Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Suối Nguồn

Phần III – Chương I

Tác giả: Ayn Rand

Gail Wynand nâng khẩu súng lên thái dương.

Ông cảm thấy sức ép của vòng kim loại tì lên da mình – và không gì khác. Giống như ông đang cầm một chiếc tẩu hay một thứ đồ trang sức nào đó, chỉ là một vật hình tròn nho nhỏ chẳng có ý nghĩa gì. “Ta sắp chết”, ông nói to – và ngáp.

Ông không cảm thấy thanh thản, không tuyệt vọng cũng không sợ hãi. Khoảnh khắc kết thúc cuộc đời không mang lại cho ông dù là cảm giác trang trọng. Nó chỉ là một khoảnh khắc vô danh; vài phút trước đó, ông cầm bàn chải đánh răng trong tay mình, và giờ đây ông cầm khẩu súng cũng có vẻ thờ ơ như thế.

Người ta không thể chết như thế được, ông nghĩ. Phải cảm thấy vui sướng tột cùng hoặc sợ hãi một cách chính đáng. Người ta phải kính cẩn chào vĩnh biệt cái chết của mình. Hãy để cảm thấy một cơn sợ hãi bao trùm toàn thân và tôi sẽ kéo cò súng. Nhưng ông không cảm thấy gì hết.

Ông nhún vai và hạ khẩu súng xuống. Ông đứng đập đập nòng súng vào lòng bàn tay trái của mình. Người ta vẫn nói tới những cái chết đen hay chết đỏ[95], ông nghĩ, còn cái chết của mày, Gail Wynand, sẽ là cái chết xám. Tại sao chưa có ai nhận ra rằng cái này mới thực sự là điều kinh khủng nhất? Không có những tiếng kêu gào, lời cầu khẩn hay những tràng cười thắt ruột. Không có trạng thái vô cảm, trống rỗng tuyệt đối của người vừa trải qua một một thảm kịch khủng khiếp nào đó. Chỉ có mỗi thế này – một cảm giác ghê tởm, ti tiện, bẩn thỉu, nhỏ mọn, thậm chí nó không đủ để khiến mình cảm thấy sợ hãi. Ta không thể chết như vậy được – ông tự bảo mình – và mỉm cười lạnh lùng – chết như vậy thật là kém phong cách.

Ông bước về phía bức tường trong phòng ngủ của mình. Căn hộ sát mái của ông nằm trên nóc tầng thứ 57 của một khách sạn lớn ở trung tâm Manhattan. Ông là chủ khách sạn này. Từ chỗ này, ông có thể nhìn thấy cả thành phố phía dưới ông. Phòng ngủ của ông là một chiếc lồng bằng kính ở trên nóc căn hộ; tường và trần của nó được làm từ những tấm kính khổng lồ. Trong phòng có những tấm rèm bằng da lộn màu xanh nhạt, có thể được kéo phủ kín các bức tường, bao lấy toàn bộ căn phòng, nếu ông muốn. Nhưng trần nhà thì không có gì che chắn cả. Nằm trên giường, ông có thể ngắm những ngôi sao trên đầu, nhìn những tia chớp loé lên, hay ngắm những hạt mưa đập vào mặt kính trong suốt rồi giận dữ bắn ngược lên thành những cái pháo hoa nhỏ. Ông thích tắt hết đèn và mở tất cả các tấm rèm khi nằm trên giường với một người đàn bà. Ông sẽ bảo người đó: “Chúng ta đang thông dâm trước mặt sáu triệu người”.

Lúc này ông chỉ có một mình. Các tấm rèm đều đã được kéo ra. Ông đứng nhìn thành phố. Đêm đã khuya và những ánh đèn hỗn độn đủ màu ở phía dưới cũng đang tắt dần. Ông nghĩ mình sẽ không thấy phiền nếu phải ngắm nhìn thành phố này trong nhiều năm tới. Nhưng cũng chẳng sao nếu không bao giờ ông phải nhìn thấy nó nữa.

Ông tựa người vào tường và cảm thấy hơi lạnh của tấm kính thấm qua lớp vải lụa mỏng, tối màu của chiếc pijama đang mặc. Trên túi ngực của nó là hai chữ cái thêu lồng vào nhau: G.W… Hai chữ thêu này được tái tạo từ nét chữ của ông. Chúng giống hệt như chữ ký tắt của ông – ông thường ký bằng một động tác dứt khoát đầy uy lực.

Người ta thường nói trong nhiều thứ đánh lừa người khác, thì vẻ bề ngoài của Gail Wynand là sự đánh lừa hoàn hảo nhất. Trông ông giống như sản phẩm cuối cùng – điêu tàn và quá hoàn hảo – của một dòng họ cao quý và lâu đời; trong khi đó, tất cả mọi người đều biết là ông xuất thân trong cảnh bần hàn. Ông cao, quá mảnh khảnh để có thể gọi là có hình thể đẹp, cứ như thể tất cả cơ bắp của ông đều đã tàn lụi. Ông không cần đứng thẳng người cũng có thể làm người ta cảm thấy sự cứng rắn từ ông. Giống như một thứ thép cực tốt, ông cúi người, vai thõng xuống và làm cho những người xung quanh ý thức rõ về ông – không phải ở tư thế cúi mà ở cái nhận thức rằng ông luôn có thể bật thẳng đứng lên bất cứ lúc nào, như một chiếc lò xo mạnh mẽ. Cái dáng đứng ấy là tất cả những gì ông cần. Ông hiếm khi đứng thẳng người; ông thường có dáng uể oải. Dù mặc quần áo nào, dáng điệu ấy cũng tạo cho ông phong thái hết sức tao nhã.

Khuôn mặt của ông không thuộc về nền văn minh hiện đại mà là thời cổ La Mã; nó giống như khuôn mặt của một nhà quý tộc lâu đời. Mái tóc ông có những mảng chuối tiêu và được vuốt ngược nhẹ nhàng ra sau, để lộ vầng trán cao. Da ông dính chặt vào khuôn mặt góc cạnh, miệng dài và mỏng. Ở dưới cặp lông mày xếch là đôi mắt có màu xanh nhạt – trong các bức ảnh, chúng hiện ra giống như hai hình trái xoan màu trắng, đầy vẻ mỉa mai. Một họa sĩ từng mời ông ngồi làm mẫu để vẽ tranh quỷ Mephistopheles.[96] Wynand đã cười lớn và từ chối, khiến người họa sĩ lại càng tiếc rẻ vì khi ông cười, khuôn mặt ông trong càng phù hợp với ý tưởng bức tranh của người đó.

Lúc này, ông uể oải tựa người vào tấm kính trong phòng ngủ, khẩu súng đặt trên lòng bàn tay. Hôm nay – ông nghĩ – hôm nay là ngày thế nào nhỉ? Liệu có gì xảy ra trong ngày hôm nay có thể giúp ta vào lúc này và khiến cho khoảnh khắc này trở nên quan trọng?

Ngày hôm nay cũng như rất nhiều ngày khác đã trôi qua mà không để lại dấu ấn gì đặc biệt. Ông 51 tuổi, và hôm nay là một ngày giữa tháng Mười của năm 1932. Ông chỉ nhớ chắc chắn được chừng đó, tất cả những điều khác đều đòi hỏi sự nỗ lực của trí nhớ.

Ông thức dậy và mặc quần áo vào lúc sáu giờ sáng; ông chưa bao giờ ngủ quá bốn tiếng mỗi đêm kể từ khi ông lớn lên. Ông đi xuống phòng ăn, nơi người ta dọn bữa sáng cho ông. Căn hộ của ông nằm ở một góc của khoảng sân thượng rất rộng được bố trí như một khu vườn. Các căn phòng trong nhà ông đều là những tuyệt phẩm nghệ thuật, sự đơn giản và vẻ đẹp của chúng có thể khiến người ta phải trầm trù thán phục nếu chúng thuộc về một người nào khác. Tuy nhiên, người ta thường kinh ngạc đến mức không biết nói gì, khi họ biết đó là nhà riêng của ông chủ tờ Ngọn cờ New York, tờ báo dung tục nhất nước.

Sau bữa sáng, ông vào phòng làm việc. Trên bàn làm việc của ông chất đầy các tờ báo, sách và tạp chí quan trọng nhận được mỗi sáng từ khắp nơi trên cả nước. Ông làm việc một mình trong phòng trong khoảng ba tiếng, đọc và viết những ghi chú vắn tắt lên các trang in bằng một chiếc bút chì lớn màu xanh. Các ghi chú của ông trông gốing như bản tốc ký của gián điệp, không ai có thể giải mã được chúng trừ bà thư ký đứng tuổi và khô khan của ông; bà thường vào phòng làm việc của ông sau khi ông đi khỏi. Ông chưa từng nghe thấy giọng nói của bà ta trong năm năm, nhưng họ cũng chẳng cần phải nói chuyện với nhau. Khi ông trở lại phòng làm việc của mình vào buổi tối thì ở đó cũng không còn cả bà thư ký lẫn chồng giấy tờ. Trên bàn làm việc của ông lúc đó sẽ là những tờ giây đánh máy rõ ràng những gì ông ghi chú lúc sáng.

Vào 10 giờ sáng, ông đến trụ sở tờ Ngọn cờ, một toà nhà đơn giản và bụi bặm ở một khu phố bình thường trong khu Hạ Manhattan. Khi ông bước qua những sảnh hẹp trong toà nhà, các nhân viên ông gặp đều cất tiếng chào ông.

Lời chào của họ được thực hiện đúng nghi thức và ông cũng đáp lại một cách lịch sự nhưng sự gặp mặt chớp nhoáng ấy có tác dụng giống như một tia sáng chết người làm tê liệt các sinh vật sống.

Trong số các quy tắc chặt chẽ, áp dụng cho tất cả các nhân viên trong tập đoàn Wynand thì quy tắc khó nhất là không ai được dừng công việc của mình khi Wynand bước vào phòng, và cũng không ai được chú ý tới việc ông bước vào. Người ta không thể đoán được ông sẽ lựa chọn phòng nào và khi nào. Ông có thể xuất hiện bất cứ lúc nào ở một nơi bất kỳ trong toà nhà và sự xuất hiện của ông cũng “kín đáo” như điện giật vậy. Các nhân viên của ông cố hết sức để tuân thủ quy tắc này nhưng họ thà làm thêm mười tiếng ngoài giờ còn hơn phải chịu đựng mười phút làm việc trước sự quan sát lặng lẽ của ông.

Buổi sáng hôm nay, tại phòng làm việc của mình, ông duyệt lại mục xã luận của tờ Ngọn cờ ngày Chủ nhật. Ông gạch những đường chì màu xanh lên những đoạn mà ông muốn bỏ. Ông không ký tắt tên mình lên trang báo nhưng tất cả mọi người đều biết là chỉ có Gail Wynand mới có thể gạch những đường chì màu xanh đó – những đường chì như xoá bỏ sự tồn tại của tác giả các bài viết.

Sửa xong, ông yêu cầu được nối dây nói với người biên tập tờ Thông tin Wynand ở Springville, bang Kansas. Khi ông gọi điện thoại tới các chi nhánh của mình, Wynand không bao giờ nói tên mình cho nạn nhân. Ông đòi hỏi tất cả các công dân quan trọng trong đế chế của ông đều phải nhận ra được giọng nói của ông.

“Chào Cummings” ông nói khi người biên tập trả lời máy.

“Lạy Chúa!” Anh ta hổn hển “Có phải là…”

“Phải!” Wynand nói “Anh nghe này, Cummings. Thêm một thứ rác rưởi như bài viết nhăng cuội ngày hôm nay về Bông hồng cuối cùng của mùa hè là anh có thể trở lại trường trung học Bugle được rồi đấy”.

“Vâng, thưa ngài Wynand”.

Wynand dập máy. Ông yêu cầu nối điện thoại với một Thượng nghị sĩ có tên tuổi ở Washington.

“Chào ngài Thượng nghị sĩ,” ông nói khi vị Thượng nghị sĩ trả lời điện thoại hai phút sau đó. “Ngài thật tốt bụng khi trả lời điện thoại. Tôi rất cảm kích. Tôi không muốn làm mất thời gian của ngài. Nhưng tôi cảm thấy tôi còn nợ ngài một lời cảm ơn trân trọng nhất. Tôi muốn cảm ơn ngài đã giúp thông qua Dự luật Hayes-Langston”.

“Nhưng mà… ngài Wynand!” – giọng ông Thượng nghị sĩ trở nên lúng túng. “Ngài thật chu đáo nhưng mà… Dự luật đó vẫn chưa được thông qua”.

“Ồ, đúng rồi. Tôi nhầm. Nó sẽ được thông qua vào ngày mai”.

Cuộc họp Hội đồng quản trị Tập đoàn Wynand được sắp xếp vào 11 giờ rưỡi buổi sáng hôm đó. Tập đoàn Wynand gồm có hai mươi hai tờ báo, bảy tạp chí, ba hãng thông tấn và hai kênh tin tức. Wynand chiếm bảy mươi lăm phần trăm số cổ phần của tập đoàn. Các thành viên hội đồng quản trị khác không biết chắc công việc hay nhiệm vụ của họ là gì. Wynand từng ra lệnh các cuộc họp đều phải bắt đầu đúng giờ, cho dù ông có mặt hay không. Hôm nay, ông bước vào phòng họp vào lúc 12 giờ 25. Một quý ông luống tuổi đang phát biểu. Các thành viên hội đồng quản trị không được phép dừng lại hay tỏ ra chú ý tới sự có mặt của Wynand. Ông bước tới chiếc ghế trống ở vị trí chủ toạ, đặt ở đầu chiếc bàn dài bằng gỗ gụ va ngồi xuống. Không ai quay mặt nhìn ông, cứ như thể có một bóng ma mà họ không dám thừa nhận sự tồn tại của nó vừa ngồi vào chiếc ghế. Ông im lặng lắng nghe trong 15 phút. Ông đứng lên trong khi diễn giả đang nói dở câu và rời khỏi phòng tương tự như khi ông bước vào.

Trên chiếc bàn lớn trong văn phòng của mình, ông trải rộng các bản đồ của Stoneridge, khu đất ông mới mua, và dành nửa tiếng để thảo luận về nó với hai nhà môi giới bất động sản. Ông đã mua một vùng đất rất lớn ở Long Island, vùng này sẽ được biến thành Dự án phát triển Stoneridge, một cộng đồng mới gồm các căn nhà riêng, cho tư nhân sở hữu. Tất cả đá lát đường, phố xá và nhà ở đều sẽ do tập đoàn Gail Wynand xây dựng. Một số ít người biết rõ các hoạt động đầu tư đất đai của ông từng bảo với ông là ông điên mất rồi. Chẳng ai nghĩ đến chuyện xây nhà vào thời điểm này. Nhưng Gail Wynand đã tạo dựng cơ nghiệp của ông chính nhờ những quyết định mà người khác gọi là điên rồ.

Ông vẫn chưa chọn kiến trúc sư thiết kế Stonerbridge. Tin tức về dự án này đã lan truyền tới ngành kiến trúc hiện đang trong cảnh sống dở chết dở. Trong nhiều tuần liền, Wynand từ chối đọc thư từ hay trả lời điện thoại của các kiến trúc sư nổi tiếng nhất trên toàn quốc cũng như bạn bè của họ. Ông từ chối thêm lần nữa và cuối buổi họp hội đồng quản trị, khi bà thư ký báo cho ông biết là ngài Ralston Holcombe đang khẩn thiết xin được nói chuyện hai phút với ông trên điện thoại.

Khi các nhân viên môi giới bất động sản đã đi khỏi, Wynand bấm vào một nút trên bàn làm việc và triệu tập Alvah Scarret. Scarret bước vào văn phòng, mỉm cười vui vẻ. Alvah luôn trả lời chuông gọi của Wynand với vẻ háo hức bợ đỡ của một cậu bé chạy bàn giấy.

“Alvah, Viên sỏi mật can đảm là cái quái gì thế?”

Scarret cười lớn. “Cái đó à? Đó là tên một tiểu thuyết. Của Lois Cook.”

“Loại tiểu thuyết gì?”

“À, toàn thứ vớ vẩn thôi. Tác giả muốn nó như một bài thơ bằng văn xuôi. Truyện kể về một viên sỏi mật tự nghĩ rằng nó tồn tại độc lập như một cá thể gai góc trong túi mật, ông hiểu ý tôi chứ, và sau đó người chủ của nó uống một đống dầu thầu dầu[97] – và truyện mô tả cụ thể hậu quả xảy ra sau đấy – Tôi cũng không chắc là nó có chính xác về mặt y học hay không nhưng tóm lại, đấy là kết của của Viên sỏi mật can đảm. Truyện này được viết ra để chứng minh rằng không có sự tồn tại của ý chí tự do”.

“Truyện đó bán được bao nhiêu cuốn?”

“Tôi không rõ. Không nhiều lắm, tôi nghĩ thế. Chỉ trong giới trí thức. Nhưng tôi nghe nói gần dây, nó bán khá chạy, và…”

“Chính xác thì cái quái gì đang xảy ra thế, Alvah?”

“Cái gì? À, ông muốn nói là ông thấy nó được nhắc tới vài lần…”

“Tôi muốn nói là tôi thấy nó xuất hiện ở khắp mọi nơi trên tờ Ngọn cờ trong vài tuần trở lại đây. Làm khéo đấy, vì tôi phải mất khá lâu mới nhận ra chuyện đó không phải tình cờ.”

“Ý ông là gì vậy?”

“Thế anh nghĩ ý tôi là gì? Tại sao tên một tiểu thuyết lại xuất hiện liên tục ở những chỗ hoàn toàn không phù hợp như thế? Hôm thì nó có mặt trong một chuyện tử hình mấy thằng sát nhân và bọn chúng ‘đã chết một cách quả cảm như Viên sỏi mật can đảm’. Hai ngày sau, nó lại lên trang 16, trong một bài viết huyên thuyên từ Albany: ‘Thượng nghị sĩ Hazleton nghĩ rằng ông là một cá thể độc lập nhưng hoá ra ông cũng chỉ là một Viên sỏi mật can đảm thôi’. Rồi sau đó lại thấy nó trong mục tin buồn. Hôm qua, nó xuất hiện trên trang phụ nữ. Và ngày hôm nay là ở phần truyện tranh: ‘Snooxy gọi ông chủ giàu có của anh ta là Viên sỏi mật can đảm’.”

Scarret cười khẽ “Quả là ngớ ngẩn.”

“Tôi cũng nghĩ là nó ngớ ngẩn. Lúc đầu thì thế. Giờ thì không.”

“Nhưng có chuyện quái gì đâu hả Gail! Nó đâu phải chuyện gì quan trọng và các phóng viên chủ chốt của chúng ta đâu có cố nhồi nó vào trang báo. Chỉ là từ đám nhân viên nhăng cuội, loại nhận lương 40 đàn ông la một tuần thôi mà.”

“Đó mới chính là vấn đề. Một trong các vấn đề. Vấn đề khác nữa là cuốn sách này không phải là một cuốn best-seller. Nếu nó nổi tiếng, tôi có thể hiểu là tiêu đề của nó tự động lọt vào đầu các phóng viên. Nhưng hoàn toàn không. Như vậy hẳn là có ai đó đang cố nhét nó vào tờ báo. Tại sao?”

“Thôi mà Gail! Làm gì có ai mất công làm thế chứ? Mà việc gì chúng ta phải quan tâm? Nếu như đó là một vấn đề chính trị… Chứ ai có thể kiếm lợi gì từ việc nhồi nhét chuyện ủng hộ hay phản đối tự do ý chí?”

“Có ai hỏi ý kiến anh về việc nhồi nhét này không?”

“Không. Tôi cho là không có ai đứng đằng sau việc này cả. Chỉ là tình cờ thôi. Thì nhiều người nghĩ nó là một chuyện khôi hài.”

“Anh nghe thấy câu đó lần đầu từ ai?”

“Tôi không biết… Để tôi nghĩ… Chắc là… Đúng rồi. Tôi nghĩ là từ Ellsworth Toohey.”

“Chấm dứt đi. Và nhớ nói cho Toohey biết.”

“Được thôi, nếu ông nói thế. Nhưng thực sự chẳng có gì đâu. Chỉ là một số người muốn đùa vui thôi mà.”

“Tôi không thích có ai đùa vui trên báo của tôi.”

“Được rồi, Gail.”

Vào lúc hai giờ, Wynand tham dự bữa ăn trưa của Hội nghị các Câu lạc bộ Phụ nữ toàn quốc với tư cách khách mời danh dự. Ông ngồi bên tay phòng bà chủ tịch. Bữa tiệc sực nức mùi hoa cài nực – hoa dành dành và hoa đậu – và mùi gà rán. Sau bữa ăn, Wynand phát biểu. Hội nghị này ủng hộ việc phụ nữ có gia đình tìm kiếm việc làm trong khi các tờ báo của Wynand thì đấu tranh chống lại việc làm cho phụ nữ có gia đình từ nhiều năm nay. Wynand phat biểu trong hai mươi phút. Nhưng thực sự, ông chẳng nói gì cả mặc dù ông tạo ra ấn tượng là ông ủng hộ tất cả những cảm xúc mà người ta bày tỏ trong buổi họp này. Không ai có thể giải thích được ấn tượng mà Gail Wynand tạo ra với thính giả, nhất là với thính giả nữ. Ông không làm điều gì đặc biệt cả: giọng ông thấp, sắc cạnh và gần như đơn điệu; ông có một phong cách quán chỉn chu, tới mức có vẻ như ông đang cố ý nhạo báng sự chỉn chu. Thế nhưng, ông lại chinh phục được tất cả thính giả. Người ta nói rằng đó là nhờ vẻ nam tính tinh tế và mạnh mẽ của ông, nó khiến giọng nói thanh nhã đang nói về trường học, nhà cửa và gia đình của ông làm người thấy như thể ông đang làm tình với tất cả những bà nạ dòng có mặt ở đó.

Trên đường quay trở về văn phòng, Wynand dừng chân tại phòng tin tức New York. Ông đứng bên chiếc bàn cao và cầm một cây bút chì lớn màu xanh da trời trong tay. Ông viết một bài xã luận hùng hồn và thẳng thừng lên án tất cả những người ủng hộ việc làm cho phụ; ông viết bằng những nét chữ có chiều cao đúng một inch[98], lên một tờ giấy lớn. Chữ ký G.W. ở cuối bài trông giống như một vệt lửa màu xanh. Ông không đọc lại bài viết của mình – chưa bao giờ ông cần đọc lại – mà quẳng nó lên bàn của biên tập viên đầu tiên mà ông nhìn thấy. Rồi ông bước ra khỏi phòng.

Vào cuối buổi chiều, khi Wynand chuẩn bị rời khỏi văn phòng, thư ký của ông thôngbáo là Ellssworth Toohey xin được gặp ông. “Cho ông ta vào” – Wynand nói.

Toohey bước vào với nụ cười nửa miệng thận trọng trên mặt – nụ cười vừa như chế giễu bản thân vừa chế giễu ông chủ của mình, tuy nhiên, ông giữ được sự cân bằng mỏng manh với chừng sáu mươi phần trăm phần chế giễu là dành cho bản thân. Ông biết Wynand không muốn gặp mình và việc được gặp Wynand không hẳn là việc có lợi cho ông.

Wynand ngồi sau bàn làm việc, khuôn mặt của ông trống rỗng một cách lịch sự. Hai đường chéo nổi lên mờ mờ trên trán ông, song song với cặp lông mày xếch. Đấy là vẻ mặt bối rối mà ông thỉnh thoảng có; nó bộc lộ hai thứ tình cảm trái ngược cùng lúc nó làm người đối thoại càng lo ngại.

“Mời ông ngồi, ông Toohey. Tôi có thể giúp ông việc gì?”

“Ồ, tôi tự phụ hơn thế cơ, thưa ngài Wynand.” Toohey nói một cách vui vẻ “Tôi không đến để mong ngài giúp đỡ mà để đề nghị giúp đỡ ngài.”

“Trong việc gì?”

“Soneridge.”

Hai đường chéo hằn rõ hơn trên trán của Wynand.

“Một người viết chuyên mục như ông thì có thể có ích gì cho Stoneridge?”

“Một người viết chuyên mục thì không, thưa ngài Wynand. Nhưng một chuyên gia kiến trúc thì…” to để giọng của mình kéo dài thành một dấu hỏi giễu cợt.

Nếu đôi mắt của Toohey không nhìn chằm chằm một cách tự phụ vào Wynand thì hẳn là ông đã bị yêu cầu ra khỏi văn phòng ngay lập tức. Nhưng cái nhìn đó khiến Wynand hiểu rằng Toohey đã biết tới việc ông bị người ta làm phiền rất nhiều bởi những người giới thiệu cho ông các kiến trúc sư. Toohey biết ông đã phải cố gắng hết sức để tránh họ; và Toohey đã láu cá hơn ông khi đề nghị gặp ông vì một mục đích mà Wynand hoàn toàn không nghĩ đến. Sự tự phụ đó làm Wynand cảm thấy thích thú và Toohey cũng biết trước điều này.

“Được thôi, ông Toohey. Ông đang định bán ai?”

“Peter Keating.”

“Rồi sao?”

“Xin lỗi ngài, rồi sao là sao?”

“Thì ông bán anh ta đi xem nào.”

Toohey dừng lại, sau đó ông khẽ nhún vai một cách vui vẻ và lấy giọng “Tất nhiên ngài cũng biết là tôi không có liên hệ gì với ông Keating cả. Tôi chỉ đóng vai trò là bạn của ông ấy và của ngài thôi.” Giọng nói của ông ta tỏ ra dễ chịu và thân thiện nhưng nó đã mất đi phần nào sự quả quyết. “Nói thực, tôi biết nói thế này nghe có vẻ sáo rỗng nhưng tôi còn biết nói gì khác? Chẳng may sự thật lại đúng là như vậy.” Wynand không hề đỡ lời ông. “Tôi mạo muội đến đây vì tôi cảm thấy có bổn phận phải nêu ý kiến với ngài. Không, không phải là bổn phận đạo đức. Hãy gọi đó là bổn phận với nghệ thuật. Tôi biết là ngài luôn đòi hỏi phải có được cái tốt nhất trong tất cả các công việc của ngài. Với một dự án với quy mô như ngài đang dự tính thì không có kiến trúc sư nào hiện nay có thể sánh với Peter Keating về hiệu quả, óc thẩm mỹ, khả năng tưởng tượng. Đó, thưa ngài Wynand, là ý kiến trung thực của tôi.”

“Tôi khá tin đó là ý kiến trung thực của ông.”

“Ngài tin?”

“Tất nhiên. Có điều, ông Toohey, tại sao tôi lại phải quan tâm tới ý kiến của ông?”

“Dù sao thì tôi cũng là chuyên gia về kiến trúc của ngài!” Ông không hoàn toàn kiềm chế được sự tức giận trong giọng nói.

“Ông Toohey thân mến, xin ông đừng nhầm tôi với các độc giả của tôi.”

Một khoảnh khắc trôi qua, rồi Toohey ngã người về sau và dang tay ra cười với vẻ bất lực.

“Thực tình, ngài Wynand, tôi không nghĩ là lời nói của tôi có thể có trọng lượng với ngài. Vì thế tôi cũng không định bán Peter Keating cho ngài.”

“Không à? Thế ông có ý định gì?”

“Tôi chỉ xin ngài dành nửa tiếng để gặp một người có thể thuyết phục ngài về khả năng của Peter Keating và thuyết phục tốt hơn tôi nhiều lần.”

“Ai?”

“Bà Peter Keating.”

“Bởi vì bà ấy là một người phụ nữ rất đẹp và cực kỳ khó có được.”

Wynand ngả đầu về phía sau và cười phá lên.

“Lạy Chúa, Toohey, chẳng nhẽ tôi lai lộ liễu đến thế sao?”

Toohey hấp háy mắt; ông chưa biết phản ứng ra sao.

“Quả thực, ông Toohey, tôi nợ ông một lời xin lỗi, nếu như với việc để lộ sở thích của tôi cho nhiều người biết, tôi đã khiến ông trở nên thô lậu như vậy. Nhưng quả thật, tôi không hề biết là trong số rất nhiều công việc nhân đạo khác của ông, ông còn làm cả ma-cô nữa.”

Toohey đứng lên.

“Xin lỗi đã làm ông thất vọng, ông Toohey. Tôi không hề có ý mong muốn gặp bà Peter Keating.”

“Tôi cũng không nghĩ là ngài có mong muốn nếu như chỉ có những gợi ý suông của tôi. Tôi đã biết trước điều này từ cách đây vài giờ. Chính xác là biết từ sáng sớm hôm nay. Do đó, tôi đã phải chuẩn bị sẵn một cơ hội khác để bàn luận việc này với ngài. Tôi đã tự cho phép mình gửi cho ngài một món quà. Khi ngài về đến nhà đêm nay, ngài sẽ thấy món quà của tôi. Và sau đó, nếu ngài cảm thấy tôi đã có lý khi đề nghị với ngài việc này thì ngài có thể gọi điện thoại cho tôi và tôi sẽ đến ngay lập tức và ngài sẽ bảo cho tôi biết ngài có muốn gặp bà Peter Keating hay không.”

“Toohey, việc này thật khó tin, nhưng tôi buộc phải tin rằng ông đang hối lộ tôi.”

“Tôi đang.”

“Ông biết là cái trò nguy hiểm này có thể được việc cho ông nhưng cũng có thể làm ông mất việc.”

“Tôi sẽ chờ ý kiến của ngài về món quà tối nay.”

“Được thôi, ông Toohey. Tôi sẽ xem món quà của ông.”

Toohey cúi chào và quay người đi. Ông đã đến cửa thì Wynand nói thêm “Ông biết đấy, Toohey, một ngày nào đó, ông sẽ làm tôi thấy chán ngấy.”

“Tôi sẽ cố gắng không để việc đó xảy ra cho đến khi cần thiết.” Toohey nói. Ông cúi chào lần nữa và bước ra ngoài.

Khi Wynand về đến nhà, ông đã hoàn toàn quên về Ellsworth Toohey.

Buổi tối hôm đó, trong căn nhà trên sân thượng của mình, Wynand ăn tối với một cô gái có khuôn mặt trắng trẻo và mái tóc nâu mềm. Cô gái thuộc một gia đình mà suốt ba thế kỷ nay, những người cha và anh trai sẵn sàng giết chết người đàn ông nào dám làm những việc như Gail Wynand đã làm với con gái và em gái họ.

Đường nét cánh tay của cô gái, khi cô nâng ly nước bằng pha lê lên môi, cũng hoàn hảo như những đường nét của cái chân nến bằng bạc mà một nghệ nhân thiên tài tạo nên – và Wynand ngắm nghía cả hai với cùng sự ngưỡng mộ. Ánh nến lung linh trên khuôn mặt cô gái tạo một vẻ đẹp tuyệt vời khiến ông ước rằng cô không còn sống, để ông có thể ngắm nghía, không phải nói gì cả và nghĩ bất cứ thứ gì ông muốn.

“Một hai tháng nữa, Gail ạ,” cô nói và mỉm cười một cách lười biếng. “Khi thời tiết trở nên lạnh và tồi tệ, chúng ta hãy lấy chiếc Tôi Có [99] và dong thẳng tới nơi nào có mặt trời, như chúng ta làm vào năm ngoái.”

Tôi Có là tên chiếc du thuyền của Wynand. Ông chưa bao giờ giải thích tên của nó cho một ai.

Nhiều người đàn bà từng hỏi ông về nó. Cô gái này cũng từng hỏi ông trước đây.

Giờ đây, khi ông tiếp tục yên lặng, cô gái lại hỏi một lần nữa: “Nhân tiện, anh yêu, ý nghĩa của nó là gì thế – tên con thuyền tuyệt vời của anh ấy?”

“Đó là một câu hỏi mà tôi không trả lời.” ông nói “Một trong số các câu hỏi.”

“Thế em có nên chuẩn bị sẵn quần áo cho chuyến du ngoạn không?”

“Màu xanh lá cây hợp với em nhất. Màu đó trông thật tuyệt ở ngoài biển. Tôi rất thích xem nó tôn mái tóc và cánh tay em như thế nào. Tôi sẽ nhớ hình ảnh cánh tay trần của em trên nền lụa xanh. Bởi vì đêm nay sẽ là đêm cuối cùng.”

Các ngón tay của cô gái để nguyên trên thân chiếc cốc pha lê. Không hề có dấu hiệu gì báo trước với cô rằng đêm nay là lần cuối. Nhưng cô biết ông luôn chấm dứt mọi thứ bằng những lời như vậy. Tất cả các phụ nữ của Wynand đều biết rằng họ nên trông đợi một kết thúc như thế và không ai không được phép bàn cãi gì. Sau một lát, cô gái hỏi – giọng cô trầm xuống:

“Vì lý do gì hả Gail?”

“Lý do tất yếu.”

Ông cho tay vào túi và lấy ra một chiếc vòng tay bằng kim cương; nó bắn ra một ánh lửa lạnh và chói dưới ánh nến, các mối nối nặng nề của nó nằm ẻo lả trên những ngón tay ông.

Chiếc vòng không có hộp đựng và không được bọc. Ông quẳng nó lên trên bàn.

“Một vật kỷ niệm, em yêu,” ông nói “Nó có giá trị hơn nhiều cái mà nó kỷ niệm.”

Chiếc vòng đập vào chân chiếc ly và gây ra một tiếng kêu mỏng và sắc như thể chiếc ly đang gào lên thay cho cô gái. Cô gái giữ im lặng. Ông biết điều này thật kinh khủng: vì nàng không phải là loại người thường nhận các món quà như vậy vào những thời điểm như thế này – cũng giống như những người đàn bà khác của ông. Và nó kinh khủng vì nàng sẽ không từ chối, cũng giống như những người khác đã không từ chối.

“Cảm ơn Gail,” cô gái nói, tra chiếc vòng vào cổ tay mình mà không nhìn vào mặt ông trong ánh nến.

Sau đó, khi họ đã bước vào phòng khách, cô gái dừng lại và liếc đôi mắt với hàng lông mi dài về phía bóng tối, nơi có cầu thang dẫn tới phòng ngủ của ông. “Để em đền đáp cho vật kỷ niệm chứ, Gail?” nàng hỏi, giọng không âm sắc.

Ông lắc đầu.

“Tôi cũng đã định thế,” ông nói, “nhưng giờ tôi mệt.”

Khi cô gái đã đi khỏi, ông đứng trong sảnh và nghĩ tới sự đau đớn mà nàng phải chịu đựng. Đó là nỗi đau đớn có thực nhưng sau một thời gian, sẽ chẳng còn là gì có thực với nàng, ngoại trừ chiếc vòng. Ông không còn nhớ được là vào khi nào, những ý nghĩ như thế còn có khả năng làm cho ông cảm thấy cay đắng. Khi ông nghĩ đến việc chính ông là người tham dự vào sự kiện buổi tối hôm nay, ông không còn cảm thấy gì ngoại trừ nỗi băn khoăn tại sao ông lại không làm điều này sớm hơn.

Ông bước vào thư viện của mình. Ông ngồi đọc vài tiếng. Sau đó, ông dừng lại. Ông dừng lại đột ngột, không có lý do gì, ở giữa một câu quan trọng. Ông không muốn đọc tiếp. Ông không muốn cố đọc.

Chẳng có sự việc gì xảy ra với ông cả. Một sự việc tức là một thực tế hiện hữu, mà đã là thực tế hiện hữu thì nó không bao giờ có thể làm ông cảm thấy bất lực; nhưng ở đây chỉ có một cái không-hiện-hữu khổng lồ – như thể tất cả mọi thứ đều đã bị cuốn sạch, chỉ để lại một khoảng trống vô nghĩa và thô lậu vì nó quá bình thường, quá đơn điệu, như một kẻ sát nhân với một nụ cười ngọt ngào.

Chẳng có điều gì mất đi – ngoại trừ ham muốn; không, nhiều hơn thế – đó là gốc rễ, là khả năng ham muốn sự ham muốn. Ông nghĩ, một người mất đi đôi mắt thì người đó vẫn còn giữ được ý niệm về việc nhìn thấy mọi thứ, nhưng ông từng nghe tới một sự mù lòa khủng khiếp hơn – khi phần não điều khiển thị giác bị hủy hoại, người ta sẽ mất đi thậm chí cả trí nhớ cho việc nhìn thấy.

Ông thả cuốn sách xuống và đứng lên. Ông không muốn ngồi lại chỗ đó, ông cũng không muốn rời khỏi nó. Ông nghĩ ông nên đi ngủ. Vẫn còn quá sớm với ông để đi ngủ, nhưng như thế, ông có thể dậy sớm hơn thường lệ vào ngày mai. Ông bước vào phòng ngủ, ông tắm; ông mặc đồ ngủ vào. Sau đó ông mở ngăn tủ quần áo và nhìn thấy khẩu súng ông vẫn luôn để ở đó. Chính cái nhận thức lập tức về khẩu súng, chính cái cảm giác thích thú đột ngột với khẩu súng là cái làm ông cầm nó lên.

Chính sự thiếu vắng cảm giác kinh sợ khi ông nghĩ đến việc tự tử là cái thuyết phục ông rằng ông nên tự kết liễu đời mình. Ý nghĩ đó thật nhạt nhẽo, giống như một ý kiến không đáng để tranh cãi. Hay một câu nói vô vị.

Lúc này, ông đứng cạnh bức tường bằng kính; ông đã bị sự nhạt nhẽo chặn lại. Người ta có thể sống một cuộc đời nhạt nhẽo, ông nghĩ, nhưng không thể chết một cách nhạt nhẽo.

Ông bước tới giường ngủ và ngồi xuống, khẩu súng ngoắc lơ lửng trong tay. Một người sắp chết, ông nghĩ, thường nhìn thấy toàn bộ cuộc đời của mình trong những giây phút chớp nhoáng cuối cùng. Ta chẳng nhìn thấy gì cả. Nhưng ta có thể bắt mình nhìn thấy nó. Ta có thể nhìn lại nó một lần nữa, bằng ý chí. Hãy để cho ta tìm thấy trong đó hoặc là ý chí để sống tiếp hoặc lý do để chấm dứt nó vào lúc này.

*

* *

Năm đó Gail Wynand mười hai tuổi. Cậu đứng trong bóng tối dưới một đoạn tường vỡ bên bờ sông Hudson, một tay vung về phía sau, bàn tay nắm chặt, sẵn sàng tấn công. Cậu đang chờ đợi.

Những viên đá dưới chân cậu vun cao lại thành đống ở một góc phố, một mặt của đống đá này che chắn cậu khỏi con đường, mặt bên kia không có gì hết ngoài bờ dốc đứng xuống sông. Một vạt nước tối tăm, không có kè chắn ở trước mặt cậu; xung quanh là các toà nhà xập xệ và một khoảng trời trống rỗng, các kho hàng, một cái gờ mái nhà vỡ, treo lủng lẳng trên một khung cửa sổ toả ra một thứ ánh sáng ma quái.

Chỉ lát nữa thôi, cậu sẽ phải chiến đấu, và cậu biết cuộc đấu đó là vì sinh mạng của mình. Cậu đứng im. Bàn tay nắm chặt, hạ xuống va đưa ra sau như thể cậu đang nắm chặt những đường dây điện vô hình được căng tới từng điểm trọng yếu trong cơ thể gầy guộc, da bọc xương của cậu. Chúng nối, dưới bộ quần áo nhàu nát, tới những đường gân dài, phồng lên trên cánh tay trần của cậu, và tới những cơ bắp gồng lên trên cổ cậu. Những dây kim loại này như đang run rẩy trong khi cơ thể cậu thì bất động. Cậu giống như một thứ vũ khí giết người kiểu mới và chỉ cần một ngón tay chạm vào bất kỳ chỗ nào trong người cậu đều khiến thứ vũ khí đó được kích hoạt.

Cậu biết là gã thủ lĩnh của cái băng đảng choai choai đang tìm cậu và gã sẽ không đi một mình. Hai trong số những đứa mà cậu có thể phải đánh nhau luôn chơi dao, và một đứa đã tưng giết người. Cậu đợi bọn chúng, túi quần trống rỗng. Cậu là thành viên trẻ nhất trong băng và cũng là người gia nhập băng sau cùng. Gã thủ lĩnh nói cậu cần một bài học.

Mọi chuyện bắt đầu từ vụ cướp xà lan trên sông mà bọn chúng định tiến hành. Gã thủ lĩnh quyết định phải làm việc đó vào ban đêm. Cả băng đều đồng ý – ngoại trừ Gail Wynand. Gail Wynand giải thích cho chúng, bằng một giọng chậm rãi và khinh khỉng, rằng băng Những kẻ du côn nhỏ, có địa bàn ở phía dưới sông, cũng đã làm như thế vào tuần trước và sáu mạng rơi vào tay cảnh sát cộng thêm hai mạng nữa đang nằm ngoài nghĩa địa. Công việc này phải được tiến hành vào ban ngày khi không ai ngờ tới. Cả băng đều phản đối cậu. Chuyện đó chẳng làm thay đổi gì cả. Gail Wynand không quen nghe theo lệnh. Cậu không thừa nhận bất cứ điều gì ngoài tính chính xác trong các nhận định của chính mình. Và thế là gã thủ lĩnh quyết định giải quyết bất đồng này dứt điểm một lần cho xong.

Ba tên trong bọn bước đi rất nhẹ, đến nỗi những người đứng đằng sau bức tường mỏng mà bọn chúng đi qua cũng không thể nghe thấy chúng. Nhưng Gail Wynand đã nghe thấy chúng từ cách một khu nhà. Cậu đứng bất động trong cái góc hẹp của mình, chỉ có nắm tay là xiết chặt lại một chút.

Khi đến đúng lúc, cậu nhảy vọt ra. Cậu lao thẳng vào khoảng không mà không hề nghĩ tới việc hạ đất, như thể một chiếc máy bắn đá vừa tung cậu lên cao để bay xa hàng cây số. Ngực cậu đập vào đầu một kẻ địch, bụng đập vào kẻ khác và đôi chân đạp thẳng vào ngực của gã thứ ba. Cả bốn ngã nhào xuống. Khi ba gã kia ngẩng được mặt lên, chúng không còn nhận ra Gail Wynand. Chúng chỉ thấy một cơn lốc xoáy trên đầu chúng và có một cái gì đó ở giữa cơn lốc xoáy phóng thẳng vào chúng, bỏng rát.

Cậu không có gì ngoài hai nắm đấm; chúng có năm nắm đấm và một con dao nhưng điều đó dường như chẳng có tác dụng. Chúng nghe thấy tiếng những nắm đấm của chúng vang lên thình thịch như đấm vào cao su cứng, chúng cảm thấy đầu mũi dao của chúng gãy và chúng biết là nó đã bị chặn lại sau khi đâm trúng đối thủ. Nhưng kẻ mà chúng đang đánh đấm như không hề biết đau là gì. Cậu không có thời gian để cảm thấy bất cứ điều gì, cậu quá nhanh, cảm giác đau đớn không thể theo kịp cậu, dường như cậu để nó treo lơ lửng trên không trung, ngay chỗ cậu để nó chạm vào mình và rồi cậu biến mất khỏi nơi đó trước khi nó theo kịp cậu.

Dường như có một cái động cơ nằm giữa hai xương bả vai cậu và nó quay hai tay cậu thành hai vòng tròn. Người ta chỉ nhìn thấy hai vòng tròn, còn hai cánh tay đã biến mất trong đó, như những chiếc nan hoa biến mất khi bánh xe quay nhanh. Mỗi lần cái vòng tròn chạm vào thứ gì, thứ đó bị dừng lại trong khi cái vòng tròn vẫn tiếp tục quay. Một gã nhìn thấy con dao của gã biến mất trên vai của Wynand; cú giật của vai cậu khiến con dao trượt dọc một bên người Wynand và bị bắn ra ngoài ở khoảng thắt lưng. Đó là điều cuối cùng mà gã thấy. Cái gì đó đập vào cằm gã và gã không còn có cảm giác gì khi gáy gã đập vào đống gạch vỡ.

Trong một lúc lâu, hai tên còn lại cố sức chống lại cái máy ly tâm lúc này đang bắn toé những giọt máu đỏ lên các bức tường bao quanh. Nhưng cũng vô dụng. Không phải chúng đang đánh nhau với một người. Chúng đang đánh nhau với cái ý chí vô hình của một con người.

Khi chúng bỏ cuộc, rên rỉ trong đám gạch, Gail Wynand nói bằng một giọng bình thản “Chúng ta sẽ hoãn lại cho tới ban ngày.” và bỏ đi. Từ đó trở đi, cậu trở thành thủ lĩnh của băng.

Hai ngày sau đó, vụ cướp xà lan xảy ra giữa ban ngày và thành công rực rỡ.

Gail Wynand sống cùng với cha cậu ở căn hộ dưới hầm của một tòa nhà cũ kỹ tại trung tâm Hell’s Kitchen. Cha cậu là thợ khuân vác ở cảng, một người cao, lặng lẽ và chưa từng đi học bao giờ. Ông nội và cụ của cậu cũng là những người như thế và họ chưa từng biết tới điều gì ngoài cái nghèo trong gia đình. Nhưng trong gốc rễ xa xôi của gia đình, họ có dòng dõi quý tộc; một tổ tiên quý tộc nào đó từng làm vinh danh dòng họ; và rồi một thảm kịch nào đó mà người ta lãng quên từ lâu đã đẩy những thế hệ sau xuống cảnh bần hàn. Có một điều gì đó trong những người thuộc dòng họ Wynand – cho dù họ ở nhà trọ, tửu điếm hay nhà tù – khiến họ không lẫn vào xung quanh. Cha của Gail được mọi người ở bến cảng gọi là Quận công.

Mẹ của Gail đã qua đời vì bệnh lao phổi khi cậu được hai tuổi. Cậu là đứa con duy nhất trong nhà. Cậu chỉ biết lờ mờ rằng có gì đó rất kịch tính trong cuộc hôn nhân của cha cậu. Cậu từng nhìn thấy một tấm ảnh của mẹ cậu, trong ảnh mẹ cậu trông không giống và cũng ăn mặc không giống các phụ nữ khác trong vùng: bà rất đẹp. Khi bà mất đi, tất cả sự sống trong con người cha cậu cũng ra đi theo. Ông yêu Gail, nhưng đó là kiểu tình cảm rất kiệm lời. Ông không nói với Gail nhiều hơn hai câu mỗi tuần.

Gail có bề ngoài không giống cả mẹ và cha. Cậu là sự phục hồi của một cái gì đó không rõ ràng, và khoảng cách của sự phục hồi đó không chỉ tính bằng vài thế hệ mà là bằng thế kỷ. Cậu quá cao so với tuổi của cậu, và cũng quá gầy. Bọn trẻ gọi cậu là Wynand Kều. Không ai biết cậu lấy cơ bắp ở đâu ra, người ta chỉ biết tới nó khi cậu sử dụng nó.

Cậu đã làm đủ mọi nghề kể từ khi còn nhỏ. Một thời gian dài, cậu bán báo ở các góc phố. Một ngày kia, cậu tới gặp ông chủ toà báo và tuyên bố rằng họ cần phải bắt đầu một dịch vụ mới – giao báo tận nhà người đọc vào mỗi buổi sáng. Cậu giải thích cho ông ta việc đó sẽ tăng số lượng phát hành như thế nào và vì sao. “Thế cơ đấy?” ông chủ toà báo nói. “Tôi biết việc này sẽ thành công,” Wynand nói. “Hừm, mày không phải là ông chủ ở đây,” ông chủ nói. “Ông là đồ ngốc,” Wynand nói.

Wynand mất công việc đó.

Cậu từng làm việc ở một cửa hàng thực phẩm. Cậu chạy việc linh tinh, lau sàn nhà, phân loại các thùng rau quả bị hỏng, giúp đỡ khách hàng, kiên nhẫn cân bột mì hay rót sữa từ một cái thùng lớn vào bình. Cậu làm công việc đó giống như người ta dùng một chiếc xe lăn đường để là phẳng những chiếc khăn mùi xoa. Nhưng cậu cắn răng và kiên nhẫn với công việc. Một ngày kia, cậu giải thích cho chủ cửa hàng rằng nên đổ sẵn sữa vào chai, giống như là làm với rượu whisky. “Ngậm miệng lại và ra kia phục vụ bà Sullivan”, ông chủ nói, “đừng bao giờ nghĩ là tao không biết công việc của tao. Mày không phải là chủ ở đây.” Cậu quay ra phục vụ bà Sullivan và không nói gì cả.

Cậu từng làm ở một phòng chơi bi-a. Cậu cọ rửa các ống nhổ và dọn dẹp những gì mà bọn say xỉn bày ra. Cậu nghe và nhìn thấy những việc khiến sau này, cậu không còn cảm thấy ngạc nhiên trước bất cứ việc gì. Cậu nỗ lực hết sức và học cách giữ im lặng, để giữ lại công việc mà người ta bảo là việc của cậu, chấp nhận sự vô lý làm ông chủ của cậu – và cậu chờ đợi. Chưa ai từng nghe thấy cậu nói về cảm giác của cậu. Cậu có nhiều cảm giác với đồng loại của mình nhưng sự tôn trọng không nằm trong những cảm giác ấy.

Cậu làm nghề đánh giầy trên một chiếc phà. Tất cả mọi người đều có thể xô đẩy và ra lệnh cho cậu: từ những tay buôn ngựa béo phị tới những gã say rượu trên phà. Nếu cậu nói, cậu sẽ nghe thấy một giọng kẻ cả trả lời “Mày không phải là chủ ở đây.” Nhưng cậu thích công việc đó. Khi không có khách, cậu đứng ở bên mạn phà và ngắm Manhattan. Cậu nhìn các tấm biển màu vàng của những căn nhà mới, những bãi đất trống trải, những cần trục và cần cẩu, và vài tòa tháp cao đang vươn lên ở phía xa. Cậu nghĩ tới những gì cần phải xây dựng và những gì cần phá hủy, tới những khoảng trống, tới cái triển vọng mà khoảng trống đó mang lại và những gì có thể được tạo ra từ đó. Một tiếng kêu khàn khàn “Này, nhóc” cắt đứt suy nghĩ của cậu. Cậu trở lại chỗ ngồi và cúi mặt một cách ngoan ngoãn xuống một đôi giày bẩn thỉu nào đó. Người khách chỉ có thể thấy một mái đầu bé nhỏ, mái tóc màu nâu nhạt và hai bàn tay gầy gò nhưng hiệu quả.

Vào các buổi tối mù sương, dưới ngọn đèn khí ở một góc phố, không ai để ý tới một dáng người gầy gò dựa lưng vào cây đèn đường – đấy là dáng một nhà quý tộc thời Trung cổ, người có bản năng chỉ huy và biết rõ tại sao mình có quyền chỉ huy; đấy là dáng của một vị nam tước thời phong kiến, vốn sinh ra để cai trị – nhưng lại sống để quét sàn nhà và nghe người khác sai khiến.

Cậu tự học đọc và viết khi năm tuổi, bằng cách đặt các câu hỏi.

Cậu đọc bất cứ cái gì mà cậu tìm thấy. Cậu không chấp nhận những điều không giải thích được. Cậu phải hiểu bất cứ điều gì mà người khác biết. Huy hiệu trong tuổi thơ của cậu – thứ gia huy mà cậu tự tạo cho mình thay cho gia huy của dòng họ đã bị mất hàng trăm năm trước – là dấu chấm hỏi. Không ai phải giải thích điều gì cho cậu tới lần thứ hai.

Cậu học những bài toán đầu tiên từ những kỹ sư lắp ống thoát nước. Cậu học địa lý từ các thủy thủ ở bến tàu. Cậu học về các vấn đề hành chính dân sự từ các chính trị gia hay lui tới quán bar trong vùng – vốn là nơi đàn đúm của đám gangster. Cậu chưa bao giờ đi nhà thờ hay đi học. Cậu bước chân vào nhà thờ lần đầu tiên năm mười hai tuổi. Cậu lắng nghe bài giảng đạo về đức kiên nhẫn và khiêm nhường. Cậu không bao giờ quay trở lại đó. Năm mười ba tuổi, cậu quyết định tìm hiểu trường học và đăng ký vào học một trường công. Cha cậu không nói gì về quyết định này, cũng như ông không nói gì mỗi khi Gail trở về nhà, người xây xát sau một trận đánh nhau trên đường phố.

Trong tuần đi học đầu tiên, cô giáo gọi Gail Wynand liên tục – chỉ vì cậu luôn biết các câu trả lời. Khi cậu tin tưởng vào những người có vị trí cao hơn cậu và mục đích của họ, cậu tuân phục họ như một chiến binh Sparta;[100] cậu tự áp đặt cho mình thứ kỷ luật như cậu vẫn đòi hỏi những kẻ dưới trướng trong băng của cậu. Nhưng ý chí của cậu chẳng có ích gì: trong vòng một tuần, cậu nhận ra mình chẳng cần cố gắng gì cũng đứng đầu lớp. Sau một tháng, cô giáo không còn để ý tới sự có mặt của cậu trong lớp nữa vì cậu đã hiểu hết các bài học và cô phải tập trung tới những đứa trẻ chậm hiểu và kém thông minh hơn. Cậu ngồi yên không nhúc nhích trong những giờ học dai dẳng như đeo gông, trong khi cô giáo lặp đi lặp lại, cố hết sức để làm bật ra chút trí tụê nào đó từ những đôi mắt trống rỗng và những giọng nói lý nhí. Sau hai tháng, trong lúc ôn lại những kiến thức lịch sử sơ đẳng mà cô cố gắng nhồi nhét trong lớp học, cô giáo hỏi “Có bao nhiêu bang trong Liên bang Mỹ khi Liên bang mới thành lập?” Không có cánh tay nào đưa lên. Rồi Gail Wynand giơ tay lên. Cô giáo gật đầu với cậu. Cậu đứng lên. “Tại sao”, cậu hỏi “em cứ phải nhai lại mọi thứ đến cả chục lần? Em biết tất cả rồi.”

“Em không phải là học sinh duy nhất trong lớp”, cô giáo nói. Cậu bật ra một câu gì đó khiến cô giáo tái mặt ngay lập tức và đỏ bừng mặt sau 15 phút, khi cô hiểu ra ý nghĩa của nó. Cậu bước ra cửa. Ở ngưỡng cửa, cậu quay lại và nói thêm “À, vâng. Ban đầu có mười ba bang.” Đó là lần cuối cùng cậu đến trường. Ở Hell’s Kitchen, có nhiều người chưa từng đi ra khỏi vùng, và một số người còn hiếm khi bước ra ngoài khu nhà nơi họ sinh ra. Nhưng Gail Wynand thường đi dạo trên những đường phố giàu có nhất trong thành phố. Trước một thế giới giàu có, cậu không cảm thấy cay đắng, không ghen tỵ và cũng không sợ hãi. Cậu chỉ cảm thấy tò mò và cậu thoải mái khi ở Đại lộ số Năm[101] cũng như ở bất kỳ một nơi nào khác.

Cậu luôn đi qua những biệt thự sang trọng, hai tay đút túi quần, ngón chân chìa ra ngoài đôi giầy đế bằng. Mọi người nhìn chằm chằm vào cậu nhưng điều đó chẳng ảnh hưởng đến cậu. Cậu đi qua họ và tạo ra cảm giác chính cậu mới thuộc về đại lộ này chứ không phải họ. Cậu không muốn gì – vào lúc này – ngoài ham muốn tìm hiểu.

Cậu muốn biết điều gì đã khiến những người này khác với những người sống trong khu cậu ở. Không phải quần áo, xe cộ hay các nhà băng khiến cậu để ý; mà là các quyển sách. Những người sống trong khu dân cư cậu ở cũng có quần áo, xe ngựa và tiền bạc; có nhiều hay ít không quan trọng; cái chính là họ không đọc sách. Cậu quyết định học từ những gì mà những người sống trên Đại lộ số Năm đọc. Một ngày kia, cậu nhìn thấy một quý bà – phân loại của cậu còn chính xác hơn cả Danh mục Đăng ký Xã hội[102]. Quý bà đó đang đọc một cuốn sách. Cậu nhảy tới bực lên xuống xe ngựa, giằng lấy cuốn sách và chạy biến. Cảnh sát không đủ nahnh nhẹn để có thể tóm được cậu.

Đó là một cuốn sách của Herbert Spencer.[103] Cậu vật vã mãi mới đọc hết cuốn sách. Cậu hiểu được chừng một phần tư những gì đã đọc. Nhưng chính việc này đã khiến cậu bắt đầu một chặng đường mà cậu theo đuổi bằng một quyết tâm sắt đá và có hệ thống. Khi nhận được một lời khuyên, giúp đỡ hay kế hoạch nào, cậu bắt đầu đọc một mớ lộn xộn đủ các loại sách. Khi gặp phải một đoạn nào đó mà cậu không hiểu được từ một cuốn sách, cậu sẽ đọc một cuốn khác cũng về chủ đề đó. Cậu bị kéo đi đủ các hướng khác nhau; cậu đọc các cuốn sách chuyên khảo trước; rồi sau đó lại đọc sách nhập môn cho học sinh trung học. Chẳng có một thứ tự nào trong việc đọc của cậu nhưng những gì còn lại trong trí óc cậu thì lại có trật tự.

Cậu phát hiện ra phòng đọc trong Thư viện Công cộng và cậu đến đó trong một thời gian để nghiên cứu cách sắp đặt của thư viện. Và rồi, một ngày kia, vào những thời điểm khác nhau trong ngày, trong phòng đọc xuất hiện những chú nhóc với mái tóc được chải một cách khó khăn và mới tắm rửa vội vàng. Bọn trẻ đều gầy gò lúc đến nhưng không còn gầy gò như vậy khi chúng rời khỏi thư viện. Buổi tối hôm đó, Gail Wynand có một thư viện riêng nho nhỏ tại góc căn phòng dưới tầng hầm của cậu. Băng của cậu đã thi hành mệnh lệnh của cậu mà không phản đối. Đó là một nhiệm vụ lố bịch: không một băng đảng có tự trọng nào lại đi ăn trộm một thứ vô nghĩa như sách. Nhưng Wynand Kều đã ra lệnh và không có ai lại đi tranh cãi với Wynand Kều cả.

Khi cậu mười lăm tuổi, người ta tìm thấy cậu vào một buổi sáng trong một rãnh nước, thân thể nát nhừ, hai chân gãy sau một trận đòn bởi một gã khuân vác rượu. Lúc người ta tìm thấy cậu thì cậu bất tỉnh. Nhưng cậu đã tỉnh, lúc mới bị đánh xong. Gã say rượu bỏ cậu một mình trong ngõ tối. Cậu nhìn thấy ánh sáng ở góc đường. Không ai biết cậu làm thế nào để lết được tới góc đó nhưng cậu đã làm được, vì người ta nhìn thấy những vệt máu dài trên vỉa hè sau đó.

Cậu đã bò. Cậu không thể cử động gì ngoại trừ đôi tay. Cậu gõ vào phía dưới một cánh cửa. Đó là một tiệm rượu vẫn còn đang mở cẳ. Người chủ tiệm rượu bước ra. Đó là lần duy nhất trong đời Gail Wynand xin được giúp đỡ. Người chủ tiệm rượu liếc nhìn cậu bằng một cái nhìn vô cảm và nặng nề – cái nhìn cho thấy ông ta hiểu hết nỗi đau đớn và bất công, đồng thời nó cũng là cái nhìn đầy vẻ thờ ơ thản nhiên và lãnh đạm. Ông ta quay người đi vào nhà và đóng sầm cửa. Ông ta không muốn dính dáng tới chuyện các băng đảng thanh toán lẫn nhau.

Nhiều năm sau, Gail Wynand, lúc này là chủ bút tờ Ngọn cờ, biết rõ tên của cả gã phu khuân vác và ông chủ tiệm rượu kia. Ông biết cả địa chỉ của họ. Ông không làm gì với gã phu khuân vác. Nhưng ông đã khíên cho người chủ tiệm rượu phá sản; toàn bộ nhà cửa và tiền tiết kiệm của ông ta cũng mất. Ông ta đã tự tử.

Năm Gail Wynand mười sáu tuổi, cha cậu chết. Lúc đó, cậu sống một mình, thất nghiệp, với 65 xu ở trong túi, một hoá đơn thuê nhà chư trả và mớ học thức lộn xộn. Cậu quyết định đã đến lúc để cân nhắc cậu sẽ làm gì trong cuộc đời. Đêm hôm đó, cậu leo lên nóc toà nhà mình ở và nhìn vào ánh đèn trong thành phố – cái thành phố mà ở đó cậu không phải là ông chủ. Cậu để mắt mình di chuyển chậm chạp từ cánh cửa sổ những căn nhà ổ chuột ngả nghiêng xung quanh cậu tới cánh cửa sổ của những tòa nhà sang trọng ở xa xa. Mặc dù cậu chỉ nhìn thấy những hình khối được thắp sáng lơ lửng trong không trung, nhưng cậu biết được sự khác nhau giữa chúng: ánh sáng xung quanh cậu trông âm u và chán nản, còn những ánh sáng ở đằng xa kia thì lại sạch sẽ và chắc chắn. Cậu tự hỏi mình một câu duy nhất: cái gì đi vào trong tất cả những ngôi nhà kia, cả những ngôi nhà ảm đạm và những ngôi nhà sáng trưng, cái gì vào được tất cả các căn phòng, vươn tới tất cả mọi người? Họ đều có bánh mì cả. Liệu người ta có thể cai trị loài người bằng bánh mì họ mua? Họ có giầy, họ có cà phê, họ có… Đường đi cuộc đời cậu được định đoạt vào lúc đó.

Sáng hôm sau, cậu bước vào phòng làm việc của tổng biên tập tờ Gazette, một tờ báo hạng bốn có trụ sở ở một toà nhà tồi tàn và xin việc ở phòng tin địa phương. Tổng biên tập nhìn vào quần áo của cậu và hỏi: “Thế cậu có biết đánh vần từ “mèo” không?”

“Ông có biết đánh vần từ “hình thái nhân chủng học” không?” Wynand hỏi lại.

“Ở đây chúng tôi không có việc”, người biên tập nói.

“Tôi sẽ ở quanh đây”, Wynand nói, “khi nào ông cần thì cứ sai tôi. Ông không cần phải trả lương cho tôi. Ông hãy trả lương cho tôi khi ông thấy cần thiết.”

Cậu ở lại toà nhà đó, ngồi yên trên cầu thang bên ngoài phòng tin địa phương. Suốt một tuần, ngày nào cậu cũng ngồi đó. Chẳng có ai để ý tới cậu. Đến đêm, cậu ngủ ở hành lang. Khi cậu tiêu gần hết số tiền mình có, cậu ăn cắp thực phẩm từ các quầy hàng hay từ các thùng rác, rồi lại quay trở lại vị trí của mình ở cầu thang.

Một ngày kia, một phóng viên thấy thương hại cậu; trên đường xuống cầu thang, anh ta ném đồng năm xu vào đùi của Wynand và nói “Nhóc con, đi mua lấy một bát thịt hầm mà ăn.” Wynand còn lại một đồng mười xu ở trong túi. Cậu lấy đồng mười xu ra, ném vào anh phóng viên kia, và nói “cầm lấy mà đi chơi gái.” Anh chàng kia văng tục và đi xuống cầu thang. Đồng năm xu và đồng mười xu vẫn nằm nguyên trên cầu thang. Wynand không động tới chúng. Câu chuyện này được kể lại ở phòng tin địa phương. Một viên văn thư mặt đầy mụn nhún vai và nhặt lấy cả hai đồng.

Cuối tuần đó, trong giờ cao điểm, một người từ phòng tin địa phương gọi Wynand để chạy một việc lặt vặt. Sau đó là các công việc lặt vặt khác. Cậu tuân thủ với một độ chính xác của nhà binh. Sau 10 ngày, cậu nhận được lương. Sau sáu tháng, cậu trở thành phóng viên. Sau hai năm, cậu là phó biên tập.

Gail Wynand 20 tuổi khi anh bắt đầu yêu. Anh đã biết tất cả về tình dục từ tuổi mười ba. Anh có rất nhiều đàn bà. Anh không bao giờ nói tới tình yêu, không tạo ra những ảo tưởng lãng mạn và coi toàn bộ việc này như một hành động thuần túy động vật – và trong hành động đó, anh là bậc thầy. Chỉ cần nhìn anh, phụ nữ có thể nhận ra điều này. Cô gái mà anh yêu có một vẻ đẹp thanh tú, vẻ đẹp khiến người ta thờ phụng chứ không ham muốn. Cô mỏng manh và trầm lặng. Khuôn mặt cô nói lên những bí ẩn đáng yêu vẫn chưa được khám phá ở trong cô.

Cô trở thành người tình của Gail Wynand. Anh cho phép mình được quyền yếu đuối trong hạnh phúc. Anh sẵn sàng cưới cô làm vợ ngay lập tức nếu cô đề cập tới chuyện này. Nhưng họ hầu như không nói chuyện với nhau. Anh cảm thấy như họ hiểu tất cả về nhau.

Một buổi tối, anh nói với cô. Ngồi dưới chân cô, mặt hướng lên phía cô, anh mở toang tâm hồn mình cho cô. “Em yêu, em muốn thế nào thì anh sẽ trở thành người như thế, trở thành bất kỳ ai… Đó là điều anh muốn dâng cho em – không phải là những thứ cụ thể anh sẽ tặng em mà là cái ở bên trong con người anh – cái làm cho anh lấy được những thứ tặng em. Không người đàn ông nào có thể từ bỏ cái đó. Nhưng anh muốn từ bỏ nó, để nó sẽ trở thành của em, phục vụ cho em, chỉ để cho em.” Cô gái mỉm cười và hỏi anh: “Anh có nghĩ là em xinh hơn Maggy Kelly không?”

Anh đứng dậy. Anh không nói gì và bước ra khỏi căn nhà. Anh không bao giờ còn gặp lại cô gái đó nữa. Gail Wynand, người vẫn tự hào với chính mình là không bao giờ phải học lại một bài học tới lần thứ hai, không còn yêu ai trong những năm sau đó.

Năm anh 21 tuổi, sự nghiệp của anh ở tờ Gazette bị đe dọa, lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất. Chính trị và tham nhũng chưa bao giờ làm anh bận tâm; anh đã biết tất cả về nó, băng đảng của anh từng đánh thuê tại các hòm phiếu trong những ngày bầu cử. Nhưng khi Pat Mulligan, cảnh sát trưởng của khu vực anh sống bị người ta gài bẫy thì Wynand không chịu ngồi yên; bởi vì Pat Mulligan là người trung thực nhất mà anh từng gặp trong đời.

Tờ Gazette do chính những thế lực đã gài bẫy Mulligan kiểm soát. Wynand không nói gì hết. Anh chỉ sắp xếp trong đầu những thông tin anh có – những thông tin có thể khiến tờ Gazette bị thổi bay. Công việc của anh cũng sẽ bị thổi bay cùng với nó, nhưng điều này không quan trọng. Quyết định của anh trái ngược với tất cả những quy tắc anh từng đặt ra cho sự nghiệp của mình. Nhưng hiếm hoi, chỉ thỉnh thoảng xảy ra trong anh và khiến anh không còn thận trọng nữa; nó biến anh thành một sinh vật bị chi phối hoàn toàn bởi khao khát duy nhất là làm bằng được điều mình muốn, bởi vì điều anh muốn là duy nhất đúng, hoàn toàn đúng. Nhưng anh biết việc phá huỷ tờ Gazette chỉ là bước ban đầu. Nó không đủ để cứu Mulligan.

Trong ba năm liền, Wynand lưu giữ một mẩu giấy nhỏ: một bài xã luận về nạn tham nhũng do một tổng biên tập nổi tiếng của một tờ báo lớn viết. Anh giữ nó, bởi vì đó là một bài viết tôn vinh sự thanh liêm một cách đẹp đẽ nhất mà anh từng đọc. Anh mang theo mẩu tin đó và đến gặp ông tổng biên tập nổi tiếng kia. Anh muốn kể với ông ta về Mulligan và họ có thể cùng nhau đập vỡ được bộ máy tham nhũng.

Anh đi bộ xuyên qua thành phố, tới trụ sở tòa báo nổi tiếng. Anh phải đi bộ. Việc này làm dịu cơn thịnh nộ trong anh. Anh được mời vào văn phòng của tổng biên tập – anh luôn có cách để vào được các nơi anh muốn, bất chấp mọi luật lệ. Anh thấy một người đàn ông to béo ngồi tại bàn, đôi mắt ti hí gần như giao nhau. Anh không tự giới thiệu mình, mà đặt mẩu tin lên trên bàn và hỏi “Ông còn nhớ cái này không?” Ông tổng biên tập nhìn vào mẩu tin rồi nhìn vào Wynand. Đó là cái nhìn Wynand từng thấy trước đó: trong đôi mắt của người chủ quán rượu khi ông ta đóng sập cửa trước mặt anh. “Làm sao cậu lại nghĩ rằng tôi nhớ được tất cả đống hổ lốn mà tôi từng viết ra?” ông ta hỏi.

Mất một giây, rồi Wynand nói “Cảm ơn”. Đó là lần đầu tiên trong đời mình, anh cảm thấy biết ơn một ai đó. Lòng biết ơn là thực sự – đó là lệ phí trả cho một bài học mà anh không bao giờ cần đến nữa. Nhưng ngay cả ông tổng biên tập cũng cảm thấy có điều gì đó rất bất thường và rất đáng sợ trong câu “Cảm ơn” ngắn gọn đó. Ông ta không biết rằng đó chính là lời cáo phó cho Gail Wynand.

Wynand đi bộ trở lại tờ Gazette, không cảm thấy giận dữ với ông tổng biên tập kia hay với guồng máy chính trị. Anh chỉ cảm thấy một nỗi khinh bỉ đầy giận dữ với bản thân mình, với Pat Mulligan, với sự chính trực của con người. Anh cảm thấy xấu hổ khi nghĩ rằng mình và Mulligan đã tình nguyện trở thành nạn nhân của cái gì. Không, không phải là “nạn nhân” mà là “lũ khờ.” Anh trở lại phòng làm việc và viết một bài xã luận xuất sắc để vùi dập Đại úy Mulligan. “Thế mà tôi đã tưởng anh cảm thấy thương hại cho thằng con oan khốn khổ đó”, biên tập viên của tờ báo nói với anh một cách hài lòng.

“Tôi không biết thương hại bất kỳ ai,” Wynand nói.

Các chủ tiệm tạp hoá và công nhân bến phà không ưa Gail Wynand nhưng các chính trị gia thì rất thích anh. Trong những năm làm việc ở tờ báo, anh đã học được cách đối xử với mọi người. Anh luôn có một nét mặt mà anh mang theo cả đời: nó không hẳn là một nụ cười mà là một ánh nhìn giễu cợt của anh là nhằm vào những thứ mà bản thân họ cũng muốn giễu cợt. Hơn nữa, thật dễ chịu khi làm việc với một người không bị một đam mê hay đức tin thiêng liêng nào đó ràng buộc.

Khi anh 23 tuổi, đảng chính trị đối lập – vì muốn thắng cử ở địa phương và cần một tờ báo để dàn xếp một vụ việc nhất định – đã mua lại tờ Gazette.

Họ mua tờ báo dưới cái tên Gail Wynand với dụng ý để anh làm người đại diện đáng kính bên ngoài cho guồng máy ẩn đằng sau. Gail Wynand trở thành tổng biên tập. Anh dàn xếp vụ việc đó và giành thắng lợi bầu cử cho các ông chủ mình. Hai năm sau đó, anh đập nát băng đảng chính trị này, tống những tên cầm đầu vào nhà lao và trở thành chủ nhân duy nhất của tờ Gazette.

Công việc đầu tiên của anh là xé bỏ biển hiệu tờ báo trên cánh cửa toà nhà và thay tên tờ báo. Tờ Gazette trở thành tờ Ngọn cờ New York. Các bạn bè của anh phản đối. “Các chủ bút không thay tên một tờ báo bao giờ”, họ nói với anh.

“Chủ bút này thì có,” anh trả lời.

Chiến dịch đầu tiên của tờ Ngọn cờ là kêu gọi quyên góp tiền cho một mục đích từ thiện.

Tờ Ngọn cờ chạy hai câu chuyện song song nhau với số chữ tương tự nhau. Chuyện thứ nhất về một nhà khoa học trẻ nghèo túng: anh ta sống vất vả trong một cái gác xép áp mái và đang cố gắng cho ra đời một phát minh vĩ đại. Chuyện thứ hai về một cô hầu phòng, người tình của một kẻ sát nhân bị tòa án xử tử: cô này hiện đang sắp sinh đứa con ngoài giá thú. Câu chuyện đầu tiên được minh họa bằng các biểu đồ khoa học, chuyện thứ hai bằng tấm hình một cô gái miệng mếu máo một cách thảm hại, quần áo xộc xệch. Tờ Ngọn cờ đề nghị bạn đọc giúp đỡ cho hai số phận bất hạnh này. Tờ báo nhận được chín đôla và 45 xu cho nhà khoa học trẻ và một ngàn không trăm bảy mươi bảy đôla cho người mẹ không được cưới hỏi. Gail Wynand tổ chức một cuộc họp toàn tòa soạn. Anh đặt lên tờ báo đăng cả hai câu chuyện và số tiền quyên được cho hai người. “Có ai ở đây còn không hiểu không?” – anh hỏi. Không có ai trả lời. Anh nói: “Giờ thì các anh biết rõ tờ Ngọn cờ sẽ phải trở thành một tờ báo như thế nào rồi đấy.”

Các chủ bút cùng thời anh tự hào về việc họ luôn đóng dấu ấn cá nhân trên các trang báo của họ. Gail Wynand hiến tờ báo của anh, cả phần xác và phần hồn cho đám đông. Phần xác của tờ Ngọn cờ giống như một tấm bích chương quảng cáo gánh xiếc, còn phần hồn của nó thì giống như một buổi diễn xiếc. Nó cũng theo đuổi mục tiêu giống một gánh xiếc: đó là làm cho mọi người kinh ngạc, thích thú và thu tiền từ họ. Nó mang dấu ấn không phải của một người mà của một triệu người. “Mọi người có phẩm chất khác nhau, nếu quả thực họ có,” Gail Wynand nói khi giải thích chính sác của anh “nhưng họ đều giống nhau trong các thói xấu.” Anh nói thêm, nhìn thẳng vào mắt mọi người đặt câu hỏi: “Tôi đang phụng sự cho cái tồn tại nhiều nhất trên trái đất này. Tôi đang đại diện cho đa số – hẳn đây cũng là một hành động đạo đức chứ?”

Công chúng muốn đọc về các vụ án, xì-căng-đan, và những thứ lá cải mùi mẫn. Gail Wynand mang đến cho họ. Anh trao cho họ những gì họ muốn, cộng thêm những lời biện hộ cho những ý thích mà bản thân họ thấy xấu hổ. Tờ Ngọn cờ viết về án mạng, đốt nhà, hiếp dâm, tham nhũng – và trên cơ sở đạo lý, lên án những thứ này. Cả ba cột báo bao gồm những chuyện vụ án, lạ đến một bài nhỏ về đạo đức. “Nếu ta yêu cầu người đọc phải thực hiện một sứ mệnh cao cả, họ sẽ chán ngấy” – Wynand nói – “Nếu ta cho phép họ dung tục thoải mái, họ sẽ thấy xấu hổ. Nhưng nếu kết hợp được cả hai thứ, họ sẽ là của chúng ta.” Wynand đưa các câu chuyện về các cô gái sa ngã, các cuộc ly hôn nổi tiếng, những nhà tế bần cho trẻ vô thừa nhận, các khu đèn đỏ, các bệnh viện từ thiện.

“Sex là ưu tiên số một,” Wynand nói. “Nước mắt là số hai. Làm cho họ dậm dật và làm cho họ khóc lóc – và họ sẽ thuộc về chúng ta.”

Tờ Ngọn cờ thực hiện các cuộc thánh chiến vĩ đại và can đảm – nhưng chỉ với những lĩnh vực mà công chúng không phản đối. Nó vạch tội các chính trị gia trước khi Đại bồi thẩm đoàn đưa ra phán quyết; nó tấn công các hãng độc quyền – nhân danh những người bị bóc lột; nó mỉa mai những người giàu có và thành công – nhân danh những người không bao giờ có thể giàu có và thành công. Nó phóng đại sự quyến rũ của tầng lớp thượng lưu và đưa tin về tầng lớp này cùng với sự chế giễu khéo léo. Việc này làm hài lòng người bình dân tới hai lần: một là họ được bước vào các phòng khách lộng lẫy và hai là họ không phải chùi chân ở trước cửa ra vào. Tờ Ngọn cờ được phép bóp méo sự thật, thị hiếu và uy tín của người khác nhưng không được làm căng thẳng trí óc của độc giả. Các đầu mục in chữ lớn, tranh ảnh bắt mắt và ngôn ngữ đơn giản quá mức của nó tác động trực tiếp vào các giác quan và đi thẳng vào nhận thức người đọc mà không cần tới quá trình suy diễn trung gian, như thức ăn được tiêm thẳng vào trực tràng, mà không cần phải qua quá trình tiêu hoá.

“Tin tức,” Gail Wynand bảo các nhân viên “là bất cứ cái gì có khả năng kích động nhiều người nhất. Tin tức là bất cứ cái gì làm người ta choáng váng. Càng choáng váng càng tốt – dĩ nhiên với giả thiết là có những thứ như thế.”

Một ngày kia, anh đưa tới văn phòng một người anh nhặt được ở ngoài đường. Đó là một người đàn ông bình thường, ăn mặc không lịch sự cũng không tồi tàn, không cao và không thấp, tóc không đen cũng không vàng và có một khuôn mặt khiến người ta không thể nhớ được ngay cả khi người ta đang nhìn vào nó. Ông ta thật đáng sợ vì hoàn toàn không có gì khác biệt cả, ông ta thậm chí còn không có cả vẻ kỳ quặc của một kẻ ngớ ngẩn. Wynand đưa ông ta đi khắp tòa nhà, giới thiệu với tất cả các nhân viên rồi để ông ta đi. Sau đó Wynand gọi tất cả các nhân viên lại và nói với họ: “Khi nào các anh hồ nghi về công việc của mình, hãy nhớ tới khuôn mặt đó. Các anh đang viết cho ông ta đọc.”

“Nhưng, ông Wynand”, một biên tập viên trẻ nói “chúng tôi không thể nhớ được khuôn mặt của ông ta.”

“Chính là vì thế!” Wynand nói.

Khi cái tên Gail Wynand trở thành một mối đe dọa trong giới xuất bản, một nhóm các chủ báo gặp riêng ông trong một buổi lễ từ thiện ở thành phố mà tất cả đều phải tham dự. Họ trách ông vì cái mà họ gọi là hạ thấp thị hiếu công chúng. “Chức năng của tôi”, Wynand nói “không phải là giúp mọi người giữ gìn lòng tự trọng mà họ không có. Các ngài mang lại cho họ những gì mà họ công khai thừa nhận là họ thích. Còn tôi mang lại cho họ những gì họ thực sự thích. Thật thà là cha quỷ quái, các quý ngài ạ, dù nó không hoàn toàn theo nghĩa mà các ngài được dạy.”

Wynand luôn làm cực tốt những gì ông muốn làm. Dù mục tiêu của ông là gì thì cách thức ông tiến hành cũng đều vượt xa những người khác. Tất cả mục đích, sức mạnh, ý chí – những thứ không hiển hiện trên các trang báo – đều được sử dụng trong quá trình thực hiện các trang báo – đều được sử dụng trong quá trình thực hiện các trang báo đó. Đấy là một tài năng phi thường, được đốt cháy một cách phung phí để đạt được sự hoàn hảo trong những điều bình thường. Một đức tin tôn giáo mới lẽ ra đã có thể được tạo ra từ năng lượng tinh thần ông dành cho việc sưu tầm các câu chuyện rẻ tiền và bôi trát chúng lên trên các trang giấy báo.

Tờ Ngọn cờ luôn là tờ báo đưa tin sớm nhất. Khi có một trận động đất xảy ra ở Nam Mỹ và mọi liên lạc bị cắt từ khu vực bị thảm hoạ, Wynand thuê riêng một tàu biển, gửi một đội phóng viên tới hiện trường và tăng phụ bản trên các đường phố New York, sớm hơn các đối thủ cạnh tranh nhiều ngày. Các phụ bản này có các tranh minh họa cảnh lửa cháy, đất đá nứt toác và những thân thể bị nghiến nát. Khi người ta nhận được tín hiệu S.O.S từ một con tàu đang bị chìm trong bão ngoài khơi Đại Tây dương, đích thân Wynand bay đến hiện trường cùng nhóm phóng viên, còn sớm hơn cả Lực lượng phòng vệ bờ biển. Wynand chỉ đạo việc cứu hộ và mang về một câu chuyện độc quyền với những tấm ảnh đích thân ông trèo lên một cái thang bên trên những tấm ảnh đích thân ông trèo lên một cái thang bên trên những cơn sóng dữ, tay ôm một em bé. Khi một ngôi làng ở Canada bị cách ly khỏi thế giới vì một trận tuyết lở, chính tờ Ngọn cờ đã gửi một khinh khí cầu thả thực phẩm và Kinh Thánh cho dân làng. Khi một khu mỏ bị tê liệt bởi một trận đình công, tờ Ngọn cờ mở bếp ăn cung cấp súp cho họ và đưa lên trang báo những câu chuyện thê thảm và mối hiểm nguy mà các cô con gái xinh xắn của các công nhân mỏ đang gặp phải do nghèo đói. Khi một con mèo bị mắc kẹt trên đỉnh một cột điện, thì một phóng viên ảnh của tờ Ngọn cờ đã giải cứu nó.

“Khi không có tin tức, hãy đẻ ra tin tức”, đó là lệnh của Wynand. Một bệnh nhân tâm thần trốn khỏi một bệnh viện tâm thần của bang. Sau khi gây ra sự sợ hãi của cư dân sống trong bán kính vài dặm quanh vùng – sự sợ hãi này được tăng thêm do những dự đoán kinh khủng mà tờ Ngọn cờ đưa ra cũng như sự phẫn nộ của tờ báo trước tình trạng bất lực của cảnh sát địa phương – anh ta bị một phóng viên của tờ Ngọn cờ bắt được. Bệnh nhân tâm thần này phục hồi một cách diệu kỳ sau hai tuần kể từ khi bị bắt. Anh ta được thả ra và bán cho tờ Ngọn cờ những thông tin vạch trần sự đối xử tàn tệ mà anh ta phải chịu tại bệnh viện tâm thần. Việc này đã mang lại những cải cách toàn diện. Về sau này, một số người nói rằng bệnh nhân đó từng làm việc cho tờ Ngọn cờ trước khi nhập viện. Nhưng chẳng ai chứng minh được việc này.

Một đám cháy xảy ra tại một xưởng thủ công có ba mươi cô gái trẻ làm thuê. Hai cô gái bị chết trong đám cháy. Mary Watson, một trong số những người sống sót, bán cho tờ Ngọn cờ câu chuyện độc quyền về sự bóc lột mà họ phải chịu ở xưởng làm. Câu chuyện nay đã làm dấy lên làn sóng chống lại các xưởng sản xuất bóc lột công nhân, do các quý bà danh giá hàng đầu của thành phố lãnh đạo. Nguyên nhân của đám cháy không bao giờ được làm rõ. Người ta thì thầm với nhau rằng Mary Watson vốn có tên là Evelyn Drake và từng là phóng viên của tờ Ngọn cờ. Việc này không bao giờ được chứng minh.

Trong những năm đầu của tờ Ngọn cờ, Gail Wynand ngủ trên tràng kỷ trong phòng làm việc của ông nhiều hơn là ở phòng ngủ tại nhà. Những đòi hỏi của ông với các nhân viên đều khó thực hiện những những đòi hỏi của ông với chính mình thì thật là khó tin. Ông buộc các nhân viên của ông làm việc như ở trong quân đội, ông buộc chính mình làm việc như một tên nô lệ. Ông trả lương cao cho nhân viên, còn bản thân ông chỉ có tiền nhà và tiền ăn. Ông tiêu tiền nhanh hơn kiếm tiền, và ông tiêu tất cả các tiền kiếm được vào tờ Ngọn cờ. Tờ báo giống như một người tình xa xỉ mà mọi nhu cầu của nó đều được ông thoả mãn, bất chấp giá cả.

Tờ Ngọn cờ là tờ báo đầu tiên có thiết bị máy in mới nhất. Tờ Ngọn cờ là tờ cuối cùng thuê được các phóng viên tốt nhất – cuối cùng bởi vì nó giữ được các phóng viên này. Wynand đột kích khắp các tòa soạn báo, không tờ báo nào có thể theo kịp mức lương mà Wynand trả. Quy trình của ông dần biến thành một công thức đơn giản. Khi một phóng viên nhận được lời mời đến gặp Wynand, anh ta coi nó như một sự lăng mạ vào lương tâm nghề nghiệp của anh ta, nhưng anh ta vẫn đến cuộc hẹn. Anh ta đến, chuẩn bị sẵn những điều kiện khó khăn phải được thỏa mãn nếu như Wynand muốn anh ta làm thuê. Wynand bắt đầu cuộc phỏng vấn bằng cách nêu ra mức lương ông sẽ trả. Sau đó, ông nói thêm: “Tất nhiên, anh có thể đưa ra các điều kiện khác…” Rồi ông liếc nhìn người phóng viên đang nuốt nước bọt, ông kết thúc câu chuyện: “Không à? Tốt. Anh bắt đầu làm việc từ thứ Hai.”

Khi Wynand mở tờ báo thứ hai của ông tại Philadelphia, các tờ báo địa phương đối phó với ông như các thủ lĩnh châu Âu từng hợp sức chống lại cuộc xâm lược của Attila.[104] Một cuộc chiến khốc liệt đã diễn ra. Wynand chỉ cười lớn. Làm gì có ai có thể qua mặt ông trong những chuyện như thuê du côn chặn phá các xe chở báo và đánh đập những người bán báo. Hai trong số các đối thủ cạnh tranh của ông gục ngã trong trận chiến. Tờ Wynand Philadelphia Star của ông tồn tại.

Sau đó, mọi thứ diễn ra nhanh chóng và đơn giản, như sự lây lan của một thứ bệnh dịch. Năm 35 tuổi, Wynand có các tờ báo ở những thành phố chính tại Mỹ. Khi 40 tuổi, ông có các tạp chí Wynand, kênh tinh tức Wynand và phần lớn các công ty trong tập đoàn Wynand. Rất nhiều hoạt động khác nhau – thường không công khai – đã giúp ông dựng lên sự nghiệp. Ông không quên bất cứ điều gì về thời thơ ấu của mình. Ông nhớ những điều ông từng nghĩ tới các cơ hội có thể có từ một thành phố đang phát triển. Ông mua đất đai ở những nơi không ai nghĩ rằng chúng có giá; ông xây nhà ở những nhưng ơi đó, bất chấp mọi lời khuyên; ông biến tiền trăm thành tiền ngàn. Ông tham gia đủ lĩnh vực kinh doanh. Đôi khi, những ngành này lụi bại và tất cả mọi người trong ngành đều phá sản, trừ Gail Wynand. Ông dàn dựng một cuộc thánh chiến chống lại một hãng độc quyền xe điện ám muội, khiến hãng này bị mất độc quyền cho một nhóm còn ám muội hơn; nhóm này do Gail Wynand kiểm soát. Ông vạch trần một mưu toan xấu xa nhằm độc quyền thị trường thịt bò ở khu vực đồng bằng Trung Tây nước Mỹ – và mở cửa thị trường này cho một nhóm khác, hoạt động theo lệnh của ông.

Rất nhiều người từng giúp đỡ ông – họ nghĩ rằng anh chàng Wynand trẻ tuổi là một người khôn ngoan và đáng sử dụng. Ông thường tỏ ra dễ chịu một cách duyên dáng khi được sử dụng. Nhưng trong tất cả mọi trường hợp, những người này sau đó đều nhận ra rằng chính họ mới là kẻ bị lợi dụng – tương tự như những người từng mua tờ Gazette họ cho Gail Wynand.

Đôi khi ông mất tiền trong các hoạt động đầu tư, một cách lạnh lùng và có tính toán.

Bằng một loạt các bước đi không ai có thể làm được, ông làm lụn bại nhiều nhân vật có thế lực: một vị chủ tịch ngân hàng, một giám đốc công ty bảo hiểm, một người chủ hãng tàu và nhiều người khác. Không ai hiểu được động cơ của ông. Những người này không phải đối thủ cạnh tranh của ông và ông không có lợi gì từ việc loại bỏ họ cả.

“Không biết lão Wynand vô lại có mục đích gì,” người ta bảo nhau thế, “nhưng chắc chắn không phải tiền.”

Những người kiên trì lên án ông đều mất việc: một số người trong vòng vài tuần, một số khác sau đó nhiều năm. Có những lúc ông bỏ qua những lời lăng nhục và không phản ứng, lại có những lúc ông làm một người phá sản chỉ vì một nhận xét vu vơ. Người ta không thể nói trước được ông sẽ báo thù những chuyện gì và tha thứ cho những chuyện gì.

Một ngày kia, ông để ý đến những bài báo xuất sắc của một phóng viên trẻ ở một tờ báo khác và đề nghị anh này về làm cho ông. Chàng trai trẻ đến gặp ông, nhưng mức lương mà Wynand nêu ra không có tác dụng gì với anh ta. “Tôi không thể làm việc cho ông, ông Wynand”, anh ta nói với vẻ nghiêm túc tột độ, “bởi vì ông… ông không hề có lý tưởng.” Cặp môi mỏng của Wynand cười mỉm. “Anh bạn trẻ này, anh không thể chạy thoát khỏi sự sa đọa của con người đâu”, ông nói nhẹ nhàng. “Ông chủ hiện nay của anh có thể có nhiều lý tưởng, nhưng ông ta phải cầu xin tiền bạc và nhận lệnh từ nhiều kẻ đáng khinh bỉ. Tôi không có lý tưởng, nhưng tôi không cầu xin ai. Hãy lựa chọn đi. Không còn con đường nào khác đâu.” Chàng trai trẻ quay trở về tờ báo của mình. Một năm sau, anh ta đến gặp Wynand và hỏi liệu đề nghị của ông còn hiệu lực không. Wynand trả lời là có. Chàng trai trẻ đã ở lại tờ Ngọn cờ kể từ đó. Anh ta là người duy nhất yêu quý Gail Wynand trong số các nhân viên của ông.

Alvah Scarret, người duy nhất còn trụ lại từ tờ Gazette, cũng thăng tiến theo Wynand. Nhưng không thể nói là ông ta yêu quý Wynand – ông ta chỉ bám vào ông chủ với sự tận tụy tự nhiên, như một chiếc thảm chùi dưới chân Wynand. Alvah Scarret chưa bao giờ ghét điều gì, và vì thế cũng không có khả năng yêu. Ông ta khôn ngoan, có năng lực và vô nguyên tắc theo một lối rất vô tư của người không hiểu tại sao lại phải có nguyên tắc. Ông tin vào tất cả những gì mình viết cũng như tất cả những gì được viết ra trên tờ Ngọn cờ.

Ông có thể giữ được lòng tin vào bất cứ điều gì trong vòng hai tuần. Ông trở nên vô giá đối với Wynand – ông như một chiếc phong vũ biểu đo phản ứng của công chúng.

Không ai có thể nói chắc chắn liệu Gail Wynand có cuộc sống riêng tư hay không. Những giờ không làm việc của ông cũng có phong cách tương tự như trang nhất tờ Ngọn cờ, nhưng đã được nâng lên một tầm cao mới, như thể ông vẫn đang diễn trong một rạp xiếc, có điều khán giả lúc này là các ông hoàng. Ông bao trọn cả nhà hát để xem một buổi trình diễn opera lớn và ngồi một mình trong phòng nghe nhạc vắng lặng cùng với người tình lúc đó của ông. Ông phát hiện ra một vở kịch rất hay của một nhà soạn kịch vô danh và trả cho người này một số tiền lớn để trình diễn nó một lần duy nhất. Wynand là khán giả duy nhất tại buổi trình diễn đó và ông cho đốt kịch bản ngay sáng hôm sau. Khi một quý bà nổi tiếng đề nghị ông đóng góp cho một mục đích từ thiện chính đáng, Wynand trao cho bà ta một tờ séc để trống và cười khi nhận thấy số tiền bà ta dám điền vào còn ít hơn số tiền mà ông dự định cho. Ông mua một cái ngai vàng Balkan và tặng cho một kẻ bị tiếm ngôi không một xu dính túi và ông gặp ở một quán rượu lậu và sau đó không bao giờ buồn gặp lại. Ông gọi kẻ đó là “người hầu của tôi, tài xế của tôi và ông hoàng của tôi.”

Khi đêm xuống, khoác một bộ com-lê nhàu nát được mua với giá 9 đôla, Wynand thường bắt tàu điện ngầm và lang thang dọc các quán rượu lậu ở các khu ổ chuột và lắng nghe công chúng của ông. Một lần, trong một quán bia ở dưới tầng hầm, ông nghe thấy một tài xế xe tải lên án Gail Wynand như một kẻ hiện thân cho những thứ bẩn thỉu của chủ nghĩa tư bản – anh ta dùng những từ ngữ rất chính xác và phong phú. Wynand tỏ ra đồng tình với anh ta và thậm chí góp thêm bằng những câu nói của dân chợ búa ở Hell’s Kitchen. Sau đó Wynand nhặt một tờ Ngọn cờ ai đó bỏ lại trên bàn, xé tấm ảnh của ông ở trang 3, cặp vào đó tờ 100 đôla, đưa cho người lái xe tải và bước ra khỏi quán trước khi người có mặt kịp thốt ra bất cứ điều gì.

Ông thay người tình nhanh như thay áo, đến nỗi người ta chẳng còn buồn bàn tán về chuyện đó nữa. Người ta đồn rằng ông không bao giờ tận hưởng một người đàn bà trừ khi ông đã mua đứt cô ta – và cô ta lại phải là loại người không thể mua được bằng tiền.

Ông giữ bí mật chi tiết đời tư của mình bằng cách tung hê tất cả chúng ra chốn công cộng.

Ông trao mình cho đám đông, ông là tài sản của tất cả mọi người, giống như một bức tượng trong công viên, giống biển chờ xe buýt, giống các trang báo Ngọn cờ. Ảnh của ông xuất hiện trên các trang báo của ông nhiều hơn ảnh của các minh tinh màn bạc. Ông được chụp với mọi loại quần áo và trong mọi dịp có thể. Ông chưa từng chụp ảnh khỏa thân nhưng người đọc có cảm giác như đã nhìn thấy ông khỏa thân… Ông không tìm kiếm toản mãn từ sự nổi tiếng cá nhân; sự nổi tiếng chỉ là một thứ ông phải làm để tuân thủ nguyên tắc của mình. Tất cả các xó xỉnh trong ngôi nhà của ông đều đã được đăng trên các báo và tạp chí của ông. “Bất cứ kẻ vô lại nào trên đất nước này cũng biết tủ lạnh và bồn tắm của tôi có gì”, ông nói.

Tuy vậy, một phần của cuộc đời ông vẫn ít được biết đến và không bao giờ được nhắc tới. Ở tầng cao nhất trong tòa nhà – nằm ngay phía dưới ngôi nhà nóc của ông – là gallery nghệ thuật riêng của ông. Nó luôn được khóa kín. Ông không để cho ai được bước vào, trừ người dọn vệ sinh. Rất ít người biết về nó. Có một lần, một vị đại sứ Pháp đã xin phép được tham quan. Wynand từ chối. Thỉnh thoảng, không thường xuyên lắm, ông từ trên nhà đi xuống gallery của mình và ở lại đó hàng giờ liền. Những thứ mà ông sưu tầm đều do chính ông lựa chọn theo tiêu chuẩn của ông. Ông có những kiệt tác nổi tiếng cũng như tranh của các họa sĩ không tên tuổi. Ông từ chối tác phẩm của các tên tuổi lớn mà ông không quan tâm. Ông không quan tâm tới việc một tác phẩm được dự đoán bao nhiêu tiền hoặc ai là tác giả. Những người buôn bán các tác phẩm nghệ thuật mà ông liên lạc đều nói rằng những đánh giá của ông là của một bậc thầy.

Một ngày kia, người phục vụ của ông nhìn thấy Wynand từ gallery của ông trở về và kinh ngạc khi nhìn thấy nét mặt ông. Đó là nét mặt đau khổ, dù trông ông như trẻ lại mười tuổi. “Ngài có bị ốm không?”, anh ta hỏi. Wynand nhìn anh ta lạnh lùng và nói “Đi ngủ đi.”

“Chúng ta có thể chạy một trang lớn cho mục xì-căng-đan của số Chủ nhật tới bằng cái gallery của ông”, Alvah Scarret nói một cách thèm thuồng. “Không,” Wynand trả lời.

“Nhưng tại sao, Gail?”

“Nghe này , Alvah. Ai cũng phải có một linh hồn mà người khác không được nhòm vào. Kể cả những kẻ bị kết án trong nhà lao và những thằng khùng diễn trò trên đường. Tất cả mọi người, trừ tôi. Linh hồn của tôi đã tung toé trên trang xì-căng-đan Chủ nhật của anh rồi, thậm chí in ba màu. Thế nên tôi cần phải có cái gì đó thay thế – cho dù đó chỉ là một căn phòng khóa trái và một vài thứ đồ không thể mang cầm cố.”

Đó là một quá trình diễn ra trong thời gian dài và không có điềm báo trước; và Scarret đã không nhận ra cái đặc điểm mới này trong tính cách của Gail Wynand cho tới khi Wynand ở tuổi 45. Sau đó, nhiều người cùng nhận ra đặc điểm này. Wynand không còn quan tâm tới việc hạ gục các nhà công nghiệp và tài chính nữa. Ông tìm ra một loại nạn nhân mới. Người ta không biết chắc đó là trò chơi, là niềm say mê hay là một sự theo đuổi có hệ thống. Họ thấy nó thật kinh khủng vì nó có vẻ rất độc ác và vô nghĩa.

Tất cả bắt đầu với vụ việc của Dwight Carson. Dwight Carson là một nhà báo trẻ tuổi có tài, và nổi tiếng là một người quyết liệt theo đuổi những niềm tin của mình. Anh ủng hộ con người cá nhân thay vì đám đông quần chúng. Anh viết bài cho các tạp chí có tên tuổi nhưng có lượng phát hành nhỏ và vì thế không hề là đối thủ cạnh tranh của Wynand. Wynand mua Dwight Carson. Ông buộc Carson viết một chuyên mục trên tờ Ngọn cờ – chuyên mục dành riêng cho việc rao giảng về sự ưu việt của quần chúng so với các cá nhân có tài. Đó là một chuyên mục tồi tệ, tẻ ngắt, thiếu thuyết phục và khiến mọi người giận dữ. Việc này gây lãng phí mặt báo và lãng phí một khoản tiền lương lớn. Nhưng Wynand kiên quyết duy trì nó.

Ngay cả Alvah Scarret cũng bị sốc bởi hành vi phản đồ của Carson. “Bất kỳ ai cũng được, Gail”, ông ta nói “thật tình, tôi không ngờ Carson lại làm việc đó.” Wynand phá lên cười; ông cười rất lâu, như thể ông không ngừng lại được, như thể ông đang lên cơn động kinh.

Scarret nhíu mày, ông không thích nhìn thấy Wynand không thể kiềm chế cảm xúc; việc này mâu thuẫn với những gì ông biết về Wynand. Nó tạo cho Scarret một cảm giác lo ngại lạ lùng, như thể ông nhìn thấy một vết nứt nhỏ xíu trên một mặt tường phẳng lì – tuy vết nứt không đủ để đe doạ bức tường nhưng lẽ ra, nó không nên có mặt ở đó.

Vài tháng sau đó, Wynand mua về một cây bút trẻ từ một tạp chí cấp tiến – anh này nổi tiếng trung thực – và yêu cầu anh ta viết một loạt các bài báo ca ngợi những cá nhân kiệt xuất đồng thời lên án đám đông. Việc này – cũng giống như vụ Carson – khiến rất nhiều độc giả của ông giận dữ. Ông vẫn duy trì nó. Ông dường như không còn lưu tâm tới các tín hiệu ảnh hưởng nho nhỏ tới lượng phát hành.

Ông thuê một nhà thơ nhạy cảm để viết bài bình luận các trận đấu bóng chày. Ông thuê một chuyên gia nghệ thuật để đưa tin tức tài chính. Ông khiến một người theo đường lối xã hội chủ nghĩa viết bài bảo vệ các chủ nhà máy và một người bảo thủ ca ngợi người lao động. Ông bắt một người vô thần viết bài vinh danh tôn giáo. Ông khiến một nhà khoa học nghiêm túc tuyên bố về tính ưu việt của linh cảm thần bí so với các phương pháp khoa học. Ông cấp cho một nhạc trưởng lớn một khoản tiền lương hàng năm khổng lồ, với điều kiện duy nhất là ông ta không bao giờ chỉ huy dàn nhạc nữa.

Một vài người trong số này từ chối – ban đầu thì thế. Nhưng họ đều đầu hàng khi nhận thấy mình đang trên bờ vực phá sản sau một loạt các sự cố không rõ nguyên nhân xảy ra liên tiếp trong vài năm liền. Một số họ là những người nổi tiếng, số còn lại vô danh.

Wynand không quan tâm tới vị thế trước đây của những con mồi này. Ông không quan tâm tới những người đã thành công rực rỡ nhờ việc thương mại hóa sự nghiệp của mình mà không giữ một niềm tin nhất định nào. Các nạn nhân của ông có một đặc điểm chung: lòng chính trực tuyệt đối.

Khi họ đã bị quật ngã, Wynand vẫn tiếp tục trả tiền cho họ đều đặn. Nhưng ông không còn quan tâm tới họ nữa và cũng không muốn gặp lại họ. Dwight Carson trở thành kẻ nghiện rượu. Hai người khác nghiện ma tuý. Một người tự sát. Sự kiện cuối cùng này khiến Scarret không chịu đựng thêm được nữa. “Liệu việc này có đi quá xa không hả Gail” – ông ta hỏi “Có khác nào giết người đâu.”

“Không hề”, Wynand nói, “Tôi chỉ là tác nhân bên ngoài. Nguyên nhân là ở bên trong anh ta. Nếu sét đánh vào một cái cây mục nát và nó ngã gục thì đó không phải là lỗi của sét.”

“Nhưng thế nào là một cái cây khoẻ mạnh?”

“Chúng không tồn tại, Alvah”, Wynand nói một cách vui vẻ “chúng không hề tồn tại.”

Alvah Scarret không bao giờ hỏi Wynand lý do nào dẫn đến sự quan tâm mới này của ông. Bằng một trực giác mơ hồ, Scarret đoán được phần nào lý do đằng sau nó. Scarret nhún vai và cười, nói với mọi người là chẳng có gì phải lo lắng cả, đó chỉ là “một cái van an toàn thôi.” Chỉ có hai người hiểu được Gail Wynand: Alvah Scarret – hiểu được một phần, và Ellsworth Toohey – hiểu hoàn toàn.

Ellsworth Toohey – tuy muốn né tránh tranh luận với Wynand bằng mọi giá – không khỏi cảm thấy ghen tỵ vì Wynand đã không lựa chọn ông làm nạn nhân. Toohey hầu như mong muốn Wynand thử mua chuộc ông, cho dù hậu quả có là gì đi nữa. Nhưng Wynand dường như không để ý thấy sự tồn tại của ông ta.

Wynand chưa bao giờ sợ hãi cái chết. Trong những năm qua, ý nghĩ tự sát đã từng đến với ông, không phải như một ý định mà như một trong số những khả năng có thể lựa chọn của cuộc sống. Ông xem xét nó một cách thờ ơ, với sự tò mò lịch lãm, như khi ông xem xét bất kỳ khả năng nào khác, và rồi quên nó đi. Ông cũng từng biết tới cảm giác kiệt quệ trống rỗng khi ý chí của ông rời bỏ ông. Ông luôn luôn tự chữa cho mình bằng cách vào trong gallery của ông vài tiếng đồng hồ.

Cứ thế, Gail Wynand đến tuổi 51. Ngày hôm nay, không có sự kiện gì đáng kể xảy ra trong ngày. Nhưng tới buổi tối, ông cảm thấy mình không muốn bước thêm một bước nào nữa.

*

* *

Gail Wynand ngồi trên mép giường, sụm người về phía trước, cùi chỏ tì vào đầu gối, khẩu súng đặt trên lòng bàn tay.

Phải, – ông tự bảo mình – câu trả lời nằm ở đâu đó. Nhưng ta không muốn biết nó. Ta không muốn biết nó.

Và bởi vì ông cảm thấy ở tận cùng cái mong muốn không sống tiếp, vẫn có một nỗi kinh hãi nhói lên, ông biết là ông sẽ không chết vào đêm nay. Chừng nào ông còn sợ một điều gì đó thì ông còn có chỗ bám víu để sống; kể cả nếu như sống chỉ có nghĩa là tiếp tục đi tới một thảm kịch không biết rõ nào đó. Ý nghĩ về cái chết không mang lại cho ông điều gì. Ý nghĩ về sự sống mang lại một niềm an ủi nhỏ nhoi – nó gợn lên sự sợ hãi.

Ông cử động cánh tay, ước lượng sức nặng của khẩu súng. Ông mỉm cười, nụ cười nhạo báng ảm đạm. Không, ông nghĩ, không phải là cho mày. Chưa đến lúc. Mày vẫn còn cảm thấy không muốn chết một cách vô nghĩa. Mày bị chặn lại vì điều đó. Cho dù nó chỉ là phần còn sót lại – của một cái gì đó.

Ông quẳng khẩu súng lên trên giường và biết rằng thời điểm đó đã qua và khẩu súng không còn gây nguy hiểm cho ông nữa. Ông đứng dậy. Ông không vui sướng, ông thấy mệt mỏi, nhưng ông đã trở lại cuộc sống bình thường của ông. Chẳng còn chuyện gì, ngoại trừ việc kết thúc ngày hôm nay cho sớm rồi đi ngủ.

Ông bước xuống phòng làm việc để uống một ly rượu.

Khi ông bật đèn trong phòng làm việc, ông nhìn thấy món quà của Toohey. Đó là một chiếc thùng có khe thưa, cao và thẳng đứng, được đặt trên bàn ông. Ông đã nhìn thấy nó vào buổi tối. Lúc đó, ông nghĩ “Cái quỷ gì thế này”, và rồi quên luôn.

Ông rót cho một ly rượu và đứng uống chậm rãi. Chiếc thùng quá to để thoát khỏi tầm nhìn của ông, và trong khi uống, ông thử đoán xem nó có thể chứa cái gì. Nó quá dài và thon để có thể chứa một thứ đồ nội thất. Ông không nghĩ ra được thứ đồ vật gì mà Toohey lại muốn tặng ông. Trước đó, ông đã nghĩ tới một cái gì đó ít vật chất hơn – như một chiếc phong bì nhỏ trong đó có những lời bóng gió về việc tống tiền. Rất nhiều người từng tìm cách tống tiền ông nhưng đều không thành công. Ông nghĩ Toohey hẳn phải khôn ngoan hơn họ.

Cho tới lúc kết thúc ly rượu, ông vẫn không tìm được lời giải thích hợp lý nào cho cái hộp. Điều đó khiến ông bực mình, như gặp phải một trò đố chữ cứng đầu. Ông có hộp dụng cụ ở đâu đó trong ngăn kéo bàn. Ông tìm thấy nó và đập vỡ cái hộp.

Đó là bức tượng Dominique Francon do Steven Mallory nặn. Gail Wynand bước tới bàn và đặt chiếc kìm ông đang cầm xuống như thể nó làm bằng thứ pha lê dễ vỡ. Rồi ông quay lại và nhìn vào bức tượng một lần nữa. Ông đứng lặng nhìn nó trong một tiếng đồng hồ. Rồi ông bước tới điện thoại và gọi số của Toohey. “Alô?”, Toohey trả lời – cái giọng khàn khàn cho thấy ông bị đánh thức khỏi một giấc ngủ sâu. “Được rồi. Đến đi” – Wynand nói và dập máy. Nửa giờ sau, Toohey đến. Đây là lần đầu tiên ông ta tới nhà Wynand. Đích thân Wynand ra mở cửa, vẫn trong bộ đồ pyjama. Ông không nói gì và đi vào phòng làm việc. Toohey đi sau ông.

Bức tượng khoả thân bằng cẩm thạch với mái đầu ngả về phía sau trong sự thăng hoa khiến cho căn phòng như thể không còn tồn tại nữa: giống như Đền Stoddard. Mắt Wynand hướng vào Toohey chờ đợi, cái nhìn nặng nề ẩn chứa cơn giận dữ bị kìm nén.

“Dĩ nhiên là ngài muốn biết tên người mẫu?”, Toohey hỏi, giọng ông thoáng có vẻ đắc thắng.

“Quỷ tha ma bắt, không”, Wynand nói “Tôi muốn biết tên nhà điêu khắc.”

Ông tự hỏi tại sao Toohey lại không thích câu hỏi đó; điều gì còn lớn hơn cả nỗi thất vọng hiện ra trên khuôn mặt Toohey…

“Nhà điêu khắc à?”, Toohey nói. “Để tôi xem… Tôi nghĩ là tôi biết… Đó là Steve… hay Stanley… Stanley cái gì đó, đại loại thế… Thực sự, tôi không nhớ.”

“Nếu ông đủ hiểu biết để mua cái này thì ông hẳn phải biết hỏi tên tác giả và không bao giờ quên nó chứ.”

“Tôi sẽ tìm lại, ngài Wynand.”

“Ông mua nó ở đâu?”

“Ở một cửa hàng bán đồ nghệ thuật nào đó, ông biết đấy, trong số các cửa hàng trên Đại lộ số Hai.”

“Làm thế nào mà nó lại có mặt ở đó?”

“Tôi không biết. Tôi không hỏi. Tôi mua nó vì tôi biết người mẫu là ai.”

“Ông đang nói dối. Nếu thực sự là thế, ông đã không dám làm như thế này. Ông biết là tôi chưa từng để một ai đó vào trong phòng sưu tập nghệ thuật của tôi. Ông dám nghĩ là tôi sẽ cho phép ông đóng góp cho căn phòng đó? Chưa có bất cứ ai dám tặng tôi một món quà kiểu thế. Ông sẽ không dám liều, trừ khi ông biết chắc chắn, cực kỳ chắc chắn, là tác phẩm này vĩ đại tới nhường nào. Và chắc chắn rằng tôi sẽ phải chấp nhận nó. Khi đó ông sẽ thắng tôi. Và ông đã thắng.”

“Tôi rất vui được nghe điều này, ngài Wynand.”

“Nếu ông thích nghe điều đó, thì tôi cũng nói cho ông biết là tôi ghét phải thấy tác phẩm này đến qua tay ông. Tôi ghét việc ông hiểu được giá trị của nó. Nó không hợp với ông. Cho dù rõ ràng là tôi đã sai về ông: ông có con mắt nghệ thuật khá hơn tôi từng nghĩ.”

“Cho dù ngài nói thế, tôi cũng sẽ chấp nhận nó như một lời khen và xin cảm ơn ngài, ngài Wynand.”

“Bây giờ, ông muốn gì? Theo tôi hiểu, tôi sẽ không để tôi có cái này trừ khi tôi đồng ý gặp bà Peter Keating phải không?”

“Ồ không, ngài Wynand. Tôi tặng nó cho ngài như một món quà. Tôi chỉ muốn ngài hiểu rằng đó chính là bà Peter Keating.”

Wynand nhìn bức tượng và nhìn lại Toohey.

“À, ông là đồ ngốc”, Wynand nói nhẹ nhàng.

Toohey nhìn ông, bối rối.

“Thế ra ông đúng là đã dùng nó như một cái đèn đỏ treo ngoài cửa sổ à?”[105] – Wynand dường như trút được gánh nặng, ông không còn thấy cần thiết phải nhìn Toohey nữa. “Như thế tốt hơn, Toohey. Ông không khôn ngoan như tôi nghĩ lúc nãy.”

“Nhưng, ngài Wynand, điều gì…?”

“Chẳng nhẽ ông nhận ra rằng bức tường này là cách tốt nhất để giết chết bất kỳ sự hứng thú nào tôi có thể có với bà Keating nhà ông?”

“Ngài vẫn chưa gặp cô ấy, ngài Wynand.”

“À, có thể cô ta rất đẹp. Có thể cô ta còn đẹp hơn bức tượng này. Nhưng cô ta không thể có được cái mà nhà điêu khắc đã tạo ra cho cô ta. Và phải nhìn thấy cái khuôn mặt đấy, nhưng chẳng có chút ý nghĩa gì, giống một bức tranh biếm họa tồi – ông không nghĩ là người ta sẽ căm ghét cô ta vì điều đó sao?”

“Ngài chưa gặp cô ấy.”

“Được thôi, tôi sẽ gặp cô ta. Tôi đã nói, hoặc ông sẽ thành công hoặc ông sẽ mất hết vì cái trò táo tợn này. Nhưng tôi không hứa với ông là sẽ ngủ với cô ta, đúng không? Tôi chỉ gặp cô ta thôi.”

“Tôi chỉ muốn có vậy, ngài Wynand.”

“Bảo cô ta gọi điện tới văn phòng của tôi để hẹn gặp.”

“Cám ơn ngài, ngài Wynand.”

“Ngoài ra, ông đã nói dối khi bảo rằng ông không biết tên nhà điêu khắc. Nhưng bắt ông nói ra sẽ quá mất thời gian của tôi. Cô ta sẽ nói cho tôi biết.”

“Tôi chắc chắn rằng cô ấy sẽ nói cho ngài. Nhưng tại sao tôi phải nói dối ngài cơ chứ?”

“Có Chúa mới biết được. Nhân tiện, nếu gã điêu khắc đó không giỏi đến thế này thì ông đã mất việc.”

“Nhưng, ngài Wynand, tôi còn có hợp đồng.”

“Ông để dành cái đó cho công đoàn của ông đi, Elsie! Bây giờ tôi nghĩ rằng ông nên chúc tôi ngủ ngon và ra khỏi đây.”

“Vâng, ngài Wynand. Tôi chúc ngài ngủ ngon.”

Wynand đưa ông ta ra tới ngoài sảnh. Ở cửa, Wynand nói: “Ông là một nhà kinh doanh tồi, Toohey. Tôi không biết tại sao ông lại muốn tôi gặp bà Keating đến thế. Tôi không biết mưu đồ của ông là gì khi cố gắng giành cho Keating cái hợp đồng đó. Nhưng cho dù nó là gì thì nó cũng không đáng giá đến mức ông phải đánh đổi nó lấy một thứ như bức tượng này.”

Bình luận