Trong khi các biến cố đó đã làm chia lìa vĩnh viễn bốn người ngự lâm ngày xưa không bao giờ rời nhau, thì Athos cô đơn sau lúc con ra đi, đã bắt đầu phải trả nợ cho cái chết được báo trước vì lẽ những người thân đã đi xa.
Khi trở về căn nhà ở Blois vắng cả nụ cười héo hắt của Grimaud, mỗi khi bước ra vườn hoa, Athos cảm thấy càng ngày càng suy nhược trong thân xác mạnh mẽ từ lâu tưởng không có gì làm sa sút được.
Trước những đồ vật thân yêu, và với những đau khổ, những sự bối rối lớn dần vì chờ đợi mỏi mòn ông cảm thấy tuổi già đến thật mau. Athos không còn người con ở đây nữa để tập đi cho thẳng, để ngẩng đầu lên, làm gương cho con. Ông không còn thấy đôi mắt sáng của người trẻ tuổi để thấy được cái nhìn rực lửa của mình được nối tiếp, hồi sinh. Con người này vốn bản chất ưa dịu dàng, dè dặt đến mức độ thuần nhã nay vì không có gì để kìm hãm nên tuôn đổ vào nỗi buồn như những con người tầm thường lăn vào sự vui chơi thỏa thích.
Bá tước De La Fère vẫn còn trẻ trung đến năm sáu mươi hai tuổi, con người thừa sức lực chiến đấn dù bao nhiêu cực nhọc – con người vẫn giữ được sự tươi mát của tâm hồn dù gặp nhiều gian khổ, còn giữ được thể xác tinh thần trong sáng dù đã gặp gỡ Mazarin, La Vallière – Athos, con người đó mới tám ngày đã trở thành một ông già khi ông mất sự nương cậy vào tuổi trẻ sau lưng.
Từ lúc Raoul không còn ở đây nữa, ông quên hết những thói quen cứng cỏi học được trong cuộc sống. Những người giúp việc quen thấy ông ngày nào cũng dậy từ sáng sớm, nay phải ngạc nhiên vì đã bảy giờ mà chủ nhân chưa ra khỏi giường.
Athos vẫn nằm đấy, đầu gối trên sách, nằm nhưng không ngủ và không đọc. Nằm chỉ để khỏi nâng tấm thân nặng nề lên, để tinh thần và trí tuệ thoát khỏi xác phàm, bay đến nơi con ông ở hay lên tận trời cao.
Đôi khi người ta sợ hãi thấy cả hàng giờ ông chìm đắm trong cơn mơ mộng, không nói không rằng, như không hề có cảm giác. Ông không còn nghe được cả tiếng chân bước nhẹ của người háu phòng đến dò xem chủ nhân ngủ hay thức. Có khi ông quên bẵng rằng đã nửa ngày trôi qua và hai bữa ăn chưa vào bụng. Khi có người đánh thức, ông ngồi dậy đi xuống con đường buồn thảm rồi quay lại phơi nắng một chút như là để chia xẻ chút hơi ấm với người con vắng mặt. Tiếp theo là cuộc đi dạo âm thầm, không sinh khí cho đến khi ông mệt mỏi trở về căn phòng, chiếc giường, nơi trú ẩn ưa thích.
Nhiều ngày, Bá tước không nói một câu. Ông từ chối tiếp khách và hàng giờ trong đêm, ông thắp đèn lên viết hay lật các giấy tờ. Athos viết thư đến Vannes cho Aramis, đến Fontainebleau mà không thấy hồi âm. Thật dễ hiểu, Aramis đã rời Pháp, d Artagnan thì đi từ Nantes đến Paris rồi từ Paris đến Pierrefonds.
Người hầu phòng nhận thấy mỗi ngày ông đi dạo ít đi mấy vòng. Con đường dương liễu trở nên quá dài đối với đôi chân ngày xưa từng vượt cả ngàn dặm mỗi ngày. Người ta thấy vị Bá tước nặng nề đi vào khóm cây ở giữa đường rồi ngồi trên mớ rong rêu đóng tảng, đợi khi hồi sức hay khi đêm về.
Chẳng mấy lúc, việc đi một trăm bước làm ông kiệt lực, Athos không muốn ngồi dậy nữa. Ông không ăn gì hết và dù ông không phàn nàn – vẫn luôn luôn có nụ cười trên môi, vẫn một giọng dịu dàng – nhưng những người chung quanh vẫn hoảng hốt cho người đi Blois rước người thầy thuốc của cố
Hoàng thân về chỗ Bá tước De La Fère. Người ta dặn ông đừng để Bá tước thấy vì sợ chủ nhân rầy la sao lại đi mời thầy thuốc trong khi ông không bảo.
Vị bác sĩ nhận lời, đứng nấp kín theo dõi dáng dấp của căn bệnh lạ kỳ gặm nhấm từng ngày một đến chết con người ngày xưa đầy sức sống, đầy lòng ham sống đó. Ông chú ý thấy trên gò má của Athos dấu đỏ bừng của cơn sốt chầm chậm, tàn nhẫn, phát sinh từ một góc kín của tâm hồn, nấp sau bức tường thành đó rồi lớn dần từ nỗi niềm đau khổ vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của một hoàn cảnh nguy cấp.
Vị bác sĩ bỏ nhiều giờ để xem cuộc vận động đau thương giữa ý chí với một sức mạnh cao hơn nó. Ông hoảng hốt nhận ra đôi mắt luôn luôn gắn chặt vào một điểm dừng vô hình nào đó.
Ông hoảng hốt thấy nhịp đập đều đều của trái tim không toát ra một tiếng thở dài nào. Đôi khi thấy sự tinh anh nhạy cảm của cơn đau buồn, vị bác sĩ lại nổi lên hy vọng. Ông chờ nửa ngày qua rồi cứng rắn quyết định. Ông vụt rời bỏ chỗ nấp đi thẳng đến chỗ Athos. Thấy Athos không ngạc nhiên chút nào vì sự có mặt của mình, vị bác sĩ dang hai tay ra nói:
– Ngài Bá tước, xin lỗi, tôi phải trách ngài một điều ngài nghe tôi không?
Rồi ông ngồi dưới chân giường Athos. Bá tước thật khó nhọc mới thoát ra được sự trầm tư của mình và nói sau một lúc im lặng:
– Có gì thế, bác sĩ?
– Có chuyện là ngài bị bệnh mà không chịu cho chữa.
Athos mỉm cười:
– Tôi bệnh à?
– Sốt, kiệt sức, yếu người, tàn tạ dần. Bá tước ạ.
Athos trả lời:
– Yếu à? Sao thế được? Tôi không vậy đâu!
– Ồ, ngài Bá tước, chớ gạt tôi! Ngài là người tín đồ thuần thành mà.
– Phải, chắc thế.
– Ngài định tự sát sao?
– Không bao giờ, bác sĩ ạ.
– Thế thì, xin báo rằng ngài đang chết đấy: cứ như thế này là tự tử Ngài Bá tước ơi, hãy chữa bệnh đi!
– Chữa cái gì? Phải cho biết bệnh đã chứ. Tôi thì tôi thấy không có lúc nào bầu trời đẹp hơn lúc này, không lúc nào tôi thấy yêu mến hoa cảnh hơn lúc này.
– Ngài có một nỗi buồn giấu kín.
– Sao lại giấu kín? Bác sĩ ạ, tôi thấy vắng con tôi, nỗi đau tất cả là chỗ đó, tôi có giấu giếm gì đâu?
– Thưa Bá tước, con ngài đang sống, mạnh khỏe và có đủ tương lai trước mắt xứng với con người như thế. Xin ngài hãy sống vì anh ta.
– Nhưng, tôi vẫn sống đấy chứ, bác sĩ? – Rồi ông mỉm cười buồn bã và nói tiếp – Chừng nào Raoul còn sống thì tôi còn sống.
– Ông nói gì thế?
– Chuyện thường đấy thôi bạn ạ. Hiện giờ tôi treo cuộc đời lửng lơ, Bác sĩ không thể bắt cái đèn phải cháy trong khi chưa có lửa châm vào, bác sĩ đừng bảo tôi sống với tiếng động và ánh sáng. Tôi đang sống ngầm, tôi đang đợi đây. Bác sĩ hãy nhớ đến những người lính đã bao lần bác sĩ thấy họ trên các bến cảng chờ lên tàu. Họ nằm dài ra đấy, dửng dưng, nửa ở đây, nửa ở nơi khác, không phải ở nơi họ chờ đưa đi biển mà cũng không ở nơi đất sẽ chôn vùi họ. Hành lý của họ đã sắp sẵn, tinh thần căng thẳng, mắt nhìn đăm đăm, họ cứ ở trạng thái chờ đợi như thế đấy Tôi cũng nằm dài như những người lính đó, lắng nghe mọi tiếng động đưa đến, và sẵn sàng ra đi khi bắt được tiếng kêu gọi đầu tiên. Ai sẽ đưa ra lời kêu gọi ấy? Cái sống hay thần chết? Thượng đế hay Raoul? Hành lý tôi đã chuẩn bị rồi, tinh thần tôi đã sẵn sàng, tôi đang chờ hiệu lệnh. Tôi đang đợi bác sĩ ạ, tôi đang đợi đây.
Vị bác sĩ hiểu rõ sự kiên quyết trong con người này, nên ông suy nghĩ một lúc rồi biết rằng nói lời nào cũng vô ích, thuốc nào cũng không chữa được, ông ra về sau khi bảo các người giúp việc không nên rời Athos một phút nào cả.
Athos không nổi giận cũng không ghét bỏ vì bị quấy rầy.
Ông trở nên ít ngủ. Càng suy tư, Athos càng quên mình thêm một vài giờ trong cơn mơ mộng mỗi lúc một đắm chìm, mỗi lúc một đen tối hơn cả mức độ mà người thường gọi là cơn mê.
Trong chuyến du hành của lý trí đó, Athos như có đến hai cuộc sống. Một đêm kia, ông mơ thấy Raoul đang ở trong một căn lều, sửa soạn đi theo chuyến hành quân do chính ông De Beaufort chỉ huy. Người thanh niên có nét buồn, rất chậm chạp khi mặc bộ áo giáp và đeo gươm. Người cha âu yếm hỏi:
– Có gì đấy, con?
Raoul trả lời:
– Con buồn vì người bạn thân nhất của chúng ta Porthos đã chết rồi. Ở đây, con đau vì nỗi đau của cha ở nơi kia khi phải nghe tin đó.
Rồi bóng ma biến mất khi Athos thiếp đi.
Lúc trời vừa sáng, một người hầu bước vào đưa cho ông một bức thư viết từ Tây Ban Nha, Bá tước thì thầm: “Chữ viết của Aramis”.
Rồi ông đọc. Mới vào dòng dầu, ông đã kêu lên:
– Porthos chết rồi! Ôi Raoul, Raoul, Raoul, con đã giữ lời hứa với ta, con đã báo cho ta biết tin!
Rồi thân mình toát đầy mồ hôi, Athos ngất đi trên giường vì kiệt sức!