Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Cái Chết Của Ba Người Lính Ngự Lâm

Chương 35: Nhận ra vua

Tác giả: Alexandre Dumas
Chọn tập

Hai người cùng đổ xô tới nhau và cùng khự lại khi nhìn thấy nhau và kêu lên khinh khiếp. Nhà vua hỏi khi nhận ra Fouquet:

– Sao, ông đến đây để giết tôi đấy à?

Viên đại thần lẩm bẩm:

– Vua ta như thế này ư?

Thực vậy, chẳng có gì khủng khiếp hơn dáng vẻ của Nhà vua. Áo quần nhiều mảnh tả tơi, chiếc áo cánh hở hang, rách bươm, nhuốm mồ hôi và máu ứa ra từ lồng ngực và những cánh tay trầy sát. Mắt trợn trừng, mặt tái xanh, miệng sủi bọt, tóc bù xù.

Louis XIV đúng là hình ảnh của sự tuyệt vọng, của đói khát của nỗi sợ hãi dồn lại. Fouquet đầy xúc động mắt mờ lệ, giang hai tay. Louis cầm chiếc chân ghế giơ lên về phía Fouquet. Ông này run giọng nói:

– Sao, ngài không nhận ra người bạn trung thành nhất của ngài?

– Bạn, ông mà là bạn à? – Louis lặp lại và nghiến răng nghe như tiếng của căm hờn và lòng khát khao mong muốn được trả thù.

Fouquet vội vàng quỳ xuống:

– Là một người phục vụ hết mình.

Nhà vua thả vũ khí xụống. Fouquet tiến lại gần, hôn gối và âu yếm ông vào lòng, nói:

– Vua của tôi khốn khổ làm sao!

Louis, nhờ sự thay đổi trước mắt, sực nhớ ra và nhìn lại mình, thật xấu hổ vì quần áo xộc xệch, thân xác điên dại, vì sự ôm ấp che chở phải nhận chịu, nên bước lùi lại.

– Xin Hoàng thượng đến đây ngài được tự do rồi.

– Tự do, – Nhà vua lặp lại – Ô! Ông cho ta tự do sau khi bắt ta đấy à?

Fouquet tức giận la lên:

– Ngài không tin tôi à? Ngài không tin rằng tôi chẳng tội tình gì hết trong vụ này sao?

Rồi ông thuật lại rất mau cho vua nghe mọi chi tiết của âm mưu mà ta đã biết. Louis XIV phải chịu đựng nỗi lo sợ day dứt suốt cả lúc nghe, và sau đó ông nhận ra sự nguy ngập to lớn ông phải trải qua, thấy nó còn quan trọng hơn việc mình có người anh em song sinh bị nhốt trong ngục. Ông vụt nói với Fouquet:

– Này ông, chuyện sinh đôi là chuyện láo toét. Không thể nào có chuyện ông bị lừa. Không thể nào nghi ngờ danh dự, đức hạnh của mẹ ta được. Còn vị tể tướng của ta há chẳng từng xử những tên tội phạm đấy ư?

Fouquet trả lời:

– Xin ngài hãy nghĩ cho kỹ rồi mới tức giận sau. Việc sinh ra người anh em song sinh với ngài.

– Ta chỉ có một người em. Đó là Hoàng thân. Và ông biết điều đó cũng như ta vậy. Chuyện này là một âm mưu, bắt đầu từ viên chủ ngục Bastille.

– Xin ngài cẩn thận. Người đó bị lầm lẫn cũng như mọi người chỉ vì có sự giống nhau.

– Giống à?

– Tên Marchiali đó tất phải giống Hoàng thượng đến mức ai cũng phải lẫn. – Fouquet nhấn mạnh.

– Có là chuyện điên?

– Xin ngài đừng nói như thế. Bọn đó muốn đối phó với con mắt của các quan trong triều, của mẹ ngài, các sĩ quan, cả gia đình ngài, bọn đó nhất định phải biết chắc về sự giống nhau.

Nhà vua lẩm bẩm:

– Đúng vậy. Bọn đó bây giờ ở đâu?

– Ỏ Vaux đấy.

– Ở Vaux! Ông chịu để họ ở Vaux à?

Tôi thấy chuyện quan trọng nhất là giải thoát cho Hoàng thượng. Tôi đã làm xong việc đó. Bây giờ ngài hãy ra lệnh đi. Tôi đợi đây.

Louis nghĩ một lúc rồi nói:

– Bây giờ ta tụ tập quân đội về Paris.

Fouquet trả lời:

– Lệnh này đã ra rồi.

Nhà vua la lên:

– Ông ra lệnh à?

– Nếu chỉ như thế thì đúng. Một tiếng đồng hồ nữa Hoàng thượng sẽ có ngay một trăm ngàn người.

Thay cho câu trả lời. Nhà vua nắm lấy tay Fouquet bóp mạnh khiến cho ta có thể thấy rằng đến lúc này, nhà vua vẫn còn biết bao nghi ngờ đối với viên đại thần. Rồi ông nói:

– Chúng ta mang quân ấy vây nhà ông bắt bọn phản loạn.

Fouquet trả lời:

– Tôi không tin là sẽ bắt được.

– Tại sao?

– Bởi vì tên đầu đảng, linh hồn của âm mưu, đã bị tôi lột mặt nạ thì kế hoạch đó bị sụp đổ hết rồi.

– Ông đã lột mặt nạ ông vua giả chưa?

– Chưa, tôi chưa gặp ông ta.

– Người kia là ai?

– Người chủ mưu không phải là kẻ khốn khổ kia đâu. Tôi thấy người này chỉ là một công cụ chịu đựng khốn khổ suốt đời Đầu dây mối nhợ là ông D Herblay, giám mục Vannes.

– Bạn thân của ông?

– Thưa ngài, đúng là bạn thân của tôi, – Fouquet trả lời thẳng thắn.

– Thật khốn cho ông – Nhà vua nói với giọng kém khoan dung hơn.

– Thưa ngài, chuyện thân thiết như thế sẽ không làm cho tôi mất danh dự chừng nào tôi còn chưa biết về tội ác xảy ra.

– Nhưng ông phải tiên liệu.

– Nếu tôi phạm tội thì xin tuỳ tay Hoàng thượng xét.

– Ồ, không phải ta nói về điều này đâu, ông Fouquet ạ, – Nhà vua trả lời, hơi giận mình vì đã tỏ bày những ý nghĩ cay đắng. – Tuy tên khốn đó mang mặt nạ, nhưng ta cũng nghi ngờ là ông ta. Nhưng ngoài người chủ mưu còn có tay thuộc hạ thân xác lực lưỡng, đe doạ ta. Hắn là ai?

– Có thể là bạn của y, Nam tước Du Vallon, cựu ngự lâm quân.

– Bạn thân của d Artagnan? Của Bá tước De La Fère – Louis kêu to cái tên cuối cùng. – Ô, chớ quên mối quan hệ giữa các tay âm mưu đó với ông Bragelone.

– Thưa ngài, thưa ngài, chớ đi quá xa. Ông De La Fère là người lương thiện nhất nước Pháp đấy. Xin ngài hãy tạm bằng lòng với số người mà tôi nói ra thôi.

– Với người ông nói cho ta thôi! Tốt. Ông nói ra những tên tội phạm ấy phải không?

Fouquet hỏi:

– Hoàng thượng có ý gì thế?

Nhà vua trả lời:

– Ta có ý là sẽ mang quân đến Vaux, chộp lấy cái ổ rắn độc ấy, không cho kẻ nào thoát hết, không ai hết phải không?

Fouquet kêu lên:

– Hoàng thượng giết hết họ à.

– Giết tới tên cuối cùng.

– Ô, thưa ngài!

Nhà vua kiêu hãnh nói:

– Nên hiểu nhau, ông Fouquet ạ. Ta không còn sống trong thời mà lối ám sát là lý lẽ độc nhất, cuối cùng của các ông vua. Không, thật cảm ơn Chúa! Ta còn nghị viện, nhân danh ta xét xử và ta có máy chém thi hành các lệnh tối thượng của ta!

Fouquet xanh mặt, nói:

– Tôi xin cả gan lưu ý Hoàng thượng rằng mọi chi tiết về cả tai tiếng tệ hại cho danh dự hoàng triều. Không nên để cho tiếng tăm của ngài Anne d Autriche chịu lời đàm tiếu của mọi người.

– Công lý phải được thi hành, ông ạ.

– Thưa ngài, đúng. Nhưng giọt máu của hoàng gia không thể rơi trên đoạn đầu đài được.

Nhà vua giậm chân trên nền gạch kêu lên:

– Giọt máu Hoàng gia, ông cũng tin thế à? Chuyện sinh đôi ấy là chuyện bịa! Cứ nhìn vào chuyện bịa ấy là ta thấy tội ác của D Herblay. Ta phải trừng phạt tội ác đó.

– Và trừng phạt bằng án tử hình?

– Tử hình, đúng đấy ông ạ.

Ông tổng giám hiên ngang ngước khuôn mặt lúc nãy giờ vẫn cúi xuống, nói với giọng kiên quyết:

– Thưa Hoàng thượng, nếu muốn thì ngài cho chặt đầu em ngài, Philippe của nước Pháp, đó là tuỳ ý ngài. Điều này chỉ liên quan tới ngài và việc này ngài sẽ phải đi hỏi mẹ ngài, Anne d Autriche ra lệnh thì sẽ được tuân theo. Tôi không muốn chen vào, dù là vì danh dự của ngài cũng vậy. Tôi chỉ xin ngài một ân huệ mà thôi.

– Ông nói đi! – Nhà vua xúc động trước những lời nói cuối cùng của viên đại thần, – ông cần gì?

– Tôi xin tha cho ông D Herblay và ông Du Vallon.

– Tha cho các tên định giết ta à?

– Thưa ngài, hai tay chống đối, chỉ có thế thôi.

– Ồ ta biết rằng ông xin tha cho các bạn của ông. Bạn là chuyện của ông, nhưng sự an toàn của quốc gia đòi hỏi ta phải trừng phạt những kẻ phạm tội để làm gương cho kẻ khác.

– Tôi không giám nói với Hoàng thượng là tôi vừa làm cho ngài được tự do, vừa cứu mạng sống cho ngài.

– Ô! Ông?

– Tôi cũng không dám bày tỏ ý kiến là nếu ông D Herblay muốn làm kẻ sát nhân thì sáng nay ông ta chỉ có việc đơn giản là chỉ việc giết ngài trong rừng Senar và thế là ổn thoả hết.

Nhà vua giật mình, khuôn mặt nhăn lại, mất hết tinh thần trong khi ông Fouquet tiếp tục:

– Một phát đạn súng lục vào đầu thế là ông D Herblay được miễn hết tội. Ông D Herblay nếu là kẻ sát nhân thì cũng không cần kể lại hết cho tôi mưu kế của ông mới thấy là thành công. Kẻ tranh dành quyền được Anne d Autriche công nhận sẽ vẫn là con của bà, theo ông D Herblay nhận định trước lương tâm, kẻ tranh giành quyền vẫn thuộc dòng máu Louis XIII. Hơn nữa, kẻ âm mưu muốn chắc chắn được đảm bảo yên lành bí mật, không bị trừng phạt thì chỉ cần một phát súng là đủ rồi. Xin ngài hãy nhân danh sự cứu rỗi của ngài mà tha cho y?

Nhà vua thay vì xúc động vì được nghe diễn tả thật đúng về sự hào hiệp của Armis lại cảm thấy xấu hổ nhục nhã. Tính kêu ngạo vô chừng của ông khiến ông không chịu nhận là có một kẻ cầm chắc mạng sống của bậc vương giả ở một đầu dây treo cổ. Mỗi lời nói mà Fouquet tưởng là có hiệu quả trong việc xin tha cho người bạn, lại thêm một giọt độc vào trong trái tim của Louis XIV. Không có gì làm ông mềm lòng, nên ông gay gắt nói với Fouquet:

– Ta không hiểu tại sao ông lại xin ta tha cho những kẻ đó! Xin làm gì cái điều mà không cần cầu khẩu cũng đã có rồi!

– Thưa ngài, tôi không hiểu.

– Dễ lắm mà. Ta đang ở đâu đây?

– Thưa ngài ở ngục Bastille.

– Ờ, trong một hầm tối. Ta bị coi là một tên điên phải không?

– Thưa ngài, đúng vậy.

Và ở đây ai cũng chỉ biết đến Marchiali phải không? Thế thì, đừng thay đổi gì cả. Để cho thằng điên chết rục trong một xó tối của ngục Bastille và các ông D Herblay, De Vallon không cần ta tha tội cho nữa. Để cho ông vua mới của họ xử.

Fouquet bực bội trả lời:

– Hoàng thượng, ngài mắng rủa tôi rồi và ngài đã sai đấy. Tôi không phải là trẻ con, ông D Herblay cũng không phải là người ngu ngốc mà không nghĩ mọi điều như thế. Nếu tôi muốn phò một ông vua mới thì tôi không phải mất công tôi chạy xô vào ngục Bastille để lôi ngài ra, chuyện đó rõ ràng quá rồi. Hoàng thượng không thấy vì ngài đang tức giận thế thôi. Nói khác đi ngài không nên vô cớ mà làm tổn thương người bầy tôi đã giúp ngài công việc hệ trọng nhất.

Louis nhận ra là ông đã đi quá xa, cửa ngục vẫn còn đóng trong khi ông Fouquet khoan nhượng lại đang cố kìm nỗi tức giận sắp tràn ngập và có thể đổ lên đầu ông.

– Ta không muốn làm nhục ông. Chúa phạt ta đi! Có điều là ông hỏi xin ta ân huệ và ta chỉ trả lời theo lương tâm ta thôi.

Thế mà theo ta thì những tội phạm đó không đáng được ân xá, tha lỗi gì hết.

Fouquet không trả lời. Nhà vua tiếp:

– Điều ta làm chứng tỏ thật khoan dung như là điều ông làm vậy vì ta đang ở trong tay ông. Có thể nói là còn khoan dung hơn nữa vì ông đang đặt ta trước điều kiện bắt tuỳ thuộc vào đó sự tự do, mạng sống của ta mà nếu không chịu thì là phải hy sinh chúng thôi.

Fouquet trả lời:

– Đúng là tôi có lỗi. Tôi có vẻ như đòi hỏi một sự ân xá.

Tôi rất ân hận và xin lỗi Hoàng thượng.

Ông được tha lỗi rồi, ông Fouquet thân mến ạ. Louis mỉm cười nói:

– Ta đã được tha thứ rồi, – Fouquet vẫn cứng đầu tiếp tục, – nhưng còn các ông De Heblay và Du Vallon thì sao?

Nhà vua trả lời như cũ:

– Ta còn sống thì họ còn không được tha. Ông giúp ta đừng nhắc chuyện ấy nữa?

– Xin tuân lệnh Hoàng thượng.

– Còn ông thì hờn oán gì ta nữa phải không?

– Ờ thưa ngài, không. Vì tôi đã tính trước trường hợp này rồi.

– Ông biết trước rằng ta sẽ từ chối tha cho các ông đó.

– Vâng, đúng thế và tôi đã sắp đặt sẵn hết rồi.

Nhà vua ngạc nhiên kêu lên:

– Ông nói gì thế?

– Có thể nói là ông D Herblay đến dâng mình cho tôi, ông D Herblay cho tôi có hân hạnh cứu vua tôi và nước tôi. Tôi không thể kết tội tử hình ông D Herblay. Tôi lại cũng không thể để ông ta chịu cơn thịnh nộ của Hoàng thượng. Vì như thế là cũng như tự tay giết ông ta vậy.

– Thế thì ông làm sao?

– Thưa ngài, tôi đã đưa cho ông D Herblay con ngựa tốt nhất của tôi. Và Hoàng thượng có sai người đuổi thì cũng chậm hơn bốn tiếng đồng hồ rồi.

Nhà vua lẩm bẩm:

– Thôi được Nhưng thế giới thật to rộng đủ để cho những người ta sai đi sẽ đuổi kịp, sẽ lấy lại bốn tiếng đồng hồ mà ông tặng cho ông D Herblay.

– Thưa ngài, cho ông ta bốn tiếng đồng hồ là tôi biết tôi cho ông ta mạng sống. Nhất định ông ta sống được.

– Tại sao vậy?

– Sau khi lên ngựa chạy đi ông ta sẽ đến lâu đài của tôi ở Belle-Isle.

– Được rồi? Nhưng ông quên là ông đã tặng Belle-Isle cho ta sao? Ta cho lính ngự lâm đi bắt là xong.

Fouquet lạnh lùng nói:

– Cả ngự lâm quân, cả quân đội cũng không được. Không thể chiếm được Belle-Isle.

Mặt nhà vua trắng bệch, mắt tóe lửa. Fouquet tưởng là thua rồi. Nhưng vốn là người không chịu lùi bước khi bảo vệ danh dự nên ông nhìn lại, chịu đựng cái nhìn cay độc của Nhà vua. Louis XIV nén giận dữ và nói sau một lúc im lặng.

– Bây giờ chúng ta đi Vaux phải không?

Fouquet nghiêng mình thật thấp, kính cẩn trả lời:

– Xin tuân lệnh Hoàng thượng. Nhưng tôi nghĩ là Hoàng thượng nên thay quần áo trước khi ra trước triều đình.

– Chúng ta ghé qua điện Louvre vậy.

Thế rồi hai người đi ra trước mặt ông Baisemeaux đang kinh hoảng bứt râu bứt tóc một lần nữa khi lại nhìn thấy Marchiali đi ra.

Tất nhiên là Fouquet cho ông tấm giấy thả người tù, dưới đó có viết: Đã đọc và đồng ý: Louis.

Chọn tập
Bình luận