Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Cái Chết Của Ba Người Lính Ngự Lâm

Chương 2: Hai cha con

Tác giả: Alexandre Dumas
Chọn tập

Raoul theo con đường rất quen thuộc, và luôn khơi gợi chàng tình thương mến, – con đường dẫn từ thành Blois đến ngôi nhà của Bá tước De La Fère (De La Fe-rơ).

Chàng thấy từ xa tầng mái nhà nhọn, hai khung tháp nhỏ, chiếc chuồng chim nấp trong lá cây du, và từng đàn bồ câu bay quanh khối chọp nón xây bằng gạch. Chúng không ngưng nghỉ mà cứ quấn quít lấy nhau tựa như những kỷ niệm êm đềm liệng quanh một tâm hồn thanh thản.

Hơn một năm nay Raoul chưa về thăm cha. Trong suốt thời gian đó chàng sống bên Hoàng thân.

Thật vậy, sau tất cả những xáo động gây ra bởi cuộc loạn La Fronde, Louis De Condé và triều đình đã làm hoà một cách công khai, long trọng và thẳng thắn.

Trong suốt thời gian ly khai với triều đình, Hoàng thân vốn từ lâu có thiện cảm với De Bragelonne – đã tìm đủ mọi cách để chiêu dụ chàng nhưng hoài công, Bá tước De La Fère, luôn luôn thay mặt con chối từ vì vẫn tin tưởng vào những nguyên lắc về sự trung thành và về vương quyền.

Hơn thế nữa, thay vì theo ông De Condé trong vụ phản loạn, Tử tước lại phục vụ De Turenne (De Tuya-ren), chiến đấu vì Đức vua. Rồi sau đó, khi thấy ông De Turenne có vẻ đi ngược lại lý tưởng hoàng gia, chàng lại lìa bỏ ông này như đã từng từ chối đề nghị của De Condé. Vì cả Condé lẫn Turenne chỉ có thể chiến thắng khi phục vụ dưới lá cờ hoàng gia, nên kết quả là Bragelonne, tuy còn rất trẻ đã có mười chiến công lừng lẫy để ghi vào lý lịch và không có một vụ chiến bại nào khiến lương tâm và lòng can đảm của chàng bị tổn thương.

Như vậy là Raoul theo ý nguyện của cha mình, đã phục vụ một cách tích cực và chịu đựng cho cơ nghiệp của vua Louis XIV, mặc cho những chuyện trở gió xoay, cờ liên miên mà ta có thể nói là không tránh khỏi vào thời đó.

Ngài De Condé khi được sủng ái lại đã dùng tất cả những đặc quyền để đòi hỏi rất nhiều thứ ông được hưởng trước đó, gồm cả việc đòi Raoul. Ngay lập tức, bá tước De La Fère, với lòng tin không lay chuyển vào lẽ phải đã gửi Raoul cho ông hoàng De Condé.

Một năm trôi qua kể từ khi hai cha con chia tay nhau, vài bức thư đã làm dịu bớt nhưng không xoá hẳn nỗi đau buồn phải xa người con.

Raoul cũng để lại Blois một mối tình khác ngoài tình phụ tử. Nhưng cũng phải công bằng mà nói rằng Raoul vẫn phi ngựa về nhà cha chàng – Có thể ngoái cổ nhìn lại đôi chút, nhưng không hề dừng ngựa, dẫu có thấy De La Vallière (De La Va-li-e) đưa tay cho chàng.

Nhận thấy cổng vào vườn mở, chàng cho ngựa phi thẳng vào mà không chú ý tới nắm tay giận dữ của một ông lão mặc áo len tím, đầu đội chiếc mũ nhung rách.

Ông lão đang nhổ cỏ trên một bãi trồng hoa hồng lùn và hoa cúc, rất lấy làm tức giận khi thấy một con ngựa cả gan giẫm lên lối đi trải cát đã được sàn cào cẩn thận.

Ông ta còn phát ra một tiếng nạt giận dữ, khiến chàng kỵ sĩ phải quay đầu lại. Và tình thế bỗng nhiên thay đổi hẳn: ngay khi vừa trông thấy Raoul, ông lão đã vụt đứng dậy, chạy ù vào nhà, miệng phát ra những tiếng lằm bằm mà có lẽ đối với ông là một cách biểu lộ niềm vui mãnh liệt đã lên đến cực điểm. Raoul tới chuồng giao ngựa cho một gã hầu và bước dài lên bậc thềm một cách mạnh mẽ, hẳn là có thể khiến cho cha chàng hãnh diện.

Chàng bước vào tiền sảnh, phòng ăn và phòng khách mà chẳng gặp một ai: sau cùng, tới trước cửa phòng bá tước De La Fère, chàng nóng nảy nhào tới và bước vào mà chẳng cần chờ nghe tiếng “Mời vào!” cất lên bằng một giọng nói vừa trịnh trọng vừa dịu dàng.

Bá tước đang ngồi trước cái bàn chứa đầy giấy tờ và sách vở. Cũng vẫn con người đẹp đẽ và quý phái thời trước, nhưng thời gian đã khiến vẻ đẹp, vẻ quý phái này trở nên trịnh trọng rõ rệt hơn. Một vầng trán cao không một nếp nhăn dưới mái tóc bạc nhiều hơn đen, đôi mắt sắc và dịu dàng dưới cặp lông mày của một người trẻ tuổi, bộ râu mảnh và hơi bạc trên cặp môỉ thanh tao như không bao giờ mím chặt trước những đam mê chết người, một thân hình vươn thẳng và dẻo dai, đôi bàn tay không chê vào đâu được nhưng hơi gầy. Đó là tất cả những gì còn lại của một nhà quý tộc lừng danh mà biết bao cửa miệng đã không tiếc lời khen ngợi. Đó chính là Athos.

Ông đang sửa những trang bản thảo do chính tay mình viết. Raoul nắm lấy vai, ôm lấy cổ cha hôn một cách trìu mến và nhanh đến nỗi bá tước không đủ sức cũng như thời gian để gỡ ra, để trấn áp những cảm xúc của tình phụ tử.

– A con đây, con đấy phải không Raoul, có thể như vậy được không nhỉ?

– Ô, thật vô cùng sung sướng được gặp lại phụ thân!

– Ông chưa trả lời tôi, Tử tước ạ. Ông được phép về Blois hay là lại có chuyện gì không may xảy ra tại Paris?

– Nhờ ơn trên, thưa ngài, – Raoul trả lời, chàng dần lấy lại được bình tĩnh, – Chỉ có toàn chuyện vui; Hoàng thượng sắp cưới vợ, như con đã có dịp kể cho cha trong bức thư gần đây nhất, và ngài đi Tây Ban Nha sẽ ghé qua Blois.

– Để viếng Đức ông?

– Vâng, thành thử vì ngại Đức ông bị bất ngờ hoặc muốn tỏ tình thân ái đặc biệt, ngài Hoàng thân đã phái con tới đây để chuẩn bị trước.

– Con đã gặp Đức ông chưa? – Bá tước đột ngột hỏi con.

– Con đã được vinh dự đó.

– Tại lâu đài à?

– Thưa vâng – Raoul cúi mặt khi trả lời vì chàng nhận thấy những câu hỏi của bá tước hàm chứa một điều gì khác hơn là sự tò mò.

– Ồ thật vậy sao, Tử tước? Ta có lời ngợi khen.

Raoul nghiêng mình đáp lễ.

– Nhưng con còn gặp ai tại Blois nữu không?

– Thưa cha, con còn gặp Đức bà phu nhân.

– Rất tốt. Nhưng không phải ta muốn đề cập tới Đức bà.

Mặt mũi Raoul đỏ gay, chàng không nói được câu nào.

– Hình như ông không nghe thấy lời tôi, thưa ông Tử tước? – Bá tước De La Fère nhấn mạnh câu hỏi của mình nhưng không lớn tiếng, ông chỉ làm tình hình nghiêm trọng hơn bằng ánh mắt của mình.

– Thưa, con nghe rất rõ, nếu con chuẩn bị câu trả lời của mình thì chẳng phải để nói dối, chắc ngài cũng rõ rồi.

– Tôi biết ông không bao giờ nói dối. Tôi lấy làm ngạc nhiên là vì sao ông mất thời giờ quá lâu để trả lời “có” hoặc “không” thôi.

– Con chỉ trả lời được khi con hiểu rõ câu hỏi của cha, và con hiểu rõ cha sẽ buồn khi nghe những câu đầu tiên của con. Chắc cha không vui, nếu con thưa rằng con đã gặp…

– Tiểu thư De La Vallière phải không?

– Con biết rõ là cha chỉ muốn ám chỉ tới nàng, thưa Bá tước, – Raoul nói bằng giọng êm dịu không thể tả nổi.

– Còn tôi thì tôi muốn hỏi rằng ông đã gặp cô ta chưa?

– Thưa ngài, con hoàn toàn không hay biết khi tới lâu đài sẽ gặp tiểu thư De La Vallière, chỉ lúc quay về, khi hoàn thành nhiệm vụ tốt, một sự tình cờ đã khiến con hội ngộ với nàng. Con mong được bày tỏ cùng nàng lòng kính trọng của mình.

– Sự tình cờ nào đã xui khiến con gặp tiểu thư De La Vallière?

– Thưa tiểu thư De Montalais (De Mông-ta-le).

– Cô ta là ai?

– Một nhân vật trẻ tuổi mà con không hề quen biết, chưa hề gặp mặt lần nào. Cô ta là thị nữ của Đức bà.

– Ông Tử tước, tôi lấy làm ân hận không muốn để cuộc đối đáp này kéo dài quá lâu và đi xa hơn nữa. Tôi đã yêu cầu ông lánh mặt tiểu thư De La Vallière và chỉ nên gặp cô ta khi được phép của tôi thôi. Ô, tôi biết là ông không nói dối, là ông không hề có ý đồ tìm cách gần gũi cô ta. Sự tình cờ này đã làm tôi rất phật ý, nhưng tôi không trách ông. Thành thử tôi chỉ xin ông nhớ tới những gì tôi đã nói về cô ta. Tôi không trách gì cô ta, có thượng đế làm chứng. Tuy nhiên tôi không hề muốn ông lân la đến nhà cô ta. Một lần nữa, tôi yêu cầu ông nghe kỹ điều này, Raoul thân mến ạ.

Đôi mắt trong trẻo tinh anh của Raoul như mờ đi vì những lời này. Bá tước nói tiếp với nụ cười hiền dịu và giọng nói bình thường.

– Thôi bây giờ ta hãy nói chuyện khác, có lẽ ông quay về nhiệm sở chớ?

– Thưa ngài không, hôm nay chỉ còn có việc ở lại bên ngài. Rất may là Hoàng thân không giao phó cho con nhiệm vụ nào khác ngoài nhiệm vụ này, rất phù hợp với nguyện vọng của con.

– Hoàng thượng có được an khang không?

– Thưa cha, tuyệt vời.

– Và cả Hoàng thân nữa chứ?

– Như bình thường, thưa ngài.

Bá tước theo một thói quen đã có từ lâu, quên bẵng tể tướng Mazarin.

– Này Raoul, vì bây giờ con chỉ là của cha, cha sẽ dành trọn ngày hôm nay cho con. Con hãy hôn cha đi nữa, nữa. Đây là nhà của con, Tử tưởc ạ. À, Grimaud thân mến? Lại đây, Grimaud, ông Tử tước cũng muốn hôn nhân nhà ngươi nữa đấy!

Ông lão cao lớn không để nhắc nhở, lão chạy lại, hai tay dang rộng. Raoul dỡ hộ lão một đoạn đường.

Bây giờ con có muốn chúng ta cùng ra vườn không? Cha sẽ chỉ gian phòng mới mà cha cho xây để dành lúc con về phép và vừa xem các cây trồng mùa đông vừa qua cũng như đôi ngựa cha mới đánh đổi xong, con sẽ vừa cho cha biết tin tức bạn bè chúng ta tại Paris.

Bá tước đóng tập bản thảo lại, khoác tay Raoul cùng đi ra vườn Grimaud buồn rầu ngắm nhìn Raoul bước đi, và khi đầu chàng suýt đụng khung cửa, lão vừa vuốt ve chòm râu bạc vừa buột miệng: “Chóng lớn quá!”.

Chọn tập
Bình luận