NGƯỜI TÙ KỂ TIẾP
Chỉ trong vòng nửa tháng sau, Người chối Chúa đã mua được một chiếc thuyền rất tốt, có thể chở được trên ba mươi người. Để che mắt thiên hạ, anh ta đi một chuyến tới một nơi gọi là Xarhêl, cách Arhêl hai mươi dặm về phía Ôran, ở đó có một thị trường lớn buôn bán trái vả khô. Anh ta đi luôn hai ba chuyến nữa cùng với người bạn tagarinô nói trên. Ở xứ Berbêria, người ta gọi những người Môrô sinh trưởng ở Aragôn là tagarinô và những người Môrô ở Granađa là muđêhar, còn tại vương quốc Phêx, những người muđêhar lấy tên là elchơ thường phục vụ nhà vua khi có chiến tranh. Mỗi chuyến đi như vậy, anh ta đều đậu thuyền ở một cảng nhỏ cách khu vườn của Dôraiđa chừng hai tầm nỏ cỡ lớn, rồi cùng với đám tay chèo trẻ tuổi, anh ta cầu kinh hoặc tìm cách thực hiện ý đồ của mình một cách rất tự nhiên: anh ta mon men tới khu vườn xin trái quả và cha Dôraiđa cũng vui lòng cho. Anh ta kể lại với tôi rằng những lúc đó trong bụng anh rất muốn gặp Dôraiđa để nói cho cô ta yên tâm là anh đã được tôi giao cho nhiệm vụ đưa cô ta tới đất Kitô giáo, nhưng anh không sao làm được việc đó là vì những cô gái Môrô không để cho một người Môrô hay Thổ Nhĩ Kỳ nào gặp mặt trừ phi được phép của chồng hoặc cha, trái lại họ sẵn sàng chuyện trò với những người tù Kitô giáo. Riêng tôi rất ngại Dôraiđa gặp Người chối Chúa vì nàng sẽ hoảng hốt khi nghĩ rằng số phận của mình nằm trong tay một kẻ bội giáo. Cũng may, Chúa sắp đặt mọi việc theo hướng khác và Người chối Chúa đã không thực hiện được điều mong muốn. Lúc này, thấy những chuyến đi Xarhêl đều trôi chảy, muốn đậu thuyền ở đâu và lúc nào cũng được, không sợ anh bạn tagarinô phản đối, mặc khác tôi cũng đã được tự do, duy chỉ còn thiếu một số người Kitô giáo để chèo thuyền, Người chối Chúa bảo tôi định đưa những người nào đi theo ngoài ba anh bạn tù đã được chuộc thì phải tự lo tìm kiếm và dặn họ sẵn sàng trong ngày thứ sáu tới, ngày đã được chọn để khởi sự. Tôi bèn đi gặp mười hai người Tây Ban Nha là những tay chèo khỏe và có thể đi khỏi thành phố một cách dễ dàng. Trong tình thế bấy giờ, tìm được ngần ấy người không phải chuyện dễ vì khi đó có hai mươi chiếc thuyền ra khơi cùng với tất cả những tay chèo. Sở dĩ tìm được họ vì chủ thuyền của họ còn đang bận đóng một chiếc tàu khác. Tôi chỉ dặn họ là đến chiều thứ sáu tới, phải kín đáo rút ra khỏi thành, đi tới khu vườn của Ahil Môratô và chờ tôi đến. Tôi nói riêng với từng người, dặn họ nếu có gặp những người Kitô giáo khác tại chỗ hẹn thì chỉ nói là tôi bảo đợi tại đó. Xong việc đó lại còn một việc nữa quan trọng hơn tức là thông báo cho Dôraiđa biết tình hình tiến hành công việc để nàng khỏi bỡ ngỡ hoảng hốt một khi bị chúng tôi mang đi đột ngột vì nàng sẽ nghĩ rằng người đi mua thuyền không thể trở về sớm như vậy được. Tôi bèn quyết định đi tới khu vườn để xem có gặp được nàng không. Một ngày trước khi hành sự, tôi tới đó với lý do đến hái một ít rau ăn. Người đầu tiên tôi gặp là cha nàng. Bằng một thứ tiếng vẫn thường dùng ở khắp miền Berbêria và cả ở Cônxtantinôpla giữa những người tù và người Môrô (không phải tiếng Arập, cũng không phải tiếng Tây Ban Nha hoặc tiếng của một nước nào mà là một sự hỗn hợp của nhiều tiếng khác nhau, ai cũng hiểu được), ông ta hỏi tôi tìm kiếm gì trong vườn của ông ta và chủ là ai. Tôi đáp rằng tôi là nô lệ của ông Arnaotê Mami (sở dĩ tôi nói vậy vì biết chắc chắn rằng Arnaotê Mami là bạn rất thân của ông ta), tới đây hái một ít rau mang về trộn. Ông ta lại hỏi tôi có thuộc loại tù để chuộc hay không và chủ tôi đòi tiền chuộc bao nhiêu. Trong lúc hai người còn đang trao đổi thì nàng Dôraiđa xinh đẹp từ trong nhà bước ra; nàng đã nhìn thấy tôi từ lâu. Như tôi đã nói ở trên, phụ nữ Môrô không rụt rè e lệ đối với những người Kitô giáo và không lảng tránh họ, cho nên lúc này không có điều gì ngăn cản nàng tới chỗ hai chúng tôi đang đứng; không những vậy cha nàng thấy nàng đi chậm chạp, bèn gọi nàng tới. Giờ đây, tôi không sao diễn tả nổi sắc đẹp tuyệt vời, vẻ duyên dáng cũng như những đồ trang sức quý giá trên người Dôraiđa yêu quý của tôi khi nàng hiện ra trước mắt tôi; chỉ xin nói rằng những viên ngọc trai đeo quanh cái cổ tuyệt đẹp, ở đôi tai và trên đầu nàng còn nhiều hơn cả tóc của nàng. Cổ chân của nàng để hở theo tục lệ trong nước và đeo một đôi vòng bằng vàng nguyên chất có nạm rất nhiều viên kim cương (sau này, nàng cho tôi biết rằng cha nàng đánh giá đôi vòng chân tới mười ngàn đôbla); đôi vòng vàng đeo ở cổ tay cũng trị giá tương đương. Những viên ngọc trai đeo trên người nàng nhiều vô kể và rất đẹp. Đồ trang sức chính của phụ nữ Môrô là ngọc trai, cho nên dân Môrô có nhiều ngọc trai hơn tất cả các dân tộc khác. Cha Dôraiđa nổi tiếng là người có nhiều ngọc trai và có những viên đẹp nhất Arhêl, ngoài ra ông còn có trên hai trăm ngàn đồng tiền vàng Tây Ban Nha; vậy mà người thừa kế gia tài đó giờ đây lại thuộc về tôi. Trông nàng lúc đó thật là kiều diễm trong bộ đồ trang sức đắt tiền; và nếu như ngày nay, sau bao cơn sóng gió, nàng còn nhan sắc như vậy thì ta có thể nghĩ là trước kia nàng xinh đẹp biết bao trong cảnh vàng son. Chúng ta đều biết nhan sắc của phụ nữ có thời; những biến chuyển trong cuộc đời làm cho sắc đẹp của họ tăng hay giảm, cũng như những sự ham muốn khiến họ thêm xinh tươi hoặc xấu xa đi, mà thông thường là làm cho sắc đẹp của họ phai tàn. Tóm lại, đồ trang sức cũng như nhan sắc của nàng đều tuyệt vời; riêng tôi cảm thấy trong đời chưa gặp một người nào đẹp như vậy, cộng vào đó là tình nặng ân sâu của nàng đối với tôi khiến tôi cảm thấy như trước mắt tôi là một nữ thần giáng thế để cứu vớt và mang lại hạnh phúc cho tôi. Khi Dôraiđa tới nơi, cha nàng nói với nàng bằng tiếng Môrô rằng tôi là nô lệ của ông Arnaotê Mami tới đây kiếm ít rau ăn. Bằng một thứ tiếng pha trộn như tôi đã giới thiệu ở trên, nàng hỏi tôi có thuộc dòng dõi quý tộc không và vì sao tôi chưa chịu chuộc mình. Tôi đáp là đã tự chuộc với giá một ngàn năm trăm xôltani, một số tiền lớn qua đó nàng có thể thấy được rằng ông chủ tôi đã đánh giá tôi khá cao. Nàng nói:
– Nếu ngươi là nô lệ của cha ta, ta sẽ không để cha ta chuộc với một số tiền to gấp đôi vì rằng bọn Kitô giáo các người chuyên môn nói dối và hay giả nghèo giả khổ để đánh lừa những người Môrô.
– Thưa tiểu thư, điều đó cũng có thể xảy ra, tôi đáp; nhưng tôi không hề nói dối chủ tôi, và bây giờ cũng như sau này, tôi không bao giờ nói dối bất cứ một người nào.
– Thế bao giờ nhà ngươi định đi? Dôraiđa hỏi tôi.
– Tôi định đi ngày mai; có một chiếc tàu Pháp nhổ neo ngày mai và tôi sẽ đáp tàu đó.
– Sao không đợi tàu Tây Ban Nha tới hãy đi có hơn không? Bọn Pháp không phải là bạn của các người đâu.
– Không thể đợi được; kể ra nếu cô tin chắc chắn rằng có tàu Tây Ban Nha tới, tôi sẽ đợi; nhưng đi được ngày mai tốt hơn vì tôi nóng lòng muốn được trở về nước sống giữa những người thân của tôi, cho nên dù có điều kiện thuận lợi hơn nhưng phải chờ đợi tôi cũng chịu thôi.
– Chắc ngươi có vợ ở quê nhà nên muốn về gặp chứ gì?
– Tôi chưa có vợ nhưng tôi đã hứa với một người là sẽ cưới cô ta một khi trở về nước.
– Thế con người mà nhà ngươi đã hứa lấy làm vợ có đẹp không?
– Để ca tụng sắc đẹp của cô ta và để nói thật với tiểu thư, tôi xin thưa là cô ta đẹp như tiểu thư vậy.
Nghe tôi nói, cha Dôraiđa phá lên cười và bảo:
– Lạy thánh Ala , nếu cô ấy giống con gái ta thì phải đẹp lắm đấy, anh chàng Kitô giáo ạ. Con gái ta đẹp nhất vương quốc này, không tin anh cứ nhìn kỹ sẽ thấy lời ta nói là đúng.
Trong lúc chúng tôi nói chuyện với nhau, cha Dôraiđa làm thông ngôn vì ông ta biết cả tiếng Arập lẫn tiếng Tây Ban Nha; tuy Dôraiđa nói được thứ tiếng pha trộn thường dùng tại đây nhưng chỉ biết ít thôi, và nàng diễn đạt ý tứ của mình bằng điệu bộ nhiều hơn bằng ngôn từ. Giữa lúc đó, một gia nhân Môrô chạy tới kêu ầm lên rằng có bốn tên Thổ Nhĩ Kỳ vừa nhảy qua tường vào vườn hái quả tuy hãy còn xanh. Ông già Ahi Môratô và cả Dôraiđa đều tỏ vẻ hoảng hốt; xưa nay người Môrô thường vẫn khiếp sợ người Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là bọn lính; bọn này rất láo xược và hống hách đối với người Môrô là những người đã chịu thuần phục chúng, và chúng đối xử với họ còn tệ hơn đối với nô lệ của chúng. Ông Ahi Môratô vội bảo Dôraiđa:
– Con gái ta hãy lui vào nhà đóng chặt cửa lại để ta đi gặp bọn ***kia; còn anh chàng Kitô giáo này hãy đi mà kiếm rau. Cầu thánh Ala cho anh được bình an trở về nhà.
Tôi ngả người chào; ông ta đi gặp bọn Thổ Nhĩ Kỳ, còn lại có tôi với Dôraiđa. Cô gái đi mấy bước làm ra vẻ tuân theo lời cha, nhưng khi Ahi Môratô vừa khuất sau rặng cây, nàng quay trở lại chỗ tôi, mắt đẫm lệ; nàng bảo tôi:
– Tamxixi? Người Kitô giáo ơi! Tamxixi? (nghĩa là Anh đi ư? người Kitô giáo ơi! Anh đi ư?)
– Vâng, thưa tiểu thư, tôi đi, nhưng không khi nào tôi đi mà không có tiểu thư cùng đi. Hãy chờ tôi ngày thứ sáu đầu tháng, và xin chớ hoảng hốt khi thấy bọn tôi tới; chắc chắn chúng ta sẽ đi tới đất Kitô giáo.
Trong câu chuyện nói với nàng, tôi cố tìm những câu chữ để cho nàng hiểu được. Nàng quàng một cánh tay lên cổ tôi, lảo đảo bước về phía nhà. Đi với nhau như vậy thật là nguy hiểm, nhưng trời kia đã giúp cho chúng tôi. Số là trong lúc hai chúng tôi đang đi bên nhau như vậy, tay nàng quàng lên cổ tôi, bỗng đâu cha nàng quay trở về sau khi đã gặp bọn Thổ Nhĩ Kỳ; ông ta nhìn thấy cảnh tượng đó và chúng tôi cũng biết là ông ta đã nhìn thấy. Thế nhưng Dôraiđa đã tỏ ra nhanh trí và khôn khéo; nàng không những không rụt tay lại mà còn sát nữa vào tôi, đầu ngả vào ngực tôi, đầu gối hơi khuỵu xuống, trông rõ ra một người bất tỉnh nhân sự; tôi cũng làm ra vẻ bắt buộc phải đỡ nàng lên. Thấy con gái như vậy, cha nàng vội chạy lại hỏi han tình hình nhưng nàng không đáp, ông ta bèn nói:
– Chắc là con bé hoảng sợ lũ ***kia xông vào vườn nên mới ngất đi như vậy.
Nói rồi, ông đỡ lấy cô gái và ôm vào lòng. Mắt còn ngấn lệ, Dôraiđa buông một tiếng thở dài, cất tiếng nói:
– Amêxi, người Kitô giáo ơi! Amêxi! (tức là: Đi đi, người Kitô giáo ơi! Đi đi!)
Cha nàng nói:
– Người Kitô giáo đi hay ở, điều đó không can gì vì anh ta có làm gì hại con đâu; còn lũ Thổ Nhĩ Kỳ kia đã bước rồi. Không có chuyện gì làm con phải hoảng sợ, buồn phiền cả, vì như ta đã nói, bọn Thổ Nhĩ Kỳ đã kéo đi khỏi đây theo lời đề nghị của ta.
– Đúng như ngài nói, bọn chúng đã làm cho cô ta hoảng sợ, tôi nói với cha Dôraiđa; tuy nhiên, vì cô ta đã bảo tôi đi, tôi không muốn làm trái ý. Xin chúc ngài bình an; nếu được ngài cho phép, tôi sẽ trở lại khu vườn này khi nào cần tới rau ăn; ông chủ tôi bảo rằng không đâu có rau ngon bằng ở đây để làm món rau trộn.
– Anh muốn trở lại khi nào cũng được, ông Ahi Môratô nói. Con gái ta bảo anh đi khỏi đây không phải vì nó ghét bỏ gì anh hay những người Kitô giáo đâu; khi nó bảo anh đi tức là nó muốn bảo lũ Thổ Nhĩ Kỳ đi, hoặc nó có ý bảo anh hãy đi kiếm rau cho chủ vì đã muộn giờ.
Tới đây, tôi từ giã hai cha con ông Ahi Môratô; Dôraiđa trở vào nhà với cha, có vẻ buồn lắm. Với lý do kiếm rau ăn, tôi tự do đi khắp khu vườn; tôi quan sát kỹ những cửa ra vào, những điểm mạnh và yếu, những thuận lợi có thể giúp cho công việc của chúng tôi tiến hành được dễ dàng. Xong xuôi, tôi trở về kể lại tình hình cho Người chối Chúa và các bạn của tôi, trong lòng ngong ngóng chờ giờ phút được yên hưởng hạnh phúc cùng với nàng Dôraiđa xinh đẹp mà phận may đã mang lại cho tôi. Thời gian trôi qua và rồi cũng tới ngày mà cả bọn chúng tôi nóng lòng chờ đợi. Chúng tôi làm theo đúng kế hoạch đã được thảo luận nghiên cứu tỉ mỉ nhiều lần và đạt kết quả cũng đúng như điều mong muốn. Hôm sau ngày tôi gặp Dôraiđa tại khu vườn, tức là ngày thứ sáu, vào lúc trời tối, Người chối Chúa của chúng tôi đậu thuyền ngay gần trước cửa nhà của nàng Dôraiđa xinh đẹp. Những người Kitô giáo lo việc chèo thuyền, cũng đã tới ẩn nấp quanh quẩn trên bờ; họ chờ tôi tới, trong lòng vừa khấp khởi mừng thầm vừa sốt ruột chỉ muốn xông ra chiếm ngay chiếc thuyền đậu trước mặt; những người này không biết rằng Người chối Chúa hành động phối hợp với họ mà lại nghĩ là phải dùng vũ lực giết những người Môrô ở trên thuyền để trốn thoát. Khi thấy tôi và ba người bạn của tôi tới nơi, họ vội dời khỏi chỗ ẩn chạy lại. Giờ này, các cổng thành đã đóng chặt và xung quanh không còn một bóng người. Khi đã đủ mặt, chúng tôi phân vân không biết nên đi tìm Dôraiđa trước hay là bắt trói những tay chèo ở dưới thuyền trước; còn đang do dự thì Người chối Chúa tới hỏi lý do vì sao chưa hành động; anh ta còn cho biết thêm là đã tới giờ khởi sự và những người Môrô ở dưới thuyền không phòng bị gì, đa số trong bọn đã ngủ say. Nghe chúng tôi nói lý do vì sao còn do dự, anh ta bảo: “Điều quan trọng nhất là hãy chiếm lấy thuyền vì việc này rất dễ dàng và không nguy hiểm gì, sau đó ta sẽ đi tìm Dôraiđa”. Thấy có lý, chúng tôi bắt tay vào việc ngay; Người chối Chúa dẫn chúng tôi đi lại chỗ thuyền đậu, anh ta nhảy xuống trước, rút gươm và nói bằng tiếng Arập:
– Muốn sống thì không một ai được nhúc nhích!
Lúc này tất cả những tay chèo Kitô giáo đã xuống thuyền. Bọn Môrô, vốn nhát gan, lại nghe thấy ông chủ thuyền ra lệnh như vậy, sợ cuống cuồng, không anh nào dám rút vũ khí ra (vả lại vũ khí của họ cũng chẳng có bao nhiêu), lặng yên chịu trói. Những tay chèo Kitô giáo hành động rất lẹ làng, vừa trói vừa dọa không được kêu, nếu không sẽ đâm chết. Xong đâu đấy, một nửa số người trong bọn tôi ở lại dưới thuyền để canh gác, số còn lại đi theo Người chối Chúa lên khu vườn của Ahi Môratô. May sao, khi mở cổng vào vườn, chúng tôi không gặp khó khăn gì, như thể cổng không đóng vậy; thế là chúng tôi cứ việc lặng lẽ đi tới tòa nhà, không bị lộ.
Nàng Dôraiđa xinh đẹp chờ chúng tôi ở cửa sổ; khi thấy chúng tôi tới, nàng khẽ hỏi chúng tôi có phải là nixarani không (nixarani có nghĩa là người Kitô giáo). Tôi đáp phải và bảo nàng xuống. Nhận ra tôi, nàng không chút chần chừ, cũng không hỏi gì thêm, vội xuống mở cửa ngay; trước mắt chúng tôi hiện ra một cô gái rất xinh đẹp trong một bộ y phục rất lộng lẫy, không sao tả xiết. Vừa nhìn thấy nàng, tôi vội cầm lấy tay hôn, rồi tới Người chối Chúa và hai anh bạn tôi; những người khác thấy thế cũng làm theo tuy không hiểu chuyện gì, như thể tất cả chúng tôi đều tỏ lòng biết ơn nàng và công nhận nàng là bà chúa tự do của chúng tôi. Người chối Chúa hỏi nàng bằng tiếng Arập: “Cha cô có đây không?”, nàng đáp: ” Có, cha tôi đang ngủ.”
– Nếu vậy, Người chối Chúa nói, cần phải đánh thức ông dậy và đưa đi theo chúng ta cùng với tất cả của cải quý giá ở trong khu vườn đẹp đẽ này.
– Không, Dôraiđa đáp, tuyệt đối không được động tới cha tôi. Còn về của cải trong nhà này, không cần phải mang đi thêm ngoài những thứ tôi đã mang đây; những thứ đó đủ để làm cho tất cả các anh trở nên giàu có và hài lòng. Hãy chờ một chút rồi sẽ thấy.
Nói xong, nàng quay trở vào trong nhà, bảo chúng tôi chờ một chút, trong khi chờ phải hết sức giữ yên lặng. Tôi hỏi Người chối Chúa là có chuyện gì vậy. Sau khi nghe anh ta kể lại, tôi bảo anh không được làm gì ngoài ý muốn của Dôraiđa. Lúc này Dôraiđa đã quay trở ra, khệ nệ khiêng một cái hòm đầy ắp tiền vàng. Rủi thay, giữa lúc đó cha Dôraiđa tỉnh giấc và nghe thấy có tiếng lao xao ngoài vườn; ông ta lại gần cửa sổ nhìn ra thì thấy lố nhố có những người Kitô giáo, bèn cuống quýt kêu thất thanh: “Có bọn Kitô giáo, có bọn Kitô giáo! Có trộm, có trộm!” Tiếng kêu làm chúng tôi vô cùng bối rối lo sợ. Thấy tình hình nguy ngập và cần phải giải quyết xong công việc trước khi bị lộ, nhanh như cắt Người chối Chúa xông lên phòng của Ahi Môratô; mấy người khác cũng lên theo. Riêng tôi không dám dời Dôraiđa vì lúc này nàng đã ngất đi và ngã vào tay tôi. Người chối Chúa và mấy người đi theo anh ta hành động rất giỏi và chỉ một lát sau, họ đã trở xuống cùng với Ahi Môratô; họ trói hai tay ông ta, nhét giẻ vào mồm cho khỏi kêu, dọa nếu kêu sẽ giết. Nhìn thấy cha, Dôraiđa vội lấy tay che mắt; Ahi Môratô cũng rất kinh hoàng vì ông không biết rằng con gái ông đã tự nguyện tự giao phó cho chúng tôi. Lúc này, đôi chân là cần thiết hơn cả, cho nên chúng tôi vội rút xuống thuyền; số anh em chờ chúng tôi ở dưới thuyền đã bắt đầu lo ngại, e chúng tôi gặp chuyện gì không hay.
Trời mới tối được khoảng hai tiếng đồng hồ thì tất cả chúng tôi đã tề tựu đông đủ dưới thuyền. Một người cởi trói cho cha Dôraiđa và lấy giẻ ở trong mồm ông ra, nhưng Người chối Chúa vẫn cấm ông không được nói, hễ nói sẽ giết chết. Thoạt nhìn thấy con gái, ông ta thở dài não nuột, nhưng khi nhìn kỹ thấy tôi ôm chặt nàng trong lòng, còn nàng không hề chống cự, kêu ca, vùng vẫy, ông tỏ vẻ ngạc nhiên lắm. Tuy vậy, ông ta không dám hé răng, sợ những lời dọa của Người chối Chúa biến thành hành động. Thấy chúng tôi sắp sửa nhổ neo trong lúc cha mình và những người Môrô bị trói vẫn còn ở trên thuyền, Dôraiđa nhờ Người chối Chúa xin tôi ra ơn thả những người Môrô và trả lại tự do cho Ahi Môratô, nếu không, thà nàng đâm đầu xuống biển còn hơn phải nhìn cảnh cha bị đày ải vì mình, nhất là người cha đó lại rất yêu quý con gái.
Nghe Người chối Chúa nói lại, tôi trả lời đồng ý nhưng anh ta bảo không ổn, anh nói:
– Nếu ta thả họ ra, họ sẽ kêu cứu đất liền làm náo động cả tỉnh; người ta sẽ cho những chiếc thuyền nhẹ đuổi theo chúng ta, người ta sẽ vây bắt chúng ta cả trên mặt đất lẫn trên mặt biển và chúng ta sẽ không thoát nổi. Điều có thể làm được là khi tới một nước Kitô giáo đầu tiên, ta sẽ trả lại tự do cho họ.
Tất cả chúng tôi đều thấy phải; khi nói với Dôraiđa những lý do vì sao không thể thực hiện ngay được ý muốn của nàng, nàng cũng yên tâm. Lập tức, những tay chèo khỏe mạnh của chúng tôi cầm lấy bơi chèo, trong lòng tuy hớn hở nhưng vẫn giữ hết sức yên lặng; chúng tôi cầu Chúa phù hộ cho và bắt đầu bơi về phía đảo Maiorca là đất Kitô giáo gần nhất. Rủi thay, gió bắc thổi khá mạnh và biển động khiến chúng tôi không thể theo hướng Maiorca được mà phải men theo bờ đi về phía Ôran. Chúng tôi lo lắm, chỉ sợ những người ở Xarhêl phát hiện ra vì tỉnh này cách Arhêl có sáu mươi dặm theo đường biển; chúng tôi còn lo gặp phải một trong những chiếc tàu chở hàng hóa từ Têtuan tới; tuy thế, tất cả đều nghĩ rằng nếu gặp được một chiếc tàu buôn (không phải loại tàu vũ trang dùng để đi lùng bọn cướp biển) thì không những chúng tôi không bị giữ lại mà còn có thể đi nhờ một cách chắc chắn về tới nước nhà. Trong lúc đó, Dôraiđa úp mặt vào tay tôi để khỏi phải nhìn thấy cha, và tôi nghe thấy nàng kêu cầu Lêla Mariên phù hộ cho chúng tôi.
Đi được ba chục hải lý thì trời sáng và thuyền chúng tôi chỉ cách đất liền có ba tầm súng hỏa mai, trên bờ vắng vẻ, không sợ bị ai phát hiện. Lúc này biển đã lặng, chúng tôi cố bơi thuyền ra ngoài khơi; khi đã cách bờ được gần hai dặm, chúng tôi bảo các tay chèo thay phiên nhau nghỉ để ăn uống vì trong thuyền có mang theo đầy đủ lương thực, nhưng họ đáp là chưa phải lúc nghỉ tay, người nào không phải chèo cứ việc ăn trước, còn họ không muốn buông mái chèo; chúng tôi đồng ý. Bỗng có gió to nổi lên buộc chúng tôi phải hạ chèo để giương buồm đi về phía Ôran vì không thể bơi theo hướng nào khác được. Chúng tôi nhanh chóng kéo buồm lên và thuyền đi được trên tám hải lý một giờ. Lúc này chỉ còn một nỗi lo là gặp phải tàu vũ trang đi biển. Chúng tôi cho những người Môrô ăn; Người chối Chúa an ủi họ, bảo họ không phải là những người tù, khi nào có điều kiện sẽ thả ngay. Anh cũng nói như vậy với cha Dôraiđa nhưng ông này đáp:
– Hỡi những người Kitô giáo kia! Ta trông chờ gì vào sự độ lượng và thiện chí của các người! Chớ cho ta là một kẻ quá khờ dại nghĩ rằng các người sẽ trả lại tự do cho. Các người đã phải liều mạng bắt ta đi thì các người sẽ không thả ta ra một cách dễ dàng đâu, nhất là các người lại biết ta là ai và thấy rằng có thể kiếm được một món lời. Nếu các người định đặt giá, ta xin nộp tất cả những gì các người muốn để chuộc lại tự do cho ta và cho đứa con gái bất hạnh của ta hoặc nếu không được thì chỉ cần cho đứa con gái này thôi vì nó là phần to lớn và tốt đẹp nhất của linh hồn ta.
Nói rồi, ông khóc lóc thảm thiết khiến tất cả chúng tôi đều mủi lòng; Dôraiđa cũng phải ngửng mặt lên nhìn. Khi thấy cha khóc lóc như vậy, nàng cầm lòng không đậu, đứng lên và tới ôm Ahi Môratô, áp mặt mình vào mặt cha, rồi cả hai cha con cùng nức nở khóc khiến trong bọn chúng tôi có nhiều người cũng khóc theo. Khi nhìn thấy con gái mình ăn mặc sang trọng, nữ trang đầy người, ông ta hỏi:
– Sao lại thế này, con gái ta? Tối qua, trước khi xảy ra nỗi bất hạnh khủng khiếp cho cha con ta, ta thấy con vẫn áo quần bình thường, vậy mà lúc này, mặc dù con không có đủ thời giờ để trang điểm và ta cũng không mang lại cho con một tin gì đáng phải ăn mừng, cớ sao ta thấy con khoác trên người những áo quần đẹp nhất mà ta đã sắm cho con khi cha con ta còn sống những ngày tươi đẹp yên lành? Hãy trả lời ta đi vì việc này còn làm ta kinh ngạc, hãi hùng hơn cả tai họa mà ta đang gặp phải.
Người chối Chúa dịch lại cho tôi nghe tất cả những lời Ahi Môratô nói với con gái, trong khi đó Dôraiđa lặng yên không đáp. Khi nhìn thấy ở một góc chiếc hòm mà con gái mình vẫn dùng để cất đồ nữ trang, lại biết rằng chiếc hòm đó xưa nay vẫn để ở Arhêl chứ không mang đến khu vườn, ông ta càng sửng sốt vội hỏi Dôraiđa nguyên nhân vì sao chiếc hòm lại lọt vào tay chúng tôi và ở trong đó có gì. Không chờ Dôraiđa trả lời, Người chối Chúa đáp:
– Xin ngài chớ mất công hỏi con gái mình ngần ấy câu vì chỉ cần tôi trả lời một câu, ngài sẽ rõ hết chuyện. Xin thưa với ngài rằng cô ta đã là một người Ki-tô giáo và chính cô ta đã phá tung xiềng xích mang lại tự do cho cuộc đời tù đày của chúng tôi. Theo tôi hiểu, cô ta xuống thuyền này ra đi một cách tự nguyện, vui vẻ, cảm thấy mình như một người đang từ trong bóng tối ra ngoài ánh sáng, từ cõi chết trở về cuộc sống, từ tối tăm đến với vinh quang.
– Những điều người này nói có đúng không, hả con gái ta? Ahi Môratô hỏi.
– Đúng ạ, Dôraiđa đáp.
– Vậy ra con đã là một người Kitô giáo và chính con đã nộp ta cho kẻ thù ư?
– Vâng, con là một người Kitô giáo, nhưng con không phải là kẻ đẩy cha vào tình cảnh này vì lòng dạ con không bao giờ muốn rời bỏ cha hoặc làm hại cha cả; con chỉ muốn làm một điều tốt cho con thôi.
– Thế điều tốt đó của con là gì?
– Xin cha hãy hỏi Lêla Mariên, Người sẽ nói cho cha hiểu rõ hơn.
Vừa nghe thấy vậy, nhanh như chớp, Ahi Môratô lao đầu xuống biển; may sao bộ áo quần lụng thụng của ông làm cho người ông nổi lên mặt nước, nếu không, chắc ông đã chết đuối rồi. Dôraiđa kêu ầm yêu cầu vớt cha mình lên. Chúng tôi xô tới, túm lấy áo, kéo lên; Ahi Môratô bị sặc nước, bất tỉnh nhân sự. Xót xa trong lòng, Dôraiđa khóc lóc thảm thiết như thể cha mình đã chết rồi vậy. Chúng tôi dốc ngược ông ta xuống làm ông ta nôn ra rất nhiều nước và chừng hai tiếng sau thì tỉnh. Trong thời gian đó, gió quay chiều buộc chúng tôi phải men theo bờ, và chúng tôi phải ra sức chèo để thuyền khỏi giạt vào đất liền. May sao, thuyền tới một chỗ đậu kề sát một mỏm đất nhỏ mà người dân Môrô gọi là mũi Cava Rumia, có nghĩa là Người đàn bà Kitô giáo xấu xa. Dân Môrô kể lại rằng Cava, người đã gây ra sự suy sụp của nước Tây Ban Nha, được chôn tại đây và, theo tiếng Arập, cava có nghĩa là người đàn bà xấu xa, còn rumia nghĩa là Kitô giáo. Một khi bắt buộc phải đậu thuyền tại đây, họ coi đó là một điểm gở, và chỉ khi nào thật cần thiết họ mới chịu đỗ lại. Đối với chúng tôi, đây không phải là chỗ trú chân của người đàn bà xấu xa mà là một bến đậu thuyền rất chắc chắn trong lúc sóng to gió cả này. Chúng tôi cắt người canh gác trên bờ, và tay vẫn nắm mái chèo, chúng tôi lấy lương thực do Người chối Chúa mua, mang ra ăn. Rồi với tất cả tấm lòng thành kính, chúng tôi cầu Chúa và Đức Mẹ giúp đỡ phù hộ cho mọi người kết thúc thắng lợi chuyến đi đã được mở đầu một cách may mắn này. Theo lời cầu khẩn của Dôraiđa, chúng tôi chuẩn bị đưa cha nàng và những người Môrô bị trói lên bờ, vì nàng không đủ can đảm và bụng dạ nào nhìn thấy cha mình bị trói và những người đồng chủng bị bắt làm tù nhân. Chúng tôi hứa sẽ thi hành ngay trước khi thuyền rời bến vì thả họ ra ở một nơi vắng vẻ như thế này không có gì nguy hiểm nữa. Những lời cầu nguyện của chúng tôi không uổng và đã thấu tới trời. Mặt biển lại êm ả, như khuyến khích chúng tôi hãy vui vẻ tiếp tục cuộc hành trình. Chúng tôi cởi trói cho những người Môrô và thả từng người một lên bờ khiến họ rất ngạc nhiên; khi đến lượt cha Dôraiđa, lúc này đã hoàn toàn trở lại tỉnh táo, ông ta nói:
– Hỡi những người Kitô giáo, tại sao các người lại nghĩ rằng đứa con gái xấu xa này vui mừng vì các người trả lại tự do cho ta? Các người tưởng rằng nó hiếu thảo với ta ư? Không đâu, nó muốn thế chỉ vì sự có mặt của ta ngăn trở không cho nó thực hiện được những ý đồ xấu xa mà thôi. Các người đừng nghĩ rằng nó thay đổi tín ngưỡng vì cho rằng tôn giáo của các người hay ho hơn tôn giáo của chúng ta mà vì nó biết rằng trên đất nước của các người, những hành động bất nhân bạc ác được dung túng hơn ở nước ta.
Trong lúc Ahi Môratô nói, tôi và một người nữa phải giữ chặt hai cánh tay ông, sợ xảy ra chuyện chẳng lành. Ông ta quay về phía Dôraiđa nói tiếp:
– Hỡi đứa con gái xấu xa và dại dột kia! Mi mờ mắt và mất trí rồi sao mà đi theo lũ ***thù địch của chúng ta? Ta nguyền rủa ngày giờ ta đã sinh ra mi, ta nguyền rủa công lao chăm sóc nuôi nấng của ta đối với mi!
Thấy Ahi Môratô còn muốn nói nữa, chưa chịu thôi, tôi vội đưa ông lên bờ. Thuyền đi rồi nhưng ông vẫn tiếp tục nguyền rủa, than vãn, cầu Mahôma hãy kêu gọi thánh Ala hủy diệt chúng tôi và làm cho chúng tôi nhục nhã khốn khổ. Thuyền giương buồm lên và dần dần xa bờ; chúng tôi không nghe thấy lời nữa nhưng nhìn thấy ông ta bứt hết râu tóc và lăn lộn ra đất; có một lúc ông ta gào to đến nỗi chúng tôi nghe được rất rõ ông ta kêu:
– Hãy trở lại, con gái yêu của ta, hãy trở lại đây, ta sẽ tha thứ hết! Hãy trao cho những người đó tất cả của cải mà ta coi như đã thuộc về họ rồi. Hãy trở lại an ủi người cha đau khổ của con. Nếu con bỏ ta thì ta cũng sẽ bỏ mạng trên bãi cát hoang vắng này.
Nghe cha gọi, Dôraiđa buồn rầu khóc lóc, nàng chỉ biết nói với cha:
– Cha ơi, cầu thánh Ala phái Lêla Mariên đến an ủi cha trong phút giây đau buồn này. Chính Lêla Mariên đã bảo con theo đạo Ki-tô và chính Ala biết rằng con không thể nào làm khác được. Những người Ki-tô giáo trên thuyền này không hề ép buộc con. Dù con không chịu đi theo họ và cứ ở lại nhà thì điều đó cũng không thể xảy ra được vì lòng con đã quyết thực hiện điều mong ước chính đáng của con tuy cha thân yêu coi đó là xấu xa.
Dôraiđa nói nhưng cha nàng đâu có nghe được vì chúng tôi không nhìn thấy bóng ông đâu nữa. Trong lúc tôi an ủi vỗ về nàng, mọi người vẫn tiếp tục cuộc hành trình. Gió thổi xuôi và chúng tôi đều tin là sáng hôm sau sẽ nhìn thấy bến bờ nước Tây Ban Nha. Thế nhưng, xưa nay không bao giờ hoặc ít khi hạnh phúc đến với con người ta một cách trót lọt dễ dàng mà thường kèm theo một trắc trở, tai họa gì đó. Có lẽ số phận của chúng tôi muốn như vậy hoặc giả những lời nguyền rủa của Ahi Môratô đã có hiệu lực chăng, vì những lời nguyền của bất cứ một người cha nào đều đáng sợ cả. Vào khoảng ba giờ sáng, thuyền đang băng băng rẽ sóng, buồm căng phồng, mái chèo gác lên không cần hoạt động vì gió thuận, bỗng đâu dưới ánh trăng sáng tỏ hiện ra ở phía trước con thuyền của chúng tôi một chiếc tàu, buồm hình vuông giương thẳng, thân tàu hơi nghiêng về một bên. Tàu đi rất gần khiến chúng tôi phải vội cuốn buồm để khỏi va phải; con tàu cũng lái tránh ra để nhường đường cho chúng tôi. Trên tàu có tiếng người hỏi chúng tôi là ai, đi đâu và từ đâu tới; thấy hỏi bằng tiếng Pháp, Người chối Chúa bảo chúng tôi:
– Đừng ai trả lời, bọn này đúng là bọn cướp biển Pháp, chúng không tha ai đâu.
Theo lời của Người chối Chúa, không ai đáp cả. Thuyền chúng tôi tiến lên bỏ lại con tàu ở phía sau. Bỗng dưng hai phát đại bác nổ, có lẽ bắn liên tiếp thành thử một phát cắt ngang cột buồm thuyền chúng tôi, cả cột lẫn buồm văng xuống biển; phát thứ hai trúng vào giữa thân thuyền, phá toác ra, may không ai việc gì. Thấy thuyền sắp chìm, chúng tôi vội cầu cứu những người ở trên tàu vớt lên để khỏi chết đuối. Họ dừng tàu lại, vứt xuống biển một chiếc xuồng, rồi có mười hai người Pháp nhảy xuống mang theo cả súng hỏa mai và mồi lửa. Thấy chiếc thuyền chìm xuống nước và chúng tôi chỉ có ít người, họ cho chúng tôi lên xuồng, bảo rằng vì chúng tôi bất nhã không trả lời họ nên mới xảy ra chuyện thế này. Người chối Chúa lẳng lặng cầm chiếc hòm của cải của Dôraiđa quẳng xuống biển, không để cho ai nhìn thấy. Chúng tôi lên tàu. Bọn Pháp hỏi chúng tôi tất cả những điều chúng muốn biết, rồi như những kẻ tử thù, chúng lột hết quần áo tiền nong của chúng tôi, kể cả đôi vòng chân của Dôraiđa khiến nàng rất buồn phiền; riêng tôi không buồn vì chuyện đó mà chỉ lo sau khi chúng đã lột hết những đồ trang sức quý giá của nàng, chúng sẽ lột một vật quý nhất mà nàng vẫn nâng núi. Cũng may bọn này chỉ biết đến tiền mà thôi, nhưng lòng tham lam của chúng thì thật vô độ vì chúng có thể lột cả những bộ quần áo tù của chúng tôi nếu thấy có lợi. Một số trong bọn chúng có ý kiến là nên quấn cả bọn tôi vào một tấm buồm rồi vứt xuống biển cho mất tăm vì tàu của chúng đang trên đường tới một hải cảng Tây Ban Nha để buôn bán dưới danh nghĩa là một tàu buôn Pháp; nếu chúng để bọn tôi sống thì sẽ lộ và bị trừng trị. Nhưng tên thuyền trưởng – kẻ đã tước đoạt hết của cải của nàng Dôraiđa yêu dấu của tôi – cho rằng làm một mẻ như thế cũng đủ rồi, không cần tới một cảng nào ở Tây Ban Nha nữa mà có thể ngay trong đêm vượt eo biển Hibraltar trở về bến xuất phát là La Rôchêla; tất cả tán thành. Ngày hôm sau, chúng cấp cho bọn tôi một chiếc thuyền con có trang bị đủ để đi nốt quãng đường ngắn ngủi còn lại vì lúc này, đất Tây Ban Nha đã hiện ra phía xa. Nỗi mừng tìm thấy tự do làm chúng tôi quên hết mọi buồn phiền, như thể không có chuyện gì xảy ra vậy.
Vào khoảng giữa trưa, bọn Pháp thả chúng tôi xuống chiếc thuyền con, lại cấp cho hai thùng nước ngọt và một ít bánh khô; riêng tên thuyền trưởng – chẳng hiểu có phải vì nó ái ngại cho nàng Dôraiđa xinh đẹp hay không – đã tặng nàng tới bốn mươi đồng tiền vàng khi nàng rời tàu Pháp; y còn cấm không cho lâu la lột bộ y phục nàng đang mặc bây giờ. Chúng tôi cảm ơn lòng tốt của chúng, tỏ ra biết ơn hơn là oán trách, rồi chúng tôi xuống thuyền. Chiếc tàu Pháp xa dần đi về phía eo biển, còn bọn tôi cứ hướng theo phía đất liền trước mặt ra sức chèo. Lúc mặt trời sắp lặn thì thuyền của chúng tôi đã gần bờ lắm rồi và mọi người đều tin là có thể lên bờ trước đêm. Hôm đó không có trăng, trời lại tối mà chúng tôi thì chẳng biết thuyền mình đang bơi ở chỗ nào, cho nên nếu cập bến e bất lợi. Tuy nhiên đa số có ý kiến là cứ bơi vào dù trong bờ là vùng núi đá hay không có người cũng không sao. Theo ý họ, làm như vậy sẽ không lo chạm trán bọn cướp biển ở Têtuan, bọn này thường xuất phát từ Berbêria lúc đêm, tảng sáng tới bờ biển Tây Ban Nha, cướp bóc xong xuôi lại quay trở về nhà nghỉ ngơi. Qua những ý kiến trao đi đổi lại, chúng tôi quyết định cứ bơi vào từ từ, và nếu biển lặng, chúng tôi sẽ tùy tình hình mà lên bờ. Mọi người đồng ý. Vào lúc gần nửa đêm, thuyền của chúng tôi tới chân một quả núi cao chót vót, hình thù kỳ dị, ở cách mặt biển một chút khiến chúng tôi có thể đổ bộ dễ dàng. Thuyền giạt vào bãi cát, chúng tôi đặt chân lên bờ, quỳ xuống hôn mặt đất, mừng mừng tủi tủi cảm tạ Thượng đế đã ban cho một niềm hạnh phúc không gì so sánh nổi. Chúng tôi lấy số lương thực còn lại trong thuyền, kéo thuyền lên bờ rồi cả bọn rút lên núi; tới giờ phút này, chúng tôi vẫn chưa yên lòng, không hiểu khoảng đất dưới chân mình có thật là đất Ki-tô giáo hay không.
Tôi cảm thấy trời sáng chậm hơn mọi ngày. Chúng tôi leo lên tận đỉnh núi để tìm xem có làng xóm hay lều trú của những người chăn cừu không. Nhìn căng mắt vẫn chẳng thấy làng mạc, bóng người hay đường đi lối lại đâu. Chúng tôi quyết định đi sâu vào đất liền để có thể gặp người mà hỏi han tình hình. Điều làm tôi áy náy nhất là thấy Dôraiđa phải đi bộ trên quãng đường gồ ghề này; có lúc tôi cõng nàng, nhưng nhìn tôi vất vả, nàng cảm thấy còn mệt hơn đi bộ và vì thế nàng không chịu cõng, cứ cắn răng nắm tay tôi mà đi một cách vui vẻ. Mới đi được một đoạn đã nghe có tiếng chuông chứng tỏ đâu đấy có đàn cừu; chúng tôi chăm chú nhìn thì thấy dưới chân một cây sồi điển điển có một chàng chăn cừu đang mải mê dùng dao vót gậy. Chúng tôi gọi to; anh ta ngửng đầu và đứng dậy. Như về sau anh ta kể lại, thoạt nhìn thấy Người chối Chúa và Dôraiđa ăn mặc theo kiểu Môrô, anh ta ngỡ là bọn cướp ở Berbêria tới, vội chạy tuột vào khu rừng trước mặt hô hoán ầm lên:
– Bọn Môrô, bọn Môrô tới! Có bọn Môrô! Chiến đấu, chiến đấu!
Thấy anh ta kêu, chúng tôi lúng túng không biết xử trí ra sao. Biết rằng những tiếng kêu sẽ báo động mọi người và đội kỵ binh bờ biển sẽ kéo tới, chúng tôi bảo Người chối Chúa cởi bộ y phục Môrô và hãy mặc chiếc áo tù của một người trong bọn, để anh này mặc chiếc sơ-mi còn lại cũng được; rồi, vừa cầu Chúa phù hộ, chúng tôi lần theo con đường của anh chàng chăn cừu vừa đi, chờ đội kỵ binh tới. Chúng tôi đoán không sai. Đi được chừng hai tiếng đồng hồ, vừa ở trong rừng ra tới đồng bằng thì thấy có năm chục kỵ binh đang phi nhanh tới. Nhìn thấy họ, chúng tôi dừng lại chờ. Tới nơi, chẳng thấy bọn cướp Môrô đâu mà chỉ gặp một đám người Ki-tô giáo quần áo tả tơi, một người trong đội kỵ binh bèn hỏi có phải vì chúng tôi mà anh chăn cừu nọ đã kêu cứu ầm ĩ không. Tôi đáp: “Phải”. Tôi chưa kịp lên tiếng kể lại sự tình và giới thiệu bọn tôi là ai, từ đâu tới, thì một người trong bọn tôi nhận ra người kỵ binh và nói:
– Cảm tạ Thượng đế đã dẫn chúng ta tới nơi đất lành này! Nếu tôi không nhầm, mảnh đất trên đó chúng ta đang đứng là miền Vêlêx Malaga, và nếu những năm tháng tù đày chưa làm cho tôi quên con người đang nói chuyện với chúng tôi thì ngài chính là Pêđrô đê Buxtamantê, chú ruột tôi.
Anh ta vừa dứt lời, người kỵ binh vội nhảy xuống ngựa chạy lại ôm hôn và nói:
– Cháu yêu quý của lòng ta và của cả đời ta, ta nhận ra cháu rồi; ta, chị ta tức là mẹ cháu, và tất cả những người thân của cháu đều buồn phiền vì tưởng cháu đã qua đời. Gia đình cháu còn cả và Chúa đã để cho họ làm người để ngày nay được hạnh phúc gặp lại cháu. Gia đình được tin cháu ở Arhêl, nay nhìn áo quần của cháu cũng như của tất cả mọi người ở đây, ta đoán rằng cả đoàn đã giành lại tự do một cách kỳ diệu.
– Đúng như vậy đấy ạ; chúng cháu sẽ có thời giờ kể đầu đuôi câu chuyện cho chú nghe.
Khi biết chúng tôi là tù nhân Ki-tô giáo trở về, tất cả đội kỵ binh nhảy xuống đất và mời chúng tôi lên ngựa để đưa về tỉnh Vêlêx Malaga ở cách đó một dặm rưỡi đường. Theo lời chúng tôi chỉ dẫn, một số kỵ binh đi ra bờ biển khiêng chiếc thuyền con về tỉnh, còn chúng tôi leo lên ngựa ngồi ghép đằng sau, riêng Dôraiđa được ngồi con ngựa của ông chú người tù. Dân chúng trong tỉnh đã được một người kỵ binh về trước báo tin, kéo ra đón chúng tôi. Họ không ngạc nhiên thấy có những người Kitô giáo trở về hoặc có những người từ Môrô tới vì đã thường gặp những cảnh tương tự ở vùng bờ biển này, nhưng họ rất ngạc nhiên trước nhan sắc của Dôraiđa. Quả thật trông nàng lúc này đẹp tuyệt vời; nỗi nhọc nhằn dọc đường cộng với niềm vui thấy mình đã chắc chắn đặt chân lên đất Kitô giáo làm cho khuôn mặt nàng rực lên những ánh sắc tươi đẹp, và nếu như không phải do tình yêu làm mù quáng, tôi dám nói là trên đời này không có ai đẹp hơn nàng, ít nhất tôi cũng chưa gặp một người nào đẹp như vậy.
Chúng tôi đi thẳng tới nhà thờ để tạ ơn Chúa. Vào trong nhà thờ, Dôraiđa nói là có nhiều hình ảnh giống như Lêla Mariên. Chúng tôi bảo nàng rằng đó chính là hình ảnh Lêla Mariên; Người chối Chúa cũng ra sức giải thích thêm để nàng hiểu rằng mỗi hình ảnh đó đều tượng trưng cho Lêla Mariên mà nàng vẫn tôn thờ. Vốn dĩ thông minh và nhận thức nhanh, Dôraiđa nghe ra ngay. Sau đó, chúng tôi được đưa về nghỉ tại các nhà dân; người tù có ông chú trong đội kỵ binh đưa Người chối Chúa, Dôraiđa và tôi về nhà bố mẹ anh ta là một gia đình khá giả, và chúng tôi được tiếp đãi ân cần như con cái trong nhà.
Chúng tôi nghỉ lại ở Vêlêx Malaga sáu ngày; Người chối Chúa, sau khi dò hỏi được tình hình, đi Granađa và trở lại Thánh hội sau khi đã chịu sự thẩm sát của tôn giáo pháp đình; những người khác cũng đi mỗi người mỗi phương tùy theo yêu cầu riêng từng người. Còn lại Dôraiđa và tôi với trong túi bốn chục đồng tiền vàng mà viên thuyền trưởng đã có nhã ý tặng cho Dôraiđa. Với số tiền đó, tôi mua con lừa mà nàng vừa cưỡi tới đây; cho tới giờ, tôi đã chăm sóc nàng như một người cha và một người giám mã, chưa dám nghĩ nàng đã là vợ tôi. Mục đích của tôi là đi tìm xem cha tôi có còn sống không, các em tôi có gặp may hơn tôi không, mặc dù trời kia đã đem lại cho tôi một người bạn đường như Dôraiđa khiến tôi không còn cầu mong một số phận nào khác dù tốt đẹp đến mấy chăng nữa. Trên đường, Dôraiđa đã nhẫn nại chịu đựng mọi gian lao thiếu thốn và tỏ vẻ tha thiết muốn sớm trở thành một người Ki-tô giáo khiến tôi phải khâm phục và sẵn sàng phụng sự nàng suốt đời. Tuy nhiên, trong lúc mừng vui thấy mình và Dôraiđa sẽ hưởng hạnh phúc bên nhau, có một ý nghĩ khiến tôi không khỏi băn khoăn: một khi về tới quê nhà, liệu tôi có tìm được một nơi cho Dôraiđa nương thân không? Liệu thời gian và sự chết chóc có mang lại những biến cố gì ghê gớm cho nhà cửa, gia đình tôi không? Và một khi cha tôi và các em tôi chết cả rồi, liệu có ai còn nhận ra tôi không?
Thưa các ngài, tôi không còn điều gì kể nữa. Câu chuyện có ly kỳ lý thú hay không, dám mong các ngài sáng suốt nhận xét cho; chỉ xin thưa rằng tôi còn muốn kể vắn tắt hơn mặc dù tôi đã lược bớt nhiều chi tiết để khỏi rườm tai các ngài.