Vua nước Anh tiến vào Douvres, rồi vào London trong sự tiếp đón trọng thể và linh đình; ông đã báo cho các anh em, đem theo mẹ và em gái ông về. Đã từ quá lâu rồi, nước Anh sống trong tình trạng hỗn loạn, dưới một chế độ áp bức, bất lực và vô lý. Do đó, sự trở về của vua Charles II, một ông vua mà người Anh chỉ được biết như là con trai của kẻ họ đã chém đầu, đã được xem như một ngày lễ vui mừng cho cả ba vương quốc. Vì thế tất cả những lời chúc tụng, tất cả những lời hoan hô chào đón sự trở về của vì vua trẻ tuổi đã làm ông xúc động đến độ ông nghiêng đầu nói nhỏ vào tai của Jack d Yok em trai của ông.
– Sự thật, Jack, anh nghĩ hình như đó là lỗi của chúng ta nếu chúng ta đã rời bỏ quá lâu một xứ mà dân chúng yêu mến chúng ta quá như vậy?
Đám rước Nhà vua thật lộng lẫy. Thời tiết tuyệt đẹp càng làm tăng thêm tính trang trọng của buổi lễ tiếp đón. Vua Charles II đã lấy lại tất cả sự trẻ trung, sự vui vẻ của mình: trông Nhà vua như biến đổi hẳn: mọi tấm lòng đều tươi cười đón ông, cũng như ánh sáng mặt trời.
Giữa đám đông ồn ào gồm những cận thần và những kẻ hâm mộ hình như đã quên rằng trước đây chính họ đã đưa cha của Nhà vua lên đoạn đầu đài ở White Hall, một người đàn ông trong bộ quân phục phó quan ngự lâm quân với nụ cười trên đôi môi mỏng và thanh lịch, đưa mãt nhìn đám dân chúng đang hét to những lời chúc lụng, rồi nhìn Nhà vua đang đóng vai kịch cảm động và chào những người đàn bà ném những bó hoa dưới chân ngựa của ông. Người đàn ông đó nói:
– Làm vua là một nghề thật đẹp!
Mải mê theo đuổi những ý nghĩ của mình; ông ta dừng lại giữa đường để cho đám rước đi qua. Thật vậy, đây là một ông hoàng mang trên người đầy vàng kim cương như một Salomon (1) đầy những bông hoa, như một cánh đồng cỏ về mùa xuân. Những thần dân rất trung thành của ông ngày hôm nay- ngày xưa rất chống lại ông – đã góp lại tặng ông một hay hai chiếc xe chất đầy những thoi vàng. Họ ném cho ông những bó hoa nhiều vô số có thể phủ lấp cả người ông. Và cách đây hai tháng, nếu họ gặp ông, chắc chắn ông đã lãnh của họ những viên đạn cũng nhiều như những bó hoa họ tặng ông ngày hôm nay!
Đám rước vẫn diễu qua, và khi Nhà vua đã đi xa, những tiếng hoan hô cũng bắt đầu xa dần về hướng hoàng cung, mặc dầu vậy, vị sĩ quan của chúng ta cũng vẫn bị xô lấn dữ dội.
– Chán quá! – ông ta vẫn tiếp tục lý luận, – biết bao nhiêu kẻ đã giẫm chân lên tôi và nhìn tôi như thể không có gì hết, vì lẽ họ là người Anh còn tôi là người Pháp. Nếu người ta hỏi họ: “ông d Artagnan là ai?”, họ sẽ trả lời: “Nescio vos”. Nhưng nếu người ta bảo họ: “Kìa Nhà vua đi qua, kìa tướng Monck đi qua”, họ sẽ hét lên: “Đức vua vạn tuế! Tướng Monck vạn tuế!” cho tới khi nào phổi của họ đòi đình công mới thôi.
Ông đưa cặp mắt tinh anh và đôi khi kiêu hãnh của mình nhìn làn sóng người trôi qua, và nói tiếp:
– Tuy nhiên, các bạn hãy suy nghĩ một chút về những gì vua Charles của các bạn đã làm, những gì ông Monck đã làm rồi các bạn hãy nghĩ đến những gì mà kẻ lạ mặt đáng thương tên là d Artagnan này đã làm. Sự thật là các bạn không biết, bởi vì ông ta chỉ là một kẻ lạ mặt – có điều này ngăn cản các bạn suy nghĩ. Nhưng có cần gì? Điều này không ngăn cản được Charles II là một ông vua đại tài, mặc dầu ông đã bị lưu đày mười hai năm và cũng không ngăn cản được ông Monck là một tướng tài, mặc dầu ông ấy đã được đi qua nước Pháp trong một cái thùng.
Vậy thì. “Hoan hô vua Charles II! Hoan hô tướng Monck!”
Tiếng hoan hô của ông hoà lẫn với tiếng hoan hô của hàng ngàn công chúng, và để cho mọi người thấy rõ hơn ông là kẻ trung thành với nhà vua. D Artagnan lột chiếc nón của mình và quơ lên không.
Một kẻ nào đó bỗng nắm tay ông lại giữa cơn say mê bảo hoàng tràn trề. D Artagnan kêu lên:
– Athos! Bạn ở đây sao?
Và hai người bạn ôm nhau. Người lính ngự lâm tiếp:
– Bạn ở đây sao! Sao! Người anh hùng của buổi lễ, mà bạn lại không cưỡi ngựa đi bên trái của Nhà vua, như ông Monck cưỡi ngựa đi bên phải! Sự thật, tôi chẳng hiểu gì cả về tính tình của bạn cũng như của ông hoàng đã chịu ơn bạn rất nhiều.
Athos nói:
– Vẫn luôn luôn cười nhạo, bạn d Artagnan thân mến. Bao giờ bạn mới chừa bỏ được cái tật xấu đó.
– Nhưng sao bạn không tham dự vào đoàn tuỳ tùng của Nhà vua?
– Tôi không tham dự vào đoàn tuỳ tùng, bởi vì tôi không muốn.
– Và tại sao bạn không muốn?
– Bởi vì tôi không phải là phái viên, cũng chẳng phải là sứ thần hay người đại diện cho vua nước Pháp, và tôi không thể xuất hiện như vậy bên cạnh một ông vua không phải là vua của tôi.
– Chán quá! bạn đã chẳng xuất hiện bên cạnh vua cha Nhà vua bây giờ sao?
– Đó là việc khác, bạn à: ông vua ấy sắp bị đưa lên đoạn đầu đài.
– Và tuy vậy bạn cũng đã làm cho vua Charles này.
– Tôi đã làm những điều đó bởi vì tôi phải làm. Nhưng, như bạn biết, tôi không thích mọi sự có tính cách trình diễn. Chỉ xin vua Charles II, bây giờ không còn cần đến tôi nữa, hãy để yên cho tôi nghỉ ngơi trong bóng tối, đó là tất cả những gì tôi đòi hỏi ở ông ấy.
D Artagnan thở dài.
Athos hỏi:
– Bạn sao thế? Việc nhà vua sung sướng khi trở về London có vẻ như làm bạn buồn, thế nhưng bạn là người đã giúp Nhà vua ít ra cũng như tôi.
D Artagnan cười theo kiểu dân Gascon:
– Phải chăng tôi cũng giúp cho Nhà vua rất nhiều mà người ta không hay?
Athos kêu lên:
– Ồ! Bạn đã giúp Nhà vua rất nhiều và Nhà vua rất biết rõ điều đó, bạn ạ.
Người lính ngự lâm chua chát hỏi:
– Ông ấy biết ư? Sự thật, tôi không nghĩ tới điều đó, và trong lúc này tôi lại muốn cố quên nó đi.
– Nhưng Nhà vua, bạn ơi, sẽ chẳng quên đâu, tôi bảo đảm với bạn.
– Bạn nói như vậy để an ủi tôi một chút thôi. Athos.
– An ủi bạn về cái gì?
– Chán quá! Về tất cả những số tiền mà tôi đã tiêu xài. Tôi đã ném hết tất cả tài sản của tôi vào công cuộc phục hồi ngai vàng cho ông hoàng trẻ tuổi vừa mới oai vệ cưỡi ngựa đi qua đấy.
– Nhà vua không biết rằng bạn đã bị khánh kiệt, nhưng ông biết rằng ông đã mang ơn bạn rất nhiều.
– Điều này có đem đến được điều gì khá hơn cho tôi không. Athos? Bạn hãy nói đi! Bởi vì cuối cùng tôi phải công nhận bạn đã làm việc một cách không vị lợi. Nhưng tôi, tuy bề ngoài có vẻ như đã làm hỏng sự sắp xếp của bạn, nhưng thật ra chính nhờ tôi mà sự sắp xếp của bạn, nhưng thật ra chính nhờ tôi mà sự sắp xếp đó mới thành công. Bạn hãy nghe tôi tính đây: Có lẽ bạn đã không thể nào thuyết phục được tướng Monck bằng lý luận và bằng cách đối xử êm dịu, trong khi đó tôi đã đối xử với viên tướng thân mến này một cáh thật thô bạo, và nhờ vậy đã cho ông hoàng của bạn cơ hội để tỏ ra mình là người rộng lượng. Sự rộng lượng này làm cho Monck cảm kích, và Monck đã đền đáp bằng cách ủng hộ vua Charles II trở lại ngai vàng.
Athos trả lời:
– Bạn thân mến ơi, tất cả những điều đó đều là sự thật không chối cãi được.
– Nhưng, bạn thân mến, dầu đó là sự thật rành rành đến mấy, tôi cũng vẫn sẽ trở về nước, chỉ mang theo lòng yêu mến của ông Monck – ông này suốt ngày lúc nào cũng gọi là “chưởng quan thân mến”, dầu tôi chẳng phải là kẻ thân mến của ông ta và cũng chẳng phải là chưởng quan – và mang theo lòng mến phục của Nhà vua nhưng chắc bây giờ ông ta đã quên mất tên tôi rồi. Tôi cũng vẫn sẽ trở về nước, bị nguyền rủa bởi những binh sĩ mà tôi đã tuyển mộ với lời hứa hẹn sẽ cho họ một số tiền lương thật lớn, và bị nguyền rủa bởi anh chàng Planchet tốt bụng đã cho tôi vay mượn hết một phần gia tài của anh ta.
– Sao vậy? và anh chàng Planchet có dính dấp gì vào những chuyện này?
– À! Có chứ, bạn thân mến: ông vua rất lịch sự, tươi cười và rất được ái mộ này, tướng Monck tưởng chính mình đã gọi ông ta về, bạn tưởng chính bạn đã ủng hộ ông ta, tôi tưởng chính tôi đã đem ông ta về, dân chúng tưởng chính họ đã chiếm lại được cảm tình của ông ta, và chính ông ta tưởng mình đã thương thuyết để được trở lại ngai vàng. Thế nhưng tất cả những điều đó đều không đúng sự thật: Charles II hoàng đế của nước Anh, Scotland và Ireland, đã được đặt trở lại ngôi vua nhờ một thương gia người Pháp hiện ngụ ở đường Lombards và tên là Planchet.
Athos không thể nhịn cười khi nghe câu nói dí dỏm của bạn mình. Ông thân mật siết tay bạn và nói:
– D Artagnan thân mến, bạn không còn là một triết gia nữa sao? Bạn không còn cảm thấy thoả mãn đã cứu được mạng sống của tôi khi may sao bạn cùng với Monck đến nơi đúng vào lúc những tên chó chết thân Nghị viện toan thiêu sống tôi sao?
D Artagnan nói:
– Nhưng trong chuyện này, chính bạn cũng đáng tội lắm, Bá tước thân mến của tôi ạ.
– Sao? Vì đã cứu được số tiền một triệu đồng của vua Charles II à?
– Một triệu đồng nào?
– À. Phải rồi, bạn đã không bao giờ biết được chuyện này, nhưng xin bạn đừng giận tôi, đó không phải là chuyện riêng của tôi Chữ “Remember” mà vua Charles I đã nói khi bước lên đoạn đầu đài – Và chữ đó có nghĩa là “Xin hãy nhớ”. Đúng vậy. Chữ đó có ý nghĩa như sau; “Hãy nhớ rằng có một triệu đồng được chôn dưới hầm của lâu đài Newcastle, và một triệu đồng đó thuộc về con trai của ta”.
– À! Phải lắm, tôi hiểu rồi. Nhưng tôi cũng hiểu một điều kinh khủng nữa, ấy là mỗỉ khi nhà vua Charles II nghĩ đến tôi, ông ta sẽ tự bảo: “Đó là một người đã suýt làm cho ta không lấy lại được ngôi vua! Nhưng may mắn thay, ta đã tỏ ra rộng lượng, cao cả và nhanh trí khôn”. Đó là những gì vua Charles II đã nói về tôi và về chính ông ta, vì vua trẻ tuổi mà trong thời gian còn bị lưu đày, một hôm đã đến trước lâu đài Blois với chiếc áo ngoài màu đen sờn rách và chiếc nón cầm trên tay, để yêu cầu tôi vui lòng chấp thuận cho ông ta vào gặp vua nước Pháp.
Athos nói, vừa đặt bàn tay lên vai người ngự lâm pháo thủ:
– D Artagnan! Bạn không công bằng rồi.
– Tôi có quyền đó.
– Không, bởi vì bạn không tính đến tương lai.
D Artagnan nhìn bạn và phá lên cười. Ông nói:
– Bạn Athos thân mến, bạn có những lời thật đẹp, những lời mà tôi chỉ được nghe nơi bạn và nơi Hồng y Mazarin thôi.
Athos muốn mở lời, d Artagnan cười nói tiếp:
– Xin lỗi bạn, xin lỗi bạn nếu tôi chạm tự ái của bạn.
– Tương lai? Ôi! Những chữ thật là đẹp, những chữ mang thật nhiều hứa hẹn khi không có gì để nói khác! Nhưng chán quá.
– Sau khi đã nghe được quá nhiều chữ hứa hẹn, bao giờ tôi mới gặp được một chữ đem đến ngay cho tôi điều ước muốn? Thôi, hãy gác chuyện đó lại. Bây giờ bạn đang làm gì ở đây. Athos thân mến? Phải chăng bạn làm thủ quỹ cho Nhà vua?
– Sao! Thủ quỹ của Nhà vua?
– Phải, Nhà vua có một triệu đồng thì cần có một thủ quỹ. Vua nước Pháp không có một đồng xu mà cũng có một ông tổng giám tài chánh, ông Fouquet đấy. Nói cho ngay thì bù lại, ông Fouquet có đến hàng triệu đồng, riêng của ông ta.
Đến lượt Athos cười nói:
– Ồ! Một triệu đồng của chúng tôi đã tiêu hết từ lâu rồi.
– Tôi hiểu, một triệu đồng đó đã biến thành nhung lụa, châu báu và những chiếc lông đủ loại, đủ màu sắc. Ông hoàng và bà chúa nào cũng đều rất cần có những người thợ may và những người chuyên lo về vải vóc và y phục. Này! Athos bạn có nhớ chúng ta tiêu xài hết bao nhiêu để trang bị cho chúng ta trong chiến dịch La Rochelle không? Chỉ hai hay ba ngàn đồng thôi. Nhưng một chiếc áo chẽn của vua rộng hơn cần phải một triệu đồng tiền vải. Nhưng này Athos, nếu bạn không được làm thủ quỹ của Nhà vua, ít nhất bạn cũng được Nhà vua trọng đãi chứ?
Athos trả lời một cách giản dị:
– Tôi cũng không biết nữa. Từ khi đến Douvres tôi không gặp Nhà vua nữa.
– Vậy là ông ta quên bạn rồi, chán quá!
– Nhà vua có rất nhiều công việc phải lo!
D Artagnan kêu lên với một cái nhăn mặt đầy ý nhị đặc biệt của riêng ông:
– Sao? Bạn Athos thân mến, Nhà vua không gặp lại bạn sao? Và bạn không cảm thấy tức giận sao?
– Tôi sao à? D Artagnan thân mến, phải chăng bạn tưởng tôi đã hành động như vậy là vì Nhà vua? Vậy, d Artagnan thân mến, xin bạn hãy hiểu rõ điều này: Trước mặt Charles I, tôi đã thề, vào giờ phút chót, sẽ tuyệt đối giữ kín sự bí mật của một kho tàng, phải và sẽ giao lại cho con trai ông ta để giúp đỡ chàng khi cần. Chàng tuổi trẻ đó đã đến tìm tôi, đã kể lại cho tôi nghe nỗi khốn khổ của chàng; và tôi đã làm cho Charles II những gì tôi đã hứa với Charles I, chỉ thế thôi. Như vậy, tôi đâu có cần gì Charles II biết ơn hay không biết ơn tôi!
D Artagnan thở dài:
– Tôi vẫn luôn luôn cho rằng tính không vụ lợi là điều đẹp nhất trên thế gian này.
Athos đáp lại:
– Nhưng này, bạn thân mến, chính bạn cũng không phải như tôi sao? Nếu tôi hiểu đúng những lời nói của bạn, tôi đã để lòng mình xúc động trước nỗi khốn khổ của chàng tuổi trẻ đó, hành động này của bạn còn đẹp hơn hành động của tôi nhiều, bởi vì tôi, tôi có một bổn phận phải làm tròn, trong khi bạn tuyệt đối không có bổn phận gì đối với người con của kẻ bị hành hình. Bạn không phải trả cho chàng ta giá của giọt máu quý báu mà ông ấy đã để rơi xuống trán tôi từ trên đoạn đầu đài. Bạn đã hành động duy nhất theo lệnh của trái tim bạn, trái tim nhân ái và cao quý mà bạn che giấu dưới lớp vỏ ngoài bi quan và dưới những lời giễu cợt chua chát của bạn; bạn đã cống hiến gia tài của một kẻ giúp việc của bạn, và có lẽ luôn cả gia tài của bạn nữa, tôi nghi chắc vậy, và người ta không biết gì đến sự hy sinh của bạn. Nhưng cần gì điều đó. Bạn muốn trả tiền lại cho Planchet phải không? Tôi hiểu điều này lắm, bạn thân mến, bởi vì một người quý tộc không thể mượn tiền kẻ dưới của mình mà không trả lại cho anh ta cả vốn lăn lời. Nếu vậy tôi sẽ bán miếng đất La Fère hay một nông trại nho nhỏ nào đó. Bạn sẽ trả tiền cho Planchet, và bạn hãy tin đi, sẽ vẫn còn đủ thóc lúa trong kho cho hai chúng ta và cho Raoul. Như thế, bạn sẽ không còn gì phải lo lắng nữa, và nếu tôi hiểu rõ bạn, bạn sẽ cảm thấy một sự thoả mãn không phải nhỏ khi bạn tự bảo với mình: “Ta đã đem một ông vua lên ngôi”. Tôi nói có đúng không?
– Athos! Athos! – D Artagnan thì thầm, giợng lâng lâng, – tôi đã nói với bạn một lần, ngày nào bạn thuyết giáo, tôi sẽ là người đầu tiên đi nghe. Bạn tốt hơn tôi nhiều, hay nói đúng hơn, tốt hơn tất cả mọi người, và tôi chỉ nhìn nhận mình có một tính tốt duy nhất, đó là tôi không ganh tị. Ngoại trừ tật xấu này, xin Chúa hãy phạt tôi. Nói như người Anh thường nói, tất cả những tật xấu khác tôi đều có
Athos trả lời:
– Tôi chưa được biết một ai đáng giá bằng d Artagnan. Nhưng này, đến nơi tôi ở rồi. Bạn cũng vào với tôi chứ, bạn thân mến?
– Ồ! Nhưng hình như đây là quán Sừng Bò, phải không? – D Artagnan hỏi.
– Thú thật với bạn, tôi đã chọn cái quán này một phần vì nó đã thân thuộc với tôi. Tôi thích gặp lại những người quen biết cũ, tôi thích ngồi lại vào cái chỗ mà tôi đã buông mình ngồi trong mệt mỏi và thất vọng, lúc bạn trở về đây vào buổi chiều ngày 31 tháng giêng, sau khi đã tìm ra nơi ở của kẻ đao phủ bịt mặt. Phải, hôm ấy là một ngày thật ghê gớm!
Hai người bạn bước vào gian phòng khi xưa là phòng dành cho khách. Cái quán nói chung, và gian phòng khách nói riêng, đã chịu nhiều thay đổi lớn. Người chủ quán cũ của các chàng lính ngự lâm trở lên khá giàu rồi, ông ta bèn đóng cửa tiệm không làm chủ quán nữa và biến gian phòng mà chúng ta vừa nói thành một cái kho chứa hàng thực phẩm đem từ các xứ thuộc địa về. Phần còn lại của ngôi nhà, ông ta cho các khách ngoại quốc thuê với luôn cả đồ đạc.
Trong lòng vô cùng xúc động. D Artagnan nhận ra những đồ đạc trong căn phòng ở lầu nhất của bạn bè vẫn y như cũ; những vách gỗ, những tấm thảm và ngay cả tấm bản đồ Porthos đã say mê nghiên cứu trong những lúc nhàn rỗi. Ông kêu lên:
– Mười một năm đã trôi qua! Chán quá. Tôi tưởng như cả một thế kỷ đã trôi qua.
Athos nói:
– Và đối với tôi chỉ mới có một ngày. Bạn thân mến, bạn có thấy chăng nỗi vui sướng của tôi được có bạn bên cạnh, siết chặt bàn tay bạn, ném thật xa thanh kiếm và con dao găm của mình và yên tâm cầm trai rượu “kérès” này lên. Ôi! Nỗi vui sướng này sẽ thật trọn vẹn nếu hai người bạn của chúng ta cũng có mặt ở đây, ngồi ở hai góc bàn này, và Roaul, Raoul yêu mến của tôi đang đứng ở thềm cửa nhìn chúng ta với đôi mắt to, thật trong sáng và thật hiền lành!
– Phải, phải, – D Artagnan cảm động nói, – đúng vậy. Tôi tán thành nhất là phần đầu bạn nghĩ, thật là sung sướng khi nghĩ đến lúc mà chúng ta đã rùng mình lo lắng một cách chính đáng, vì e ngại ông Mordaunt có thể xuất hiện thình lình trước cửa.
Đúng lúc đó, cánh cửa mở ra, và d Artagnan dầu rất can đảm, cũng không kềm chế được một cử động nhẹ.
Athos nói:
– Ông chủ nhà của chúng ta. Chắc ông ấy có thư cho tôi.
– Thưa ngài, phải, quả thật có một lá thư đem đến cho ngài.
Athos vừa lơ đễnh cầm lấy thư, nói:
– Cảm ơn ông, này, ông chủ nhà thân mến của tôi, ông không nhận ra ông bạn đây sao?
Ông già ngước lên nhìn d Artagnan chăm chú.
– Không.
– Đây là một trong những người bạn mà tôi đã nói chuyện với ông, và ông ấy đã ở đây với tôi, cách đây mười một năm.
Ông già đáp:
– Ồ! Ở đây thì nhiều khách lắm?
Chúng tôi đã ở đây đúng vào ngày 30 tháng giêng nãm 1649, – Athos nói thêm vì nghĩ rằng chi tiết này có thể kích thích trí nhớ lười biếng của ông chủ nhà.
Ông ta chỉ mỉm cười:
– Có thể lắm, nhưng chuyện đó đã lâu quá rồi!
Ông ta chào và đi ra. D Artagnan nói:
– Cám ơn bạn, dù bạn có làm lên những kỳ công, thực hiện những cuộc cách mạng, có tìm cách khắc tên bạn trên đá hay trên sắt thép với những thanh gươm cứng cáp mạnh mẽ nhất thì vẫn có một cái gì còn cứng hơn, ngoan cố hơn và dễ quên hơn cả sắt thép và đá, đó là cái sọ già cỗi của một người chủ nhà trọ đã trở nên giàu có. Ông ta không nhìn ra tôi! Nhưng tôi, tôi có thể nhận ra được ông ta đấy.
Athos vừa mỉm cười vừa bóc phong thư ra.
– Ái! Thư của Parry.
D Artagnan nói:
– Ồ! ồ! Đọc đi bạn, chắc lá thư có điều gì mới lạ.
Athos lắc đầu và đọc:
“Thưa Bá tước,
Nhà vua rất lấy làm tiếc đã không có Bá tước ở bên cạnh khi Nhà vua tiến vào London trong ngày hôm nay. Nhà vua ra lệnh cho tôi viết lá thư này để nhắc nhở Bá tước nhớ đến ông.
Nhà vua sẽ chờ đợi ngài ngay tối nay, ở lâu đài Saint James, từ chín giờ đến mười một giờ.
Thưa Bá tước, xin ngài hãy nhận nơi đây lời chào rất tôn kính của tôi.
Parry”.
– Bạn thấy đó, d Artagnan thân mến, – Athos nói,
– Chúng ta không nên bi quan về tấm lòng của vua chúa.
D Artagnan trả lời:
– Bạn nói có lý. Tôi sẽ đưa bạn đến tận lâu đài, dĩ nhiên là đến tận cửa, cũng như tôi làm một cuộc dạo mát vậy.
– Bạn sẽ cùng vào với tôi. Tôi muốn nói với Nhà vua.
D Artagnan nói với một vẻ kiêu hãnh thật sự và thẳng thắn:
– Nào? Nào? Còn xấu hơn chính mình đi ăn mày nữa? Người khác ăn mày cho mình. Thôi, đi đi rồi sẽ thấy cuộc dạo mát thật là thú vị. Nhân tiện, tôi muốn chỉ cho bạn thấy ngôi nhà của ông Monck đã cho tôi về ở: một ngôi nhà thật đẹp, tôi nói thật! Làm một ông tướng của nước Anh được nhiều lợi lộc hơn là một ông thống chế ở nước Pháp, bạn có biết không?
Athos để d Artagnan đưa đi, buồn bã trước bề ngoài vui vẻ của ông.
Cả thành phố tràn ngập niềm vui, hai người bạn luôn luôn đụng đầu với những kẻ đầy phấn khởi đến mức cuồng nhiệt yêu cầu hai người cùng la to với họ: “Hoan hô vua Charles!”
D Artagnan đáp lại bằng một tiếng gầm gừ, và Athos thì bằng một nụ cười. Cứ thế, họ đi đến trước ngôi nhà của ông Monck, trên đường đến lâu đài Sanit James, như chúng tôi đã nói.
Trên đường đi, Athos và d Artagnan rất ít nói chuyện với nhau, chính vì họ có quá nhiều điều để nói với nhau. Athos nghĩ rằng, nếu gợi chuyện, ông sẽ có vẻ như chứng tỏ sự vui mừng của mình, điều này có thể làm tổn thương tới d Artagnan. Về phần d Artagnan, ông sợ rằng những lời nói của mình sẽ để lộ ra một vẻ chua chát gây khó chịu cho Athos. Thật là một cuộc đua im lặng kỳ dị giữa sự bằng lòng và sự bực bội: d Artagnan là kẻ đầu tiên phải nhượng bộ sự ngứa ngáy thèm muốn nói chuyện.
Ông nói:
– Athos, bạn có nhớ một đoạn văn trong quyển hồi ký của Đô-bi-nhê (2) trong đó có một kẻ giúp việc trung thành, cũng dân Gascon như tôi, nghèo như tôi, và có thể nói cũng can đảm như tôi, kể lại những chuyện hà tiện của vua Henri IV không? Sao mà tất cả những ông vua thuộc dòng dõi Henri vĩ đại đều giống nhau đến thế!
– Ô! ồ! D Artagnan – Athos nói. – những ông vua của nước Pháp mà hà tiện sao? Bạn thân mến, bạn điên rồi.
– Ồ! Con người hoàn thiện nhắc lại không bao giờ thấy những tật xấu nơi kẻ khác, nhưng sự thật Henri IV là một người hà tiện, Louis XIV, con traỉ của ông ta cũng là một kẻ hà tiện, chúng ta biết chút đỉnh về điều này, phải không? Ganson đã đưa tật xấu này đến một mức độ quá lố, và do đó, về phương diện này, đã làm cho mọi người chung quanh ghét ông, Henri, bà hoàng hậu đáng thương cũng hà tiện: Có những ngày bà đã nhịn ăn và có năm bà không đốt sò sưởi để khỏi tốn củi. Bà đã truyền cái giường này cho con trai của bà, Charles II, cháu của Henri IV, cũng hà tiện như mẹ và ông ngoại. Nào, tôi đã thiết lập đúng gia phả của những kẻ hà tiện chưa? Và tôi còn quên kẻ hà tiện lớn! Người cháu khác của vua Henri IV, vua Louis XIV, chủ cũ của tôi. Ông ta đã hà tiện đến nỗi không cho người anh em Charles của ông ta mượn một triệu đồng! Thôi được! Tôi thấy bạn nổi tức lên rồi. May mắn thay, chúng ta đã đến gần nhà tôi, hay đúng hơn là gần nhà ông Monck của tôi đấy.
– D Artagnan thân mến, bạn không hề làm tôi tức giận, bạn làm cho tôi cảm thấy buồn. Đúng vậy, thật là đau đớn khi thấy một người có giá trị như bạn không đạt được địa vị mà những công trạng của bạn đáng lẽ phải đem đến cho bạn, bạn có lý, một trăm lần có lý.
D Artagnan thở dài, và tiến lên trước dẫn đường cho bạn mình qua chiếc cổng của ngôi nhà tướng Monck ở, giữa khu Trung tâm thành phố. Ông nói:
– Bạn cho phép tôi bỏ lại túi tiền của tôi ở nhà, bởi vì nếu giữa đám đông, có nhưng kẻ cắp tài tình ở London cuỗm mất những đồng écus đáng thương còn lại của tôi thì tôi sẽ không trở về nước Pháp được. Nhưng nếu trước đây tôi vui lòng rời nước Pháp ra đi, thì bây giờ tôi lại cảm thấy sướng điên lên khi được trở về, vì lẽ tất cả những thành kiến từ ngày xưa của tôi đối với nước Anh đã trở lại với tôi, kèm theo nhiều thành kiến mới khác.
Athos làm thinh.
Khi d Artagnan vượt qua khỏi phòng ngoài, một người đàn ông, nửa đầy tớ nửa lính, có nhiệm vụ canh cửa và bảo vệ nhà của tướng Monck, chặn người lính ngự lâm của chúng ta lại và nói với ông bằng tiếng Anh:
– Xin lỗi ngài d Artagnan!
– Sao, chuyện gì nữa đây! Phải chăng Đại tướng cũng đuổi tôi? Tôi chỉ còn thiếu có việc bị ông ta tống cổ ra ngoài thôi!
Những lời này, được nói ra bằng tiếng Pháp, không gây một chút ảnh hưởng nào đối với người lính chỉ nói một thứ tiếng Anh pha lẫn với tiếng Scotland khó nghe nhất.
Người Anh trao cho d Artagnan một lá thư, nói:
– From the General (của Đại tướng gửi đến).
– Tốt lắm, đúng rồi, ông ta đuổi tôi, có nên đọc không, Athos?
Athos nói:
– Chắc bạn lầm rồi, nếu không, tôi chỉ còn biết có mình bạn và tôi là những người đàng hoàng thôi.
D Artagnan nhún vai mở phong thư ra, trong khi người lính Anh, vẫn bình thản, đưa một cái đèn lồng lớn đến gần để soi sáng cho ông đọc.
– Thế nào! Bạn sao vậy – Athos hỏi khi trông thấy vẻ mặt của d Artagnan đổi sắc.
– Này, bạn hãy đọc xem.
– Athos cầm tờ giấy lên:
“Thưa ông d Artagnan,
Nhà vua rất lấy làm tiếc rằng ông đã không đến Saint Paut với đoàn tuỳ tùng. Nhà vua bảo rằng Nhà vua rất nhớ đến ông, cũng như tôi rất nhớ ông, ông chưởng quan thân mến ạ. Chỉ có một cách để chuộc lại tất cả điều đó. Nhà vua chờ tôi lúc chín giờ, tại lâu đài Saint James.
Ông có vui lòng cùng có mặt ở đó một chút với tôi không?
Nhà vua rất quý mến chúng ta ấn định giờ đó để tiếp ông”.
Lá thư do Monck viết.
Chú thích:
(1) Salomon, vị vua trong Kinh thánh, nổi danh là công minh có quyền uy
(2) Đô-bi-nhê, nhà thơ, nhà văn phúng thích, chiến hữu của Henri IV