Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Xách ba lô lên và đi – Tập 1: Châu Á là nhà, đừng khóc

Tác giả: Huyền Chip
Thể loại: Hồi Ký - Tuỳ Bút

Danh sách chương

Cảm nhận:

” Bước chân của Huyền khởi đầu cho trào lưu mới trong giới trẻ Việt: Khát khao vươn ra thế giới, đi và trải nghiệm” – Tiền Phong

“'Ta ba lô' không chỉ để thỏa mãn khát khao khám phá, trưởng thành mà còn đem hình ảnh, văn hóa Việt Nam đến với bạn bè năm châu. Nhưng không phải ai cũng có bản lĩnh để đi như Huyền” – CAND

“Điều thú vị toát ra từ con người Huyền nằm trong sự khác biệt và dám khác biệt.” – Yahoo! News

“Bạn ấy dường như đứng ngoài khuôn mẫu thông thường của một nhân vật quan trọng.” – Thanh Niên

“Đã có rất nhiều nhưng cũng sẵn sàng nghĩ rằng mình chưa có gì. Đó dường như là điều đặc biệt nhất ở cô bạn 9x Huyền Chip.” – Radio Australia

Trích đoạn:

Mọi người hay hỏi tôi quyết định đi “vòng quanh thế giới” như thế nào. Tôi chẳng quyết định. Khi bắt đầu đi, tôi mới chỉ là một con bé 19 tuổi không một xu dính túi, nói đi “vòng quanh thế giới” chỉ như một đứa trẻ con 5 tuổi nói với mẹ “lớn lên con muốn làm nhà du hành vũ trụ”. Chuyến đi dài ngày này của tôi bắt đầu từ một chuyến đi ba ngày sang Brunei. Một giây phút nông nổi đã làm thay đổi cả cuộc đời tôi từ khi đó.

Tháng 5 năm 2010, tôi đang ở Malaysia làm một công việc mà ai cũng nghĩ là công việc trong mơ. Quả thực, công việc, đồng nghiệp, môi trường làm việc, tất cả đều rất tốt, nhưng chỉ một vấn đề duy nhất là tôi và sếp thường bất đồng ý kiến với nhau. Một lần quá mệt mỏi, tôi quyết định đi sang Brunei chơi cho khuây khỏa. Lúc đó, ý định làm chuyến đi lâu thật lâu đã bắt đầu nhen nhóm, nhưng tôi không biết sẽ đi như thế nào. Tôi tính nếu bây giờ tôi nghỉ việc, lĩnh lương khoảng 1500$ chắc cũng đủ đi vài tháng, có máy tính rồi từ từ kiếm việc gì đó làm online. Nhưng tôi quên mất là laptop tôi đang dùng là laptop của công ty, nghỉ việc thì tôi cũng không còn máy.
Thế là tôi đành ngậm ngùi bỏ tiền mua một cái netbook nhỏ nhỏ, cấu hình yếu yếu nhưng đủ để viết và lướt web. Máy ảnh tôi bị mất trước đó mấy tháng nên cũng phải mua máy mới. Vèo một phát, số tiền còn lại của tôi chỉ còn khoảng 700, 800$. Tôi tặc lưỡi, thôi đi bừa, cùng lắm là lại về Malaysia. Tôi đặt vé khứ hồi vì thực sự tôi vẫn không nghĩ là mình sẽ đi được. Phòng trọ tôi cũng không trả chủ nhà mà vẫn để đồ đạc ở đấy, tin chắc chắn rằng mình sẽ quay lại Malaysia.

Khi còn “la liếm” với dân công nghệ, tôi có quen Preetam Rai – nổi tiếng trong giới vì ở đâu cũng có mặt. Sinh ra ở Ấn Độ, sống và làm việc ở Singapore, Preetam đi khắp các nước châu Á tham gia đủ các thể loại hội thảo công nghệ. Anh thỉnh thoảng hay bảo tôi: “Này, tổ chức cái gì ở Việt Nam đi để anh có cớ qua.” Khi nghe tôi kể lể tình hình, anh tặc lưỡi: “Đi đi, không đắt lắm đâu. Dùng CouchSurfing thì khỏi mất tiền ở khách sạn.” CouchSurfing là trang web kết nối những người sống ở địa phương và dân du lịch ba-lô. Nếu nhà có phòng trống, ghế sofa (couch) hay bất cứ chỗ nào ngủ được, bạn có thể đăng lên CouchSurfing với tư cách host (chủ nhà). Dân du lịch ba-lô đến một thành phố nào đó không có chỗ ở thì lên CouchSurfing gửi yêu cầu cho host xin ở nhờ. Những ngày ở Malaysia buồn, tôi cũng hay tham gia mấy buổi gặp mặt CouchSurfer (từ dành chỉ những người dùng CouchSurfing). Couchsurfer là dân lang thang nên tính tình đều khá cởi mở, thân thiện, tôi thích. Nhưng tôi chưa bao giờ ở nhờ cả. Thứ nhất là vì tôi cũng không cần, thứ hai là vì tôi cũng hơi sợ. Lần này thì là cơ hội tuyệt vời để thử. Brunei là một đất nước đắt đỏ, nổi tiếng. Đọc trên mạng tôi được biết cả nước chỉ có một Youth Hostel giá khoảng 10$/đêm, còn lại các khách sạn khác đều khoảng 200$. Youth Hostel thì hên xui, khách sạn thì tôi không có tiền, CouchSurfing là lựa chọn duy nhất.

CouchSurfing hoạt động dựa vào mức độ tin tưởng đánh giá qua những lời giới thiệu mà người khác để lại trên profile của bạn. Lúc đó, hồ sơ tôi trống trơn vì không có lời giới thiệu nào, nhưng may mà tôi có cái blog khá tử tế, nên gửi yêu cầu ở nhờ nào cũng tương cái blog mình vào đó. Tôi gửi yêu cầu tới 3 người thì 2 người đồng ý là Phillips và Rudy. Cả 2 đều bảo tôi gửi họ thông tin chuyến bay xem họ có ra đón tôi được không. Taxi từ sân bay về Bandar Seri Begawan rất đắt, khoảng $20. Xe buýt thì khó đoán. Tôi gửi thông tin cho cả hai, định bụng ai trả lời trước thì sẽ ở cùng người đấy. Nhưng đến hôm trước khi ra sân bay tôi vẫn chẳng thấy ai trả lời. Tôi lúng túng không biết làm thế nào, nhưng quyết tâm đi rồi thì cứ phải đi chứ biết làm sao.

Tôi đi ra sân bay lúc 6h sáng, trời còn tối âm ỉ. Tôi không đánh thức bạn ở cùng nhà dậy mà chỉ để chìa khóa lại trên bàn. Đi ra đến cổng, bác bảo vệ đang ngái ngủ thấy tôi thì vui vẻ hẳn lên. “Chip, đi đâu mà sớm vậy?” “Cháu ra sân bay đi Brunei ạ.” “Thích ha, thế bao giờ quay lại đây dẫn bác sang Việt Nam?” Tự nhiên tôi không biết trả lời thế nào. Đến lúc đấy tôi mới phần nào nhận ra rằng có thể tôi sẽ không bao giờ gặp lại bác. Cổ họng tôi nghẹn cứng lại. Tôi cười cầu tài rồi đi vội ra bến metro.

Tàu sớm trống trơn, tôi ngồi một mình một toa mà lòng buồn xo. Tôi đi vội vã quá. Tôi quyết định đi ngày 9/5, bay ngày 13/5. 4 ngày vừa qua tôi cắm đầu vào lo đủ mọi chuyện mà không hề nghĩ đến khả năng nếu tôi thành công, tôi sẽ phải chia tay với Kuala Lumpur. Bao nhiêu người tôi yêu quý ở đây mà tôi chưa có dịp chào tạm biệt. Không biết mọi người có trách mình không nhỉ? Tôi thở dài, ngủ quên lúc nào không biết.

Đến sân bay, tôi thấy mình có tin nhắn từ Phillips. Tôi nhắn tin cho Rudy bảo đừng đến đón tôi nữa rồi tắt vội điện thoại. Brunei, here I come!

(trích Đi bừa đi)

Xem thêm  Tan Biến: Hồi Ký Về Thảm Hoạ Everest
Bình luận