Hai ngày sau những biến cố chúng tôi vừa kể trên, và trong khi từng giờ từng phút ở đại bản doanh người ta chờ đợi Đại tướng Monck trở về thì một chiếc thuyền nhỏ của Hoà Lan, gồm có mười thủy thủ, đến bỏ neo ngoài bờ biển Schevenigen, cách đất liền khoảng một tầm đại bác. Lúc đó đang giữa đêm và nước thủy triều dâng lên trong bóng tối dày đặc – đây là lúc tốt nhất để đưa hành khách và hàng hoá lên đất liền.
Vịnh Scheveningen làm thành một vòng cung rộng lớn, nó không sâu lắm, và nhất là không được an toàn mấy cho nên người ta chỉ thấy có những chiếc thuyền Flamand và các thuyền Hoà Lan được thủy thủ kéo lên bờ trên các cây lăn – như ngày xưa Virgile đã nói. Khi nước triều lên, đổ dồn vào đất liền, tàu bè không dám đi sát vào bờ, vì dễ bị sa lầy rất khó kéo ra.
Có lẽ vì lý do này mà chiếc xuồng tách ra ngay khi thuyền bỏ neo, và tiến vào bờ với tám thuỷ thủ, ở giữa họ người ta nhận thấý một vật hình thuôn đài như một thùng lớn hay một thứ bành hàng.
Bờ biển vắng vẻ không một bóng người, vài ngư dân nhà ở trên cồn cát đã yên giấc. Người lính canh duy nhất gác bờ biển (một bờ biển không được canh gác kỹ lắm, vì lẽ tàu lớn không thể vào được nơi đây), tuy không thể hoàn toàn noi gương những ngư dân để lên giường nằm, nhưng cũng bắt chước họ đánh một giấc ngay trong chòi canh, cũng ngon lành như những kẻ ngủ trên giường. Vì thế tiếng động duy nhất người ta có thể nghe được là tiếng rít của từng cơn gió đêm lạnh lẽo qua những đám cỏ hoang mọc trên đồi cát. Nhưng những kẻ đang tiến vào bờ hẳn là những con người đầy nghi kỵ, vì cảnh im lặng thật sự và cái vẻ hoang vắng này không hề làm họ yên tâm chút nào; do đó chiếc xuồng của họ, trông chỉ như một điểm đen trên đại dương, lướt sóng không một tiếng động- họ tránh không dùng mái chèo và cặp sát vào đất liền ở nơi gần nhất.
Vừa nghe đáy xuồng chạm đất, một người nhảy ra sau khi đã cho một hiệụ lệnh ngắn ngọn, chứng tỏ ông ta thường quen chỉ huy. Tuân theo lệnh này, nhiều người mang những khẩu sung “mút” lấp lánh dưới ánh sáng yếu ớt của mặt biển phản chiếu lên và cẩn thận khiêng lên bờ cái vật hình thuôn dài đã nói mà trong đó chắc đựng thứ hàng lậu gì. Tiếp đó người đã phóng lên bờ trước nhất kia, liền chạy xéo về phía làng Scheveningen, tiến đến chỗ khu rừng nhô ra xa nhất. Đến nơi, ông ta tìm ngôi nhà mà đã một lần chúng ta thoáng thấy sau lùm cây và đã được giới thiệu như là một nơi tạm trú, một chỗ ở rất khiêm tốn của kẻ được người ta lịch sự gọi là “Vua nước Anh”.
Tất cả đều đang yên ngủ cũng như ở những nơi khác, ngoại trừ một con chó lớn – thuộc giống chó mà các ngư dân làng Scheveningen thường dùng để kéo những chiếc xe chở cá của họ đến La Haye – con chó sủa lên dữ dội ngay lúc nó nghe thấy tiếng những bước chân của người lạ mặt vang lên trước các cửa sổ Nhưng những tiếng sủa báo động này thay vì làm cho người mới đến sợ hãi thì trái lại có vẻ làm cho ông ta vui mừng, vì chúng có thể thay tiếng gọi vô hiệu của ông để đánh thức những người ở trong nhà. Vì thế người lạ mặt chờ đợi cho đến khi những tiếng sủa vang rền và kéo dài của con chó đủ để gây hiệu quả, lúc đó ông ta mới cất tiếng gọi. Nghe tiếng ông, con chó càng sủa mạnh hơn. Liền đó bên trong nhà có tiếng người bảo con chó im. Rồi khi nó đã ngưng sủa thì có một giọng yếu ớt khàn khàn và lễ phép đưa ra:
– Ông muốn hỏi ai?
– Tôi muốn gặp Hoàng đế Charles Đệ nhị. – người lạ mặt đáp.
– Để làm gì?
Tôi muốn nói chuyện với ông ấy.
– Ông là ai?
– Ồ! Chán quá, ông hỏi quá nhiều, tôi không thích nói chuyện qua cánh cửa.
– Ông chỉ cần cho tôi biết tên ông là được rồi.
– Tôi cũng không thích xưng tên của mình ngay ngoài đường, hơn nữa, xin ông yên tâm, tôi sẽ không ăn thịt con chó của ông đâu, và tôi cũng cầu nguyện Chúa cho nó đừng ăn thịt tôi.
Người bên trong hỏi tiếp bằng một giọng kiên nhẫn và tò mò, như giọng của một ông già:
– Có lẽ ông mang tin tức đến?
– Tôi mang đến những tin tức rất bất ngờ? Tôi xin trả lời là tôi mang tin tức đến và tin thật bất ngờ nữa. Này, mở cửa đi chứ?
Người già lên tiếng tiếp:
– Thưa ông, ông có thật tin rằng những tin tức đó đáng để đánh thức Nhà vua dậy không?
– Chúa ơi! Ông bạn thân mến của tôi. Hãy kéo then cài cửa ra, tôi bảo đảm rằng ông sẽ không phải hối tiếc đâu. Tôi không phải là kẻ tầm thường, đây là lời nói danh dự của tôi?
– Thưa ông, dầu vậy tôi cũng không mở cửa nếu ông không xưng tên ra.
– Điều này cần lắm sao?
– Đó là lệnh của chủ tôi, thưa ông.
– Thế thì, đây là tên của tôi nhưng tôi xin báo trước rằng tên của tôi sẽ chẳng cho ông biết thêm được điều gì hết.
– Mặc kệ cứ nói đi.
– Được! Tôi là hiệp sĩ d Artagnan.
Ông già ở bên cánh cửa kêu lên:
– Ôi! Chúa ơi, ông D Arlagnan! Còn sung sướng nào bằng! Nãy giờ, tôi vẫn tự bảo rằng giọng nói của ông sao nghe quen thuộc quá.
– Lạ! Người ta biết cả giọng nói của tôi ở đây! Thật hân hạnh quá.
– Ô vâng! Chúng tôi biết chứ, – ông già vừa nói vừa rút then cài cửa ra.
– Và bằng chứng là đây.
D Artagnan bước vào, và trong ánh sáng của chiếc đèn lồng trên tay ông già, ông nhận ra ngay kẻ đối thoại cứng đầu của mình. Ông kêu lên:
– Chúa ơi! Parry đây mà? Đáng lẽ tôi phải biết chứ!
– Vâng, Parry đây, ông d Artagnan thân mến, chính tôi đây! Được gặp lại ông, thật mừng quá!
D Artagnan siết chặt tay ông già:
– Ông đã nói rất đúng: thật mừng quá! Ông sẽ báo cho Nhà vua hay chứ!
– Nhưng thưa ông thân mến, Nhà vua đang ngủ.
– Chán quá! Đánh thức ông ấy dậy, tôi bảo đảm với ông là Nhà vua sẽ không rầy ông đâu.
– Ông bá tước bảo ông đến đây, phải không?
– Bá tước nào?
– Bá tước De La Fère.
– Athos? Không, tôi đến đây là tự ý tôi. Nào, Parry, đánh thức Nhà vua nhanh lên! Tôi cần gặp Nhà vua?
Parry nghĩ không phải chần chừ lâu hơn nữa, ông ta đã biết d Artagnan từ lâu, ông biết, mặc dầu là dân Gascon, ông này không bao giờ hứa quá những gì có thể làm được. Ông băng qua một cái sân và một khu vườn nhỏ, xoa dịu con chó cứ muốn xông vào cắn người hiệp sĩ, rồi đến gõ cửa căn phòng trệt của một biệt thự nhỏ.
Liền đó một con chó nhỏ trong phòng cất tiếng sủa phụ hoạ với con chó lớn ở ngoài sân.
D Artagnan tự nhủ: “Vì vua tội nghiệp! Cận vệ của ông chỉ có bấy nhiêu đó; sự thật là ông đã được chúng bảo vệ rất sốt sắng.
– Có chuyện gì vậy? – ông hoàng hỏi từ cuối căn phòng.
– Thưa ngài, có hiệp sĩ d Artagnan đem tin tức đến.
Liền đó, có tiếng động trong căn phòng, một cánh cửa mở ra và ánh đèn sáng khắp dẫy hành lang cùng khu vườn.
Ông hoàng đang làm việc dưới ánh sáng đèn. Những giấy tờ để rải rác trên bàn giấy, và ông đang thảo một lá thơ. Rất nhiều chữ bị gạch bỏ chứng tỏ ông đã bỏ công rất nhiều khi viết.
Ông quay mặt ra nói:
– Xin mời hiệp sĩ vào. – Rồi trông thấy người ngư dân, ông hỏi, – Parry, anh nói hiệp sĩ d Artagnan ở đâu?
D Artagnan đáp:
– Thưa Hoàng thượng, ông ta đang ở trước mặt ngài đây.
– Ăn mặc thế này à?
– Vâng. Xin Hoàng thượng hãy nhìn tôi: Hoàng thượng không nhận ra tôi là kẻ mà Hoàng thượng đã trông thấy ở Blois, trong phòng ngoài của vua Louis XIV sao?
– Thưa ông có chứ, và tôi cũng còn nhớ đã khen ngợi ông rất nhiều.
D Artagnan nghiêng mình rất lịch sự:
– Đó chỉ là bổn phận của tôi khi biết là công việc có dính dáng đến Hoàng thượng.
– Ông nói là ông đem tin tức đến cho tôi, phải không?
– Thưa Hoàng thượng, phải.
– Chắc là của vua nước Pháp?
D Artagnan đáp:
– Ồ! Thưa Hoàng thượng không, chắc Hoàng thượng cũng đã nhận thấy vua nước Pháp chỉ nghĩ đến mình ông ấy thôi.
Charles II ngước nhìn trời. D Artagnan nói tiếp:
– Không, thưa Hoàng thượng, không. Tôi đem đến những tin tức, sự kiện của cá nhân. Tuy nhiên tôi mong rằng Hoàng thượng sẽ chịu nghe những sự kiện và tin tức này với ít nhiều hảo ý.
Xin ông cứ nói.
– Thưa Hoàng thượng, nếu tôi không lầm thì lúc ở Blois, Hoàng thượng đã nói đến những khó khăn của Hoàng thượng về vấn đề nước Anh.
Charles II đỏ mặt, ông nói:
– Thưa ông, tôi chỉ kể điều đó với một mình vua nước Pháp thôi.
Người ngự lâm lạnh lùng nói:
– Ô! Hoàng thượng hiểu lầm rồi, tôi biết cách nói chuyện với vua chúa khi họ gặp khốn cùng; còn họ, chỉ khi nào bị rơi vào cảnh hoạn nạn họ mới nói chuyện với tôi, và khi được sung sướng rồi, họ không nhìn đến tôi nữa. Vì vậy, tôi với Hoàng thượng bây giờ không những tôi chỉ biểu lộ sự tôn kính lớn nhất mà còn sự tận tâm tuyệt đối nữa, và Hoàng thượng cứ tin tưởng theo tôi, điều này mang một ý nghĩa không phải nhỏ. Và khi nghe Hoàng thượng là một người cao quý, rộng lượng và đang giỏi chịu đựng khốn khổ đấy.
Charles II ngạc nhiên nói:
– Tôi thật không biết nên thích sự tôn kính của ông hay những lời nhận xét quá táo bạo của ông.
D Artagnan nói:
– Lát nữa Hoàng thượng sẽ lựa chọn. Lúc đó Hoàng thượng than thở với người anh em Louis XIV của mình về những khó khăn của Hoàng thượng khi muốn trở về nước Anh để lấy lại ngôi vua mà không có quân đội hay tiền bạc gì cả.
Charles II không kềm chế được một cử chỉ nóng nảy.
D Artagnan nói tiếp:
– Và chướng ngại chính ngăn chặn con đường Hoàng thượng là một viên tướng nào đó chỉ huy các đạo quân của Nghị viện và đóng vai trò của một Cromwell ở tại đó. Có phải Hoàng thượng đã nói như thế không?
– Phải, nhưng tôi xin lặp lại với ông lần nữa rằng những lời đó chỉ giành cho một mình Nhà vua thôỉ.
– Rồi Hoàng thượng sẽ thấy là một điều may mắn khi những lời đó đã rơi vào tai của viên phó quan ngự lâm quân Pháp. Con người gây nhiều khó khăn cho Hoàng thượng đó là Đại tướng Monck; phải đúng là tên của ông ấy không, thưa Hoàng thượng?
– Phải, nhưng xin nhắc lại một lần nữa, là hỏi như thế có ích gì không?
– Ồ! Thưa. Hoàng thượng tôi biết rằng lễ nghi không cho phép đặt những câu hỏi với vua chúa. Tôi hy vọng lát nữa Hoàng thượng sẽ tha thứ cho tôi về tội vô lễ này. Hoàng thượng đã nói thêm với vua nước Pháp rằng nếu Hoàng thượng có thể gặp được viên tướng ấy và thảo luận mặt đối mặt với ông ta, thì Hoàng thượng có thể thắng được ông ta hoặc bàng sức mạnh hoặc bằng sự thuyết phục, thắng được chướng ngại thật sự, duy nhất quan trọng, duy nhất khó vượt qua trên con đường của ngài.
– Thưa ông, tất cả những điều đó đều đã là sự thật; số phận của tôi, tương lai của tôi tối tăm hay rực rỡ, đều tuỳ thuộc vào con người đó. Nhưng ông muốn đưa câu chuyện đến đâu?
Đến một điều duy nhất: nếu Đạị tướng Monck là trở ngại lớn lao cho Hoàng thượng như thế thì phương cách hay nhất là trừ khử ông ta hoặc biến ông ta thành một đồng minh.
– Thưa ông, một ông vua không quân đội cũng không tiền bạc, như ông đã biết cuộc nói chuyện với người anh em của tôi, thì không thể làm được gì một người như Monck hết.
– Thưa Hoàng thượng, đúng đó là ý kiến của Hoàng thượng nhưng thật may mắn cho Hoàng thượng, nó không phải là ý kiến của tôi.
– Sao? Ông nói sao?
– Tôi nói rằng, không cần quân đội và bạc triệu, tôi, chính tôi đã làm được điều mà Hoàng thượng tưởng chỉ có thể làm với quân đội và bạc triệu trong tay.
– Sao? Ông nói gì? Ông đã làm gì thế?
– Tôi đã làm gì à? Thế này, thưa Hoàng thượng tôi đã qua bên kia bắt con người ấy gây khó chịu cho Hoàng thượng đó.
– Ông đã sang Anh bắt Monck?
– Tôi có làm điều gì sai quấy không?
– Ông đã bắt được Monck?
– Thưa Hoàng thượng vâng.
– Ở đâu vậy?
Ngay tại trại quân của ông ấy, ở Newcastle, và tôi mang ông ấy đến đây cho Hoàng thượng, – D Artagnan đáp một cách giản dị.
– Ông mang hắn đến đây xem! – ông hoàng kêu lên hơi bất bình, vì ông tưởng đây là chuyện bịp thôi?
D Artagnan trả lời giọng vẫn bình thường:
– Thưa Hoàng thượng, phải. Tôi sẽ mang đến ngay, ông ấy đang ở ngoài kia trong một cái thùng lớn có khoét lỗ để thở.
– Chúa ơi!
Hoàng thượng cứ yên tâm? Chúng tôi đã săn sóc ông ấy thật chu đáo, Hoàng thượng muốn gặp ông ấy để nói chuyện hay thích ném ông ấy xuống biển?
– Ôl! Chúa ơi! – Charles II lặp lại. – Ôi! Chúa ơi! Thưa ông, ông nói thật đấy chứ? Ông không nói đùa để làm nhục tôi đấy chứ? Ông đã có thể làm được một việc tài tình và táo bạo chưa từng thấy như vậy sao? Không thể được!
D Artagnan nói:
– Hoàng thượng cho phép tôi mở cánh cửa sổ ra nhé?
Nhà vua chưa kịp nói một tiếng, “ừ”, thì d Artagnan đã thổi hồi còi kéo dài lanh lảnh, và liên tiếp ba lần trong đêm tối vắng lặng.
– Xong rồi! – ông nói, người ta sẽ đem ông ấy đến cho Hoàng thượng.