Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Cái Chết Của Ba Người Lính Ngự Lâm

Chương 37: Cál mâm bạc

Tác giả: Alexandre Dumas
Chọn tập

Chuyến đi thật êm đềm. Athos và người con di chuyển suốt nước Pháp mỗi ngày khoảng mười lăm dặm, có khi hơn, tuỳ lúc nỗi buồn của Raoul tăng lên.

Mười lăm ngày sau họ đến Toulon và hoàn toàn mất dấu d Artagnan ở Antibes. Hình như người chưởng quan ngự lâm muốn giữ kín hành tung trong chuyến đi. Vì Athos nhận ra được tin riêng chắc chắn là người ky sĩ từ Avignon đã thay ngựa bằng một chiếc xe bịt bùng.

Raout thất vọng vì không gặp được d Artagnan; trong trái tim mềm yếu của chàng có nỗi hối tiếc không được giã từ và được trái tim thép kia an ủi vài lời. Athos theo kinh nghiệm biết rằng d Artagnan trở nên khó tìm, khó hiểu một khi ông ta bận một việc quan trọng, hoặc là cho riêng mình, hoặc là do phục vụ Nhà vua.

Ông cũng sợ làm mất lòng bạn và làm hại bạn nếu cứ dò la bạn kỹ quá. Tuy nhiên, khi Raoul bắt đầu việc sắp xếp đoàn quân và tập hợp sà lan, xuồng đưa đi Toulon thì có một người đánh cá cho chàng biết rằng một chiếc tàu của người ấy đang nằm ụ sửa chữa sau một chuyến đi chở một nhà quý tộc có vẻ vội lắm.

Athos vặn hỏi chi tiết vì nghĩ rằng người ấy nói dối để khỏi bị điều động và sẽ đi đánh cá kiếm được nhiều tiền trong lúc các bạn đồng nghiệp phải theo đoàn quân.

Người đánh cá cho ông biết rằng cách đây mười ngày, một người đến thuê tàu ông ta vào lúc đêm tối để đi đến đảo Saint Honorta. Giá cả định xong, nhưng nhà quý tộc lại muốn đưa cả cái thùng xe lên tàu, thật là khó thực hiện.

Người chủ tàu hầm hè muốn hủy hợp đồng; nhưng lãnh được một số hèo quất thật mạnh và thật lâu. Người đánh cá lầu bầu đi kiện phường hội Antiibes để phân xử. Nhưng nhà quý tộc đã đưa ra một tấm giấy không biết ghi gì mà phường hội cúi chào sát đất và mắng người đánh cá là cứng đầu cứng cổ và bắt phải tuân lệnh. Thế là ông ta phải ra đi chở theo cỗ xe. Athos hỏi:

– Nhưng chuyện như thế thì cũng chưa cho biết làm sao tàu anh bị chìm.

– Thế này. Tôi giương buồm tới St. Honorta như nhà quý tộc bảo, nhưng rồi ông ta lại đổi ý và cho rằng tôi không thể đi qua phía nam tu viện được.

– Tại sao không?

– Thưa ngài tại vì trước mặt ngôi tháp vuông của dòng Bénédictin ở mũi phía nam có dải thầy tu.

– Dải đá ngầm phải không?

– Ở sát dưới mặt nước, là một lối đi nguy hiểm. Nhưng tôi đi qua đấy cả hàng trăm lần rồi. Nhà quý tộc bảo tôi phe cho ông ta ở Sainte Marguerite.

– Rồi sao nữa?

Người đánh cá kêu lên với giọng của người miền Nam:

– Thì sao nữa, thưa ngài. Phải rành rẽ, phải là dân đi biển hay là không thế thôi, làm dân biển thì biết lối đi qua đó chỉ là một lạch nước ngọt thôi. Tôi cứ cho tàu qua. Nhà quý tộc nắm lấy cổ tôi và thản nhiên nói rằng ông ta sẽ bóp tôi đến chết. Tôi và người phụ tá mỗi người chụp lấy vũ khí của mình quyết trừng trị mối nhục hồi đêm. Nhưng nhà quý tộc đã rút gươm ra, vung thật lẹ khiến chúng tôi không thể nào tới gần được. Tôi suýt ném cái búa vào đầu ông ta vì tôi có quyền như thế phải không thưa ngài. Vì một tay đi biển trên tàu là chủ cũng như người trưởng giả trong nhà của ông ta vậy. Tôi suýt cắt đôi người ông ta như thế thực, để tự vệ. Thì thình lình, ngài tin hay không tuỳ ý, chiếc thùng xe chẳng hiểu sao bỗng mở tung và nhảy ra là một thứ ma quỷ đầu mang nón sắt đen, mặt nạ đen, một thứ gì ghê gớm giơ nắm tay lên đe doạ chúng tôi.

Athos nói:

– Ai thế?

– Thưa ngài đó là con quỷ. Và nhà quý tộc thấy nó thì vui vẻ la lên – Cảm ơn Đức ông.

Vị bá tước nhìn Raoul lẩm bẩm: “Lạ thật!”

Raoul hỏi lại người đánh cá:

– Rồi các anh làm sao nữa?

Ngài cũng hiểu, hai thằng chúng tôi đánh với hai nhà quý tộc thì chẳng nghĩa lý gì huống hồ là đánh với con quỷ sứ? Đúng vậy, chẳng cần hỏi ý kiến nhau gì hết, cả hai chúng tôi chỉ có một việc nhảy thật lẹ xuống biển vì chúng tôi chỉ cách bờ có sáu bẩy trăm bộ mà thôi.

– Thế rồi sao nữa?

– Thưa ngài, rồi vì có gió thổi từ hướng tây nam nên chiếc tàu cứ tiếp tục đi và tấp vào bãi cát ở đảo Sainte Marguerite.

– Ô! Còn hai người khách?

– Thôi, ngài đừng có lo! Mà đây cũng chứng tỏ một tên là quỷ đã che chở cho người kia: Khi chúng tôi bơi đến bên tàu, cứ tưởng hai người đó nát như tương vì vụ va chạm thì chẳng thấy ai cả, cả chiếc xe cũng không thấy.

Vị Bá tước lặp đi lặp lại:

– Lạ thật! Rồi sau đó anh làm gì?

Ông toàn quyền Sainte Marguerite nghe tôi kiện thì chỉ mũi tôi nói rằng nếu tôi còn đến lảm nhảm những chuyện như thế thì tôi tha hồ ăn ít cái đạp.

– Ông toàn quyền?

– Thưa ngài, vâng. Vậy mà chiếc tàu của tôi lại vỡ, đúng là vỡ, mũi nó ghếch lên trên mỏm đảo Sainte Marguerite và ông thợ mộc đòi tiền sửa chữa tới một trăm hai mươi louis.

Raoul nói:

– Được rồi. Tàu anh được miễn trưng dụng.

– Anh muốn chúng ta tới Sainte Marguerite không? – Athos hỏi Bragelonne.

– Thưa ngài, vâng, có vài điểm phải làm sáng tỏ ở đó và hình như người đánh cá không nói hết sự thực cho ta biết.

– Cha cũng thấy vậy, Raoul ạ. Chuyện nhà quý tộc mang mặt nạ và chiếc xe biến mất khiến ta nghĩ rằng người đánh cá đã bịa ra để che giấu chuyện hắn ta làm bậy giữa biển, trả thù người khách đã bắt ép hắn chở đi.

– Con cũng nghĩ như vậy và không biết chừng chiếc xe còn chứa thứ gì có giá trị hơn là người nữa đấy.

– Rồi chúng ta sẽ thấy, Raoul ạ.

Nhà quý tộc ấy gần như chắc là d Artagnan. Ta nhận ra cung cách hành động của ông ấy. Than ôi! Chúng ta không còn là những người trẻ tuổi không thể chiến bại ngày xưa nữa? Biết đâu cái búa hay thanh gỗ của tên lái tàu dọc biển xấu xa đó lại làm được công việc mà những mũi kiếm tinh anh nhất của châu Âu chưa từng làm được trong bốn mươi năm qua!

Ngay ngày hôm đó họ đi Marguerite trên một chiếc tàu gọi từ Toulon tới.

Khi đến đảo, họ thấy nỗi vui sướng kỳ lạ. Đảo đầy hoa trái. Phần đất có trồng trọt làm thành vườn của ông toàn quyền.

Những cây cam, cây lựu trĩu những trái màu vàng hay xanh lơ.

Quanh vườn, nơi phần đất không trồng trọt, những con chim đa đa đỏ chạy từng bầy giữa các lùm gai, bụi cây đỗ tùng. Mỗi bước chân của Raoul và vị Bá tước cất lên thì có những con thỏ sợ hãi chạy từ trong các bụi cây kinh giới, thạch thảo để trở về hang.

Hòn đảo hạnh phúc này không có xóm làng gì hết. Đảo bằng phẳng, chỉ có một lõm để tàu các tay buôn lậu được ông chúa đảo che chở và chia của, đến đây ẩn núp tạm, miễn là không giết thú rừng và phá cây ăn trái thôi. Nhờ sự dàn xếp ấy nên viên toàn quyền chỉ cần tám người để giữ an toàn toà thành của ông đang có mười hai khẩu súng thần công rỉ sét. Viên toàn quyền này trở thành một chủ trại sung sướng, chỉ lo thu hoạch nho, cam, và phơi chanh, bưởi trên các lô cốt chói nắng.

Tòa thành có một đường hào sâu bao quanh là kẻ gác cổng duy nhất, có ba tháp trồi lên như ba cái đầu và nối nhau bằng các sân thượng đầy rong rêu.

Athos và Raoul đi dọc theo hàng rào một hồi lâu mà không thấy ai dẫn vào, liền đi thẳng vào vườn. Lúc này là lúc nóng nhất trong ngày. Bầu trời trải rộng tấm màn lửa ra như muốn bóp nghẹt mọi tiếng động, muốn ôm trùm hết sự sống.

Những con đa đa đứng dưới cây kim tước, ong, ruồi núp dưới lá, tất cả cũng như sóng biển đều ngủ thiêm thiếp dưới bầu trời.

Athos chỉ thấy một người lính đội một cái thúng đi trên sân thượng, giữa tháp thứ hai và tháp thứ ba. Một lúc sau người đó trở lại không có thúng rồi biến mất trong bóng tối của điếm canh. Athos hiểu là anh ta mang bữa ăn cho ai đó rồi sau khi xong việc lại trở về ăn một mình.

Thình lình ông nghe có tiếng gọi nên ngửng đầu lên, thấy nơi những hàng song cửa sổ có vật gì chói sáng như là một vũ khí phản chiếu ánh mặt trời. Và khi ông chưa kịp hiểu chuyện gì đã xảy ra, thì một làn sáng kèm theo một tiếng huýt sáo trong gió khiến ông lưu ý nhìn từ toà tháp canh xuống đến đất.

Một tiếng động khô khan từ dưới hào khiến Raoul chạy đến nhặt lên một cái mâm bạc vừa lăn ra đến chỗ cát khô. Bàn tay vừa ném cái mâm đó ra dấu chào hai nhà quý tộc rồi biến đi.

Athos và Raoul châu đầu vào nhau, quan sát cái mâm dính đầy bụi đất và thấy ở dưới có hàng chữ gạch bằng dao:

“Tôi là em vua nước Pháp, ngày hôm qua là tù nhân, ngày mai sẽ thành người điên. Hỡi những nhà quý tộc nước Pháp và tín đồ Cơ Đốc hãy cầu nguyện cho linh hồn và lý trí người con của chủ các người!”

Athos buông rời cái mâm trong khi Raoul tìm cách hiểu sâu ý nghĩa của những dòng chữ sâu thảm này. Cùng lúc ấy, một tiếng la từ trên tháp cao đưa xuống. Nhanh như chớp, Raoul cúi đầu xuống và ép cha mình làm theo. Một nòng súng tay vừa lấp loáng trên đầu tường. Một làn khói trắng vụt ra nơi đầu nòng súng và một mũi dao bắn xuống hòn đá cách hai nhà quý tộc sáu bộ. Một khẩu súng tay khác hiện ra nữa và chúc xuống. Athos kêu lên;

– Này! ở đây là chỗ ám sát người phải không. Xuống đây mấy thằng hèn!

– Ê! Xuống đây!- Raoul tức giận đưa nắm tay lên phía lâu đài. Một trong hai người tấn công – người bắn phát súng vừa rồi – thốt lên một tiếng vì ngạc nhiên, rồi khi thấy người bạn tiếp tục cầm khẩu súng đã nạp đạn nhằm xuống, liền hất súng đi, khiến viên đạn bay vèo vào khoảng không. Athos và Raoul thấy họ biến đi, nghĩ rằng họ sắp xuống đến nơi nên bình tĩnh đứng chờ.

Chưa đầy năm phút sau có tiếng trống gọi tám người lính của toán đồn trú tập trung ở bên kia bào thành, súng ống đầy đủ. Đứng đầu toán quân này là một sĩ quan mà Tử tước De Bragelonne nhận ra là người bắn phát súng đầu tiên. Người này ra lệnh cho lính sửa soạn vũ khí. Raoul la lên:

– Chúng ta sắp bị xử bắn rồi. Rút gươm ra nhảy qua hào? Thế nào mỗi một chúng ta cũng giết được một tên vô lại này trước khi chúng bắn hết đạn!

Và khi Raoul cùng Athos sắp phóng mình đi thì một giọng nói quen thuộc vang lên sau lưng họ:

– Athos! Raoul!

– D Artagnan! – Hai nhà quý tộc kêu lên.

– Hạ súng xuống! chán quá! – Người chưởng quan gọi đám lính – Ta biết mà!

Đám pháo thủ cất súng đi. Anh hỏi:

– Chuyện gì xảy ra cho chúng tôi thế? Sao? Bắn mà không báo trước à?

D Artagnan trả lời:

– Chính tôi sắp bắn vào các bạn. Ông toàn quyền bắn hụt chớ tôi thì không đâu! May có điều là tôi quen nhắm rất lâu trước khi bóp cò hơn là bắn hú hoạ nên tôi thấy dáng quen quen của các bạn. Ôi thật may thay!

D Artagnan giơ tay chùi trán vì ông ta đã chạy thật mau, và xúc động chứng tỏ ông không nói dối. Vị Bá tước nói:

– Sao? Người bắn chúng tôi là viên toàn quyền ở thành này.

– Đích thị.

– Thế tại sao ông ta lại bắn chúng tôi. Chúng tôi làm gì nên tội?

– Phải tội rồi? Các bạn đã nhận vật của người tù ném xuống.

– Đúng đấy!

– Cái mâm đó… Người tù có viết gì trên đó phải không?

– Đúng.

– Tôi đã nghi mà! Ôi!

Rồi d Artagnan với vẻ lo sợ đến chết, chụp lấy cái mâm đọc hàng chữ trên đó. Khi đọc xong, mặt mày ông tái xanh:

– Ôi, Chúa ơi! Im đi! Ông toàn quyền đến kìa!

– Bây giờ phải làm sao đây? Đâu phải lỗi chúng tôi! – Athos hạ giọng.

– Đúng vậy không? Có đúng vậy không?

– Im đi! Tôi đã bảo im đi mà? Nếu họ tin rằng bạn biết đọc bạn hiểu chuyện này, thì thà tôi chết thế cho các bạn còn hơn… nhưng mà…

– Mà sao? – Athos và Raoul cùng hỏi.

– Nếu tôi cứu các bạn khỏi chết thì cũng không cứu được các bạn ở tù suốt đời đâu. Im đi! Đừng nói gì hết.

Viên toàn quyền bước qua chiếc cầu ván bắc trên hào hỏi d Artagnan:

– Sao, ông bắt được ai đấy?

D Artagnan nói nhỏ:

– Các bạn là dân Tây Ban Nha, các bạn không hiểu một tiếng Pháp nào hết.

Rồi ông nói với viên toàn quyền:

– Tôi nói đúng rồi, đây là hai người sĩ quan Tây Ban Nha tôi quen ở Ypre năm ngoái. Họ không biết một tiếng Pháp nào.

– Ồ! – Viên toàn quyền thận trọng nói.

Rồi ông ta đưa tay với cái mâm để đọc mấy hàng chữ.

D Artagnan gạt tay ông ra và lấy đầu mũi gươm xoá các dòng chữ đi. Viên toàn quyền kêu lên:

– Ông làm gì thế? Tôi không có quyền đọc à?

D Artagnan trả lời thật rạch ròi:

– Đây là bí mật quốc gia. Ông biết, có lệnh Hoàng thượng xử tử những ai biết bí mật đó, nên nếu ông muốn thì cứ đọc và chịu xử bắn tức khắc ngay sau đó.

Trong khi d Artagnan nói những lời nửa nghiêm túc, nửa đùa cợt đó thì Athos và Raoul vẫn bình tĩnh đứng yên.

Viên toàn quyền nói:

– Nhưng mà các ông này chắc gì đã không biết một chữ.

– Bỏ qua đi! Dù họ nghe hiểu được một vài tiếng, họ cũng không đọc được những gì người ta viết đâu. Họ cũng không đọc được tiếng Tây Ban Nha nữa mà! Ông nên nhớ rằng một nhà quý tộc Tây Ban Nha không nên biết đọc.

Viên toàn quyền đành phải bằng lòng với lối giải thích này nhưng ông vẫn còn giữ riêng ý mình. Ông nói:

– Xin ông mời các ông này vào thành.

D Artagnan trả lời:

– Tôi cũng có ý định ấy. Tôi vừa định nói với ông xong.

Thực ra người chưởng quan có ý định khác và cho rằng thà các bạn ông ở cách đây trăm dặm còn hơn. Nhưng ông không thể làm sao được. Ông nói vài câu Tây Ban Nha với hai nhà quý tộc rồi ta thấy họ nhận lời.

Mọi người đi qua cổng chính vào đồn. Chuyện xảy ra xong rồi, tám người lại quay trở về sự rảnh rỗi êm đềm sau một lúc rối rắm bất ngờ.

Chọn tập
Bình luận