CÂU CHUYỆN DO MỘT NGƯỜI CHĂN DÊ KỂ
Lúc này, có một thanh niên từ trong làng tới; anh ta làm nhiệm vụ tiếp tế lương thực:
– Các bạn có biết trong làng xảy ra chuyện gì không? Anh hỏi mọi người.
– Làm sao mà biết được, một người đáp.
– Xin báo là chàng sinh viên chăn cừu nổi tiếng Grixôxtômô đã chết sáng nay; người ta đồn rằng anh ta chết vì quá yêu con Marxêla quỷ quái, con gái lão nhà giàu Ghiiermô, cái con bé hay mặc bộ áo chăn cừu đi lang thang ở những nơi vắng vẻ ấy.
– Vì Marxêla ư? Một người hỏi.
– Chính nó. Có điều lạ là trong chúc thư để lại, Grixôxtômô yêu cầu chôn anh ngoài đồng như những người Môrô, dưới chân hòn núi đá có con suối chảy qua; theo người ta kể lại, anhnói rằng tại đấy lần đầu tiên anh đã gặp Marxêla. Grixôxtômô còn có những yêu cầu khác mà các Cha xứ bảo là không được làm, có làm cũng chẳng hay ho gì vì không hợp với chính giáo. Nhưng bạn thân của anh là Ambrôxiô – anh sinh viên cũng hay mặc quần áo chăn cừu – lại có ý kiến phải làm theo đúng yêu cầu của người chết, y như đã ghi trong chúc thư. Bà con trong làng đều xôn xao. Nhưng nghe đâu công việc ma chay sẽ tiến hành theo ý của Ambrôxiô và tất cả những người bạn chăn cừu của anh. Ngày mai, tang lễ sẽ được tổ chức long trọng tại con suối nói trên. Tôi thiết tưởng chúng ta phải đi dự đám tang đó, và tôi sẽ không bỏ qua nếu tôi biết rằng ngày mai, tôi không phải trở về làng.
– Chúng tôi cũng sẽ đi – tất cả đám chăn dê cùng nói, – và chúng ta sẽ rút thăm xem ai phải ở lại trông coi đàn dê.
Một người trong bọn họ lên tiếng:
– Pêđrô nói đúng đấy; tuy nhiên, không cần phải rút thăm đâu, tôi sẽ ở lại. Xin đừng nghĩ rằng tôi nhường nhịn các bạn hoặc không muốn đi xem. Số là cách đây mấy hôm, tôi bị gai đâm thủng chân nên không đi được.
– Dù sao chúng tôi cũng phải cảm ơn bác, Pêđrô đáp.
Đôn Kihôtê yêu cầu Pêđrô cho biết người xấu số và cô gái chăn cừu là ai. Theo lời Pêđrô, Grixôxtômô là một nhà quý tộc giàu có ở một làng miền núi trong vùng. Anh ta đã theo học nhiều năm ở trường đại học Xalamanca, sau đó trở về quê. “Anh được cả vùng coi là một người học rộng, hiểu nhiều, Pêđrô nói, đặc biệt, anh ta biết xem sao, đoán được những việc trên trời, dưới đất vì mỗi lần có nhiệt thực hay nghiệt thực, anh đều báo trước cho chúng tôi”.
– Hiện tượng mặt trời, mặt trăng tối sầm gọi là nhật thực, nguyệt thực, Đôn Kihôtê đáp.
Pêđrô chẳng buồn chữa danh từ mình đã dùng sai, kể tiếp:
– Anh ta biết cả năm nào được mùa, năm nào thất bác.
– Phải chăng anh bạn muốn nói thất bát? Đôn Kihôtê sửa lại.
– Thất bát hay thất bác cũng vậy thôi, để tôi kể nốt. Bố anh và bạn bè của anh tin vào anh và đều trở nên giàu sụ. Họ làm theo lời anh khi anh bảo: “Năm nay trồng đại mạch, đừng trồng lúa mì; năm nay không nên trồng đại mạch mà trồng đậu; sang năm được mùa hạt dầu, sau đó sẽ mất mùa ba năm liền”.
– Khoa học đó gọi là chiêm tinh, Đôn Kihôtê nói.
– Tôi cũng chẳng biết gọi là gì, Pêđrô đáp, chỉ biết anh ta thông thạo cái đó lắm và còn nhiều cái khác nữa. Ở Xalamanca về được vài tháng, bỗng dưng một hôm, thấy anh ta trút bỏ bộ quần áo sinh viên lụng thụng ra, mặc một bộ đồ chăn cừu, tay cầm gậy, mình khoác áo da cừu; đồng thời người bạn học rất thân của anh là Ambrôxiô cũng đóng vai chăn cừu. Tôi quên chưa giới thiệu là chàng Grixôxtômô quá cố, rất giỏi thơ ca. Anh thường đặt những bài hát và những vở kịch cho thanh niên trong làng biểu diễn đêm Chúa Giáng sinh hoặc trong ngày lễ Thánh thể, được mọi người trong làng khen hay. Khi thấy hai anh học trò bỗng dưng may quần áo chăn cừu, dân làng lấy làm ngạc nhiên lắm và không hiểu vì sao họ lại thay đổi một cách lạ lùng như vậy. Khi đó, bố Grixôxtômô chết để lại một gia tài kếch sù gồm ruộng đất, đồ đạc, gia súc và một số tiền lớn. Grixôxtômô được toàn quyền sử dụng, và quả thật anh ta xứng đáng được hưởng cái gia tài đó vì anh ta đối với ai cũng tốt bụng, thơm thảo và biết quý người; khuôn mặt anh nom thật phúc hậu. Sau đó mới vỡ lẽ ra rằng anh ta thay đổi trang phục cốt để vào rừng núi theo chân cô nàng chăn cừu Marxêla nói trên mà anh chàng đáng thương đã yêu vụng dấu thầm. Bây giờ, tôi xin giới thiệu với ngài về con bé này vì ngài cũng nên biết nó. Có thể chắc chắn rằng suốt đời ngài cũng không thấy có ai như nó dù ngài sống lâu hơn cả con ghẻ 1.
Thấy anh chăn cừu Pêđrô hay dùng sai danh từ, Đôn Kihôtê lại chữa:
– Sống lâu hơn bà Xara chứ!
– Con ghẻ sống lâu lắm, Pêđrô đáp, nhưng nếu chốc chốc ngài lại bắt bẻ tôi về chữ nghĩa thì cả năm cũng chả kể hết câu chuyện.
– Xin lỗi anh bạn; sở dĩ tôi chữa lại vì giữa con ghẻ và bà Xara khác nhau xa lắm. Nhưng anh nói đúng đấy, con ghẻ sống lâu hơn bà Xara. Thôi, anh kể tiếp đi, tôi sẽ không ngắt lời anh nữa.
– Thưa ngài, tôi xin kể: trong làng chúng tôi có một vị điền chủ khác còn giàu có hơn cả bố Grixôxtômô, đó là ông Ghiiermô. Ngoài những của cải vô tận, Chúa còn ban cho ông ta một người con gái. Mẹ đứa hài nhi chết ngay sau khi đẻ; đó là một người đàn bà đáng kính nhất trong vùng. Tôi tưởng như lúc này vẫn còn trông thấy bà ta với khuôn mặt như mặt trời, mặt trăng. Bà là một người nội trợ đảm, biết thương người nghèo, và tôi chắc lúc này đây, ở thế giới bên kia, linh hồn bà đang được Chúa phù hộ. Quá thương người vợ hiền, ít lâu sau ông chồng cũng chết theo để lại cho một người em làm giáo sĩ trông nom đứa con gái Marxêla lúc đó còn nhỏ, với một gia tài rất to. Con bé Marxêla càng lớn càng xinh đẹp như mẹ và mọi người đoán là sau này nó sẽ còn đẹp hơn cả mẹ nó. Quả thật như vậy. Khi nó mười bốn, mười lăm tuổi, ai trông thấy cũng phải cảm ơn Chúa đã sinh ra một con người đẹp như vậy. Các chàng thanh niên mê như điếu đổ. Chú nó nuôi nấng rất cẩn thận và giữ rịt nó trong nhà. Thế nhưng tiếng tăm cô gái nhà giàu xinh đẹp vẫn lan đi xa, và không những trong làng, từ khắp nơi, các chàng trai khá giả nhất cũng kéo đến cầu xin, nhì nhèo ông chú gả cho làm vợ. Thấy Marxêla đã đến tuần cập kê, ông chú cũng mong gả chồng cho cháu nhưng muốn rằng phải có sự đồng ý của cô ta. Ông này là một nhà tu hành có đức độ, không có ý định trì hoãn việc cưới xin của cháu để hưởng thụ những lợi tức thu nhập được. Bà con trong làng khi chuyện trò vẫn thường khen ông ta. Xin nói để ngài hiệp sĩ biết cho rằng ở nơi thâm sơn cùng cốc này, bất cứ việc gì người ta cũng bàn tán, bình phẩm. Xin ngài hiểu cho rằng – cũng như tôi đã hiểu – phải có đạo đức như thế nào mới được giáo dân ca ngợi chứ không phải dễ đâu, nhất là ở chốn nông thôn này.
– Đúng vậy, anh kể nốt đi, câu chuyện rất lý thú và anh kể rất nhiệt tình, anh bạn Pêđrô đáng mến ạ.
– Và ngài cũng tỏ ra rất chăm chú nghe, đó là điều quan trọng. Ta trở lại câu chuyện: “ông chú bàn bạc với Marxêla về các đám cầu hôn, giới thiệu những đức tính của từng người và thúc cô cháu phải chọn lấy một. Marxêla chỉ một mực đáp là cô chưa muốn lấy chồng vì còn ít tuổi, không đủ khả năng quán xuyến công việc gia đình. Nghe nói có vẻ có lý, ông chú không nhắc tới chuyện đó nữa, nghĩ rằng cháu mình lớn lên sẽ tự chọn được nơi vừa ý. Ông nói rất đúng là cha mẹ không nên ép buộc con cái làm theo ý mình. Thế rồi bỗng dưng một hôm, người ta thấy con Marxêla õng ẹo khoác vào người một bộ đồ chăn cừu. Mặc cho ông chú và dân làng can ngăn, nó đưa đàn cừu ra đồng chăn cùng với bọn con gái trong làng. Nó xinh đẹp như vậy mà đi ở giữa nơi công chúng cho nên không biết bao nhiêu những anh con trai nhà giàu, nhà quý tộc, trại chủ cũng khoác áo chăn cừu theo chân tán tỉnh. Trong số đó có anh chàng Grixôxtômô quá cố nói trên. Bảo rằng anh ta yêu thì chưa đủ, phải nói là anh ta thờ phụng cô nàng. Marxêla sống tự do, vô cai quản như vậy nhưng không hề làm điều gì hại đến thanh danh. Nó biết giữ giá của mình đến nỗi trong tất cả những anh chàng chạy theo cầu hôn, không anh nào dám tự khoe đã được cô nàng ban cho một chút hy vọng. Marxêla không lảng tránh họ và vẫn chuyện trò vui vẻ với mọi người, nhưng hễ thấy anh nào tỏ ý gì ra thì dù là tình yêu chính đáng, nó cũng đả cho tơi bời. Với tính cách như vậy, nó gây ra trong vùng này những tác hại còn lớn hơn cả quan ôn. Sắc đẹp và tính tình niềm nở của nó thu hút những chàng si tình, nhưng thái độ dứt khoát của nó làm các cậu thất vọng, đâm ra nguyền rủa nó là độc ác, bạc bẽo, và dùng nhiều danh từ tương tự khác để đả kích thái độ của nó. Nếu ngài còn lưu lại đây ít bữa, ngài sẽ nghe thấy những tiếng than vãn của các anh chàng thất tình vang khắp núi rừng. Cách đây không xa có một khu, ở đó có những cây dẻ gai to; trên mỗi thân cây đều có khắc hoặc ghi tên Marxêla, và ở ngọn cây khắc một cái mũ miện, ý muốn nói là Marxêla xứng đáng đội cái mũ đó vì nàng xinh đẹp nhất trần gian. Đây có một anh chăn cừu đang thở dài thườn thượt, kia một anh than vãn, chỗ này nổi lên một bài tình ca, chỗ nọ vang lên tiếng ngâm một khúc ai oán. Có anh ngồi cả đêm tới sáng dưới gốc cây sồi hoặc bên tảng đá, nước mắt ngắn, nước mắt dài, suy nghĩ viển vông; có anh, giữa trưa hè nóng nực, nằm lăn trên cát bỏng, mồm không ngớt than thân trách phận với trời cao. Cô nàng Marxêla xinh đẹp vẫn dửng dưng trước sự đau khổ của người khác. Bọn chúng tôi bảo nhau chờ xem bao giờ nó mới bỏ được tính kiêu kỳ, và ai sẽ là kẻ có tài trị được cái tính đáng sợ đó và chinh phục được một con người xinh đẹp quá đỗi như vậy. Câu chuyện tôi vừa kể hoàn toàn có thật và tôi nghĩ rằng câu chuyện anh bạn tôi kể về nguyên nhân cái chết của Grixôxtômô cũng có thật. Bởi vậy, tôi khuyên ngài không nên vắng mặt trong đám tang ngày mai; thật là đáng xem vì Grixôxtômô có rất nhiều bạn bè. Vả lại, từ đây đến nơi chôn cất Grixôxtômô không đầy nửa dặm đường.
– Tôi sẽ không bỏ qua, Đôn Kihôtê đáp, và xin cảm ơn anh đã kể cho nghe một câu chuyện lý thú.
– Ồ, tôi cũng chỉ mới biết được nửa phần câu chuyện về các anh chàng theo đuổi Marxêla. Có thể ngày mai, trong khi đi đường, chúng ta sẽ gặp một người chăn cừu khác kể cho nghe nốt. Còn bây giờ, xin mời ngài vào trong lều nghỉ vì ngoài này sương đêm có thể làm vết thương tấy lên tuy môn thuốc rịt tai của chúng tôi rất hiệu nghiệm, không có gì phải e ngại cả.
Từ nãy tới giờ, Xantrô Panxa chẳng thèm để vào tai câu chuyện dài dòng của anh chăn cừu. Lúc này, bác mới lên tiếng mời chủ vào ngủ trong lều của Pêđrô. Đôn Kihôtê vào, nhưng chàng thức cả đêm tơ tưởng đến nàng Đulxinêa, bắt chước những chàng trai say mê Marxêla. Xantrô ngủ dưới đất giữa con Rôxinantê và con lừa của mình. Trông bác không giống kẻ thất tình, mà như một người vừa bị trận đòn nhừ tử.