Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Đôn Kihôtê – Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra

Chương 25

Tác giả: Miguel De Cervantes

HIỆP SĨ DŨNG CẲM XỨ MANTRA ĐÃ GẶP NHỮNG CHUYỆN KỲ LẠ TRÊN NÚI MÔRÊNA, SAU ĐÓ TỰ HÀNH PHẠT THEO KIỂU CỦA CHÀNG BELTÊNÊBRÔX.

Đôn Kihôtê từ biệt ông lão chăn dê, nhảy lên con Rôxinantê và bảo giám mã đi theo; cực chẳng đã, Xantrô đành leo lên con lừa của mình 1, rồi hai thầy trò đi sâu vào trong núi. Xantrô muốn nói chuyện với chủ quá nhưng không dám vì đã bị Đôn Kihôtê cấm; bác chỉ mong sao chủ mở đầu trước. Cuối cùng, không chịu được sự yên lặng, bác lên tiếng:

– Thưa ngài Đôn Kihôtê, mong rằng ngài rủ lòng thương cho phép tôi nghỉ việc. Tôi muốn quay về nhà với vợ con tôi để được tự do chuyện trò; bắt tôi ngày đêm theo hầu ngài ở những nơi vắng vẻ này, muốn nói không được nói, có khác nào đem chôn sống tôi đi. Ví phỏng loài vật kia biết nói như dưới thời Ghixôpêtê thì còn đỡ vì khi nào cần, tôi có thể nói với con lừa của tôi cho khuây khỏa nỗi buồn. Thật là gay go không chịu nổi vì cả đời đi tìm kiếm những chuyện phiêu lưu mạo hiểm mà chẳng thấy đâu, chỉ thấy đấm đá, gậy gộc và bị tung lên vật xuống mà thôi; đã thế, còn phải khâu mồm lại, không được thổ lộ can tràng, khác nào một người câm.

– Xantrô, ta hiểu rồi, Đôn Kihôtê nói; anh muốn ta bãi bỏ cái mệnh lệnh mà ta đã ấn vào lưỡi anh chứ gì. Thôi được, cứ coi như lệnh đã được hủy và hãy nói đi với điều kiện là chỉ được phép nói chừng nào chúng ta còn ở trên dãy núi này.

– Được phép nói thì cứ nói đã, Xantrô đáp, còn sau này ra sao, có Chúa biết mà thôi. Bây giờ, để bắt đầu tôi xin hỏi ngài: tại sao ngài phải quan tâm quá mức đến cái bà hoàng Mahimaxa nào đó? Và việc cái lão nào lấy bà ta làm lẽ hay không có liên quan gì tới ngài? Ngài có là ông quan tòa đâu, và nếu ngài đừng nêu ra, chắc rằng anh chàng điên kia đã kể tiếp câu chuyện, ngài không bị quẳng đá vào ngực, và tôi cũng không đến nỗi bị bao nhiêu đấm đá vào người.

– Xantrô, thực ra nếu anh cũng biết như ta rằng bà hoàng Mađaxima là một người rất đứng đắn đoan trang, ta nghĩ rằng anh sẽ phải công nhận là ta đã quá kiên nhẫn không vả vỡ mồm tên nói láo. Thật là một sự phỉ báng khi nghĩ và nói rằng một bà hoàng lấy lẽ một thầy thuốc. Sự thật câu chuyện đó như sau: Êlixabát mà anh chàng điên kia nhắc tới, vốn rất thận trọng và khôn ngoan, cho nên ông ta vừa là quân sư vừa là thầy thuốc của bà hoàng. Nghĩ rằng bà ta lăng nhăng với ông thầy thuốc là bậy, là có tội. Tuy nhiên trong khi nói, Carđêniô không hiểu mình nói gì; ta cần phải nhận rằng lúc đó anh ta đã bắt đầu mất trí.

– Tôi cũng nghĩ thế, Xantrô nói, ta chả nên chấp những lời nói của một người điên. Vả chăng, phúc cho ngài chỉ bị hòn đá văng vào ngực chứ nếu trúng đầu thì thật đẹp mặt cho thầy trò ta; chẳng qua chỉ tại ngài bênh vực con mụ trời đánh thánh vật đó. Nhưng thôi, đằng nào cũng không trách Carđêniô được vì anh ta điên.

– Chống những kẻ xấu mồm, dù chúng tỉnh hay điên, bất cứ hiệp sĩ giang hồ nào cũng đều có nhiệm vụ bảo vệ danh dự của bất cứ người đàn bà nào, và lại càng phải bênh vực những bà hoàng cao quý như bà hoàng Mađaxima, một người mà ta rất ái mộ vì những đức tính hiếm có. Bà ta vừa xinh đẹp vừa nết na, biết chịu đựng trước muôn vàn đau khổ. Những lời khuyên nhủ và sự có mặt của ông thầy Êlixabát rất bổ ích cho bà khiến bà nhẫn nại vượt qua mọi nỗi buồn bực. Thế mà có những kẻ ngu xuẩn xấu bụng nghĩ và nói rằng bà làm lẽ ông ta. Ta nói thật: tất cả những kẻ nào nghĩ và nói như vậy đều nói láo và chúng sẽ còn nói láo hai trăm lần nữa.

– Tôi không hề nghĩ hoặc nói như vậy, Xantrô đáp; đèn nhà ai nhà ấy rạng; họ có ăn nằm với nhau hay không, đã có Chúa soi xét; tôi ăn hiền ở lành, không thích dòm ngó đời tư kẻ khác; kẻ nào buôn gian bán lận hãy nắn túi mình sẽ biết. Vả chăng, tôi sinh ra tay trắng và bây giờ vẫn trắng tay; tôi không mất gì và cũng chẳng được gì; có ai ở tốt với tôi, tôi cũng chẳng cần. Lắm người cứ tưởng ở đời này béo bở lắm, nhưng thử hỏi có ai đổ của ra giữa đồng không? Ngay Chúa cũng còn bị chê trách nữa là.

– Trời ơi, anh nói những chuyện lẩn thẩn gì vậy, Xantrô! Công việc chúng ta đang làm có liên quan gì đến những câu tục ngữ anh vừa tuôn ra. Muốn sống hãy im mồm và từ nay trở đi, hãy lo thúc con lừa của anh thì hơn, đừng can thiệp vào những việc không liên quan tới mình. Hãy vận dụng cả ngũ quan ra để hiểu được rằng mọi việc ta đã làm, đang làm và sẽ làm đều đúng và phù hợp với luật lệ của hiệp sĩ đạo vì ta nắm những luật lệ đó còn vững hơn tất cả các hiệp sĩ khác trên đời này.

– Thưa ngài, luật lệ hiệp sĩ đạo có bảo ta đi lang thang trong núi, không đường không lối, để tìm kiếm một người điên không? Và một khi ta tìm thấy, người điên ấy có thể sẽ kết liễu, không phải câu chuyện kể nửa chừng đâu, mà là kết liễu cái đầu của ngài và bộ xương sườn của tôi.

– Xantrô, một lần nữa ta bảo anh hãy im mồm. Phải biết rằng ta tới đây không phải chỉ để tìm anh chàng điên mà còn để lập nên một chiến công khiến cho tên tuổi tiếng tăm của ta mãi mãi vang dội khắp non sông, một chiến công khiến cho ta trở nên một hiệp sĩ giang hồ tài đức kiêm toàn.

– Chẳng hay lập được chiến công đó có nguy hiểm lắm không? Xantrô Panxa hỏi.

– Không, hiệp sĩ Mặt Buồn đáp; tuy nhiên, còn trông vào sự may rủi nữa và cũng có thể ta không gặp vận. Nhưng tất cả tùy thuộc vào sự mẫn cán của anh đấy.

– Vào sự mẫn cán của tôi ư? Xantrô hỏi.

– Phải, Đôn Kihôtê đáp. Ta sẽ phái anh đi công cán cho ta, anh trở về sớm chừng nào, ta sẽ đỡ đau khổ và chóng có tiếng tăm chừng nấy. Để anh khỏi phải hồi hộp chờ xem ta nói gì, ta bảo cho anh biết rằng chàng Amađix nước Gôlơ là một trong những hiệp sĩ giang hồ hoàn hảo nhất. Ta nói “một trong những hiệp sĩ” là sai; chàng là hiệp sĩ số một, duy nhất hoàn hảo trên đời trong số tất cả hiệp sĩ thời đó. Ta phê phán Đôn Bêlianix và tất cả những ai đã nhầm bảo chàng có thể sánh ngang với Amađix nước Gôlơ. Một họa sĩ muốn trở nên lừng lẫy trong nghề phải bắt chước những nguyên tắc của các họa sĩ danh tiếng nhất. Quy luật này áp dụng cho tất cả các ngành nghề khác trong một quốc gia. Kẻ nào muốn được khen là thận trọng và cần cù thì phải học Ulixê, một nhân vật đã được Ômêrô mô tả một cách sinh động như một người thận trọng và nhẫn nại trong đau khổ. Virhiliô cũng đã đưa ra nhân vật Ênêax, giới thiệu đức tính của một người con hiếu thảo và sự sáng suốt của một vị tướng dũng cảm thông minh. Hai thi hào nói trên đã phác họa ra những nhân vật lý tưởng, với tất cả những đức tính, để làm gương cho hậu thế. Amađix cũng đã được mô tả như một người dẫn đường, ngôi sao, mặt trời của các hiệp sĩ dũng cảm si tình; tất cả những ai chiến đấu dưới lá cờ của tình yêu và của giới hiệp sĩ đều phải noi gương chàng. Anh bạn Xantrô, ta nghĩ rằng hiệp sĩ giang hồ nào bắt chước Amađix đúng nhất sẽ chóng đạt tới đỉnh cao của giới hiệp sĩ. Ta nhớ tới một trong những hành động của Amađix nói lên những đức tính thận trọng, dũng cảm, nhẫn nại, chịu đựng gian khổ và chung thủy trong tình yêu của chàng. Số là sau khi bị nàng Ôriana hắt hủi, chàng đã tự hành phạt, ra ở ngoài đảo Nghèo, đổi tên là Beltênêbrôx, một cái tên thật có ý nghĩa, phù hợp với cách sống mà chàng đã tự chọn lấy. Đối với ta, làm như Amađix đã làm còn dễ hơn là chém đứt đôi những tên khổng lồ, chặt đầu những con mãnh xà, giết những quái vật, đánh tan các đạo quân, phá vỡ các đội chiến thuyền và giải trừ những phép yêu ma. Vả chăng nơi đây rất thích hợp để làm việc đó; ta không nên bỏ lỡ một cơ hội đầy thuận lợi như thế này.

– Chẳng hay ngài định làm gì ở nơi vắng vẻ này? Xantrô hỏi.

– Ta đã chẳng nói rồi đó sao! Đôn Kihôtê đáp. Ta định bắt chước Amađix làm một anh chàng thất tình, ngớ ngẩn, điên khùng; đồng thời, ta cũng muốn làm như Đôn Rôlđan khi chàng tìm thấy bên bờ suối những dấu hiệu chứng tỏ rằng Anhêlica Xinh Đẹp đã ăn nằm với Mêđôrô khiến chàng buồn phiền phát điên, nhổ bao nhiêu cây cối trong rừng, khuấy đục các dòng suối trong, giết hại những người chăn cừu, phá phách các đàn gia súc, đốt lều, phá nhà, hành hạ những con ngựa và còn làm bao nhiêu điều ngang trái khác đáng được ghi vào sử sách. Nhưng ta không định bắt chước thật đúng tất cả những ý nghĩ, lời nói và việc làm cuồng dại của Rôlđan, hay Orlanđô, hay Rôtôlanđô (vì chàng có ba tên); ta chỉ lọc ra một số hành động ngông cuồng chính để làm theo thôi. Cũng có thể ta chỉ bắt chước Amađix, không phá phách lung tung, chỉ khóc lóc, than thở, và cuối cùng vẫn nổi danh chẳng kém ai.

– Theo tôi hiểu, Xantrô nói, sở dĩ các hiệp sĩ đó làm như vậy vì họ bị khiêu khích, cho nên họ có lý do làm những việc ngốc nghếch để tự hành hạ mình. Nhưng thử hỏi ngài có lý do gì để hóa điên? Có bà nào hắt hủi ngài đâu và có dấu hiệu gì chứng tỏ bà Đulxinêa làng Tôbôxô đã lăng nhăng với một người Môrô hay một tín đồ Kitô giáo nào đâu?

– Đó mới là điều cốt yếu và tế nhị trong việc làm của ta, Đôn Kihôtê đáp. Nếu một hiệp sĩ hóa điên vì có nguyên nhân, điều đó không có gì đáng chú ý cả. Cái khó là ở chỗ vô cớ mà điên khiến cho người đẹp của ta sẽ phải tự hỏi: “Không duyên cớ gì mà chàng cũng hóa điên, vậy một khi có nguyên nhân, chàng còn rồ dại đến mức nào?” Vả chăng, ta xa cách nàng Đulxinêa của ta cũng khá lâu rồi, và đó cũng đủ là một nguyên nhân vì hôm nọ anh đã nghe chàng chăn cừu Ambrôxiô 2 nói rằng sự xa vắng gây ra nhiều tai họa. Thôi, Xantrô, chớ mất thời giờ ngăn cản ta bỏ lỡ một việc làm hiếm có, tốt đẹp chưa từng thấy. Ta sẽ điên, ta phải điên trong thời gian anh mang thư của ta đến cho nàng Đulxinêa và mang thư phúc đáp của nàng về đây. Và nếu trong thư phúc đáp, nàng tỏ ra xứng đáng với lòng trung thành của ta, khi đó sẽ kết thúc cơn điên và hình phạt của ta, nếu không ta sẽ hóa điên thực sự và sẽ không còn cảm giác gì nữa. Tùy theo thư trả lời của nàng, ta sẽ thoát khỏi sự giày vò đau khổ, trở lại bình thường để hưởng hạnh phúc do anh mang về đây cho ta, hoặc ta sẽ điên và không cảm thấy nỗi đau khổ do anh đem lại cho ta. À, ta muốn hỏi anh điều này: khi tên vô ơn bạc nghĩa định đập tan chiếc mũ sắt của Mambrinô, ta có nhìn thấy anh nhặt lên, vậy anh vẫn giữ cẩn thận đấy chứ? Chiếc mũ tốt thật, đập như thế mà cũng không vỡ.

Nghe chủ hỏi, Xantrô đáp:

– Thưa ngài hiệp sĩ Mặt Buồn, tôi không nghe nổi và cũng không chịu đựng nổi những ý kiến của ngài. Qua những lời vừa rồi, tôi nghĩ rằng tất cả những lời ngài đã nói về nghề hiệp sĩ, nào là đánh chiếm các vương quốc, nào là thưởng cho đảo này đảo nọ, nào là ban ân ban chức theo kiểu hiệp sĩ giang hồ, tất cả chỉ là mây gió hão huyền. Khi nghe ngài gọi cái chậu cạo râu là mũ sắt của Mambrinô và từ bốn ngày hôm nay vẫn cứ nhầm lẫn như vậy, người ta sẽ phải nghĩ rằng kẻ nói và khẳng định điều đó đã lú lẫn ruột gan rồi. Tôi vẫn cất cái chậu cạo râu đã bẹp dúm ở trong túi, định bụng mang về nhà gò lại để dùng vào việc cạo râu nếu như một ngày kia, Chúa phù hộ cho tôi được trở về gặp mặt vợ con.

– Xantrô, ta cũng xin thề với Chúa rằng anh là một giám mã thiển cận nhất đời. Anh theo hầu ta đã bao lâu nay mà vẫn không biết rằng mọi hiện tượng diễn ra trước mắt người hiệp sĩ giang hồ đều là huyền hoặc, hư ảo và bị đảo ngược hết ư? Chính là vì xung quanh ta luôn luôn có một bầy phù thủy đổi trắng thay đen tùy theo ý thích của chúng muốn làm lợi hay làm hại cho ta. Vì vậy, cái vật anh gọi là chậu cạo râu đối với ta là chiếc mũ sắt của Mambrinô, còn đối với người thứ ba, nó lại biến thành một vật khác. Thánh hiền phù trợ ta nên đã khiến cho mọi người nhìn chiếc mũ sắt của Mambrinô tưởng là một cái chậu cạo râu, vì nếu họ biết chân giá trị của vật đó, họ sẽ theo đuổi ta để chiếm bằng được. Vì tưởng nó chỉ là một cái chậu của thợ cạo nên không ai buồn nhặt; chính vì thế mà tên vô ơn bạc nghĩa kia đã định đập tan nó ra rồi bỏ lăn lóc dưới đất; nếu nó biết giá trị của chiếc mũ đó, chắc chắn nó sẽ không vứt lại. Anh bạn Xantrô, hãy giữ lấy nó cho ta; ta chưa cần tới vì bây giờ ta phải trút bỏ tất cả bộ áo giáp này và ở trần truồng như khi ta mới lọt lòng nếu ta muốn bắt chước hệt như Rôlđan trong thời gian chịu hình phạt.

Lúc này, hai thầy trò đi tới chân một hòn núi đá cao chót vót, thẳng tuột, đứng tách riêng giữa những quả núi khác. Bên sườn núi có một dòng suối trong veo và xung quanh là một đồng cỏ xanh mượt, nom rất ngoạn mục; đó đây có những cây rừng và hoa lá, cảnh vật thật là êm đềm. Nhìn thấy cảnh đó, hiệp sĩ Mặt Buồn chọn ngay làm nơi để chịu hình phạt; chàng cất cao giọng như thể đã mất trí:

– Trời hỡi! Đây là nơi con tự chọn để khóc than nỗi khổ đau mà Người đã mang lại cho con. Đây là nơi mà những giọt nước mắt của con sẽ làm dâng nước của con suối nhỏ kia; và những lời than thở thảm thiết của con sẽ làm rung động lá cây rừng, nói lên nỗi khổ đau đang giày vò một trái tim đã rạn nứt. Hỡi thánh thần ngự trị ở nơi hoang vắng này! Dù các vị là ai, xin hãy lắng nghe những lời than vãn của một kẻ thất tình, vì lâu ngày xa vắng người yêu và do những ý nghĩ ghen tuông tưởng tượng, đang khóc than ở nơi rừng rú, oán trách con người đẹp bội bạc có một nhan sắc tuyệt trần. Hỡi các nữ thần thường qua lại chốn sơn lâm này! Nếu các vị cùng tôi chia sẻ nỗi bất hạnh này, hoặc ít nhất cũng chú ý nghe những lời than thở của tôi, tôi sẽ cầu cho lũ xatirô 3 lanh lẹ và hiếu sắc kia không đến phá rối cuộc sống êm đềm của các vị. Hỡi nàng Đulxinêa làng Tôbôxô, mặt trời giữa đêm tối của ta, niềm vinh quang trong đau khổ của ta, kim chỉ đường cho ta, ngôi sao hạnh phúc của ta! Nếu nàng đoái hoài tới tình cảnh khốn khổ của ta phải xa cách nàng và nếu nàng đền đáp tấm lòng chung thủy của ta, cầu Trời chấp nhận tất cả những lời thỉnh cầu của nàng và mang hạnh phúc đến cho nàng. Hỡi cây rừng lẻ loi từ nay sẽ phải làm bạn với cảnh cô đơn của ta! Hãy rung cành lên để tỏ rằng các ngươi không phản đối sự có mặt của ta. Hỡi giám mã, người bạn đồng hành vui buồn có nhau của ta! Hãy nhớ kỹ những việc ta sắp làm để kể lại cho con người đã gây ra chuyện này.

Nói xong, Đôn Kihôtê nhảy xuống đất, tháo hàm thiếc và yên ngựa cho con Rôxinantê, lấy tay vỗ vào mông nó, nói tiếp:

– Chính con người không có tự do đang mang lại tự do cho mi. Hỡi tuấn mã của ta! Mi có công bao nhiêu thì lại gặp bất hạnh bấy nhiêu. Bây giờ, mi muốn đi đâu tùy ý. Trên trán mi có ghi rằng không có một con vật nào phi nhanh hơn mi, từ con quái ưng mã của Axtôlphô tới con Phrôntinô nổi tiếng mà Brađamantê đã phải trả giá rất cao.

Thấy chủ không tiếc lời ca tụng con Rôxinantê, Xantrô nói:

– Cảm ơn tên kẻ trộm đã đánh cắp con lừa nên lúc này tôi không phải tháo yên cương cho nó; nếu nó còn đây, tôi cũng sẽ không thiếu những lời tốt đẹp để ca tụng. Nhưng nếu tôi còn con lừa đó, tôi sẽ không để cho ai tháo yên cương của nó vì làm như vậy để làm gì. Nó có dính dáng tới những chuyện yêu đương thất tình gì đâu vì Chúa muốn rằng chủ nó – tức là tôi đây – cũng không dính dáng tới những chuyện đó kia mà. Vả chăng, thưa ngài hiệp sĩ Mặt Buồn, nếu quả thật tôi phải ra đi và ngài hóa điên thực sự, tôi nghĩ rằng cần thiết phải thắng lại yên cương cho con Rôxinantê. Tôi sẽ cưỡi nó thay con lừa để đi về được nhanh chóng hơn; nếu tôi phải đi bộ, không biết bao giờ tôi mới tới nơi đó và bao giờ mới trở về đây vì tôi không quen đi bộ.

– Việc đó tùy anh, Đôn Kihôtê nói; kể ra ý kiến của anh cũng hay đấy. Dù sao, trong ba ngày nữa anh mới ra đi được vì ta muốn rằng trong thời gian đó anh được chứng kiến những việc ta làm và nghe những lời ta nói để còn kể lại với nàng.

– Sao, ngoài những sự việc đã nhìn thấy rồi, tôi còn phải chứng kiến những gì khác nữa?

– Chưa hết đâu; bây giờ mới đến lúc ta xé quần áo, vứt tung bộ áo giáp, lấy đầu húc vào đá và làm các việc khác tương tự khiến anh phải khâm phục.

– Lạy Chúa, xin ngài hãy cẩn thận trong khi húc đầu vào đá, nếu húc không khéo vào một tảng đá nào đó, có khi chỉ một lần cũng đã đủ kết thúc cuộc hình phạt của ngài. Theo ý tôi, nếu ngài thấy việc đó thật cần thiết, không thể thiếu được, xin hãy tạm húc đầu vào nước hay vào một cái gì mềm như bông chẳng hạn, vì đây chỉ là chuyện giả vờ, làm phép mà thôi. Còn khi nào gặp bà Đulxinêa, tôi sẽ nói rằng ngài đã húc đầu vào một tảng đá nhọn hoắt rắn hơn kim cương.

– Anh bạn Xantrô, ta cảm ơn tấm lòng tốt của anh, nhưng ta muốn cho anh thấy rằng tất cả những chuyện ta làm đều hoàn toàn có thật, không phải chuyện chơi; nếu làm khác là trái với luật lệ của hiệp sĩ đạo. Luật lệ đó cấm dối trá, ai dối trá sẽ bị coi là tà giáo. Nếu ta làm sai tức là dối trá. Bởi vậy, ta phải húc đầu vào đá thực sự, không được giả vờ, làm phép. Anh nên để lại cho ta một ít vải xơ để băng bó vì, tai hại thay, chúng ta đã đánh mất lọ thuốc thần.

– Mất con lừa còn tai hại hơn vì như vậy là mất cả vải băng bó và bao nhiêu thứ khác. Nhưng tôi van ngài đừng nhắc tới món thuốc thần chết tiệt kia nữa. Chỉ mới nghe nói tới, tôi đã thấy lộn mửa và lộn cả tiết nữa. Tôi cũng van ngài hãy coi như tôi đã chứng kiến những hành động điên rồ của ngài trong ba ngày rồi. Cứ cho là tôi đã nhìn thấy hết mọi sự việc trong ba ngày đó rồi và tôi sẽ kể lại đầy đủ với bà chủ tôi. Thôi, ngài hãy viết thư để tôi đi ngay vì tôi rất muốn sớm trở về đây giải thoát cho ngài khỏi cảnh đày ải này.

– Xantrô, sao lại gọi là đày ải? Sao không gọi là địa ngục hoặc bằng một danh từ gì tồi tệ hơn thế nữa đi!

– Tôi nghe nói rằng kẻ nào ở dưới địa ngục sẽ không bao giờ và không thể nào ra khỏi. Trường hợp của ngài khác, trừ phi tôi không biết cách thúc con Rôxinantê chạy (nếu chân tôi có đinh thúc ngựa). Hãy để cho tôi về làng Tôbôxô và đến trình diện trước bà Đulxinêa; tôi sẽ dùng những lời lẽ thật hay thật đẹp tả lại những sự việc ngớ ngẩn và điên rồ mà ngài đã và đang làm khiến bà ta phải lay chuyển mặc dù lúc mới gặp tôi, bà tỏ ra cứng rắn như đá. Rồi tôi sẽ cưỡi mây đạp gió trở về đây như một phù thủy mang theo những lời phúc đáp dịu dàng, ngọt ngào của bà ta, và tôi sẽ giải thoát cho ngài ra khỏi cảnh đày ải chẳng khác gì địa ngục này. Như tôi đã nói, ta vẫn có hy vọng ra thoát vì chỉ có những kẻ ở dưới địa ngục mới phải chịu bó tay. Tôi chắc ngài không có điều gì phản đối.

– Quả thật như vậy, hiệp sĩ Mặt Buồn đáp; nhưng làm thế nào viết được thư bây giờ?

– Xin ngài viết cả phiếu nhượng mấy con lừa con cho tôi nữa như ngài đã hứa, Xantrô nhắc.

– Sẽ có đủ. Thôi được, không có giấy, ta bắt chước người xưa viết lên lá cây hoặc sáp ong mặc dù lúc này sáp ong cũng khó kiếm như giấy vậy. Nhưng ta sực nảy ra một ý kiến cũng hay hoặc còn hay hơn cả viết thư: đó là quyển lưu niệm của chàng Carđêniô. Ta sẽ viết vào đó, tới chỗ nào có thầy giáo trường làng hay người trông coi nhà thờ, anh nhờ chép lại ngay bằng chữ thật đẹp lên giấy trắng cho ta; chớ nhờ bọn chưởng bạ vì họ viết lem nhem lắm, quỷ cũng chẳng đọc nổi đâu.

– Nhưng làm thế nào để lấy được chữ ký của ngài?

– Amađix có bao giờ ký dưới những bức thư của mình đâu.

– Thế cũng được, nhưng phiếu nhượng lừa thì phải có chữ ký chứ? Nếu sao chép lại, người ta sẽ bảo là chữ ký giả và tôi sẽ mất lừa.

– Ta sẽ viết phiếu nhượng lừa và ký vào quyển sách của Carđêniô; anh cứ đưa cho cháu gái ta, nó sẽ thi hành ngay. Còn về bức thư tình của ta, thay cho chữ ký anh hãy ghi như sau: “Vì nàng, phụng sự tới lúc chết, hiệp sĩ Mặt Buồn”. Ai viết thư đó cũng được vì nếu ta không nhớ nhầm, Đulxinêa không biết đọc biết viết và cả đời nàng chưa hề đọc thư của ta bao giờ. Vả chăng, tình yêu giữa ta với nàng hoàn toàn trong trắng, liếc mắt nhìn nhau đã là quá lắm rồi, và cũng chỉ một đôi lần thôi. Cho nên ta có thể nói chắc chắn rằng suốt mười hai năm trời ta yêu nàng – yêu hơn cả đôi mắt của ta một ngày kia sẽ bị vùi sâu dưới đất – ta chỉ nhìn nàng có bốn lần và có lẽ trong bốn lần đó, không lần nào nàng biết rằng ta đã nhìn nàng; điều đó chứng tỏ cha nàng – ông Lôrenxô Corchuêlô – và mẹ nàng – bà Alđônxa Nôgalêx – đã tỏ ra rất nghiêm khắc trong việc dạy dỗ nàng.

– Sao? Xantrô hỏi. Con gái Lôrenxô Corchuêlô là bà Đulxinêa làng Tôbôxô đó ư? Có phải người ta còn gọi là Alđônxa Lôrenxô không?

– Đúng đấy, Đôn Kihôtê đáp, nàng xứng đáng là đệ nhất phu nhân trên thế gian này.

– Thế thì tôi còn lạ gì nữa. Nó ném lao không thua gì những trai tráng trong làng. Lạy Chúa, thật là một đứa con gái gan dạ, khỏe mạnh, cứng cỏi; hiệp sĩ giang hồ nào lấy nó về sẽ bị xỏ mũi ngay. Con quỷ sứ đó khỏe như vâm, tiếng nói như lệnh vỡ! Tôi biết có lần nó leo lên tận gác chuông nhà thờ làng để gọi những người tá điền đang cày ruộng cho cha nó ở cách đấy nửa dặm, thế mà họ cũng nghe thấy tiếng nó như thể họ đứng ngay dưới chân gác chuông vậy. Tuy nhiên, nó không làm bộ chút nào, mà trái lại, rất tự nhiên; nó đùa với tất cả mọi người và thích bông phèng. Thưa ngài hiệp sĩ Mặt Buồn, nếu là con bé đó, ngài có thể và nên làm những chuyện điên rồ; hơn thế nữa, ngài cứ việc tuyệt vọng và treo cổ tự tử; ai biết chuyện này cũng sẽ nói rằng ngài đã làm đúng dù ngài có bị quỷ tha ma bắt. Tôi chỉ mong lên đường ngay để được nhìn mặt nó; đã lâu tôi không gặp nó và chắc bây giờ nó thay đổi nhiều vì đàn bà phải dầm mưa dãi nắng luôn ngoài đồng thì chóng tàn lắm. Thưa ngài Đôn Kihôtê, xin thú thực với ngài là cho tới nay, tôi chẳng biết gì cả; tôi cứ đinh ninh bà Đulxinêa mà ngài say mê phải là một công chúa hay một công nương quyền quý nào xứng đáng được hưởng những quà tặng quý giá của ngài, ví thể như phái kỵ sĩ tỉnh Vixcaia hay những tên tù khổ sai đến trình diện trước mặt nàng, không kể bao nhiêu món quà khác nữa vì chắc rằng ngài đã lập được nhiều chiến công từ khi tôi chưa đi theo hầu ngài. Nhưng nghĩ cho cùng, thử hỏi bà Alđônxa Lôrenxô, à… bà Đulxinêa làng Tôbôxô được lợi lộc gì một khi ngài bắt và sẽ còn bắt những kẻ bại trận đến quỳ gối trước mặt bà ta? Có thể khi họ tới nơi, bà đang bận chải những sợi gai hoặc đang đập lúa, và bà sẽ cười và bực mình vì món quà tặng của ngài.

– Ta đã nhiều lần bảo anh là một kẻ rất ba hoa, Đôn Kihôtê nói, và tuy đầu óc đần độn, lắm khi anh muốn tỏ ra có trí khôn. Nhưng để cho anh nhận ra sự ngu ngốc của mình và sự khôn ngoan của ta, ta muốn kể cho anh nghe một câu chuyện: Có một người đàn bà góa trẻ, đẹp, giàu, phóng khoáng và đặc biệt rất vui tính, phải lòng một anh thầy tu bậc dưới béo trục béo tròn. Biết chuyện đó, một hôm có một cha bề trên của anh thầy tu kia khuyên can người đàn bà góa: “Thưa bà, tôi có nhiều lý do để ngạc nhiên vì thấy một người đàn bà đoan trang, xinh đẹp và giàu có như bà, đi yêu một kẻ thô bỉ, hạ lưu và ngu ngốc như vậy trong lúc ở đây không thiếu những vị giáo sư, tiến sĩ và nhà thần học để bà tự do kén chọn; bà có thể nói: “Tôi thích người này, tôi không ưng người kia”. Người đàn bà góa đáp lại một cách rất tự nhiên thoải mái: “Thưa cha, cha nhầm to và suy nghĩ theo lối cổ nếu cho rằng tôi không biết kén chọn tuy trông anh ta có vẻ ngu đần; tôi yêu anh ta vì anh ta giỏi triết lý hơn cả Arixtôtêlêxê”. Cho nên, anh Xantrô ạ, ta yêu Đulxinêa làng Tôbôxô vì nàng đáng giá như một công chúa cao quý nhất trần gian. Khi thấy một thi sĩ ca ngợi và đặt tên cho một người đẹp, ta chớ nên nghĩ rằng chàng đã yêu người đó. Chớ tưởng rằng Amarilix, Philix, Xilvia, Điana, Galatêa, Philiđa và tên những cô nàng khác đầy rẫy trong sách vở, trong các tiệm cắt tóc và các rạp hát là những người bằng xương bằng thịt và là tình nhân của những thi sĩ đã ca ngợi họ. Không phải thế đâu. Một phần lớn do các nhà thơ tưởng tượng ra để làm đề tài và để cho mọi người nghĩ rằng họ yêu thật hoặc có thể yêu được. Cho nên chỉ cần ta tưởng tượng rằng Alđônxa Lôrenxô là một cô gái xinh đẹp nết na. Vấn đề dòng dõi không quan trọng lắm; chẳng cần phải đi điều tra để biết nàng sinh trưởng trong một gia đình nào; ta sẵn sàng coi nàng là một công chúa cao quý nhất thế gian. Xantrô, nếu anh chưa biết thì cần phải biết rằng có hai điều khiến cho người khác phải say mê: một là nhan sắc, hai là tiếng tăm. Đulxinêa có cả hai ở mức độ cao; sắc đẹp của nàng không ai sánh kịp, tiếng tăm nàng cũng ít người bì. Tóm lại, ta nghĩ rằng ta đã giới thiệu nàng đúng mức, không thêm cũng không bớt; ta mô tả sắc đẹp và đức tính của nàng bằng tất cả mối tình của ta đối với nàng, và dù là Êlêna, Lucrêxia hay bất cứ một người đàn bà đẹp nào thời Hy Lạp, La Mã cổ xưa đều không ăn đứt. Mặc ai nói ngả nói nghiêng; nếu ta bị kẻ ngu xuẩn chê trách, trái lại ta được những người thức thời khen ngợi.

– Những lời ngài nói đều đúng, Xantrô đáp, và tôi chỉ là con lừa. Nhưng không hiểu tại sao tôi buột mồm tự gọi như vậy vì không nên nhắc tới sợi dây thừng trong nhà người treo cổ 4. Thôi, ngài đưa thư đây cho tôi đi.

Đôn Kihôtê lấy quyển lưu niệm của Carđêniô, ngồi một chỗ ung dung viết; viết xong, chàng gọi Xantrô tới, ngỏ ý muốn đọc một lượt cho bác nhớ, nhỡ khi đi đường đánh lạc mất thư, đề phòng mọi sự không may có thể xảy ra. Xantrô đáp:

– Xin ngài viết đi viết lại vài ba lần vào quyển sổ này cho, tôi xin giữ cẩn thận; còn nghĩ rằng tôi phải thuộc lòng thì thật là nực cười. Trí nhớ tôi kém đến nỗi nhiều lúc tôi quên cả tên tôi. Dù sao, xin ngài cứ đọc lên vì tôi thích nghe lắm; chắc là phải văn hay chữ tốt.

– Nếu vậy, hãy nghe đây, Đôn Kihôtê nói rồi bắt đầu đọc:

Thư của Đôn Kihôtê gửi nàng Đulxinêa làng Tôbôxô

“Thưa quý nương,

Hỡi nàng Đulxinêa làng Tôbôxô vô cùng dịu hiền, đây con người đau khổ vì xa vắng, con người mang một vết thương tận đáy lòng, xin chúc nàng sức khỏe, sức khỏe mà chính bản thân kẻ đó không có. Nếu nhan sắc của nàng miệt thị ta, nếu đức hạnh của nàng không phù trợ ta, nếu sự khinh rẻ của nàng làm cho ta buồn phiền mặc dù ta đã quá đau khổ rồi, chắc rằng ta khó lòng chịu đựng được nỗi khổ cực ghê gớm và dai dẳng này. Hỡi người đẹp phụ bạc, kẻ thù yêu dấu của ta! Xantrô, giám mã trung thành của ta, sẽ kể lại rành rọt tình cảnh ta đang phải chịu đựng vì muốn phụng sự nàng. Nếu nàng rủ lòng thương tới ta, ta sẽ thuộc về nàng; bằng không, nàng muốn làm chi xin tùy ý. Ta sẽ kết liễu cuộc đời để thỏa mãn sự độc ác của nàng và làm đẹp ý muốn của ta.

Vì nàng, phụng sự suốt đời

Hiệp sĩ Mặt Buồn”

Nghe xong, Xantrô kêu lên:

– Cha mẹ ôi! Tôi chưa hề thấy một bức thư nào tuyệt diệu như vậy! Khiếp thật, làm sao ngài có thể nói được những ý nghĩ của mình bằng những lời lẽ hay ho đến thế! Và cái tên hiệp sĩ Mặt Buồn ký dưới bức thư mới hợp làm sao! Tôi nói thật, ngài còn tinh hơn cả quỷ, việc gì cũng biết.

– Đối với nghề nghiệp của ta, việc gì cũng cần phải biết, Đôn Kihôtê đáp.

– À, xin ngài viết luôn phiếu nhượng ba con lừa con vào mặt sau tờ giấy này và ký tên thật rõ ràng để cho người ta nhận được chữ ngài.

– Được thôi.

Sau khi viết xong giấy nhượng lừa cho Xantrô, Đôn Kihôtê đọc lên, nội dung như sau:

“Cháu gái của ta, chiểu theo văn tự đầu tiên này về nhượng lừa con, hãy trao cho giám mã của ta là Xantrô Panxa ba trong số năm con mà ta đã ủy nhiệm cho cháu trông nom ở nhà. Ta đã yêu cầu Xantrô trao cho ta một số lừa tương đương tại đây rồi. Giấy nhượng lừa này và giấy biên nhận của Xantrô sẽ dùng làm chứng từ thanh toán.

Làm tại giữa lòng núi Môrêna, ngày hai mươi hai tháng Tám năm nay”.

– Tốt lắm, xin ngài ký tên vào cho.

– Không cần ký tên mà chỉ ký tắt cũng đủ để trao cả ba trăm con huống chi là ba con.

– Thôi được, tôi tin vào ngài. Bây giờ, để tôi đi đóng yên cương cho con Rôxinantê và ngài hãy chuẩn bị ban phúc cho tôi. Tôi muốn đi ngay để khỏi phải nhìn những việc làm ngớ ngẩn của ngài; có thể nói rằng tôi đã nhìn quá đủ rồi, chẳng cần nhìn nữa làm gì.

– Xantrô, ít ra ta cũng muốn anh nhìn thấy ta trần truồng làm một vài việc điên rồ vì điều này cần thiết; chỉ trong nửa tiếng đồng hồ thôi. Sau khi đã được mục kích, tha hồ cho anh thêm thắt trong khi kể lại. Tuy nhiên, ta chắc rằng anh cũng không kể lại được hết sự thật đâu.

– Lạy Chúa đừng bắt tôi phải thấy ngài trần truồng; trông thương tâm lắm và tôi sẽ không cầm được nước mắt đâu. Đêm qua, tôi đã khóc con lừa hết cả nước mắt rồi và bây giờ tôi không muốn phải khóc nữa. Nếu quả thật ngài muốn tôi chứng kiến một vài hành động điên rồ của ngài, xin cứ để nguyên quần áo và làm qua loa thôi, nhớ tới đâu làm tới đó. Vả chăng, việc này đối với tôi không cần thiết vì, như tôi đã nói, ta sẽ rút bớt được thời gian và tôi sẽ sớm mang về đây những tin vui mà ngài mong đợi và xứng đáng được nhận. Nếu không được như vậy, bà Đulxinêa kia hãy coi chừng; nếu không tỏ ra biết điều, tôi xin long trọng thề rằng tôi sẽ thượng cẳng chân hạ cẳng tay, moi từ trong ruột bà ra một câu trả lời tử tế. Bởi vì làm sao có thể để cho một hiệp sĩ giang hồ trứ danh như vậy vô cớ trở nên rồ dại chỉ vì một con mụ…! Lạy Chúa, mong rằng bà ta đừng để tôi phải nói vì tôi sẽ tuôn ra những lời chẳng đẹp đẽ gì đâu. Về ngón này, tôi chẳng thua ai. Bà ta chưa biết tay tôi đấy thôi, một khi đã biết, chắc chắn sẽ phải nể.

– Xantrô, ta thấy anh cũng chẳng khôn ngoan gì hơn ta.

– Tôi không quá rồ dại như ngài nhưng nóng tính hơn. Nhưng thôi, ta hãy xếp chuyện đó lại, xin hỏi ngài ăn uống ra sao trong khi vắng tôi? Liệu ngài có bắt chước Carđêniô đón đường những người chăn cừu để cướp lương thực không?

– Anh không phải lo; dù ta có đủ lương thực ta cũng chỉ ăn cây cỏ hoặc hoa quả ở ngoài đồng và trên những cành cây kia thôi. Bí quyết trong việc làm của ta là không ăn uống gì cả và chịu đựng những kham khổ khác tương tự.

– Ngài có biết tôi đang lo ngại điều gì không? Tôi lo không trở về đúng chỗ này vì nó quá hẻo lánh.

– Hãy chú ý đến cảnh vật xung quanh để làm mốc, ta sẽ chỉ quanh quẩn ở đây thôi; không những thế, ta sẽ leo lên những ngọn núi cao nhất để ngóng khi nào anh trở về. Tuy nhiên, có một cách tốt nhất để khỏi lạc đường và tìm thấy ta: hãy bẻ những cành kim tước ở quanh đây rồi trên đường đi, cứ cách một quãng lại rắc xuống đất một vài cành cho tới khi đến đồng bằng; những cành cây đó sẽ là những cái mốc để cho anh trở về tìm thấy ta, giống như chàng Têxêô thời xưa cầm sợi dây ra khỏi mê cung.

– Tôi xin làm theo, Xantrô Panxa đáp.

Sau khi đã ngắt một ít cành cây, Xantrô xin chủ ban phúc cho; cả hai thầy trò cùng khóc, rồi bác từ biệt chủ, leo lên mình con Rôxinantê; Đôn Kihôtê còn căn dặn bác phải chăm nom con ngựa hơn chính bản thân mình. Xantrô nhằm thẳng hướng đồng bằng mà đi, cách một quãng lại rắc một vài cành kim tước theo lời chủ bảo. Xantrô đi rồi, Đôn Kihôtê vẫn hậm hực vì bác chưa được chứng kiến thêm một vài hành động điên rồ nữa của mình. Mới đi chừng một trăm bước, Xantrô đã quay trở lại nói với chủ:

– Thưa ngài, ngài đã nói rất đúng; để tôi có thể yên tâm nói với bà Đulxinêa rằng tôi đã nhìn thấy tất cả những hành động điên rồ của ngài, xin ngài cho tôi chứng kiến một việc mặc dù chỉ riêng quyết định ở lại trên núi này đã là một sự điên rồ quá lớn rồi.

– Ta đã bảo mà! Đôn Kihôtê đáp. Xantrô, anh hãy chờ đấy, ta sẽ làm xong ngay, chỉ bằng thời gian đọc một bài kinh Tin kính thôi.

Nói rồi, chàng cởi phăng quần lót, mặc độc chiếc sơ-mi, phi ngược hai chân lên trời, lộn đầu xuống đất; chiếc áo của chàng cũng tốc ngược theo để hở những bộ phận kín đáo nhất khiến Xantrô phải quay ngựa đi ngay để khỏi nhìn thấy. Tuy nhiên, bác lấy làm hài lòng vì bây giờ bác có thể kể với bà Đulxinêa rằng chủ bác đã hóa điên. Đến đây, ta hãy tạm biệt Xantrô cho tới khi bác quay về, thời gian cũng ngắn thôi.

Bình luận