Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Đôn Kihôtê – Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra

Chương 63

Tác giả: Miguel De Cervantes

Nói về cuộc gặp mặt kỳ lạ giữa chàng Đôn Kihôtê dũng cảm và hiệp sĩ Gương sáng anh hùng

Đêm hôm xảy ra cuộc gặp gỡ với thần Chết, Đôn Kihôtê và giám mã nghỉ chân dưới một khóm cây cao um tùm. Nghe lời Xantrô khuyên, chàng hiệp sĩ ăn thức ăn dự trữ do con lừa mang theo. Giữa bữa ăn, Xantrô nói với chủ:

– Thưa ngài, tôi quả là ngốc nên mới nhận món quà chiến lợi phẩm mà ngài đã giành được trong cuộc phiêu lưu đầu tiên, nhận lứa đẻ của ba con lừa mới đúng vì rằng con chim con trong tay còn hơn con quạ bay trên trời.

Đôn Kihôtê đáp lại:

– Xantrô, nếu anh cứ chiến đấu theo ý ta, ít ra trong số chiến lợi phẩm cũng có chiếc vương miện bằng vàng của hoàng hậu và đôi cánh vẽ sơn của Cupiđô mà ta sẽ vặt ngược và trao tận tay anh.

– Những vương trượng và vương miện của các vị hoàng đế trên sân khấu chẳng cần làm bằng những chất liệu quý; đó là đồ giả, hào nhoáng bên ngoài, cũng như vở kịch vậy.

– Nhân nói đến kịch, ta muốn rằng anh phải quý trọng nó, từ đó phải quý trọng những người diễn kịch và soạn kịch vì rằng tất cả những người đó đều làm lợi cho nước nhà. Họ đặt một tấm gương trước mặt chúng ta để ta soi từng bước đi, và trong gương hiện lên mọi hoạt động của cuộc sống rõ mồn một. Để tả chân con người thật của chúng ta và con người mà chúng ta phải vươn tới, không gì bằng kịch và các diễn viên kịch. Không ư? Nghe ta nói đây: chắc anh đã xem diễn một vở kịch trong đó các vị vua, chúa, hoàng đế, giáo trưởng, các bà mệnh phụ cùng bao nhiêu nhân vật khác rồi chứ? Người đóng vai ăn chơi đàng điếm, kẻ đóng vai bịp bợm, lọc lừa, anh này làm người bán hàng, anh kia làm lính, có anh đóng vai một kẻ khờ dại ăn người, anh khác sắm vai si tình. Và khi diễn xong vở kịch, trút bỏ quần áo ra, mọi diễn viên đều như nhau cả.

– Có, tôi xem rồi, Xantrô đáp.

– Trong cuộc đời cũng vậy, Đôn Kihôtê nói tiếp. Có những người làm vua, có những người làm giáo trưởng, tóm lại, có đủ các nhân vật như ta thường thấy trong kịch. Họ khác nhau ở tấm áo manh quần. Thế nhưng, cuối cùng, khi cuộc đời họ kết thức, trước cái chết, họ phải trút bỏ áo quần ra và dưới mồ, ai cũng như ai cả thôi.

– Ngài so sánh như vậy thì tuyệt, Xantrô nói, tuy nhiên điều đó không mới mẻ gì với tôi vì tôi đã từng nghe nhiều lần, cũng giống như ta đánh cờ vậy; khi đang chơi, mỗi quân cờ có vai trò riêng nhưng khi ván cờ kết thúc, người ta lại xáo trộn các quân cờ rồi nhét vào một cái túi như thể người ta chôn người chết xuống dưới đất vậy.

– Xantrô, mỗi ngày anh lại bớt dại đi và khôn hơn lên, Đôn Kihôtê bảo.

– Đúng vậy, tôi lây cái khôn của ngài đấy, Xantrô đáp. Những mảnh đất khô cằn được chăm bón tốt sẽ đâm hoa kết quả. Tôi muốn nói rằng những câu phát biểu của ngài là phân bón rắc trên mảnh đất khô cằn của trí tuệ của tôi; thời gian vun trồng mảnh đất đó là thời gian tôi hầu hạ ngài và sống bên ngài, và tôi hi vọng sẽ được thu hoạch những trái cây thơm ngọt, đi đúng theo hướng dạy dỗ ưu việt mà ngài đã dành cho bộ óc rỗng tuyếch của tôi.

Nghe những lời phát biểu kiểu cách của Xantrô, Đôn Kihôtê không nín được cười mặc dù chàng cảm thấy Xantrô có những tiến bộ thật như bác tự nhận vì có lúc chàng phải ngạc nhiên khi nghe bác nói. Tuy vậy, mỗi khi Xantrô định nói năng kiểu cách theo lối các thí sinh đi thi, bác thường bị vấp, và khi nghe bác nói xong, người ta cảm thấy bác đã lao từ đỉnh cao của sự ngớ ngẩn xuống vực thẳm của sự dốt nát. Thế nhưng lời nói của bác trở nên đậm đà có duyên khi bác dùng những câu tục ngữ, dù hợp hay không hợp, như người ta đã nhận thấy trong khi đọc cuốn sách này.

Hai người nói chuyện với nhau gần hết đêm cho tới lúc Xantrô muốn “hạ những bức rèm của đôi mắt” như bác thường nói khi muốn đi ngủ. Bác liền tháo yên lừa cho con vật được tự do gặm cỏ mọc đầy đồng. Rôxinantê vẫn mang bộ yên trên mình vì Đôn Kihôtê cấm ngặt không được tháo ra chừng nào cả hai thầy trò còn đang trong tình trạng chiến đấu và không ngủ dưới mái nhà, theo lệ xưa do các hiệp sĩ giang hồ vẫn quy định và thực hiện. Tháo yên ngựa treo vào cốt yên thì được, nhưng tháo ra, chớ! Xantrô làm đúng như vậy, và thế là con Rôxinantê cũng được hưởng tự do như con lừa. Tình bạn giữa con Rôxinantê và con lừa khăng khít có một cho nên nghe đâu theo truyền thống gia đình, tác giả cuốn truyện có thật này đã dành riêng mấy chương để viết về mối tình đó; tuy nhiên, để đảm bảo tính nghiêm túc của cuốn sách này, ông đã không cho vào đây. Song đôi lúc, ông sơ xuất không làm đúng ý định của mình và đã viết như sau: hai con vật xích lại gần nhau và gãi cho nhau chán chê mê mỏi, rồi Rôxinantê ghếch cổ mình lên cổ lừa (cổ Rôxinantê vươn dài tới gần một thước); cả hai con cứ chăm chăm xuống đất như thể chúng vẫn quen đứng như vậy suốt ba ngày liền, hoặc ít nhất trong suốt thời gian không ai động đến chúng, hay kiếm ăn trong suốt thời gian mà cái bụng không buộc chúng phải đi kiếm ăn. Người ta đồn là tác giả đã ví tính thân thiện của Rôxinantê và con lừa với Nixô và Ôrialô, với Pilađêx và Orextêx. Nếu quả như vậy, ta có thể thấy tình bạn giữa hai con vật nhu mì cũng bền vững biết bao, đáng để cho mọi người khâm phục và cho những ai không biết giữ gìn tình bằng hữu phải hổ thẹn vì người ta thường nói:

“Bạn bè là cái nợ nần

Bề ngoài thơn thớt, ngấm ngầm gươm đao”.

Có người lại nói:

“Chớ tin cái vỏ bề ngoài…”.

Ta cũng đừng cho rằng tác giả đi lệch khi đem so sánh tình bạn của những con vật này với tình bạn của con người vì rằng loài người đã được xúc vật chỉ bảo dạy dỗ cho nhiều điều quan trọng; con cò có tinh thần tương trợ, con ***có nghĩa, con hạc cảnh giác cao, con kiến lo xa, con voi ngay thẳng, con ngựa trung thành.

Cuối cùng, Xantrô ngủ bên gốc một cây sồi điển điển, còn Đôn Kihôtê ngủ bên gốc một cây sồi. Chàng hiệp sĩ vừa chợp mắt được một lát, bỗng đâu có tiếng động sau lưng khiến chàng sực tỉnh, chàng đứng phắt dậy, vừa nhìn vừa nghe tiếng động phát ra từ đâu thì thấy có hai người cưỡi ngựa đi tới, rồi một trong hai người đó gieo mình từ trên yên xuống đất và nói với người kia:

– Anh bạn ơi, hãy xuống ngựa và tháo dây cương ra. Ta cảm thấy nơi đây có nhiều cỏ cho chúng và có đủ sự yên lặng quạnh hiu cần thiết cho ta nghĩ tới tình nương của ta.

Vừa nói, người đó đã nằm vật ra đất khiến cho vũ khí trên người chàng va vào nhau kêu loảng xoảng. Trước cảnh tượng ấy, Đôn Kihôtê biết ngay là một hiệp sĩ giang hồ; chàng bèn lại chỗ Xantrô ngủ, lay mỏi tay bác mới tỉnh, khẽ bảo:

– Người anh em Xantrô ơi, chúng ta gặp chuyện phiêu lưu rồi.

– Cầu Chúa đem đến cho thầy trò ta một chuyện tốt lành, Xantrô nói. Thưa ông chủ, thế cái bà phiêu lưu ấy đâu?

– Còn đâu nữa! Đôn Kihôtê đáp. Quay mặt lại nhìn, anh sẽ thấy có một hiệp sĩ giang hồ nằm dài dưới đất mà ta đồ chừng có một chuyện không vui lắm vì thấy chàng gieo mình từ trên ngựa xuống và nằm lăn ra, nét mặt rầu rĩ, vũ khí trên người kêu loảng xoảng.

– Thế ngài thấy có cái gì mà bảo là chuyện phiêu lưu? Xantrô hỏi.

– Ta không định nói rằng đã có chuyện phiêu lưu mà đây là giai đoạn mở đầu, Đôn Kihôtê đáp. Những chuyện phiêu lưu đều bắt đầu như vậy. Nhưng, nghe kìa, hình như chàng đang lên dây một cái đàn tì bà hay lục huyền cầm thì phải, chàng lại khạc nhổ và đằng hắng, chắc là chuẩn bị hát một bài gì đó.

– Quả có thể, Xantrô nói, chắc hẳn đây là một hiệp sĩ si tình.

– Hiệp sĩ nào chẳng si tình, Đôn Kihôtê bảo. Thôi ta hãy nghe xem sao, nếu chàng hát, ta có thể qua lời ca tiếng hát mà dự đoán được tâm tư của chàng vì rằng những điều suy nghĩ trong lòng thường được bộc lộ qua lời nói.

Xantrô chưa kịp bẻ lại chủ thì đã nghe tiếng hát của hiệp sĩ Sơn Lâm vang lên, không hay lắm cũng chẳng dở lắm. Hai thầy trò lắng tai nghe thì thấy chàng hát như sau:

“Nàng đã vạch ra cho ta con đường đi theo ý muốn của nàng; ta hứa sẽ làm đẹp lòng nàng vì ý muốn của nàng là ý muốn của ta”.

“Nếu nàng muốn ta phải chết ôm theo mối hận trong lòng, xin hãy coi ta đã qua đời; còn nếu nàng muốn ta nói lên nỗi hận lòng này, ta sẽ nhờ Tình yêu giãi tỏ hộ ta”.

“Trải qua bao thử thách, ta đã trở thành sáp mềm hoặc đá rắn, và trước những luật lệ của tình yêu, ta xin cúi đầu khuất phục”.

“Mềm hay rắn, ta xin dâng nàng trái tim để tùy nàng cắt gọt ghi khắc, và ta sẽ giữ nó trọn đời”.

Hiệp sĩ Sơn Lâm kết thúc bài hát bằng hai tiếng “than ôi”, tưởng như rứt từ đáy lòng. Lát sau, chàng cất giọng bi ai não ruột, than rằng:

– Ôi, con người xinh đẹp nhất đời cũng như bạc bẽo nhất đời! Hỡi nàng Caxilđêa đê Valđalia cao quý, nỡ lòng nào nàng để cho kẻ hiệp sĩ nô lệ của nàng chết dần chết mòn vì phải sống cuộc đời lang thang, nhọc nhằn, cơ cực! Nàng chưa hài lòng sao? Vì ta mà tất cả các hiệp sĩ ở Navara, Lêôn, Tartêxiđê, Caxtiia, và cuối cùng, các hiệp sĩ xứ Mantra phải công nhận nàng là người xinh đẹp nhất trên đời.

Nghe tới đó, Đôn Kihôtê phải đối:

– Làm gì có chuyện ấy. Chính ta là người Mantra và ta không hề, không phải và không thể công nhận một điều gây phương hại đến sắc đẹp của tình nương của ta. Xantrô, anh thấy đấy, chàng hiệp sĩ kia nói láo. Nhưng, hãy nghe đã, chắc là chàng còn nói gì nữa.

– Nhất định rồi, Xantrô bảo; cứ cung cách này, ông ta còn than vãn cả tháng liền.

Thế nhưng không; thoáng nghe có tiếng người nói ở gần, hiệp sĩ Sơn Lâm ngừng thở than và đứng dậy cất tiếng từ tốn hỏi:

– Ai đó? Những con người nào đấy? Phải chăng là những con người sung sướng hay những kẻ khốn khổ?

– Những kẻ khốn khổ, Đôn Kihôtê đáp.

– Nếu vậy, xin hãy đến đây với tôi, hiệp sĩ Sơn Lâm nói. Các ngài là hiện thân của sự buồn rầu, đau khổ.

Nghe câu trả lời vừa tế nhị, vừa nhã nhặn, Đôn Kihôtê bèn tiến lại; Xantrô cũng làm theo chủ.

Hiệp sĩ buồn rầu nắm cánh tay Đôn Kihôtê nói:

– Xin mời hiệp sĩ ngồi xuống, chỉ cần nhìn thấy ngài ở nơi đây cũng biết ngài là hiệp khách và là một trong những người theo nghề hiệp sĩ giang hồ, vì rằng cảnh hoang vắng âm u xưa nay là bầu bạn, là giường ngủ, là nơi trú ngụ của họ.

Đôn Kihôtê đáp lại:

– Vâng, tôi là hiệp sĩ và làm cái nghề mà ngài vừa nói. Lòng tôi tràn ngập đau thương buồn tủi, song không phải vì thế mà không xót thương nỗi bất hạnh của người khác. Nghe ngài hát lúc nãy, tôi hiểu rằng nỗi bất hạnh của ngài thuộc lĩnh vực tình yêu, tôi muốn nói rằng nó bắt nguồn từ mối tình của ngài đối với người đẹp đã phụ bạc ngài mà ngài đã nhắc tôi qua những lời than vãn.

Nhìn hai chàng ngồi trò chuyện sát bên nhau trên nền đất rắn đanh, có vẻ tâm đầu ý hợp lắm, không ai ngờ sáng hôm sau họ lại có thể đánh nhau vỡ đầu xẻ tai được.

Lúc này, hiệp sĩ Sơn Lâm hỏi Đôn Kihôtê:

– Thưa ngài hiệp sĩ, phải chăng ngài đang yêu?

– Than ôi, đúng như vậy, Đôn Kihôtê đáp, tuy rằng những đau khổ phát sinh từ nhiều ý nghĩ tốt lành phải được coi là điều tốt chứ không phải điều xấu.

– Quả thật như vậy, hiệp sĩ Sơn Lâm nói, nếu như một khi bị hắt hủi, ta không mất lý trí và lẽ phải. Sự hắt hủi quá mức giống như trả thù vậy.

– Tôi không hề bị tình nương hắt hủi, Đôn Kihôtê đáp.

Xantrô đứng bên cạnh chủ, nói thêm:

– Chắc chắn là không vì bà chủ tôi hiền như một con cừu cái và mềm mại hơn cả mỡ bò.

– Anh này là giám mã của ngài đấy ư? – Hiệp sĩ Sơn Lâm hỏi.

– Thưa phải, Đôn Kihôtê đáp.

– Tôi chưa bao giờ thấy có giám mã nào dám nói leo vào câu chuyện của chủ, hiệp sĩ Sơn Lâm bảo; giám mã của tôi đây to lớn như hộ pháp, thế mà không ai thấy anh ta hé môi khi tôi nói chuyện cả.

– Đúng là tôi nói đấy, Xantrô đáp, và tôi có thể nói trước mặt người khác nữa. Nhưng thôi, xếp chuyện đó lại, bới ra làm gì?

Anh giám mã của hiệp sĩ Sơn Lâm nắm cánh tay Xantrô, bảo:

– Thôi, bọn giám mã chúng mình hãy đi kiếm chỗ nào để có thể nói chuyện với nhau thoải mái, mặc hai ông chủ kể lể với nhau những chuyện tình duyên của họ. Chắc chắn đến sáng họ cũng chưa dứt đâu.

– Hay lắm, Xantrô nói; rồi tôi sẽ cho bác biết tôi là người như thế nào, để bác xem tôi có thua kém gì những giám mã hay nói nhất hay không.

Rồi hai người bỏ đi chỗ khác; và trong lúc chủ họ đang đàm đạo với nhau rất nghiêm túc, hai giám mã trò chuyện với nhau rất vui vẻ.

Bình luận
× sticky