CÂU CHUYỆN LẠ LÙNG VỀ CHÀNG HIỆP SĨ ĐÔN KIHÔTÊ XỨ MANTRA BỊ PHÙ PHÉP, CÙNG NHỮNG CHUYỆN LY KỲ KHÁC
Thấy mình bị nhốt vào cũi và đặt lên xe bò, Đôn Kihôtê nói:
– Ta đã đọc nhiều sách viết rất nghiêm túc về các hiệp sĩ giang hồ, nhưng ta chưa hề đọc, nhìn hoặc nghe thấy nói có hiệp sĩ nào bị phù phép và bị những con vật lười biếng và lề mề đưa đi một cách chậm chạp như thế này. Thông thường, người ta đưa các hiệp sĩ đi một cách nhẹ nhàng trên không trung, có một đám mây đen hoặc một chiếc xe phóng hỏa bao phủ khắp người, hay là cho họ cưỡi quái ưng mã hoặc một con vật gì tương tự. Thế mà giờ đây người ta đưa ta đi bằng một chiếc xe bò! Trời ơi! Thật là nhục nhã! Nhưng có thể nghề hiệp sĩ và những chuyện yêu thuật đời nay đi theo một con đường khác xưa rồi. Cũng có thể vì ta là hiệp sĩ mới trên đời này và là người đầu tiên phục hồi nghề hiệp sĩ giang hồ đã bị lãng quên cho nên pháp luật bây giờ cũng khác và cách thức đưa những người bị phù phép đi bây giờ cũng khác, Xantrô con ta thấy thế nào?
– Tôi chẳng thấy thế nào cả, Xantrô đáp, tôi có đọc nhiều kinh giang hồ như ngài đâu. Tuy nhiên, tôi dám cam đoan và thề rằng những bóng ma ở chung quanh ta không được lương thiện lắm.
– Lương thiện ư? Đôn Kihôtê kêu lên. Mẹ ơi! Làm sao có thể lương thiện được một khi chúng là loài yêu ma hiện thành những hình thù quỷ quái tới đây làm chuyện này và đưa ta vào cảnh ngộ này! Nếu ngươi muốn biết sự thật, hãy lấy tay sờ nắn vào người chúng; ngươi sẽ thấy rằng thân hình của chúng toàn là không khí cả, chỉ có cái vỏ bề ngoài thôi.
– Lạy Chúa, tôi sờ rồi. Có một con yêu nhanh như con thoi, da dẻ đỏ hồng; nó còn một đặc tính khác hẳn các con yêu quái khác. Người ta bảo rằng loài yêu quái sặc mùi diêm sinh, trái lại con yêu này có mùi long diên, cách xa nửa dặm vẫn ngửi thấy.
Xantrô đang nói về Đôn Phernanđô; quả thật một con người sang trọng như chàng ắt phải tỏa ra mùi thơm như Xantrô vừa tả.
– Anh bạn Xantrô chớ lấy thế làm lạ, Đôn Kihôtê bảo. Ta nói cho mà biết rằng lũ yêu ma tinh ranh lắm đấy. Dù người chúng có mùi cũng không ai ngửi thấy gì đâu vì chúng là loài yêu ma và dù có ngửi được thì cũng không thấy ở người chúng mùi gì thơm tho đâu mà chỉ toàn những mùi thối tha xú uế. Nguyên nhân là vì đi tới đâu chúng cũng chỉ gieo rắc những cảnh địa ngục và mang lại đau khổ, bởi thế cho nên chúng không thể có mùi thơm được vì hương thơm làm con người ta khoan khoái dễ chịu. Nếu như ngươi cảm thấy con yêu có mùi long diên, đó là vì ngươi nhầm hoặc là con yêu nọ đánh lừa để ngươi không nhận ra nó là con yêu.
Nghe chủ và tớ bàn bạc với nhau như vậy, Đôn Phernanđô và Carđêniô sợ Xantrô phát hiện ra mưu kế của họ vì thấy bác đã đi sát vào vấn đề rồi, bèn quyết định lên đường sớm. Họ gọi riêng chủ quán ra một chỗ, bảo đóng ngay yên cho con Rôxinantê và con lừa của Xantrô; chủ quán thi hành tức khắc. Trong lúc đó, Cha xứ đã nhờ được những người lính cảnh sát hộ tống Đôn Kihôtê về quê nhà, hứa sẽ trả công cho họ tính theo số ngày đi đường. Carđêniô treo khiên và mũ sắt của Đôn Kihôtê vào cốt yên ngựa, mỗi bên một chiếc; chàng ra hiệu cho Xantrô leo lên lừa cầm cương con Rôxinantê dắt đi theo, rồi bố trí mỗi người lính cảnh sát cầm súng hỏa mai đi một bên xe. Trước khi xe chuyển bánh, vợ chủ quán, con gái và cô hầu Maritornêx chạy ra tiễn chân Đôn Kihôtê, vờ khóc lóc xót thương cho nỗi bất hạnh của chàng; Đôn Kihôtê bảo họ:
– Xin các quý phu nhân chớ khóc lóc làm chi, tất cả những bất hạnh này đều là tất nhiên đối với những người làm nghề nghiệp như tôi. Và nếu những tai họa đó không đến với tôi thì tôi cũng không thể tự coi mình là một hiệp sĩ giang hồ trứ danh được. Những hiệp sĩ vô danh tiểu tốt không bao giờ gặp những trường hợp tương tự như thế này bởi chưng thiên hạ có để ý tới họ đâu. Chỉ có những hiệp sĩ dũng cảm mới được nhắc nhở tới; họ bị nhiều ông hoàng bà chúa và các hiệp sĩ khác ghen đức ghen tài vẫn tìm cách *** hại những người ngay thẳng bằng những mưu ma chước quỷ. Tuy nhiên, đạo đức là một sức mạnh vô địch cho nên dù có các phép yêu thuật của kẻ phát minh đầu tiên là Dôrôaxtêx, bản thân sức mạnh của đạo đức vẫn thắng được tất cả và tỏa ánh sáng lên khắp mặt đất như mặt trời tỏa ánh sáng trong vũ trụ. Xin chư vị phu nhân tha lỗi cho tôi nếu vì sơ suất tôi đã có điều gì xúc phạm; quả thật tôi không bao giờ cố tình làm điều đó đối với bất cứ ai; chư vị hãy cầu Chúa giải thoát cho tôi khỏi cảnh lao tù này mà một tên pháp sư độc bụng nào đó đã gây ra cho tôi. Một khi được trở lại tự do, tôi sẽ không quên những công ơn mà các vị đã dành cho tôi trong thời gian tôi nghỉ tại lâu đài này; tôi sẽ đền ơn, phụng sự và hậu tạ các vị một cách xứng đáng.
Trong lúc các nữ chủ nhân lâu đài trò chuyện với Đôn Kihôtê, Cha xứ và bác phó cạo chia tay với Đôn Phernanđô và các bạn của chàng, với viên đại úy và ông bồi thẩm, với tất cả các cô gái lúc này đều vui vẻ, đặc biệt với Đôrôtêa và Luxinđa. Mọi người ôm nhau thắm thiết, hứa sẽ báo tin tức cho nhau. Đôn Phernanđô đưa địa chỉ cho Cha xứ, dặn phải viết thư báo cho biết tình hình của Đôn Kihôtê vì không có gì làm cho chàng vui thích hơn là được biết tin đó; chàng cũng hứa sẽ báo cho Cha xứ biết những điều mà chàng nghĩ là có thể làm cho Cha xứ vui thích, những tin tức về hôn lễ của chàng và lễ làm phép thông công của Dôraiđa, về chuyện riêng của Đôn Luix và về việc Luxinđa trở về nhà cha mẹ. Cha xứ hứa sẽ làm đúng yêu cầu của Đôn Phernanđô, không sai một ly. Họ lại ôm nhau hôn hít và một lần nữa lại hứa hẹn sẽ thực hiện những yêu cầu của nhau. Chủ quán tới đưa cho Cha xứ một tập truyện; bác nói là đã tìm thấy trong lần lót chiếc hòm đựng tập Truyện anh chàng hiếu kỳ khờ dại, và vì chủ nhân của nó không trở lại đòi nên bác cho tất, bác không biết đọc nên chẳng giữ làm chi. Cha xứ cám ơn chủ quán rồi mở ra xem thì thấy trên đầu tập truyện có ghi: Truyện Rincônêtê và Cortađiiô; ông đoán là tiểu thuyết. Vì đã được thưởng thức Truyện anh chàng hiếu kỳ khờ dại, ông đoán rằng tập này cũng phải lý thú vì có thể cả hai tập truyện đều do một tác giả viết; ông bèn cất đi, định bụng khi nào có dịp sẽ đọc.
Cha xứ và ông bạn là bác phó cạo leo lên lưng lừa (hai người vẫn đeo mặt nạ để Đôn Kihôtê không nhận ra ngay được) rồi ra đi theo chiếc xe bò. Cả đoàn theo thứ tự sau đây: đi đầu là chiếc xe bò do chủ xe điều khiển, hai bên có hai người lính cảnh sát mang súng như tả ở trên, tiếp đến Xantrô Panxa ngồi trên mình lừa tay cầm cương dắt con Rôxinantê, cuối cùng là Cha xứ và bác phó cạo cưỡi trên những con lừa lực lưỡng, mặt bịt kín như đã kể, đi một cách nghiêm trang và ung dung theo bước chân chậm chạp của những con bò kéo. Đôn Kihôtê ngồi trong cũi, hai tay bị trói chặt vào nhau, chân duỗi thẳng, lưng tựa vào chấn song; chàng ngồi yên lặng và nhẫn nại, tưởng đâu một pho tượng đá chứ không phải một người bằng xương bằng thịt. Thủng thẳng và lặng lẽ, cả đoàn đi được hai dặm đường thì tới một thung lũng. Thấy có chỗ thuận tiện cho bò nghỉ ăn cỏ, người đánh xe nói với Cha xứ cho dừng lại, nhưng bác phó cạo lại có ý kiến là nên đi thêm quãng nữa vì bác biết ở bên kia dốc trước mặt còn một thung lũng khác có nhiều cỏ, nghỉ ngơi tốt hơn chỗ họ đang muốn nghỉ. Ý kiến của bác phó được tán thành và mọi người tiếp tục đi.
Lúc này Cha xứ quay đầu lại thì thấy phía sau lưng có sáu, bảy người áo quần chỉnh tề bảnh bao, đang phi tới. Họ sắp đuổi kịp vì lừa của họ là lừa của thầy tu, không nhẩn nha thủng thẳng như bò kéo xe, vả chăng họ muốn sớm tới quán trọ cách đó chưa đầy một dặm để còn nghỉ trưa. Thế là đám người nhanh nhẹn đã đuổi kịp đám người lề mề; khi đi ngang, hai bên chào hỏi nhau rất lễ phép. Một người trong đám mới tới – đó là một thầy tu ở Tôlêđô phụ trách đám này – nhìn thấy chiếc xe bò, những người lính cảnh sát, Xantrô, Rôxinantê, Cha xứ, bác phó cạo và nhất là thấy Đôn Kihôtê bị nhốt trong cũi, ông ta không thể không lên tiếng hỏi vì sao đưa một người đi như vậy, mặc dù ông đã trông thấy phù hiệu của những người lính cảnh sát và đoán ra rằng đó là một tên kẻ cướp xấu xa hoặc một kẻ tội phạm để trao cho đội Xanta Ermanđát trừng trị. Một người lính cảnh sát thấy ông thầy tu hỏi, bèn đáp:
– Thưa ngài, chúng tôi xin để ông hiệp sĩ ấy nói lý do vì sao bị đưa đi như thế này bởi vì chúng tôi không biết gì cả.
Nghe thấy vậy, Đôn Kihôtê lên tiếng:
– Thưa các ngài hiệp sĩ, chẳng hay các ngài có am hiểu những chuyện về nghề hiệp sĩ giang hồ không? Nếu có, tôi xin thổ lộ những nỗi bất hạnh của tôi, bằng không thì tôi không hơi đâu mất công nói ra làm gì.
Thấy đám người mới tới bắt chuyện với hiệp sĩ Đôn Kihôtê xứ Mantra, Cha xứ và bác phó cạo vội tiến đến để liệu lời đối đáp cho khỏi lộ mưu kế.
Nghe Đôn Kihôtê hỏi, ông thầy tu đáp:
– Người anh em, quả thật tôi còn biết nhiều về những sách kiếm hiệp hơn cả những sách lý luận của giáo sư Viiapanđô. Bởi vậy, nếu chỉ là vấn đề đó thì chắc chắn ngài có thể thổ lộ với tôi những điều ngài muốn nói.
– Nếu vậy thì được, Đôn Kihôtê đáp. Thưa hiệp sĩ, tôi xin thưa để ngài rõ rằng tôi bị những tên pháp sư xấu bụng xấu dạ dùng yêu thuật lừa nhốt tôi vào trong chiếc cũi này. Xưa nay tài đức thường bị những kẻ xấu xa ghét bỏ hơn là được những người tử tế ái mộ. Tôi là một hiệp sĩ giang hồ, tôi không thuộc loại người bị thần Thanh danh lãng quên không làm cho rạng rỡ muôn đời; trái lại tôi đứng trong hàng ngũ những hiệp sĩ được vị thần đó ghi tên tuổi vào trong ngôi đền của sự bất diệt, dù cho có sự ghen ghét, dù cho có sự chống đối của bao nhiêu đạo sĩ xứ Perxia, của bao nhiêu kẻ theo đạo Bà-la-môn ở Ấn Độ và bao nhiêu kẻ theo triết lý Lõa thần tiên ở Êtiôpia 1; và những tên tuổi đó sẽ là khuôn vàng thước ngọc để cho các hiệp sĩ giang hồ của các thế kỷ sau đây nhìn thấy bước đường phải noi theo nếu họ muốn đạt tới đỉnh cao vinh quang của nghề võ.
Cha xứ vội nói chen vào:
– Ngài Đôn Kihôtê xứ Mantra nói đúng đấy. Ông ta bị phù phép đưa đi trên chiếc xe này không phải vì mắc lỗi lầm gì mà do ý đồ xấu xa của những kẻ ghen đức, ghét tài. Thưa ngài, nếu đã có lúc nào ngài được nghe danh, đây chính là hiệp sĩ Mặt Buồn mà những chiến công hiển hách và những hành động dũng cảm sẽ được ghi vào bảng đồng bia đá dù cho lòng ghen ghét và những mưu ma chước quỷ tìm cách bôi nhọ xóa nhòa.
Nghe người bị nhốt trong cũi và kẻ đứng bên ngoài nói năng theo kiểu cách như vậy, ông thầy tu vội làm dấu vì quá sửng sốt, chẳng hiểu đầu đuôi câu chuyện ra sao; những người đi theo ông cũng đều lấy làm ngạc nhiên.
Xantrô từ nãy tới giờ cũng có mặt tại đấy, bèn đặt lại vấn đề cho đúng chỗ, bác nói:
– Thưa các ngài, dù các ngài yêu hay ghét tôi vì những điều tôi nói ra đây, việc ông chủ Đôn Kihôtê của tôi bị phù phép cũng giống như mẹ tôi bị phù phép mà thôi. Ông ta vẫn có đủ sự suy xét, ông ta vẫn ăn, vẫn uống, vẫn làm mọi việc cần thiết cho bản thân như mọi người, như ông ta đã làm ngày hôm qua trước khi bị nhốt cũi. Sự việc là như vậy. Làm sao người ta lại muốn tôi phải tin rằng ông ta bị phù phép? Tôi có nghe rất nhiều người nói rằng những kẻ bị phù phép không ăn, không ngủ, không nói; đằng này, nếu không có ai ngăn cản, ông chủ tôi còn có thể nói nhiều hơn ba mươi quan biện lý.
Bác quay về phía Cha xứ và nói tiếp:
– Cha xứ ơi! Ngài tưởng tôi không nhận ra ngài ư? Ngài tưởng tôi không nhìn thấu và không đoán được rằng những phép yêu thuật mới lạ này nhằm mục đích gì ư? Tôi nói cho ngài biết rằng tôi đã nhận ra ngài dù ngài bịt kín mặt, và tôi cũng đã hiểu ngài rồi mặc dù ngài cố che giấu những mưu mô của ngài. Tóm lại, ở đâu có sự ghen ghét thì ở đó tài đức không sống nổi, và ở đâu có sự hẹp hòi thì cũng không thể có sự rộng lượng. Dù cho ma quỷ có làm gì chăng nữa, nếu ngài không dính vào chuyện này thì giờ đây ông chủ tôi đã cưới công chúa Micômicôna rồi và xoàng ra tôi cũng đã là bá tước vì rằng với tấm lòng tốt của ông chủ tôi là ngài Mặt Buồn và với công lao to lớn của tôi, không thể nào có chuyện khác được! Nhưng đúng như thiên hạ thường nói, bánh xe của thần May Rủi quay nhanh hơn bánh xe của cối xay và những kẻ hôm qua vừa lên voi, hôm nay đã xuống chó. Tôi thương hại cho vợ và các con tôi; đáng lẽ phải được thấy cha chúng trở về nhà với chức thống đốc hoặc phó vương một hòn đảo hay một vương quốc nào đó thì trái lại các con tôi thấy tôi vẫn chỉ là một anh coi ngựa mà thôi. Thưa Cha xứ, ngài là bậc cha chú và những điều tôi vừa nói chỉ nhằm mục đích kêu gọi ngài lưu tâm tới ông chủ tôi đang phải chịu cực khổ. Ngài hãy liệu đấy kẻo một khi sang bên kia thế giới, Chúa sẽ chất vấn ngài về việc ông chủ tôi bị giam giữ và sẽ kết tội ngài vì trong suốt thời gian bị cầm tù, ông chủ Đôn Kihôtê của tôi không ra tay cứu khốn phò nguy được cho ai.
Nghe thấy vậy, bác phó cạo bèn nói:
– Thật là chuyện ấm ớ! Xantrô, vậy ra anh cũng một giuộc với chủ anh ư? Lạy Chúa, anh quả là đáng bị nhốt chung một cũi với chủ và đáng bị phù phép như ông ta vì anh cũng giống tính hiệp sĩ giang hồ của ông ta. Anh đã phổng mũi vì những lời hứa hẹn của ông ta và hòn đảo mà anh ao ước đã ăn sâu vào đầu óc anh một cách tai hại.
– Tôi chẳng phổng mũi vì ai cả, Xantrô đáp; tôi là một người không chịu để ai làm cho phổng mũi, dù là đức vua. Tôi tuy nghèo nhưng có đạo gốc và tôi không nhờ vả gì ai cả. Tôi chỉ ao ước một hòn đảo trong lúc khối kẻ mong muốn những điều tồi tệ hơn thế cơ. Ở đời muốn biết kẻ hay người dở thì cứ nhìn hành động của họ sẽ rõ. Tôi đã làm người thì cũng có thể làm giáo hoàng được, và lại càng làm được thống đốc một hòn đảo, nhất là ông chủ tôi có thể chiếm được nhiều đến nỗi không có đủ người để trao cho. Ông phó cạo ơi, hãy liệu giữ mồm vì biết cạo râu chưa đủ để bàn chuyện này đâu; hai vấn đề khác nhau lắm đấy. Tôi nói vậy bởi vì chúng ta đã biết nhau cả, đừng bịp tôi làm gì. Về chuyện ông chủ tôi bị phù phép, chỉ có Chúa biết sự thật; thôi, hãy xếp nó lại kẻo bới ra chỉ thêm dở.
Bác phó cạo không muốn trả lời Xantrô sợ anh giám mã này cứ dây cà ra dây muống làm lộ hết mưu kế mà bác và Cha xứ đang cố tìm cách che giấu. Cũng vì lý do đó, Cha xứ kéo thầy tu đi vượt lên phía trước, hứa sẽ nói rõ những điều bí mật về con người bị nhốt cũi cùng các chuyện lý thú khác. Ông thầy tu và đám người theo hầu bèn đi lên trước, chăm chú nghe tất cả những điều Cha xứ kể về tính tình, cuộc đời, bệnh điên rồ và những tập quán của Đôn Kihôtê. Bằng những lời ngắn gọn, ông kể lai lịch bệnh điên của chàng, những việc chàng đã làm cho tới khi bị nhốt cũi, mưu kế của ông và bác phó cạo để đưa chàng về quê tìm cách chữa bệnh điên cho chàng. Câu chuyện ly kỳ của Đôn Kihôtê làm ông thầy tu và những người hầu của ông ngạc nhiên lắm; nghe xong, thầy tu nói:
– Thưa Cha xứ, quả thật tôi nhận thấy rằng những cuốn sách mà người ta gọi là kiếm hiệp có hại cho nước nhà. Trong những lúc nhàn rỗi và bị một ham thích sai lầm lôi cuốn, tôi cũng có đọc hầu hết những cuốn sách kiếm hiệp đã được xuất bản, nhưng tôi không sao đọc được từ đầu đến cuối bởi vì tôi cho rằng dù nhiều hay ít, các sách đó cũng giống nhau, không cuốn nào hơn cuốn nào. Theo ý tôi, thứ văn chương đó thuộc loại hoang đường và vô lý, chỉ để giải trí chứ không có tính chất giáo dục, trái với loại ngụ ngôn vừa giải trí vừa giáo dục. Những cuốn sách đó nhằm mục đích chính là giải trí nhưng lại đầy rẫy những chuyện nhảm nhí thì làm sao đạt được mục đích đề ra. Tâm hồn trở nên sảng khoái trước cái đẹp, cái hài hòa mà con người ta nhìn hoặc cảm thấy qua những sự vật hiện ra trước mắt hoặc qua những ý nghĩ nảy ra trong tư tưởng; tất cả những cái gì xấu xí đồi bại đều không làm cho ta hài lòng. Thử hỏi có gì hay ho và làm gì có sự liên quan giữa một đoạn này hay một đoạn nọ với toàn bộ câu chuyện khi một cuốn sách hay một truyện hoang đường kể rằng một chàng trai mười sáu tuổi đầu chém một nhát đứt đôi một tên khổng lồ to như cái tháp, như thể chém bùn vậy; lại nữa, người ta tả một trận giao chiến giữa một bên là một triệu người và một bên chỉ có một hiệp sĩ, nhân vật chính của câu chuyện, và dù muốn hay không, ta cũng bắt buộc phải hiểu là anh chàng hiệp sĩ đó giành được thắng lợi với sự dũng mãnh của cánh tay mình. Ta nghĩ gì khi thấy một bà hoàng dễ dàng cho một hiệp sĩ giang hồ không quen biết ôm vào lòng? Liệu có bộ óc nào, nếu không u mê dốt nát, thấy thích thú khi sách kể rằng có một tòa tháp đồ sộ chở đầy hiệp sĩ, bơi vun vút trên mặt biển như một con thuyền thuận gió, buổi tối hôm trước còn ở Lômbarđia, sáng sớm hôm sau đã tới đất của Prextê Huan ở châu Mỹ hoặc một nơi nào khác mà ngay Tôlômêô và Marcô Pôlô cũng chưa tìm ra hoặc nhìn thấy không? Nếu người ta trả lời tôi rằng tác giả những cuốn sách đó viết truyện hoang đường nên không cần phải chú ý tới những chi tiết về sự thật, tôi sẽ đối đáp lại rằng một truyện hoang đường sẽ càng lý thú một khi nó giống như một câu chuyện thật và nó lại càng lý thú một khi người đọc cảm thấy những sự việc nêu trong sách có vẻ có thật và có thể xảy ra được. Phải viết làm sao cho những truyện hoang đường ăn khớp với sự suy xét của độc giả, biến những cái không thể có thành những cái có thể có, gọt giũa những chuyện quái gở để người đọc cảm thấy hồi hộp, thích thú, thán phục và thỏa mãn. Người viết không thể đạt tới những điểm nêu trên đây nếu không tìm tòi những câu chuyện có lý, giống như thật, những yếu tố mang lại sự hoàn thiện hoàn mỹ cho tác phẩm của mình. Tôi chưa nhìn thấy một quyển kiếm hiệp nào hợp thành một thể hoàn chỉnh với đầy đủ các phần, phần giữa khớp với phần đầu, phần cuối khớp với phần đầu và phần giữa, trái lại chỉ thấy những đoạn văn lủng củng không ăn ý với nhau, như thể tác giả muốn đẻ ra một quái thai chứ không phải một hình thể cân đối. Đã vậy, bút pháp lại thô thiển, những chiến công thì khó tin, những truyện tình ái thì dâm ô, những phép xã giao lố lăng, những trận giao chiến dài dằng dặc, những lời lẽ ngớ ngẩn, những cuộc du hành phi lý, tóm lại những cuốn sách đó viết thiếu kỹ xảo, thiếu tế nhị và đáng phải trục xuất khỏi một nước Kitô giáo như những vật vô dụng.
Cha xứ chăm chú nghe ông thầy tu lý luận, cảm thấy ông ta là một người hiểu biết và những điều ông ta nói đều đúng. Cha tỏ ý tán thành những ý kiến của ông, nói rằng mình cũng căm thù những cuốn sách kiếm hiệp nên đã đốt nhiều cuốn của Đôn Kihôtê; ông kể việc lục soát kho sách của chàng hiệp sĩ, những cuốn bị kết tội hỏa thiêu và những cuốn được lưu lại; thầy tu nghe xong cười mãi rồi nói:
– Tuy tôi phê phán những cuốn sách đó hết lời nhưng tôi thấy chúng cũng có mặt tốt vì đó là một đề tài cho những bộ óc giỏi giang có thể tung hoành, một lĩnh vực bao la cho nhà văn múa bút, tả những cảnh đắm tàu, những cơn bão táp, những cuộc gặp gỡ và đọ sức, tả một viên đại úy dũng cảm với tất cả những đức tính cần có, khôn ngoan đoán trước được mưu mô của kẻ địch, có tài hùng biện thuyết phục binh lính, chín chắn trong lời nói, nhanh nhẹn trong hành động, kiên nhẫn khi chờ đợi, dũng cảm khi tấn công; lại cũng có thể tả một sự việc bi thảm, một chuyện vui bất ngờ, một phu nhân tuyệt đẹp, chung thủy, ý tứ và khôn ngoan, một hiệp sĩ Ki-tô giáo dũng cảm và mưu trí, một kẻ ngu xuẩn nói khoác một tấc đến trời, một ông hoàng phong nhã, anh dũng và đáng yêu, lòng trung thành của những thần dân lương thiện, sự cao sang và tính hào phóng của các vị lãnh chúa. Nhà văn đồng thời phải là nhà chiêm tinh học, nhà vũ trụ học, nhạc sĩ, một người am hiểu những vấn đề của quốc gia, và nếu cần, có khi còn là pháp sư nữa. Có khi phải tả những mưu mẹo của Ulixê, lòng hiếu thảo của Ênêax, sự dũng cảm của Akilêx, những bất hạnh của Êchtor, sự phản trắc của Xinôn, tình bằng hữu của Ơrialô, tính hào phóng của Alêhanđrô, lòng can đảm của Xêdar, lòng nhân thứ và trung thực của Trahanô, lòng trung thành của Dôpirô, tính thận trọng của Catôn, tập trung những điểm đó vào một người hoặc gán cho nhiều người khác nhau để tạo ra những nhân vật nổi danh.
Một khi đẻ ra được một tác phẩm với một bút pháp điêu luyện và một trí sáng tạo tài tình khiến người đọc tưởng như chuyện thật, vậy là tác giả đã dệt ra một tấm vải bằng nhiều sợi chỉ bền đẹp, và tác phẩm hoàn chỉnh đó đã đạt tới đỉnh cao của văn học tức là vừa giáo dục vừa giải trí như tôi nói ở trên. Quả thật, phạm vi rộng rãi của loại sách kiếm hiệp cho phép tác giả sử dụng nhiều thể văn như anh hùng ca, trữ tình, bi ai, hài hước, vận dụng tất cả những nét duyên dáng đáng yêu của văn vần và văn xuôi vì trong thể anh hùng ca dùng được cả loại văn xuôi lẫn văn vần.