Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Cái Chết Của Ba Người Lính Ngự Lâm

Chương 13: Ngày hôm sau

Tác giả: Alexandre Dumas
Chọn tập

Bảy giờ sáng. Những tia nắng mai đầu tiên rơi xuống các ao đầm, phản chiếu hình ảnh của mặt trời như một quả cầu đỏ ối.

Athos thức dậy, mở chiếc cửa sổ phòng ngủ nhìn ra hướng bờ sông. Bỗng ông thấy cách đó khoảng mười lăm bước, viên trung sĩ và những người lính đã theo ông về nhà đêm qua, và đã trở về trại theo lề đường bên phải – sau khi cất kỹ những cái thùng trong nhà ông.

Vì sao, sau khi trở về trại rồi, những người này lại quay trở lại? Câu hỏi đó đột ngột nảy ra trong đầu Athos.

Viên trung sĩ, đầu ngẩng cao, có vẻ đang ngóng đợi ông xuất hiện để hỏi han điều gì. Athos không giấu được sự ngạc nhiên khi gặp lại họ. Viên trung sĩ nói:

– Thưa ngài, điều này không có gì đáng ngạc nhiên, bởi vì hôm qua Đại tướng đã căn dặn tôi bảo vệ an toàn cho ngài, và tôi phải thi hành lệnh này.

– Đại tướng hiện đang ở trong trại phải không? – Athos hỏi.

– Thưa ngài, hẳn là thế, bởi vì hôm qua ngài đã từ giã ông ấy ngay tại đó.

– Vậy, anh hãy đợi tôi một chút, tôi sẽ đi đến đó để báo cáo rằng anh đã sốt sắng làm tròn nhiệm vụ, và để lấy lại thanh gươm mà tôi đã bỏ quên trên bàn hôm qua. viên trung sĩ nói:

– Ý định của ngài đến thật đúng lúc, vì chúng tôi cũng sắp yêu cầu ngài điều này.

Athos thoáng nhận thấy một vẻ ân cần hơi lạ trên gương mặt người trung sĩ, nhưng có lẽ cuộc phiêu lưu dưới đường hầm vừa qua đã tác động đến anh ta, và như thế không có gì đáng ngạc nhiên nếu anh ta do xáo động tâm trí mà bộc lộ một ít cảm xúc. Thế là Athos cẩn thận đóng các cửa ra vào và gởi chìa khoá cho Grimaud- ông này đã chọn chỗ ở của mình ngay trong căn chái dẫn đến căn hầm chứa các thùng tiền. Viên trung sĩ đi kèm sát bên Bá tước De La Fère đến tận đại bản doanh. Nơi đó, một toán lính khác đang chờ sẵn để thay thế bốn người.

Toán lính mới này do người sĩ quan tuỳ tùng tên là Digby chỉ huy, và trên đường đi, anh chàng này nhìn Athos phải tự hỏi do đâu có sự canh chừng nghiêm ngặt này – trong khi hôm qua ông đã được hoàn toàn tự do.

Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục đi về phía bản doanh, giữ kín không để lộ ra ngoài những nhận xét và ý nghĩ của mình. Trong căn lều của Đại tướng, nơi ông đã được đưa đến hôm qua, Athos gặp ba sĩ quan cao cấp: Người phụ tá của Monck và hai viên đại tá ông cũng nhận ra thanh gươm của mình, vẫn còn nằm ngay chỗ cũ ở trên bàn của Đại tướng.

Không một sĩ quan nào biết chuyện xảy ra ở đây vào ngày hôm trước, do đó không người nào biết mặt ông. Người phụ tá của Monck hỏi đây có phải đúng là nhà quý tộc đã cùng đi ra khỏi lều với Đại tướng không.

Viên trung sĩ đáp:

– Thưa ngài, phải. Đúng là ông ta đấy.

Athos nói với giọng cao ngạo:

– Này tôi có chối đâu. Còn bây giờ đến phiên tôi: xin quý vị cho tôi được biết tất cả những câu hỏi vừa rồi của quý vị có mục đích gì, và nhất là xin quý vị giải thích vì sao quý vị đặt những câu hỏi đó với một cái giọng như thế.

Người phụ tá của Monck nói:

– Thưa ông, chúng tôi hỏi là vì chúng tôi có quyền, và nếu chúng tôi hỏi ông với cái giọng như thế, là vì cái giọng này, xin ông hãy tin tôi, nói thích hợp với tình thế này.

Athos nói:

– Thưa quý vị, quý vị không biết tôi là ai, nhưng tôi phải cho quý vị biết điều này: tại đây tôi chỉ nhìn nhận có Đại tướng Monck ngang hàng với tôi thôi. Ông ấy ở đâu? Yêu cầu hãy đưa tôi đến gặp, và nếu chính ông ấy có điều gì muốn hỏi, tôi sẽ trả lời.

– Kìa? – Người phụ tá thốt lên, – tôi nghĩ là ông biết rành hơn chúng tôi rằng ông ấy hiện đang ở đâu chứ.

– Dĩ nhiên là ông.

Athos nói:

– Thưa ông, tôi không hiểu ông muốn nói gì.

– Thưa ông, rồi ông sẽ hiểu, và trước hết, yêu cầu ông thấp giọng hơn. Hôm qua Đại tướng đã nói gì với ông?

Athos mỉm một nụ cười khinh thị. Một trong hai viên đại tá giận dữ kêu lên:

– Chúng tôi không muốn ông cười, chúng tôi muốn ông trả lời.

– Và tôi, thưa quý vị, tôi khẳng định rằng tôi sẽ không trả lời cho quý vị một điều gì cả nếu không có mặt Đại tướng.

Viên đại tá vừa nói khi nãy lặp lại:

– Nhưng ông biết rõ là ông đòi hỏi một điều không thể có được.

Athos tiếp lời:

– Đây là lần thứ nhì người ta trả lời một cách kỳ quặc về ý tôi nêu lên. Có phải Đại tướng đi vắng không?

Câu hỏi của Athos có vẻ quá thành thật, và nhà quý tộc lộ một vẻ ngạc nhiên không chút dối trá khiến ba người sĩ quan phải đưa mắt nhìn nhau. Như có một sự thoả thuận mặc nhiên của hai sĩ quan kia, người phụ tá lên tiếng hỏi:

– Thưa ông, hôm qua Đại tướng đã từ giã ông ngay tại ranh giới của tu viện phải không ạ?

– Thưa ông, phải.

– Và ông đã đi!

– Xin để những người lính đã đi theo tôi trả lời câu hỏi đó. Họ là lính của ông, ông hãy hỏi họ xem.

– Nhưng nếu chúng tôi thích hỏi ông thì sao?

– Thế thì, thưa ông, tôi muốn trả lời rằng tôi không thuộc quyền của bất cứ ai đây, rằng ở đây tôi chỉ biết có Đại tướng, và tôi sẽ chỉ trả lời với ông ấy thôi.

– Thưa ông, cũng được. Nhưng vì bây giờ chúng tôi là chủ nhân ở đây, chúng tôi sẽ họp thành toà án quân sự, và khi ông đứng trước các quan toà, ông sẽ bắt buộc phải trả lời họ.

Gương mặt của Athos chỉ biểu lộ sự ngạc nhiên và sự khinh thường thay vì sợ hãi như các sĩ quan muốn gây ra khi họ lên giọng đe doạ như thế. Ông nhún vai nói:

– Những quan toà người Scotland hay người Anh, để xử tôi một thần dân của nước Pháp, tôi là kẻ được danh dự của nước Anh bảo vệ! Các ông điên rồi!

Các sĩ quan nhìn nhau rồi nói:

– Vậy thưa ông, ông bảo rằng ông không biết Đại tướng ở đâu à?

– Thưa ông, về điều này tôi đã trả lời ông rồi.

– Phải, nhưng câu trả lời của ông không thể tin được.

– Tuy nhiên, thưa quý vị, nó là sự thật. Những người thuộc hạng như tôi thường không thể nói dối. Tôi đã nói với các ông: tôi là một người quý tộc, và khi tôi mang gươm bên mình, lưỡi gươm mà hôm qua, do một sự tế nhị quá độ, tôi đã để lại trên cái bàn này, và nó hãy còn nằm kia, thì các ông hãy tin đi, không kẻ nào có thể nói với tôi những điều mà tôi không muốn nghe. Ngày hôm nay, tôi không có vũ khí, nếu các ông tự cho mình là những quan toà thì hãy xét xử tôi đi, nếu các ông chỉ là những đao phủ thì hãy giết tôi đi! Hôm qua tôi đã đến đây để nói chuyện riêng với Đại tướng của các ông về những vấn đề quan trọng. Và ông ấy đã dành cho tôi một sự tiếp đãi không phải bình thường. Những báo cáo của binh sĩ các ông có thể chứng tỏ điều này. Vậy nếu Đại tướng của các ông đã tiếp tôi như thế, hẳn các ông phải biết rõ tôi đáng được tôn trọng đến mức nào. Bây giờ chắc các ông không đòi hỏi tôi sẽ tiết lộ những bí mật của tôi, và lại càng không thể tiết lộ những bí mật của ông ấy nữa.

– Nhưng những cái thùng đó, chúng đựng thứ gì vậy?

– Ông không hỏi binh sĩ của ông sao? Họ đã trả lời các ông thế nào?

– Rằng chúng đựng thuốc súng và đạn.

– Ai cho họ những tin tức này? Chắc họ đã nói cho các ông biết rồi!

– Chính Đại tướng, nhưng chúng tôi không bị lừa đâu.

– Xin ông hãy thận trọng, đây không phải là ông bác bỏ lời khẳng định của tôi nữa, mà là của người chỉ huy các ông đấy.

Các sĩ quan nhìn nhau. Athos tiếp tục:

– Trước binh sĩ, Đại tướng đã bảo tôi chờ trong tám ngày, trong tám ngày nữa tôi sẽ nhận câu trả lời của ông. Tôi có bỏ trốn không? Không, tôi vẫn ở lại đợi.

Người phụ tá kêu lên:

– Đại tướng bảo ông chờ ông ấy tám ngày?

– Thưa ông, ông ấy đã nói với tôi điều đó thật rõ ràng. Tôi có một chiếc tàu nhỏ đang bỏ neo ở cửa sông, và hôm qua tôi đã có thể lên tàu ra đi một cách dễ dàng. Thế nhưng tôi vẫn ở lại, duy nhất chỉ vì muốn làm theo ý muốn của Đại tướng. Ngài đã căn dặn tôi đừng bỏ ra đi trước khi có buổi hội kiến cuối cùng mà chính ngài đã ấn định vào tám ngày sau. Vì thế tôi xin lập lại với ông, tôi đang chờ đợi.

Người phụ tá quay qua hai sĩ quan kia, và hạ thấp giọng:

– Nếu nhà quý tộc này nói thật, chúng ta hãy còn hy vọng. Chắc Đại tướng đang thực hiện vài cuộc thương lượng bí mật đến độ ông nghĩ rằng tiết lộ cho người khác – kể cả chúng ta cũng vậy – là một việc làm thiếu thận trọng. Vậy ông chỉ vắng mặt tối đa là tám ngày thôi.

Đoạn quay về phía Athos, ông ta nói:

– Thưa ông, lời phát biểu của ông có một tầm quan trọng vô cùng lớn lao, vậy ông có vui lòng chịu thề không?

Athos trả lời:

– Thưa ông, tôi vẫn sống trong một thế giới mà mỗi lời nói của tôi dầu là giản dị nhất, đều được xem như lời thề thiêng liêng nhất.

– Thưa ông, tuy nhiên trường hợp này lại trầm trọng hơn bất cứ trường hợp nào ông đã trải qua. Đây là vấn đề sống chết của cả một đạo quân. Xin ông hãy nghĩ kỹ đến điều này: Đại tướng đã mất tích, chúng tôi đang tìm kiếm ông ấy. Sự mất tích này có phải bình thường không? Hay đã có một tội ác xảy ra? Chúng tôi có phải thúc đẩy những cuộc điều tra cho đến cùng không? Hay là chúng tôi phải kiên nhẫn chờ đợi? Trong lúc này, thưa ông, tất cả đều tuỳ thuộc vào lời ông thôi.

– Thưa ông, nếu ông đặt câu hỏi như thế, tôi không còn ngần ngại gì nữa. Phải, tôi đến đây nói chuyện riêng với Đại tướng Monck và yêu cầu ông ấy trả lời về một số vấn đề quan trọng, phải có lẽ vì Đại tướng không thể quyết định được trong khi phải chờ trận đánh sắp tới, nên ông ấy đã yêu cầu tôi nán lại thêm tám ngày nữa trong ngôi nhà tôi đang ở, với lời hứa rằng trong tám ngày nữa tôi sẽ gặp lại ông ấy. Phải, tất cả những điều đó đều đúng sự thật, và tôi xin thề trước Thượng đế, chúa tể tuyệt đối của đời tôi và đời các ông.

Lời Athos thật trang trọng và nghiêm túc khiến ba sĩ quan hầu như không còn nghi ngờ gì nữa. Tuy vậy, một viên đại tá vẫn cố nói thêm:

– Thưa ông, mặc dầu bây giờ chúng tôi đã tin chắc về sự thật của những điều ông vừa nói, nhưng vẫn thấy còn chưa hiểu một điều thật lạ. Đại tướng là một người rất thận trọng, ông ấy không thể rời bỏ đạo quân của ông ấy trước lúc sắp xảy ra một trận đánh mà không báo trước ít nhất cho một người trong chúng tôi biết. Riêng tôi, tôi thú thật không thể tin rằng không có một sự kiện kỳ lạ nào đó đã gây ra sự mất tích của ông ấy. Ngày hôm qua, có những ngư dân ngoại quốc đến đây bán cá, chúng tôi đã cho họ ngủ trong nhà những người Scotland ở đằng kia, nghĩa là trên con đường mà Đại tướng đã đi để đến tu viện với ông và trở về. Chính một trong những ngư dân này đã cầm một chiếc đèn bão đi theo Đại tướng. Và sáng nay, chiếc thuyền cùng với đám ngư dân đều biến mất, theo dòng thuỷ triều đưa ra khơi trong đêm tối.

Người phụ tá nói:

– Riêng tôi, tôi thấy đó chỉ là chuyện tự nhiên, bởi vì, nói cho cùng, những người đó không phải là tù nhân.

– Dĩ nhiên là không, nhưng tôi lặp lại, chính một trong những người đó đã soi đường cho Đại tướng và ông đây trong đường hầm của tu viện, và Digby đã quả quyết với chúng ta rằng Đại tướng đã có rất nhiều nghi ngờ đối với những người đó. Nhưng ai có thể bảo chúng ta rằng những ngư dân này không thông đồng với ông đây, và khi đã thi hành xong thủ đoạn, ông đây, chắc chắn là người rất can đảm, đã ở lại để trấn an chúng ta bằng sự hiện diện của mình, và ngăn cản không cho những cuộc tìm kiếm của chúng ta đi đúng hướng.

Những lời lẽ này đã có ảnh hưởng mạnh đối với hai sĩ quan kia. Athos nói:

– Thưa ông, xin phép nói với ông rằng những ý suy luận của ông tuy bề ngoài nghe có vẻ hợp lý, nhưng thiếu sự vững chắc về những gì liên hệ đến tôi. Ông cho là tôi đã ở lại để đánh lạc hướng các ông. Thế nhưng, ngược lại, tôi cũng có những điều nghi ngờ như ông, và tôi xin thưa với ông: không thể nào, trước lúc trận đánh sắp diễn ra và Đại tướng có thể bỏ đi không nói gì cho ai biết hết. Phải, có chuyện thật khó hiểu, phải, thay vì ngồi khoanh tay chờ đợi, các ông phải hoạt động mạnh lên, phải làm tất cả những điều gì cần thiết và có thể làm được. Thưa các ông bây giờ tôi là tù nhân của các ông, tù nhân bằng lời hứa hay bằng gì cũng được. Vì danh dự của tôi, tôi rất chú trọng đến những gì đã xảy đến cho Đại tướng Monck, đến độ nếu các ông bảo tôi: Hãy đi đi! Tôi sẽ trả lời: Không, tôi ở lại. Và nếu các ông muốn hỏi ý kiến tôi, tôi sẽ nói thêm: Phải, Đại tướng đang là nạn nhân của một cuộc âm mưu nào đó, bởi vì nếu ông ấy có việc rời trại chắc ông ấy đã báo cho tôi biết. Vậy các ông hãy tìm kiếm, hãy lục soát khắp nơi, trên đất liền, trên mặt biển. Đại tướng đã không hề ra đi, hay ít nhất đã không ra đi theo ý muốn của chính ông ấy.

Người phụ tá ra dấu hiệu với các sĩ quan và nói:

– Không, thưa ông, không, bây giờ lại đến lượt ông đi quá xa. Đại tướng không phải chịu ràng buộc vào những biến cố nào hết, và có lẽ ngược lại, chính ông ấy đã điều khiển chúng. Những gì Monck đang làm hiện nay, ông ấy vẫn đã thường làm. Vậy chúng ta đã sai lầm khi chúng ta hoảng hốt. Chắc chắn ông ấy vắng mặt không lâu đâu, do đó không nên vì một sự mềm yếu mà để Đại tướng sẽ coi như là một trọng tội, không nên tiết lộ sự vắng mặt của ông ấy để khỏi làm mất tinh thần quân đội. Đại tướng đã chứng tỏ sự tin cậy lớn lao của ông ấy nơi chúng ta, chúng ta hãy chứng tỏ mình xứng đáng với lòng tin tưởng đó. Thưa quý vị xin hãy để cho sự im lặng tuyệt đối bao phủ tất cả chuyện này bằng một bức màn dày đặc, chúng ta sẽ giữ ông này lại không phải vì nghi ngờ ông dính dáng đến tội ác nhưng là để bảo đảm một cách hữu hiệu hơn sự bí mật về sự vắng mặt của Đại tướng bằng cách chỉ để nó ở lại giữá chúng ta thôi. Do đó, ông đây sẽ cư ngụ ngay tại đại bản doanh cho đến khi có lệnh mới.

Athos nói:

– Thưa quý vị, quý vị quên rằng đêm qua Đại tướng đã giao cho tôi canh giữ một kho hàng. Quý vị hãy cho bao nhiêu lính để canh giữ tôi cũng được, hãy xiềng tôi lại nếu quý vị thích, nhưng hãy để tôi ở trong căn nhà đó thay cho cái nhà tù. Tôi xin lấy danh dự của người quý tộc thề với quý vị rằng khi Đại tướng trở về, ông ấy sẽ quở trách quý vị, nếu quý vị làm trái ý ông ấy về vấn đề này.

Các sĩ quan hội ý với nhau trong một lúc, sau đó người phụ tá nói:

– Thưa ông, như vậy cũng được, ông hãy trở về nhà ông đi.

Kế đó, họ cho Athos một toán hộ vệ năm mươi người đến giữ ông trong nhà và không rời ông nửa bước. Bí mật đã được giữ kín nhưng từng giờ rồi từng ngày trôi qua mà không thấy Đại tướng trở về và cũng không có tin tức gì về ông ấy cả.

Chọn tập
Bình luận