D Artagnan không để mất thì giờ. Ngay khi thuận tiện và đúng lúc, ông liền đến “thăm” viên thủ quỹ của Nhà vua.
Và ông đã được thoả mãn đổi một miếng giấy viết bằng một thứ chữ rất xấu để lấy vô số những đồng louis vừa mới được đúc mang hình Charles II.
D Artagnan thường rất bình tĩnh, thế mà, trong dịp này, ông đã không thể ngăn được mình khỏi nỗi vui mừng mà có lẽ bạn đọc sẽ thông cảm cho ông, nếu bạn có chút lượng thứ đối với một người, từ lúc ra đời đến giờ, chưa bao giờ thấy từng chồng, từng xấp tiền quá nhiều như vậy, sắp xếp kề nhau theo một thứ tự xem thật đẹp mắt.
Viên thủ quỹ bỏ tất cả tiền đó vào trong bao, đóng kín mỗi cái bao lại bằng một con niêm có mang huy hiệu nước Anh – ân huệ mà không phải bất cứ ai cũng nhận được.
Rồi, vẫn luôn luôn bình thản và với một vẻ lễ phép vừa đủ dành cho một người được Nhà vua tôn trọng, viên thủ quỹ bảo d Artagnan:
– Xin hãy mang tiền của ông đi.
“Tiền của ta”? – Những chữ này khiến d Artagnan xúc động. Ông cho chất những cái bao lên một chiếc xe nhỏ và trở về nhà – trong lòng suy nghĩ thật nhiều.
Một kẻ có ba trăm ngàn đồng không thể giữ được vầng trán mình bình lặng nữa: một nét nhăn cho mỗi trăm ngàn đồng, cũng không phải là quá nhiều.
D Artagnan không rời khỏi phòng một bước, bỏ cả bữa ăn tối, từ chối không tiếp bất cứ ai, và để đèn thắp sáng choang, khẩu súng lục lên đạn đặt sẵn trên bàn, ông thức canh suốt đêm và suy nghĩ đến phương cách nào để ngăn cản không cho những đống tiền vàng xinh đẹp, đã từ trong tủ của Nhà vua bước vào trong tủ của mình không bị rơi vào túi của một tên trộm nào đó.
Cách hay nhất mà chàng Gascon đã tìm ra là tạm thời cất kho tàng của mình trong một cái tủ có một ổ khoá khá chắc chắn không một bàn tay nào có thể bẻ gãy nổi và khá tinh vi không một chìa khoá thường nào có thể mở ra được.
D Artagnan nhớ lại rằng người Anh được xem như những bậc thầy trong kỹ nghệ chế tạo những tủ sắt có ổ khoá thật tinh xảo, ông quyết định ngay ngày mai sẽ tìm mua một chiếc tủ sắt.
Ông không phải đi xa lắm. Ông Will Jobson, nhà ở khu Piccadilly lắng nghe những đề nghị của ông và hứa sẽ chế tạo một ổ khoá an toàn, nhất định là cho ông không còn phải lo âu gì nữa. Ông ta nói:
– Tôi sẽ làm cho ông một ổ khoá với một bộ máy vận hành hoàn toàn mới mẻ, khi có kẻ mưu toan chạm vào ổ khoá của ông, một miếng sắt vô hình sẽ tự động mở ra, và một khẩu súng đại bác nhỏ, cũng vô hình, sẽ khạc ra một quả đạn đồng xinh xắn, nặng cỡ một kí lô, làm kẻ bất lương vụng về sẽ ngã lăn quay, gây một tiếng động khá lớn. Ông nghĩ thế nào?
D Artagnan kêu lên:
– Tôi nghĩ đó là một bộ máy thật tinh xảo, tôi rất thích viên đạn đồng nhỏ bé đó. Này, ông thợ khoá những điều kiện của ông thế nào?
Mười lăm ngày thì xong và mười lăm ngàn đồng được trả lúc giao hàng.
D Artagnan nhíu mày. Mười lăm ngàỵ là một thời gian đủ để cho tất cả những tên trộm cắp ở London có thể làm cho ông khỏi cần đến tủ sắt nữa. Còn mười lăm ngàn đồng là một giá quá đắt để đạt được một mục đích mà ông có thể không phải tốn mất đồng nào – chỉ cần chịu khó canh gác kỹ lưỡng một chút thôi. Ông nói:
– Để tôi suy nghĩ lại, xin cảm ơn ông.
Và ông chạy nhanh về nhà; chưa có kẻ nào đến gần kho tàng của ông cả.
Cùng ngày hôm đó, Athos đến thăm bạn và ngạc nhiên thấy ông ta quá lo lắng, ông nói:
– Sao? Bây giờ bạn đã giàu rồi, thế mà cũng chẳng thấy bạn vui tí nào! Bạn đã ao ước được rất nhiều tiền của kia mà?
– Bạn thân mến, những vui thú mà người ta chưa quen gây khó chịu nhiều hơn những đau buồn mà người ta thường chịu đựng. Xin bạn hãy vui lòng giúp tôi một lời khuyên. Tôi có thể yêu cầu bạn điều này, vì bạn là kẻ lúc nào cũng có tiền: Khi người ta có tiền, người ta làm gì với số tiền đó?
– Điều đó còn tuỳ.
– Bạn đã làm gì với số tiền của bạn, để nó không biến bạn thành một kẻ hà tiện nhưng cũng không phải là một kẻ tiêu xài hoang phí? Bởi vì sự hà tiện làm cho quả tim trở nên khô cằn, và sự hoang phí làm cho gã bị chết chìm phải không?
– Fabricius(1) cũng không nói đúng hơn bạn. Nhưng, thật ra, tiền không gây khó chịu cho tôi.
– Phải chăng bạn đem cho vay?
– Không. Bạn biết rằng tôi có một cái nhà khá đẹp và cái nhà này là tài sản lớn nhất của tôi.
– Tôi biết.
– Nếu bạn làm như tôi, bạn cũng sẽ giàu như tôi, lại hơn cả tôi nếu bạn muốn.
– Nhưng còn tiền lời, bạn có thâu tiền lời không?
– Không.
– Chắc bạn giấu tiền trong vách tường?
– Tôi không bao giờ sử dụng đến cái đó.
– Vậy là bạn có một người thân tín nào đó, một người làm ăn phát đạt, trả tiền cho bạn với một lãi suất phải chăng?
– Không có
– Chúa ơi! Vậy thì bạn làm gì?
– Tôi tiêu xài hết cả những gì tôi có, và tôi chỉ có những gì mà tôi tiêu xài thôi, d Artagnan thân mến ạ.
– À! Ra vậy. Nhưng bây giờ bạn cũng gần như một ông hoàng, và mười năm hay mười sáu ngàn đồng lợi tức đối với bạn không ăn thua gì. Hơn nữa bạn còn có những chức vụ.
– Nhưng tôi thấy bạn cũng là ông hoàng không kém gì tôi, bạn thân mến ạ. Số tiền của bạn là vừa đủ cho bạn tiêu xài đấy.
– Ba trăm ngàn đồng! Tôi dư đến hai phần ba lận.
– Xin lỗi, nhưng hình như bạn có nói với tôi hình như tôi đã nghe rằng bạn có một người hùn hạp.
D Artagnan đỏ mặt kêu lên:
– À! Chán quá! Đúng vậy, có Planchet. Tôi quên mất anh chàng Planchet! Vậy là đã thấy mất hết một trăm ngàn đồng của tôi rồi! Thật đáng tiếc, một con số tròn, nghe rất êm tai. Đúng vậy Athos tôi không còn giàu có gì nữa cả. Bạn có trí nhớ thật hay?
D Artagnan càu nhàu:
– Anh chàng Planchet dễ thương này không mơ hoảng đâu. Một áp phe thật ngon lành! Đồ mắc dịch? Nhưng dầu sao, những gì tôi đã nói thì tôi phải làm.
– Bạn sẽ cho anh ta bao nhiêu?
D Artagnan nói:
– Ồ! Anh ta không phải là một con người xấu, rồi tôi cũng sẽ dàn xếp với anh ta ổn thoả thôi; tôi đã phải chịu cực khổ, bạn thấy chứ, và chịu những chi phí, tất cả những cái đó phải được tính vào.
Athos thản nhiên nói:
– Bạn thân mến, tôi biết rõ bạn, và tôi không sợ bạn sẽ làm cho anh chàng Planchet tốt bụng phải thiệt thòi. Những quyền lợi của anh ta sẽ được bảo đảm vững chắc trong tay của bạn hơn là trong tay của anh ta. Nhưng bây giờ bạn không có gì phải làm ở đây nữa, chúng ta sẽ ra đi, nếu bạn nghe theo lời tôi. Bạn sẽ đến cảm ơn Nhà vua, hỏi Nhà vua có lệnh gì cho bạn không, và trong sáu tháng nữa, chúng ta sẽ có thể trông thấy các đỉnh tháp Nhà thờ Đức Bà.
– Bạn thân mến, quả thật tôi đang nôn nóng được trở về nước, và bây giờ tôi đến chào từ biệt Nhà vua.
Athos nói:
– Còn tôi, tôi sẽ đi chào vài người quen trong thành phố, và sau đó tôi sẽ gặp lại bạn.
– Bạn vui lòng cho tôi mượn Grimaud một chút nhé?
– Rất sẵn lòng. Bạn tính nhờ anh ta làm việc gì?
– Một việc rất dễ dàng và không làm cho anh ta mệt gì hết; tôi nhờ anh ta canh giữ giùm những khẩu súng lục đặt trên bàn, bên cạnh mấy cái tủ này.
Athos thản nhiên trả lời:
– Được lắm.
– Và anh ta sẽ không được rời khỏi chỗ này một bước, phải không?
– Cũng như những khẩu súng lục này vậy.
– Thế thì bây giờ tôi đến gặp Nhà vua, chào bạn.
D Artagnan đi đến lâu đài Saint James, trong lúc vua Charles II đang viết thư, để ông đợi suốt một tiếng đồng hồ.
D Artagnan đi đi lại lại trong khu hành lang từ những chiếc cửa lớn đến những chiếc cửa sổ, lại từ những chiếc cửa sổ đến những chiếc cửa lớn. Bỗng ông trông thấy một người mặc một chiếc áo choàng giống như của Athos băng qua phòng thay áo để vào trong; nhưng đúng lúc ông toan nhìn kỹ lại xem có phải không, thì người giữ cửa ra mời ông vào gặp Nhà vua.
Charles II xoa xoa hai bàn tay trong khi ông bạn của chúng ta tỏ lời cám ơn. Nhà vua nói:
– Hiệp sĩ, tôi không xứng đáng nhận những lời cám ơn của ông; tôi trả chưa đến một phần tư cái giá của chuyện ông bỏ vị đại tướng đó đáng mến đó vào trong cái thùng tôi muốn nói đến Công tước d Albermale.
Và nhà vua bật cười lớn.
D Artagnan nghĩ không nên ngắt lời Nhà vua, và ông làm ra vẻ khiêm tốn, Charles nói tiếp:
– Này, ông Monck thân mến của tôi đã thật sự tha thứ cho ông chưa?
– Tha thứ à! Nhưng thưa Hoàng thượng tôi hy vọng ông ấy đã tha thứ cho tôi rồi.
– À! Vì đây là một cú rất đau, odds fish! Nhốt nhân vật đứng đầu của cuộc cách mạng nước Anh vào thùng như một con cá mòi! Hiệp sĩ, nếu tôi là ông, tôi sẽ không tin vào sự tha thứ của ông ấy đâu.
– Xin thưa Hoàng thượng.
– Tôi biết rằng Monck đã gọi ông là bạn của ông ta. Nhưng ông ta có đôi mắt thật sâu chứng tỏ trí nhớ ông ta rất dai, và đôi mắt thật cao chứng tỏ ông ta rất tự kiêu; ông biết chứ, Grand supercilium.
D Artagnan tự nhủ: “Mình phải học tiếng La tinh mới được”
Nhà vua hoan hỉ kêu lên:
– Này! Để tôi dàn xếp cho các ông giải hoà với nhau: tôi sẽ biết cách làm cho d Albermale cắn chặt ria mép:
– Hoàng thượng có cho phép tôi nói thật không?
– Nói đi, Hiệp sĩ cứ nói đi.
– Thưa Hoàng thượng, Hoàng thượng làm tôi sợ hãi ghê gớm. Nếu Hoàng thượng có ý muốn dàn xếp công việc này của tôi thì tôi sẽ không được toàn mạng, Công tước sẽ cho ám sát tôi.
Nhà vua lại cười lớn, khiến sự sợ hãi của d Artagnan biến thành sự kinh hoàng.
– Thưa Hoàng thượng, tôi cầu xin Hoàng thượng hãy để tôi tự lo lấy cái việc dàn xếp này; và nếu Hoàng thượng không còn cần đến tôi nữa.
– Không, Hiệp sĩ. Ông muốn ra đi à? – Charles II trả lời và càng lúc càng cười vui đến độ đáng ngại.
– Nếu Hoàng thượng còn điều gì cần đến tôi nữa.
Charles gần như lấy lại được sự nghiêm túc.
– Hiệp sĩ, đấy là buổi tiếp kiến từ giã của ông; ông có thể ra đi khi nào ông thích.
– Xin cảm ơn Hoàng thượng!
– Nhưng ông nên hoà giải với Monck.
– Ồ! Thưa Hoàng thượng.
– Ông biết tôi có dành riêng một chiếc tàu của tôi cho ông sử dụng không?
– Nhưng, thưa Hoàng thượng, Hoàng thượng ban ơn cho tôi quá nhiều, và tôi sẽ không bao giờ muốn làm phiền đến các sĩ quan của Hoàng thượng.
Nhà vua vỗ vai d Artagnan:
– Không ai phải phiền vì Hiệp sĩ hết, nhưng vì một sứ thần của tôi gởi sang Pháp, và tôi tin ông sẽ vui lòng làm người bạn đường của ông ấy, bởi vì ông rất quen với ông ấy một ông Bá tước De La Fère nào đó, người mà ông gọi là Athos đấy, – Nhà vua kết thúc cuộc nói chuyện như ông đã khởi đầu, bằng một chàng cười vui vẻ nữa. – Xin từ giã Hiệp sĩ, từ giã! Hiệp sĩ hãy thương mến tôi cũng như tôi đã thương mến ông?
Liền đó, Nhà vua ra dấu hỏi Parry có ai đang chờ đợi ông trong văn phòng bên cạnh không, và ông biến mất vào văn phòng này, để chàng hiệp sĩ ở lại một mình, hãy còn bàng hoàng vì cuộc tiếp kiến khác thường này.
Những lời của Nhà vua nói về lòng tự ái của Monck đã gây cho d Artagnan một mối lo ngại không nhỏ.
Trong suốt cuộc đời mình, người phó quan ngự lâm quân đã có một nghệ thuật tuyệt vời để chọn kẻ thù, và khi phải chọn những kẻ thù nguy hiểm và hùng mạnh ấy là vì ông không thể nào làm khác hơn được. Nhưng những quan điểm thường thay đổi rất nhiều trong cuộc đời. Đó là một chiếc đèn kéo quân phơi bày trước mắt con người những hình ảnh thay đổi hằng năm. Do đó, giữa ngày chót của một năm mà bạn trông thấy màu trắng và ngày đầu tiên của năm sau mà bạn trông thấy màu đen, chỉ có khoảng cách của một đêm thôi.
Khi d Artagnan rời Calais với mười người thuộc hạ, ý nghĩa phải chiến đấu với một Goliath(1) người khổng lồ trong Kinh thánh), Nabu chodonosor(2) hay Holopheme (3) cũng không hề làm ông phải lo lắng gì hơn như khi phải so gươm với một tên lính thường, hay khi cãi nhau với bà chủ nhà trọ. Lúc đó ông như một con chim cắt đói bụng sẵn sàng tấn công ngay cả một con cừu. Cái đòn làm cho người ta mù quáng. Nhưng bây giờ d Artagnan đã no, đã giàu, đã chiến thắng và hãnh diện vì đã đạt được một chiến thắng rất khó khăn. D Artagnan sẽ bị mất mát rất nhiều nếu không chịu tính toán thật thận trọng để tránh một sự thất bại có thể xảy ra.
Vì thế, khi triều kiến trở về, d Artagnan chỉ nghĩ đến một điều, đó là tìm cách xoa dịu lòng tự ái của một người có thế lực lớn như Monck, một người mà chính Charles II cũng phải nể vì, dầu Charles là vua, bởi vì, vừa mới được Monck đưa lên ngôi.
Nhà vua vẫn còn có thể cần đến kẻ đã ủng hộ, che chở mình, do đó, nếu cần để làm thoả mãn ông Monck, Nhà vua có thể sẽ không từ chối bắt đày d Artagnan hay bắt nhốt ông trong một cái tháp nào đó của vùng Middlesex hay cho dìm ông xuống biển trong cuộc hành trình từ Douvres về Boulogne.
Những chuyện làm thoả mãn lẫn nhau giữa đám vua và phó vương sẽ không làm cho họ phải e ngại một hậu quả nào hết.
Nhà vua cũng không cần phải tỏ ra chủ động trong việc Monck trả thù. Nhà vua chỉ cần hạn chế vai trò của mình trong việc tha thứ cho vị phó vương Ireland tất cả những gì ông này sẽ làm để chống lại d Artagnan. Để cho lương tâm của Công tước d Albermale được yên ổn, Nhà vua chỉ cần vừa cười vừa nói hai chữ “le absolvo” (tha tha tội cho hắn) hay chỉ cần hí hoáy ba chữ: “Charles, the King” (Hoàng đế Charles) dưới một bản sắc lệnh; và thế là d Artagnan đáng thương sẽ bị vĩnh viễn bị chôn vùi dưới một hầm ngục nào đó.
Và hơn nữa, điều khá đáng ngại, đối với một người biết phòng xa như người lính ngự lâm của chúng ta, là ông cảm thấy mình cô độc, cả tình bạn của Athos cũng không đủ để làm ông yên tâm.
Dĩ nhiên, nếu chỉ là việc so những đường gươm, người lính ngự lâm có thể trông cậy nơi bạn mình; nhưng trong những vấn đề tế nhị với một ông vua, khi một sự tình cờ tai hại nào đó có thể xảy đến để giúp bào chữa cho Monck hay cho Charles II, d Artagnan biết chắc chắn Athos sẽ nghe theo lòng trung thành với vua, để rồi sau đó đổ rất nhiều nước mắt lên nấm mồ của ông và khắc lên mộ bì những lời tiếc thương và ca tụng thật kêu.
“Nhất định rồi”, – chàng Gascon nghĩ, và ý tưởng này là kết quả của những suy nghĩ thầm kín trên – “nhất định là ta phải hoà giải với ông Monck, và nắm chắc bằng cớ là ông ta hoàn toàn không còn nghĩ gì đến chuyện đã qua nữa. Nếu ông ta hãy còn tỏ ra bực tức về chuyện này, ta sẽ trao tiền của mình cho Athos mang theo, ta sẽ ở lại nước Anh vừa đủ thời giờ để khám phá những ý định của ông ta, rồi với cặp mắt lanh lẹ và cặp giò nhẹ nhàng của ta, khi nắm được dấu hiệu thù địch đầu tiên của ông ta, ta sẽ chuồn. Chán quá! Ông Monck sẽ không thắng được ta đâu. À, ta còn một ý nữa!”
Chúng ta biết rằng d Artagnan không thiếu gì những ý tưởng trong đầu óc. Trong cuộc đối thoại vừa qua d Artagnan đã “gài nút áo lên tận cằm”; và không có gì kích thích óc tưởng của ông bằng cách thức làm như thế nào theo kiểu người La Mã chuẩn bị đi chiến đấu.
Ông về đến nhà Công tước d Albermale, đầu óc nóng bừng. Ông được nhanh chóng đưa vào gặp vị phó vương – điều đó chứng tỏ ông được xem như người trong nhà rồi.
Monck đang ở trong phòng làm việc, d Artagnan nói với vẻ thành thật mà chàng Gason có biệt tài tạo ra trên gương mặt tinh khôn của mình:
– Thưa ngài, tôi đến xin ngài ban cho một lời khuyên.
Monck cũng chuẩn bị tinh thần kỹ lưỡng như d Artagnan đã “gài nút áo” vậy. Ông trả lời:
– Cứ nói đi, ông bạn thân mến.
Và gương mặt ông ta cũng không kém cởi mở hơn gương mặt của d Artagnan.
– Thưa ngài, trước hết, xin ngài hãy hứa giữ bí mật và khoan hồng đối với tôi.
– Tôi xin hứa với ông bất cứ những gì ông muốn. Có chuyện gì? Ông hãy cho tôi biết đi!
– Thưa ngài, có chuyện là tôi không được hoàn toàn hài lòng về Nhà vua.
– Ồ! Thật vậy sao? Và về việc gì đó, ông phó quan thân mến của tôi?
– Về việc đôi khi Nhà vua nói những lời bông đùa rất có hại cho những kẻ phục vụ mình, và sự đùa cợt, thưa ngài, là một vũ khí làm tổn thương rất nặng đến lòng tự ái của những kẻ cầm gươm như chúng ta.
Monck cố gắng không để lộ những ý tưởng của mình, nhưng d Artagnan đã chăm chú quan sát ông ta rất kỹ nên thoáng thấy đôi má ông ta hơi đỏ lên một chút.
Monck nói với một vẻ rất tự nhiên:
– Nhưng về phần tôi, tôi không phải là kẻ thù của sự bông đùa, ông d Artagnan thân mến ạ. Các binh sĩ của tôi cũng sẽ cho ông hay rằng, nhiều lần, ở trong trại, tôi đã nghe một cách rất bình thản và hơi thích thú nữa, những bài hát châm biếm từ đạo quân của Lambert truyền sang, những bài hát chắc chắn sẽ làm chói tai một ông tướng dễ nổi giận hơn tôi.
D Artagnan nói:
– Ồ! Thưa ngài, tôi biết ngài là một người hoàn toàn, tôi biết từ lâu ngài đã tự đặt mình lên trên mọi sự tồi tệ của con người; nhưng không phải loại bông đùa nào cũng như nhau, và riêng với tôi, có những loại bông đùa làm cho tôi tức giận không thể tả.
– Tôi có thể biết đó là những loại nào không, my dear? (Bạn thân mến).
– Thưa ngài, đó là những câu đùa cợt nhằm vào những bạn thân của tôi hay vào những người mà tôi kính trọng.
D Artagnan thấy Monck hơi biến sắc. Ông ta hỏi:
– Do đâu mà một cú kim găm làm trầy da người khác lại có thể làm ông nhột? Nào, ông hãy kể lại cho tôi nghe.
– Thưa ngài, tôi chỉ xin nói một câu để giải thích thôi: những lời đùa cợt đó là nhằm vào ngài.
Monck bước một bước về phía d Artagnan.
– Nhắm vào tôi?
– Vâng, và đó là điều mà tôi không thể nào hiểu nổi; nhưng cũng có lẽ vì tôi không hiểu rõ tính của Nhà vua. Sao Nhà vua lại nỡ chế nhạo một người đã có quá nhiều công trạng lớn lao đối với mình như vậy? Làm cách nào hiểu được sao Nhà vua lại thích làm cho một con sư tử như ngài nổi giận với một con ruồi con như tôi?
Monck nói:
– Do đó, tôi không hề cho là Nhà vua có ý định như vậy đâu?
– Có chứ! Nếu phải thưởng tôi, Nhà vua có thể thưởng tôi như đối với một chiến sĩ, mà không cần tưởng tượng ra câu chuyện về số tiền chuộc của ngài.
Monck vừa nói vừa cười:
– Không, câu chuyện này không hề làm cho tôi cảm thấy bực tức chút nào, tôi xin thề với ông như vậy.
– Không bực tức tôi, điều này tôi hiểu; ngài biết rõ tôi chứ, tôi kín còn hơn cả miệng bình nữa; nhưng thưa ngài, ngài hiểu chứ?
Monck vẫn một mực:
– Không.
– Nếu một kẻ khác rõ được điều bí mật mà tôi biết.
– Điều bí mật gì?
– À! Thưa ngài, điều bí mật tai hại ở Newcastle.
– À! Số tiền một triệu đồng của ông Bá tước De La Fère, phải không?
– Không, thưa ngài, đó là việc tôi đã âm mưu bắt cóc ngài.
– Ông đã hành động rất giỏi, Hiệp sĩ à, chỉ có thế thôi, chứ không có điều gì cần phải nói nữa. Ông là một chiến sĩ vừa dũng cảm vừa mưu trí, phối hợp được cả đức tính của Fabius(5) và Annibal (6), ông đã sử dụng những phương tiện của ông, sức mạnh và mưu trí như thế không có gì phải nói cả. Tôi cam đoan với ông như vậy.
– Ồ! Tôi hiểu điều đó, thưa ngài, và tôi trông đợi rất nhiều nơi lòng công bằng của ngài. Vì thế, sẽ không có sao hết, nếu chỉ có một mình chuyện bắt cóc thôi, nhưng còn có…
– Cái gì?
– Những cảnh ngộ trong cuộc bắt cóc này.
– Cảnh ngộ nào?
– Thưa ngài, ngài thừa biết những gì tôi muốn nói rồi.
– Không, xin Chúa hãy phạt tôi!
– Thưa ngài! Có chuyện cái thùng quỉ quái đó.
Monck đỏ mặt thấy rõ, d Artagnan nói tiếp:
– Cái thùng bất nhân bằng gỗ đó, ngài biết chứ?
– Ờ! Phải! Tôi quên bẵng mất.
D Artagnan tiếp tục:
– Bằng gỗ thông, có khoét lỗ dành cho cái mũi và cái miệng. Thật ra, thưa ngài, tất cả những cái khác đều vô hại; nhưng cái thùng, cái thùng! Quả thật là một trò đùa quái ác!
Monck bực dọc đi đi lại lại trong phòng. D Artagnan nói:
– Tuy nhiên, nếu như tôi, một tay phiêu bạt giang hồ, phải làm điều đó thì lý do cũng dễ hiểu và dễ hiểu và dễ được tha thứ trong tình thế nghiêm trọng đó, tôi phải đối xử hơi sai quấy đối với ngài; hơn nữa tôi còn là một con người cẩn trọng, dè dặt.
Monck đáp:
– Ồ! Ông d Artagnan, xin ông hãy tin rằng tôi rất hiểu ông và rất cảm phục ông.
Trong khi nói chuyện, d Artagnan không rời mắt khỏi Monck để theo dõi, quan sát mọi phản ứng xảy ra trong đầu óc của viên đại tướng. Ông nói tiếp:
– Nhưng vấn đề không phải là ở nơi tôi.
Monck bắt đầu kiên nhẫn.
– Vậy thì ở đâu?
– Vấn đề là ở chỗ Nhà vua không bao giờ kín miệng.
Monck lắp bắp:
– Nhưng, nghĩ cho cùng, nếu Nhà vua có nói đến chuyện đó thì đã sao đâu?
– Thưa ngài, xin ngài đừng giấu những cảm nghĩ của ngài đối với một người nói chuyện thành thật như tôi. Ngài cứ nổi giận lên, dầu chỉ là nhẹ nhàng thôi. Nào, hãy nghĩ xem, ngài một nhân vật quan trọng, một con người đùa với những vương miện, vương trượng như một kẻ lang thang đùa với quả bóng. Tôi phải nói thế nào nhỉ, một nhân vật quan trọng như ngài đâu phải là để bị nhốt trong một cái thùng, như một vật kỳ lạ của môn vạn vật học. Bởi vì, rốt lại ngài hiểu chứ, điều này có thể khiến cho một kẻ thù của ngài cười một trận đến bể bụng, mà một người quyền lớn, quá cao cả, quá rộng lượng như ngài tất phải có rất nhiều kẻ thù. Điều bí mật này có thể làm cho phân nửa nhân loại phải bò lăn ra cười nếu họ tưởng tượng ra cảnh ngài bị nhốt trong cái thùng đó. Thế mà để cho người ta cười một nhân vật thứ nhì trong vương quốc như ngài thật là một điều không tốt đẹp gì cả.
Monck hoàn toàn mất hết tự chủ khi nghĩ đến cảnh mình bị nhốt trong cái thùng. Như d Artagnan đã đoán rất đúng, sự lố bịch làm tinh thần của ông ta lung lay ghê gớm, điều mà những rủi may của một trận đánh, những tham vọng và cả sự sợ chết nữa, đã không thể nào làm được.
Chàng Gascon nghĩ “Tốt lắm! Ông ta đã biết sợ, thế là ta thoát rồi”.
Monck nói:
– Ồ! Về phần Nhà vua, ông d Artagnan thân mến chớ có lo, Nhà vua sẽ không đùa cợt với Monck đâu, tôi xin thề chắc với ông như vậy?
D Artagnan thấy một tia sáng lóe lên trong đôi mắt của Monck. Nhưng vẻ mặt của Monck lại dịu xuống ngay. Ông ta nói tiếp:
– Nhà vua có bản chất quá tốt đẹp, và tấm lòng quá cao cả không thể nào nghĩ đến việc làm hại kẻ đã có công lớn với mình như thế.
D Artagnan kêu lên:
– Ồ! Dĩ nhiên rồi! Tôi hoàn toàn đồng ý với ngài về tấm lòng của Nhà vua. nhưng không đồng ý về đầu óc của Nhà vua; Nhà vua rất tốt bụng nhưng rất hời hợt.
– Nhà vua sẽ không hời hợt đối vối Monck đâu, ông hãy yên tâm.
– Ồ, tôi hiểu ngài, ngài yên tâm về phần Nhà vua. Nhưng chắc ngài không mấy yên tâm về phần tôi?
– Tôi tưởng đã xác nhận với ông rằng tôi tin cậy vào lòng trung trực và sự kín đáo của ông rồi.
– Chắc chắn rồi, chắc chắn rồi, nhưng ngài sẽ nghĩ đến một việc ấy là không phải chỉ có mình tôi, còn những thuộc hạ cùng đi theo tôi trong vụ bắt cóc đó; và họ không phải như tôi?
– Ồ! Phải, tôi biết họ mà.
– Rủi thay, thưa ngài, họ cũng biết ngài nữa.
– Rồi sao nữa?
– Bây giờ họ đang ở tại Boulogne, chờ tôi.
– Và ông sợ?
– Phải, tôi e rằng trong lúc tôi vắng mặt. Dĩ nhiên! Nếu tôi ở bên cạnh họ, tôi bảo đảm với ngài rằng họ sẽ kín miệng. Chẳng biết tôi có lý không khi nói với ông rằng, nếu có nguy hiểm thì nó sẽ không đến từ phía Nhà vua, dầu Nhà vua có tính thích bông đùa đến mấy, nhưng từ phía những người lính của ông, như ông nói. Bị một ông vua chế nhạo, còn chịu đựng được, nhưng bị những tên lính vô lại thì Chúa ơi!
– Vâng, tôi hiểu, không thể chịu đựng được, và thưa ngài đó là lý do tôi đến để thưa với ngài: “Ngài có nghĩ rằng tôi nên trở về Pháp càng sớm càng tốt không?”
– Dĩ nhiên, nếu ông tin rằng sự hiện diện của ông – Làm cho tất cả những tên vô lại đó phải câm mồm?
– Ồ! Thưa ngài về điều này thì bảo đảm lắm.
– Sự hiện diện của ông sẽ không ngăn cản được tiếng đồn loan truyền đi, nếu nó đã được tiết lộ rồi.
– Ồ, chưa bị tiết lộ đâu, thưa ngài, tôi bảo đảm với ngài như vậy. Dầu sao, ngài hãy tin rằng tôi sẽ quyết tâm làm một việc.
– Việc gì.
– Đập bể đầu kẻ trước tiên loan truyền tin này và kẻ trước tiên nghe được tin này. Sau đó, tôi sẽ trở qua nước Anh tìm một chỗ nương thân và có lẽ tìm một việc làm bên cạnh ngài.
– Ô! Ông cứ trở lại đây, cứ trở lại đây đi!
– Nhưng khốn thay, thưa ngài, tôi chỉ biết có một mình ngài ở đây thôi, và có thể tôi sẽ không gặp lại được ngài nữa, hoặc ngài sẽ đã quên mất tôi trong cuộc sống vinh quang của ngài.
Monck trả lời:
– Hãy nghe đây, ông d Artagnan, ông là một người quý tộc nhã nhặn, đầy trí thông minh và lòng cam đảm, ông xứng đáng được hưởng mọi thứ trên thế gian này, hãy đến sống với tôi ở Scotland, và tôi xin thề với ông, tôi sẽ cho ông, trong đất phong của tôi, một địa vị mà bất cứ ai cũng phải thèm muốn.
– Ồ! Thưa ngài, trong lúc này thì không thể được. Trong lúc này tôi có một bổn phận thiêng liêng phải chu toàn, tôi phải lo bảo vệ danh tiếng của ngài, tôi phải ngăn cản không cho bất cứ kẻ vô lại nào làm hoen ố tên luổi ngài trước những người đương thời, và biết đâu, của hậu thế nữa.
– Của cả hậu thế nữa, thưa ông d Artagnan?
– À nhất định rồi. Đối với hậu thế, mọi chi tiết của câu chuyện này đều cần phải được giữ bí mật, bởi vì ngài phải nhìn nhận rằng nếu câu chuyện tai hại về cái thùng gỗ thông được loan truyền đi, người ta sẽ nói rằng Ngài đã đưa Nhà vua lên ngôi không phải theo ý muốn tự do và chính trực của ngài mà là do một cuộc thương lượng ngầm giữa hai người ở Scheveningen. Dầu tôi có nói lên sự thật đã xảy ra thế nào cũng vô ích, người ta sẽ không tin tôi, người ta sẽ bảo rằng tôi đã nhận được phần bánh của tôi và tôi đang ăn.
Monck nhíu mày nói:
– Vậy thì ông hãy về Pháp ngay đi, và để làm cho nước Anh trở nên gần gũi và thú vị hơn đối với ông, tôi xin tặng ông một món quà kỷ niệm. Trên bờ sông Clyde, tôi có một cái nhà nhỏ chung quanh có cây cối, một “cottage” như người ta gọi nó ở đây. Cái nhà này nằm trên một miếng đất rộng năm mươi mẫu, xin ông hãy nhận cho.
– Ô! Thưa ngài – ông sẽ ở nơi đó như ở nhà riêng của ông, và đó sẽ là chỗ trú ẩn mà khi nãy ông đã nói với tôi.
– Thưa ngài, tôi đã chịu ơn của ngài nhiều quá! Sự thật, tôi cảm thấy rất xấu hổ!
– Không đâu, thưa ông, – Monck nói tiếp với một nụ cười tinh quái, – không đâu, chính tôi mới là kẻ chịu ơn ông!
Và ông siết tay người lính ngự lâm, nói:
– Tôi sẽ bảo làm giấy tờ tặng ông.
Rồi ông bước ra.
D Artagnan nhìn theo ông ta, vẻ mặt trầm tư pha lẫn xúc động. Ông nói: “Dầu sao, ông ta cũng có một con người tốt. Chỉ hơi buồn một chút khi nghĩ rằng ông ta đã hành động như thế vì sợ mình hơn là vì cảm mến. Nhưng mình muốn sự cảm mến sẽ đến với ông ta”!
Rồi sau một lúc suy nghĩ càng hơn: “Ồ! Cần gì điều đó? Ông ta là một người Anh mà”!
Bây giờ đến lượt ông bước ra, hơi bàng hoàng vì cuộc đấu trí vừa qua.
“Thế là mình trở thành chủ nhân của một vùng đất, – ông nói – Nhưng làm cách nào để chia nó cho Planchet? Trừ phi ta cho Planchet đất còn ta lấy toà lâu đài, hoặc anh ta lấy toà lâu đài, và ta. Nhưng không được đâu! Ông Monck sẽ không chấp nhận việc chia xẻ một ngôi nhà mà ông ta đã ở cho một chủ hiệu tạp hoá. Ông quá kiêu hãnh nên không thể chịu được điều này!
Hơn nữa, tại sao ta lại nghĩ đến việc này? Ta đã được ngôi nhà này không phải với tiền của công ty mà chỉ với trí thông minh của ta thôi; vậy nó hoàn toàn là của ta. Thôi, bây giờ đi gặp Athos”.
Và ông đi về hướng nhà của Bá tước De La Fère.
Chú thích:
(1) một nhân vật lịch sử La Mã
(2) Goliath, người khổng lồ trong Kinh thánh
(3) Nabu Chodonosor, vị vua chinh phục nhiều đất đai ở vùng Cận Đông xưa
(4) Holopheme, tướng của Nabu Chodonosor
(5) Fabius, danh tướng La Mã
(6) Annibal, danh tướng của Cartllage, kẻ thù của La Mã
(7) Cottage – nghĩa thường: nhà dân nghèo, ở đây: biệt thự, với nghĩa khiêm tốn