Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Đôn Kihôtê – Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra

Chương 49

Tác giả: Miguel De Cervantes

CUỘC ĐÀM THOẠI LÝ THÚ GIỮA XANTRÔ PANXA VỚI ÔNG CHỦ ĐÔN KIHÔTÊ

– A! Xantrô reo lên. Thế là ngài chịu tôi rồi. Đó chính là điều tôi thiết tha muốn biết cũng như tôi thiết tha với cuộc đời vậy. Liệu ngài có thể bác bỏ một điều người ta thường nói mỗi khi thấy ai mặt ủ mày chau không? Người ta nói như sau: “Chẳng hiểu anh chàng ấy có chuyện gì mà ăn không ăn, uống không uống, ngủ không ngủ, hỏi một đằng trả lời một nẻo, như thể bị ma ám vậy”. Từ đấy ta có thể kết luận rằng những người nào không ăn, không uống, không ngủ, không giải quyết những nhu cầu tự nhiên của cơ thể là những người bị phù phép; còn những người không bị phù phép là những người cũng có những nhu cầu như ngài có, cũng ăn khi được cho ăn, cũng uống khi được cho uống, cũng trả lời khi được hỏi.

– Xantrô, anh nói đúng đấy, Đôn Kihôtê đáp; tuy nhiên ta đã nói với anh là có nhiều cách phù phép; có thể là với thời gian, mọi sự đều thay đổi và ngày nay những người bị phù phép cũng làm mọi việc như ta làm mặc dù trước kia họ không làm như thế. Bởi vậy, ta không thể cưỡng lại những tập quán của từng thời gian và cũng không thể lý luận này nọ được. Ta biết và tin chắc rằng ta bị phù phép; như thế cũng đủ để lương tâm ta được thanh thản vì quả thật lòng ta sẽ rất bứt rứt một khi ta nghĩ rằng ta không bị phù phép mà phải nằm co trong chiếc cũi này, không cứu giúp được gì cho những kẻ hoạn nạn khốn cùng giờ đây đang rất cần tới sự bênh vực che chở của ta.

– Mặc dù ngài tin như vậy, Xantrô đáp, tôi nghĩ rằng nếu ngài thoát khỏi cảnh tù đày này thì vẫn tốt hơn và có lợi hơn; tôi sẽ hết sức giúp đỡ ngài và nếu cần, sẽ tự tay giải thoát cho ngài để ngài liệu thúc con Rôxinantê lên đường vì trông nó buồn rầu ủ rũ như thể cũng bị phù phép vậy; sau đó thầy trò ta lại đi tìm kiếm những cuộc phiêu lưu mới. Nếu như công không thành danh không toại, ta vẫn có đủ thời giờ để trở về với chiếc cũi này; lấy danh nghĩa là một giám mã trung thành, tôi xin thề sẽ tự giam mình chung một cũi với ngài nếu như thầy trò ta không thành công vì số phận ngài quá hẩm hiu và vì đầu óc tôi quá tối tăm.

– Người anh em Xantrô, Đôn Kihôtê nói, ta vui lòng làm theo ý anh. Khi nào anh thấy có điều kiện để giải thoát cho ta, ta sẽ nhất nhất tuân theo. Nhưng rồi anh sẽ thấy mình nhầm trong việc đánh giá nỗi bất hạnh của ta.

Chàng hiệp sĩ giang hồ và bác giám mã đau khổ còn đang bàn bạc thì đã tới thung lũng; Cha xứ, thầy tu và bác phó cạo đã xuống ngựa chờ sẵn tại đó. Người chủ xe thả bò cho chúng được tự do trên bãi cỏ xanh mượt. Nơi đây thật là mát mẻ tốt tươi khiến ai cũng muốn hưởng, chẳng riêng những người bị phù phép như Đôn Kihôtê mà cả những anh chàng khôn ngoan láu lỉnh như Xantrô. Để thực hiện ý đồ của mình, bác giám mã xin với Cha xứ cho phép chủ mình được ra khỏi cũi một lát, viện cớ rằng nếu không thả chàng ra thì cũi sẽ không được sạch sẽ và không xứng đáng với cương vị của một hiệp sĩ danh giá như chủ bác. Hiểu ý, Cha xứ đáp là ông vui lòng làm theo yêu cầu của bác nếu như ông không phải lo rằng Đôn Kihôtê sẽ làm bậy và đi mất hút một khi được tự do.

– Tôi xin đứng ra bảo lãnh, Xantrô đáp.

– Tôi cũng vậy, ông thầy tu tiếp theo, nhất là nếu ông ta lấy danh dự hiệp sĩ hứa sẽ không đi khỏi nơi đây một khi chưa có sự đồng ý của chúng ta.

Đôn Kihôtê từ nãy vẫn lắng tai nghe, bèn lên tiếng:

– Tôi xin hứa. Vả chăng, một người bị phù phép như tôi không được tự do hành động theo ý muốn; khi một pháp sư đã phù phép người nào, y có thể bắt người đó ở lì một chỗ trong ba thế kỷ liền, và dù người đó có trốn đi đâu thì cũng sớm bị lôi về. Cho nên các người có thể thả tôi ra được; điều đó chỉ càng có lợi cho mọi người vì nếu không, tôi xin thưa là tôi sẽ làm khổ lỗ mũi các người trừ phi các người chạy xa nơi này.

Ông thầy tu cầm lấy tay chàng (nói đúng hơn là ông cầm cả hai tay chàng vì người ta đã trói chặt vào nhau); sau khi đã hứa hẹn thề thốt, Đôn Kihôtê được thả lỏng; thấy được ra khỏi cũi, chàng vô cùng sung sướng và việc đầu tiên của chàng là vươn vai duỗi cánh. Sau đó, chàng lại gần con Rôxinantê, lấy tay vỗ nhẹ vào mông nó hai cái rồi nói:

– Hỡi tinh hoa của loài tuấn mã, ta vẫn tin tưởng vào Chúa và Đức Mẹ. Chẳng bao lâu nữa, hai ta sẽ đạt được điều mong ước; mi sẽ được phụng sự chủ mi, còn ta sẽ được cưỡi lên lưng mi đi làm nhiệm vụ, nhờ có nhiệm vụ đó mà Chúa đã cho ta làm người.

Nói xong, Đôn Kihôtê cùng với Xantrô lảng ra một chỗ xa; khi trở lại, chàng cảm thấy người nhẹ nhàng, trong bụng càng muốn thực hiện những ý kiến của giám mã.

Ông thầy tu nhìn chàng và lấy làm ngạc nhiên về sự điên rồ kỳ lạ của chàng; ông càng ngạc nhiên thấy chàng tỏ ra có trí tuệ trong khi nói năng đối đáp, thế mà hễ bàn đến những vấn đề kiếm hiệp là đâm ra nói lung tung. Động lòng trắc ẩn, trong lúc mọi người còn ngồi trên thảm cỏ xanh mượt chờ con la mang lương ăn quay về, ông nói với Đôn Kihôtê:

– Thưa nhà quý tộc, có lẽ nào những cuốn sách kiếm hiệp nhạt nhẽo và buồn tẻ kia sai khiến được ngài và làm cho ngài mất trí đến nỗi ngài tin tưởng vào việc mình bị phù phép cùng những sự việc khác tương tự rất xa sự thật, khác nào sự dối trá khác xa chân lý! Có lẽ nào đầu óc con người ta tin được rằng ở trên đời này có muôn vàn chàng Amađix cùng hàng xâu hàng xốc những trang hiệp sĩ giang hồ trứ danh! Có lẽ nào lại có nhiều những người như hoàng đế Trapixônđa hay như Phêlixmartê đê Ircania, những con tuấn mã cho vua chúa cưỡi, những tiểu thư hiệp sĩ giang hồ, những con mãnh xà cùng những quái vật khác, những tên khổng lồ, những cuộc phiêu lưu mạo hiểm kỳ quái, những phép yêu ma, những trận giao chiến, những cuộc chạm trán khủng khiếp, những bộ y phục lố lăng, những nàng công chúa si tình, những anh giám mã trở thành bá tước, những chú lùn lém lỉnh, những bức thư tình, những câu tán tỉnh, những cô gái dũng cảm và cuối cùng là những truyện viển vông như ta thường thấy trong các sách kiếm hiệp! Riêng tôi xin nói rằng mỗi khi đọc những cuốn sách đó, tôi cũng cảm thấy có phần thích thú nếu như đầu óc tôi không nghĩ rằng tất cả những điều kể ra là bịa đặt bậy bạ; nhưng một khi nhận rõ sự thật, tôi sẵn sàng quẳng cuốn sách kiếm hiệp hay nhất vào tường hoặc vào lửa nếu như có đống lửa bên cạnh. Những cuốn sách đó đáng phải chịu tội như vậy bởi vì chúng chứa đựng những điều dối giả vượt ra ngoài quy luật thông thường và cũng bởi vì chúng tạo ra những môn phái mới và cảnh sống mới khiến cho những kẻ phàm phu tục tử tin vào những chuyện bậy bạ và coi đó là thật. Không những thế, loại sách đó còn dám trắng trợn làm hư hỏng cả bộ óc của các nhà quý tộc giỏi giang và danh giá như ta đã thấy chúng làm hại ngài đến nỗi người ta buộc lòng phải nhốt ngài vào cũi và dùng xe bò chở đi như chở một con sư tử hay con hổ từ nơi này sang nơi khác cho mọi người xem để kiếm tiền. Ngài Đôn Kihôtê ạ, cần phải lo thân và quay về với lẽ phải mà trời đã phú cho ngài, và phải biết sử dụng khả năng to lớn của trí tuệ vào việc đọc những loại sách khác vừa mang lại sự bổ ích cho tâm hồn, vừa làm tăng phẩm giá con người của ngài. Còn nếu như ngài vẫn có khuynh hướng muốn đọc loại sách nói về những chiến công của các hiệp sĩ giang hồ, xin hãy đọc Thánh kinh trong đó có những sự thật vĩ đại và những hành động vừa dũng cảm vừa có thật. Luxitania có Viriatô, La Mã có Xêdar, Cartagô có Anibal, Hy Lạp có Alêhanđrô, Caxtiia có bá tước Phernan Gônxalô, Valenxia có vị Đầu lãnh, Anđaluxia có Gônxalô Phernanđêx, Êxtrêmađura có Điêgô Garxia đê Parađêx, Hêrêx có Garxi Pêrêx đê Vargax, Têlêđô có Garxilaxô, Xêviia có Đôn Manuel đê Lêôn; những chuyện về chiến công của họ khiến cho những bộ óc siêu việt nhất cũng phải thích thú, khâm phục và học tập. Thưa ngài Đôn Kihôtê, loại sách đó mới thật xứng đáng với trí thông minh rộng lớn của ngài, khiến cho ngài trở thành một con người nắm vững lịch sử, biết yêu những phẩm chất tốt đẹp, biết quý những cái hay, dũng cảm mà không mạo hiểm, thận trọng mà không hèn nhát, vừa làm đẹp lòng Chúa, vừa có lợi cho bản thân, vừa làm danh giá cho xứ Mantra là nơi chôn rau cắt rốn của ngài, theo chỗ tôi được biết.

Đôn Kihôtê chăm chú nghe thầy tu nói; khi thấy ông ta nói xong, chàng nhìn ông hồi lâu rồi mới lên tiếng:

– Thưa nhà quý tộc, hình như những lời ngài vừa nói ra nhằm mục đích làm cho tôi hiểu rằng những trang hiệp sĩ giang hồ không hề tồn tại trên đời này và tất cả những cuốn sách kiếm hiệp đều là bịa đặt, độc hại và vô ích đối với quốc gia, rằng tôi đã sai lầm vì đọc loại sách đó, càng sai vì tin là có thật và lại càng sai hơn nữa vì đã theo lời sách dạy đi làm nghề hiệp sĩ giang hồ gian khổ, chứng cớ là ngài phủ nhận sự tồn tại của hai hiệp sĩ Amađix nước Gôlơ và nước Hy Lạp cùng tất cả các hiệp sĩ khác có tên trong sách.

– Tất cả đều đúng như ngài vừa nói, theo nghĩa đen từng chữ, thầy tu đáp.

Đôn Kihôtê tiếp tục:

– Ngài còn nói thêm rằng những cuốn sách đó rất có hại cho tôi vì chúng đã làm tôi loạn óc và đưa tôi vào cũi, rằng tôi cần phải sửa sai thay đổi loại sách và đọc những chuyện có thật, vừa giải trí vừa bổ ích.

– Đúng vậy, thầy tu đáp.

Đôn Kihôtê vặn lại:

– Thế nhưng riêng tôi thấy rằng kẻ loạn óc và bị phù phép chính là ngài bởi chưng ngài đã có những lời lẽ bất kính đối với một vấn đề đã được công chúng hoan nghênh và công nhận là có thật, và kẻ nào phủ nhận điều đó – như ngài chẳng hạn – đáng phải chịu nhục hình mà ngài dành cho những cuốn sách đã làm ngài bực mình khi đọc. Bảo người ta phải nghĩ rằng Amađix và tất cả các hiệp sĩ giang hồ có tên tuổi ghi trong sách là chuyện bịa đặt có khác nào muốn chứng minh rằng mặt trời không chiếu sáng, rằng băng đá không giá lạnh, rằng quả đất không chứa đựng loài người. Thử hỏi có bộ óc nào trên đời này làm cho chúng ta tin được rằng không có câu chuyện về công chúa Phlôripêx và chàng Ghi đê Borgônha cũng như không có câu chuyện về chàng Phiêrabrax ở cầu Mantiblê dưới thời Carlômácnô không? Đó là những sự thật rành rành cũng như lúc này đây là ban ngày vậy. Nếu những chuyện đó là bịa đặt thì cũng phải coi như là bịa đặt những chuyện về Ếchtor, Akilêx, cuộc chiến tranh ở thành Trôia, mười hai vị đình thần nước Pháp, về vua Artux ở Anh-cát-lợi giờ đây vẫn bị hóa phép thành một con quạ trong lúc thần dân vẫn ngóng chờ ngài trở lại ngôi báu. Nói như vậy thì cũng sẽ dám nói rằng chuyện hiệp sĩ Guarinô Mexkinô và chuyện Chiếc Đĩa Thánh là bịa đặt, rằng những cuộc tình duyên của chàng Đôn Trixtan với công chúa Ixêô và của hiệp sĩ Lanxarôtê với hoàng hậu Hinêbra là hư cấu mặc dù có người còn nhớ mang máng đã nhìn thấy bà bảo mẫu Kintanhôna 1, người chuốc rượu khéo nhất nước Anh-cát-lợi. Sự việc đúng như vậy vì tôi nhớ hồi còn nhỏ, bà nội tôi thường nói với tôi mỗi khi thấy một bà bảo mẫu đội khăn ngay ngắn: “Cháu ơi, trông bà này giống như bà bảo mẫu Kintanhôna”. Từ đó, tôi kết luận rằng bà tôi có quen bà Kintanhôna hoặc ít ra cũng đã được nhìn bức chân dung nào đó của bà ta. Thử hỏi ai là người có thể phủ nhận được câu chuyện về chàng Pierêx và nàng Magalôna xinh đẹp và bảo đó là chuyện bịa đặt vì rằng ngày nay người ta vẫn thấy trưng bày ở trong phòng vũ khí nhà vua một cái chốt to hơn các ách xe bò mà trước đây vẫn dùng để mở máy con ngựa gỗ cho chàng Pierêx cưỡi trên mây; bên cạnh cái chốt đó vẫn còn cái ghế của Babiêca; ở Rônxenvaiêx cũng vẫn còn chiếc tù và của Rolđan, to như một cái xà lớn. Do đó, ta có thể kết luận rằng mười hai vị đình thần, chàng Pierêx, vị Đầu lãnh cũng như các hiệp sĩ giang hồ khác đều là những nhân vật thật; Theo lời thiên hạ, đó là những người đi tìm kiếm những cuộc phiêu lưu mạo hiểm. Nếu không thế thì phải phủ nhận hiệp sĩ giang hồ dũng ở Luxitania tên là Huan đê Merlô, chuyến đi của chàng tới Borgônha, hai cuộc giao chiến của chàng ở tỉnh Rax với lãnh chúa nổi tiếng Sarni (còn gọi là ngài Pierêx) và ở tỉnh Baxilêa với ngài Enrikê đê Rêmextan, hai trận đã mang lại cho chàng thắng lợi và tiếng tăm lừng lẫy; phải phủ nhận cả những cuộc phiêu lưu mạo hiểm và những trận đọ sức ở Borgônha của hai hiệp sĩ Tây Ban Nha dũng cảm tên là Pêđrô Barba và Gutierê Kihađa (vị này có quan hệ họ hàng bên nội với tôi) đã đánh bại các con trai của bá tước Xan Pôlô. Nếu vậy thì hãy phủ nhận chuyện chàng Đôn Phernanđô đê Ghêvara đi tìm kiếm những cuộc phiêu lưu mạo hiểm ở Đức, tại đó chàng đã giao chiến với ngài Horhê, hiệp sĩ của dòng họ công tước Áo-đại-lợi; hãy coi là chuyện phiếm những trận đấu thương của Xuêrô đê Kinhônêx, những lời thách thức của ngài Luix đê Phalxêx đối với Đôn Gônxalô đê Guxman, hiệp sĩ ở Caxtiia, cũng như bao chiến công của các hiệp sĩ Ki-tô giáo khác ở trong và ngoài nước; đó là những chuyện có thật và tôi xin nhắc lại rằng kẻ nào phủ nhận những chuyện đó là một kẻ thiếu lý trí và suy xét.

Nghe Đôn Kihôtê thuyết trình, ông thầy tu không khỏi ngạc nhiên thấy chàng lẫn lộn giữa cái thật và cái giả, nhất là lại thấy chàng rất am hiểu về tất cả những vấn đề có liên quan đến nghề hiệp sĩ giang hồ của chàng; ông đáp:

– Thưa ngài Đôn Kihôtê, tôi không thể phủ nhận được rằng những điều ngài vừa nói có những câu đúng, đặc biệt là những chuyện về các hiệp sĩ Tây Ban Nha; tôi cũng xin công nhận là có mười hai vị đình thần Pháp, nhưng tôi không tin rằng họ đã làm được tất cả mọi việc như tổng giám mục Turpin tả. Sự thật thì họ là những hiệp sĩ được các ông vua Pháp chọn lọc và phong cho là đình thần hoặc còn gọi là những người đồng đẳng bởi vì những người này đều ngang nhau về đạo đức, phẩm chất và lòng dũng cảm; và dù họ không có những đức tính đó thì cũng phải cố gắng đạt tới. Đó là một tổ chức cũng giống như những tổ chức Xantiagô hay Calatrava ngày nay, và các thành viên của nó phải được coi là những hiệp sĩ dũng cảm và thuộc dòng dõi trâm anh. Cũng như ngày nay ta nói hiệp sĩ Xan Huan hay hiệp sĩ Alcantara, thời ấy người ta nói hiệp sĩ của tổ chức mười hai người đồng đẳng vì một số người được chọn vào tổ chức đó gồm mười hai vị ngang tài ngang sức nhau. Vị Đầu lãnh và hiệp sĩ Bernarđô đel Carpiô đều là những nhân vật thật nhưng về những chiến công của họ như thiên hạ đồn, tôi cho là phóng đại. Ngài có nhắc tới cái chốt ở con ngựa gỗ của bá tước Pierêx bày trong phòng vũ khí nhà vua, bên cạnh chiếc ghế của Babiêca; về điểm này, tôi xin nhận khuyết điểm là ngu dốt hoặc kém mắt nên chỉ nhìn thấy ghế mà không thấy chốt mặc dù nó rất to như ngài đã tả.

– Chắc chắn là cái chốt có bày ở trong phòng đó, Đôn Kihôtê đáp; người ta còn nói rõ rằng nó được đặt trong một cái bao bằng da thuộc để tránh ẩm mốc.

– Có thể là như vậy, thầy tu nói; về phần tôi là nhà tu hành, tôi xin nói là tôi không nhớ là đã nhìn thấy cái chốt. Nhưng dù tôi công nhận rằng cái chốt có bày ở phòng vũ khí, không phải vì thế mà tôi buộc phải tin vào những chuyện của các chàng Amađix cùng một xâu một xốc các hiệp sĩ khác; và cũng không có lý gì một người như ngài, có danh giá, có đủ mọi đức tính, có trí tuệ, lại tin vào những chuyện điên rồ kể trong những cuốn sách kiếm hiệp nhảm nhí.

Bình luận
× sticky