Kể về chàng chăn cừu si tình, cùng những chuyện khác thật là lý thú
Đôn Kihôtê mới đi ra khỏi làng của Đôn Điêgô được một quãng, bỗng đâu gặp hai người nom có thể là thầy tu hoặc sinh viên 1 và hai bác nông phu, cả bốn người đều cưỡi lừa. Một trong hai anh chàng sinh viên nọ mang tay nải xanh, bên trong hình như có vải trắng và hai đôi bít tất chân bằng vải len thô; chàng thứ hai có một đôi kiếm nhụt 2 mới tinh, còn nguyên núm ở đầu. Hai bác nông phu mang những thứ khác, cứ nhìn cũng biết họ mua ở ngoại tỉnh đem về nhà dùng. Cả hai chàng sinh viên lẫn hai bác nông phu đều ngạc nhiên như bất cứ ai lần đầu tiên trông thấy Đôn Kihôtê, và họ đều nóng lòng muốn biết con người dị dạng, khác thường đó là ai. Đôn Kihôtê cất tiếng chào và khi biết họ đi cùng đường, chàng ngỏ ý muốn nhập bọn, yêu cầu họ đi chậm lại vì lừa của họ đi nhanh hơn ngựa của chàng. Để buộc họ phải nhận lời, chàng tự giới thiệu vắn tắt nghề nghiệp là hiệp sĩ giang hồ tìm kiếm những chuyện phiêu lưu mạo hiểm trên khắp thiên hạ, tên gọi Đôn Kihôtê xứ Mantra, biệt hiệu là Hiệp sĩ Sư tử. Hai bác nông phu cứ như thể đang nghe tiếng Hy Lạp hay tiếng nói riêng của người mù vậy, còn hai chàng sinh viên biết ngay đầu óc của Đôn Kihôtê có sự lộn xộn; tuy ngạc nhiên, họ vẫn tỏ ra kính trọng, một anh nói:
– Nếu ngài hiệp sĩ không chủ động đi hướng nào như thói thường của những người tìm kiếm chuyện phiêu lưu mạo hiểm, xin hãy đi theo chúng tôi; ngài sẽ được mục kích một trong những đám cưới linh đình nhất, sang trọng nhất từ trước tới giờ ở xứ Mantra và các vùng xung quanh cách xa hàng ngàn dặm.
Đôn Kihôtê hỏi có phải đám cưới ông hoàng nào không.
– Không phải, chàng sinh viên đáp, đây là đám cưới của một nông phu với một thôn nữ. Chàng là người giàu nhất thế gian, còn nàng là người đẹp nhất trần ai. Lễ cưới sẽ được cử hành một cách độc đáo chưa từng thấy, trên một đồng cỏ cạnh làng, cô dâu mà người ta gọi rất đúng là Kitêria Xinh đẹp; chú rể tên là Camachô giàu có. Nàng mười tám tuổi, chàng đôi mươi, hai bên môn đăng hậu đối, tuy có kẻ xoi mói, thuộc tất cả tung tích các dòng họ trên đời, bảo rằng dòng họ của nàng Kitêria Xinh đẹp còn danh giá hơn dòng họ Camachô. Song điều đó chẳng hề chi vì của cải đủ sức mạnh bịt hết những lỗ hổng. Vốn tính hào phóng, Camachô cho lấy cành cây lấp kín cả cánh đồng khiến mặt trời khó lòng tới thăm được thảm cỏ xanh ở mặt đất. Chàng còn soạn ra những điệu múa kiếm, múa chuông vì trong làng có nhiều người rất thành thạo. Về điệu múa đập tay vào giày thì khỏi phải nói vì chàng cho gọi rất nhiều con tới. Song, theo tôi nghĩ, tất cả những điều kể trên cùng những điều khác mà tôi không nhắc tới ở đây cũng sẽ không đáng ghi nhớ bằng những việc mà chàng Baxiliô sẽ làm trong lễ cưới. Chàng Baxiliô này là một anh chăn cừu cùng làng với nàng Kitêria, hai nhà cách nhau có bức tường. Và tình yêu lại có dịp nhắc nhở người đời mối tình xưa của Piramô và Tixbê. Số là Baxiliô đem lòng yêu thương Kitêria từ khi còn nhỏ, và Kitêria cũng đáp lại tấm lòng của Baxiliô bằng những biểu hiện rất trong trắng. Trong lúc nhàn rỗi, dân làng hay bàn tán về mối tình của đôi trẻ Baxiliô và Kitêria. Thấy con gái ngày một khôn lớn, cha của Kitêria ngăn không cho Baxiliô lui tới nhà mình như trước nữa, và để tránh những sự rầy rà, phiền phức, ông quyết định gả con gái cho chàng Camachô nhà giàu, nghĩ rằng chẳng tội gì gả cho Baxiliô, vì anh này nghèo xác xơ, lại chẳng được ăn thừa kế gì của cha mẹ. Công bằng mà nói thì Baxiliô là chàng trai nhanh nhẹn có một, rất giỏi ném lao, đánh vật và tung cầu, chạy nhanh như hoẵng, nhảy nhẹ như dê và chơi ném ky thì tuyệt; anh hát hay như sơn ca, và anh chơi đàn tục huyền tưởng như đàn biết nói vậy; đặc biệt, anh đánh kiếm không thua gì tay kiếm cừ khôi nhất.
Từ nãy tới giờ, Xantrô Panxa vẫn ngồi nghe, không nói năng gì, lúc này, bác mới lên tiếng:
– Giá mà vợ tôi biết chuyện này nhỉ! Bà chỉ muốn cho trên đời những cặp vợ chồng phải bằng vai phải lứa, nói theo đúng câu phương ngôn rằng: “Nồi đồng thì úp vung đồng”. Mong sao cậu Baxiliô mà tôi có cảm tình, lấy được phu nhân Kitêria. Thật đáng nguyền rủa cho kẻ nào trên thế giới này hay thế giới bên kia cấm duyên những đôi lứa yêu nhau.
Đôn Kihôtê nói:
– Nếu tất cả những ai yêu nhau đều phải lấy được nhau thì cha mẹ đã mất hết quyền kén chọn và quyết định cho con mình lấy ai và lấy lúc nào. Nếu các cô gái được phép kén chồng theo ý muốn, cô sẽ lấy cả người hầu của cha mình, cô sẽ lấy một kẻ qua đường nom ra vẻ hiên ngang hùng dũng song chỉ là một tên giết người chuyên nghiệp. Tình yêu dễ làm cho đôi mắt của lý trí trở nên mù quáng, mà lý trí lại rất cần thiết trong mọi sự lựa chọn. Trong một cuộc hôn nhân, sự lựa chọn rất dễ có nguy cơ bị lệch lạc, cần phải hết sức thận trọng và có sự giúp đỡ đặc biệt của Trời mới chọn được đúng nơi đúng chỗ. Tại sao một người phải du hành suốt cuộc đời cho tới lúc chết lại không làm như vậy, nhất là khi một bạn đồng hành của mình nằm cùng giường, ăn cùng bàn và đi theo mình khắp mọi nơi như trường hợp vợ chồng? Vợ không phải là thứ hàng hóa mua đi bán lại được. Hôn nhân là một biến cố trong cả cuộc đời, không thể vãn hồi được; đó là một sợi dây, một khi tròng vào cổ thì không thể gỡ nổi, trừ phi có cái liềm của thần Chết chặt đứt nó ra. Và vấn đề này, tôi có thể nói thêm nhiều nữa, song tôi dừng lại ở đây vì muốn biết thầy cử có kể gì thêm về câu chuyện của chàng Baxiliô nữa không.
Chàng sinh viên mà Đôn Kihôtê vừa gọi là thầy Cử đáp:
– Tôi chỉ muốn kể thêm rằng từ lúc Baxiliô biết tin Kitêria Xinh đẹp sẽ kết duyên cùng Camachô Giàu có, không thấy anh ta cười bao giờ hoặc nói ra câu nào khôn cả. Anh ta đi lang thang cả ngày, nét mặt tư lự âu sầu, mồm nói lẩm bẩm, rõ ra người mất trí. Anh ta ăn kém, ngủ kém, chỉ toàn ăn hoa quả, và nếu có ngủ thì ngủ ngay giữa đồng, nằm lăn ra đất như một con vật. Có lúc anh ta nhìn lên trời, có lúc mắt dán xuống đất, mải mê, say sưa, trông như pho tượng khoác áo, khi có gió, áo bay tung còn tượng vẫn đứng im. Nhìn anh ta bộc lộ những tình cảm sôi nổi trong lòng, tất cả những ai quen biết đều lo ngại rằng câu trả lời có của Kitêria Xinh đẹp trong buổi hôn lễ ngày mai sẽ là bản tuyên cáo tử hình đối với anh.
– Chúa sẽ thu xếp ổn thỏa mọi việc, Xantrô nói. Người sinh tai ương thì lại sinh thuốc giải tai ương; ai mà biết được ngày mai ra sao; từ giờ tới ngày mai còn nhiều tiếng đồng hồ, thế mà chỉ trong vòng một tiếng, thậm chí một lát thôi, nhà có thể đổ; tôi thấy trời vừa mưa vừa nắng, có khi người vừa đi nằm còn mạnh khỏe, hôm sau đã cứng đờ. Thử hỏi có ai dám khoe đã đóng được một cái đinh vào bánh xe của thần May rủi không? Hẳn là không. Giữa hai tiếng có và không của cô dâu, tôi chẳng dám đặt mũi kim vào vì không vừa 3. Kitêria hãy thật lòng thật dạ yêu thương cậu Baxiliô đi, rồi tôi sẽ tặng cho cậu ta một bồ may mắn; tôi nghe nói tình yêu đeo kính, nhìn đồng thành vàng, nghèo thành giàu, gỉ mắt thành hạt trai.
– Có im đi không, tên Xantrô đáng nguyền rủa kia! Đôn Kihôtê hét lên. Mỗi khi mi thốt ra những câu phương ngôn tục ngữ là chẳng ai hiểu gì cả, trừ tên phản bội Huđa 4. Quỷ tha ma bắt mi! Con vật kia, thử hỏi mi biết thế nào là đinh, bánh xe cùng bao nhiêu chuyện khác.
– Ôi, nếu không ai hiểu tôi, Xantrô đáp, tất nhiên là những câu tục ngữ của tôi sẽ bị coi là nhảm nhí. Nhưng không sao, đã có tôi hiểu tôi và tôi biết những điều tôi vừa nói ra không bậy bạ chút nào. Vả chăng, thưa ông chủ, ngài muốn giáng sát những lời nói và cả việc làm của tôi cơ mà.
– Giám sát chứ không phải giáng sát, Đôn Kihôtê nói. Chúa trừng phạt mi, vì mi đã làm hư cái đẹp của ngôn ngữ.
– Xin ngài đừng trách tôi, Xantrô đáp. Ngài biết rằng tôi không được nuôi dạy trong triều và cũng không được học ở Xalamanca nên chẳng biết thêm hay bớt chữ trong khi nói năng. Lạy Chúa! Ta cũng chẳng cần nên bắt người dân Xayôgô phải nói như người Tôlêđô; vả chăng, cũng có người dân Tôlêđô nói năng chẳng gẫy gọn, phép tắc gì đâu.
– Đúng như vậy, thầy Cử nói; tuy đều là dân Tôlêđô, song những người ở khu Tênêriax và Xôđôcôver 5 không thể nói năng lịch sự hơn những người suốt ngày dạo chơi ở tu viện Nhà Thờ Lớn 6. Những triều thần lịch duyệt sử dụng một ngôn ngữ trong sáng, chọn lọc và hoa mỹ dù cho họ sinh trưởng ở Manhađahonđa; tôi phải nói lịch duyệt làm cho ngôn ngữ trở nên trong sáng. Thưa các ngài, tôi có theo học môn tôn pháp ở Xalamanca và tôi dám tự khoe đôi chút vì biết trình bày ý kiến của mình bằng những lời lẽ rõ ràng, cụ thể và có nghĩa.
Sinh viên thứ hai lên tiếng:
– Nếu anh không tự khoe múa kiếm còn giỏi hơn sử dụng ngôn ngữ, chắc anh đã thi đỗ đầu bảng chứ không đội sổ.
– Anh Tú liệu đấy, thầy Cử nói; ý kiến của anh bảo rằng giỏi đấu kiếm là vô bổ thật vô cùng sai lầm.
– Đối với tôi, đây cũng không phải là ý kiến riêng mà là một chân lý vô cùng vững chắc, Corchuêlô – tức anh Tú – nói. Nếu anh muốn chứng minh bằng hành động thì đây là cơ hội tốt vì anh có mang theo kiếm. Với sức mạnh và không ít lòng dũng cảm, tôi phải khiến anh công nhận rằng tôi không nhầm. Nào, hãy xuống đất và giơ hết những đường kiếm tài tình của anh ra; bằng tài sức thô thiển trời phú cho, tôi sẽ cho anh nhìn thấy sao giữa ban ngày ban mặt vì tôi dám chắc không ai trên đời này không bị tôi đánh ngã.
– Anh chạy dài hay không, thầy Cử giỏi kiếm đáp, tôi chẳng cần biết; song, chỉ cần một lần hụt chân cũng đủ cho người ta đào hố chôn anh ngay tại nơi bước hụt, ý tôi muốn nói anh sẽ chết vì một đường kiếm lợi hại.
– Để xem, Corchuêlô đáp lại.
Nói rồi, anh ta nhảy phắt xuống đất, rút thanh kiếm đeo trên mình của thầy Cử.
– Khoan đã, Đôn Kihôtê vội lên tiếng, tôi muốn là chủ tọa của đấu kiếm và là người xét xử vấn đề này, một vấn đề đã bao lần tranh cãi mà vẫn chưa ra lẽ.
Rồi chàng nhảy xuống ngựa, nắm chắc ngọn giáo, đứng vào vị trí ở giữa hai bên. Lúc này, thầy Cử đang tiến lại gần Corchuêlô với một vẻ ung dung và những bước chân chắc chắn, còn Corchuêlô thì hùng hùng hổ hổ, mắt như nảy lửa. Hai bác nông phu ngồi trên lưng lừa quan sát cuộc chiến đấu một mất một còn này. Corchuêlô vung kiếm tới tấp, lúc đâm, lúc chém, lúc bổ, lúc phạt, như bão táp mưa sa, còn đang xông xáo như một con sư tử điên, bỗng đâu một mũi kiếm của đối phương gí trúng miệng chặn đứng lại, buộc anh ta phải hôn mũi kiếm như hôn một thánh vật, mặc dù không với tất cả tấm lòng thành kính như hôn một thánh vật thật. Cuối cùng, thầy Cử đâm trúng tất cả các khuy áo của Corchuêlô, chém rách bươm tà áo và hai lần hất tung mũ của anh ta, quần cho mệt nhoài. Vừa thẹn, vừa tức, anh chàng này cầm đốc kiếm, dùng hết sức bình sinh lăng lên trời khiến một trong hai bác nông phu, vốn là thơ lại, đã ghi vào biên bản là lưỡi kiếm đã bay xa ba phần tư dặm. Biên bản đó là một bằng chứng cho ta thấy nghệ thuật đã thắng sức mạnh.
Corchuêlô mệt phờ, ngồi bệt xuống đất, thấy vậy Xantrô lại gần, nói:
– Thưa ngài Tú, nếu thật ngài nghe lời tôi khuyên, từ nay về sau ngài không nên thách đấu kiếm mà chỉ nên đấu vật và ném lao vì ngài có sức lực. Tôi nghe nói những tay được gọi là giỏi kiếm có thể xuyên kiếm qua lỗ kim.
– Tôi lấy làm sung sướng vì đã không phải trả giá đắt, Corchuêlô nói. Kinh nghiệm vừa qua cho tôi thấy rõ sự thật mà trước đây tôi hoàn toàn không biết.
Nói xong, anh ta đứng dậy ôm thầy Cử; cả hai người làm lành với nhau, còn thân thiết hơn trước. Sợ muộn, họ lên đường ngay để sớm trở về làng của Kitêria – tức làng của họ – chẳng chờ bác nông phu – thơ lại nọ còn mải đi tìm thanh kiếm.
Trên đoạn đường còn lại, thầy Cử giới thiệu những ưu điểm của môn đấu kiếm bằng những lời lẽ cụ thể và những động tác dứt khoát khiến mọi người đều thấy lợi ích của vũ thuật này, riêng Corchuêlô phải chịu từ bỏ ý kiến bảo thủ của mình.
Lúc này, trời đã tối; từ xa, họ như thấy có một khoảng trời đầy sao phía trước làng, đồng thời vọng lại những âm thanh du dương của nhiều nhạc cụ như sáo, trống con, đàn cầm, chũm chọe, trống chuông 7. Khi tới gần thì thấy trên những thân cây do tay người mới trồng ở đầu làng có treo vô số những ngọn nến, gió thổi nhẹ không làm rung lá cây nên đèn không tắt. Các nhạc công là đầu trò của đám cưới; từng tốp, từng tốp một họ đi lại trên mảnh đất vui tươi này, người nhảy múa, kẻ ca hát, kẻ chơi một trong các nhạc cụ kể trên. Một không khí hoan lạc tràn ngập khắp cánh đồng. Một toán đông người đang bận bắc sàn để ngày hôm sau khán giả được xem thoải mái những trò vui và nhảy múa sẽ diễn ra tại nơi đây dành riêng cho lễ thành hôn của chàng Camachô giàu có và lễ tang của chàng Baxiliô.
Mặc cho bác nông phu và thầy Tú mời chào, Đôn Kihôtê không muốn vào làng, viện lý do rằng các hiệp sĩ giang hồ xưa nay vẫn quen ngủ ngoài đồng hoặc trong rừng chứ không ngủ trong nhà, dù là mái nhà lợp vàng (với lý do đó, chàng nghĩ rằng quá đủ rồi). Và thế là chàng rẽ đường khác, đi ngược ý muốn của Xantrô lúc này đang tiếc rẻ cảnh no ấm mà bác được hưởng tại ngôi nhà – hay lâu đài – của Đôn Điêgô.