Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Cái Chết Của Ba Người Lính Ngự Lâm

Chương 36: Ông vua giả

Tác giả: Alexandre Dumas
Chọn tập

Trong lúc đó ở Vaux ông vua tiếm quyền vẫn gan dạ tiếp tục vai trò của mình.

Philippe ra lệnh mở vào buổi sáng cuộc triều kiến long trọng mà mọi người đã chuẩn bị sẵn sàng. Ông quyết định ra lệnh ấy mặc dù ông D Herblay vắng mặt, không trở về nữa, vì lý do gì thì độc giả đã biết rồi. Nhưng ông hoàng vì không biết ông D Herblay đã đi nên cứ theo tinh thần táo bạo của mình, muốn thử thách khả năng, phương tiện của mình, tách ra ngoài mọi sự chở che, bảo trợ.

Một kẻ khác thúc đẩy ông: Anne d Autriche sắp xuất hiện, người mẹ tội lỗi sắp ra mắt đứa con bị hy sinh. Philippe muốn là dù sao ông cũng không để một dấu hiệu yếu đuối nào chứng tỏ trước con người mà từ nay ông phải cố sức giữ gìn hết mực.

Philippe mở rộng đôi cánh cửa và nhiều người lặng lẽ bước vào. Khi các người hầu phòng mặc áo cho ông, ông đứng yên, không nhúc nhích. Đêm trước ông đã thấy rõ các thói quen của người anh em. Bây giờ ông phải làm vua như thế nào cho không ai có thể nghi ngờ được.

Ông tiếp khách, đầy đủ trong bộ đồ đi săn. Qua trí nhớ và những lời ghi của Aramis, ông biết rằng đến đầu tiên là Anne d Autriche, có Hoàng thân khoác tay bước vào. Rồi đến Đức bà với ông De St. Aignan. Ông mỉm cười khi nhìn thấy những khuôn mặt đó và rùng mình khi nhận ra mẹ mình.

Khuôn mặt cao cả và oai nghiêm bị nỗi đau khổ tàn phá ấy là chứng tích bênh vực cho bà hoàng nổi danh đã phải hy sinh một đứa con vì đất nước. Ông thấy bà thật đẹp. Ông biết Louis XIV yêu mẹ, ông hứa cũng sẽ yêu bà như thế để tuổi già của bà không phải chịu cực hình ghê gớm. Ông nhìn người em với một tình cảm mến yêu thật dễ hiểu. Người này không bao giờ chiếm đoạt ngôi vị, vẫn sống cuộc đời tốt đẹp. Philippe hứa sẽ là người anh tốt đối với ông hoàng đó, con người chỉ có vàng là đủ làm cho sung sướng.

Ông lấy dáng cảm mến chào ông St. Aignan lúc này đang túi bụi lo mỉm cười và chào lại mọi người. Ông đưa tay bắt Henriette, cô em dâu, và thấy cô ta thật đẹp, nhưng ông thấy đôi mắt vị phu nhân này có một vẻ gì lạnh lùng khiến ông ta có lòng mừng vì khỏi lo đến những giao tiếp về sau.

Ông sợ nhất lúc này là phải tiếp đón Hoàng hậu. Tình cảm, trí óc ông vừa mới trải qua một thử thách to lớn nên mặc dù tính tình thật vững vàng, cương nghị, ông cũng sợ là không đủ sức chịu một sự đụng chạm mới. May thay, Hoàng hậu không tới.

Anne d Autriche mở đầu một cuộc bàn luận chính trị về việc Fouquet tiếp đón Hoàng gia nước Pháp. Bà chen vào đó những chuyện hiềm khích, những lời ngợi khen Nhà vua, những câu hỏi thăm sức khỏe, những dỗ dành kiểu của người mẹ và cả những phỉnh phờ xã giao nữa. Rồi bà nói:

– Này con, con nghĩ lại đối với ông Fouquet chưa?

Philippe nói:

– Saint Aignan, xin ông vui lòng xem thử Hoàng hậu ra sao.

Nghe những lời đầu tiên Philippe nói, người mẹ thấy có một chút khác biệt giữa giọng nói của ông và của Louis XIV. Bà sững sờ nhìn người con.

St. Aignan bước ra. Philippe tiếp tục:

– Thưa mẹ, con không muốn người ta nói xấu về ông Fouquet. Mẹ đã hiểu điều đó và chính mẹ đã nói tốt về ông ta rồi.

– Chính vậy, cho nên ta mới hỏi con về ý con đối với ông ta đấy.

Henriette chen vào:

– Thưa ngài, tôi thì luôn luôn yêu mến ông Fouquet. Ông ta là con người tinh tế, đàng hoàng.

– Một ông tổng giám không bủn xỉn, tôi có giấy tờ chứng khoán ký với ông thì cũng đều được trả bằng vàng hết, – Hoàng thân nói.

Thái hậu nói:

– Ở đây các người tính chuyện ích kỷ quá. Không ai tính việc nước cả. Ông Fouquet làm hại cho đất nước là chuyện thực đấy.

Philippe trả lời, giọng thấp xuống:

– Ồ, mẹ, mẹ cũng làm hậu thuẫn cho ông Colbert à?

Thái hậu ngạc nhiên hỏi:

– Sao con nói thế?

– Đó là vì mẹ nói như bà De Chevreuse, bà bạn già của mẹ nói vậy mà?

Nghe nhắc đến tên đó, Anne d Autriche tái mặt, môi mím lại. Philippe đã khích động con sư tử cái rồi.

Bà nói:

– Con vừa nói gì về bà De Chevreuse đấy? Hôm nay con làm sao mà gay gắt với mẹ thế?

Philippe tiếp tục:

– Có phải bà Chevreuse lúc nào cũng xúi bậy, chống đối người khác không. Có phải bà De Chevreuse chưa bao giờ thăm trả lễ mẹ không?

Thái hậu nói:

– Thưa ngài, ngài nói như là hoàng đế cha của ngài vậy.

– Cha con có lý để không ưa bà De Chevreuse. Con cũng không ưa bà ta và nếu bà ta dẫn xác đến như ngày xưa gieo rắc sự chia rẽ, hận thù hòng lấy tiền thì.

– Thì sao? – Anne d Autriche kiêu hãnh, vụt hỏi gay gắt.

Ông hoàng trẻ nói với giọng cương quyết:

– Thì tôi sẽ đuổi bà De Chevreuse ra khỏi xứ này và đi theo bà ta sẽ có các chuyên viên gây chuyện thầm kín, bí mật đấy.

– Ông không tính đến hậu quả của những lời nói ghê gớm vừa xong hay không biết trừng ông muốn dò xem tác động của chúng như thế nào. Thái hậu lẩm bẩm:

– Ngài đối xử khắt khe với mẹ ngài quá chừng.

– Sao, về việc gì, thưa bà tôi chỉ có nói về bà De Chevreuse hơn là sự an ninh của đất nước này và sự an toàn của cá nhân tôi ư? Thế thì tôi xin nói là bà Chevreuse chỉ đến nước Pháp là để moi tiền và bán bí mật cho ông Fouquet thôi.

Anne d Autriche kêu lên:

– Bí mật nào?

– Về những chuyện gọi là ăn cắp của ông Fouquet. Chuyện này là sai, – Philippe nói thêm – ông Fouquet đã tức giận đuổi bà ta đi vì cho rằng được Nhà vua tin cậy thì tốt hơn là âm mưu với bọn gây rối. Thế là bà De Chevreuse đem bán bí mật cho ông Colbert và vì lòng tham không đáy, thấy làm việc này không được trăm nghìn écus nên bà ta tính đưa lên cao nhất nếu không tìm được chỗ khác để thoả mãn. Có đúng vậỵ không, thưa bà?

– Ngài biết hết, – Thái hậu nói mà thấy lòng lo lắng hơn là khó chịu.

Philippe tiếp tục:

– Thế thì tôi có quyền can thiệp vào chuyện của mụ đàn bà hung dữ đó trong âm mưu cấu kết ở trong triều tôi và làm mất danh dự của người này, phá hoại sự nghiệp của người khác. Nếu Chúa đã đau khổ vì có những tội ác đã thành hình, và nếu ngài còn khoan dung giấu đi một vài điều khác, thì về phần tôi, tôi không chịu cho bà De Chevreuse có quyền làm trái ý Chúa.

Những lời nói sau cùng của Philippe làm cho Thái hậu xúc động đến mức người con phải thương hại. Ông nắm lấy tay mẹ hôn âu yếm. Nhưng bà cũng không hiểu rằng trong nụ hôn ẩn đầy phản kháng và cay đắng được dằn xuống đó, lại còn có ý nghĩa tha thứ của tám năm đau khổ. Philippe để im lặng một lúc cho thấm đầy những cảm xúc vừa phát ra, rồi nói vui:

– Hôm nay chúng ta chưa đi ra ngoài. Tôi có dự định rồi.

Rồi ông quay ra phía cửa, hy vọng thấy được Aramis.

Thái hậu muốn rút lui. Philippe nói:

– Xin mẹ hãy ở lại. Con muốn mẹ làm hoà với ông Fouquet.

– Nhưng tôi không ưa ông Fouquet. Tôi chỉ ngại là ông ta hào phóng quá thôi.

– Chuyện đó thì chúng ta sẽ thu xếp lại. Chỉ nên nghĩ ở khía cạnh tốt của ông tổng giám thôi.

– Hoàng thượng tìm gì thế? – Henriette nói khi thấy vua nhìn ra cửa lần nữa, nói để hy vọng đánh trúng tim đen của ông, vì bà tin rằng ông đang đợi tiểu thư La Valliére hay là một bức thư của nàng.

Người trẻ tuổi đoán ngay ý định nhờ khả năng tinh anh kỳ diệu mà hoàn cảnh tốt đẹp lúc này làm cho nó phát triển:

– Cô em ạ, tôi đang đợi một con người rất đặc biệt, một con người cố vấn kém nhất mà tôi muốn giới. thiệu với tất cả mọi người để xin các người ở đây giúp đỡ cho. Ô, xin mời vào, ông d Artagnan.

D Artagnan hiện ra:

– Hoàng thượng muốn điều chi?

– Ông bạn giám mục Vannes của ông đâu?

– Nhưng mà, thưa ngài! Tôi đang đợi ông ta mà không thấy.

– Xin hãy tìm ông ta!

D Artagnan sững người trong giây lát, nhưng rồi nghĩ rằng Aramis rời Vaux một cách bí mật là do vua sai, chắc rằng vua muốn giữ kín bí mật ấy. Ông trả lời:

– Thưa, Hoàng thượng nhất định muốn dẫn ông D Herblay về sao?

Philippe trả lời:

– Không phải là nhất định. Chưa cần đến như vậy nhưng nếu có ai trông thấy ông ta…

“Ta đoán đúng”, d Artagnan nghĩ thầm.

Nhà vua nói:

– Đi báo với ông Fouquet là tôi muốn nói chuyện… Ồ! nói trước mặt ông đấy, đừng rút lui…

Ông De Saint Aignan đã trở lại, báo cáo những tin vừa ý về Hoàng hậu:

– Bà nằm nghỉ chỉ là phòng hờ thôi chứ bà vẫn đủ sức theo ý của Nhà vua. Trong khi cho tìm ông Fouquet và Aramis khắp nơi, thì ông vua mới vẫn bình yên tiếp tục cuộc thử thách và mọi người trong gia đình, quan chức, nội thần cũng thấy cử chỉ, giọng nôi, thói quen của ông đúng là vua của họ.

Về phía mình, Philippe nhớ những ghi chú và hình vẽ của Aramis để lại, nhìn từng người một, cư xử với họ không để ai nghi ngờ gì hết. Từ nay chẳng còn gì để khiến cho người tiếm quyền lo lắng gì hết. Định mệnh vừa đem một số phận khốn khổ nhất thay thế cho một quyền uy cao nhất, thật dễ dàng đến mức lạ lùng làm sao!

Philippe thán phục lòng tốt của Chúa đối với ông, và sử dụng tất cả những khả năng tốt đẹp của mình để hoàn thành ý Chúa. Nhưng đôi khi ông thấy hình như có một bóng đen bước trên vòng hào quang mới mẻ của ông.

Aramis vẫn chưa xuất hiện. Câu chuyện trong Hoàng gia dần dần trở nên uể oải. Philippe đang bận lo nghĩ nên quên mất việc cho người em và Henriette ra về. Họ ngạc nhiên và dần dần mất kiên nhẫn. Anne d Autriche nghiêng mình về phía con trai và nói vài tiếng Tây Ban Nha.

Philippe hoàn toàn không biết thứ tiếng này. Ông xanh mặt trước chướng ngại không ngờ đó. Nhưng mà có vẻ hình ảnh vững vàng của Aramis khiến ông tin mình không thất bại, nên thay vì hoảng hốt, Philippe đứng dậy.

– Sao không trả lời đi con? – Anne d Autriche hỏi.

– Cái gì ngoài kia thế? – Philippe quay về phía cửa cầu thang kín.

Người ta nghe thấy có tiếng kêu:

– Phía này! Phía này? Chỉ còn vài bậc nữa thôi, thưa ngài.

– Tiếng của ông Fouquet! – D Artagnan nói bên cạnh Thái hậu.

Philippe tiếp:

– Chắc là ông D Herblay không đâu xa.

Nhưng ông lại thấy được những gì thật gần không ngờ tới.

Mọi cặp mắt đều quay về phía cửa chờ ông Fouquet, nhưng không phải ông này bước vào.

Một tiếng kêu khiếp hãi phát ra từ khắp phòng, tiếng kêu đau đớn của ông vua và các người phụ tá.

Mọi người, ngay những con người chất chứa những tính cách lạ lùng và đã trải qua những biến cố kỳ diệu nhất cũng không đủ sức để ngắm nhìn khung cảnh hoàng cung lúc này.

Những tấm rèm buông nửa chừng chỉ để xuyên những làn tia sáng qua những nhung kèm lụa dày.

Trong cảnh mờ mờ ảo ảo ấy, những cặp mắt từ từ mở to ra, và mỗi người trong phòng ai nấy đều cho rằng đã nhận được người khác vì lòng tin hơn là vì chính cặp mắt mình thấy. Nhưng dù trong các trường hợp này, cũng phải đến lúc người ta không thể bỏ rơi các chi tiết và đối tượng hiện ra đây đã sáng lên như là có ánh mặt trời(1) chiếu xuống.

Đó là trường hợp của Louis XIV khi ông ta đứng trên ngưỡng cửa thang gác bí mật, mặt tái xanh và đôi mày nhíu lại.

Fouquet đứng phía sau cho thấy khuôn mặt nghiêm khắc và buồn rầu.

Thái hậu thấy Louis XIV trong khi bà cầm tay Philippe, liền thét lên một tiếng như là vừa trông thấy ma hiện. Hoàng thân như choáng người, quay đầu từ phía ông – vua – ông – thấy qua phía ông – vua – đứng – bên cạnh. Đức bà tiến lên một bước, tưởng như nhìn thấy người chồng qua tấm gương.

Và thực vậy, ảo giác là điều có thật.

Hai ông hoàng đều hốc hác – không kể Philippe giật nẩy mình hoảng hốt, cả hai run rẩy, co quắp các ngón tay, nhìn nhau trừng trừng như muốn lấy tia mắt đâm sâu vào tim nhau. Họ lặng câm, thở hổn hển, khom người tới trước như sẵn sàng nhào tới nhau.

Giống nhau không thể tưởng tượng được, những khuôn mặt, cử chỉ, dáng người, giống tất cả, giống tình cờ đến cả áo quần, vì Louis XIV vừa đến điện Louvre lấy bộ áo nhung; sự giống nhau của hai ông hoàng làm đảo lộn tâm hồn Anne d Autriche. Tuy nhiên, bà chưa thấy rõ sự thật. Trong đời có những điều khốn khổ mà người ta không chịu chấp nhận. Người ta cứ cho là tại thần thánh, tại những gì không thể có được.

Louis không ngờ tới những trở ngại đó. Ông cứ tưởng là hễ cứ một mình bước vào liền được nhận ra ngay là mặt trời chói lọi; ông không chịu được sự ngang hàng với bất cứ ai hết. Ông không chịu nhận là một ngọn đuốc có thể tắt đi ngay lúc nó bật lên luồng ánh sáng chói lọi.

Cho nên, nhìn thấy dáng người của Philippe, ông tỏ ra kinh hoàng hơn tất cả ai khác chung quanh, và sự im lặng, sự bất động, tất cả trong thời gian suy ngẫm, yên tĩnh này là mở đầu cho sự tức giận nổ bùng ra.

Nhưng còn Fouquet, con người có thể ghi nhận sự sững sờ của mình trước hình ảnh sống của chủ ông? Fouquet nghĩ rằng Aramis đã có lý, rằng người mới tới này cũng xứng bậc vương như là kẻ kia và khi từ chối cuộc đảo chính sắp đặt thật khôn khéo này, ông ta đã đi theo một sự cuồng nhiệt điên rồ, không xứng đáng nhúng tay vào chính trị lần nữa. Fouquet đã đem giọt máu của Louis XIII hy sinh cho giọt máu của Louis XIII. Ông đã đem một hoài bão cao cả hy sinh cho tham vọng ích kỷ. Ông đã đem cái quyền “có-được” hy sinh cho cái quyền “chiếm-giữ”.

Tất cả mức độ trầm trọng trong lỗi lầm của ông hiện ra, chỉ cần qua một lần nhìn người chiếm ngôi.

Tất cả những gì thoáng qua trong trí Fouquet, mọi người không ai thấy hết. Ông có cả năm phút để tập trung suy nghĩ về trường hợp lương tâm vướng mắc này. Năm phút là năm thế kỷ.

D Artagnan đứng đối diện Fouquet, dựa lưng vào tường, nắm tay đưa lên trán mắt đăm đăm, tự hỏi tại sao có sự kỳ diệu này. Đầu óc ông bị những tấm màn dày đặc bao phủ. Những người trong màn kịch này như đang bơi trong sương mù của một lúc tỉnh giấc nặng nề.

Louis XIV vốn dễ mất kiên nhẫn và quen thói chỉ huy hơn, vụt chạy mở cánh cửa, xé toang các bước màn ra. Ánh sáng chói loà đổ xô vào phòng khiến cho Philippe phải lui vào tận lò sưởi.

Louis thấy rõ cử chỉ ấy, chụp lấy cơ hội và nói với Thái hậu:

– Mẹ ơi, ở đây không ai nhận ra vua của họ, nhưng mẹ, mẹ có nhận ra con không?

Anne d Autriche giật nẩy mình, giơ hai tay lên trời, không nói được tiếng nào. Philippe trầm tĩnh hỏi:

– Mẹ ơi, mẹ không nhận ra con sao?

Và lần này, chính Louis XIV lùi lại. Còn Anne d Autriche thì quay cuồng vì sự hối hận tràn ngập trí óc và tâm hồn. Không ai đến giúp bà vì mọi người đều như hoá đá cả, bà rên lên một tiếng yếu ớt và ngã mình xuống ghế. Louis không chịu được cảnh xúc phạm này. Ông nhảy tới phía d Artagnan cũng đang muốn choáng váng và xiểng liểng ôm cánh cửa làm chỗ dựa.

– Hãy theo ta, ngự lâm quân? Nhìn thẳng vào mặt ta đi, nhìn xem thử mặt ta và hắn, ai tái hơn?

Tiếng kêu gào ấy đánh thức d Artagnan và làm chuyển động sự tuân lệnh trong tâm hồn ông. Ông lắc lắc cái đầu, rồi không ngần ngại gì cả, ông tiến về phía Philippe, đặt tay trên vai người này và nói:

– Thưa ông, ông là tù nhân của tôi.

Philippe không ngửa mặt lên nhìn trời, không xê dịch khỏi nơi ông đứng bám, mắt nhìn đăm đăm vào ông vua anh. Trong nỗi yên lặng mênh mông, ông phiền trách anh về những đau khổ đã qua, về những cơn hành hạ sắp đến. Đối phó với tiếng nói thầm lặng của tâm hồn ấy, ông vua thấy không còn đủ sức nữa.

Ông cúi mặt xuống, lôi vội em trai, em dâu đi ra ngoài quên cả người mẹ nằm dài bất động cách người con trai bà ba bước để chết một lần thứ hai nữa. Philippe bước đến gần Anne d Autriche, cúi xuống nói với một giọng dịu dàng và cảm động:

– Mẹ ơi, nếu con không là con của mẹ thì con sẽ nguyền rủa mẹ đã làm cho con đau khổ thế này?

D Artagnan thấy rùng mình đến tận tâm can. Ông khom mình kính cẩn chào ông hoàng và nói:

– Xin lỗi Đức ông, tôi chỉ là một người lính và tôi đã thề trung thành với người vừa ra khỏi phòng này.

– Xin cảm ơn ông d Artagnan. Nhưng ông D Herblay ra sao rồi?

Một tiếng nói trả lời sau lưng.

– Ồng D Herblay ở chỗ rất yên ổn. Tôi mà còn sống, còn tự do thì không ai làm cho ông ta rụng một sợi lông đâu.

– Kìa ông Fouquet? – ông hoàng mỉm nụ cười buồn.

Fouquet quỳ xuống:

– Xin Đức ông tha lỗi, nhưng ông mới vừa ra khỏi đây là khách mời của tôi.

Philippe mỉm cười, lẩm bẩm:

– Đây là những người bạn tốt và chân thành. Họ làm cho ta tiếc cuộc đời này quá. Ông d Artagnan đi thôi, tôi theo ông.

Vào lúc người chưởng quan ngự lâm quân sắp bước ra.

Colbert đi vào đưa cho ông một tờ sắc của vua rồi rút lui.

D Artagnan đọc xong vò nát tờ giấy. Ông hoàng hỏi:

– Có gì thế?

– Đức ông đọc đi, – người lính ngự lâm trả lời.

Philippe đọc những dòng chữ Louis XIV viết vội:

“Ông d Artagnan dẫn người tù đến đảo Sainte Marguerite. Cho hắn mang mặt nạ sắt, không được lấy ra nếu muốn sống”.

– Đúng rồi, – Philippe nhẫn nhục nói. – Tôi đã sẵn sàng.

– Aramis có lý. – Fouquet nói nhỏ với người lính ngự lâm, – người này xứng vị vương cũng như kẻ kia vậy.

– Còn hơn nữa – D Artagnan trả lời. – ông ta chỉ thiếu có ông và tôi thôi.

Trong khi d Artagnan thi hành lệnh của Louis XIV thì Aramis và Porthos chạy về phía Belle-Isle-en-Mer. Họ dừng lại một lúc gần Blois để giã từ Athos và Raoul De Bragelonne.

Raoul lúc này buồn không nguôi vì bị Louis De La Valliére phụ nên quyết định theo Công tước De Beaufort đi đánh dân Ả-rập ở Phi Châu. Raoul làm phụ tá của Công tước, lo việc chuẩn bị ở Toulon cho đoàn quân đổ bộ. Athos đưa con đến tận thành phố này và định chỉ rời con khi đoàn quân thuỷ rời bến.

Chú thích:

(1) Louis XIV tự xưng là Vua Mặt trời.

Chọn tập
Bình luận