Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Bụi trần lắng đọng

Chương 35: Kỳ tích

Tác giả: A Lai

Tôi đi vòng quanh khu nhà.

Thằng Trạch Lang, Nhi Y, Trác Mã và nhiều người khác vây lấy tôi.Trông họ đắc ý lắm, tưởng đâu họ không còn là gia nhân, đầy tớ của tôi.

Người đao phủ già cúi gập mình trước mặt tôi “Thưa cậu, con trai tôi theo hầu cậu nay đã được mở mày mở mặt”.

Mẹ thằng Trạch Lang chạm trán vào mũi ủng của tôi, nước mắt chảy tràn, nói “Thưa cậu, con cũng vậy”. Nếu tôi không bỏ đi thì nước mắt nước mũi của bà già này sẽ làm bẩn ủng của tôi.

Trên khoảnh trống trước nhà, tôi được người dân nhiệt liệt hoan hô. Nhưng hôm nay tôi không chuẩn bị phát kẹo cho họ. Lúc ấy tôi thấy ông thư ký. Xa nhà lâu ngày, tôi không nghĩ nhiều đến người nhà mà nghĩ nhiều đến ông thư ký. Lúc này Ung Bô đang ngồi dưới bóng mát cây hạnh đào, mỉm cười với tôi. Nhìn ánh mắt ông cũng biết ông ta nhớ đến tôi. Bằng ánh mắt, ông ta nói “Trông ra dáng lắm!”

Tôi đi tới, hỏi “Họ nói chuyện của tôi với ông chưa nhỉ?”

“Đã có chuyện nói đến tai tôi”

“Ông ghi chép cả rồi chứ? Ghi vào sổ phải không?”

Ông ta gật đầu rất trịnh trọng. Khí sắc của ông trông khá hơn rất nhiều so với khi ở tù và khi mới lên làm thư ký.

Tôi lấy từ trong áo khoác ngoài rộng thùng thình ra một tặng phẩm, đặt trước mặt ông ta.

Tặng phẩm là một cái bao da vuông vức, cái bao da mà các sĩ quan người Hán vẫn đeo bên hông.Tôi đã chú ý, cái bao da này để ông ta đựng sổ sách, bút và kính.Tặng phẩm này tôi nhờ bọn lái buôn mua lại của đám lính tráng người Hán, trong đó có một cái kính, một cây bút máy, một cuốn sổ bìa bọc da rất đẹp.

Thông thường, các Lạt ma trông thấy những gì quá khéo léo đều sợ rằng, trên đời sẽ có người không dành tâm trí cho Đức Phật và suy tư cho lẽ nhân duyên đời người. Ông thư ký không còn là một tăng lữ truyền đạo quá cuồng nhiệt.Tôi và ông ta ngồi trước một lọ mực và cây bút máy mà không biết phải làm thế nào để bơm mực vào bút. Mở nắp bút ra rồi lại đậy vào mấy lượt mà vẫn không biết cách bơm mực. Với một thứ sản phẩm khéo léo như vậy, một con người trí tuệ như Ung Bô cũng trở thành thằng ngốc.

Ung Bô cười. Mắt ông ta nói với tôi “Nếu là trước đây tôi sẽ từ chối cái thứ khéo léo này rồi đấy”.

“Nhưng bây giờ thì ông phải nghĩ cách để hiểu nó”.

Ông ta gật đầu.

Cuối cùng thì bà Thổ ti ra giúp bơm mực vào bút.Trước lúc đi, bà còn hôn tôi và nói với ông thư ký “Con trai tôi đem về nhà nhiều thứ tốt lắm. ông hãy ghi chép cho thật đầy đủ, con tôi cho ông cái bút máy của Mỹ đấy”.

Ông thư ký dùng cái bút máy viết mấy dòng lên giấy.Trời đất ơi, dòng chữ màu xanh! Trước đây tôi chỉ trông thấy chữ toàn là màu đen. Ông thư ký thấy dòng chữ màu xanh như màu trời, miệng ông cứ lắp bắp động đậy.

Tôi nghe thấy một âm thanh.

Đúng vậy, một âm thanh từ trong miệng của người không có lưỡi phát ra.

Ông ta đang nói, chẳng phải ông ta đang nói là gì? Ông ta nói!

Tuy là tiếng nói ú ớ không rõ, nhưng là tiếng nói. Không những tôi nghe thấy, mà cả ông ta cũng nghe thấy, vẻ mặt ông ta tỏ ra vô cùng kinh ngạc, ngón tay chỉ vào cái miệng đang mở to, mắt hỏi tôi “Tôi đang nói đấy ư? Tôi nói đấy ư?”

Tôi nói “Đúng, đúng vậy! Ông nói nữa đi!”

Ông ta gật đầu, cố từng tiếng để nói cả câu, tuy không rõ ràng, nhưng tôi nghe rõ ông ta nói “Chữ…đẹp…lắm…”.

Tôi hét to vào tai ông ta “Ông nói chữ đẹp lắm”.

Ông thư ký gật đầu “…Bút…của…cậu, tay…của…tôi…chữ…viết…ra…đẹp…lắm…”

“Trời đất, ông nói được rồi!”

“Tôi..nói…đấy…à?”

“Ông nói đấy”.

“Tôi…nói…được…à?”

“Ông nói được rồi”.

“Đúng không?”

“Đúng!”

Niềm vui làm mặt Ung Bô méo xệch. Ông ta cố lè lưỡi ra xem. Nhưng cái lưỡi chỉ còn một nửa dù cố đến đâu cũng không dài ra khỏi cửa miệng. ông ta không nhìn thấy lưỡi mình. Nước mắt từng giọt nhỏ xuống. Nước mắt rất tự nhiên trào ra.Tôi nói to với mọi người “Người không có lưỡi nói được rồi!”

Ngoài kia mọi người truyền nhanh lời tôi nói.

“Người không có lưỡi nói được rồi!”

“Người không có lưỡi nói được rồi!”

“Ông ta nói rồi”.

“Nói rồi!”.

“Nói rồi!”

“Nói rồi!”

“Nói rồi!”

“Ông thư ký nói được rồi!”

“Người không có lưỡi nói được rồi!”

Mọi người vừa to nhỏ truyền tai nhau tin giật gân kia, vừa vây lấy hai chúng tôi. Đó là một kỳ tích. Cái tin kích động mọi người như kỳ tích của chính mình, khuôn mặt và anh mắt cũng sáng lên. Phật sống Tế Ca nghe tin cũng chạy đến. Bao năm không gặp, ông ta già đi nhiều, vẻ hồng hào không còn, cây gậy trong tay là chỗ dựa cho thân thể.

Không rõ Ung Bô vui mừng hay sợ hãi, người ông run lên, trán vã mồ hôi. Đúng vậy, kỳ tích xuất hiện trên lãnh địa Thổ ti Mạch Kỳ. Người không có lưỡi nói được. Cả nhà Thổ ti cùng đứng trong đám đông, họ không biết chuyện này xảy ra là phúc hay là hoạ, cho nên ai cũng tỏ ra lo lắng. Mỗi khi có chuyện không bình thường, lại có người đứng ra giải thích, mọi người cùng im lặng chờ đợi, chờ đợi người giải thích.

Phật sống Tế Ca từ trong đám người đứng dậy, đến trước mặt tôi, nói với Thổ ti Mạch Kỳ mà cũng là nói với mọi người “Đây là sự chiếu cố của thánh thần! Là của cậu Hai đưa về! Cậu đi đến đâu kỳ tích xuất hiện đến đấy!”

Theo như ý ông ta nói, tưởng như tôi mất lưỡi nay nói được.

Phật sống vừa dứt lời, nét lo lắng trên khuôn mặt người nhà tôi cũng biến mất. Xem ra, trừ anh trai tôi, mọi người theo sau cha đến bên tôi như muốn bày tỏ chút gì đó với tôi, người sáng tạo kỳ tích này. Nét mặt cha rất trang trọng, chân bước thật chậm, làm tôi phải sốt ruột chờ đợi.

Nhưng không chờ cha đến, có hai người khoẻ mạnh bỗng nâng tôi lên vai, chỉ loáng một cái, tôi đã cao hơn hẳn mọi người.Tiếng hoan hô từ trong đám người nổi lên.Tôi ngồi trên cao, trên biển đầu người, nổi trên ngọn sóng reo hò hoan hô. Dẫu vậy, tôi vẫn thấy vẻ mặt nghi hoặc sợ hãi của cha tôi, nước mắt của mẹ và vẻ tươi cười rực rỡ của vợ.Tôi trông thấy người không có lưỡi nói được đứng một mình bên ngoài cơn xoáy lốc, hoà nhập với bóng râm của cây hạnh đào.

Đám người kích động vây quanh tôi đi vòng quanh mấy vòng trên khoảng đất trống, cuối cùng như ngọn lũ phá vỡ bờ đê, tràn ra cánh đồng lúa mênh mông. Lúa đã chín. Nắng dập dờn cuộn sóng trên ngọn lúa. Đoàn người cuốn theo tôi ra biển lúa vàng.

Tôi không sợ, nhưng không hiểu tại sao mọi người lại vui mừng cuồng nhiệt đến thế.

Những hạt lúa chín dưới chân mọi người bay tung lên, làm đau mặt tôi.Tôi đau quá phải kêu lên. Nhưng mọi người vẫn chạy như điên. Hạt thóc tung lên, bắn vào mặt tôi, không phải là những hạt thóc nữa mà là những đốm lửa.Tất nhiên, đồng lúa nhà Mạch Kỳ không phải rộng đến vô bờ. Cuối cùng, con sóng người tràn ra khỏi đồng lúa, đến bên một vách núi, cánh rừng đỗ quyên chắn ngang trước mặt, ngọn sóng đầu người trào lên vài đợt, cuối cùng dừng lại, tiếng hoan hô vang dậy, niềm vui chấm dứt.

Ngoảnh nhìn phía sau, đồng lúa không còn, vượt qua một vùng rộng lớn bị giẫm đạp là nhà tôi, cơ ngơi hùng vĩ của Thổ ti Mạch Kỳ. Đứng đây nhìn, cơ ngơi thật đơn độc, có cảm giác không biết đấy là đâu. Nỗi buồn vô cớ trào lên. Ngọn lũ nhào đến, ngọn lũ của những người dân thường cuốn trôi tôi, để lại ở kia những người của gia đình Mạch Kỳ. Đứng đây thấy họ vẫn còn ở trên khoảng đất trống. Chắc chắn họ vẫn chưa hiểu ra điều gì mới đứng ngẩn ngơ ở kia.Tôi cũng không hiểu tại sao. Nhưng tôi hiểu có chuyện nghiêm trọng. Chuyện này đã kéo xa khoảng cách giữa tôi và gia đình. Sự việc diễn ra nhanh chóng không còn kịp suy nghĩ, nhưng để nhích lại gần là rất khó khăn. Hiện tại, những người kia đã mệt, họ nằm trên thảm cỏ.Tôi nghĩ, chính họ cũng không hiểu tại sao lại làm như thế.Trên đời này nếu có kỳ tích xuất hiện, thì cũng không phải là kỳ tích của người dân. Sự điên cuồng này cũng giống như ngủ với phụ nữ cao trào đến cũng là lúc kết thúc. Kích động, dâng cao, chạy như điên, cuối cùng mệt nằm kia, giống như bùn đất sau trận mưa.

Hai thằng nhỏ mồ hôi ướt đầm, há hốc miệng như cá lên khỏi nước, trên mặt là nụ cười đần độn như nụ cười thường thấy trên khuôn mặt tôi.

Nắng mỗi lúc một gắt, mọi người ngồi cả dậy, từng tốp dăm ba người toả đi các hướng. Đến trưa, ở đây chỉ còn ba người là tôi và thằng Trạch Lang, Nhi Y.

Chúng tôi quay về.

Đồng lúa thật rộng, tôi đi toát cả mồ hôi.

Trên khoảng đất trốgn vắng vẻ, chỉ còn một mình Ung Bô ngồi kia, ngồi ở cái nơi buổi sáng chúng tôi gặp nhau.Trong nhà lặng lẽ, không một âm thanh.Tôi rất mong có người ra, mong họ gây nên tiếng động nào đó. Nắng thu gắt gao, nắng chiếu chói chang trên bức tường đá trông giống như bức tường được đúc bằng sắt. Mặt trời trên đỉnh đầu, bóng thu tròn dưới chân như thằng ăn cắp không muốn lộ mình.

Ung Bô nhìn tôi, vẻ mặt không ngừng thay đổi.

Từ ngày bị mất lưỡi, biểu hiện trên nét mặt ông ta mỗi ngày một phong phú. Chỉ trong một khoảnh khắc ngắn, nét mặt ông hiện đủ gió mưa, sấm chớp của bốn mùa.

Ông không nói gì nữa, mà vẫn chỉ nói chuyện bằng mắt với tôi.

“Cậu về rồi đấy ư?”

“Về rồi”.Tôi định nói mọi người cuốn tôi đi như thác lũ, rồi họ biến mất nơi hoang dã kia. Nhưng tôi không nói. Không sao nói ra được ý nghĩa sau sự việc, không nói ra nổi điều muốn nói.Thác lũ là một ví dụ, nhưng một ví dụ có ý nghĩa gì? Ví dụ chỉ là ví dụ, không có ý nghĩa gì.

“Cậu không biết đã xảy ra kỳ tích à?”

“Ông đã nói được”.

“Cậu ngốc lắm”.

“Có lúc như thế”.

“Cậu bị kỳ tích như nước cuốn đi”.

“Họ như thác lũ”.

“Cậu có cảm thấy sức mạnh không?”

“Sức mạnh lớn lắm, không sao cản nổi”.

“Vì không có phương hướng”.

“Phương hướng?”

“Cậu không chỉ hướng cho họ”.

“Chân tôi không tiếp đất, đầu óc mê man”.

“Cậu ở trên cao, họ dựa vào người trên cao chỉ hướng”.

Tôi nghĩ mình đã hiểu đôi chút. “Tôi sai ở đâu?”

“Cậu không muốn làm Thổ ti thật à?”

“Để tôi nghĩ xem, tôi nghĩ xem mình có muốn làm Thổ ti hay không”.

“Tôi nói Thổ ti Mạch Kỳ”.

Cậu Hai nhà Mạch Kỳ đứng dưới nắng gắt để suy nghĩ, trong nhà vẫn không động tĩnh. Cuối cùng tôi nói thật to vào nhà “Nghĩ!”

Tiếng tôi tan biến ngay dưới nắng.

Ung Bô đứng dậy nói “Kỳ…tích…không…đến…hai….lần!”

Lúc này tôi đã hiểu. Lúc bấy giờ tôi chỉ muốn vẫy tay để những gì cản trở tôi lên làm Thổ ti bị cuốn sạch. Chỉ có cái cơ ngơi này cản trở tôi, chỉ cần tôi vẫy tay, thác lũ sẽ cuốn trôi cái cơ ngơi kia đi. Nhưng tôi là một thằng ngốc, không chỉ cho họ phương hướng, mà cứ để cái năng lượng to lớn tràn ra đồng lúa, cuối cùng ngọn sóng vấp phải rừng cây đỗ quyên và vỡ tan tành.

Tôi đi chân trần về phòng mình, vẫn không ai ra gặp tôi. Ngay cả vợ tôi cũng không xuất hiện.Tôi nằm vật trên giường, nghe thấy chiếc ủng rơi xuống nền nhà, lại một chiếc khác rơi xuống. Âm thanh dội vào tai, chấn động tận tim.Tôi tự hỏi, kỳ tích hay là thác lũ? Sau đấy, tai vang lên tiếng thác lũ: hãy ngủ đi!

Tỉnh dậy, trời tối, đã lên đèn.

Tôi nói “Tôi đang ở đâu?”

“Em cũng không biết anh đang ở đâu”, tiếng Ta Na.

“Tôi là ai?”

“Là một thằng ngốc, một thằng ngốc đích thực”, tiếng mẹ tôi.

Hai người phụ nữ ngồi ở đầu giường, họ cùng gục đầu, không nhìn thẳng vào mắt tôi.Tôi cũng không dám nhìn vào mắt họ. Lòng tôi buồn vô hạn.

Đó là điều mà Ta Na hiểu tôi, nàng nói “Lúc này anh biết mình đang ở đâu không?”

“Ở nhà”, tôi nói.

“Biết mình là ai không?”

“Là một thằng ngốc, thằng ngốc nhà Mạch Kỳ”, vừa dứt lời thì nước mắt tôi trào ra, nước mắt nhanh chóng chảy tràn xuống mặt, tôi nghe rõ tiếng nước mắt nhỏ tí tách, nghe rõ tiếng giải thích của mình. “Từ từ thôi, từ từ rồi sẽ biết, nhưng sự việc biến đổi mau chóng!”

Mẹ nói “Hai con lại lên biên giới đi thôi. Xem ra, ở đấy mới là chỗ cho hai con”. Mẹ còn nói, sau khi Thổ ti “không còn”, mẹ cũng sẽ lên với chúng tôi. Mẹ biết, chờ đợi chúng tôi là những đêm không ngủ.Trước lúc rời khỏi phòng, mẹ còn để đầy dầu vào đèn. Vợ tôi khóc. Không phải tôi chưa bao giờ nghe tiếng khóc của phụ nữ, nhưng chưa bao giờ làm tôi buồn như lúc này. Đêm nay, thời gian trôi rất chậm. Đây là lần đầu tiên tôi cảm nhận được thời gian.Ta Na khóc rồi ngủ, nàng ngủ trong tiếng nức nở. Vẻ buồn của nàng làm tôi xúc động nhưng tôi vẫn ngồi dưới ánh đèn, sức nóng trên người cũng tan đi. Sau đấy, tôi cảm thấy lạnh.Ta Na thức dậy. Vẻ mặt nàng rất dịu dàng, nàng nói “Anh ngốc, anh vẫn ngồi thế à?”

“Anh vẫn ngồi thế”.

“Anh có lạnh không?”

“Lạnh”.

Lúc này nàng đã tỉnh ngủ hẳn, nghĩ lại chuyện ban ngày nàng lại co vào chăn, cặp mắt trở nên lạnh lùng, một lần nữa nước mắt lại trào ra. Lát sau, nàng lại ngủ tiếp.Tôi không muốn lên giường, lên giường cũng không ngủ được, tôi ra ngoài đi dạo. Cửa sổ buồng cha vẫn sáng đèn.Trong khu nhà yên tĩnh không một tiếng động, nhưng chắc chắn có gì đó đang diễn ra. Ban ngày, có lúc tôi có thể quyết định mọi việc. Lúc này là đêm, không giống với những tình huống ban ngày. Lúc này người khác quyết định mọi việc.

Trăng trên trời di chuyển chậm chạp, sự việc diễn biến chậm chạp, thời gian cũng chậm chạp trôI. Ai bảo tôi ngốc, tôi cảm nhận được thời gian, ngốc thì làm sao biết được thời gian?

Bình luận