Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Cái Chết Của Ba Người Lính Ngự Lâm

Chương 51: Vua Louls XIV

Tác giả: Alexandre Dumas
Chọn tập

Nhà vua ngồi trong văn phòng, quay lưng ra cửa vào.

Trước mặt là một tấm gương nhờ đó trong khi giở giấy tờ, ông có thể liếc mắt nhìn mà biết được là ai sẽ đến.

Khi d Artagnan vào, ông không ngưng việc, vẫn từ từ đậy các thư từ, các giấy tờ kế hoạch với tấm lụa lớn màu xanh lá cây thường dùng để che những thứ của ông cần giấu kỹ. D Artagnan biết rành cái trò này nên vẫn đứng yên phía sau cho đến lúc Nhà vua liếc thấy người mà không nghe lên tiếng, phải lên tiếng kêu:

– Ông d Artagnan có đấy không?

– Thưa tôi đây! Người lính ngự lâm tiến lại, trả lời.

Đôi mắt long lanh của Nhà vua nhìn thẳng vào d Artagnan:

– Sao, thưa ông, ông có điều gì nói không?

D Artagnan dò xét cử chỉ đầu tiên đó của Nhà vua để tìm lối trả đòn:

– Thưa ngài, tôi à? Tôi chẳng có gì nói với Hoàng thượng cả nếu không phải là về việc Hoàng thượng sai bắt tôi và bây giờ tôi ở đây rồi.

Nhà vua định trả lời là ông không sai bắt d Artagnan nhưng thấy câu đó có vẻ như một lời xin lỗi nên lại thôi.

D Artagnan vẫn bướng bỉnh nín lặng. Nhà vua tiếp lời, mắt nhìn thẳng vào d Artagnan:

– Thưa ông, ta đã bảo ông làm gì ở Belle-Isle? Xin ông nói đi!

D Artagnan mở cờ trong bụng: Nhà vua gãi đúng vào chỗ ngứa của ông rồi. Ông trả lời:

– Hình như Hoàng thượng bận tâm hỏi rằng tôi đã làm gì ở Belle-Isle phải không?

– Thưa ông, đúng.

– Thế thì, thưa ngài, tôi không biết. Không nên hỏi tôi điều đó. Phải. Phải hỏi nơi cái đám vô số, đủ loại sĩ quan đã được ban cho vô số mệnh lệnh, còn về phần tôi, người chỉ huy cuộc hành quân thì không được lệnh gì rõ rệt cả.

Nhà vua thấy động lòng, thốt ra:

– Thưa ông, người ta chỉ ra lệnh cho những ai tỏ ra trung thành mà thôi.

Người lính ngự lâm trả miếng:

– Vì thế nên tôi không ngạc nhiên là một chưởng quan như tôi, có giá trị như là một thống chế của nước Pháp lại phải chịu dưới quyền của năm hay sáu phụ tá, chỉ giỏi rình mò dò xét thôi chớ không biết cóc gì về việc chỉ huy một cuộc hành binh cả. Vì thế tôi mới đến xin Hoàng thượng trả lời thì cửa đóng ngăn. Do bị xúc phạm đến như thế nên tôi chỉ còn có cách là xin được phép không phục vụ Hoàng thượng nữa mà thôi.

Nhà vua nói:

– Thưa ông, ông cứ tưởng là ông vẫn sống trong thời đại mà các ông vua phải chịu quyền định đoạt của các kẻ dưới tay như ông vừa than phiền đấy. Ông hình như quên rằng một ông vua chỉ chịu trách nhiệm trước Thượng đế về hành động của mình thôi.

Lại đến lượt người lính ngự lâm chạnh lòng:

– Thưa ngài, tôi không quên gì cả. Tôi không hiểu sao khi một người lương thiện đến hỏi ông vua xem hắn ta có việc gì lầm lỗi, thì lại bị coi là xúc phạm đến vua.

– Thưa ông, ông có lỗi là đứng về phía những kẻ thù của ta chống lại ta.

– Thưa, ai là kẻ thù của ngài?

– Đó là những người ta sai ông đi đánh.

– Chỉ có hai người mà là kẻ thù của cả quân đội Hoàng gia. Thật là khó tin đó, thưa ngài.

– Ông không được tỏ ý kiến gì về quyết định của ta.

– Tôi phải tỏ ý kiến về tình bạn hữu của tôi.

– Ai phục vụ cho bạn thì không phục vụ cho chủ nhân.

– Thưa ngài, tôi biết rõ điều đó lắm nên tôi mới cung kính xin ngài cho từ chức.

Nhà vua nói:

– Và ta đã nhận cho ông rồi, thưa ông. Trước khi giã từ ông, ta muốn chứng tỏ là ta cũng biết giữ lời hứa.

D Artagnan lạnh lùng nói giọng giễu cợt:

– Hoàng thượng giữ lời hứa quá đấy chứ, vì Hoàng thượng đã sai bắt tôi mà không hề hứa hẹn điều đó với tôi.

Nhà vua xem thường câu đùa cợt đó, trở lại nét mặt nghiêm khắc nói:

– Nào bây giờ xem thử, sự không vâng lời của ông đã khiến cho ta bắt buộc phải làm sao.

– Tôi không vâng lời? – D Artagnan đỏ mặt nổi giận.

Nhà vua tiếp tục:

– Đó là chữ ta dùng nhẹ nhất đấy. Ý định rõ rệt của ta là bắt và phạt những người chống đối. Ta đâu có quan tâm đến việc những kẻ đó là bạn hay không của ông?

D Artagnan trả lời:

– Nhưng tôi thì tôi phải quan tâm. Hoàng thượng sai tôi đi bắt bạn tôi đem đến giá treo cổ là một hành động tàn ác.

– Thưa ông, đó là một cách ta thử thách những kẻ gọi là phục vụ ta đã ăn cơm ta và phải bảo vệ ta. Sự thử thách không thành rồi ông d Artagnan ạ.

Người lính ngự lâm chua chát nói:

– Hoàng thượng mất một người phục vụ kém thì có ngay cùng ngày, mười người đến xin thử thách. Xin ngài hãy nghe tôi đây. Tôi không quen với các công việc đó. Tôi đau lòng phải truy đuổi đến chết hai con người mà kẻ cứu mạng Hoàng thượng là ông Fouquet đã xin ngài để cho họ sống. Hơn nữa hai người ấy còn là bạn thân của tôi. Họ không tấn công vào Hoàng thượng, họ phải chịu chết vì một cơn giận mù quáng. Tại sao lại không để họ trốn đi! Họ đã phạm vào tội ác gì? Tôi nhận là ngài không cho phép tôi xét tư cách hành động của họ. Nhưng tại sao ngài lại nghi ngờ trước khi tôi thể hiện bằng hành động? Tại sao cho người dò xét tôi? Tại sao sỉ nhục tôi trước quân đội? Tại sao một người như tôi được ngài tin cậy hết mực, một người như tôi từng mười ba năm qua ở bên cạnh ngài và được tỏ lòng trung thành đến cả ngàn lần, đúng thế, thưa ngài, phải nói thế vì hôm nay tôi bị tố cáo trái lại – tôi như thế mà bắt tôi phải ngồi nhìn ba ngàn lính của vua tấn công tiêu diệt hai con người?

Nhà vua hạ giọng.

– Nghe ông nói người ta tưởng là ông quên những gì các người ấy đã ra tay đối với ta, nghĩa là ông quan tâm tới họ hơn với sự mất còn của ta.

– Thưa, ngài quên rằng còn tôi ở đó!

– Thôi đủ rồi, ông d Artagnan, không nói đến nữa những chuyện thuộc loại gây áp lực đó làm khuất cả mặt trời quyền lợi của ta. Ta đang lập một quốc gia chỉ có ta là chủ như ngày xưa ta đã hứa với ông. Đây là lúc ta thực hiện lời hứa của ta. Ông muốn chiều theo khuynh hướng và tình cảm của ông mà làm ngăn trở chương trình của ta và cứu thoát các kẻ thù của ta phải không? Ta sẽ bẻ gãy ông hay từ giã ông thôi. Ông hãy đi tìm một chủ nhân khác dễ chịu hơn. Ta biết rõ rằng một ông vua khác sẽ không đối xử như ta và để cho ông lấn át dù là có thể một ngày nào đó sẽ cho ông đi làm bạn với ông Fouquet và những người khác. Nhưng trí nhớ ta tốt lắm, và đối với ta, thành tín là những tước vị thiêng liêng buộc phải ghi ơn, phải không được trừng phạt. Ông d Artagnan ạ, ta chỉ cho ông bài học này để trừng phạt tội bất tuân của ông thôi, ta không bắt chước người trước hành động như khi họ nổi giận hay họ ban phát ân huệ. Và cũng có nhiều lý lẽ khác khiến ta phải đối xử dễ dãi với ông. Đầu tiên là vì ông là người tính tình cao cả, nhạy bén và với ai trị được ông thì ông sẽ trở thành người phục vụ tốt; thứ nữa, là những lý do bất phục tùng của ông sắp hết rồi. Bạn bè ông đã bị chúng ta diệt đi hay tàn huỷ, những điểm tựa mà ông theo phản ứng tự nhiên dựa vào đó để sống theo ý mình đã bị ta làm tan biến đi rồi. Lúc chúng ta đang nói chuyện với nhau đây thì quân sĩ của ta đã bắt hay giết xong những tên phản loạn ở Belle-Isle.

D Artagnan tái mặt, kêu lên:

– Bắt hay giết xong? A, thưa ngài, nếu ngài nghĩ đến những điều vừa nói, nếu ngài chắc chắn đó là sự thật thì tôi sẽ quên tất cả những gì là đúng, phải. Sự hào hiệp có trong lời nói của ngài? Tôi chỉ có thể gọi ngài là một ông vua dã man, một kẻ mất tính người. Nhưng tôi bỏ qua những lời ngài vừa nói, – D Artagnan vừa nói vừa kiêu ngạo mỉm cười. – Tôi bỏ qua những lời của ông hoàng trẻ tuổi không biết, không thể hiểu thế nào là những người như ông D Herblay, như ông Du Vallon, như tôi. Bắt hay giết! Ha, ha, xin ngài hãy tính xem nếu tin đó mà đúng thì ngài phải tốn bao nhiêu nhân mạng và tiền bạc? Rồi sau đó ta sẽ tính lời lãi xem có đáng bỏ công không?

– Ông d Artagnan trả lời với giọng kẻ phản loạn đấy! Xin ông cho ta biết ai là vua nước Pháp? Ông biết có ai khác không.

Người chưởng quan ngự lâm lạnh lùng trả lời:

– Thưa ngài, tôi nhớ vào một buổi sáng ở Vaux, ngài đã hỏi câu ấy với rất nhiều người mà không ai trả lời được, trừ có tôi. Nếu Hoàng thượng ngày hôm đó thấy tôi đã tìm được câu trả lời không dễ ấy, thì ngài cũng không nên đặt lại vấn đề ngày hôm nay, lúc ngài chỉ có một mình trước mặt tôi.

Nghe những lời ấy, Louis XIV cúi mặt xuống. Hình như bóng hình Philippe khốn khổ vừa lướt qua giữa d Artagnan và ông, để nhắc nhở câu chuyện kinh khiếp kia, cùng lúc ấy, một sĩ quan bước vào, đưa cho Nhà vua một bức điện khiến cho Nhà vua đổi sắc mặt khi đọc xong, d Artagnan thấy rõ điều đó. Nhà vua vẫn ngồi yên nín lặng sau khi đọc lại lần thứ hai. Rồi ông bỗng quyết định:

– Điều ta vừa mới biết, sau này thì ông cũng rõ. Cho nên tốt hơn, để tự miệng ta là đấng quân vương nói ra. Có giao tranh ở Belle- Isle đấy. Ta mất một trăm lẻ sáu người.

Ánh mắt vui sướng, kiêu lãnh của d Artagnan sáng lên.

Ông hỏi:

– Còn phe phản loạn?

Nhà vua nói:

– Bọn phản loạn trốn mất.

D Artagnan kêu lên, tiếng vui mừng hân hoan. Louis XIV tiếp:

– Nhưng ta có cả một đội tàu vây siết thật chặt Belle-Isle và nhất định là không có thuyền nào thoát khỏi.

Người lính ngự lâm trở lại ý tưởng ảm đạm cũ:

– Như thế là, nếu hai người đó bị bắt?

– Thì người ta đem treo cổ họ lên – Nhà vua nói giọng thật bình tĩnh.

D Artagnan nén rùng mình rồi nói:

– Thưa ngài, tôi có thể cam đoan với ngài là không bao giờ bắt sống họ được đâu.

Nhà vua thản nhiên cầm bức điện lên:

– Thế thì, người ta sẽ đem xác họ về, ông d Artagnan ạ. Cũng thế thôi, vì ta bắt họ chỉ để treo cổ họ thôi.

D Artagnan giơ tay, chùi mồ hôi chảy ròng ròng trên trán.

Louis XIV nói tiếp:

– Ta đã nói với ông, một ngày nào đó ta sẽ là rnột chủ nhân biết chiều chuộng, rộng rãi và thủy chung với ông. Ngày hôm nay, ông là con người độc nhất của ngày xưa xứng đáng được hưởng sự thịnh nộ và tình yêu của ta. tùy theo hạnh kiểm của ông mà ta sẽ không nề hà ban phát cho cả hai thứ. Ông d Artagnan, ông có thể nào chịu phục vụ một ông vua có hàng trăm ông vua khác, có những người ngang hàng với ông ta trong nước không? Ông thử nói xem có thể nào ta dùng sự yếu ớt ấy để làm công việc vĩ đại mà ta ước ao? Có thể nào một nghệ sĩ sáng tác được những tác phẩm để đời với các dụng cụ chẳng vừa ý không? Chúng ta đã xa rồi thời đại của những thứ mầm cằn cỗi, của những lạm dụng phong kiến. Cuộc nổi loạn Fronde đáng lẽ làm cho vương quyền thất bại thì nó đã tập trung lại được ông d Artagnan ơi, ta bây giờ là chủ nhà ta, và ta sẽ có những người giúp việc có lẽ không có tài như ông nhưng biết trung thành, vâng lời đến mức độ cuồng tín. Ta hỏi ông, cần gì việc Thượng đế không cho các tay chân có được thiên tài? Chỉ cần cho thiên tài nơi cái đầu là đủ, và ông cũng biết, mọi thứ khác đều vâng lời cái đầu. Ta, chính ta là cái đầu đây.

D Artagnan giật nảy mình, Louis tiếp tục như là không thấy gì hết tuy ông không bỏ qua cái giật mình kia.

– Thôi bây giờ, chúng ta làm một giao kết với nhau nhé. Ông hãy nhìn chung quanh xem, các tay tai to mặt lớn đều cúi đầu hết. Ông hãy cúi đầu xuống, hay là chịu đi đày không biết chừng lại hợp với ông hơn. Có lẽ suy nghĩ lại, ông sẽ thấy rằng ông vua này cũng có tấm lòng quảng đại, vẫn chịu tin tưởng vào sự trung thực của ông ngay cả khi ông không bằng lòng, ông, con người đã thấy rõ những bí mật của quốc gia rồi. Ta biết ông là một người ngay thẳng. Tại sao ông lại xét đoán ta khi chưa hết thời hạn cam kết? Ông cứ xét ta bắt đầu ngay từ hôm nay, ông d Artagnan ạ, và cứ nghiêm khắc xét đoán hết mức độ.

Lần đầu tiên trong đời, d Artagnan thấy choáng váng, không nói nên lời, tâm trí chơi vơi không định hướng. Ông vừa tìm thấy một địch thủ thật xứng đáng với ông. Không phải là mưu mô lừa phỉnh nữa mà là tính toán cân nhắc, không phải là sự hung bạo nữa mà là sức mạnh; không phải là cuồng nộ nữa mà là ý chí, không phải là sự khoác lác nữa mà là lời chỉ dạy. Con người trẻ tuổi nay vừa đập Fouquet xong và có thể không cần đến d Artagnan nữa khiến cho những tính toán hơi bướng bỉnh của người lính ngự lâm bị đảo lộn hết. Nhà vua lại dịu dàng nói:

– Sao, ông nghĩ gì thế? Ông vừa xin từ chức xong, ông muốn ta từ chối không? Ta đồng ý là một tay chỉ huy già đời mà phải quyết định lại thì thật khổ tâm.

D Artagnan buồn bã đáp:

– Ôi đó không phải là mối bận tâm lớn nhất của tôi. Tôi lưỡng lự không muốn rút đơn từ chức. Tôi thấy mình đã già trước mặt ngài rồi và vì tôi đã có những thói quen khó bỏ. Từ nay trở đi phải có những cận thần biết làm cho ngài vui, phải có những thằng điên biết liều mình vì những thứ ngài gọi là công trình vĩ đại. Vĩ đại thật đấy, tôi biết, nhưng ví như tôi không thấy nó là vĩ đại thì sao? Thưa ngài, tôi đã thấy chiến tranh, tôi đã thấy hoà bình, tôi đã phục vụ Richelieu và Mazarin, tôi lăn lộn với cha ngài trong lửa đạn ở La Rochelle, bị đạn xăm như cái rổ, làm lại da mới đến hơn mười lần như là lũ rắn. Sau những nhục nhằn và bất công, tôi được một chức chỉ huy, đối với ngày xưa thì cũng ra gì đấy vì có được quyền nói thẳng với vua. Nhưng người chưởng quan ngự lâm quân của ngài bây giờ sẽ chỉ là một sĩ quan giữ cửa nhà bếp thôi. Thực đấy, thưa ngài, nếu công việc của tôi từ nay chỉ là chừng ấy thì nhân lúc chúng ta còn thuận thảo ngài rút lại cho tôi nhờ. Ngài đừng nghĩ rằng tôi ấm ức trong lòng, không, ngài đã trị được tôi như ngài đã nói đấy, nhưng phải công nhận là khi trị được tôi ngài đã làm tôi kém cỏi đi, khi bắt tôi khom mình, ngài đã làm tôi yếu đi. Ngài nên biết rằng ngước dầu đi thẳng là tốt đẹp biết bao và bắt tôi ngửi bụi tấm thảm chân của ngài thật tội nghiệp quá chừng. Ôi, thưa ngài, tôi thành thật luyến tiếc và chắc ngài cũng biết như tôi cái ngày mà ông vua nước Pháp thấy trong phòng chờ có những nhà quý tộc ngạo mạn, gầy ốm, lúc nào cũng càu nhàu, rách rưới, tinh ranh, vừa mới ăn đòn chiến trận trở về. Những người ấy là cận thần tinh anh nhất dưới tay người nuôi dưỡng họ; họ biết lè lưỡi liếm người chủ, nhưng với bàn tay đập họ thì ôi, những vết cắn sẽ gọn gẽ làm sao? Một chút vàng trên lon áo, một chút bụng mỡ bên trong quấn ngắn, một chút màu xám trong mái tóc khô đó, thế là ngài sẽ thấy họ thành những hầu tước, công khanh đẹp đẽ, những thống chế oai hùng của nước Pháp. Nhưng nói như thế để làm gì? Hoàng thượng là chủ nhân của tôi, ngài bắt tôi phải làm thơ, ngài bắt tôi phải mang giầy lụa, chùi bóng nền tiền sảnh của ngài. Chán quá! khó thật, nhưng tôi đã từng làm những việc khó hơn nhiều. Tôi sẽ làm. Tại sao tôi sẽ làm! Vì tôi thích có tiền chăng? Tôi đã có rồi. Vì tôi tham vọng chăng? Chức phận tôi có hạn. Vì tôi yêu triều đình chăng? Không. Tôi ở lại vì tôi đã quen trong ba mươi năm đến chỗ vua lấy lệnh, được nghe nói với tôi “Chào ông d Artagnan” với nụ cười tôi không phải ăn mày mới có nụ cười ấy, rồi tôi sẽ phải van xin mới có. Thưa Hoàng thượng, ngài bằng lòng rồi chứ?

Thế rồi d Artagnan từ từ cúi khom cái đầu bạc xuống và nhà vua kiêu ngạo mỉm cười đặt bàn tay trắng trẻo lên đấy:

– Cám ơn, người giúp việc lâu năm của tôi, người bạn trung thành của tôi. Từ nay vì ta không còn có kẻ thù trên đất Pháp, ta phải gửi ông đi đến một chiến trường lạ để nhặt về cây gậy thống chế cho ông. Hãy tin vào ta để chờ dịp. Trong lúc chờ đợi cứ ăn thử bánh ngon của ta và ngủ thật yên.

D Artagnan cảm động nói:

– Thật sớm. Nhưng các con người khốn khổ ở Belle-Isle thì sao? Nhất là một người ở đấy, thật tốt, thật dũng cảm.

– Có phải là ông xin ta tha cho họ không?

– Tôi lấy đầu tôi bảo lãnh.

– Thôi đi lãnh họ đi. Mai ta về Paris. Ông nên trở lại vì ta không muốn ông rời ta nữa.

– Xin ngài an lòng. – D Artagnan nói và cúi xuống hôn tay Nhà vua.

Thế rồi ông vui mừng hớn hở phóng vụt ra khỏi lâu đài hướng về Belle-Isle.

Chọn tập
Bình luận