Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Cái Chết Của Ba Người Lính Ngự Lâm

Chương 39: Những lời hứa hẹn

Tác giả: Alexandre Dumas
Chọn tập

D Artagnan vừa cùng các bạn về phòng thì một người lính đến báo viên toàn quyền cho mời.

Chiếc tàu Raoul trông thấy ngoài biển và có vẻ gấp gáp muốn vào bến là chiếc đến Sainte Marguerite với một công văn quan trọng gửi cho người chưởng quan ngự lâm quân của Louis XIV:

“Ta nghĩ là ông đã thi hành lệnh của ta xong rồi, ông d Artagnan ạ. Vậy thì hãy trở về Paris gấp, đến triều kiến ta ở điện Louvre”.

Người ngự lâm quân kêu lên:

– Hết lưu đày rồi! Cám ơn Chúa, tôi hết làm cai tù rồi.

Rồi ông đưa thư cho Athos đọc. Ông này buồn rầu nói:

– Thế là bạn giã từ chúng ta!

Rồi sẽ gặp lại, bạn thân mến ạ. Vì Raoul đã trưởng thành, đi được một mình với ông De Beaufort, để ông già ở lại đi theo d Artagnan còn hơn là bắt ông đi một mình hai trăm dặm về La Fère phải không, Raoul?

– Đúng thế – Raoul lắp bắp nói vẻ nuối tiếc.

Athos ngắt lời:

– Không bạn ạ, tôi chỉ rời Raoul vào ngày mà cháu nó mất hút ở chân trời thôi. Chừng nào cháu còn ở nước Pháp nó vẫn không rời tôi.

– Tuỳ ý bạn. Nhưng ít ra là chúng ta cũng được cùng rời Sainte Marguerite. Nên lợi dụng chiếc tàu chở tôi về Antibes để cùng đi.

– Rất vui lòng. Cũng nên rời càng sớm càng tốt cái đồn luỹ này và cái quang cảnh não lòng chúng ta vừa chứng kiến kia.

Ba người bạn giã từ hòn đảo sau khi chào viên toàn quyền.

Trong những vạch sáng cuối cùng của cơn bão đang tan đi, họ nhìn thấy lần cuối cùng màu trắng của các bức tường thành trên đảo Ngay đêm đó, d Artagnan giã từ các bạn sau khi nhìn thấy trên bờ biển ngọn lửa chiếc xe bị đốt cháy theo lệnh của ông St. Mars nghe lời dặn của người chưởng quan. D Artagnan ôm lấy Athos, bước lên ngựa rồi nói:

– Này, các bạn quá giống hai người lính đào ngũ. Tôi có tiên cảm là Raoul phải được bạn nâng lên như bạn. Bạn có muốn tôi xin mang một trăm tay súng sang Phi Châu không? Hoàng thượng không từ chối đâu và tôi sẽ mang bạn theo.

Raoul siết tay d Artagnan thật nồng nàn:

– Thưa ông d Artagnan, xin cảm ơn về lời đề nghị đó. Ngài Bá tước và tôi không muốn được quá như vậy. Tôi còn trai trẻ phải cần hoạt động cho trí óc và chân tay mệt một chút. Ngài Bá tước cần phải nghỉ ngơi nhiều. Ông là bạn thân của ông ấy, tôi xin gửi gắm ông ấy cho ông. Săn sóc cho ông ấy là ông đã nắm được hai linh hồn chúng tôi trong tay ông rồi.

– Phải đi thôi, con ngựa của tôi nó nôn nóng đây – D Artagnan nói như thế chứng tỏ ông đang kích động nên cắt đứt câu chuyện nửa chừng, – Này ngài Bá tước, Raoul còn ở đây bao nhiêu ngày nữa?

– Ba ngày là nhiều.

– Và bạn tính về nhà trong mấy ngày?

– Ồ! Lâu lắm. – Athos trả lời.

– Sao thế, ông bạn. Đi chậm thì càng buồn thêm, còn cuộc sống nơi quán trọ lại không thích hợp với một người như bạn.

– Bạn ạ, tôi đến bằng ngựa trạm, nhưng bây giờ tôi lại muốn mua hai con ngựa tốt. Mà bạn biết, muốn để chúng về tới nơi khỏe mạnh thì mỗi ngày chỉ nên cho đi bảy tám dặm là nhiều.

– Grimaud đâu?

– Ông ấy đi theo toán người của Raoul đến sáng hôm qua. Cho nên tôi muốn để ông ấy nghỉ ngơi.

– Thôi chào Athos, và nếu bạn đi xe thì chúng ta còn gặp nhau sớm hơn.

Nói xong ông bước lên bàn đạp có Raoul giữ ngựa.

– Xin chào? – Chàng thanh niên ôm ông, nói.

– Chào! – D Artagnan nói khi bước lên yên.

Cảnh tiễn biệt này xảy ra trước mái nhà Athos chọn ở trong cảng Antibes, và sau bữa ăn nhẹ d Artagnan đã cho gọi ngựa đến. Con đường trải dài trắng xoá và uốn lượn trong sương mờ ban đêm. Con ngựa thở phì phì vì mùi nước mặn bốc lên từ các đầm lầy.

D Artagnan ra roi phóng ngựa còn Athos quay trở về với Raoul.

Thình lình họ nghe tiếng chân ngựa liến lại gần và ban đầu họ tưởng đó là những tiếng dội lại mà thôi. Nhưng đúng là một người kỵ sĩ đã quay trở lại. Cả hai người thốt lên một tiếng kêu vui vẻ ngạc nhiên và d Artagnan, như một chàng trai, nhảy xuống ngựa ôm choàng lấy hai người bạn thân. Ông ôm họ rất lâu không nói một lời, không thốt lên một tiếng thở dài nào. Rồi nhanh như khi trở lại, ông lại thúc mạnh hai gót chân vào hông ngựa, chạy đi. Vị Bá tước thì thầm:

– Than ôi!

– Điềm xấu! – D Artagnan nói trong khi vội vã lấy lại thời gian đã mất. – Ta không kịp mỉm cười với họ điềm xấu rồi.

Hôm sau, Grimaud đã khỏe lại. Công việc ông De Beaufort giao được tiến hành hoàn hảo. Đoàn tàu chiến do Raoul dẫn về Toulon đã ra đi, kéo theo sau nó những chiếc thuyền bé tí xíu chở những vợ con, bạn bè các người đánh cá và các tay buôn lậu, được trưng dụng phục vụ cho đoàn tàu.

Athos và Raoul lại trở về Toulon lúc này đang đầy tiếng xe cộ tiếng áo giáp, tiếng ngựa hí, kèn thổi điệu quân hành, trống đánh hồi thúc trận. Đường phố ngợp đầy người, lính tráng, quân hầu, dân buôn.

Hầu tước De Beaufort có mặt khắp nơi để đôn đốc việc xuống tàu với lòng tận tâm và sự vui thú của một người chỉ huy. Ông động viên thuộc hạ, đến tận kẻ thấp kém nhất, ông rày la phụ tá đến cả người đáng nể nhất. Ông muốn tự mình trông coi tất cả; pháo binh, quân nhu, hàng hoá. Ông xem xét trang bị của từng người lính, chú ý xem từng con ngựa có được khỏe mạnh không. Nhà quý tộc này ở nơi khách sạn riêng thì nhẹ dạ, huênh hoang, ích kỷ, trong việc quân lại trở thành một người chỉ huy cao cấp, xứng đáng với trách nhiệm được giao.

Tuy nhiên phải nói rõ là, dù việc khởi hành có được trông coi chu đáo cách mấy đi nữa, thì người lính Pháp nào cũng có tính hấp tấp ơ hờ khiến cho họ trở thành là người lính giỏi nhất trên thế giới vì đó là những người bị bỏ mặc cho thân xác và tinh thần đối phó với chiến trận.

Mọi sự đều làm Đô đốc thoả mãn, – hay có dáng vẻ như thế, nên ông tỏ lời khen Raoul và ra lệnh cuối cùng cho chuyến đi được định là hừng sáng ngày mai.

Ồng mời Bá tước vào và người con ăn tối với ông. Họ lấy cớ bận việc để khỏi tham dự. Ông trở về quán trọ dưới tàn cây nơi quảng trường vội vã ăn tối rồi Athos dẫn Raoul lên các tảng đá nhìn xuống thành phố từ nơi đó trông xa ngoài biển, chân trời hình như cùng một mực ngang với các vùng núi đồi sắc xám này.

Đêm vào mùa này lúc nào cũng đẹp. Trăng lên sau các tảng đá, toả một vừng sáng bạc xuống tấm thảm xanh của mặt biển. Trong bến đậu, những chiếc tàu di chuyển lặng lẽ đến vị trí của mình để dễ việc sắp xếp lên tàu.

Biển đầy chớp lân tinh mở ra dưới lườn các thuyền chuyển vận hàng hoá và đạn dược; mỗi lần giật mạnh, mũi tàu lại chúi vào trong vùng sáng trắng thâm u đó; mỗi mái chèo vung lên lại làm bắn những giọt kim cương nước.

Người ta nghe tiếng các thuỷ thủ dựa vào sự rộng lượng của Đô đốc, hát rì rầm các bài ca chậm nhịp và đơn sơ. Có lúc những tiếng xích sắt nghiến xen lẫn với tiếng trái đạn âm thầm rơi vào hầm. Cảnh trí này, âm điệu này khép lại làm se lòng người như nỗi sợ hãi, rồi dãn ra như niềm hy vọng. Cả cảnh sống này như có mang hơi hám của tử thần.

Athos ngồi với con trên mỏm đá rêu phủ. Chung quanh trên đầu họ, những con rơi to lớn bay vụt qua lại, đầy nhiệt tình trong cuộc săn chộp quay cuồng kinh khiếp. Đôi chân của Raoul thòng ra ngoài cạnh đá, tắm trong khoảng không choáng ngộp, vô cùng.

Khi trăng vươn lên, toả làn ánh sáng vuốt ve các đỉnh gộp đá chung quanh, khi tấm gương nước lấp loáng tràn trề và khi những điểm lửa đỏ thắp lên, soi xuyên qua giữa khối đen ngòm của những chiếc tàu, Athos cố thâu tóm hết ý nghĩ, lấy hết can đảm để nói với con:

– Chúa đã tạo nên những gì chúng ta thấy kia, Raoul ạ. Ngài cũng tạo nên chúng ta là những phần tử tội nghiệp chen vào cả vũ trụ bao la này. Chúng ta sáng lên như những ngọn đèn, những ngôi sao kia, chúng ta than thở như những ngọn sóng kia, chúng ta đau khổ như những chiếc tàu kia mòn mỏi xuyên qua sóng biển theo luồng gió thổi đến một mục đích, như Chúa đã đẩy ta vào một bến bờ, Raoul ạ, tất cả đều đầy tình yêu cuộc sống, mọi thứ gì sống đều đẹp cả.

Người thanh niên trả lời:

– Thưa ngài, đúng là chúng ta đang đứng trước một cảnh đẹp!

Athos bỗng ngắt lời:

– D Artagnan thật là người tốt. Thật hiếm có khi ta dược nương tựa suốt đời vào con người như thế. Anh đã nhớ người ấy, còn ta thì không phải bạn của anh, Raoul ạ.

– Sao thế, thưa ngài?

– Tại vì ta chỉ cho anh thấy cuộc đời có một mặt, bởi vì bản chất ta là buồn rầu và nghiêm khắc, than ôi, ta đã chặt khỏi anh mà không tự biết, lạy Chúa, ta đã chặt những mầm sống vui tươi nảy ra không ngừng từ cây đời thanh xuân. Nói tóm lại, tại vì trong lúc này đây ta ân hận là đã không đào tạo anh thành một người sống thật phóng khoáng, thật buông thả, thật ồn ào.

– Ồ, trong quá khứ ngài là hạnh phúc của tôi, trong tương lai ngài là hi vọng của tôi. Không, không bao giờ tôi trách móc ngài đã tạo cho tôì sống như thế nào đó. Tôi cảm tạ và yêu ngài vô cùng.

– Raoul thân mến, những lời của anh làm ta thật vui. Nó chứng tỏ trong những ngày sắp tới anh có sống cũng là vì ta một ít. Từ nay ta sẽ làm cho anh những gì ngày xưa ta chưa từng làm. Ta sẽ là bạn của anh, không phải là cha anh nữa. Khi anh trở về, chúng ta sẽ sống với nhau một cách phóng khoáng thay vì bó buộc lẫn nhau. Chắc cũng không lâu đâu, phải không?

– Thưa ngài, vâng. Một chuyến viễn chinh như thế này không thể nào lâu được.

– Raoul ạ, chẳng bao lâu nữa ta sẽ cho anh cả gia tài điền sản của ta để anh khỏi phải sống tằn tiện nữa. Anh sẽ có đủ phương tiện để lăn vào đời cho đến khi ta chết đi và hi vọng rằng trong khoảng thời gian đó, anh sẽ cho ta niềm vui sướng thấy được ta có người nối dõi.

Raoul xúc động trả lời:

– Tôi sẽ làm theo tất cả mọi điều ngài căn dặn.

– Raoul ạ, trong nhiệm vụ làm phụ tá của anh, anh chớ nên liều lĩnh dấn thân thái quá. Anh đã được thử thách, mọi người đều biết anh không sợ lửa đạn. Nhưng anh nên nhớ rằng cuộc chiến chống người A Rập là một cuộc chiến rình mò, lừa lọc để đâm chém nhau.

– Vâng, thưa ngài, tôi nghe người ta nói rồi.

– Bị sa vào ổ phục kích thì không vinh dự gì đâu. Chết như thế làm sao cũng bị chê là vì liều lĩnh, vì không biết tính toán một cách sáng suốt. Thường thì người ta không buồn tiếc thương cho kẻ xa bẫy nữa. Raoul ạ, không được tiếc thương thì đúng là chết vô ích. Hơn nữa, kẻ thắng trận sẽ cười nhạo, còn phần chúng ta thì chúng ta không cho phép để cho những tên rồ dại đó thắng thế vì sự ngu ngốc của chúng ta. Anh hiểu lời tôi nói chứ, Raoul? Xin Chúa chớ phiền trách tôi khuyên anh trách xa các cuộc đụng độ!

Raoul mỉm một nụ cười khiến Athos thấy lạnh mình:

– Thưa ngài, tôi vẫn thận trọng như thường và đã gặp thật nhiều may mắn, – rồi chàng thanh niên vội vàng nói tiếp, – vì trong hai mươi trận tôi tham dự rốt lại chỉ bị có một lần trầy da thôi?

Athos nói:

– Anh nên lưu ý đến khí hậu nữa. Bị chết vì sốt rét thì không hay cho lắm. Nhà vua Louis đã từng cầu nguyện cho mình được lãnh một mũi tên hay một trận dịch hạch trước khi bị sốt rét đấy.

– Ôi! Thưa ngài, cứ sống có điều độ, chịu hoạt động thân thể một chút thì…

Athos ngắt lời:

– Ta đã được ông Beaufort cho biết cứ nửa tháng ông gửi văn thư về Pháp một lần. Anh là phụ tá ông ấy chắc sẽ được giao nhiệm vụ chuyển các thư đó. Anh chắc sẽ nhớ đến thăm ta chứ gì?

– Vâng, đúng thế, thưa ngài, – Raoul nghẹn ngào nói.

– Sau hết, Raoul ạ, anh là một tín đồ ngoan đạo, ta cũng vậy, nên chúng ta phải tin vào sự che chở của Chúa hay của các vị thần hộ mệnh ta. Anh hứa với ta rằng nếu anh có gặp phải nguy khốn thì hãy nghĩ ngay đến ta nhé.

– Vâng, trước tiên.

– Và phải gọi ta.

– Có, gọi ngay tức khắc!

– Chúng ta yêu thương nhau quá . – Bá tước nói, – nên từ lúc chúng ta xa nhau đây, mỗi một người sẽ mang một phần linh hồn của người kia trên bước đường đời của mình.

Raoul ạ, khi anh buồn, ta cảm thấy tim ta cũng ngập chìm trong buồn khổ và khi anh mỉm cười nghĩ đến ta thì hãy nghĩ rằng ở nơi chân trời đó, anh đã gửi cho ta một tia nắng ấm áp vui tươi của anh.

Người thanh niên trả lời:

– Tôi không hứa được là sẽ sống vui nhưng xin ngài hãy tin chắc rằng chẳng có giây phút nào tôi quên được ngài, không giây phút nào hết, tôi xin thề như thế – trừ khi tôi phải chết đi.

Athos không thể nào cầm lòng được nữa, ông ôm quàng lấy cổ con trai, siết chặt rất lâu.

Trăng đã lên cao, một vừng sáng vàng hiện lên ở chân trời báo hiệu một ngày sắp đến. Athos khoác áo mình lên vai Raoul và dắt tay người con đi về phía thành phố đang nhộn nhịp với hàng hoá và người khuân vác, nhung nhúc như bầy kiến.

Cả hai người sắp rời khỏi phần đất cao thì thấy một bóng người ngập ngừng tiến lại có vẻ ngại ngùng. Raoul kêu lên:

– Ô! Grimaud, chú làm gì thế? Chú lại báo cho tôi biết giờ khởi hành đã đến rồi phải không?

– Đi một mình à? – Grimaud có vẻ trách móc vừa nói vừa chỉ Raoul cho Athos.

Bá tước kêu lên:

– Ô! Grimaud có lý đấy. Raoul không đi một mình đâu.

– Không, chẳng thể nào nó ở lại trên đất lạ xứ người mà không có người bạn thân để an ủi và để nhắc nhở mọi thứ nó yêu mến.

Grimaud nói:

– Có tôi!

– Chú đi theo tôi? Phải! Phải rồi! – Raoul kêu lên mà xúc động hết mực.

Athos nói:

– Than ôi! Bạn tốt Grimaud ơi, anh già quá rồi!

– Càng hay! – Grimaud trả lời bằng cả tâm tình trầm lắng và sự thản nhiên không chút dao động.

Raoul nói:

– Nhưng tàu đã sẵn sàng mà chú thì chưa chuẩn bị gì hết.

– Đâu có, đủ hết rồi, – Grimaud vừa nói vừa đưa ra chùm chìa khoá hòm rương của Raoul có lẫn chìa khoá của ông.

Raoul vẫn phản đối:

– Nhưng chú không thể bỏ ngài Bá tước một mình ở lại được. Chú chưa từng rời ngài bao giờ cả.

Grimaud liếc đôi mắt mờ về phía Athos. Bá tước không nói gì hết. Grimaud lên tiếng:

– Nhưng ngài Bá tước thích thế hơn.

Athos gật đầu:

– Đúng thế!

Vào lúc ấy tiếng trống đồng loạt vang lên và tiếng kèn cũng trỗi vang rộn rã. Từ trong thành phố tiến ra những binh đoàn tham dự cuộc viễn chinh. Họ tiến bước từng năm binh đoàn một, mỗi đoàn có bốn chục đại đội. Hàng vệ binh đầu mặc đồng phục trắng viền xanh, lá cờ hình chữ nhật màu tím và màu lá úa có thêu bó hoa huệ vàng; vươn lên cao là lá cờ chỉ huy màu trắng với chữ thập hình hoa huệ.

Toán pháo thủ đi hai bên, tay cầm gậy có móc, vai mang súng, thêm ngọn giáo dài mười lăm bộ, tất cả hướng về những thuyền vận chuyển sẽ đưa họ lên tàu với đủ trang bị. Các binh đoàn Picardie, Navarre, Normandie và Long thuyền tiếp bước theo sau.

Ông De Beauford thật khéo chọn lựa. Ông đi sau rốt đoàn quân với bộ tham mưu. Phải mất một tiếng đồng hồ ông mới đến được bờ biển.

Raoul từ từ cùng với Athos tiến về phía bờ để đến đúng chỗ đứng đón ông hoàng đi qua. Grimaud trông coi việc chuyển hành lý của Raoul đến chiếc tàu của Đô đốc, với vẻ sôi sục như một người còn trẻ Athos khoác tay người con trai sắp phải xa rời mà tâm trí miên man buồn khổ, đầu óc quay cuồng trong tiếng ồn, nhịp bước quân hành bên ngoài.

Một sĩ quan bỗng đến báo rằng Hầu tước muốn Raoul ở cạnh ngài. Người thanh niên kêu lên:

– Xin ông hãy nói với Hoàng thân là tôi xin được chút thì giờ còn lại này để cùng vui với ngài Bá tước.

Athos ngắt lời:

– Không, không, một người phụ tá không thể rời viên tư lệnh của mình được. Thưa ông, xin ông thưa lại với Hoàng thân là Tử tước sẽ đến cạnh ngài ngay.

Viên sĩ quan ra roi phóng vụt đi.

Athos phủi bụi kỹ trên áo quần của người con rồi bước đi, tay luồn dưới tóc con. Ông nói:

– Này Raoul. Anh cần tiền lắm đấy. Ông De Beauford sống rất huy hoàng, và ta chắc rằng ở nơi kia, anh sẽ thích mua ngựa, mua vũ khí là những thứ quý nơi đó. Thế mà anh lại không ăn lương của Hoàng thượng, hay của ông De Beauford, không được ban thưởng gì, chỉ tiêu tiền thôi. Ta thì lại không muốn anh ở Djidgelli phải thiếu thốn gì hết. Đây, hai trăm pitsole này, anh hãy tiêu đi cho ta vui lòng.

Raoul siết chặt tay cha và cả hai đến một khúc quanh, thấy ông De Beauford cỡi con ngựa trắng oai vệ đang duyên dáng nghiêng mình chào các bà trong thành phố hân hoan chào đón. Ông Hầu tước gọi Raoul đến và bắt tay Bá tước rất lâu, giọng ngọt ngào, khiến cho tâm tình người cha đau khổ vơi bớt được một phần.

Thế nhưng, dù với cả hai cha con, hình như họ đang bước tới nơi hành hình. Có một giờ phút kinh sợ, đó là lúc những người lính và thuỷ thủ rời bãi cát, hôn từ giã gia đình, bạn bè lần cuối.

Giờ phút cùng cực thiêng liêng, vì mặc dù trời trong sáng, nắng chan hoà ấm áp, không khí nồng hương thơm và nhựa sống căng đầy tim mạch, tất cả đều như tối đen, tất cả đều như đầy cay đắng.

Theo lệ thường, Đô đốc lên tàu sau hết với toán hầu cận.

Khẩu đại bác chờ vang lên tiếng gầm khủng khiếp khi người chỉ huy đặt một chân lên tấm ván tàu.

Athos quên cả Đô đốc, quên cả đoàn tàu, cả niềm hãnh diện là con người hùng, ông vươn tay ôm trầm lấy con trai, siết chặt vào người mình, Hầu tước cảm động nói:

– Xin lên tàu với tôi, ngài sẽ có được nửa giờ nữa.

Athos từ chối:

– Không, tôi đã nói từ giã rồi, tôi không lặp lại lần thứ hai nữa.

– Thế thì, Tử tước hãy lên tàu đi, ngay đi! – ông hoàng tiếp lời giục giã để tránh bớt những giọt lệ rơi của hai con người sầu khổ.

Thế rồi ông ôm lấy Raoul một cách hiền từ âu yếm như người cha, nhấc bổng chàng lên với sức mạnh của Athos ngày xưa, đặt chàng xuống chiếc xuồng đang chờ một hiệu lệnh là khua mái chèo. Ông cũng quên cả nghi thức, nhẩy ngay xuống sàn, vung chân đẩy mạnh xuồng rời bãi. Raoul kêu lên:

– Xin từ giã!

Athos chỉ ra dấu đáp lại, nhưng ông thấy tay ông nhận được thứ gì nóng bỏng. Đó là cái hôn kính cẩn của Grimaud, người tớ già trung thành. Hôn xong, Grimaud nhảy từ ụ neo xuống đầu chiếc xuồng đang móc vào chiếc sà lan có mười tay chèo. Athos ngồi lại trên ụ, ngẩn ngơ, câm điếc, rã rời.

Biển cả từ từ mang đi dần dần chiếc xuồng và những bóng hình cho đến khi dáng người chỉ còn là những chấm nhỏ, tình yêu thương chỉ còn là kỷ niệm.

Athos thấy con trai mình leo lên thang tàu Đô đốc, đứng chống khuỷu tay vào bao lơn tàu, cố tình để cho người cha dễ dàng trông thấy, ông thấy Raoul đến lúc chót, đến lúc cái chấm mong manh đó chuyển từ màu đen sang màu nhạt, từ nhạt sang trắng, từ trắng sang không còn gì hết và mất hút – đối với Athos chỉ mất hút thật lâu sau khi mọi người ở đấy thấy mất hút các tàu chiến hùng mạnh, buồm căng gió lộng.

Vào lúc trưa, khi mặt trời thiêu đốt không gian, khi các chỏm cột buồm còn một chút vết trên đường biển chói chang.

Athos thấy một bóng đen hiện lên rồi tan ngay. Đó là đám khói của tiếng súng đại bác mà ông De Beauford vừa cho bắn lên để chào giã từ nước Pháp lần cuối cùng.

Louis XIV, thay vì còn giữ được lòng biết ơn đối với Fouquet lúc này đã sa sút, lại nghe theo lời Colbert chỉ tìm cách ruồng rẫy ông. Các đẳng cấp hội lại ở Nantes, Nhà vua đến dự với trều đình, ra lệnh bắt ông tổng giám. D Artagnan tìm cách để Fouquet đào thoát mà không được; ông này bị canh giữ gắt gao và dẫn đến lâu đài Angers trong một chiếc xe có chấn song sắt.

Chọn tập
Bình luận