D Artagnan bước xuống ngựa trước một cửa hàng ở phố Lombards có bảng hiệu “Đùi gà vàng”. Một người dáng dễ coi mang tấm tạp dề trắng, bàn tay to lớn xoa hàm ria xám, vội vàng kêu lên khi trông thấy con ngựa khoang:
– Ngài hiệp sĩ, a! Đúng ngài rồi!
D Artagnan khom lưng xuống để đi vào cửa hiệu, trả lời:
– Chào Planchet!
Planchet kêu to:
– Nhanh lên, một đứa lo cho con ngựa của ngài d Artagnan, một đứa lo dọn phòng đi, một đứa dọn ăn!
– Cảm ơn Planchet, chào các con. – D Artagnan nói với lũ trẻ đang lăng xăng.
Planchet nói:
– Xin ngài cho phép tôi mang cà phê, mật đường và mứt nho này đi. Cho văn phòng ngài Tổng giám đấy!
– Gởi đi! Gởi đi!
– Chỉ chốc lát thôi, rồi chúng ta sẽ ăn nhẹ.
D Artagnan nói:
– Sắp xếp sao cho chúng ta có bữa riêng một mình, ta có việc muốn nói với anh.
Planchet nhìn ông chủ cũ với đôi mắt dò hỏi.
D Artagnan vội nói:
– Ồ! chẳng có gì đâu, chuyện thú vị đấy.
– Càng hay, càng hay.
Planchet thở hắt ra nhẹ nhõm trong khi d Artagnan giản dị ngồi xuống đống nút chai và quan sát chung quanh. Tiệm đầy hàng, có mùi gừng thơm, mùi quế và mùi bột tiêu nồng gắt mũi d Artagnan.
Bọn trẻ cảm thấy sung sướng được ở gần một người lính danh tiếng, được ở gần một sĩ quan ngự lâm từng sống sát bên mình vua. Chúng hăng hái làm việc như điên và khi được sai việc gì thì hấp tấp làm việc nấy, bất kể, chẳng cần ai hết.
Planchet thu và đếm tiền, thỉnh thoảng lại tỏ vài cử chỉ lễ phép với ông chủ cũ. Đối với khách hàng, Planchet nói cộc lốc và tỏ dáng kẻ cả của một nhà buôn giàu có quen thói phục vụ tất cả mọi người chứ không kiêng gì ai. D Artagnan nhận xét sắc thái ấy mà lòng nảy ra niềm vui sẽ được giải thích sau. Đêm dần dần đến. Cuối cùng Planchet dẫn ông lên căn phòng chứa đầy thùng trên tầng một, có dọn đặt sẵn bữa ăn trên một cái bàn sạch sẽ chờ đợi hai người.
D Artagnan lợi dụng một lúc rảnh để nhìn lại khuôn mặt Planchet xa cách đã một năm nay. Planchet lanh lợi nay đã hơi có bụng, nhưng mặt chưa phì nộn. Tia nhìn vẫn tinh sáng long lanh trong hốc mắt sâu, và chất mỡ thường san bằng tất cả những chỗ lồi trên mặt người, vẫn chưa lấp gò má, – cái dấu hiệu của sự phỉnh phờ, tham lam, chưa lấp cái cằm nhọn, – dấu hiệu của sự tinh thế và kiên nhẫn.
Planchet ngồi chủ toạ bên bàn ăn cũng đĩnh đạc như khi ngồi ngoài cửa hàng. Ông dọn cho chủ một bữa ăn đơn giản, nhưng tất cả đều theo kiểu Paris: Gia cầm rô ti trong lò bánh mì, có dưa cải và đồ tráng miệng lấy ngay trong cửa hiệu.
D Artagnan thích thú khi thấy Planchet rút ra từ sau đống củi một chai rượu vang xứ Anjou mà ông thích nhất trên đời.
Planchet hiền hậu mỉm cười nói:
– Thưa ngài, ngày xưa thì tôi uống rượu nhờ của ngài, bây giờ tôi được hân hạnh mời lại.
– Cám ơn Chúa, bạn Planchet ạ, tôi mong còn uống lâu hơn nữa vì lúc này tôi còn rảnh rang.
– Rảnh? Ngài được nghỉ phép?
– Vô thời hạn?
Planchet sững sờ.
– Ngài được giải ngũ à?
– Ừ ta nghỉ rồi.
– Còn vua thì sao? – Planchet la lên như vậy vì không thể tưởng tượng được Nhà vua lại có thể bỏ qua không dùng một người như d Artagnan.
– Thì ông vua tìm người khác. Nhưng thôi bây giờ chúng ta đã ăn ngon xong, anh đang có hứng, anh muốn ta nói chuyện tâm tình thì được, ngóng lỗ tai lên nghe đi.
– Tôi đang mở ra đây.
Rồi Planchet cười thật thà mà không giấu chút ranh ma, với tay mở nút chai vang trắng.
– Thôi hãy để cho ta tỉnh.
– Ô, khi ngài quên thì…
– Lúc này đầu óc ta còn tỉnh thì ta phải sử dụng hết mức.
Trước hết nói chuyện tài chính đã. Tiền của ta ra làm sao?
– Khá lắm, thưa ngài. Số hai mươi ngàn lúc tôi nhận được của ngài đã đem làm vốn buôn bán, lời được chín phần trăm, chia cho ngài bảy phần, còn thì tôi được nhờ cậy ngài.
– Anh không thắc mắc phải không?
– Được lắm. Ngài có đem thêm cho tôi không?
– Nhiều hơn thế nữa. Nhưng anh có cần không đã?
– Ồ không. Bây giờ ai cũng muốn gởi tiền cho tôi. Tôi đang làm ăn khấm khá.
– Thì đúng với dự định ngày xưa của anh đó.
– Tôi chơi trò nhà băng. Tôi mua hàng của các đồng nghiệp cần bán, tôi ứng tiền cho những người gặp khó khi thu vào.
– Không cắt cổ?
– Ồ, thưa ngài, tuần qua tôi hai lần hẹn ở đại lộ chỉ vì ba chữ mà ngài vừa nói ra đấy?
– Chuyện gì thế?
– Thế này. Chuyện cho mượn người mượn tiền đem thế bằng đường đen, nếu đến kỳ không trả thì tôi được tôi bán. Tôi cho mượn một ngàn louis. Hắn không trả, tôi bán đường được một ngàn ba trăm louis. Hắn hay được và đòi lại ba trăm louis. Tất nhiên tôi từ chối viện lẽ rằng nếu tôi bán chỉ có chín trăm louis thì sao?
Hắn bảo là tôi cho vay cắt cổ. Tôi mời hắn lập lại lời này ở chỗ dịch sâu vào phía trong đường cái. Tay này là dân vệ binh cũ nên hắn nhận lời liền và tôi lấy kiếm của ngài cho hắn một mũi xuyên qua đùi trái!
D Artagnan kêu lên:
– Úi? Cái nhà băng gì lạ vậy?
Planchet trả lời:
– Hễ cứ trên mười ba phần trăm là tôi phải đánh nhau, tính tôi là thế.
D Artagnan nói:
– Thôi cứ lấy mười hai phần trăm đi, một phần trăm còn lại để dành cho lãi suất và môi giới.
– Thưa ngài, đúng đấy. Còn công việc làm ăn của ngài ra sao?
– Ồ! Planchet, chuyện dài lắm và cũng hơi khó nói.
D Artagnan gãi cằm như một người đang lúng túng vừa muốn thổ lộ vừa muốn giữ kín chuyện mình.
Planchet hỏi:
– Chuyện đầu tư à?
– Ờ đúng.
– Có sinh lời khá không?
– Khá lắm, bốn trăm phần trăm, Planchet ạ.
– Planchet đập mạnh xuống bàn làm cái chai nảy lên như cũng phải sợ hãi.
– Có thực không?
D Artagnan lạnh lùng nói:
– Hình như là còn hơn, mà ta chỉ muốn nói bớt đi.
Planchet xích lại gần:
– Lạ thế nhưng thưa ngài, tuyệt đấy! Có cần phải nhiều tiền lắm không?
– Mỗi người hai chục ngàn louis, Planchet ạ.
– Đó là cả số tiền ngài có. Phải đưa trong bao lâu?
– Một tháng thôi.
– Và như thế thì sẽ sinh ra – Năm chục ngàn louis mỗi phần. Cứ tính đi thì biết.
– Thật phi thường. Chuyện này thì phải đánh nhau ra trò mới được.
D Artagnan vẫn điềm tĩnh nói:
– Thì ta cũng biết là phải có đánh khá lắm, nhưng Planchet ạ, lần này thì tuy có cả hai chúng ta, nhưng để ta chịu đòn một mình thôi.
– Thưa ngài, tôi chịu được.
– Không được đâu Planchet ơi, anh không thể rời công việc buôn bán này được.
– Mối hàng không ở Paris sao?
– Ở Anh.
– Xứ của đầu cơ, đúng rồi. Tôi biết nó lắm. Nếu không cho là tôi tò mò thì ngài cho biết là công việc gì thế?
– Phục hồi, Planchet ạ.
– Đền đài cung điện?
– Vâng, chúng ta phục hồi điện White Hall.
– Thật là quan trọng. Mà một tháng có xong không?
– Chuyện đó có ta lo.
– Đó là chuyện của ngài. Cứ mỗi lần ngài nhúng tay vào thì…
– Đúng của ta, ta biết rõ lắm. Nhưng ta muốn hỏi ý kiến anh.
– Rất hân hạnh. Có điều tôi không biết nhiều về kiến trúc.
– Planchet anh lầm rồi, anh là một kiến trúc sư đại tài, về chuyện này thì anh cũng giỏi như ta vậy.
– Cảm ơn.
– Phải thú nhận là ta định bàn với các ngài kia, nhưng họ đi vắng hết. Đáng tiếc quá, ta chẳng biết ai can đảm và lanh lẹ hơn họ cả.
– Úi dà! Chắc là phải có tranh giành mới được.
– Ừ, Planchet nói đúng đấy.
– Thưa ngài, tôi nóng muốn biết chi tiết quá chừng.
– Thế này, Planchet ạ. Anh đi đóng cửa lớn lại và mở cửa sổ ra, tiếng động của người đi ngoài đường và của xe cộ sẽ che lấp tiếng của chúng ta và không ai nghe thấy được hết.
Planchet nghe lời lại mở cửa sổ. Cả loạt tiếng la hét, tiếng xe cộ, chó sủa, tiếng bước chân xô ùa vào phòng làm điếc tai d Artagnan theo ý ông muốn.
Thế rồi ông nốc một ly vang trắng và bắt đầu.
– Planchet, ta có ý kiến này.
Người chủ tiệm tạp hoá hồi hộp xúc động.
– Ô! Thưa ngài, tôi biết ý kiến của ngài thế nào cũng rất là hay rồi.
Sau một lúc im lặng để suy nghĩ lại không phải một ý mà toàn bộ ý nghĩ. D Artagnan lên tiếng:
– Anh bạn Planchet thân mến ạ, chắc anh có nghe nói về ông hoàng nước Anh, Charles I, phải không?
– Than ôi, có nhớ đấy, vì chính ngài đã rời nước Pháp để đi cứu ông vua đó mà không dược, suýt nữa còn bị vạ lây.
– Đúng thế, anh Planchet có trí nhớ tốt lắm.
– Mà! Thưa ngài. Trí nhớ tôi dù kém cỏi đến đâu cũng phải giữ lại. Mất nó thì mới là chuyện tai hại đấy! Khi nghe anh chàng Grimaud vốn ít nói mà kể chuyện cái đầu ông vua Charles rơi xuống như thế nào, chuyện ngài đây phải đi suốt cả nửa đêm trong một chuyến xe tồi tàn như thế nào và rồi thấy cái thây gã Mordaunt(1) khả ái nổi lên thế nào với lưỡi dao găm cán vàng còn ngập vào ngực, nghe kể những chuyện như thế thì không thể nào quên được cả.
– Thế mà có những kẻ đã quên đấy Planchet ạ!
– Vâng, đó là những kẻ không chứng kiến câu chuyện hay không được nghe Grimaud kể chuyện.
– Ồ thây kệ họ, miễn anh đã nhớ là được. Ta chỉ cần nhắc nhở anh một điều: đó là, vua Charles có một người con trai.
Planchet nói:
– Có tới hai người kia! Tôi đã thấy người thứ hai ở Paris, thấy ngài hầu tước York hôm ông ấy đi đến Paris – Royal và người ta đã cam quyết với tôi rằng đó là người con thứ hai của Charles I. Còn người con trưởng thì tôi chỉ biết tên mà không được hân hạnh biết mặt.
– Planchet đúng, ta đang nói về chuyện người ấy đó. Đúng là người con trưởng đó, xưa gọi là Hoàng thái tử Galles(2), nay là Charles II, vua nước Anh.
– Vua không ngai, thưa ngài. – Planchet trả lời nghiêm chỉnh.
– Đúng đấy Planchet ạ. Và anh có thể nói thêm là ông hoàng đó khốn khổ, khốn khổ còn hơn một người dân lăn lộn trong các vùng tồi tàn nhất của Paris này.
Planchet tỏ vẻ thương cảm theo lỗi thông thường như người ta vẫn bày tỏ đối với những người lạ tưởng không bao giờ có thể gặp lại được. Với lại, anh ta không thấy trong các câu chuyện chính trị xen tình cảm này có chút gì là dính dấp đến vấn đề buôn bán của d Artagnan trong lúc đầu óc của anh lại đang tập trung hết vào đó. D Artagnan vốn quen biết việc và hiểu người, nên hiểu rõ Planchet. Ông nói:
– Chuyện tới rồi đây. Ông hoàng xứ Gallas ấy, ông vua không ngai đúng như người ta gọi, là người ta lưu tâm đấy, Planchet. Ta thấy ông ta cầu khẩn tên hợm hĩnh Mazarin, xin ông vua Louis trẻ con cứu giúp. Con người ấy, theo ta hiểu qua đôi mắt thông minh của một ông vua bị hạ bệ, trong cái dáng cao quý vượt lên tất cả mọi sự khốn cùng, rõ ra một con người có lòng và thật đáng vì vua.
Planchet lặng lẽ đồng ý: mấy chuyện này cũng chẳng có chuyện gì làm sáng tỏ ý định của d Artagnan. Ông tiếp:
– Đây là lý lẽ của ta, Planchet hãy nghe cho rõ, chúng ta sắp đến hồi kết cuộc rồi đó.
– Tôi nghe kỹ đây.
– Vua chúa trên trái đất này không lúc nhúc như là dân chúng đâu. Thế mà ông vua mất ngai này, ta thấy đúng là một hạt cây chờ nảy mầm nở hoa vào một mùa nào đó miễn là có một bàn tay khéo léo, cẩn thận và mạnh bạo biết đem gieo vào đất, đúng chỗ đúng lúc.
Planchet luôn luôn gật đầu, chứng tỏ rằng anh ta vẫn không hiểu gì hết.
– Tội nghiệp cho cái hạt giống sẽ lên làm vua đó! Ta tự nghĩ và ta đau buồn thực sự, cho nên Planchet ạ, ta nghĩ rằng ta đã dính líu vào một chuyện bơ vơ nên mới phải hỏi ý kiến anh, anh bạn ạ.
Planchet đỏ mặt vì sung sướng hãnh diện.
– Tội nghiệp cho cái hạt giống sẽ làm vua đó! Ta sẽ nhặt nó lên và sẽ kiếm đất tốt gieo xuống.
– Chúa ơi? – Planchet vừa nói vừa nhìn đăm đăm vào người chủ cũ, không biết ông ta có mất trí không.
D Artagnan hỏi:
– Này? Chuyện gì mất lòng anh đó?
– Không có chuyện gì đâu, thưa ngài.
– Anh vừa nói “Chúa ơi” đó mà!
– Ngài nghĩ thế à?
– Chắc lắm. Anh đã hiểu rồi chứ?
– Thưa ngài d Artagnan, phải nhận là tôi sợ.
– Sợ hiểu?
– Vâng.
– Hiểu rằng ra sẽ đem ông hoàng Charles không ngai nên bệ rồng? Đúng chứ?
Planchet từ trên ghế nhảy dựng lên, hốt hoảng la lớn:
– À! à! Thế là cái mà gọi là “phục hồi” đấy ư? Thì đúng nhưng ngài suy nghĩ kỹ rồi chăng?
– Nghĩ cái gì?
– Nghĩ phía bên kia?
– Có cái gì ở đó, Planchet?
– Trước hết xin lỗi ngài đã xem vào câu chuyện này. Nó chẳng phải là việc của tôi nhưng tại vì ngài bàn bạc với tôi. Bàn bạc chuyện làm ăn phải không ạ?
– Khá lắm, Planchet.
– Ngài bàn chuyện làm ăn thì tôi phải tranh luận.
– Cứ tranh luận đi – cãi cho ra lẽ mà!
– Thế thì, vì ngài cho phép, tôi có ý kiến là ở bên kia còn có quốc hội là chuyện đầu tiên.
– Thế rồi sao?
– Và quân đội nữa.
– Còn nhà nước.
– Hết chưa?
– Nhà nước đó đã đồng ý lật đổ và giết ông vua cũ, cha người kia, và họ sẽ không muốn cải chính lại điều đó.
D Artagnan nói:
– Anh bạn Planchet ạ, anh lý luận một chiều thôi. Nhà nước đó bây giờ đang chán mấy ngài mang tên ngoại quốc mọi rợ và hát những bài thánh ca. Tôi thấy nếu ca để mà ca thì Nhà nước muốn có những câu cà chía hơn là bài hát trơn. Anh hãy nhớ lại cuộc nổi loạn Fronde, thời ấy người ta cũng “ca” lắm đấy chứ! Thế mà, thời thịnh vượng đó?
– Chớ nói, chớ nói nữa, lúc ấy tôi suýt bị treo cổ đấy.
– Và anh đã bắt đầu sự nghiệp giữa mấy bài ca đó.
– Đúng thế.
– Còn gì nữa không?
– Thôi. Tôi trở lại vấn đề quân đội và nghị viện.
– Ta đã nói rằng ta mượn hai chục ngàn louis của ông Planchet và thêm hai chục ngàn louis của ta nữa là thành lập một đạo quân.
Planchet chắp hai tay lại. Anh ta thấy d Artagnan nói chuyện quan trọng quá, nên tin chắc rằng ông chủ đúng là điên rồi. Anh ráng cười cho thật hấp dẫn để khỏi làm cho lão điên này bị kích thích, nổi cơn giận lên:
– Cả một đạo quân! Đạo quân. Đông không?
– Bốn mươi người, – D Artagnan nói.
– Bốn mươi chống bốn mươi ngàn, chưa đủ đâu. Một mình ngài bằng cả ngàn người, đúng vậy. Nhưng tìm đâu ra chín người nữa như ngài? Còn nếu tìm ra thì tiền đâu để trả cho họ?
– Khá lắm, Planchet ạ. Mẹ kiếp! Anh lại nịnh ta rồi.
– Thưa ngài, không, tôi nói điều tôi nghĩ thôi. Tôi nghĩ là lần đầu dàn quân bốn mươi người của ngài, tôi chỉ sợ…
Anh chàng Gascon cười:
– Ta không dàn quân đâu. Thời xa xưa, chúng ta có những chuyện hay về việc rút lui và tiến quân khéo léo nhằm tránh địch hơn là chạm trán với chúng. Planchet, anh phải biết điều đó, anh đã từng điều khiển người Paris ngày mà họ chống lại bọn ngự lâm quân và đã từng tấn công và rút lui hay tới lỗi anh không rời được quảng trường Royale đấy mà.
Planchet cũng cười, trả lời:
– Thực ra nếu bốn mươi của ngài lẩn lút giỏi, không vụng về lắm thì khỏi thua là cái chắc, nhưng rồi kết quả sẽ ra sao?
– Nhất định phải có. Theo ý ta thì cách thức đem Charles II lên ngôi tức khắc là thế này.
Planchet hết sức chú ý, la lên:
– Tốt, xem thử cách đó ra sao. Nhưng hình như chúng ta đã quên một điều.
– Gì thế?
– Chúng ta đã gạt sang một bên hệ thống nhà nước ưa hát lảm nhảm hơn là tấu thánh ca; bỏ đi quân đội chúng ta không thèm đánh, thế còn Quốc hội, cái thứ không hát hò gì đó cả thì sao?
– Thứ này cũng chẳng đánh đấm gì hết. Tại sao một người như anh, thông minh như thế, lại bận tâm với cả đám la ó gọi nhau là bọn phao câu, bọn xương cụt đó? Quốc hội chẳng làm ta bận tâm chút nào, Planchet ạ.
Nếu họ không làm ngài bận tâm thì cho qua đi.
– Ừ, bây giờ thì nói đến kết quả. Anh nhớ tới Cromwell không? Tay này chiến đấu cừ đấy.
– Còn là tay ăn nhậu ra trò.
– Thế nghĩa là gì?
– Chỉ một thoáng ông ta đã nuốt cả nước Anh.
– Planchet nghĩ xem, nếu ngay bữa sau lúc Cromwell nuốt nước Anh có người nuốt Cromwell thì sao?
– Ô, thưa ngài. Đó là nguyên lý toán học đầu tiên cái chứa phải lớn hơn vật bị chứa.
– Tốt lắm! Đó là công việc của chúng ta phải làm đấy, Planchet ạ.
– Nhưng ông Cromwell đã chết mất rồi và bây giờ chỉ còn cái nấm mồ là vật chứa ông ta thôi.
– Planchet thân mến ơi, ta khoái là thấy anh không những đã trở thành nhà toán học mà còn là triết gia nữa đấy.
– Thưa ngài, trong khi bán tạp hoá, tôi dùng giấy in bọc giấy hàng nên học hỏi được nhiều điều.
– Hoan hô! Anh học được toán, triết lý rồi thì chắc cũng phải có một ít sử. Vậy thì anh biết sau lưng anh chàng Cromwell tài ba như thế là một anh chàng tầm thường, kém cỏi chứ gì?
– Vâng, hắn tên là Richard và hắn cũng làm như ngài, ngài d Artagnan ạ, nghĩa là hắn đã từ chức rồi.
– Đúng, rất đúng. Sau khi người hùng chết đi, người hèn từ chức thì phải có một người thứ ba. Hắn tên là Monck. Đó là một viên tướng rất khéo cư xử, có nghĩa là hắn chẳng bao giờ đánh đấm gì cả. Đó là một tay ngoại giao giỏi vì chẳng bao giờ há miệng ra; nếu buổi sáng phải nói lời chào đón một người thì hắn suy nghĩ đúng mười hai giờ đồng hồ để vừa kịp chúc người ta lên giường thôi. Có trời mà cứu, với điều kiện là trời cũng phải xuống đúng lúc mới kịp.
– Đúng đấy, hắn giỏi thật. Nhưng tôi biết cũng có một chính khách cũng rất giống như người này.
– Ngài De Mazarin phải không?
– Đích thị.
– Planchet anh có lý đấy. Nhưng có điều khác là ngài De Mazarin không thèm ngôi vua nước Pháp và như vậy thì khác hẳn. Thế là anh chàng Monck nọ, vốn có cả nước Anh rô ti sẵn trên bàn và chỉ có việc há miệng lùa vào, anh chàng Monck ấy đã nói với những người của phe Charles II và cả chính Charles II rằng: “Nescio vos”
Planchet vội nói:
– Tôi không biết tiếng Anh.
– Ta biết. Nescio vos nghĩa là: tôi không biết ông. Anh chàng Monck đó, tay quan trọng của nước Anh đó, khi hắn nuốt nước Anh xong rồi.
– Thì sao? – Planchet hỏi.
– Thì, anh bạn ạ, thì ta qua bên ấy, đem bốn mươi người, bắt cóc hắn, mang về Pháp cho hai phe đối diện nhau dưới cặp mắt khoái trá của ta.
Planchet lấy làm thích thú kêu lên:
– Cả của tôi nữa. Chúng ta sẽ nhốt hắn vào lồng, đem trưng bày cho công chúng xem để lấy tiền vào cửa.
– Ô! Planchet, đó là phe thứ ba ta chưa nghĩ tới mà anh đã tìm ra rồi.
– Dự định của ta ra sao?
– Thứ nhất, ta bắt chuộc.
– Bao nhiêu?
– Chúa ơi! Tay sừng sỏ như thế thì phải đến một trăm ngàn louis.
– Hay?
– Hay tốt hơn là ta đem đưa cho vua Charles. Ông này chẳng còn sợ viên tư lệnh nào hết, chẳng còn có nhà ngoại giao nào để lừa lọc hết thì tự lên ngôi và khi leo lên ngai vàng xong, ông ta sẽ trả cho ta trăm ngàn louis đó. Ý kiến của ta là thế, Planchet xem có được không?
– Thưa ngài, ý tưởng thật tuyệt vời. Nhưng…
– Ôi, còn nhưng gì nữa?
– Xin lỗi. Nhưng điều này giống như chuyện cái da con gấu đẹp mà ngài đã biết, muốn bán da gấu cần phải bắt được gấu đã. Còn muốn bắt ngài Monck thì phải ẩu đả.
– Nhất định rồi, ta mang cả đạo quân đi.
– Đúng, đúng, tôi biết đi bắt cóc. Ô! Thế là ngài thắng vì chẳng ai hơn ngài về việc này cả.
D Artagnan nói, hơi nhũn nhặn để giấu lòng tự kiêu:
– Đúng là về việc này ta đã thành công nhiều. Anh hiểu là nếu ta có mấy ông bạn: Athos thân mến. Porthos gan dạ và Aramis láu lỉnh thì chuyện dễ thôi. Nhưng họ đã mất hút, biết tìm họ ở phương trời nào? Thôi thì đành làm một mình vậy. Nào, anh thấy đầu tư trong vụ kinh doanh này có lời không?
– Lời quá đi mất!
– Sao?
– Cái gì quá thì cũng không thể nào xảy ra.
– Nhất định xảy ra, chứng cớ là ta đã nhúng tay vào, Planchet ạ.
Planchet kêu lên:
– Thưa ngài, khi tôi nghĩ là chuyện dự tính vĩ đại như thế mà bàn bạc giữa mấy thùng đường, giữa mấy quả ô mai, mấy khúc quế ở đây thì chắc cái cửa hiệu tôi là một toà lâu đài mất thôi!
– Coi chừng! Đề phòng kỹ, Planchet ạ. Chuyện này mà lộ ra thì cả hai cùng vào ngục Bastille nằm đấy, vì đây là một âm mưu phản loạn. Ngài Monck là đồng minh với ngài De Mazarin. Coi chừng đấy.
– Thưa ngài, khi người ta có hân hạnh thuộc về ngài thì không sợ gì hết và khi có ai chia xẻ lợi lộc với ngài thì người đó phải biết nín thinh.
– Tốt lắm, cho rằng tám ngày nữa ta đã ở Anh thì phải coi đó là công việc kinh doanh của anh hơn là của ta đấy.
– Đi đi ngài đi ngay càng sớm càng tốt.
– Sao, tiền bạc sẵn chưa?
– Ngày mai sẽ có. Ngày mai chính tôi sẽ đưa cho ngài. Ngài muốn lấy vàng hay bạc?
– Vàng tiện nhất. Nhưng ta tính với nhau làm sao đây?
– Ồ, giản dị lắm? Ngài cho tôi một biên nhận, hết.
D Artagnan phản đối:
– Không được, không được. Cái gì cũng phải theo quy tắc, luật lệ.
– Thì tôi cũng nghĩ như vậy. Nhưng với ngài d Artagnan.
– Nếu như ta chết ở bên kia, nếu ta bị một phát đạn tử thương, nếu ta uống bia đến vỡ bụng, thì sao?
– Thưa ngài, ngài hãy tin rằng lúc đó tôi tiếc thương ngài đến độ không nghĩ gì đến tiền bạc nữa cả.
– Cảm ơn Planchet. Nhưng chuyện này không ngăn chúng ta làm việc liếp. Chúng ta làm như hai tay thư ký của người nhận uỷ nhiệm, chúng ta cùng làm một chứng từ tạm, gọi là giấy hợp đồng làm ăn.
– Đồng ý.
Planchet đi tìm cây viết, mực và giấy đem lại d Artagnan viết:
“Một bên là ngài d Artagnan, cựu sĩ quan ngự lâm quân, hiện nay ở đưòng Tiquetonne, khách sạn “Dê cái con”.
Một bên là ông Planchet, bán tạp lloá, ở đường Lombard, bảng hiệu Đùi gà vàng.
Hai bên thoả thuận như sau:
– Một tổ hợp có vốn bốn mươi ngàn louis được thành lập để khai thác một ý kiến của ngài d Artagnan đề ra.
Ông Planchet được biết rõ ý kiến này và đồng ý mọi điềm, sẽ góp vào hai mươi ngàn louis cho ngài d Artagnan.
– Ông sẽ không đòi hỏi hoàn vốn lại, hay đòi tiền lời gì cả trước khi ngài d Artagnan đi Anh trở về.
Về phía mình, ngài d Artagnan cĩng sẽ góp hai mươi ngàn louis chung với hai mươi ngàn louis của ông Planchet.
Ngài d Artagnan tạm quyền sử dụng số tiền bốn mươi ngàn louis ấy theo lý do ghi sau đây.
Ngày nào ngài d Artagnan lập được ngôi vua cho ông hoàng Charles II ở nước Anh, thì sẽ giao tận tay ông Planchet một số tiền lớn là…”.
D Artagnan hơi ngừng tay, Planchet chất phác vội vã đọc.
– Số tiền một trăm năm mươi ngàn louis.
– Khốn khổ thay! Không được, chia đôi không được.
Planchet phản đối yếu ớt:
– Nhưng chúng ta mỗi người góp một nửa mà.
– Đúng, nhưng anh Planchet thân mến ơi, hãy nghe các điều khoản và nếu anh thấy điểm nào không đúng thì cứ xoá bỏ.
Và d Artagnan viết:
“Nhưng vì ngài d Artagnan ngoài số vốn hai mươi ngàn louis còn góp vào đó thì giờ ý kiến, sự khéo léo và cả thân xác là những thứ ngài đánh giá cao, nhất là thứ sau cùng này, nên ngài d Artagnan sẽ lấy hai trăm ngàn louis trên tổng số ba trăm ngàn louis, nghĩa là lấy hai phần ba”.
– Đúng lắm, Planchet nói.
– Một trăm ngàn louis là đủ cho anh bằng lòng phải không?
– Mẹ kiếp! Tốt! Trăm ngàn louis từ hai mươi ngàn louis mà! Nhưng nên nhớ là chỉ trong một tháng đấy!
– Sao? Một tháng sao?
– Đúng ta chỉ cần trong một tháng.
Planchet ra vẻ hào hiệp:
– Thưa ngài, tôi cho ngài sáu tuần để hành động.
Người lính ngự lâm lịch sự nói:
– Cám ơn!
Rồi cả hai lý vào giấy, d Artagnan nói:
– Theo cách này thì ta không sợ ai hết.
– Nhưng tôi thì sợ ngài, – Planchet nói.
– Không, Planchet à, dù có muốn giữ gìn đến mấy đi nữa ta cũng có thể chết mất xác ở bên kia và anh thì trắng tay. À! Thật khổ chuyện này khiến ta phải nghĩ đến một điều khoản chính, không thể thiếu được, để ta ghi tiếp:
“Trong trường hợp ngài d Artagnan bị chết coi như đã thanh toán xong nợ và ngay từ bây giờ ông Planchet giữ sổ số tiền hai mươi ngàn đã góp vào tổ hợp này”.
Planchet nhíu mày khi đọc điều khoản cuối cùng này.
Nhưng khi nhìn thấy người hợp tác mắt long lanh, tay nổi thịt bắp, xương sống dẻo dai và vững chắc, thì ông lấy lại can đảm và quệt một nét ký nhận ngay điều khoản này. D Artagnan cũng làm được như vậy. Rồi Planchet, trút chai rượu vang Anjou vào ly d Artagnan.
– Bây giờ thì thôi, thầy đi ngủ đi.
D Artagnan trả lời:
– Không được đâu, chuyện khó nhất còn chưa làm thì chưa ngủ được.
– Ồ tôi tin tưởng ở ngài lắm, đến nỗi tôi có thể đưa một trăm ngàn louis mà chỉ đòi về chín chục ngàn thôi.
– Thôi, thây kệ! Anh có lý đấy.
Nói xong, d Artagnan cầm cây đèn, bước lên phòng và đặt lưng xuống ngủ ngay.
Chú thích:
(1) Mordount, con trai của Milady, nhân vật ở tập “Hai mươi năm sau”, bị nhóm ngự lâm quân giết
(2) Hoàng thái tử nước Anh thường được phong là ông hoàng xứ Galles