KỂ TIẾP CUỘC ĐỜI NGƯỜI TÙ
“Hỡi các linh hồn hạnh phúc, bằng hành động dũng cảm các người đã trút khỏi thể xác, từ cõi trần ô trọc bay bổng lên thượng giới cao siêu.
Căm giận quân cướp nước và một lòng cúc cung tận tụy, các người đã chẳng tiếc thân, bằng máu của mình và của đồng đội nhuốm thắm biển khơi và những bãi cát vàng.
Các người đã chết vì sức cùng lực tận nhưng tinh thần vẫn còn dư và những cánh tay rã rời của các người đã mang lại chiến thắng.
Cái chết đáng thương xót của các người giữa nơi mũi tên hòn đạn được người đời ca tụng và được Chúa ban vinh hiển đời đời”.
– Bài thơ đúng như vậy, Người Tù nói.
– Nếu tôi không nhớ sai, người bạn của Đôn Phernanđô nói, bài thơ về đồn binh như sau:
“Từ mảnh đất cằn cỗi hoang tàn này, từ những thành trì đổ nát này, linh hồn của ba ngàn binh sĩ bay lên yên nghỉ trên cõi thiên đường đầy hạnh phúc.
Những cánh tay của họ đã vung lên dũng cảm nhưng vô hiệu quả và cuối cùng, người ít sức kiệt, họ đã ngã gục dưới mũi gươm của quân thù.
Đất này đã chứng kiến biết bao sự kiện buồn thương từ những thế kỷ xưa cho đến nay.
Nhưng cũng từ mảnh đất khốc liệt này có những linh hồn cao cả nhất bay bổng lên trời cao và cũng tại đây có những con người dũng cảm nhất yên nghỉ đời đời”.
Mọi người đều khen thơ hay, riêng Người Tù tỏ vẻ vui mừng vì được biết tin bạn cũ; anh ta kể tiếp:
– Sau khi pháo đài La Gôlêta và đồn binh thất thủ, bọn Thổ ra lệnh phá đổ pháo đài (đồn binh thì không còn gì để phá nữa). Để tranh thủ thời gian và đỡ tốn công sức, chúng nổ mìn từ ba phía. Tuy nhiên, những bước tường thành cổ tưởng như dễ phá vẫn đứng trơ trơ, trái lại phần công sự do kỹ sư Phratin xây sau này bị mìn đánh sập ngay. Sau đó, hạm đội thắng trận trở về Cônxtantinôpla; mấy tháng sau, chủ tôi là tướng Thổ Uchali chết. Người ta gọi hắn là Uchali Phartắc, tiếng Thổ Nhĩ Kỳ có nghĩa là kẻ bội giáo mắc bệnh sài. Quả thật, hắn có bệnh sài, và người Thổ có tục lấy những tật xấu hay những tính tốt của mỗi người để đặt tên cho nhau. Ở Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có bốn dòng họ chính cống, còn những dòng họ khác lấy những tật xấu hoặc những tính tốt của mình để tự đặt tên họ. Năm mười bốn tuổi, tên Uchali này là nô lệ của hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ và phải đi phục dịch trên một chiến thuyền; năm ba mươi tư tuổi, một hôm trong lúc đang chèo thuyền, hắn bị một tên Thổ đánh cho một cái tát; ức quá, hắn từ bỏ tôn giáo của mình để chờ dịp trả thù, không chịu ra luồn vào cúi như những sủng thần của hoàng đế đã làm để được thăng quan tiến chức, hắn đã bằng tài năng để trở thành vua Arhêl rồi làm đô đốc thủy quân, chức vụ thứ ba trong triều. Quê quán hắn ở Calabrơ; hắn là một người tốt bụng, đối xử nhân đạo với tù nhân. Sau khi hắn chết, theo chúc thư để lại, người ta phân chia số ba ngàn tù nhân của hắn cho những bộ hạ thân tín của hắn và cho hoàng đế (theo lệ, hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ là người thừa kế của tất cả những người chết và cũng được hưởng một phần gia tài như những người con khác). Chủ mới của tôi là một kẻ bội giáo quê quán ở Vênêxia; tên này bị Uchali bắt được từ hồi còn nhỏ khi đang làm việc trên một chiếc tàu. Hắn được Uchali rất yêu quý và trọng đãi, nhưng hắn độc ác có một trên đời. Tên hắn là Axan Aga, làm vua Arhêl và rất giàu có. Được về Arhêl với hắn, tôi cũng mừng vì ở đó gần Tây Ban Nha. Không phải tôi có ý định viết thư về nước báo tin bất hạnh của tôi đâu; tôi chỉ muốn xem ở Arhêl tôi có gặp may mắn hơn không vì khi còn ở Cônxtantinôpla, tôi đã dùng trăm phương ngàn kế để đi trốn nhưng đều không gặp may. Tại Arhêl, tôi cũng đã tìm nhiều cách hòng đạt được điều tôi mong ước vì không một lúc nào tôi từ bỏ hy vọng được trở lại tự do; mỗi khi ý nghĩ và hành động của tôi không đem lại kết quả mong muốn, tôi không nản chí, cố tạo ra một nguồn hy vọng mới để giữ vững tinh thần, dù hy vọng đó mỏng manh. Tôi đã sống như vậy trong một nhà tù, người Thổ Nhĩ Kỳ gọi là ngục giam trong đó có những tù nhân Kitô giáo của nhà vua và của các tư nhân cùng những phạm nhân của thành phố; những người này chuyên đi phục dịch những việc công cộng, rất khó được thả ra vì họ là của chung không thuộc về một người chủ nhất định nào cả, không biết thương lượng với ai để chuộc tiền dù họ có tiền chuộc. Như tôi đã nói, nhiều người trong tỉnh gửi tù nhân của họ tại những ngục giam này, nhất là những người tù để chuộc, vừa đảm bảo vừa giữ cho tù nhân được lành mạnh khi trao trả. Những tù nhân để chuộc của vua Thổ Nhĩ Kỳ cũng không phải đưa đi làm; nếu mãi không có ai đến chuộc, để thúc tù nhân chăm viết thư về nhà xin tiền, người ta bắt họ cũng phải đi làm, đi kiếm củi hoặc những việc khác khá nặng nhọc.
Tôi cũng là một trong những tù nhân để chuộc; khi biết tôi là đại úy, họ liệt tôi vào danh sách những nhà quý tộc mặc dù tôi đã thanh minh là tôi không có tiền nong gì cả; họ đeo cho tôi một cái xích, không phải để trói buộc tôi mà để phân biệt tôi thuộc loại chờ chuộc tiền. Tôi sống trong ngục giam cùng với những người quyền quý khác cũng được liệt vào số người để chuộc. Tuy bị đói rách thiếu thốn nhưng điều làm chúng tôi đau khổ nhất là phải chứng kiến những hành động tàn ác chưa từng thấy của lão chủ đối với những người Kitô giáo. Mỗi ngày hắn treo cổ một người, có người bị đóng cọc vào hậu môn, có người bị xẻo tai, chỉ vì những chuyện rất nhỏ hoặc chẳng vì lý do gì cả. Chính những người Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải nhận rằng hắn hành hạ tù nhân chỉ vì ý thích riêng và do bản tính muốn tiêu diệt hết giống người. Riêng có một người tù của hắn được sống yên ổn; đó là một quân nhân Tây Ban Nha tên là Xaavêđra 1. Để giành lại tự do, anh ta đã có những hành động táo bạo khiến dân địa phương còn nhớ mãi, thế nhưng lão Axan Aga không hề đánh đập hoặc nói nặng một câu; trước những việc làm của anh ta, tất cả chúng tôi đều lo cho anh bị trừng trị và bản thân anh ta cũng lo. Giá có thời giờ, tôi sẽ kể ra đây một vài việc làm của anh ta, chắc các ngài sẽ thấy thú vị và ngạc nhiên hơn cả câu chuyện về cuộc đời tôi. Nhưng thôi, ta hãy quay trở lại câu chuyện của tôi.
Bên cạnh nhà tù của chúng tôi là tư thất của một người Môrô giàu có và quyền quý, cửa sổ nhìn thẳng xuống sân nhà tù. Theo kiến trúc của người Môrô, cửa sổ là những lỗ hổng có che mành kín mít. Một hôm, tôi và ba người bạn tù đeo xiềng xích tập nhảy trong sân để giết thời giờ vì những người tù Kitô giáo khác đi làm việc cả rồi, bỗng đâu tôi ngước mắt nhìn lên thì thấy ở trên một cái cửa sổ che mành có một cây sào thò ra, đầu sào treo một cái gói, cây sào cứ đu đưa như làm hiệu cho chúng tôi cầm lấy. Chúng tôi chăm chú nhìn, rồi một người trong bọn tiến đến dưới cửa sổ để xem ở trên làm gì hoặc có hạ cây sào xuống không. Khi anh ta tới nơi, cây sào vọt lên rồi đảo ngang lia lịa như một người trả lời không. Anh bạn tù bỏ đi thì cây sào lại hạ xuống và lại làm hiệu như lúc ban đầu. Người thứ hai trong bọn tôi tiến lại cửa sổ và sự việc cũng diễn ra như trước; rồi đến người thứ ba cũng vậy. Nhìn thấy thế, tôi cũng muốn thử để cầu may; khi tôi đến dưới cửa sổ, cây sào bỗng dưng hạ xuống sát chân tôi. Tôi tháo cái gói và mở ra, thấy có một cái khăn tay trong đựng mười xianix, tiền Môrô làm bằng một loại vàng kém phẩm chất, mỗi đồng ăn mười rêal của ta. Không cần phải nói cũng biết là tôi rất mừng rỡ khi nhận được gói đó; cả bọn chúng tôi vừa vui mừng vừa ngạc nhiên trước món quà, đặc biệt là tôi vì cây sào kia chỉ hạ xuống khi tôi lại gần, chứng tỏ rằng món quà đó dành cho tôi. Tôi cầm lấy tiền, bẻ gãy cây sào, trở về chỗ cũ nhìn lên thì thấy có một bàn tay trắng muốt mở cửa sổ ra rồi lại đóng vào ngay. Thấy vậy, chúng tôi nghĩ và đoán rằng có một người đàn bà nào ở trong nhà đó đã làm phúc cho chúng tôi, và để tỏ lòng biết ơn, chúng tôi chào kính cẩn theo kiểu Môrô, đầu cúi, người ngả xuống, tay để lên ngực. Một lát sau, cũng từ trong khung cửa sổ nói trên có một cây thánh giá nhỏ làm bằng sậy thò ra rồi thụt vào ngay. Hiện tượng đó khiến chúng tôi đoán rằng có một người đàn bà nào theo đạo Kitô bị giam ở bên trong, và cũng chính người đó đã cho chúng tôi tiền. Thế nhưng bàn tay trắng trẻo và những vòng xuyến đeo ở cánh tay đã đánh tan ý nghĩ đó của chúng tôi. Chúng tôi lại đoán rằng có lẽ đó là một người đàn bà Kitô giáo đã từ bỏ đạo của mình rồi được chủ lấy làm vợ chính thức. Có nhiều người Môrô lấy vợ như vậy, và họ quý hơn cả những người cùng giống, coi đó là một hạnh phúc lớn. Tuy nhiên, tất cả những điều dự đoán của chúng tôi còn rất xa sự thật. Cũng từ hôm đó, chúng tôi chỉ chăm chăm nhìn về hướng cửa sổ ở đó đã hiện ra cây sào, ngôi sao dẫn đường cho chúng tôi. Nửa tháng trôi qua nhưng không thấy xuất hiện lại cây sào, cũng chẳng thấy bàn tay thò ra hoặc một dấu hiệu gì khác. Mặc dù đã tìm mọi cách để tìm hiểu xem ai sống trong ngôi nhà đó và ở trong ngôi nhà đó có người đàn bà Kitô giáo nào bỏ đạo không, chúng tôi chỉ được nghe nói rằng chủ nhân là một người Môrô quyền quý và giàu có tên là Ahi Môratô, nguyên tổng đốc trấn thủ pháo đài Pata, một trong những chức vụ rất quan trọng. Giữa lúc chúng tôi đã hết hy vọng nhìn thấy những đồng tiền vàng từ trên cửa sổ rơi xuống, bỗng dưng cây sào lại xuất hiện cùng với một gói tiền to hơn treo lủng lẳng ở đầu. Cũng như lần trước, lúc đó sân nhà tù vắng người, không có ai ngoài bọn tôi. Chúng tôi cũng lại thử như lần trước; ba người bạn tù của tôi lần lượt đến dưới cửa sổ và lần nào cây sào cũng không hạ xuống thấp, chỉ đến khi tôi tới thì nó mới chịu. Tôi mở gói ra thấy có bốn mươi đồng tiền vàng Tây Ban Nha và một lá thư viết bằng tiếng Arập, cuối dòng có hình một cây thánh giá lớn. Tôi hôn hình cây thánh giá, cầm tiền trở về chỗ cũ, rồi cả bốn anh em chúng tôi làm lễ chào kính cẩn. Bàn tay lại hiện ra làm hiệu bảo chúng tôi đọc thư, rồi cửa sổ khép vào. Chúng tôi vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ; trong bọn không người nào biết tiếng Arập; ai nấy đều ước ao muốn biết ngay trong thư nói gì nhưng tìm ra một người đọc hộ là một chuyện rất khó. Cuối cùng, tôi quyết định nhờ cậy một người đã từ bỏ đạo Kitô, sinh trưởng tại Murxia ở Tây Ban Nha; anh ta rất thân với tôi và hứa sẽ giữ kín chuyện này. Trên thực tế, có những người từ bỏ đạo Kitô nhưng vẫn muốn trở về quê hương bản quán cho nên họ muốn được những người bạn tù có tín nhiệm chứng nhận rằng họ đối xử tốt với những người Kitô giáo và có ý định trốn về nước ngay khi có dịp. Có những người kiếm bằng được những tờ chứng nhận đó với ý tốt, nhưng cũng có những kẻ lợi dụng; chúng đi theo bọn Thổ Nhĩ Kỳ xâm nhập vào các nước Kitô giáo để cướp bóc và nếu bị bắt, chúng chìa giấy chứng nhận ra thanh minh rằng chúng có ý muốn trở về nước và phải đi theo bọn Thổ để về được; sau khi đã thoát khỏi những trận đòn phủ đầu, chúng tỏ vẻ ăn năn trở lại với Chúa, không bị tội gì cả, và khi nào có cơ hội, chúng lại trở về Berbêria làm nghề cũ. Trái lại, có những người sử dụng những tờ giấy chứng nhận đó với ý định tốt và ở lại làm ăn trên đất Kitô giáo. Người tù nói trên thuộc loại này; vì là bạn của tôi, anh ta được chúng tôi chứng nhận rất tốt, và nếu bọn Môrô tìm thấy những tờ chứng nhận đó, chúng sẽ thiêu sống anh. Tôi biết anh ta thạo tiếng Arập, vừa nói vừa viết được; tuy nhiên, trước khi kể lại rõ sự việc, tôi bảo anh ta đọc lá thư, nói tránh rằng đã vô tình nhặt được ở một cái khe trong chỗ ngủ. Anh ta giở thư ra nhìn một lúc rồi lẩm nhẩm đọc từng chữ. Tôi hỏi có hiểu không, anh ta bảo: “Hiểu lắm chứ; nếu anh muốn tôi dịch nguyên văn, hãy đem bút và mực ra đây, tôi sẽ làm được tốt hơn”. Chúng tôi vội đi lấy những thứ đó đem lại, anh ta bắt đầu dịch, dịch xong, anh ta bảo:
– Tất cả những câu chữ Tây Ban Nha dịch ra đây là toàn bộ nội dung lá thư; chỉ xin lưu ý các anh là những chữ Lêla Mariên có nghĩa là Đức Mẹ Đồng Trinh Maria.
Chúng tôi đọc thì thấy nội dung như sau:
“Khi tôi còn nhỏ tuổi, cha tôi có một người nô lệ gái; người này đã dạy tôi đọc kinh Kitô giáo bằng tiếng của dân tộc tôi và kể cho tôi nghe nhiều chuyện về Lêla Mariên. Người nô lệ gái đã qua đời và tôi biết chị không bị hỏa thiêu mà đã đi theo thánh Ala vì có hai lần tôi thấy chị hiện về bảo tôi tìm đến đất Kitô giáo để nhìn thấy Lêla Mariên; chị còn bảo Lêla Mariên yêu quý tôi lắm. Tôi không biết đi bằng cách nào. Từ trên cửa sổ này, tôi đã nhìn thấy nhiều tù nhân Kitô giáo nhưng không thấy ai có vẻ trung hậu như ông. Tôi là một cô gái có nhan sắc và có nhiều tiền mang theo. Ông thử xem có cách nào cho chúng ta đi khỏi nơi đây được không. Nếu ông làm được, đến chỗ mới, ông sẽ là chồng tôi, còn nếu ông không muốn thì cũng chẳng sao; Lêla Mariên sẽ cho tôi một người chồng. Tôi viết cho ông lá thư này, ông hãy liệu tìm người đọc hộ; chớ tin vào bọn Môrô vì tất cả đều tráo trở. Tôi rất lo và không muốn ông bộc lộ chuyện này với bất cứ ai vì nếu cha tôi biết, người sẽ ném tôi xuống giếng rồi chặn đá lên. Tôi sẽ mắc một sợi dây vào cây sào để ông buộc thư trả lời; nếu ông không có ai viết giúp cho bằng tiếng Arập, hãy ra hiệu cho tôi biết, Lêla Mariên sẽ giúp tôi hiểu được ý ông. Cầu Lêla Mariên và Ala phù hộ cho ông và cây thánh giá này mà tôi vẫn thường hôn theo lời dặn của người nô lệ gái”.
Các ngài thử nghĩ xem, làm sao chúng tôi không khỏi ngạc nhiên và mừng rỡ khi đọc xong những lời lẽ đó. Người chối Chúa 2 đã nhận thấy thái độ của chúng tôi và hiểu rằng không phải tôi vô tình nhặt được lá thư mà rõ ràng thư đó viết cho một người trong bọn tôi; anh ta nói:
– Nếu quả thật điều tôi suy đoán là đúng, xin hãy tin cậy vào tôi và nói rõ sự thật; vì tự do của các bạn, tôi sẽ không tiếc thân.
Nói xong, anh ta rút ở trong ngực ra một cây thánh giá bằng kim khí, vừa khóc lóc vừa thề trước hình Chúa rằng dù là kẻ có tội, anh vẫn tin tưởng vào Người; anh ta còn hứa sẽ trung thành giữ kín những điều chúng tôi bộc lộ, anh nói:
– Theo cảm nghĩ và sự ước đoán của tôi, nhờ vào người con gái đã viết bức thư này, tất cả chúng ta đây sẽ được tự do. Riêng tôi sẽ đạt nguyện vọng tha thiết là được trở lại Thánh hội mà tôi đã phải xa lìa vì sự dốt nát và những tội lỗi mình đã gây ra.
Vừa nói, anh vừa khóc lóc thảm thiết, tỏ ra rất ăn năn hối hận khiến chúng tôi đều nhất trí là có thể nói rõ sự thật được, và chúng tôi đã kể hết sự tình không giấu giếm gì. Chúng tôi chỉ cho anh ta cái cửa sổ ở đó đã xuất hiện cây sào; anh ta quan sát kỹ ngôi nhà và hứa sẽ đặc biệt chú ý điều tra xem chủ nhân của nó là ai. Chúng tôi cũng nhất trí là phải trả lời ngay lá thư của cô gái Môrô vì sẵn có người làm việc đó. Tôi bèn đọc cho anh ta viết, và bây giờ, tôi xin nhắc lại nguyên văn để các ngài nghe. Xin thưa là tôi vẫn nhớ như in tất cả những sự việc quan trọng đã xảy ra trong toàn bộ câu chuyện này và chừng nào còn sống, tôi sẽ không bao giờ quên. Thư trả lời cô gái Môrô viết như sau:
“Thưa cô, thánh Ala chân chính và Đức Mẹ Mariên phúc đức phù hộ cho cô. Đức Mẹ Mariên chính là Mẹ của Chúa và chính Người đã làm cho cô hiểu ra rằng cô cần phải sang sống trên đất của những người Kitô giáo vì Người rất yêu quý cô. Hãy cầu Người chỉ bảo cho cách nào để thực hiện được lệnh của Người; Người rất tốt và sẽ giúp cho. Về phần tôi và những người bạn Kitô giáo của tôi, chúng tôi sẵn sàng làm hết sức mình để giúp cô, dù có phải chết. Hãy viết thư báo cho tôi biết ý đồ của cô, tôi sẽ trả lời. Thánh Ala vĩ đại đã cho chúng tôi một người tù Kitô giáo nói và viết rất thạo tiếng của dân tộc cô như cô thấy trong thư này. Cô không phải lo ngại chi, có điều gì xin cứ cho chúng tôi biết. Trong thư trước, cô có nói rằng một khi đặt chân lên đất Kitô giáo, cô sẽ làm vợ tôi. Là một giáo đồ Kitô ngoan đạo, tôi xin hứa nhận lời. Cô cũng biết rằng những người Kitô giáo thực hiện lời hứa đúng hơn người Môrô. Thánh Ala và Mẹ của Người là Mariên phù hộ cho cô”.
Thư viết xong được dán kín. Theo thường lệ, hai ngày sau ngục giam mới vắng người; chờ cho tới ngày đó, tôi ra sân như mọi lần để xem có thấy cây sào không; quả nhiên, chỉ một lát sau nó xuất hiện. Tuy không nhìn thấy mặt người cầm sào, tôi giơ bức thư lên có ý bảo ở trên đó giắt thêm một sợi dây vào cây sào; nhìn lại thấy sào đã có dây, tôi liền buộc lá thư vào. Lát sau lại thấy xuất hiện cây sào – ngôi sao chiếu mệnh của chúng tôi – cùng chiếc khăn tay màu trắng nom như lá cờ hòa bình vậy. Cây sào hạ thấp xuống vừa tầm tay tôi; trong chiếc khăn tay thấy có cả tiền vàng lẫn tiền bạc, tổng cộng là năm mươi đồng; nỗi mừng vui của chúng tôi cũng tăng lên năm mươi lần, và hy vọng được trở lại tự do càng thêm vững chắc. Tối hôm đó, Người chối Chúa trở về nói với chúng tôi rằng chủ nhân ngôi nhà đó là một người Môrô tên là Ahi Môratô, đúng như chúng tôi đã điều tra được trước đây; ông này giàu nứt đố đổ vách và chỉ có một người con gái kế thừa tất cả gia sản đó; dư luận chung trong tỉnh đều cho cô ta là người đàn bà đẹp nhất miền Berbêria; có nhiều vị phó vương tới ngỏ ý muốn được kết duyên nhưng cô ta không muốn lấy chồng. Anh còn cho biết rằng trong nhà có nuôi một người tù gái theo đạo Kitô và người này đã chết rồi. Tóm lại, tất cả những điều anh ta nói đều ăn khớp với bức thư của cô gái.
Sau đó, chúng tôi bàn bạc với Người chối Chúa xem nên làm cách nào đưa được cô gái Môrô ra khỏi nhà để rồi sau đó cả bọn kéo về đất Kitô giáo. Cuối cùng, chúng tôi thỏa thuận với nhau là phải nghe thêm ý kiến của Dôraiđa (đó là tên thật của cô gái, còn Maria là tên mà cô ta tự đặt cho mình) vì chúng tôi nghĩ rằng chỉ có cô ta mới có thể tìm ra phương kế giải quyết những khó khăn. Sau khi đã quyết định như vậy, Người chối Chúa lại khuyên chúng tôi không nên nản chí và còn hứa sẽ giải thoát cho chúng tôi nếu không sẽ chết. Trong bốn ngày liền, nhà tù luôn luôn có người, cho nên cây sào không xuất hiện; ngày hôm sau, khi nhà tù đã trở lại vắng vẻ như thường lệ, cây sào lại hiện ra cùng với một gói to hứa hẹn một món tiền lớn. Cây sào hạ xuống chỗ tôi đứng, tôi cầm lấy cái gói mở ra thấy bên trong có một lá thư cùng một trăm đồng vàng chẵn. Nhân có Người chối Chúa ở đó, chúng tôi kéo nhau về buồng rồi đưa cho anh ta đọc hộ. Bức thư viết:
“Thưa ông, tôi không biết làm cách nào để chúng ta về được Tây Ban Nha; Lêla Mariên cũng không khuyên bảo gì tuy tôi có hỏi. Một việc có thể tiếp tục làm được là tôi sẽ trao cho ông thật nhiều tiền vàng; ông sẽ dùng tiền đó để tự chuộc mình và chuộc cho những người bạn của ông. Sau đó, một người sẽ trở về đất Kitô giáo mua thuyền quay lại đây đón những người còn lại. Các ông sẽ đến tìm tôi tại khu vườn của cha tôi ở gần cổng Babadôn, bên cạnh bờ biển. Tôi sẽ nghỉ tại đó suốt mùa hè này cùng với cha tôi và gia nhân đầy tớ. Ban đêm, các ông có thể đem tôi đi một cách dễ dàng rồi sau đó đưa tôi xuống thuyền. Và phải nhớ rằng ông sẽ là chồng tôi, nếu không tôi sẽ cầu nguyện Mariên trừng phạt. Nếu ông không nhờ cậy vào ai được thì hãy tự chuộc mình rồi đi sắm thuyền. Tôi tin rằng ông sẽ trở lại nhanh chóng hơn những người khác vì ông là một nhà quý tộc và theo đạo Kitô. Hãy thăm dò khu vườn của cha tôi; khi nào ông qua đó, tôi sẽ đưa cho nhiều tiền. Ala phù hộ ông”.
Đó là nội dung lá thư thứ hai; xem xong, anh nào cũng muốn mình được chuộc tiền trước, hứa sẽ đi và trở về thật nhanh; tôi cũng nhận làm việc này. Người chối Chúa phản đối, nói rằng anh hoàn toàn không đồng ý để cho một người nào trong bọn tôi được tự do trước những người khác; kinh nghiệm cho thấy rằng những người được trở lại tự do không thực hiện đúng lời hứa khi còn ở trong tù. Có nhiều tù nhân thuộc gia đình quyền quý đã dùng cách này; họ chuộc cho một tù nhân khác rồi phái người này đi Valenxia hay Maiorca để mua thuyền về đón họ. Trên thực tế, người được đi mua thuyền không bao giờ quay trở lại; vì sợ mất tự do mới giành được, người ta quên hết mọi bổn phận trên đời. Để chứng minh sự thật đó, anh ta kể cho chúng tôi nghe về một trường hợp mới xảy ra với một đám người quý tộc Kitô giáo; thật là một chuyện lạ lùng nhất trong tất cả những chuyện lạ lùng và đáng kinh ngạc thường xảy ra ở nơi đó. Bởi vậy, theo ý anh ta, điều có thể làm được và phải làm là bằng món tiền định dùng để chuộc cho một người trong bọn tôi, anh ta sẽ mua một chiếc thuyền tại Arhêl, nói là để sử dụng vào việc buôn bán với Têtuan và các tỉnh ven biển. Một khi đã làm chủ chiếc thuyền, anh ta sẽ có cách đưa tất cả chúng tôi ra khỏi nhà giam và xuống thuyền. Anh ta bàn tiếp: “Kể ra, nếu cô gái Môrô kia cho chúng ta đủ tiền để chuộc tất cả bọn, như cô ta đã hứa, các anh có thể đàng hoàng xuống thuyền giữa ban ngày ban mặt sau khi được thả. Khó khăn lớn nhất đối với chúng ta lúc này là người Môrô không cho phép một kẻ bội giáo mua loại thuyền nhỏ mà chỉ cho mua thuyền to để đi chiến đấu; họ sợ người mua thuyền nhỏ – đặc biệt nếu người đó là người Tây Ban Nha – sẽ dùng nó để trốn về đất Kitô giáo. Tuy nhiên việc này có thể giải quyết được; tôi sẽ để một người tagarinô 3 đứng chung tên mua thuyền và hưởng nửa số tiền lời. Nhờ hắn, tôi sẽ là chủ nhân chiếc thuyền, sau đó thì mọi việc sẽ trôi chảy”. Tuy bốn chúng tôi đều nghĩ rằng việc cử người đi Maiorca mua thuyền như cô gái Môrô đã gợi ý là thượng sách nhưng không ai dám phản đối e rằng nếu làm trái ý, anh ta sẽ tố giác và việc đó sẽ đe dọa tính mạng của chúng tôi, nhất là của cô gái Dôraiđa, một người mà chúng tôi có thể hy sinh cả cuộc đời. Cuối cùng, chúng tôi chỉ còn biết phó thác số phận cho Chúa và cho anh ta. Lập tức, chúng tôi viết thư cho Dôraiđa nói rằng chúng tôi sẽ làm tất cả theo ý cô vì ý kiến của cô rất đúng như thể chính Lêla Mariên đã truyền bảo, rằng cô có toàn quyền quyết định thời gian tiến hành sớm hay muộn; trong thư, tôi cũng nhắc lại là tôi nhận lấy cô làm vợ. Một hôm khác, đúng vào ngày nhà tù vắng vẻ, với cây sào và chiếc khăn tay, bằng nhiều lần cô ta lại trao cho chúng tôi hai ngàn đồng tiền vàng cùng một lá thư trong đó cô báo cho biết là ngày thứ sáu tới, cô sẽ tới nghỉ tại khu vườn của cha, trước khi đi sẽ trao thêm tiền cho chúng tôi, nếu chưa đủ thì cứ cho biết, cần bao nhiêu sẽ đưa vì cha cô nhiều tiền quá không nhớ xuể, vả chăng cô lại là người tay hòm chìa khóa trong nhà. Chúng tôi đưa cho Người chối Chúa năm trăm đồng tiền vàng để đi mua thuyền, riêng tôi trích ra tám trăm để tự chuộc mình. Tôi đưa tiền cho một thương gia người Valenxia khi đó đang ở Arhêl; ông ta thương lượng với vua Arhêl, hẹn khi nào có tàu ở Valenxia tới mới có tiền nộp; làm như vậy, ông ta sẽ kiếm được một món lời vì nếu đưa tiền ngay lúc đó, lão vua sẽ suy ra rằng số tiền chuộc vẫn có sẵn ở Arhêl. Tính nết lão chủ tôi rất đa nghi cho nên không dại gì đưa tiền ngay cho lão.
Trước ngày ra nghỉ tại khu vườn một hôm, tức là thứ năm, cô gái Dôraiđa xinh đẹp lại chuyển cho chúng tôi một ngàn đồng nữa và báo tin hôm sau sẽ đi; cô ta còn căn dặn tôi phải tìm đến khu vườn ngay sau khi được thả và phải tạo mọi cơ hội để tới đó thăm thú. Tôi trả lời vắn tắt là sẽ làm đúng như vậy và còn dặn cô hãy đọc những bài kinh mà người nô lệ gái đã dạy cho để cầu Lêla Mariên phù hộ chúng tôi. Sau đó, tôi tính đến việc chuộc nốt cho ba người bạn để họ cũng được ra khỏi nhà tù. Tuy họ là những người tốt, không có gì đáng ngại, nhưng một khi thấy tôi đã được thả rồi, tiền để chuộc còn dư mà họ vẫn bị cầm tù, có khi họ đâm bực mình và rồi trong một phút u mê ám chướng họ có thể làm những điều có hại cho Dôraiđa. Để tránh hết mọi trở ngại có thể xảy ra, tôi quyết định chuộc cho họ, làm theo cách cũ tức là đưa hết tiền cho thương gia nọ để ông ta đạt được kết quả tốt trong việc thương lượng; tuyệt nhiên tôi không cho ông ta biết kế hoạch bí mật của chúng tôi vì điều đó nguy hiểm.