Chàng Đôn Kihôtê xuất chúng kể lại những chuyện kỳ lạ mà chàng đã gặp trong hang Môntêxinôx sâu thẳm, những chuyện phi thường không thể có, tưởng đâu cuộc phiêu lưu này là chuyện bịa
Lúc này là bốn giờ chiều. Mặt trời ẩn sau những đám mây, tỏa xuống một ánh sáng dịu và những tia nắng nhạt; trong không khí mát mẻ, thoải mái, Đôn Kihôtê đã kể cho các thính giả trứ danh 1 của mình những điều đã trông thấy trong hang Môntêxinôx, chàng mở đầu như sau:
Dưới miệng hang chừng mười ba, mười bốn đầu người, về phía tay phải có một cái hốc lớn có thể chứa được cả một cỗ xe lớn với la kéo. Qua một khe hở nào đó trên mặt đất, một tia sáng yếu ớt chiếu vào trong. Ta chợt nhìn thấy cái hốc đó vào lúc người đã thấy mệt và khó chịu vì cứ phải treo mình vào một sợi dây mà tụt xuống một nơi tối tăm vô định; thế là ta bèn ghé vào nghỉ chân. Lúc ấy, ta có kêu rằng các bạn đừng hạ dây nữa chừng nào ta chưa yêu cầu, nhưng chắc không ai nghe thấy nên vẫn tiếp tục thả xuống; ta bèn xếp lại thành vành rế rồi ngồi lên, trong bụng đang phân vân không biết làm thế nào để xuống tận đáy hang nếu không có ai giúp đỡ. Còn đang suy nghĩ mông lung, bỗng ta buồn ngủ lăn ra, rồi ta thấy mình tỉnh dậy, không hiểu vì sao và thấy mình đang ở trên một cánh đồng cỏ đẹp nhất, thú vị nhất mà tạo hóa có thể bày ra hoặc trí tưởng tượng phong phú nhất của con người có thể nghĩ ra được. Ta mở to mắt, giụi đi giụi lại, thấy mình không ngủ mà rõ ràng đang tỉnh; ta lại lấy tay sờ đầu, sờ ngực xem đích thị mình có phải ở nơi đó hay là ma quỷ nào nhập vào người. Sau khi đã sờ, đã cảm giác, đã suy xét, ta vẫn thấy mình như lúc này vậy. Rồi trước mặt hiện lên một tòa lâu đài nguy nga, tưởng như thể bằng pha lê trong suốt; hai cánh cổng lớn mở toang, từ bên trong bước ra một ông già đạo mạo, mình khoác một tấm áo choàng dài lê thê bằng nỉ tím, vai và ngực trùm một tấm khăn choàng bằng xa tanh, đầu đội mũ nhung đen, râu bạc phơ dài quá thắt lưng. Ông ta không mang vũ khí mà chỉ cầm một tràng hạt, hạt nhỏ cũng hơn trái hồ đào, còn to thì bằng quả trứng đà điểu. Thái độ, dáng đi, vẻ trang nghiêm và toàn thân con người ông khiến người ta vừa kinh ngạc vừa kính trọng. Việc đầu tiên khi ông gặp ta là ôm chầm lấy ta, rồi bảo: “Hỡi chàng hiệp sĩ Đôn Kihôtê xứ Mantra, đã bao lâu nay mong chàng tới để loan tin cho thiên hạ biết trong hang sâu tên gọi Môntêxinôx này có chứa đựng những gì; đây là một hành động oanh liệt dành cho trái tim vô địch và lòng dũng cảm phi thường của chàng. Mời quý khách hãy đi theo tôi; tôi muốn giới thiệu với ngài những kỳ công trong tòa lâu đài bằng pha lê này mà tôi là người cai quản vĩnh viễn vì tôi chính là Môntêxinôx; tên tôi đã trở thành tên cái hang này.
Nghe ông ta tự xưng là Môntêxinôx, ta vội nói: “Chẳng hay câu chuyện đồn đại ở trên trần về lão trượng có thật hay không? Người ta kể rằng lời thỉnh cầu của Đuranđartê lúc lâm chung, lão trượng đã dùng một con dao to bản lôi quả tim của chàng ra khỏi ***g ngực mang về cho Bêlerma 2 “. Ông già Môntêxinôx đáp là đúng như vậy, trừ chi tiết về con dao vì con dao này không to bản và cũng không nhỏ mà là loại dao găm mỏng lưỡi, nhọn như dùi thợ giày.
Nghe thấy vậy, Xantrô bảo:
– Con dao găm đó chắc là của Ramôn đê Ôxê 3 ở Xêviia.
– Ta không rõ, Đôn Kihôtê đáp, nhưng chắc không phải vì Ramôn đê Ôxê là chuyện mới, còn chuyện Rônxêxvaiêx – nơi xảy ra sự việc thương tâm này – cách đây bao nhiêu năm rồi. Dù sao, điều nhận xét của anh cũng không quan trọng gì và không làm giảm sự chính xác của câu chuyện ta đang kể.
– Đúng vậy, Chú em nói, xin ngài Đôn Kihôtê hãy kể tiếp, tôi đang nghe một cách vô cùng hào hứng.
– Tôi cũng đang kể với một vẻ hào hứng không kém, Đôn Kihôtê đáp. Xin tiếp tục, ông già Môntêxinôx đáng kính mời ta vào tòa lâu đài bằng pha lê và dẫn đến một căn phòng thấp mát lạnh xây toàn bằng đá trắng; trong phòng, trên một cái bệ cẩm thạch hay vân thạch như ta thường thấy ở các ngôi mộ khác, mà bằng xương bằng thịt hẳn hoi. Tay phải của chàng (một bàn tay lưa thưa lông và gân guốc, chứng tỏ chủ nhân của nó phải là một người lực lưỡng) đặt trên phía trái tim. Ta thấy kinh ngạc nhìn hiệp sĩ này nằm trên bệ, không phải để hỏi, Môntêxinôx bảo: “Đây là anh bạn Đuranđartê của tôi, từng là tinh hoa của các hiệp sĩ si tình và dũng cảm. Tên pháp sư người Pháp Merlin đã dùng thuật giam chàng ở đây cùng với tôi và bao nam nữ khác. Thiên hạ đồn rằng tên Merlin này là con đẻ của quỷ sứ, riêng tôi cho rằng hắn không phải con của quỷ mà hắn còn tinh hơn cả quỷ. Không ai biết bằng cách nào và vì sao hắn phù phép chúng tôi; thời gian sẽ trả lời và tôi nghĩ là sẽ không lâu nữa. Điều làm tôi ngạc nhiên là tôi đã nhìn rõ mồn một – như lúc này đây là ban ngày – thấy chàng Đuranđartê tắt thở trong tay tôi, rồi sau khi chàng chết, chính tay tôi đã moi tim chàng ra, một quả tim phải nặng tới một cân. Theo những nhà bác học, kẻ nào tim to, kẻ đó dũng cảm hơn người tim bé. Một khi chàng đã chết hẳn, làm sao chàng đôi lúc vẫn than thở như còn sống vậy?”. Môntêxinôx vừa dứt lời, chàng Đuranđartê bất hạnh thốt lên một tiếng kêu to rồi nói: “Ôi, anh Môntêxinôx của tôi! Đây là lời thỉnh cầu cuối cùng khi hồn tôi đã lìa khỏi xác, hãy dùng dao to bản hoặc dao nhọn moi trái tim trong ***g ngực của tôi rồi mang tới cho nàng Bêlerma”.
Nghe thấy vậy, Đôn Kihôtê kể tiếp, ông già Môntêxinôx đáng kính quỳ xuống trước chàng hiệp sĩ đáng thương, rưng rưng nước mắt nói: “Rồi, em Đuranđartê chí thiết của ta, ta đã làm theo lời thỉnh cầu của em trong cái ngày xấu đã mang bất hạnh đến cho chúng ta; ta đã rất khéo léo moi trái tim của em ra khỏi ***g ngực, không để sót một phần nhỏ nào, ta đã lau sạch bằng một chiếc khăn tay viền đăng ten và đã đem ngay sang nước Pháp sau khi đã vùi sâu thi hài em xuống lòng đất. Ta đã khóc em nhiều, và những giọt nước mắt của ta đã đủ để rửa sạch máu ở đôi bàn tay đã luồn vào ***g ngực em. Để có thêm bằng chứng, ta xin nói với chú em rằng tới một làng đầu tiên sau khi rời khỏi đèo Rônxêxvaiêx, ta đã bỏ một dúm muối vào quả tim của em cho nó khỏi có mùi, nếu không còn tươi thì ít nhất cũng còn nguyên vẹn khi trao cho phu nhân Bêlerma mà lão pháp sư Merlin đã dùng pháp thuật giam ở đây bao năm trời cùng với em, ta – giám mã Goađiana của em, bà quản gia Ruiđêra cùng bày người con gái và hai cháu gái của bà, chưa kể bao nhiêu bạn bè quen thuộc của năm trăm năm đã trôi qua, song không một ai trong chúng ta qua đời; riêng bà Ruiđêra cùng các con cháu của bà, vì quá khóc than nên Merlin đã mủi lòng biến họ thành những hồ nước mà ngày nay trên trần, ở xứ Mantra, người ta gọi là hồ Ruiđêra; bảy hồ (tức là bảy cô con gái nhà Ruiđêra), thuộc quyền của vua Tây Ban Nha, còn hai hồ (tức là hai cô cháu), thuộc quyền của các hiệp sĩ dòng thánh Huam. Vì quá thương cảm nỗi bất hạnh của em, giám mã Goađiana biến thành một con sông là sông Goađiana; khi con sông này nhô ra khỏi mặt đất và nhìn thấy mặt trời của một thế giới khác, nó buồn phiền vì đã bỏ em ở đây nên lại luồn sâu vào lòng đất; song, theo lẽ tự nhiên, nó không thể đổi chiều được nên đôi lúc nó lại hiện lên trên mặt đất để mặt trời và mọi người trông thấy nó. nước ở hồ Ruiđêra cùng nhiều hồ khác đổ vào sông Goađiana khiến nó chảy vào một con sông lớn khi chảy vào Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, khi chảy qua nơi nào đi chăng nữa, nó cũng tỏ ra buồn phiền nhớ nhung; dòng nước của nó chẳng nuôi những loài cá ngon, hiếm mả chỉ có những con cá rẻ tiền, vô vị, khác hẳn những con cá ở sông Taho vàng óng. Em ơi! Những điều ta vừa nói, ta đã nói với em bao lần song em không trả lời nên ta nghĩ rằng em không tin ta hoặc không thèm nghe những gì ta nói; chỉ có trời biết ta buồn phiền tới chừng nào. Hôm nay, ta mang đến cho em một tin mới, tuy không làm nhẹ nỗi đau của em song cũng không làm nó tăng lên. Em hãy mở cả hai mắt ra mà nhìn, trước mặt em là hiệp sĩ vĩ đại Đôn Kihôtê xứ Mantra, con người được pháp sư Merlin tiên đóan nhiều điều tốt lành; con người ấy, với những khả năng to lớn hơn những hiệp sĩ của các thế kỷ trước, đã làm sống lại trong ngày nay ngành hiệp sĩ giang hồ đã bị lãng quên. Với tài năng và sự giúp đỡ của chàng, chúng ta có thể được giải phép vì xưa nay, những chiến công vĩ đại thường dành cho những con người vĩ đại”. “Dù không được như vậy, anh chàng Đuranđartê đáp lại bằng một giọng yếu ớt, anh ơi, dù không được như vậy, cứ chịu khó chia bài” 4. Rồi chàng trở người nằm nghiêng, lặng im như trước, không thèm nói câu nào.
Vừa lúc đó, ta nghe có những tiếng kêu khóc, kèm theo là những tiếng rên rỉ, thổn thức não ruột. Ta quay nhìn qua, nhìn lại bức tường bằng pha lê thì thấy ở phòng bên có một đám thiếu nữ xinh đẹp tuyệt trần đang đi thành hai hàng, tất cả mặc đồ tang, đầu đội khăn trắng kiểu Thổ Nhĩ Kỳ. Đi sau cùng là một người đàn bà có dáng vẻ trang nghiêm, rõ ràng là một mệnh phụ, bà ta cũng mặc áo đen, ngòai khoác một tấm áo choàng trắng rộng và kéo lê dưới đất, khăn đội đầu to gấp đôi tấm khăn to nhất của các cô gái nọ. Bà ta có đôi lông mày giao nhau, mũi hơi tẹt, miệng rộng, môi đỏ; thỉnh thoảng bà ta để lộ một hàm răng thưa và không đều nhưng trắng như hạnh nhân bóc vỏ. Người đàn bà đó nâng một chiếc khăn tay mỏng trong đó ta nhận ra một quả tim ướp đã khô quắt. Ông già Môntêxinôx cho ta hay rằng đám thiếu nữ đi rước là thị nữ của Đuranđartê và Bêlerma. Một tuần, bà cùng đám thị nữ đó đi rước bốn ngày; họ vừa đi vừa hát, nói đúng hơn, họ rên rỉ những bài bi ca ai oán trước thi thể và trái tim đáng thương của chàng Đuranđartê. Mantra bảo ta: “Nếu ngài cảm thấy rằng nàng Bêlerma có phần kém sắc hoặc không được xinh đẹp như lời đồn đại, đó là nàng đã phải sống trong những đêm sầu thảm và những ngày còn sầu thảm hơn trong tình trạng bị phù phép, chứng cớ là mắt nàng có hai quầng to và nước da vàng vọt. Nước da đó và đôi mắt đó không phải do bệnh khó ở thông thường hàng tháng của phụ nữ vì đã bao tháng nay, thậm chí đã bao năm nay, nàng không biết tới bệnh đó nữa; đó là quả tim thường xuyên trên tay nàng đã làm cho nàng đau lòng và gợi lên trong ký ức nỗi bất hạnh của người tình xấu số. Nếu không vì lý do đó, vị tất nàng Đulxinêa làng Tôbôxô vĩ đại đã sánh kịp về nhan sắc mặc dù đã nghe khắp vùng này và khắp cả thế giới ca tụng”. Nghe thấy vậy, ta vội nói: “Thôi, thôi, ngài Đôn Môntêxinôx, ngài hãy kể chuyện của ngài thôi; hẳn ngài cũng biết mọi so sánh đều đáng ghét và ngài không nên đem so người này với người kia mà chỉ nên biết rằng nàng Đulxinêa làng Tôbôxô vô song không giống nàng Bêlerma, có thế thôi”. Môntêxinôx đáp: “Xin ngài Đôn Kihôtê thứ lỗi cho; thú thật tôi đã sơ suất khi nói rằng vị tất nàng Đulxinêa sánh kịp nàng Bêlerma. Chỉ cần tôi ngờ ngợ rằng ngài là hiệp sĩ của nàng, tôi thà tự cắn lưỡi còn hơn là đem nàng ra so sánh, dù là so sánh với ông trời”. Lời nói của ông già Môntêxinôx khiến ta hởi lòng hởi dạ trút hết nỗi bực tức khi thấy ông ta so sánh tình nương của ta và nàng Bêlerma.
Xantrô bảo:
– Tôi lấy làm lạ là sao ngài không nhảy lên người lão khọm già ấy mà giần cho tan xương và vặt cho trụi không còn sợi râu nào nữa.
– Không nên, anh bạn Xantrô ạ, Đôn Kihôtê đáp; làm thế không hay ho gì vì tất cả chúng ta đều phải tôn trọng người già dù họ không phải là hiệp sĩ, còn đối với người già là hiệp sĩ và đang bị phù phép, ta càng phải tôn trọng. Có điều chắc chắn là trong những câu hỏi và đáp giữa hai người, chẳng ai chịu lép ai đâu.
Chú em lên tiếng:
– Thưa ngài Đôn Kihôtê, tôi không hiểu bằng cách nào mà trong một thời gian ngắn ở dưới hang, ngài lại mục kích được nhiều việc và nói được nhiều chuyện thế.
– Tôi xuống đó được bao lâu, Đôn Kihôtê hỏi.
– Già một tiếng đồng hồ, Xantrô đáp.
– Không thể thế được, Đôn Kihôtê cãi, vì ta đã nhìn thấy mặt trời lặn rồi mọc, tất cả ba lần; như vậy, về phần ta, ta đã sống ba ngày ở nơi xa xôi khuất mắt người trần.
– Chắc là ông chủ tôi nói đúng, Xantrô bảo, vì tất cả những chuyện xảy ra với ngài đều có những bàn tay pháp sư phù phép. Nếu đối với chúng tôi, thời gian của ngài ở dưới hang là một tiếng thôi thì đối với ngài, nó phải là ba ngày cộng với ba đêm.
– Chắc vậy, Đôn Kihôtê đáp.
– Thưa ngài, chẳng hay ngài có ăn uống gì trong suốt thời gian ấy không? Chú em hỏi.
– Tôi không ăn một miếng nào cả, Đôn Kihôtê đáp; tôi không thấy đói và cũng không nghĩ tới chuyện đó.
– Thế những người bị phù phép có ăn không? Chú em lại hỏi.
– Họ không ăn và cũng không đi đại tiện, Đôn Kihôtê đáp. Tuy nhiên, thấy nói rằng móng tay, móng chân, râu và tóc họ vẫn mọc.
– Những người bị phù phép có ngủ không, thưa ngài? Xantrô hỏi.
– Tất nhiên là không, Đôn Kihôtê đáp; ít nhất là trong ba ngày ta sống với họ, không ai chợp mắt, kể cả ta.
Xantrô nói:
– Câu tục ngữ: gần mực thì đen, gần đèn thì rạng áp dụng vào đây quả thật hợp! Ngài giao du với những kẻ bị phù phép, không ăn không ngủ, vậy thì có gì lạ nếu ngài không ăn, không ngủ lúc gần họ. Nhưng thôi, ông chủ hãy tha lỗi cho, xin thưa là nếu tôi tin một chút nào vào tất cả những điều ngài đã nói thì Thượng đế (tôi định nói là quỷ sứ) cứ bắt tôi đi.
– Sao lại không tin, Chú em vặn lại, chả nhẽ ngài Đôn Kihôtê lại nói dối ư? Dù có muốn, ngài cũng không thể trong một thời gian ngắn bày ra cả triệu câu chuyện bịa như vậy được.
– Tôi không nghĩ rằng ông chủ tôi nói dối, Xantrô đáp.
– Nếu vậy, anh nghĩ gì? Đôn Kihôtê hỏi.
– Tôi nghĩ rằng lão Merlin hoặc những lão pháp sư đã phù phép bọn người mà ngài vừa gặp và nói chuyện ở dưới hang, chính lũ pháp sư đó đã nhồi vào đầu óc ngài tất cả những chuyện nhảm nhí mà ngài vừa kể hoặc sắp kể tiếp.
– Xantrô, lẽ nào lại như vậy, Đôn Kihôtê nói. Không phải thế đâu vì những điều ta vừa kể, ta đã nhìn tận mắt, sờ tận tay. Anh sẽ ăn nói làm sao bây giờ nếu ta kể cho anh rằng, trong bao điều kỳ lạ mà Môntêxinôx đã cho ta xem (ta sẽ kể dần trên đường đi vì lúc này không thích hợp), ông ta chỉ cho ta ba cô gái quê vừa đi vừa nhảy nhót như những con dê trên những cánh đồng xanh tốt; ta nhận ra một trong ba cô là nàng Đulxinêa làng Tôbôxô. Ta hỏi Môntêxinôx có biết ba người đó không, ông ta bảo không biết vì họ mới xuất hiện trên cánh đồng được ít lâu nay những chắc phải là những phu nhân quyền quý bị phù phép; ông ta bảo ta không nên lấy làm ngạc nhiên vì trong hang còn nhiều phu nhân của các thế kỷ trước cũng như thế kỷ này bị phù phép dưới nhiều hình thức kỳ dị, trong đó có hoàng hậu Hinêbra và thị nữ Kintanhôra chuốc rượu cho hiệp sĩ Lanxarôtê khi chàng từ Brêtanha tới.
Nghe chủ nói, Xantrô ngỡ rằng mình sắp hóa rồ hoặc sẽ cười lăn ra mà chết vì bác chẳng lạ gì câu chuyện bịp bợm về nàng Đulxinêa bị phù phép mà chính bác là pháp sư và cũng là người chứng kiến. Tin chắc chủ mình mất trí hoàn toàn, bác nói:
– Ông chủ quý mến của tôi ơi, ngài đã đi đến một thế giới khác vào một giờ hung và vô phúc gặp phải Môntêxinôx nên đã bị lão ta làm cho lú lẫn mất rồi. Trước khi xuống hang, đầu óc ngài còn tỉnh táo như Chúa đã ban cho, ngài nói năng khôn ngoan, chí lý chứ đâu có như bây giờ, nói toàn những chuyện nhảm nhí nhất mà người ta có thể bày đặt ra được.
– Ta biết tính anh rồi nên không để tâm những lời anh nói, Đôn Kihôtê đáp.
– Tôi cũng chẳng để tâm đến những lời của ngài, Xantrô đối đáp. Ngài có đánh tôi, giết tôi vì những điều tôi đã hoặc định nói, tôi cũng đành nếu ngài không sửa lại câu nói của ngài. Thôi, thế là thầy trò ta đã làm lành với nhau; bây giờ, xin hỏi ngài, làm thế nào và bằng cách nào mà ngài nhận ra bà chủ tôi? Khi nói chuyện với bà, ngài hỏi câu gì và bà trả lời ra sao?
– Ta nhận ra nàng ở bộ y phục nàng đã mặc khi anh dẫn nàng tới gặp ta trước kia, Đôn Kihôtê đáp. Ta hỏi nhưng nàng không nói năng gì mà quay ngoắt chạy trốn nhanh đến nỗi tên bắn không kịp. Ta định đuổi theo nhưng Môntêxinôx khuyên ta không nên tốn công vô ích, vả chăng lúc đó đã đến giờ ta rời khỏi hang. Trong tất cả những gì ta trông thấy, điều làm ta đau lòng nhất là khi ta nói chuyện với Môntêxinôx, một trong hai cô gái đi cùng với nàng Đulxinêa bất hạnh lẻn lại gần ta, đôi mắt đầy lệ, khẽ nói bằng một giọng bối rối: ” Bà chủ Đulxinêa làng Tôbôxô của tôi xin hôn tay ngài và xin ngài cho biết tình hình sức khỏe. Vì đang gặp cơn túng quẫn, bà chủ tôi khẩn khoản xin ngài vui lòng cho giật sáu đồng rêal hoặc có bao nhiêu cho vay bấy nhiêu.Bà chủ tôi cầm đỡ cái váy bằng sợi bông tôi mang theo đây và hứa sẽ hoàn lại trong thời gian ngắn”. Thấy chuyện lạ quá, ta quay sang hỏi ngài Môntêxinôx: ” Thưa ngài Môntêxinôx, chẳng lẽ những nhà quyền quý bị phù phép cũng túng quẫn ư?”. Ông ta đáp: “Thưa ngài Đôn Kihôtê xứ Mantra, hãy tin rằng cái mà thiên hạ gọi là sự túng thiếu có mặt khắp chốn khắp nơi, không tha một ai, kể cả những người bị phù phép; một khi bà Đulxinêa làng Tôbôxô cho người đến hỏi vay ngài sáu rêal với một vật đảm bảo chắc chắn như vậy, xin ngài cứ đưa, hẳn bà ta đang gặp khó khăn lớn”. Ta đáp: “Tôi không cần vật bảo đảm và cũng không cho vay đủ số tiền nàng hỏi vì chỉ còn bốn rêal”. Rồi ta đưa tiền (số tiền mà Xantrô đưa hôm nọ để bố thí cho kẻ nghèo dọc đường) và nói với cô gái: “Cô bạn hãy về thưa với bà chủ rằng nỗi khó khăn của nàng làm ta buồn phiền tận đáy lòng và ta muốn làm một Phucar 5 để cứu vớt nàng. Ta mong nàng biết cho rằng ta không thể và không được phép có sức khỏe một khi không được nhìn thấy dung nhan kiều diễm và không được nghe những lời nói tế nhị của nàng, và ta khẩn khoản cầu xin nàng vui lòng cho hiệp sĩ lang thang hèn mọn này được hầu chuyện. Cô hãy nói thêm rằng một lúc nào đó, không chờ không đợi, nàng sẽ được tin rằng ta đã thề, giống như hầu tước Đê Mantua đã thề trả thù cho cháu ngoại ngài là Balđôvinôx khi thằng cháu sắp tắt thở trên một ngọn núi; ngài đã thề là ăn không cần trải bàn và còn làm nhiều chuyện khác nữa chừng nào chưa báo được thù cho cháu. Ta cũng sẽ không nghỉ ngơi và sẽ đi hết bảy phần trái đất, đi nhiều hơn cả hoàng tử Đôn Pêđrô nước Bồ Đào Nha, chừng nào ta chưa giải được phép cho nàng”. Cô ta đáp: “Ngài làm được việc đó cùng nhiều việc khác nữa là nhờ có bà chủ tôi đấy”. Rồi cô ta cầm bốn đồng rêal, không cúi chào mà lại nhảy lộn một vòng, cao đến hơn hai thước.
Nghe thấy vậy, Xantrô gào lên:
– Ôi, lạy Chúa, chẳng lẽ lại có chuyện tuyệt vời đến thế xảy ra trên đời này ư? Chẳng lẽ lũ pháp sư và phép thuật của chúng lợi hại đến nỗi có thể biến người sáng láng như chủ ta thành người điên rồ ư? Ngài ôi, vì Chúa, xin ngài hãy nhìn lại; vì danh dự, xin hãy trở về với con người thật của ngài, đừng tin những chuyện nhảm nhí khiến cho ngài mụ mẫm, mất cả trí khôn.
– Xantrô, vì anh quá yêu ta nên mới nói thế, Đôn Kihôtê bảo, và vì anh không từng trải nên nghĩ rằng việc gì khó là không thể làm được. Nhưng thôi, như ta nói, ta sẽ kể một số chuyện nữa mà ta được chứng kiến ở dưới hang khiến anh sẽ tin những điều ta nói là sự thật, không phải bàn cãi gì hết.