Cha xứ và bác phó cạo kiểm tra kho sách của nhà quý tộc
Khi hai người tới nơi, Đôn Kihôtê vẫn còn ngủ. Họ bảo cô cháu gái đưa chìa khóa gian phòng chứa chấp những quyển sách tai hại; cô này vui vẻ đưa ngay, và cả ba người mở cửa vào, theo sau là bà quản gia. Trong phòng có hơn một trăm pho sách lớn đóng rất đẹp, và nhiều cuốn khác nhỏ hơn. Bà quản gia vội quay ngoắt ra rồi một lát sau trở lại với một cóng nước thánh và một cái ngù để rảy. Bà nói:
– Xin Cha hãy cầm lấy và rảy khắp phòng để đuổi hết lũ phù thuỷ nhan nhản trong đống sách, đề phòng chúng thù vì bị ta tống cổ khỏi trái đất này.
Lời nói chất phát khiến Cha xứ phì cười. Ông bảo bác phó cạo đưa cho từng quyển để xem trong đó nói gì, vì chắc có những quyển không đáng phải hỏa thiêu.
– Ấy chớ, cô cháu gái nói, Cha không nên trừ một quyển nào vì chúng nó đều làm hại đến cậu cháu cả. Tốt hơn hết là quẳng tất qua cửa sổ xuống sân rồi chất đống đốt sạch, hoặc khuân xuống sân sau đốt cho đỡ khói.
Bà quản gia cũng đồng ý xử tử những quyển sách vô tội, nhưng Cha xứ còn muốn xem qua những tên sách. Bác Nicôlax lấy quyển thứ nhất nhan đề là Amađix nước Gôlơ gồm bốn tập. Cha xứ nói:
– Có một điều tôi không rõ lắm là tôi nghe nói quyển sách kiếm hiệp này được xuất bản đầu tiên ở Tây Ban Nha, từ đó mới sinh sôi nảy nở ra các quyển khác. Vì nó là tên đầu sỏ của một trường phái nguy hại như vậy nên thiết tưởng phải vứt ngay vào đống lửa, không do dự gì hết.
– Thưa Cha, không phải thế đâu, bác phó cạo đáp; tôi thấy nói rằng đây là quyển hay nhất, có một không hai, trong loại sách kiếm hiệp; bởi vậy xin hãy tha tội cho nó.
– Cũng đúng, Cha xứ nói; và vì lý do đó, hãy cho nó sống. Nào, bác đưa tôi quyển bên cạnh xem sao.
– Đây là Những chuyện oanh liệt của Explanđian, con đẻ của Amđix nước Gôlơ.
– Quả thật đứa con này không xứng đáng với những thành tích của cha nó. Đây, bà quản gia, hãy cầm lấy và mở cửa sổ vứt ra sân. Nó sẽ là quyển đầu tiên bị đốt.
Bà quản gia khoái chí đỡ ngay lấy, và thế là anh chàng Explanđian bị quăng luôn ra sân chờ thiêu.
– Ta làm tiếp, cha xứ nói.
– Đây là Amađix nước Hy-lạp, và hình như cả cái đống ở phía bên này cũng đều thuộc dòng họ Amađix thì phải.
– Vứt tất ra sân; đốt bà hoàng Pintikiniextra đi, đốt anh chăn cừu Đarinel với những bài ca mục đồng của chàng, cùng những câu văn kỳ quặc và khó hiểu của tác giả đi, dù phải đốt cả ông thân sinh ra tôi một khi ông cụ cũng đi làm cái nghề hiệp sĩ giang hồ này.
– Tôi tán thành, bác phó cạo nói.
– Cháu cũng vậy, cô cháu gái hùa theo.
– Thế thì đưa cả đây cho tôi khuân xuống sân sau, bà quản gia lên tiếng.
Sách nhiều quá, đi cầu thang sợ lâu, bà quản gia bèn ném tất qua cửa sổ.
– Quyển gì to thế kia? Cha xứ hỏi.
– Đó là Đôn Olivantê đê Laora.
Người viết quyển này đồng thời là tác giả cuốn Vườn hoa, Cha xứ nói. Thực ra, cũng khó đánh giá quyển nào viết đúng sự thật hơn, hay nói cho đúng, quyển nào ít bịa đặt hơn. Chỉ biết rằng quyển này phải quẳng ra sân vì sự vô lý của nó.
– Đây là Phlôrixmartê đê Ircania.
– Ngài Phlôrixmartê đấy ư? Mời ngày mau mau ra sân mặc dù ngài sinh ra trong hoàn cảnh khác thường và có những chuyện phiêu lưu nổi tiếng; văn chương của ngài cứng nhắc và khô khan lắm, chỉ đáng đốt đi thôi. Bà quản gia, hãy vứt nó ra sân cùng với quyển này nữa.
– Thưa ngài, tôi rất vui lòng, bà quản gia vừa đáp vừa phấn khởi chấp hành lệnh của Cha xứ.
– Đây là Hiệp sĩ Platir.
– Quyển này cũ lắm và không có một lý do nào được miễn tội cả. Hãy cho nó theo gót những quyển kia, không được biện bạch gì hết.
Tới một quyển khác nhan đề: Hiệp sĩ thánh giá.
– Với một cái tên tôn nghiêm như vậy, Cha xứ nói, cuốn này đáng được tha tội dốt nát. Nhưng ta thường nói: “Đằng sau cây thánh giá có con quỷ”. Thôi, đốt đi.
Bác phó cạo lại lấy một cuốn khác.
– Đây là Tấm gương của giới hiệp sĩ.
– Tôi biết rồi, Cha xứ nói. Trong này có ngài Râynalđô đê Môntalban cùng bạn hữu của ngài, một lũ ăn cắp. Lại có cả mười hai vị Đình thần nước Pháp và sử gia chính cống Turpin. Theo tôi, chỉ nên bắt nó đi đày chung thân vì nó có đóng góp vào sáng tác của nhà văn hào Matêô Bôiarđô và của thi sĩ Luđôvicô Ariôxtô. Riêng về thi sĩ này, nếu tôi tìm thấy ở đây những tác phẩm bằng tiếng ngoại quốc, tôi sẽ không tha; nhưng nếu bằng tiếng mẹ đẻ thì tôi xin đội ngay lên đầu.
– Tôi có bằng tiếng Ý-đại-lợi, bác phó cạo nói, nhưng tôi chẳng hiểu gì hết.
– Càng may. Có một ngài đại úy đã dịch nó ra tiếng Tây Ban Nha nhưng chẳng ra gì, làm mất cả giá trị cuốn sách. Nhiều người thích dịch thơ, nhưng dù cho họ thận trọng và tài giỏi đến mấy cũng không có được những bản dịch hay như nguyên bản. Theo ý tôi, đối với quyển này cũng như những quyển khác viết về nước Pháp, chỉ có cách xếp tất vào một cái hố khô ráo cho tới khi tìm ra được một biện pháp giải quyết. Tuy nhiên, nếu tôi vớ được cuốn Bernarđô đel Carpiô – chắc nó quanh quẩn đâu đây – và cuốn Rônxêxvaiêx, tôi sẽ đưa ngay cho bà quản gia quẳng vào lửa, không chút do dự.
Bác phó cạo hoàn toàn tán thành ý kiến của Cha xứ; bác thấy Cha là một nhà tu hành chân chính, biết trọng chân lý.
Hai người tiếp tục kiểm tra. Bác phó cạo lấy một quyển nhan đề là Palmêrin đê Ôliva; bên cạnh đó là quyển Palmêrin nước Anh-cát-lợi. Thoạt nhìn, Cha xứ nói ngay:
– Hãy đem anh Ôliva này nghiền cho nát rồi đốt khi không còn tí tro nào. Trái lại, phải giữ và bảo quản thật tốt cuốn Palmêrin nước Anh-cát-lợi, coi nó như một tác phẩm có một không hai. Phải đóng cho nó một cái hộp quý như cái hộp mà Alêhanđrô đã tìm thấy trong đống di vật của Đariô và sau đó dùng để đựng những tác phẩm của thi hào Ômêrô. Bác phó ạ, cuốn sách này có hai ưu điểm; một là bản thân nó rất hay, hai là theo người ta đồn, cuốn sách do một ông vua Bồ Đào Nha có tài viết. Tất cả những câu chuyện ở lâu đài Miraguarđa đều rất hấp dẫn, viết có kỹ xảo; những câu đối thoại lịch sự, rõ ràng, thông minh, rất thích hợp với tính cách của từng nhân vật. Theo tôi, chỉ có quyển này và quyển Amađix nước Gôlơ đáng được sống, còn tất cả những cuốn khác phải chết, không lôi thôi gì hết. Ý kiến bác ra sao?
– Không đâu, ông bạn ạ, bác phó cạo đáp, vì cuốn Đôn Bêlianix tôi đang cầm đây là một cuốn nổi tiếng.
– Cuốn này ư? Cần lấy đại hoàng để chữa phần hai, phần ba và phần bốn của nó vì trong đó có nhiều mật đắng quá; ngoài ra, cũng cần tước bớt câu chuyện ở lâu đài Phama và những chuyện bậy bạ khác. Ta sẽ gia hạn cho nó một thời gian để sửa chữa, sau đó sẽ khoan hồng hoặc trị tội. Trong khi chờ đợi, bác hãy tạm mang về nhà nhưng chớ cho ai đọc.
– Xin đồng ý.
Tới đây, Cha xứ bảo bà quản gia vứt hết những pho sách lớn ra sân vì ông chẳng còn sức kiểm tra nữa. Bà này sốt sắng làm ngay vì đối với bà, thật không có việc nào thích thú hơn là đốt hết cả đống sách. Bà ôm bảy, tám quyển một lúc vứt ra sân. Vì quá ôm đồm, có một quyển rớt ngay cạnh chân bác phó cạo; bác nhặt lên xem, thấy đề: Truyện hiệp sĩ trứ danh Tirantê el Blancô. Cha xứ vội kêu lên:
– Phúc đức quá! Tirantê el Blancô đấy à? Đưa đây cho tôi. Trong này chứa cả một kho truyện rất ly kỳ, lý thú. Nào là truyện hiệp sĩ dũng cảm Đôn Kiriêlây xôn đê Môntalban, truyện em chàng là Tômax đê Môntalban và hiệp sĩ Phônxêca, nào là truyện hiệp sĩ Tirantê đánh nhau với con ***dữ tợn, nào là những nét sắc sảo của cô hầu tên gọi là Sự-khoái-lạc-của-đời-tôi, những mối tình và những mưu mẹo của bà quả phụ Rêpôxađa, nào là truyện bà hoàng hậu mê anh kỵ sĩ theo hầu Ipôlitô. Xin nói thật với bác rằng, về mặt văn phong, đây là quyển sách hay nhất. Trong này, tác giả tả các hiệp sĩ ăn ngủ như thế nào, họ chết và làm di chúc trước khi chết như thế nào, và còn bao nhiêu chuyện nữa mà những sách kiếm hiệp khác không có. Tuy nhiên, tác giả của nó đáng phải tội tào dịch 1 suốt đời vì đã viết những chuyện quá ngớ ngẩn. Bác hãy mang về đọc và sẽ thấy lời tôi nói không sai.
– Xin vâng, bác phó cạo đáp; thế còn những cuốn sách nhỏ này thì sao?
– Chắc không phải sách kiếm hiệp đâu mà là thơ đấy.
Nói rồi, Cha xứ mở một quyển ra xem; đó là Nữ thần Điana của Horhê đê Môntêmayor. Nghĩ rằng những quyển khác cũng cùng loại này, ông nói:
– Những quyển này không đáng phải đốt vì không có hại và sẽ không bao giờ có hại như sách kiếm hiệp. Loại sách này có nội dung tốt, không đầu độc ai cả.
– Ấy chết, cô cháu gái lên tiếng, xin ngài hãy ra lệnh đốt tất vì một khi cậu cháu khỏi bệnh hiệp sĩ giang hồ mà lại đọc những quyển này, ngài sẽ cao hứng đóng vai chăn cừu đi lang thang khắp núi rừng, vừa hát vừa thổi sáo thì thật quá tội; hoặc giả, ngài trở thành thi sĩ lại càng chết vì cháu nghe nói, đó là một bệnh không chữa được và hay lây.
– Con bé nói phải, Cha xứ đáp; tốt hơn hết là tránh cho ông bạn ta từ nay về sau khỏi bị cám dỗ. Còn về quyển Nữ thần Điana của Môntêmayor, tôi có ý kiến là không nên đốt vì đó là quyển xuất sắc nhất trong loại này. Tuy nhiên, phải cắt nói về mụ pháp sư Phêlixia và nước thần, bỏ hầu hết những câu thơ, chỉ giữ lại phần văn xuôi thôi.
– Quyền tiếp theo là Nữ thần Điana thứ hai của Xalmantinô và một quyển của Hil Pôlô, nhan đề giống như quyển trên.
Hãy vứt Xalmantinô ra sân cho nó làm bạn với đám bị kết án tử hình, còn quyền của Hil Pôlô thì phải giữ gìn cẩn thận.Thôi, ta làm tiếp đi, bác phó, nhanh tay lên kẻo muộn rồi.
Bác phó cạo giở một quyển khác và nói:
– Đây là Mười tập sách về tình yêu của nàng Phortuna, của nhà thơ ở đảo Xerđêgna tên là Antôniô đê Lôphraxô.
– Tôi xin lấy danh dự của một nhà tu hành mà nói rằng từ ngày có thần Apôlô, có các thi thần và các nhà thơ, chưa có quyển nào lý thú như quyển này. Đây là quyển hay nhất, có một không hai trong loại. Ai chưa đọc nó có thể coi như chưa được đọc một quyển sách hay bao giờ. Bác đưa đây cho tôi. Được quyển này, tôi còn thích hơn được ai cho một cái áo thầy tu mua tận Phlôrenxia.
Cha xứ để riêng cuốn sách sang một bên với một vẻ khoái chí. Bác phó cạo làm tiếp:
– Đây là Chàng chăn cừu ở Ibêria, Những nữ thần ở Enarêx và Phương thuốc chữa bệnh ghen.
– Tốt hơn hết là hãy đưa cả cho bà quản gia xét xử. Và xin đừng hỏi tôi tại sao, vì sẽ không bao giờ giải đáp xong.
– Đây là Chàng chăn cừu Philiđa.
– Không phải chàng chăn cừu mà là một Đình thần khôn ngoan. Hãy giữ lại và coi đó là một báu vật.
– Quyển sách to này nhan đề là Bảo tàng thi ca.
– Giá nó không nhiều thơ ca như vậy, chắc sẽ có giá trị hơn vì bên cạnh những bài rất hay có một vài bài dở quá, cần phải tước bỏ đi. Nhưng thôi, ta cứ giữ lại vì tác giả là một người bạn của tôi; vả chăng, ông ta đã từng có tác phẩm hay hơn nhiều.
– Đây là cuốn Ca sĩ của Lôpêx Malđônađô.
– Tác giả của nó là bạn thân của tôi. Khi ông ta ngâm những bài thơ do chính mình sáng tác, ai nghe cũng phải mê. Giọng rất ấm và êm tai. Những bài ca mục đồng hơi dài một chút, nhưng cái gì hay không sợ thừa. Hãy giữ lại. Nhưng kìa, quyển gì ở bên cạnh thế kia.
– Đó là La Galatêa của Mighel đê Xervantêx.
– Ông Xervantêx này là một người bạn cố tri của tôi đấy. Ông ta viết về những nỗi bất hạnh của người đời hay hơn làm thơ. Trong cuốn này, ông ta có ý đồ tốt, nhưng ông đặt vấn đề ra rồi chẳng giải quyết gì cả. Cần chờ đọc phần hai mà tác giả đã hứa sẽ cho ra mắt. Có lẽ sau khi sửa sai, ông ta sẽ được độc giả tha thứ. Trong khi chờ đợi, bác hãy mang về cất kỹ ở nhà.
– Rất vui lòng. Còn đây là ba cuốn khác đi cùng với nhau: La Araocana của đôn Alônxô đê Erxiia, La Aoxtriađa của Huan Ruphô, bồi thẩm tỉnh Corđôba, và El Mônxêratô của Crixtôbal đê Viruêx, thi sĩ tỉnh Valenxia.
– Cả ba đều là những thiên anh hùng ca tuyệt tác bằng tiếng Tây Ban Nha, có thể đọ với những tác phẩm nổi tiếng nhất của nước Ý-đại-lợi. Hãy giữ lại, coi đó như những viên ngọc trong kho tàng thơ ca của Tây Ban Nha.
Lúc này, Cha xứ đã thấy mệt, muốn đốt tất đống sách còn lại, không cần xem xét gì nữa. Nhưng bác phó cạo lại đưa cho một quyển khác nhan đề là Nàng Anhêlica khóc. Vừa trông thấy, Cha xứ vội nói:
– Tôi cũng sẽ khóc nếu phải ra lệnh đốt quyển này. Tác giả là một trong những nhà thi hào nổi tiếng nhất không những ở Tây Ban Nha mà trên khắp hoàn cầu; ngoài ra, ông ta còn thành công lớn trong việc dịch một số thơ ngụ ngôn của Ôviđiô.