Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Cái Chết Của Ba Người Lính Ngự Lâm

Chương 22: Quán Hình ảnh Đức Bà

Tác giả: Alexandre Dumas
Chọn tập

Lúc hai giờ chiều ngày hôm sau, năm mươi ngàn khán giả đã dứng đông nghẹt ở quảng trường, chung quanh hai cây cột treo cổ dựng lên giữa bến Grève và bến Pelletier cái này sát bên cái kia, dựa lưng vào thành bờ sông.

Từ sáng sớm, tất cả những người có nhiệm vụ chính thức loan tin trong thành phố Paris đã đi khắp các khu phố, nhất là những khu chợ và khu ngoại ô, thông báo bằng giọng vang rền không mệt mỏi của họ tin Nhà vua cho thi hành công lý đối với hai tên tham nhũng, hai tên ăn cắp của công làm cho dân chúng đói khổ. Và dân chúng, mà quyền lợi được Nhà vua bênh vực một cách nồng nhiệt như vậy, đã rời cửa tiệm, gian hàng và cơ xưởng để đi bày tỏ một chút lòng biết ơn đối với Louis XIV, giống như những người khách được mời sợ mình tỏ ra vô lễ nếu không đi đến nhà của kẻ đã mời mình.

Theo nội dung của sắc lệnh được những người loan tin đọc lớn cho dân chúng nghe thì hai kẻ thâm lạm tiền bạc của Nhà vua, lạm dụng quyền thế và làm bạc giả sẽ bị xử tử hình ở quảng trường Grère, “với tên của chúng dán lên đầu” – sắc lệnh nói như thế.

Nhưng sắc lệnh không hề nhắc đến những cái tên.

Sự tò mò của người dân Paris lên đến tột độ, và như chúng tôi đã nói, một đám công chúng đông nghẹt đang nóng ruột đứng chờ đợi giờ được ấn định cho cuộc hành hình. Có tin lan truyền rằng hai người tù đã được chuyển đến lâu đài Vincennes, sẽ được đưa từ nhà ngục này đến quảng trường Grère. Do đó khu ngoại ô và con đường Saint Antoine tràn ngập những người đi xem, bởi vì dân chúng Paris, trong những ngày có tử tội bị hành hình, được chia thành hai hạng người: những người muốn nhìn thấy tử tội đi qua – đây là những người nhút nhát, hiền lành, nhưng có đầu óc hiếu kỳ, và những người muốn được xem cảnh hành quyết – đây là những kẻ khao khát cảm giác mạnh.

Ngày hôm đó, d Artagnan, sau khi nhận những mệnh lệnh cuối cùng của Nhà vua và từ giã bạn bè – trong lúc này bạn bè của ông chỉ còn lại có một mình Planchet – ông tự vạch cho mình chương trình hành động trong ngày, như bất cứ kẻ nào bận rộn đều phải làm, bởi vì thời giờ trong trường hợp này rất quý báu đối với họ. Ông nói:

– Cuộc khởi hành được ấn định vào lúc ba giờ sáng; vậy là tôi có mười lăm giờ trước mặt mình. Bỏ ra sáu giờ cho giấc ngủ là rất cần thiết đối với mình đấy, với một giờ để ăn, là bảy, một giờ nữa để thăm Athos, là tám, và hai giờ để dành cho những trường hợp bất ngờ. Tổng cộng mười giờ.

Vậy là còn lại năm giờ.

“Một giờ để lãnh lương, nghĩa là để bị ông Fouquet từ chối; một giờ nữa để đi đến ông Colbert lãnh số tiền này và nhận những câu hỏi với những cái nhăn mặt của ông ta; một giờ để chuẩn bị vũ khí, y phục và đánh bóng đôi giày ống của mình. Vậy mình hãy còn được hai giờ rảnh. Chán quá! Sao mình giàu thế!”

Nói những lời này, d Artagnan cảm thấy một niềm vui kỳ lạ, niềm vui của tuổi trẻ, một mùi hương của những năm tháng đẹp đẽ và sung sướng trước kia tràn ngập và làm say sưa tâm hồn ông.

Người lính ngự lâm nói:

“Trong hai giờ rảnh này, mình sẽ đi thu tiền cho thuê quán “Hình ảnh Đức Bà”. Thật là vui. Ba trăm bảy mươi lăm đồng”.

Chán Quá! Thật là dáng ngạc nhiên! Nếu đối với một người nghèo chỉ còn trong túi có một đồng và mười hai xu nữa, đó là điều tuyệt hảo cho anh ta; nhưng chẳng bao giờ một món quà bất ngờ như vậy được rơi vào tay người nghèo. Người giàu trái lại, tự tạo thêm những tiền lời với số tiền của anh ta, mà anh ta không hề đụng đến. Đó là trường hợp ba trăm bảy mươi lăm đồng từ trên trời rơi xuống cho mình.

“Vậy là mình sẽ đến quán “Hình ảnh Đức Bà”, và mình sẽ uống với người thuê nhà của mình một ly rượu Tây Ban Nha mà chắc chắn anh ta sẽ mời mình.

“Nhưng phải có thứ tự, ông d Artagnan ơi, phải có thứ tự.

“Vậy hãy tổ chức lại thời giờ và sử dụng chúng như sau:

Điều 1: Athos.

Điều 2: Quán “Hình ảnh Đức Bà”.

Điều 3: ông Fouquet.

Điều 4- ông Colbert.

Điều 5- Ăn tối.

Điều 6- Y phục, giấy ống, ngựa, vali.

Điều 7- Và cuối cùng – Ngủ.

Căn cứ theo sự sắp xếp này, d Artagnan đi thẳng đến nhà Bá tước De La Fère.

Từ hôm trước, Athos rất lo lắng về việc d Artagnan viếng thăm Nhà vua; nhưng chỉ bốn chữ của d Artagnan cũng đủ làm ông yên tâm. Athos đoán rằng Louis đã giao cho d Artagnan một nhiệm vụ quan trọng nào đó, nhưng ông không tìm cách làm cho bạn tiết lộ điều bí mật của mình. Ông khuyên bạn nên giữ mình cẩn thận, và kín đáo đề nghị để mình cùng đi với bạn nếu có thể được.

D Artagnan đáp:

– Nhưng bạn thân mến, tôi đâu có đi đâu.

– Sao? Bạn đến từ biệt tôi, và bạn bảo không đi đâu hết?

D Artagnan hơi đỏ mặt trả lời:

– Ô! Có chứ, có chứ, tôi đi tậu một miếng đất.

– Đó là chuyện khác. Vậy tôi thay đổi câu nói của tôi. Thay vì nói: “Bạn đừng để mình bị giết”, tôi sẽ nói: “Bạn đừng để mình bị lột” – Bạn thân mến, tôi sẽ báo cho bạn hay nếu tôi quyết định chọn một bất động sản nào; rồi xin bạn giúp tôi một lời khuyên.

– Phải, phải – Athos, nói không mỉm cười để giữ ý.

Raoul De Bragelonne bắt chước vẻ dè dặt của cha.

D Artagnan biết rằng từ biệt bạn mà không cho biết con đường mình sẽ đi là một điều quá khó hiểu.

Ông nói với Athos:

– Tôi đã chọn vùng Mans, vùng này có tốt không – Tốt lắm, bạn à.

Bá tước trả lời nhưng không nói cho bạn biết Mans ở cùng hướng với vùng Touraine, và nếu d Artagnan chờ đợi nhiều lắm là hai ngày nữa thôi, sẽ có bạn đồng hành. Nhưng d Artagnan, còn bối rối hơn cả Bá tước, càng giải thích chừng nào lại càng lún sâu vào cái hố bùn mà ông tự tạo ra. Sau cùng, ông nói:

– Tôi sẽ ra đi vào sáng sớm mai. Từ giờ cho đến đó, Raoul, cháu có muốn đến với ta không?

Chàng tuổi trẻ đáp:

– Thưa Hiệp sĩ, vâng, nếu ngài Bá tước không cần đến tôi.

– Không, Raoul; hôm nay ta có cuộc hội kiến với Hoàng đế.

Raoul bảo Grimaud đi lấy ngay thanh gươm cho chàng.

D Artagnan nói, vừa đưa hai tay ra ôm lấy Athos:

– Bây giờ, từ giã bạn thân mến.

Athos hôn ông rất lâu, và người lính ngự lâm, hiểu rõ sự kín đáo của Athos, liền nói nhỏ vào tai bạn:

– Chuyện quốc gia đại sự.

Athos chỉ đáp lại bằng một cái siết tay đầy ý nghĩa hơn nữa.

Rồi hai người rời nhau. Raoul nắm cánh tay của người bạn già dẫn chàng đi theo đường Saint Honeré.

D Artagnan nói với chàng thanh niên.

– Ta sẽ dẫn cháu đến thăm một nhà giàu nứt đố đổ vách, cháu hãy chuẩn bị đi; suốt ngày cháu sẽ được trông thấy những đồng tiền vàng chất đống. Chúa ơi! Quả thật ta thay đổi quá!

Raoul nói:

– Ô! ô! Đường đông người quá.

D Artagnan hỏi một người đi dạo:

– Hôm nay có đám rước, phải không?

Người qua đường trả lời:

– Thưa ông, đám treo cổ.

D Artagnan hỏi:

– Sao? Treo cổ à, ở Grève, phải không?

– Thưa ông, phải.

D Artagnan kêu lên:

– Quỷ tha ma bắt tên trộm bị treo cổ đúng vào ngày ta cần đi thu tiền nhà. Roaul, cháu có thấy cảnh treo cổ lần nào chưa?

– Chưa bao giờ, thưa bác ơn Chúa!

– Đúng là tuổi trẻ. Nếu cháu đang đứng gác ở hầm như ta đã làm, trong khi có một tên gián điệp. Nhưng, xin lỗi cháu, Raoul, cháu thấy không, ta đang nói lẫn rồi. Cháu có lý, xem treo cổ ghê lắm.

– Người ta sẽ treo cổ lúc mấy giờ vậy, thưa ông?

Người đi dạo trả lời một cách kính cẩn, hân hạnh được tiếp chuyện với hai hiệp sĩ:

– Thưa ông, chắc là vào lúc ba giờ.

– Ô, bây giờ mới có một giờ rưỡi, nhanh lên thì mình sẽ đến kịp để lãnh ba trăm bảy mươi lăm đồng và ra đi trước khi tên tử tội đến.

Người đi dạo tiếp lời:

– Những tên tử tội, thưa ông, vì chúng có hai người tất cả.

– Thưa ông, cảm ơn ông rất nhiều, – D Artagnan đáp, bây giờ càng lớn tuổi ông càng lễ độ một cách chí lí hơn.

Và kéo Raoul cùng đi, ông nhanh nhẹn tiến về phía khu phố Grève.

Nếu người lính ngự lâm không quen cách len lỏi giữa đám đông bằng nắm tay cứng rắn và đôi vai luồn lách thì cả hai sẽ không thể nào đến nơi được.

Họ đi dọc theo bến cảng Grève sau khi đã rời đường Saint-Honoré.

D Artagnan đi trước; cùi chỏ, cổ tay và vai của ông làm thành ba mũi dùi rất lành nghề xuyên vào các nhóm người khiến họ phải tách rời nhau ra như những khúc cây.

Nhiều lần ông còn sử dụng thêm cái cán sắt của thanh gươm, ông thọc nó vào giữa xương sườn của những kẻ quá lì, và cái cán gươm có tác dụng như một chiếc đòn bẩy hay một cái kềm đã tách rời người chồng với người vợ, chú với cháu, anh với em. Ông làm tất cả những động tác này một cách rất tự nhiên và kèm theo những nụ cười thật duyên dáng, khiến cho những nạn nhân của ông hoặc phải có những xương sườn cứng như sắt mới không dãn ra nhường lối, hoặc phải có những quả tim quá vô tình mới thản nhiên được trước nụ cười tươi tắn nở trên đôi môi ông.

Raoul vạch lối theo sau. Chàng nhẹ tay với những phụ nữ say mê nhìn chàng nhưng đầy mạnh những người đàn ông ra. Và nhờ vậy cả hai mới vượt qua được đám đông dân chúng dày như nêm.

Họ đến trước hai cây cột treo cổ, và Raoul ghê tởm đưa mắt đi chỗ khác. Riêng d Artagnan không để ý đến chúng, ông đang chăm chú nhìn ngôi nhà của mình đầy những kẻ hiếu kỳ trong cửa sổ. Ông nhận thấy trên quảng trường và chung quanh những ngôi nhà có rất nhiều lính ngự lâm nghỉ phép đang đứng chờ xem cuộc treo cổ. Điều làm ông thích thú nhất là trông thấy ông chủ quán, người thuê nhà của ông, đang bối rối chẳng biết nghe theo ai giữa đám khách uống quá đông.

Ba gã hầu bàn không đủ để phục vụ khách ngồi đầy trong tiệm, đầy trong các phòng, và đầy cả ngoài sân.

D Artagnan nhận xét điều này với Raoul và nói thêm:

– Ông ta sẽ không có lý do gì để không trả tiền nhà cho ta. Cháu hãy nhìn tất cả các khách uống này, Raoul ạ, họ có vẻ là những người đàng hoàng. Chán quá! nhưng ở đây không còn một chỗ nào để ngồi nữa.

Tuy nhiên, d Artagnan nắm được chéo áo tạp dề của ông chủ quán và ông này nhận ra là ai.

Ông chủ quán gần như muốn phát điên, kêu lên:

– À! Thưa Hiệp sĩ, xin Hiệp sĩ vui lòng chờ một phút. Tôi phải lo cho một trăm khách uống đang làm náo loạn cả cái hầm rượu của tôi kia.

– Cái hầm rượu thì được, nhưng cái tủ sắt thì không được.

– Ồ, thưa ông, ba mươi bảy đồng pistole rưỡi tiền nhà của ông đã được đếm đủ sẵn sàng ở trên kia, trong phòng của tôi. Nhưng trong phòng có ba mươi người đang ghé miệng nút nơi lỗ thành thùng rượu porto tôi mới vừa đục hồi sáng đây. Xin ông cho tôi một phút, một phút thôi.

– Được, được!

Raoul nói nhỏ với d Artagnan:

– Cháu đi chỗ khác, cháu không chịu được cảnh thô lỗ này.

D Artagnan nghiêm nghị nói:

– Này cháu, cháu hãy vui lòng ở lại đây. Người lính phải tập làm quen với tất cả mọi cảnh tượng. Khi ta còn trẻ, trong con mắt ta có những sợi dây tình cảm mà ta phải biết làm cho chúng trở nên cứng rắn, và ta chỉ thật sự hào hiệp và tốt bụng khi nào mắt ta đã trở lên rắn rỏi nhưng quả tim ta vẫn dịu mềm. Hơn nữa, cháu Raoul của ta, bộ cháu muốn bỏ ta ở lại đây một mình sao? Nếu vậy cháu sẽ thật là tệ. Này cháu, có cái sân ở ngoài kia, và trong sân có một cái cây; hãy đến ngồi dưới bóng cây, chúng ta sẽ cảm thấy dễ thở hơn trong căn phòng nóng bức, nồng nặc mùi rượu này.

Từ chỗ sân này, d Artagnan và Raoul nghe rõ tiếng rầm rì mỗi lúc một lớn của làn sóng công chúng, đồng thời họ cũng nghe rõ những tiếng cười nói và không bỏ sót một cử động nào của đám khách uống ngồi trong quán.

Nếu d Artagnan muốn tìm một nơi lý tưởng để dễ dàng quan sát và điều khiển một trận đánh, ông không thể tìm được nơi nào tốt hơn.

Raoul và ông ngồi dưới bóng một tàng cây rậm rạp bên cạnh một cái bàn bị khách uống chê vì nó bị mục gẫy nhiều chỗ.

Chúng tôi đã nói từ vị trí này d Artagnan trông thấy được tất cả. Ông đưa mắt quan sát để qua thời giờ, bởi vì ba mươi bảy đồng pistole rưỡi lâu bò tới quá.

Raoul nêu lên nhận xét này:

– Thưa bác, nếu bác không hối thúc người thuê nhà của bác, chẳng bao lâu nữa những tử tội sẽ được dẫn đến. Lúc đó, đám công chúng sẽ dày đặc hơn, và chúng ta sẽ không thể đi ra khỏi nơi này.

Người lính ngự lâm đáp:

– Cháu nói có lý, Ê này, có ai đó không, chán quá.

Nhưng mặc kệ ông gân cổ kêu, và dùng quả dấm đập mạnh xuống bàn làm nó bể vụn ra, chẳng ai đến cả.

D Artagnan toan đứng lên đích thân đi tìm người chủ quán, bỗng cánh cửa lớn của cái sân ăn thông với khu vườn phía sau mở ra, và một người đàn ông mặc y phục kỵ sĩ từ khu vườn bước ra, gươm cầm trên tay. Anh ta vẫn để cánh cửa mở, băng qua sân, và sau khi liếc xéo về phía d Artagnan và Raoul, tiến về phía quán rượu, nhìn láo liên khắp nơi với đôi mắt như muốn đâm thủng cả những vách tường và cả lòng người.

D Artagnan nghĩ thầm: “Ồ, chắc lại là một kẻ hiếu kỳ nào đó muốn xem cuộc treo cổ”.

Cùng lúc đó, những tiếng la hét ầm ĩ của đám khách uống trong những phòng trên im bặt. Sự im bặt trong trường hợp này gây ngạc nhiên không kém gì một cuộc náo động lớn gấp đôi khi nãy.

D Artagnan muốn tìm biết nguyên do của sự im lặng đột ngột này.

Ông trông thấy người đàn ông ăn mặc như kị sĩ khi nãy vừa bước vào gian phòng chính của tửu quán đang hô hào với đám khách uống ngồi lắng nghe anh một cách chăm chú.

D Artagnan có thể nghe rõ lời hô hào của diễn giả nếu nó không bị át hẳn đi bởi những tiếng reo hò của đám công chúng. Nhưng diễn giả đã dứt lời, và tất cả đám khách uống trong quán rượu lần lượt đi ra thành từng nhóm nhỏ, trong phòng chỉ còn lại có sáu người: một trong sáu người này, kẻ mang gươm khi nãy, kéo chủ quán ra nói chuyện riêng, trong khi những người kia đốt lên một ngọn lửa lớn trong lò sưởi, một việc làm khá kỳ lạ giữa lúc tiết trời đang nắng nóng này.

D Artagnan nói với Raoul:

– Thật lạ lùng, nhưng bác biết mấy tay này.

– Bác có ngửi thấy mùi khói ở đây không?

D Artagnan trả lời:

– Bác ngửi thấy mùi của một âm mưu thì đúng hơn.

Ông chưa nói dứt lời thì bốn trong số những người đó đã bước ra sân, dáng thản nhiên, đứng canh chừng ở gần cánh cửa sân; thỉnh thoảng họ ném những cái nhìn thật lạ về phía d Artagnan.

D Artagnan nói nhỏ với Raoul:

– Chán quá. Chắc có chuyện gì đây. Cháu có tính tò mò không, Raoul?

– Thưa Hiệp sĩ, cái đó còn tuỳ.

– Còn bác, bác tò mò như một bà già vậy. Đi ra phía trước một tí, để nhìn bao quát được hết quảng trường.

– Nhưng thưa Hiệp sĩ, Hiệp sĩ biết rằng cháu không muốn làm một khán giả thụ động và thản nhiên trước cái chết của hai kẻ khốn khổ đó.

– Còn bác, cháu tưởng rằng bác là một con người man rợ sao? Chúng ta sẽ về nhà đúng lúc cần trở về. Đi!

Thế là hai người tiến về phía nhà chính và đến gần chiếc cửa sổ, lạ lùng thay, lúc này không còn ai cả.

Hai người khách uống cuối cùng còn lại, thay vì đứng nhìn ở cửa sổ, đang đốt giữ lửa.

Khi trông thấy d Artagnan và Roaul bước vào, họ thì thào:

– Chúng ta có thêm viện binh.

D Artagnan hích cùi trỏ vào Raoul, nói:

– Phải các bạn, viện binh đây; chán quá! Một ngọn lửa tuyệt vời. Các bạn muốn thiêu kẻ nào vậy?

Hai người đốt lửa phá lên cười vui vẻ, và thay vì trả lời, họ cho thêm củi vào đống lửa.

D Artagnan nhìn họ mãi không thôi. Một trong hai người kia hỏi:

– Này, người ta đưa các bạn đến đây để nói cho chúng tôi biết lúc nào hành động, phải không?

D Artagnan nói, với dụng ý muốn dò biết sự việc như thế nào:

– Di nhiên. Tôi đến đây để làm gì, nếu không phải vì việc đó?

– Vậy các bạn hãy vui lòng đến cửa sổ quan sát đi!

D Artagnan mìm cười kín đáo, ra hiệu cho Raoul, và vui vẻ đến đứng bên cửa sổ.

Chọn tập
Bình luận
1440
× sticky