Fouquet cho ngựa chạy suốt đường mà trong lòng thì xáo trộn, kinh khiếp vì những điều mà ông ta vừa biết được. Ông nghĩ: “Những con người kỳ diệu kia, còn trẻ trung đến mức độ nào, mà với tuổi gần về chiều lại còn nghĩ ra những mưu đồ như thê và thực hiện lại không chút nhăn mày nào?”
Có lúc, ông tự hỏi có phải những điều Aramis nói ra chỉ là trong giấc mơ không và có phải ông ta, ông Fouquet, một khi đi ngục Bastille lại nhận được một lệnh bắt giam để đi luôn vào một chỗ với ông vua mất ngôi kia. Suy nghĩ như thế nên trong lúc người ta thắng ngựa, ông viết một số lệnh để đóng dấu trên đường đi. Các lệnh này gởi cho d Artagnan và một số tướng lãnh tin cẩn. Fouquet lại tự nhủ: “Theo cách này thì dù bị nhốt hay không ta cũng đã làm xong việc mà danh dự bắt buộc phải làm. Các lệnh này chỉ đến nơi nhận sau khi ta tự do trở về, do đó sẽ không được mở ra, – ta sẽ thu hồi chúng. Còn nếu ta về trễ thì là gặp nạn và sẽ có người cứu ta và cứu Nhà vua”.
Tất cả những gì không bao giờ xảy ra ở ngục Bastille với Aramis lại xảy ra với Fouquet. Ông Fouquet xưng tên, vô ích, ông gọi người nhận diện, vô ích, không bao giờ ông được cho vào. Bằng cách tận lực dụ dỗ, đe doạ, ra lệnh, ông được người lính canh chịu báo một sĩ quan cấp thấp để người này đi báo sĩ quan trực ban. Còn ông chủ ngục thì không ai dám với tới.
Fouquet ngồi trong xe đậu trước toà thành, nôn nóng chờ người sĩ quan cấp thấp trở lại với vẻ mặt cau có.
Fouquet vội vã hỏi:
– Sao, ông sĩ quan trực ban nói sao?
– Ồ thưa ông, ông sĩ quan trực ban cười nhạo tôi. Ông ta nói rằng ngài Fouquet đang ở Vaux, và cho dù là ở Paris đi nữa, giờ này ngài Fouquet cũng chưa dậy đâu.
– Chán thật, các người là một lũ ngốc! – Viên đại thần kêu lên và nhào ra khỏi xe.
Và người sĩ quan cấp thấp chưa kịp đóng cửa lại, thì Fouquet vụt len vào chạy thẳng tới trước, mặc cho anh ta la ó kêu báo. Người sĩ quan chạy kịp tới kêu gọi người lính ở cửa thứ hai: “Lính gác! Lính gác! Chặn lại!”
Người lính chĩa mũi giáo về phía ông tổng giám nhưng ông này vốn to lớn và lanh lẹ, lại thêm lúc tức giận nên chụp lấy cây giáo trong tay người lính gác và chà thật mạnh trên vai hắn ta. Người sĩ quan vì đứng quá gần nên cũng được lãnh phần. Cả hai tức giận la lên khiến cho cả toán canh ở phần thành ngoài đổ xô tới Trong nhóm này có một người biết mặt ông tổng giám nên la lên:
– Đức ông! Ồ! Đức ông? Các bạn ngừng tay lại!
Các người lính đang muốn trả thù cho bạn phải ngừng lại.
Fouquet ra lệnh mở cổng. Họ bảo không có lệnh.
Ông bảo họ đi báo ông chủ ngục, nhưng ông này nghe báo về chuyện ồn ào ngoài cổng nên đã cùng một toán lính canh hai mươi người chạy tới, theo sau có người sĩ quan trực ban, trong bụng đinh ninh là có cuộc tấn công ngục Bastille. Baisemeuax cũng nhận ra Fouquet nên chúc mũi gươm đang cầm lăm lăm xuống. Ông lắp bắp:
– Ồ thưa Đức ông, xin lỗi bội phần.
Ông tổng giám mặt đỏ vì nắng nóng và đầy mồ hôi, trả lời:
– Tôi có lời khen ông. Cơ quan này hoạt động thật tuyệt?
Baisemeuax xám mặt, cứ tưởng những lời này là mỉa mai, báo hiệu cho cơn giận khác nổi lên. Những Fouquet đã lấy lại nhịp thở, ngoắc gọi người lính gác và người sĩ quan cấp thấp lúc này đang xoa vai. Ông nói:
– Thưởng hai mươi pistole cho người gác, năm mươi cho sĩ quan. Tôi có lời khen ngợi các ông. Để tôi sẽ thưa lại chuyện này với Hoàng thượng. Và bây giờ là chuyện giữa hai chúng ta, ông Baisemeuax ạ.
Ông đi theo ông chủ ngục vào giữa những tiếng xì xào tán thưởng. Baisemeuax, thấy run lên vì lo lắng. Chuyến viếng thăm buổi sớm của Aramis hình như đến lúc này đã có những hậu quả mà một viên chức hoảng hốt lên cũng là phải. Còn phải hoảng hốt lên nữa là khi Fouquet nói với giọng cộc lốc trong lúc nét mặt nghiêm nghị:
– Buổi sáng này ông có tiếp ông De Heblay phải không?
– Thưa Đức ông, phải.
– Thế thì ông không thấy ghê tởm vì tội ác mà ông là tòng phạm ư?
– Tội ác nào, thưa Đức ông?
– Ông nên biết đi, có chuyện làm ông tái mặt đấy. Nhưng thôi bây giờ không phải là lúc khích động nữa. Hãy đưa tôi đến chỗ người tù ngay đi.
– Người tù nào ạ? – Baisemeuax run lên, nói.
– Ông giả bộ không biết cũng được? Ông chỉ có thể làm như thế thôi. Vì nếu ông thú nhận tòng phạm thì tiêu đời ông rồi, bây giờ tôi cũng tin là ông không biết thật.
– Xin Đức ông.
– Được rồi. Dẫn tôi đến chỗ người tù đi.
– Đến chỗ Marchiali à?
– Cái gì mà Marchiali?
– Đó là người tù ông D Herblay mang đến sáng nay.
– Hắn tên là Marchiali à? – ông tổng giám hỏi mà trong lòng thấy hoang mang vì sự bình tĩnh ngây thơ của Baisemeuax.
– Thưa Đức ông, vâng. Đó là tên ghi trong sổ ở đây.
– Đó là tên của người tù mà ông D Herblay mang đi hôm qua phải không?
– Thưa Đức ông, phải.
– Và ông ta đã mang trả lại sáng nay phải không?
Fouquet vội vã hỏi tiếp vì hiểu ngay ra cách thức tráo đổi của Aramis.
– Đúng như vậy, thưa Đức ông.
– Và bây giờ hắn tên là Marchiali.
– Marchiali. Nếu Đức ông đến đây để mang hắn đi thì càng hay. Vì tôi sắp phải viết báo cáo nữa về hắn đây.
– Hắn làm gì thế?
– Từ sáng hôm nay, hắn không bằng lòng tôi đến cực độ. Hắn nổi cơn điên đến mức tưởng chừng như cả ngục Bastille phải sụp đổ vì hắn đấy.
Fouquet nói:
– Để tôi loại hắn dùm cho ông.
– Ô! Càng hay.
– Ông dẫn tôi tới chỗ giam hắn đi.
– Xin Đức ông cho lệnh.
– Lệnh gì?
– Lệnh của Hoàng thượng.
– Đợi tôi viết lệnh cho.
– Thưa Đức ông, không đủ đâu, phải lệnh của Hoàng thượng mới được.
Fouquet tức giận, nói:
– Ông có vẻ thận trọng quá mức khi đưa người tù ra vậy thì ông hãy cho tôi xem lệnh thả người vừa rồi đâu?
Baisemeuax đưa ra tờ lệnh thả Seldor. Fouquet nói:
– Ô đây là Seldon, không phải là Marchiali.
– Nhưng Marchiali đâu có được thả? Hắn còn đây mà!
– Ông vừa mới nói là ông D Herblay mang hắn đi rồi mang hắn trở lại trả mà!
– Tôi đâu có nói?
– Ông có nói rõ ràng, bây giờ tôi còn nghe mà!
– Chắc là tôi nói lộn đấy.
– Coi chừng đấy, ông De Baisemeuax ạ.
– Thưa Đức ông, tôi không có gì phải sợ hết, tôi làm đúng nguyên tắc mà.
– Ông dám nói thế ư?
– Ông D Herblay mang đến đây một tờ lệnh thả Seldon thì tôi sẽ thả Seldon rồi.
– Tôi nói là Marchiali đã ra khỏi ngục rồi.
– Thưa Đức ông, còn phải chứng minh việc đó ạ.
Ông De Baisemeuax, tôi xin lập lại một lần nữa là ông hãy liệu chừng lời nói đấy.
– Giấy tờ rõ ràng mà?
– Ông D Herblay đã đảo lộn hết rồi.
– Ông D Herblay đảo lộn? Sao mà được!
– Ông bị ông ấy tác động rồi.
– Cái tác động đến tôi là công việc phục vụ Hoàng thượng thôi. Tôi chỉ làm bổn phận, xin ngài đưa tôi một lệnh từ Hoàng thượng là ngài cứ vào ngay.
– Này, ông chủ ngục ạ, tôi cam kết với ông là nếu ông để tôi vào nhà tù là tôi sẽ đưa tờ lệnh cho ông ngay.
– Xin Đức ông cho tôi tờ lệnh từ bây giờ.
– Và nếu ông từ chối thì tôi cho bắt ông ngay tức khắc cùng với số sĩ quan mà ông có dưới tay.
Baisemeuax tái mặt đi nói:
– Thưa Đức ông, trước khi làm giữ như vậy, xin ngài nghĩ rằng tôi chỉ chờ lệnh của Hoàng thượng thôi và nếu có lệnh như thế cho gặp Marchiali thì ngài sẽ được thoả mãn cũng như có lệnh hành hạ tôi vô tội như thế này thì cũng như vậy thôi.
Fouquet nổi giận la lên:
– Đúng! Đúng! – Rồi giọng ông vang vang lên, – này ông Baisemeuax, ông có biết tôi hết sức muốn gặp người tù đó không?
– Thưa Đức ông, không. Và tôi cũng xin nói là ngài đã làm tôi sợ quá chừng; tôi run lên và chắc phải ngất xỉu đi.
– Ông Baisemeuax ạ, ông lại sắp phải ngất xỉu đi đấy khi tôi trở lại với 10.000 người và ba mươi khẩu đại bác.
– Chúa ơi! Đức ông điên rồi?
– Tôi đem cả Paris chống với ông và cả cái tháp thành này. Tôi sẽ phá cửa và bắt ông treo cổ trên lỗ châu mai thành đấy.
– Đức ông! Đức ông, xin ngài tha cho tôi.
Fouquet nói thêm giọng bình tĩnh trở lại:
– Tôi cho ông mười phút để suy nghĩ. Tôi ngồi trong ghế này đây, tôi đợi. Nếu mười phút qua mà ông vẫn cứ thế thì tôi bước ra và ông muốn gọi tôi là khùng điên gì cũng được, ông sẽ thấy ngay.
Baisemeuax giậm chân cẳng như một người tuyệt vọng, nhưng không trả lời gì hết. Thấy thế, Fouquet lấy mực, viết ra ghi:
“Lệnh cho ông pháp quan thương nhân tập hợp các vệ binh riêng lại tiên về phía La Bastille đểthi hành lệnh vua ban”.
Baisemeuax nhún vai, Fouquet lại viết:
“Lệnh cho ngài Công tước De Boltillon và ngài Hoàng thân De Condé chỉ huy lính túc vệ tiến về La Bastille để thi hành lệnh vua giao…”
Baisemeuax nhín vai, Fouquet viết tiếp:
“Lệnh cho tất cả binh sĩ, thị dân, hay quý tộc tóm bắt bất cứ nơi nào khi gặp hiệp sĩ De Heblay – giám mục Vannes và các đồng loã là: 1. ông Baisemellax, chúa ngục Bastille can tội phản bội, nổi loạn và phạm thượng.
Baisemeuax la lên:
– Dừng lại, Đức ông. Tôi không hiểu gì hết. Nhưng thôi, rồi Hoàng thượng sẽ phán xét cho tôi, xem tôi có đáng tội không khi tôi chịu trái lệnh trước sự việc đem lại sự lan nát trong hai tiếng đồng hồ nữa ở đây, dù là do một thứ điên khùng gây ra cũng vậy. Thôi, xin Đức ông vào ngục để gặp Marchiali.
Fouquet chạy vụt ra khỏi phòng, theo sau là Baisemeuax mồ hôi trán chảy ròng ròng:
– Buổi sáng gì mà kinh khiếp, bất hạnh làm sao?
Fouquet chỉ trả lời:
– Đi nhanh lên!
Baisemeuax ra lệnh cho người giữ chìa khoá đi trước. Ông ta sợ người đồng hành. Nhưng ông này lại thấy cử chỉ đó nên quát lên:
– Trò hoãn binh trẻ con! Để người này lại đây! Ông lấy chìa khoá và đưa tôi đi. Ông phải biết, không một người nào nghe được chuyện gì sắp xảy ra đây hết!
Baisemeuax cúi cái đầu lấy khoá, và bước lại bậc thang với viên đại thần. Trong khi họ càng vào sâu trong khúc đường xoắn ốc thì những tiếng rì rầm tắc nghẹn càng rõ ra thành những tiếng kêu van thảm thiết. Fouquet hỏi:
– Cái gì thế?
Viên chủ ngục trả đáp:
– Tên Marchiali của ông đấy. Bọn điên khùng kêu la như thế đấy?
Ông ta kèm theo câu này bằng một cái liếc mắt về phía Fouquet mang nhiều ý nghĩa ám chỉ hơn là lễ độ. Nhưng Fouquet lại rùng mình. Nghe một tiếng kêu ghê gớm hơn các tiếng kêu khác, ông nhận ra được Nhà vua.
Ông dừng lại nơi bậc cửa, giật lấy chùm chìa khoá trên tay Baisemeuax.
– Đưa đây. Chìa khoá nào là của nơi cần mở đây?
– Chìa này.
Một tiếng kêu ghê rợn tiếp theo một tiếng quát mạnh vào cửa vang trong thang lầu.
– Ông lui ra đi! – Fouquet nói với Baisemeuax với một giọng đe doạ.
Baisemeuax lầm bầm:
– Tôi chẳng mong đợi gì hơn. Hai đứa nổi cơn dại gặp nhau, thằng này ăn thằng kia là tôi khỏe!
Fouquet nhắc lại:
– Đi đi! Nếu anh bước chân vào cầu thang này trước khi hỏi tôi thì nhất định anh được dành cho một chỗ khốn khổ nhất trong ngục Bastille này đấy!
Baisemeuax lảo đảo bước lui. Tiếng kêu la của người tù càng ngày càng kinh khiếp. Fouquet đợi cho Baisemeuax xuống đến bậc thang cuối cùng rồi mới tra chìa khoá thứ nhất vào. Lúc đó ông nghe rõ tiếng ông vua điên cuồng kêu thét:
– Cứu ta với! Ta là vua? Cứu…
Chiếc chìa khoá thứ hai không giống cái thứ nhất, Fouquet phải tìm trong cả chùm. Trong lúc đó, ông vua điên cuồng say máu, kêu la chát chúa:
– Chính Fouquet đưa ta tới đây! Cứu ta, chống lại Fouquet… Ta là vua… Cứu vua chống lại Fouquet…
Fouquet mãi mới tìm ra chìa. Ông vua không còn hơi sức nữa, không la chỉ gầm gừ:
– Xử tử tên Fouquet? Xử tử tên Fouquet gian ác!
Cửa bật mở ra.