Chuyện xảy ra đối với Đôn Kihôtê trong lâu đài – hay ngôi nhà – của hiệp sĩ áo xanh cùng những sự việc lý thú khác
Ngôi nhà của Đôn Điêgô đê Miranđa rộng thênh thang như thường gặp ở nông thôn, phía trên cổng ra vào là hình những vũ khí khắc vào đá tảng, hầm rượu nằm sâu dưới sân nhà, bên trên có nhiều vỏ xếp vòng tròn. Những chiếc vò này làm tại Tôbôxô khiến Đôn Kihôtê chạnh nhớ tới nàng Đulxinêa bị lũ pháp sư làm cho thay hình đổi dạng. Thế là chàng cất tiếng thở dài và, chẳng giữ mồm giữ miệng, cũng chẳng biết sợ ai bên cạnh, than rằng: “Ôi! Vật thân thương khiến ta trông thấy thêm đau lòng! Song, nếu hợp ý Chúa, các ngươi sẽ mang lại cho ta niềm vui và hạnh phúc. Ôi! Vò đất của Tôbôxô đã nhắc ta nhớ tới nỗi niềm đắng cay êm dịu”.
Những lời than thở của Đôn Kihôtê đã lọt vào tai cậu thư sinh, thi sĩ, con trai của Đôn Điêgô, cùng với mẹ ra đón khách, nhìn hình dáng kỳ lạ của chàng hiệp sĩ, cả hai mẹ con lấy làm kinh ngạc lắm lắm. Đôn Kihôtê xuống ngựa, rất lịch thiệp tiến về phía bà chủ nhà để hôn tay, Đôn Điêgô bảo vợ:
– Mình hãy đón tiếp ngài Đôn Kihôtê xứ Mantra đây với tất cả sự ân cần sẵn có. Người đứng trước mặt mình là một hiệp sĩ giang hồ dũng cảm và phong nhã nhất thế gian.
Phu nhân Đôn Điêgô, tên thật là Đônha Crixtina, tỏ ra rất thân mật và lịch sự với khách, còn Đôn Kihôtê cũng đáp lại bằng những lời lẽ thật tế nhị, tao nhã. Trong lúc trò chuyện với cậu thư sinh, chàng cũng có thái độ như vậy khiến cậu cảm thấy khách mới tới là con người lịch thiệp, trí tuệ.
Tới đây, tác giả tả tỉ mỉ ngôi nhà của Đôn Điêgô với tất cả những vật dụng thường có trong nhà ở của nhà quý tộc giàu thôn quê. Dịch giả cuốn sách này thiết tưởng không cần phải nhắc tới những chi tiết đó vì nó không đi vào nội dung chính của câu chuyện, một chuyện hấp dẫn vì tính chính xác chứ không vì những chuyện lạc đề nhạt nhẽo.
Người ta đưa Đôn Kihôtê vào một căn phòng, Xantrô tháo hết vũ khí và áo giáp ra cho chủ rồi mặc vào người chàng một chiếc quần ống phồng và một tấm áo ngắn bằng da mai be bét gỉ ở vũ khí thòi ra, cổ áo ngắn theo kiểu học trò, không hồ cứng và cũng chẳng viền đăng ten, giầy đánh xi tử tế. Gươm của chàng đeo lủng lẳng vào một cái dải bằng da hải báo chứ không thắt ngang lưng vì nghe đâu chàng đau thận đã bao năm nay. Trước khi khoác lên vai tấm áo choàng bằng dạ nâu, chàng còn phải giội lên đầu tới năm. sáu xô nước (về số lượng xô nước, mỗi người nói một phách), thế mà nước vẫn nhờ nhờ màu sữa, cũng chỉ tại Xantrô tham ăn uống rước pho mát về thành thử trắng cả đầu óc mặt mũi chủ. Sau khi thắng bộ vào, Đôn Kihôtê khoan thai, đĩnh đạc bước sang phòng bên, ở đó cậu thư sinh đã chờ sẵn để hầu chuyện trong lúc gia nhân bày tiệc. Đối với một quý khách như vậy, tất nhiên phu nhân Đônha Crixtina cũng muốn tỏ rằng mình biết tiếp đãi những ai lui tới nhà.
Trong lúc Đôn Kihôtê thay quần áo, Đôn Lôrenxô – tên cậu con trai của Đôn Điêgô – hỏi cha:
– Chẳng hay ông hiệp sĩ mà cha đưa về nhà ta là người như thế nào? Được biết tên tuổi hình dạng, lại được nghe giới thiệu ông ta là hiệp sĩ giang hồ, con và mẹ lấy làm lạ lắm.
– Biết nói gì với con bây giờ, Đôn Điêgô đáp, ta chỉ có thể nói rằng ta đã thấy con người đó làm những việc điên rồ nhất đời và thốt ra những lời lẽ khôn ngoan làm át cả những hành động trên. Con hãy nói chuyện với ông ta và bắt mạch xem ông ta giỏi giang đến đâu; hãy mang tài trí ra tìm hiểu xem ông ta khôn ngoan hay điên dại, mặc dù ta nghĩ rằng đây là một người điên rồ chứ chẳng phải tỉnh táo gì.
Sau đó, như đã kể ở trên, Đôn Lôrenxô đi gặp Đôn Kihôtê. Trong câu chuyện, Đôn Kihôtê bảo Đôn Lôrenxô:
– Ngài Đôn Điêgô đê Miranđa, cha anh, đã giới thiệu với tôi về tài năng và trí tuệ hiếm có của anh, đặc biệt, anh là một thi sĩ lớn.
– Dạ, thi sĩ thì có thể, song tôi không dám nghĩ là lớn. Quả thật, tôi có phần nào mê thơ và thích đọc những nhà thơ hay, nhưng không tới mức để cha tôi tặng cho danh từ lớn.
– Khá khen cho tính khiêm tốn của anh, Đôn Kihôtê nói, vì không có thi sĩ nào không tự phụ và không tưởng mình là thi sĩ số một trên đời.
– Không quy tắc nào không có ngoại lệ, Đôn Lôrenxô đáp, và cũng có người giỏi thơ nhưng không nghĩ mình là thi sĩ.
– Ít thôi, Đôn Kihôtê nói. Bây giờ anh hãy cho tôi biết anh đang làm bài thơ gì khiến anh phải bận tâm suy nghĩ. Tôi thấy cha anh bảo thế. Nếu là thơ glôxa thì tôi cũng am hiểu đôi chút và tôi vui lòng được nghe. Nếu đây là một cuộc thi thơ, anh hãy cố chiếm giải nhì vì giải nhất bao giờ cũng ưu tiên giành cho người nào có cương vị trong xã hội; chính giải nhì mới là giải thực sự, giải ba là giải nhì, còn giải nhất lại thành giải ba. Đó là cách chấm thi cử nhân ở các trường đại học. Dù sao, người được giải nhất vẫn oai hơn.
Đôn Lôrenxô bụng bảo dạ: “Cho tới lúc này, tôi không thể bảo là ngài điên được; hãy tiếp tục xem sao”, cậu nói:
– Hình như trước kia ngài có được ăn học, chẳng hay ngài học những môn gì?
– Môn Hiệp sĩ giang hồ, Đôn Kihôtê đáp; đó là một môn học không kém thơ, thậm chí còn hơn hai ngón tay nữa kia.
– Tôi không hề biết tới môn học đó, Đôn Lôrenxô bảo, và cho tới giờ cũng chưa hề nghe ai nói.
Đôn Kihôtê đáp:
– Đó là môn học bao gồm tất cả hoặc hầu hết những môn khác trên đời. Muốn trở thành hiệp sĩ giang hồ, phải trở thành luật gia và biệt những luật lệ của công lý để trao cho mỗi người những gì thuộc về họ; phải là nhà thần học để bảo vệ một cách rành mạch rõ ràng các quy tắc của đạo kitô bất cứ ở đâu yêu cầu; phải là thầy thuốc, đặc biệt, phải biết các cây thuốc, một khi ở nơi hoang vu vắng vẻ, có thể phân biệt được các cây cỏ có công dụng hàn gắn vết thương vì hiệp sĩ giang hồ không đi tìm kiếm người chữa chạy những vết thương đó; phải là nhà chiêm tinh học để có thể nhìn sao mà đoán được giờ ban đêm, biết mình đang ở miền nào, xứ nào; phải là nhà toán học vì mỗi bước đi đều cần tới, chưa kể còn phải có tất cả những đức tính chủ yếu của con người như đức tin, lòng nhân ái, tính lạc quan, lòng chung thủy, vân vân… Đi vào chi tiết, hiệp sĩ giang hồ phải giỏi như lời thiên hạ đồn về tài bơi lội của người cá Nicôlao 1, phải biết bịt móng ngựa và đóng yên cương. Trở lại vấn đề nói trên, chàng phải có niềm tin vào Thượng đế và tình nương, phải trong sạch trong ý nghĩ, đứng đắn trong lời nói, phải phóng khoáng trong công việc, dũng cảm trong hành động, chịu được gian khổ, từ thiện với kẻ bần hàn và cuối cùng, phải giữ gìn chân lý dù phải hy sinh cả tính mạng để bảo vệ nó. Một hiệp sĩ giang hồ thực thụ phải có tất cả những điều kiện lớn nhỏ. Bây giờ, liệu anh có nghĩ rằng môn Hiệp sĩ giang hồ là lẩm cẩm không, liệu môn học đó có thua kém những môn khó nhất dạy ở các trường luyện võ và các trường học khác không?
– Nếu đúng như vậy, tôi dám chắc môn học đó vượt trên tất cả những môn học khác, Đôn Lôrenxô nói.
– Sao lại “nếu đúng như vậy”? Đôn Kihôtê hỏi vặn.
– Điều tôi muốn nói là tôi không tin có những hiệp sĩ giang hồ với đầy đủ đức tính đó, trước kia cũng như bây giờ, Đôn Lôrenxô đáp.
– Tôi đã nhiều lần nói những điều mà bây giờ tôi phải nhắc lại, Đôn Kihôtê bảo. Thiên hạ hầu hết cho rằng trên đời này không có hiệp sĩ giang hồ. Một khi Thượng đế không muốn cho họ hiểu rõ sự thật là trên đời này có hiệp sĩ giang hồ – trước kia cũng như bây giờ – thì có giải thích cũng vô ích mà thôi. Kinh nghiệm đã nhiều lần chỉ cho tôi thấy điều này. Song tôi không chịu để anh cũng có ý nghĩ sai lầm như thiên hạ. Điều tôi muốn làm là cầu Chúa cho anh hết lầm lẫn và hiểu ra rằng sự tồn tại của các hiệp sĩ giang hồ trong các thế kỷ qua thật có lợi và cần thiết, và nếu như ngày nay họ vẫn còn tồn tại thì thật là điều hữu ích. Tiếc là giờ đây, ta chỉ thấy đầy rẫy những thói quen xấu như lười biếng, nhàn rỗi, tham lam, rượu chè.
– Ông khách đi quá đà rồi, Đôn Lôrenxô tự bảo; tuy vậy, phải nhận thấy đây là một người điên khác thường, và ta sẽ là một thằng ngốc nếu không có suy nghĩ như ông ta.
Câu chuyện đến đây tạm ngừng vì chủ nhà mời khách vào bàn ăn. Đôn Điêgô hỏi con đã rút ra được kết luận gì cụ thể về tính tình ông khách, Đôn Lôrenxô đáp:
– Bao nhiêu thầy thuốc và thơ lại giỏi giang trên đời cũng chẳng rút ra được kết luận gì vì trường hợp này quá phức tạp. Ông ta điên chỉ từng lúc, lúc khác lại tỏ ra sáng suốt.
Mọi người ngồi vào bàn. Theo thường lệ mỗi khi thết khách, bữa ăn thật là linh đình, đúng như Đôn Điêgô đã tả trong khi đi đường; vừa tinh khiết, phong phú, vừa ngon lành. Nhưng điều làm cho Đôn Kihôtê hài lòng nhất là trong nhà im phăng phắc, in như một tu viện dòng thánh Brunô vậy. Sau khi ăn xong, cầu kinh và vẩy nước vào tay, Đôn Kihôtê khẩn khoản yêu cầu Đôn Lôrenxô đọc cho những câu thơ cậu làm để dự thi, cậu thư sinh đáp:
– Để làm khác những nhà thơ hay chối nguây nguẩy khi có ai yêu cầu đọc và, ngược lại, gào rõ to khi không ai mời, tôi xin đọc bài glôxa mà tôi không hy vọng giật được giải, làm luyện bút thôi.
Đôn Kihôtê hỏi:
– Một ông bạn giỏi thơ của tôi đã phát biểu là không nên ép làm thơ glôxa vì rằng, theo ông ta, bài thơ sẽ không đạt yêu cầu mà thường đi lạc đề; hơn thế nữa, luật thơ glôxa rất chặt chẽ như: không đặt câu hỏi, không dũng những chữ nó, đã nói, tôi sẽ nói, không chuyển động từ thành danh từ, không thay đổi ý tứ; ấy là chưa kể những điều quy định khắt khe khác bó tay nhà thơ lại. Hẳn anh hiểu điều này.
Đôn Lôrenxô đáp lại:
– Thưa ngài Đôn Kihôtê, quả tình tôi muốn đưa ngài vào bẫy mà không được vì ngài đã tuột khỏi tay tôi như con lươn vậy.
– Tôi không hiểu anh định nói gì khi bảo tôi đã tuột khỏi tay anh.
– Rồi ngài sẽ hiểu, bây giờ xin hãy nghe bốn câu thơ đầu đề và bài thơ tôi soạn theo:
Nếu quá khứ trở thành hiện tại
Ta chẳng còn mong ước nào hơn
Thời gian kia chỉ dừng chân lại
Ta còn hy vọng ở ngày mai
Glôxa
Vạn vật đổi thay, và niềm hạnh phúc mà có thời ta may mắn được hưởng, không bao giờ trả lại, dù trong một phút giây. Hỡi số mệnh, đã bao thế kỷ qua ta quỳ gối dưới chân người, hãy trả lại cho ta những ngày tươi đẹp. Sung sướng thay nếu quá khứ trở thành hiện tại.
Chẳng màng công danh, phú quý, thành đạt, hiển vinh, chỉ cần sao niềm mong ước day dứt lòng ta trở thành sự thật. Số mệnh ơi, hãy đưa ta về với quá khứ để làm dụi ngọn lửa đang bùng cháy trong ta; nếu hạnh phúc hiện ra trước mặt, ta chẳng còn mong ước nào hơn.
Có ai đáp ứng được đòi hỏi của ta. Kéo thời gian quay về những ngày đã qua, điều mà không quyền lực nào trên thế gian này làm được. Thời gian trôi, bay. nhẹ lướt, không quay về với quá khứ. Và thật sai lầm nếu nghĩ rằng thời gian kiađang dừng chân lại.
Sống khắc khoải lo sợ, chờ mong, khác nào chết, thà chết ngay để giải thoát nỗi đau buồn; ta vui lòng đón chờ cái chết. Song, bình tâm lại, ta còn sống vì ta còn hy vọng ở ngày mai.
Đôn Lôrenxô đọc hết bài thơ, Đôn Kihôtê đứng phắt dậy, nắm chặt tay phải của cậu, nói như gào:
– Hời chàng trai tài giỏi, có cao xanh chứng giám, chàng là thi nhân số một trên thế gian này, không những xứng đáng được nhận vọng nguyệt quế của Chiprê mà cả các viện hàn lâm ở Atêna cũng như cả viện hàn lâm ngày nay ở Paclônia, Xalamanca! Nếu các ngài giám khảo không trao giải nhất cho chàng, cầu trời cho những mũi tên của thần Apôlô xuyên qua người họ và các thi thần không bao giờ bước qua ngưỡng cửa nhà họ. Xin hãy đọc thêm một bài thơ hay vì tôi muốn đánh giá một cách toàn diện tài năng của chàng.
Chẳng phải bàn cũng thấy những lời ca tụng của Đôn Kihôtê Đôn Lôrenxô hởi lòng hởi dạ, mặc dù cậu cũng biết chàng hiệp sĩ này loạn trí. Ôi! Sức mạnh của lời khen. Ai có thể lường được khả năng to lớn của Người. Đôn Lôrenxô cũng phải chấp nhận chân lý này vì chàng đã đáp ứng yêu cầu của Đôn Kihôtê và đọc tiếp bài thơ nói về cuộc tình duyên bi thảm của chàng Piramô và nàng Tixbê 2.
Xônêtô
Người thiếu nữ xinh đẹp tách đôi bức tường – người thiếu nữ ấy đã làm rung động con tim chàng Piramô hào hiệp. – Tình yêu từ Chiprê tới, bước thẳng vào khe hở nhỏ hẹp kỳ diệu.
Nơi đây, yên lặng bao trùm, tiếng nói không thể lọt qua một kẽ hở nhỏ như vậy, song tình cảm của đôi trai gái vẫn lọt được. Xưa nay, tình yêu thường biến những việc khó khăn nhất thành dễ dàng.
Điều mong ước đi quá xa, và những bước đi của người trinh nữ bất cẩn dẫn cả hai tới cõi chết.
Ôi, tình cảnh ** le! Một lưỡi gươm đã kết liệu cuộc đời đôi tình nhân, một nấm mồ chôn vùi hình hài họ, và ký ức đã làm họ sống lại.
Nghe xong bài thơ xônêtô, Đôn Kihôtê reo lên:
– Xin cảm tạ Thượng đế! Tôi đã tìm thấy ở anh một thi sĩ vẹn toàn nhất trong đám thi sĩ vẹn toàn trên đời này. Chính bài xônêtô, bài thơ tình của anh đã khiến tôi nghĩ như vậy.
Trong 4 ngày nghỉ chơi tại nhà Đôn Điêgô, Đôn Kihôtê được tiếp đãi rất trọng thể. Sau đó, chàng xin phép chủ nhà ra đi, chàng nói: “Tôi xin đa tạ sự tiếp đãi nồng hậu mà tôi được hưởng ở đây. Song, thiết tưởng người hiệp sĩ giang hồ không nên dành nhiều thời gian cho sự nhàn rỗi và tiệc tùng. Bởi vậy, tôi muốn lên đường làm nhiệm vụ, đi tìm kiếm những chuyện phiêu lưu mạo hiểm mà tôi nghe nói vùng này đầy rẫy. Đó cũng là một cách giết thời giờ trong lúc chờ đợi hội đấu thương ở Xaragôxa, mục đích chính chuyến xuất hành của tôi. Trước tiên, tôi phải xuống hang Môntêxixôx mà dân chúng trong vùng đồn là chứa nhiều điều kỳ lạ; tôi cũng sẽ tìm hiểu nguồn gốc của bảy hồ nước mà người ta thường gọi là hồ Ruiđêra”.
Đôn Điêgô và con trai tán thưởng quyết định cao đẹp của chàng; họ bảo chàng cần thứ gì trong nhà thì cứ lấy tự nhiên, rằng họ rất vui lòng làm theo ý muốn của chàng, rằng lòng dũng cảm và nghề nghiệp vinh quang của chàng khiến họ có trách nhiệm phải phục vụ. Tới ngày lên đường, Đôn Kihôtê vui mừng bao nhiêu thì Xantrô Panxa buồn phiền bấy nhiêu vì bác đang được sống phè phỡn trong sự sung túc của gia đình Đôn Điêgô, không muốn trở lại cảnh đói khổ thường gặp phải trong những nơi rừng núi hoang vu, với túi lương ăn nghèo nàn ít ỏi; tuy buồn phiền song bác cũng không quên nhét đầy túi tất cả những thứ bác cho là cần thiết nhất. Giờ chia tay, Đôn Kihôtê bảo cậu Đôn Lôrenxô:
– Không biết tôi đã nói với anh điều này chưa, dù có nói rồi thì tôi cũng xin nhắc lại: nếu anh muốn rút ngắn đường đi và giảm bớt gian khổ để vươn tới đỉnh cao vòi vọi của danh vọng, anh chỉ cần từ bỏ con đường của Thi ca có phần nào gian khổ mà hãy đi theo con đường vô cùng gian khổ của Hiệp sĩ giang hồ, thế là đủ cho anh trở thành hoàng đế trong khoảnh khắc.
Với những lời lẽ đó, Đôn Kihôtê đã tới bậc thang cuối cùng của sự điên rồ, nhất là khi chàng nói thêm:
– Nào ai đoán được ta có ý định đem theo chàng Đôn Lôrenxô để dạy cho chàng biết khoan dung đối với kẻ nghèo hèn và nghiêm khắc đối với những tên ngạo mạn, những đức tính gắn liền với nghề nghiệp của ta. Song, vì chàng còn non trẻ và không thể bỏ dở việc học hành, ta chỉ có lời nhắn nhủ như sau: một nhà thơ chỉ có thể trở thành nổi tiếng nếu lắng nghe ý kiến của dân chúng hơn là ý kiến bản thân. Không có cha mẹ nào cho con mình là xấu, và điều sai lầm này càng hay xảy ra khi họ đánh giá khía cạnh trí tuệ của đứa con.
Một lần nữa, hai cha con Đôn Điêgô lại phải ngạc nhiên về những câu nói xen lẫn khôn ngoan và ngớ ngẩn của Đôn Kihôtê cũng như về quyết tâm của chàng đi tìm những câu chuyện phiêu lưu bất hạnh, mục đích cuối cùng của những hoài bão mà chàng theo đuổi. Chủ và khách còn mời chào, dặn dò nhau mãi không dứt; cuối cùng, được bà chủ đáng yêu của lâu đài cho phép, Đôn Kihôtê và Xantrô lên đường, thầy cưỡi Rôxinantê, trò cưỡi lừa.