh ta. Đừng hé ra cho bất cứ ai việc tôi có liên quan đến chuyện này. Một từ cũng không. Ông thề đi.”

“Nhưng tại sao?”

“Bởi vì tôi có quá nhiều bạn bè là kiến trúc sư, và đây là một công trình quan trọng, và tôi không muốn ai phật ý.”

“Phải rồi. Đúng thế thật.”

“Thề đi.”

“Kìa, Ellsworth.”

“Thề đi. Trên sự cứu rỗi của linh hồn ông.”

“Tôi thề. Trên… cái đó.”

“Được rồi. Nào, ông chưa bao giờ làm việc với các kiến trúc sư và anh ta lại là một kiến trúc sư không bình thường, và ông không muốn làm hỏng mọi việc; vì thế tôi sẽ bảo ông biết chính xác ông phải nói gì với anh ta.”

Ngày hôm sau, Toohey bước vào phòng làm việc của Dominique. Ông đứng bên bàn của cô, mỉm cười và nói bằng một giọng nghiêm trang:

“Cô có nhớ Hopton Stoddard và cái đền thờ các tôn giáo mà ông ta đã nói đến suốt sáu năm qua không?”

“Một cách lờ mờ.”

“Ông ta sẽ xây nó.”

“Ông ta sẽ?”

“Ông ta sẽ giao việc này cho Howard Roark.”

“Không!”

“Có đấy!”

“Chà, trong tất cả những thứ không thể tin được… Không thể là Hopton!”

“Chính là Hopton.”

“Được thôi. Tôi sẽ giải quyết với ông ta.”

“Không. Cô nghỉ đi. Tôi đã bảo ông ta giao việc này cho Roark.”

Cô ngồi yên, đúng như lúc những lời trên bắt được cô. Sự thích thú trên khuôn mặt cô đã biến mất. Ông nói thêm:

“Tôi muốn cô biết chuyện này, để không có những mâu thuẫn chiến lược. Không ai biết chuyện này và sẽ không có ai biết. Tôi tin tưởng cô sẽ nhớ điều đó.”

Cô hỏi, hai môi cô cử động một cách cứng nhắc:

“Ông có ý đồ gì?”

Ông mỉm cười. Ông nói:

“Tôi sẽ làm cho anh ta nổi tiếng.”

*

* *

Roark ngồi trong văn phòng của Hopton Stoddard và vừa nghe vừa sửng sốt. Hopton Stoddard nói chậm rãi; những lời của ông có vẻ chân thành và ấn tượng, chính bởi vì ông đã thuộc lòng những lời ấy một cách nguyên vẹn. Đôi mắt ti hí của ông nhìn Roark với một vẻ cầu khẩn để lấy lòng. Lần đầu tiên, Roark gần như quên mất kiến trúc và nghĩ đến con người trước; anh muốn đứng dậy và bước ra khỏi văn phòng; anh không thể chịu được con người này. Nhưng những lời mà anh nghe thấy giữ anh lại; những lời ấy không hòa hợp với khuôn mặt hay giọng nói của người đàn ông kia.

“Anh thấy đấy, anh Roark, mặc dù nó sẽ là một công trình tôn giáo, nó thực ra có ý nghĩa hơn thế nhiều. Anh có thấy chúng tôi gọi nó là Đền thờ Linh hồn Con người. Chúng tôi muốn nó thâu tóm – bằng đá, giống như người ta thâu tóm bằng âm nhạc – không chỉ vài tín ngưỡng hẹp hòi, mà là bản chất của mọi tôn giáo. Và cái gì là bản chất của mọi tôn giáo? Chính là khát vọng lớn lao của linh hồn con người hướng tới cái cao nhất, cái vĩ đại nhất, cái tuyệt vời nhất. Linh hồn con người như là đấng sáng tạo và người chinh phục của cái lý tưởng. Như động lực sống của cả vũ trụ. Linh hồn anh hùng của con người. Đấy chính là việc của anh, anh Roark.”

Roark dụi mu bàn tay của anh vào mắt – một cách bất lực. Thật không thể thế được. Đơn giản là không thể được. Đấy không thể là thứ mà người đàn ông này muốn, không phải người đó. Nghe ông ta nói ra điều đó thật kinh khủng.

“Ông Stoddard, tôi e rằng ông đã mắc sai lầm” – anh nói, giọng anh chậm rãi và mệt mỏi – “tôi không nghĩ tôi là người mà ông muốn. Tôi nghĩ sẽ không phải nếu tôi nhận việc này. Tôi không tin vào Chúa.”

Anh ngạc nhiên khi thấy vẻ mãn nguyện và đắc thắng trên khuôn mặt ông Stoddard. Mặt Hopton Stoddard sáng lên vì hàm ơn – ông biết ơn trí tuệ của Ellsworth Toohey; ông ấy luôn đúng. Ông thấy mình có một sự tự tin mới và ông nói chắc chắn, lần đầu tiên với giọng của một người già nói với một người trẻ tuổi – giọng ông sâu sắc và ra ý khuyên bảo một cách ân cần:

“Không sao. Anh là một người có đức tin sâu sắc, anh Roark ạ – theo cách riêng của anh. Tôi có thể thấy điều đó trong các tòa nhà của anh.”

Ông băn khoăn tại sao Roark lại nhìn ông như thế – anh không hề cử động trong một lúc lâu.

“Đúng thế” – Roark nói. Câu nói gần như một lời thì thầm.

Việc anh phải học về chính bản thân anh, về các tòa nhà của anh, từ người đàn ông này, người đã thấy chúng và biết chúng trước cả anh; việc ông ta có thể nói ra điều đó với một vẻ tự tin đầy thấu hiểu, mang hàm ý một nhận thức trọn vẹn – đã phá tan mọi nghi ngờ của Roark. Anh tự nhủ rằng anh chưa bao giờ hiểu con người; rằng ấn tượng ban đầu có thể sai lầm; rằng Hopton Stoddard sẽ ở cách xa cả một lục địa; rằng chẳng có gì còn quan trọng so với một công trình tầm cỡ thế này; rằng chẳng có gì quan trọng khi một con người – dù đó là Hopton Stoddard – có thể nói những lời thế này:

“Tôi muốn gọi nó là Chúa Trời. Anh có thể gọi nó bằng một tên khác. Nhưng cái mà tôi muốn ở công trình này là linh hồn của anh. Linh hồn của chính anh, anh Roark. Hãy mang cho tôi cái tốt nhất của linh hồn đó – và anh sẽ hoàn thành sứ mệnh của anh, như tôi sẽ hoàn thành sứ mệnh của tôi. Đừng quan tâm đến ý nghĩa mà tôi muốn nó thể hiện. Hãy để nó là linh hồn của anh trong hình dạng một công trình – và nó sẽ có cái ý nghĩa mà tôi muốn thể hiện, cho dù anh có biết đến nó hay không.”

Và như thế Roark nhận lời xây Đền Stoddard cho Linh hồn Con người.

Bình luận