Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Đôn Kihôtê – Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra

Chương 28

Tác giả: Miguel De Cervantes

CHA XỨ VÀ BÁC PHÓ CẠO ĐÃ GẶP MỘT CHUYỆN LÝ THÚ KHÁC TRÊN NÚI MÔRÊNA

Sung sướng và may mắn thay thời đại đã sản sinh ra hiệp sĩ tột bậc anh dũng Đôn Kihôtê xứ Mantra. Nhờ chàng quyết tâm làm sống lại ngành hiệp sĩ giang hồ đã gần tàn lụi nên ngày nay – một thời đại rất cần đến những sự giải trí – chúng ta được thưởng thức một chuyện có thật lý thú cùng những giai thoại không kém phần thú vị, ly kỳ và cũng có thật như toàn bộ câu chuyện. Theo sự sắp xếp trước sau, chuyện kể tới đoạn Cha xứ đang tìm lời an ủi Carđêniô, bỗng đâu có tiếng than vãn vọng tới khiến ông phải ngừng lại, tiếng người than như sau:

– Trời hỡi! Phải chăng ta đã tìm được một nơi kín đáo để chôn vùi hình hài nặng nề này mà ta miễn cưỡng phải mang? Đúng như vậy nếu cảnh hoang vu của núi rừng ở đây không lừa dối ta. Tội nghiệp cho ta! Quả thật được làm bạn với núi non và rừng cây này để có thể kêu than với trời xanh nỗi bất hạnh của ta còn sung sướng hơn có một người bằng xương bằng thịt ở bên cạnh vì ta không trông chờ ở ai trên đời này một lời khuyên nhủ trong cơn bối rối, một sự khuây khỏa trong nỗi đau thương hay một phương thuốc trong cơn hoạn nạn!

Những lời than thở đã lọt vào tai Cha xứ, bác phó cạo và Carđêniô; thấy người đã thốt ra những lời đó ở cách mình không xa, họ bèn đứng dậy đi tìm. Mới đi được chừng hai chục bước, vòng một quả núi thì thấy có một người con trai mặc quần áo nông phu, ngồi dưới gốc một cây tần bì; người đó đang khỏa chân xuống suối, đầu ngả về phía trước nên ba người không nhìn rõ mặt. Họ đi tới rất nhẹ nhàng thành thử chàng trai nọ không hay, vả chăng chàng ta còn đang mải rửa chân, một đôi chân trắng ngần và nõn nà giống như hai đẵn pha lê trắng nổi lên giữa những tảng đá quanh suối. Mọi người đều ngạc nhiên, nghĩ rằng đôi chân như vậy không phải để dầm đất hoặc theo sau cái cày và con bò như bộ y phục chàng mặc trên người. Thấy không bị lộ, Cha xứ đang đi trên đầu, bèn ra hiệu cho mọi người ẩn mình sau những phiến đá quanh đấy; cả ba người cùng nấp kín rồi họ chăm chú quan sát chàng trai làm gì. Chàng trai nọ mặc một cái áo choàng nâu có hai tà bó chặt vào người bằng một chiếc thắt lưng màu trắng, quần nịt và xà cạp bằng dạ nâu, đầu đội mũ nâu. Đôi xà cạp vén cao để lộ bộ chân trắng như ngọc thạch. Sau khi rửa xong đôi chân tuyệt đẹp, anh ta rút ở trong mũ ra một cái khăn tay để lau rồi, vì muốn bỏ mũ ra, anh ta ngửng mặt lên khiến ba người được mục kích một vẻ đẹp tuyệt vời. Carđêniô thì thầm với Cha xứ:

– Người này không phải là Luxinđa 1 cho nên ắt không phải người trần.

Chàng trai nọ bỏ mũ, lắc lắc cái đầu, tóc sổ ra xõa xuống rất đẹp khiến những ánh hào quang của mặt trời cũng phải ghen tị. Trước mắt ba người, anh chàng nông phu nọ đã biến thành một cô gái xinh đẹp; Cha xứ và bác phó cạo chưa thấy ai đẹp như vậy, và ngay Carđêniô cũng sẽ phải nghĩ thế nếu như chàng chưa quen biết Luxinđa vì chàng cũng phải công nhận rằng chỉ có nhan sắc của Luxinđa mới có thể sánh nổi. Mớ tóc vàng của nàng vừa dài vừa dày, không những che kín vai mà còn che kín cả người, chỉ để hở đôi chân. Nàng dùng tay làm lược gỡ tóc; nếu đôi chân nàng nhúng xuống nước giống như hai đẵn pha lê thì hai bàn tay nàng giữa mớ tóc giống như những thỏi tuyết dày. Cảnh tượng đó khiến ba người càng tấm tắc khen thầm và càng muốn biết con người đó là ai. Họ quyết định ra khỏi chỗ nấp; thấy có tiếng chân người rục rịch, cô gái đẹp ngửng đầu lấy hai tay vén mớ tóc xõa trước mặt, nhìn về phía có tiếng động. Vừa thấy ba người, cô ta đứng phắt lên, không kịp xỏ giầy và quấn tóc, giật vội cái bọc để bên cạnh – dáng chừng bọc quần áo – rồi chạy trốn một cách hốt hoảng và sợ hãi. Mới được vài bước, cô ta đã ngã ra đất vì đôi bàn chân mảnh dẻ của cô không chịu nổi đất đá gồ ghề. Ba người thấy vậy bèn chạy lại; Cha xứ lên tiếng trước:

– Dù nàng là ai, xin hãy dừng lại. Những người mà nàng gặp ở đây chỉ có một ý muốn phụng sự nàng mà thôi; nàng không việc gì phải trốn tránh vì đôi chân nàng không chịu đựng nổi đâu và chúng tôi cũng không để nàng làm như vậy.

Cô gái tỏ vẻ hoảng hốt, bối rối, không đáp. Ba người tiến lại gần; Cha xứ cầm tay cô, nói tiếp:

– Y phục của nàng che mắt chúng tôi nhưng mớ tóc của nàng đã chỉ cho chúng tôi thấy rõ bấy nhiêu hiện tượng chứng tỏ rằng phải có những nguyên nhân sâu sắc khiến nàng đã phải ngụy trang sắc đẹp dưới một hình thức không tương xứng chút nào và đã đưa nàng đến chốn thâm sơn này. May mắn sao chúng tôi đã gặp được nàng; nếu chúng tôi không có cách gì làm dịu nỗi đau thương của nàng, ít ra chúng tôi cũng có thể khuyên nhủ nàng vì chừng nào cuộc sống chưa kết thúc, không một nỗi đau khổ nào có thể làm cho con người ta chán nản tới mức không muốn nghe những lời khuyên nhủ chí tình. Bởi vậy, thưa nàng, hay thưa chàng, hay muốn gọi là gì cũng được, xin chớ sợ hãi vì đã gặp chúng tôi và hãy kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời may mắn hay rủi ro của nàng; nàng sẽ thấy rằng tất cả chúng tôi đây cũng như riêng từng người đều sẵn sàng chia sẻ nỗi bất hạnh của nàng.

Nghe những lời của Cha xứ, cô gái giả trang cảm thấy xuôi tai; cô nhìn ba người, không mấp máy môi và cũng không nói nên lời, giống như một người ở nơi thôn dã đứng trước những vật lạ mắt chưa nhìn thấy bao giờ. Cha xứ vẫn tiếp tục dùng những lời dịu dàng và cuối cùng, cô gái buông một tiếng thở dài não nuột, rồi nói:

– Cảnh hoang vu của núi rừng ở đây đã không đủ để che giấu tôi, và mớ tóc của tôi sổ ra khiến lưỡi tôi không nói dối được nữa; cho nên nếu lúc này tôi còn nói quanh co là thừa và nếu người nào tin thì chẳng qua chỉ vì phép lịch sự mà thôi. Bây giờ, tôi xin đa tạ các ngài đã tỏ ra sẵn sàng giúp đỡ tôi, điều đó khiến tôi thấy có nhiệm vụ phải thỏa mãn yêu cầu của các ngài; nhưng tôi e rằng sau khi tôi kể về những nỗi bất hạnh của tôi, các ngài không những thấy thương xót mà còn buồn phiền vì các ngài sẽ không có cách nào cứu vớt nổi và cũng sẽ không tìm được lời nào để an ủi tôi. Tuy nhiên, tôi không muốn để các ngài có ý nghĩ xấu về tôi sau khi đã phát hiện rằng tôi là đàn bà con gái, sống lẻ loi ở đây và ăn mặc cải trang, những hiện tượng khiến người ta có thể nghi ngờ sự lương thiện của tôi; cho nên tôi đành phải tiết lộ những điều mà tôi muốn giữ kín nếu có thể được.

Người con gái xinh đẹp nói một mạch, lưu loát và bằng một giọng rất êm ái, khiến ba người lại một phen nữa phải ngạc nhiên trước trí tuệ của nàng cũng như họ đã kinh ngạc trước nhan sắc của nàng. Họ nhắc lại rằng họ sẵn sàng giúp đỡ nàng và yêu cầu nàng hãy thực hiện lời hứa. Cô gái nhận lời; sau khi kín đáo xỏ giày vào chân, quấn lại tóc, cô ta ngồi lên một phiến đá, cố ghìm những giọt lệ long lanh khóe mắt, rồi bằng một giọng rõ ràng và thong thả, bắt đầu kể chuyện cuộc đời mình cho ba người ngồi xung quanh:

– Trong miền Anđaluxia này có một tỉnh thuộc quyền cai trị của một công tước là một trong những vị đại thần ở Tây Ban Nha. Ông ta có hai con trai: anh con trưởng là người kế thừa gia sản và cả những đức tính của cha như mọi người đều thấy, còn đứa con thứ thì tôi không biết nó kế thừa gì nếu không phải là những mưu mô xảo trá của Vêiđô và Galalon. Gia đình tôi vốn thấp hèn nên thuộc dưới quyền ông ta song rất giàu có, và nếu như cha mẹ tôi có một địa vị cũng lớn như của cải trong nhà, chắc rằng hai người không còn điều gì phải mong ước nữa và tôi cũng không lo gì phải chịu một số phận hẩm hiu như ngày nay, vì có lẽ nguyên nhân nỗi bất hạnh của tôi là do cha mẹ tôi không thuộc nhà dòng dõi. Thực ra, cha mẹ tôi cũng không quá hèn kém đến nỗi phải xấu hổ về gia thế, song cũng không đủ cao sang để tôi có thể gạt bỏ ý nghĩ cho rằng sở dĩ tôi gặp rủi ro là vì gia đình mình hèn kém. Cha mẹ tôi làm nghề nông, thói nhà giản dị, dòng giống không pha tạp và như người ta thường nói, có đạo gốc. Vì lẽ gia đình tôi rất giàu có cho nên nhờ sự phú quý và cuộc sống sang trọng mà dần dần trở nên quý tộc. Nhưng điều làm cho cha mẹ tôi cảm thấy giàu sang danh giá nhất là đã sinh ra một đứa con gái như tôi. Vì là con một, nên tôi được cha mẹ rất thương yêu, chiều chuộng. Đối với hai vị, tôi là tấm gương soi, là cái gậy để tựa lúc tuổi già, là mục tiêu duy nhất. Cha mẹ tôi cầu mong cho tôi một điều tốt lành và để đền đáp tấm lòng đó, tôi cũng chỉ mong sao làm được như vậy. Cũng như tôi đã làm chủ linh hồn của cha mẹ tôi, tôi làm chủ cả tài sản trong nhà. Tôi tiếp nhận hoặc thải hồi những người làm; tôi nắm hết công việc đồng áng và thu hoa lợi. Những cối ép dầu, những máy ép rượu, những đàn gia súc lớn nhỏ, những tổ ong mật, tất cả những của cải mà một nhà nông giàu có như cha tôi có thể có và đã có, đều do tôi cai quản; tôi vừa là quản gia, vừa là chủ nhân; tôi trông coi việc nhà một cách chăm chút và thích thú, không thể nói hết được. Hàng ngày sau khi giao việc cho các giám thị, đốc công và gia nhân đầy tớ, tôi dùng thời gian còn lại làm những công việc dành riêng cho nữ giới như vá may, thêu thùa, xe sợi. Đôi lúc, để giải trí, tôi xếp những công việc đó lại, đọc một cuốn sách hay hoặc chơi thụ cầm, vì kinh nghiệm cho tôi thấy rằng âm nhạc làm cho đầu óc đỡ mệt mỏi và làm nhẹ những công việc trí tuệ. Tôi đã sống ở nhà cha mẹ tôi như thế đó; sở dĩ tôi kể tỉ mỉ không phải vì khoe khoang hay tỏ ra nhà tôi giàu có, mà chỉ muốn lưu ý các ngài rằng tôi không làm nên tội lỗi gì để đến nỗi phải đổi cuộc sống sung sướng đó lấy cảnh ngộ khốn khổ ngày nay.

Tôi mải mê với bao nhiêu công việc trong nhà, tách xa cuộc sống bên ngoài, giống như sống trong một tu viện. Ngoài gia nhân đầy tớ, không ai nhìn thấy tôi vì những ngày đi lễ nhà thờ, tôi đi rất sớm, có mẹ và các cô hầu đưa đi; tôi đi khép nép, mặt che kín đến nỗi mắt tôi chỉ nhìn thấy khoảng đất ở dưới chân mà thôi. Tuy nhiên, những con mắt của tình yêu, hay nói đúng hơn những con mắt của kẻ nhàn cư, còn tinh hơn cả mắt mèo rừng và chúng đã nhìn thấy tôi. Đó là đôi mắt tò mò của Đôn Phernanđô, tên đứa con thứ của công tước Ricarđô mà tôi đã kể ở trên.

Vừa nghe thấy cô gái nhắc tới tên Đôn Phernanđô, Carđêniô biến sắc, mồ hôi toát ra, toàn thân run lẩy bẩy, Cha xứ và bác phó cạo thấy vậy chỉ lo chàng lại phát điên, vì họ đã nghe kể về những cơn điên thường xuất hiện ở chàng. Nhưng Carđêniô vẫn ngồi yên, mắt nhìn chằm chằm vào cô thôn nữ như thể đã đoán ra cô là ai. Cô gái không để ý thấy thái độ của Carđêniô, vẫn tiếp tục kể:

– Chỉ mới thoáng nhìn thấy tôi, y đã mê mẩn ngay (như về sau y thổ lộ với tôi) và y đã tỏ ra bằng hành động. Nhưng để chóng kết thúc câu chuyện về những nỗi bất hạnh của tôi, tôi không nhắc lại ở đây những thủ đoạn của Đôn Phernanđô để tỏ tình với tôi; y đã mua chuộc những người làm trong nhà tôi; y biếu xén quà cáp cho cha mẹ tôi; ban ngày, phố tôi lúc nào cũng như có hội; ban đêm, những khúc nhạc nổi lên không cho ai ngủ nữa; không hiểu bằng cách nào, những lá thư cứ đến tay tôi, lời lẽ đầy tình tứ, chữ thì ít mà hứa hẹn thề thốt thì nhiều. Nhưng tất cả những cái đó không những không làm tôi xiêu lòng mà trái lại chỉ khiến tôi thêm cứng rắn, đến mức tôi coi y là một kẻ tử thù, và tất cả những việc y đã làm để dụ dỗ tôi đều có tác dụng ngược trở lại. Không phải tôi chê trách những cử chỉ ân cần của Đôn Phernanđô hoặc coi thường sự chăm sóc của y; có một cái gì đó khiến cho tôi hài lòng thấy mình được một trang hiệp sĩ cao quý như vậy ái mộ, và tôi không cảm thấy khó chịu khi y ca ngợi tôi trong những lá thư. Hình như đàn bà chúng tôi, dù xấu đến mấy, đều thích nghe người ta khen mình đẹp. Dù sao tôi vẫn tỏ ra cứng rắn nhờ tính nết đứng đắn của mình và những lời dạy bảo thường xuyên của cha mẹ tôi là những người đã biết rõ ý muốn của Đôn Phernanđô vì y cũng không ngại cho mọi người biết chuyện này. Cha mẹ tôi bảo rằng hai người chỉ còn biết đặt danh dự và tiếng tăm của gia đình vào sự nết na hiếu thảo của tôi, khuyên tôi hãy nhìn vào sự cách biệt giữa gia đình tôi và gia đình Đôn Phernanđô để thấy rằng điều mong muốn của y (tuy rằng y nói với tôi khác hẳn) chỉ nhằm thỏa mãn bản thân y chứ không nhằm lợi ích của tôi, còn nếu như tôi muốn bằng cách nào đó làm cho y phải từ bỏ ý muốn không chính đáng của y, cha mẹ tôi sẽ gả tôi ngay cho người nào mà tôi ưng ý, có thể là những đám tốt nhất trong tỉnh nhà hay ở vùng lân cận, vì của cải của cha mẹ tôi và tiếng tăm của tôi có thể cho phép tôi lấy được một tấm chồng xứng đáng. Những lời hứa hẹn của cha mẹ tôi và sự thật mà hai vị đã vạch ra cho tôi khiến tôi càng thêm cứng rắn, và tôi không hề nghĩ đến việc gửi cho Đôn Phernanđô một câu một chữ nào làm cho y có hy vọng – dù là mỏng manh – sẽ được toại nguyện.

Thái độ thận trọng của tôi – chắc y coi đó là sự khinh miệt – có lẽ đã làm tăng lòng nhục dục của y; tôi phải dùng từ này để chỉ tình yêu của y đối với tôi vì nếu y yêu tôi một cách chính đáng, hôm nay các ngài không được nghe chuyện này bởi lẽ tôi không có lý do gì để kể lại hầu các ngài. Cuối cùng, Đôn Phernanđô biết rằng cha mẹ tôi dự định lo việc gia thất cho tôi để y cụt hy vọng làm chủ con người tôi, hay ít ra, để tôi có nhiều người khác bảo vệ cho. Điều đó đã là nguyên nhân thúc đẩy y đi đến một hành động như tôi sẽ kể dưới đây. Một đêm, tôi đang ở trong phòng riêng với một đứa hầu gái, cửa ngõ đóng chặt phòng khi sơ ý mà danh dự tôi bị bôi nhọ, bỗng đâu không hiểu vì sao, mặc dù đã cẩn thận đề phòng, giữa căn buồng kín mít, vắng vẻ và yên lặng, y hiện ra trước mặt tôi; mắt tôi sầm lại không nhìn thấy gì nữa và lưỡi tôi cứng đờ; tôi không còn sức để kêu, vả chăng tôi nghĩ rằng y cũng không để cho tôi kêu vì ngay lúc đó, y tiến lại gần ôm lấy tôi (quả thật khi đó tôi không còn sức để chống cự vì quá bối rối); rồi y bắt đầu nói với tôi những lời khiến tôi không hiểu làm sao con người ta có thể có tài nói dối đến mức dùng những lời tưởng đâu như thật. Tên phản trắc còn vờ khóc lóc và than vãn để cho lời nói và ý định của y có vẻ thành thực. Tội nghiệp cho tôi từ bé cấm cung trong gia đình, không quen với những tình huống như thế bao giờ nên không hiểu vì sao tôi đã tin vào những lời giả dối đó, tuy rằng những giọt nước mắt và những lời than thở của y không làm tôi mủi lòng; phút hoảng hốt ban đầu đã qua, tôi lấy lại một phần nào tinh thần và, với một sự bình tĩnh quá mức tưởng tượng của tôi, tôi nói: “Nếu hai cánh tay đang ôm tôi là những nanh vuốt của một con sư tử hung dữ, và nếu muốn thoát ra khỏi, tôi phải nói những lời hoặc làm những việc có phương hại đến danh dự của mình, tôi sẽ không nói hoặc không làm gì hết. Cho nên, nếu chàng dùng hai cánh tay ôm chặt người tôi, tôi sẽ giữ chặt linh hồn mình bằng những ý tưởng tốt đẹp, và chàng sẽ thấy rằng những ý tưởng của tôi khác xa của chàng nếu chàng định dùng vũ lực bắt ép tôi. Tôi là bề dưới của chàng nhưng không phải là nô lệ; dòng dõi quý tộc của chàng không có và không thể có quyền hành gì xúc phạm và coi rẻ dòng dõi thấp kém của tôi, và tuy là con nhà nông hèn hạ, tôi cũng biết tự trọng như chàng, mặc dù chàng là một công tử quyền quý. Đối với tôi, vũ lực của chàng không có tác dụng, của cải của chàng không có giá trị, lời nói của chàng không mê hoặc được, những lời than vãn và nước mắt của chàng không làm mềm lòng. Nhưng nếu tôi tìm thấy một trong những điểm nói trên ở con người mà cha mẹ gả bán cho, tôi sẽ chiều theo ý muốn của người đó, không làm trái. Thành thử, dù không vui lòng nhưng miễn giữ được thanh danh, tôi sẵn sàng trao cho người đó cái mà lúc này chàng đang ước ao. Tôi nói như vậy vì đừng nên nghĩ rằng kẻ nào không phải là chồng của tôi lại có thể nhận được ở tôi bất cứ một cái gì”. Tên hiệp sĩ bất nhân đáp lại: “Em Đôrôtêa vô cùng xinh đẹp (đó là tên cô gái bất hạnh), nếu chỉ vì vậy mà em từ chối thì hãy xem đây, anh xin trao tay anh cho em; Trời kia nhìn thấu mọi việc và hình Đức Mẹ ở trong phòng này sẽ chứng giám cho anh”.

Khi nghe cô gái xưng danh là Đôrêtêa, toàn thân Carđêniô lại run lên; lúc này chàng càng tin rằng điều mình đã nghĩ về cô ta khi trước là đúng, nhưng chàng không muốn ngắt lời để xem cô ta kể tiếp câu chuyện mà chàng đã biết gần hết; chàng chỉ nói:

– Đôrôtêa là tên nàng đó ư? Tôi đã nghe một câu chuyện về một người cũng mang tên này, người đó có lẽ cũng gặp một cảnh ngộ bất hạnh như nàng. Nhưng thôi, xin nàng hãy tiếp tục, rồi tôi sẽ kể cho nghe những điều khiến nàng phải vừa ngạc nhiên vừa buồn phiền.

Câu nói của Carđêniô và y phục kỳ lạ, tả tơi của chàng khiến Đôrôtêa ngừng câu chuyện; cô yêu cầu chàng hãy nói ngay những điều chàng đã biết về mình. “Thần May Rủi còn chút thương tình tới tôi, cô ta nói, nên đã giúp cho tôi có đủ can đảm để chịu đựng mọi nỗi đau khổ, và chắc chắn rằng không một đau khổ nào khác có thể làm tăng thêm nỗi bất hạnh của tôi được”.

Carđêniô đáp:

– Nếu điều tôi nghĩ là đúng, tôi sẽ nói cho nàng biết, không bỏ qua, nhưng bây giờ chưa đến lúc và nàng cũng chưa cần biết.

– Thôi cũng được, Đôrôtêna nói, tôi xin kể tiếp: sau đó, Đôn Phernanđô cầm lấy ảnh Đức Mẹ ở trong phòng tôi như để chứng giám cho lễ cưới của hai người; bằng những lời lẽ khiến ai nghe cũng phải tin là thật, y thề sống thề chết rằng y là chồng tôi. Không để cho y nói hết, tôi bảo y hãy suy nghĩ về hành động của mình, về sự tức giận của cha y một khi biết y lấy một đứa con gái hèn hạ, một kẻ bầy tôi; rằng chớ nên để sắc đẹp làm mờ mắt vì sắc đẹp của tôi không đủ để bào chữa cho sự sai lầm của y; rằng nếu y yêu tôi và muốn giúp đỡ tôi, xin hãy để cho tôi lấy người bằng vai phải lứa vì xưa nay những cuộc hôn nhân chênh lệch như vậy chỉ mang lại hạnh phúc lúc đầu, không bền vững lâu dài. Tôi đã nói như vậy và còn nói nhiều nữa mà tôi không nhớ hết; nhưng những lời tôi nói không làm cho y từ bỏ ý đồ, giống như một kẻ định tâm ăn quỵt nên trong khi trao đổi thương lượng, ai đặt điều kiện gì cũng nhận tất. Trong giây phút ngắn ngủi đó, tôi tự nhủ: “Ta không phải là người đầu tiên hèn kém trở nên danh giá bằng con đường hôn nhân, và Đôn Phernanđô cũng không phải người đầu tiên sánh duyên với một cô gái không xứng với danh tiếng của chàng chỉ vì say mê sắc đẹp hay vì lòng ham thích mù quáng (lý do này đúng hơn). Bởi vậy, nếu ta không định đảo lộn sự đời, đây là một dịp may để ta trở nên ông nên bà vì dù rằng chàng không yêu ta nữa sau khi đã thực hiện được ý muốn, cuối cùng trước Chúa, ta cũng vẫn là vợ chàng. Còn nếu ta thẳng tay xua đuổi, chàng sẽ liều lĩnh dùng vũ lực, ta sẽ mất danh dự mà không thanh minh được; thiên hạ sẽ kết tội ta vì họ không thể hiểu được làm sao có thể xảy ra sự việc này một khi ta không lầm lỡ. Ta làm sao có đủ lý lẽ để thuyết phục cha mẹ ta và mọi người rằng chàng hiệp sĩ này vào phòng không có sự đồng ý của ta?” Trong giây phút đó, đầu óc tôi tự đặt ra những câu hỏi và trả lời như vậy; và nhất là những lời thề thốt giãi bày của Đôn Phernanđô, những giọt nước mắt của y, thêm vào đó là những cử chỉ cầu khẩn, ân cần cũng như những biểu hiện khác của một tình yêu chân thành có thể chinh phục được bất cứ một cô gái nào e lệ rụt rè như tôi, tất cả những cái đó đã bắt đầu tác động đến tôi và làm tôi xiêu lòng, dẫn tôi đến chỗ hủy hoại mà tôi không biết. Tôi gọi đứa hầu gái tới để cho nó cùng với trời đất làm chứng cho tôi; tôi bắt Đôn Phernanđô phải nhắc lại và khẳng định những lời thề thốt: y viện thêm tên những vị thánh khác chứng giám cho, thề những câu rất độc địa một khi không thực hiện đúng lời hứa, rồi vừa khóc lóc, vừa than thở, y ôm chặt lấy tôi (từ đầu đến giờ, hai tay y vẫn không buông tôi ra); sau khi đứa hầu gái ra khỏi phòng, tôi đã trao thân cho y và y đã hành động như một tên phản phúc, bất nhân.

Chắc rằng Đôn Phernanđô mong trời chóng sáng sau cái đêm đã gây ra cho tôi nỗi bất hạnh đó, vì sau khi đã thỏa mãn lòng dục, điều y mong mỏi nhất là đi khỏi nơi ở đó y đã được toại nguyện. Tôi nói vậy vì Đôn Phernanđô vội vàng ra đi: đứa hầu gái của tôi, trước đây đã dẫn y vào phòng tôi, đưa y ra ngoài đường trước khi trời sáng bạch. Lúc từ giã tôi, y nhủ tôi hãy tin vào y, rằng những lời thề thốt của y là chắc chắn và thành thật (tuy nhiên, thái độ của y không vồ vập, sôi nổi như khi mới tới); để cho lời nói thêm phần chân thật, y rút chiếc nhẫn quý đang đeo và xỏ vào ngón tay tôi. Y ra đi rồi, còn tôi ở lại, không hiểu mình vui hay buồn, chỉ biết rằng trong lòng bối rối, tư lự và gần như mất bình tĩnh trước sự việc mới xảy ra; tôi không có can đảm và cũng chẳng có ý định khiển trách đứa hầu gái phản bội đã giấu giếm Đôn Phernanđô ngay trong phòng tôi, vì lúc đó tôi cũng chưa hiểu rằng sự việc xảy ra là tốt hay xấu. Lúc Đôn Phernanđô ra đi, tôi bảo y cứ dùng cách đó để đến gặp tôi ban đêm vì con người tôi đã thuộc về tay y, cho tới khi nào y muốn công bố chính thức cuộc hôn nhân. Y chỉ trở lại đêm hôm sau, rồi mất mặt; trong hơn một tháng trời, tôi không hề thấy y ở ngoài phố hay trong nhà thờ; tôi nhọc lòng tìm kiếm y nhưng vô hiệu, mặc dù tôi biết y vẫn ở trong tỉnh và hay đi săn bắn, một trò tiêu khiển mà y rất ham thích.

Những ngày giờ đó đối với tôi thật ảm đạm, tối tăm; tôi cảm thấy bắt đầu nghi ngờ, thậm chí không tin vào lòng dạ của Đôn Phernanđô nữa. Nếu trước kia tôi không khiển trách đứa hầu gái về hành động táo bạo của nó thì lúc này tôi không tiếc lời mắng nhiếc nó; tôi biết rằng phải cố ngăn nước mắt và giữ vẻ tự nhiên để cha mẹ tôi không hỏi nguyên nhân vì sao tôi buồn, nếu hỏi sẽ buộc tôi phải nói dối. Nhưng rồi tới một lúc mà tôi không còn kiềm chế được cử chỉ và lời nói nữa, tôi mất hết kiên nhẫn và đã bộc lộ những ý nghĩ thầm kín ra. Số là ít lâu sau, dân chúng trong tỉnh tôi đồn rằng Đôn Phernanđô đã lấy một cô gái rất xinh đẹp ở một tỉnh lân cận, gia đình quý phái nhưng không giàu có lắm cho nên hồi môn của cô không xứng với một người chồng danh giá như vậy. Người ta bảo rằng tên cô ấy là Luxinđa, và còn kể nhiều chuyện lạ lùng đã xảy ra trong đám cưới đó.

Nghe nhắc tới tên Luxinđa, Carđêniô xo hai vai, cắn chặt môi, chau mày, nước mắt đầm đìa. Đôrôtêa vẫn không ngừng kể tiếp câu chuyện của mình.

– Khi nghe thấy tin đáng buồn đó, đáng lẽ tim tôi phải nguội lạnh đi; nhưng không, tôi đã bừng bừng tức giận và suýt nữa chạy ra đường rêu rao sự phản bội của Đôn Phernanđô đối với tôi. Nhưng tôi đã ghìm lại được vì trong óc bỗng nảy ra một ý định mà tôi thực hiện ngay đêm đó. Tôi kể hết sự tình cho một người gia nô, bảo y kiếm cho bộ áo quần này và nhờ y dẫn đi tìm kẻ thù của tôi ở tỉnh nọ. Lúc đầu, y tỏ ý không tán thành ý định táo bạo của tôi nhưng thấy tôi có vẻ cương quyết, cuối cùng y nhận lời đưa tôi đi tới cùng trời cuối đất, như y nói. Sau đó, tôi bỏ vào trong một cái túi vải một bộ quần áo đàn bà, một ít tiền và đồ nữ trang phòng thân, rồi trong đêm khuya lặng lẽ, không cho đứa hầu gái tráo trở biết, tôi bỏ nhà ra đi cùng với người gia nô, trong lòng ngổn ngang trăm mối. Tôi đi bộ, nhưng vì mong chóng tới tỉnh nọ, tôi đi như bay, không phải để đến nơi ngăn chặn một việc đã rồi, nhưng ít nhất cũng để hỏi Đôn Phernanđô xem bụng dạ y nghĩ gì khi làm việc đó. Hai ngày rưỡi sau, tôi tới nơi; bước chân vào trong tỉnh, tôi hỏi thăm nhà cha mẹ Luxinđa và đã được một người kể cho nghe rất nhiều chuyện. Người đó không những chỉ nhà cho tôi mà còn kể cho nghe chuyện đã xảy ra trong lễ cưới Luxinđa mà dân chúng trong tỉnh đều biết và túm năm tụm ba bàn tán. Theo lời người đó kể lại, trong đêm hôn lễ, sau khi trả lời Cha xứ là có lấy Đôn Phernanđô, bỗng dưng Luxinđa ngất đi; chồng cô ta tiến lại định cởi cúc áo cho cô dễ thở bỗng đâu thấy một bức thư do chính Luxinđa viết trong đó cô ta nói rằng không thể nào kết hôn với Đôn Phernanđô được vì đã là vợ của Carđêniô rồi (theo lời người kể, Carđêniô là một hiệp sĩ danh giá ở tỉnh đó), và sở dĩ cô đã trả lời có lấy Đôn Phernanđô vì không muốn cưỡng lại mẹ cha. Cuối cùng, bức thư có những câu chứng tỏ rằng cô ta định tự tử sau lễ cưới và nêu những lý do vì sao cô định kết liễu cuộc đời. Tất cả những lời đó đều được chứng minh là có thật vì người ta đồn rằng đã tìm thấy trong áo cưới của cô một con dao găm. Trước sự việc đó, nghĩ rằng Luxinđa định đem mình ra làm trò cười, Đôn Phernanđô xông lại trong lúc cô ta vẫn còn mê man bất tỉnh và định dùng con dao găm mới tìm thấy để đâm; cũng may cha mẹ cô và những người có mặt tại đấy đã kịp chặn tay y lại. Người ta còn đồn rằng sau đó Đôn Phernanđô bỏ đi, còn Luxinđa thì mãi hôm sau mới tỉnh, và cô ta đã thưa với mẹ cha rằng cô đã là vợ thực sự của chàng Carđêniô nói ở trên. Tôi được biết thêm là theo lời đồn, Carđêniô cũng có mặt trong buổi lễ cưới; sau khi thấy Luxinđa trả lời có, điều mà chàng không ngờ tới, chàng thất vọng đi thẳng, để lại một bức thư trong đó chàng nhắc tới hành động xấu xa của Luxinđa đối với mình và tuyên bố sẽ đi cho khuất mắt mọi người. Cả tỉnh biết chuyện này và mọi người đều bàn tán, nhất là khi họ được tin Luxinđa bỏ nhà ra đi, tìm khắp tỉnh không thấy đâu. Cha mẹ cô như mất trí và không biết làm thế nào để tìm ra con gái. Sau khi biết việc này, tôi lại thấy có hy vọng, nghĩ rằng thà không tìm thấy Đôn Phernanđô còn hơn tìm thấy chàng đã có vợ. Tôi cảm thấy nỗi bất hạnh của tôi chưa đến nỗi tuyệt vọng; có lẽ trời kia đã ngăn cản cuộc hôn nhân thứ hai này để buộc chàng phải nhớ tới nhiệm vụ đối với cuộc hôn nhân thứ nhất, để buộc chàng phải nhớ rằng chàng là một tín đồ Kitô giáo, cần phải làm theo tiếng gọi của lương tâm hơn là theo những khuôn sáo của xã hội. Tất cả những ý nghĩ đó luẩn quẩn trong đầu óc tôi, và tôi đã tự an ủi một cách viển vông, bằng những hy vọng hão huyền, để nuôi dưỡng một cuộc sống mà tôi đã chán ghét.

Tôi còn đang quanh quẩn trong tỉnh, phân vân không biết tính sao vì không tìm ra Đôn Phernanđô, bỗng đâu nghe thấy có tiếng người rao to rằng ai tìm thấy tôi sẽ được hậu đãi, rồi lại tả hình dạng, tuổi tác, bộ quần áo tôi đang mặc, và còn nói thêm rằng người hầu đi theo tôi đã dụ dỗ tôi bỏ nhà ra đi. Tôi thật đau lòng thấy thanh danh của mình sa sút đến như vậy vì chỉ riêng việc bỏ nhà ra đi cũng đã nhục nhã lắm rồi huống chi lại còn bị mang tiếng là đi theo một người đầy tớ hèn mọn, điều tôi không bao giờ nghĩ tới. Nghe xong, tôi đi ngay ra khỏi tỉnh; lúc này, người gia nô đi theo tôi bắt đầu có những dấu hiệu dao động mặc dù lúc ra đi, y đã thề sẽ trung thành với tôi. Đêm hôm đó, chúng tôi đi sâu mãi vào trong dãy núi này để cho không ai tìm thấy. Nhưng, như người ta thường nói, họa vô đơn chí, sự kết thúc của một bất hạnh này thường mở đầu cho một bất hạnh khác to lớn hơn và điều đó đã đến với tôi. Trong khung cảnh vắng vẻ, tên đày tớ của tôi, từ trước tới giờ vẫn tỏ ra trung thành và đáng tin cậy, bỗng dưng đem lòng tráo trở không phải vì sắc đẹp của tôi mà vì tưởng rằng gặp được cơ hội thuận lợi. Y không sợ Chúa và cũng chẳng nể gì tôi, trâng tráo tỏ tình. Tôi gạt bỏ những đề nghị sỗ sàng của y bằng những lời lẽ chí tình nhưng cũng khá gay gắt; thấy van nài không xong, y giở trò vũ phu. Nhưng trời kia chí công, không phụ những kẻ có lòng, đã phù hộ tôi, cho nên tuy liễu yếu đào tơ, tôi đã không tốn nhiều sức lực đẩy được y xuống vực thẳm, không biết y sống hay chết; sau đó, quên cả sợ hãi mệt nhọc, tôi chạy như bay vào trong dãy núi này, chỉ mong sao tránh mặt cha tôi và những người mà cha tôi phái đi tìm. Và thế là tôi đã sống tại đây không biết bao nhiêu tháng ròng. Sau đó, tôi gặp một người chăn cừu và được nhận vào giúp việc cho ông ta tại một làng nằm sâu trong núi này; trong thời gian đó, tôi cố tìm cách để được làm việc ngoài đồng hòng che giấu bộ tóc này mà tôi không ngờ vừa rồi đã sổ ra. Nhưng mặc dù tôi đã hết sức khéo léo giữ gìn, cuối cùng chủ tôi đã phát hiện rằng tôi không phải là con trai và, cũng như tên đày tớ đi theo tôi trước đây, lão đã nảy ra ý xấu. Không phải lúc nào con người ta cũng gặp may trước khó khăn, và lần này tôi không tìm đâu ra vực thẳm hay núi cao để đẩy lão chủ xuống cho chết, cũng như tôi đã đẩy tên đày tớ nọ; để tránh phiền phức, tôi thấy cần phải bỏ ra đi ẩn náu trong chốn rừng núi âm u này hơn là đọ sức và dùng lý lẽ với lão. Thế là tôi lại phải sống lẩn tránh, tìm nơi nào để có thể được tự do khóc than cầu trời đoái thương nỗi bất hạnh của tôi, giúp tôi thoát khỏi cảnh ngộ này hoặc để cho tôi được chết giữa nơi hoang vu này; và sau khi tôi qua đời, mong rằng không ai nhắc nhở tới đứa con gái bất hạnh vô tội, đã trở thành một đề tài cho thiên hạ khắp nơi bàn tán, xì xào

Bình luận