CUỘC GẶP GỠ KHÔNG THÚ VỊ GIỮA ĐÔN KIHÔTÊ VỚI NHỮNG GÃ LÁI LA ĐỘC ÁC
Hiền sĩ Amêtê Bênenhêli kể lại rằng sau khi từ giã những người chăn dê và tất cả những người dự đám tang chàng chăn cừu Grixôxtômô, Đôn Kihôtê cùng giám mã đi thẳng vào trong rừng, nơi Marxêla trước đó vừa vào. Hai thầy trò lang thang tìm kiếm khắp nơi trong rừng hơn hai tiếng đồng hồ mà vẫn không thấy Marxêla đâu cả. Tới một cánh đồng đầy cỏ non, họ dừng lại. Một con suối trong vắt êm đềm chảy qua. Cảnh vật như mời, như buộc hai người dừng chân nghỉ trưa. Lúc này, nắng cũng đã trở nên gay gắt. Đôn Kihôtê và Xantrô bèn nhảy xuống đất, thả lỏng cho con lừa và con Rôxinantê tự do gặm cỏ. Rồi họ mở túi lấy lương khô và, không chút khách khí, chủ tớ cùng ngồi ăn một cách vui vẻ, thân mật.
Xantrô không nghĩ tới việc tròng chân con Rôxinantê lại vì biết nó xưa nay vốn hiền, rất hiếm nổi cơn động tình, đến mức tất cả lũ ngựa cái của sở nuôi ngựa ở Corđôba cũng không làm cho nó nghĩ bậy bạ. Nhưng ma quỷ xui khiến làm sao lại có một đàn ngựa cái của mấy bác lái ở Iangoa đang gặm cỏ trong thung lũng. Đám lái la này thường hay nghỉ trưa và dẫn ngựa đến nghỉ ở những nơi có cỏ non và nước trong, và chính chỗ Đôn Kihôtê đang nghỉ rất phù hợp với họ. Con Rôxinantê đã đánh hơi thấy mấy chị ngựa cái và trái hẳn với tính tình hàng ngày, bỗng nhiên nảy ra ý muốn đùa bỡn với chúng. Thế rồi, chẳng cần xin phép chủ, nó chạy long tong đến gần mấy chị ngựa để tán tỉnh. Nhưng mấy chị này có lẽ thích gặm cỏ hơn nên đã tiếp đón chú Rôxinantê bằng móng sắt và răng, khiến chú ta tuột cả yên cương, trần như nhộng. Nhưng nào đã xong đâu: mấy bác lái la thấy Rôxinantê định cưỡng ép lũ ngựa cái của mình, bèn vác gậy chạy tới phang tới tấp, khiến chú ta ngã chổng cả bốn vó lên trời.
Thấy Rôxinantê bị đòn, Đôn Kihôtê và Xantrô chạy tới; chàng hiệp sĩ bảo giám mã:
– Anh bạn Xantrô, xem ra bọn này không phải là hiệp sĩ mà chỉ là những kẻ cục súc, hạ lưu. Ta nói như vậy có nghĩa là anh có thể giúp ta trả thù cho con Rôxinantê đã bị làm nhục trước mặt chúng ta.
– Trả thù cái quỷ gì mới được chứ, Xantrô đáp. Bọn họ trên hai mươi người, còn ta không quá hai người, mà có khi chưa được một người rưỡi ấy.
– Một mình ta bằng cả trăm người! Đôn Kihôtê đáp.
Nói rồi, chàng rút gươm xông thẳng tới bọn lái la. Noi gương chủ, Xantrô cũng hăng máu xông lên. Thoạt đầu, Đôn Kihôtê chém một nhát trúng một gã lái la làm toạc chiếc áo da và xả cả một mảnh vai của y. Bọn lái la đông hơn, lại thấy đối phương chỉ có hai người, bèn lấy gậy bao vây thầy trò Đôn Kihôtê vào giữa rồi nhè vào người mà vụt túi bụi. Quả thật là sau khi trúng gậy thứ hai, Xantrô ngã lăn ra đất; sau đó tới lượt Đôn Kihôtê, mặc dù chàng đã tỏ ra can đảm và biết tránh đòn. Do một sự ngẫu nhiên, Đôn Kihôtê ngã ngay bên cẳng con Rôxinantê lúc này vẫn chưa dậy được. Thế mới biết gậy gộc trong những bàn tay cục mịch và giận dữ có một sức mạnh ghê gớm. Sau khi thấy mình đã chơi xấu, bọn lái la vội vã cuốn gói chuồn thẳng bỏ mặc hai chàng phiêu lưu nằm trơ giữa cánh đồng.
Người đầu tiên tỉnh lại là Xantrô Panxa; thấy mình nằm cạnh chủ, bác cất giọng yếu ớt, rền rĩ gọi:
– Ngài Đôn Kihôtê! Ôi, ngài Đôn Kihôtê!
– Xantrô, người anh em của ta muốn gì? Đôn Kihôtê đáp lại bằng một giọng không kém lâm ly, sầu thảm.
– Nếu có thể được, xin ngài hãy cho tôi hai liều nước thần nếu ngài có mang theo đây. Có lẽ thuốc đó chữa được gãy xương và các vết thương khác.
– Thật không may cho ta, nếu có thì còn phải nói gì nữa. Nhưng ta lấy danh dự của một hiệp sĩ giang hồ thề với anh rằng nội nhật hai ngày nữa, nếu không gặp vận rủi, ta sẽ có được nước thần, nếu không, đôi tay này sẽ trở nên vô dụng.
– Vậy theo ý ngài, phải bao nhiêu ngày nữa ta mới có thể sử dụng được đôi chân?
– Ta chỉ có thể nói được rằng ta không biết phải bao nhiêu ngày nữa, chàng hiệp sĩ bị đòn đáp. Nhưng lỗi ở ta cả; đáng lẽ ta không nên rút gươm ra đánh nhau với những kẻ không được phong tước hiệu hiệp sĩ; vì ta không tôn trọng luật lệ của hiệp sĩ đạo nên thần Chiến tranh mới trừng phạt ta. Bởi vậy, anh Xantrô Panxa, ta cần nói để anh biết một điều rất hệ trọng đến tính mệnh của hai thầy trò ta. Hễ anh thấy có những lũ ******** như bọn vừa rồi xúc phạm đến chúng ta, đừng chờ ta rút gươm ra đánh lại bọn chúng vì ta sẽ không làm việc đó đâu; bản thân anh hãy dùng gươm thẳng tay trừng trị chúng đi. Nhưng nếu có những hiệp sĩ khác đến giúp đỡ bênh vực chúng, lúc đó ta sẽ ra tay bảo vệ anh và đánh lại. Hẳn anh đã nhiều lần được mục kích sức mạnh ghê gớm của cánh tay này.
Chàng hiệp sĩ đáng buồn của chúng ta muốn khoe khoang thành tích đã đánh bại kỵ sĩ tỉnh Vixcaia trước đây. Nhưng Xantrô Panxa có vẻ không tin vào lời của chủ lắm, bác đáp:
– Thưa ngài, tôi vốn là một người hiền lành, chín bỏ làm mười, và tôi có thể nhịn nhục được vì tôi còn phải nuôi vợ nuôi con. Tôi không dám ra lệnh cho ngài, chỉ xin thưa rằng dù gặp ******** hay hiệp sĩ, tôi cũng sẽ chẳng bao giờ rút gươm ra, và từ nay về sau dù đã bị, đang bị hay sẽ bị ai xúc phạm đến mấy chăng nữa, dù người đó sang hay hèn, giàu hay nghèo, quý tộc hay thứ dân, bất kể kẻ đó ở địa vị nào, tôi cũng tha thứ hết.
Nghe thấy vậy, Đôn Kihôtê nói:
– Anh Xantrô, giá như ta còn hơi sức để nói và xương sườn của ta đỡ đau thì ta sẽ làm cho anh hiểu. Hãy nghe đây, hỡi kẻ có tội kia! Tới giờ, thầy trò ta gặp toàn vận rủi, nhưng nếu rồi đây phong vân gặp hội, con thuyền hy vọng đưa ta cập bến một trong những hòn đảo mà ta đã hứa cho anh, rồi ta chiếm lĩnh được hòn đảo đó và cho anh cai trị, thử hỏi anh sẽ làm ăn ra sao. Phải chăng anh sẽ bó tay vì anh không phải là hiệp sĩ, vì anh không muốn làm hiệp sĩ, lại cũng chẳng có can đảm và quyết tâm đánh trả những kẻ gây hấn để bảo vệ đất đai của mình. Anh cần biết rằng tại những vương quốc và những tỉnh mới chiếm được, dân chúng không thuần và cũng chẳng ủng hộ ngay chủ mới đâu, cho nên họ có thể gây ra những chuyện rắc rối hòng làm thay đổi tình thế. Vì vậy, người chủ mới cần phải có trí khôn để cai trị và lòng dũng cảm để đánh trả và tự bảo vệ trong mọi trường hợp.
– Kể ra trong tình cảnh thầy trò ta lúc này, Xantrô đáp, tôi cũng muốn có được trí khôn và lòng dũng cảm mà ngài nói. Nhưng tôi xin lấy danh dự một kẻ nghèo hèn mà thưa rằng tôi cần thuốc cao hơn những lời nói suông. Nào, xin ngài hãy cố đứng dậy, ta sẽ giúp đỡ Rôxinantê một tay mặc dù nó không xứng đáng vì chính nó đã gây ra nông nỗi này. Không ngờ Rôxinantê lại như vậy; tôi vẫn tưởng nó cũng trong sạch, hiền lành như tôi. Cho hay, như người ta thường nói, cần phải có thời gian mới hiểu được lòng người, và trên đời này không có gì chắc chắn cả. Ai dám bảo rằng sau những nhát kiếm ghê gớm mà ngài vừa giáng cho anh chàng kỵ sĩ vô phúc kia, lại tiếp ngay một trận mưa đòn khủng khiếp đổ xuống lưng thầy trò ta?
– Đổ xuống lưng anh thì còn đỡ vì anh sinh ra để chịu đựng những đòn như vậy, nhưng ta từ thuở tấm bé sống trong cảnh lụa là gấm vóc, cho nên rõ ràng lưng ta đau đớn hơn nhiều. Nếu ta không nghĩ rằng… nói đúng hơn, nếu ta không biết chắc rằng nghề cung kiếm này có nhiều trắc trở thì ta sẽ nằm chết luôn tại đây vì nhục nhã.
Nghe nói vậy, bác giám mã vặn lại:
– Thưa ngài, nếu như tai họa là điều tất nhiên của hiệp sĩ đạo, xin ngài cho biết nó xảy ra luôn hay theo từng thời kỳ nhất định bởi vì, theo tôi, chỉ cần thầy trò ta gặp phải hai lần tai họa thôi là hết đời rồi, không cần đến lần thứ ba nữa nếu Thượng đế đầy lòng từ bi không cứu vớt cho.
– Anh bạn Xantrô, nên biết rằng cuộc đời của những hiệp sĩ giang hồ phải chịu muôn vàn gian nguy, cay đắng, nhưng họ cũng có thể phút chốc trở thành vương đế như kinh nghiệm của nhiều hiệp sĩ khác đã cho thấy. Ta biết nhiều chuyện như vậy. Nếu ta không đang đau đớn quá, ta có thể kể ngay một vài chuyện về những hiệp sĩ đã leo lên những bậc thang danh vọng nhờ vào cánh tay dũng mãnh của mình. Nhưng cũng chính những hiệp sĩ này trước kia và sau đó đã gặp nhiều tai ương bĩ cực, như hiệp sĩ dũng cảm Amađix nước Gôlơ đã bị kẻ tử thù của chàng là pháp sư Arcalao giam cầm, và người ta biết chắc chắn là lão này đã trói chàng vào một cái cột ở giữa sân rồi dùng dây cương ngựa đánh cho hơn hai trăm roi. Lại có một tác giả bí mật, khá nổi tiếng, kể rằng có lần hiệp sĩ Mặt Trời bị trúng bẫy sa xuống một cái hầm sâu trong một tòa lâu đài, chân tay bị trói chặt; sau đó, kẻ thù bắt chàng uống một thứ thuốc rửa ruột làm bằng tuyết và cát khiến chàng suýt chết, và nếu không được một người bạn thân giải nguy cho thì chàng hiệp sĩ khốn nạn đó khó lòng qua khỏi được. Cho nên ta cũng có thể chịu đựng những thử thách như các hiệp sĩ danh tiếng đó vì họ đã qua những cơn nguy biến còn to lớn gấp bội. Hơn nữa, anh Xantrô ạ, ta muốn chỉ cho anh biết rằng những vết thương do những vật có sẵn trong tay gây nên không làm nhục ai cả. Đó là luật lệ có ghi thành văn bản. Tỉ dụ nếu anh thợ giày đánh người bằng cái khuôn giày anh ta đang cầm trong tay thì ta không thể vì thế mà nói rằng người kia đã bị đánh bằng gậy. Cho nên anh đừng nghĩ rằng chúng ta đã bị làm nhục sau trận đòn vừa qua bởi vì những vũ khí chúng dùng để đánh thầy trò ta chẳng qua chỉ là gậy gộc cả thôi; ta nhớ rằng không một tên nào có gươm hay dao găm cả.
– Chúng có để yên cho nhìn đâu cơ chứ, Xantrô đáp. Tôi vừa mới rờ vào thanh gươm thì đã bị vụt ngang vụt dọc vào hai vai, tối tăm cả mặt mày, chân đứng không vững, ngã lăn xuống đây. Tôi chẳng hề suy nghĩ xem những miếng đòn đó có xúc phạm tới tôi hay không mà chỉ buồn phiền vì nó đã làm cho tôi đau đớn ê chề; những vết thương đó sẽ in sâu trên đôi vai cũng như trong trí óc tôi.
– Xantrô, người anh em của ta, phải biết rằng thời gian sẽ làm phai nhạt mọi vết thương lòng và cái chết sẽ làm tiêu tan mọi đau đớn.
– Nhưng còn gì khổ hơn phải chờ thời gian làm cho phai nhạt vết thương lòng và chờ cái chết làm cho hết đau đớn. Nếu chỉ cần hai lá thuốc cao để chữa khỏi nỗi đau đớn này thì còn khá; nhưng tôi cảm thấy rằng tất cả kho thuốc cao của một nhà thương cũng không đủ làm cho chúng ta bình phục được.
– Thôi Xantrô, chớ than vãn nữa, hãy theo ta cứng rắn lên một chút, Đôn Kihôtê nói, rồi cùng ta xem con Rôxinantê ra sao. Tội nghiệp cho nó cũng phải chịu một phần đáng kể trong chuyện không may này.
– Điều đó có gì lạ đâu vì chính nó cũng là một con ngựa giang hồ. Có điều đáng mừng là con lừa của tôi vẫn được bình yên vô sự trong lúc chúng ta bị đánh gãy cả xương sườn.
– Trong cơn bĩ cực, thần Tư mệnh bao giờ cũng dành cho một lối thoát, Đôn Kihôtê đáp. Ta nói thế vì rằng con vật nhỏ bé kia có thể thay Rôxinantê đưa ta tới một lâu đài để ta chữa chạy thuốc thang. Vả chăng cưỡi nó cũng chẳng xấu mặt nào, vì ta nhớ trong sách có kể rằng ông già Xilênô, người đã nuôi nấng dạy dỗ thần Baco vui tính, có một lần đàng hoàng cưỡi một con lừa rất đẹp đi vào thành Bách Môn.
– Chuyện ông già Xilênô cưỡi lừa chắc chắn có thật như ngài nói; nhưng giữa một người ngồi ngay ngắn trên lưng lừa và một người nằm vắt ngang lưng lừa như một bao tải rác, hai cái đó khác nhau xa lắm.
– Bị thương trong chiến trận là một vinh dự, không nhục nhã gì hết. Thôi, anh bạn Panxa của ta, chớ nhiều lời. Hãy cố đứng dậy và đặt ta lên lưng lừa bằng cách nào tốt nhất. Chúng ta hãy đi khỏi nơi hoang vắng này trước khi tối trời.
– Nhưng tôi có nghe ngài nói rằng các hiệp sĩ giang hồ thường ngủ ở những nơi vắng vẻ và coi đó là một điều may mắn lớn cơ mà.
– Điều đó xảy ra khi nào họ không thể làm khác được hoặc khi họ đang say mê một người đẹp nào. Quả thật như vậy; có hiệp sĩ dầu mưa dãi nắng trên một quả núi đá hai năm liền mà chẳng được tình nương biết cho. Một trong những người đó là hiệp sĩ Amađix; chàng đã ra đảo Nghèo, lấy biệt hiệu là Beltênêbrôx. Ta không nhớ rõ câu chuyện này, chỉ biết chàng ở đó tám năm hay tám tháng gì đó để tự đày đọa mình sau khi bị nàng Oriana hắt hủi. Nhưng thôi, Xantrô, hãy xếp chuyện đó lại và hãy đỡ ta lên kẻo lại xảy ra chuyện gì không may cho con lừa này.
– Lại còn thế nữa ư! Xantrô kêu lên.
Vừa không ngớt kêu la, thở vắn, than dài, chửi rủa kẻ đã khiến bác đến nông nỗi này, Xantrô cố gượng dậy nhưng cũng chỉ đứng lom khom như một cây cung Thổ Nhĩ Kỳ, không sao thẳng người lên được, rồi bác đi chuẩn bị lừa cho chủ; con vật được thả lỏng cả ngày đã chạy rông khắp đó đây. Sau đó, bác vực Rôxinantê lên. Giá mà con ngựa này biết rên la như người, chắc chắn cả Xantrô lẫn chủ bác đều thua nó hết. Cuối cùng, Xantrô đặt Đôn Kihôtê lên lưng lừa, buộc Rôxinantê sau đuôi, tay cầm dây tròng cổ con lừa, bước thấp bước cao nhằm hướng mà bác cho là ở đó có con đường cái quan. May sao mới đi được một dặm thì tới đường cái và thấy có một quán trọ. Cũng như mọi lần, Đôn Kihôtê tưởng ngay đó là một tòa lâu đài. Xantrô một mực bảo là quán trọ, Đôn Kihôtê cứ nhất định là lâu đài. Hai thầy trò đã đi tới trước cửa quán trọ mà cuộc tranh cãi vẫn chưa dứt. Xantrô chẳng buồn nói nữa, dắt cả đoàn người ngựa bước vào.