Suốt cả mùa đông, càng ngày tôi càng chìm trong nỗi buồn mất chú, buồn đau âm thầm, lúc nào cũng khóc.
Cha mẹ tiếp tục gửi thư trách móc, khiến những người không biết chuyện tưởng rằng thằng con ngốc vứt bỏ cha mẹ trong cái lâu đài cũ ở quê, mà không phải chính họ đã bắt tôi phải xa gia đình.
Tôi không muốn quan tâm đến họ.
Tôi nằm trên giường nhìn bầu trời qua cửa sổ, nhớ đến chú, nước mắt lại đầm đìa. Có những lúc tôi trông thấy chú. Chú nói với tôi, chú theo một dòng sông lớn, linh hồn ra đến biển, những khi trăng sáng, chú muốn đi đâu thì đi.Tôi hỏi có phải chú đã mọc cánh như cánh máy bay? Chú trả lời, linh hồn không có cánh, nhưng muốn đi đâu thì đi. Chú bảo tôi, đừng buồn vì chuyện của chú, từ ngày có nhà Mạch Kỳ, sợ rằng chưa có ai vui như chú.Từ hôm ấy, nỗi buồn cứ tan dần.
Mùa hè rực rỡ đã đến, lúc nhớ đến chú trong lòng cũng không thấy buồn, chỉ tưởng tượng xem biển như thế nào.Ta Na có một đứa con, vì chuyện ấy mà chúng tôi cố gắng từ lâu.
Lúc mới đến với tôi, nàng sợ có con, uống rất nhiều viên thuốc màu hồng của Ấn Độ. Bây giờ nàng bắt đầu sợ không có con với tôi. Vì chuyện ấy, chúng tôi hoàn toàn huỷ bỏ những trò vui trên giường. Nàng quấn chặt lấy tôi.Tôi càng không muốn, nàng càng quấn chặt. Mỗi làn làm chuyện ấy, bộ mặt bức xúc và sợ hãi của nàng làm tôi cảm thấy nhạt nhẽo, không hứng thú. Nhưng nàng vẫn như con rắn, quấn lấy tôi. Nàng vẫn yêu tôi như trước, ít nhất nàng hiểu hơn tôi không phải là một thằng quá ngốc. Điều ấy cũng bởi nàng muốn trong bụng có giọt máu của tôi. Vì chuyện ấy mà hạ bộ của nàng cháy khô, thô ráp, giống như cửa hang của kẻ khổ hành, không còn gì hấp dẫn. Không ai muốn đến cái nơi khô cháy mầm xanh. Hôm nay nàng rủ tôi ra đồng. Để gợi hứng thú của tôi, nàng múa bụng, lắc mông, cặp mắt đung đưa vất vả. Nàng ném áo quần bừa bãi trên thảm cỏ.Tôi làm. Nhưng bên trong rất khô, không chờ phun mưa sức sống, tôi rút ra.Tôi nói, lo lắng sốt ruột và cái thứ thuốc viên của Ấn Độ đã sấy khô bên trong nàng.
Nàng khóc, vơ vội váy áo khoác lên người.
Một cô gái xinh đẹp, áo quần không tề chỉnh, khóc lóc làm cho ai cũng phải xót thương.Tuy bụng dưới vẫn còn nóng hầm hập, tôi vẫn ghé sát mặt sợ hãi và nói “Ta Na, đừng tự trách em, tại anh, tại anh, em đi tìm một người đàn ông khác thử xem, được không?”
Mái tóc buông xoã che kín mặt nàng, nhưng tôi vẫn thấy một tia sáng loé lên trong mắt nàng.
Nàng ngồi yên lặng một lúc rồi khẽ nói “Ngốc ạ, anh không buồn à?”
Tôi sờ tay lên ngực nàng, đúng là không có cái cảm giác như khi nàng ngủ với anh trai tôi.Tôi huýt sáo, hai con ngựa chạy đến. Chúng tôi lên đường.Tôi đã từng nghe nói, ngủ với người phụ nữ cửa mình khô rát sẽ tổn thọ.Tôi không biết có thật thế không, nhưng tôi biết mình làm cho nàng thêm vất vả.Trên lưng ngựa, tôi nói với Ta Na “Em cần một đứa con làm gì? Thấy cha mẹ anh đấy, họ chỉ mong không có con”.
Ta Na nói “Vì cha mẹ già rồi, sắp chết, sợ ngày cuối cùng chưa đến đã bị người khác cướp mất ngôi Thổ ti”.
Có một lúc chúng tôi không nói gì, chỉ nghe thấy tiếng vó ngựa túc tắc bước đi. Sau đó Ta Na hỏi tôi nói ra câu ấy có đau lòng không.
Tôi nói, không có cảm giác như khi nàng ngủ với anh trai tôi.
Ta Na khóc rất thương tâm. Nàng khóc suốt một đoạn đường dài. Nàng khe khẽ nức nở, trong tiếng nức nở đó, ngựa đi chậm lại. Một đàn ong và chuồn chuồn theo sau chúng tôi. Có thể, tiếng khóc của Ta Na giống với tiếng đồng loại của chúng.
Chúng tôi vào thị trấn, đám sinh vật nhỏ bé theo sau tản đi, bay về với hoa thấy cỏ lạ trên thảo nguyên.
Đúng vậy, bây giờ mọi người gọi cái chợ kia là thị trấn.Thị trấn một con phố. Về mùa đông, chỉ có những ngôi nhà bằng đất. Về mùa hè, hai đầu phố có thêm những dãy lều, đường phố dài thêm. Ngày thường, đường phố đầy bụi bay mù mịt. Hôm nay không như thế. Vài ngày hôm trước có một trận mưa vừa phải, làm cho mặt đường trở nên sạch sẽ, phẳng như gương, in rõ những dấu chân ngựa to như cái bát. Người đi lại trên phố đều khom mình cúi đầu chào tôi.Ta Na nói “Anh ngốc, anh không yêu em rồi”.
Nàng nói, tưởng như xưa nay vẫn yêu tôi lắm mà không phải tôi yêu nàng. Đó là con gái, đừng hy vọng con gái không lật ngược sự việc theo yêu cầu.
Tôi nhìn dấu chân ngựa trên mặt đường, nói “Em muốn có một đứa con kia mà? Anh không thể cho em một đứa con, không thể cho em một đứa con ngốc”.Thấy đấy, điều tôi nói không phải là điều tôi nghĩ, đó là đàn ông. Nhưng cuối cùng tôi vẫn là một thằng ngốc, vậy là tôi nói tiếp “Mọi người nói, làm cái chuyện ấy với người con gái âm bộ khô ráo sẽ tổn thọ”.
Ta Na nhìn tôi, nước mắt lưng tròng, làm ướt cả bờ mi vừa đen vừa dài của nàng. Nàng quất roi vào con ngựa đang cưỡi, chạy thẳng về nhà. Lúc này, tôi cảm thấy đau lòng.
Ta Na không cho tôi vào nhà, tôi gõ cửa hồi lâu nàng mới lên tiếng, bảo tôi đi tìm chỗ khác mà ngủ. Ông quản gia và Trác Mã đều nói, hãy dỗ nàng, nàng sẽ mở cửa. Nhưng tôi không dỗ, chỉ bảo Trác Mã soạn sửa cho tôi một phòng khác. Chúng tôi không phải con nhà nghèo đến nỗi không có giường chiếu chăn đệm.Trác Mã rất nhanh chóng chuẩn bị xong phòng.Tôi vào, trong phòng tất cả đều mới, đồ bạc, thảm trải nhà, giường, chăn đệm, lò sưởi, tranh treo tường…tất cả đều toả sáng.Trác Mã thấy tôi có vẻ ngỡ ngàng, cô thắp hương Ấn Độ. Mùi thơm quen thuộc xua đi không khí xa lạ, nhưng tôi vẫn ngỡ ngàng.Trác Mã thở dài nói “Thưa cậu, vẫn như cũ mà!”
Tại sao tôi lại không như cũ?
Trác Mã nói tôi ngủ trong một môi trường không quen thuộc, buổi sáng thức dậy sẽ không biết mình đang ở đâu. Cô ta định tìm cho tôi một cô gái.Tôi không đồng ý. Cô ta nói, buổi sáng ngủ dậy không có ai trả lời câu hỏi của tôi thì sao? Tôi bảo cô ta đi đi. Cô ta nói “Đó là thời khắc vô cùng quan trọng, xin cậu đừng tỏ ra ngốc nghếch”.
Tôi nói tôi không cần có gái.
Trác Mã nói khẽ “Trời đất, cái cô gái đẹp như yêu tinh kia làm cậu tôi thế nào rồi!”
Cô ta gọi ông quản gia và cả ông Dân đến. Vậy là chúng tôi phải thoả hiệp, không gọi gái, nhưng gọi hai thằng nhỏ đến, để hai đứa ngủ dưới thảm, sẵn sàng nghe tôi sai bảo. Buổi tối, ông Dân vuốt râu mỉm cười, ông quản gia doạ hai đứa kia nếu cậu có chuyện gì không vui thì sẽ giết chúng nó. Chúng như hai đứa trẻ ngơ ngác không biết gì.Thật ra, chúng đều đã lớn.Tôi không biết chúng bao nhiêu tuổi, cũng như tôi không biết tôi năm nay bao nhiêu tuổi. Nhưng chúng tôi đều đã lớn. Nghe ông quản lý doạ, thằng Trạch Lang cười khúc khích, thằng Nhi Y thì hỏi “Tôi là đao phủ, tại sao ông đòi giết tôi?”
Ông quản gia cười, nói “Tao không biết tự tay giết chúng mày hay sao?”
Thằng Trạch Lang nói “Đấy không phải là luật lệ của nhà Mạch Kỳ”.
Ông quản gia nói “Vẫn còn ông đao phủ già đấy”.
Hai thằng nhỏ mỗi khi có tôi chúng đều làm ra vẻ không thèm để ý đến ai, nhưng buổi tối, trước hết chúng không chịu đi ngủ, bảo chờ tôi đi ngủ rồi chúng mới ngủ. Sau đấy, cái cổ chúng không đỡ nổi cái đầu, cuối cùng chỉ còn mình tôi thức. Nghe tiếng ngáy như sấm của hai thằng thuộc hạ, tôi cứ lo sáng mai dậy chuyện cũ có quấy rầy tôi nữa không, không biết mình là ai, không biết mình đang ở đâu. Hai thằng không cởi quần áo, cứ vậy nằm lên giường. Buổi sáng tỉnh dậy, hai thằng kia đã đứng nghiêm chỉnh trước mặt tôi, chúng nói thật to “Thưa cậu, xin cậu hỏi việc của cậu đi nào”.
Nhưng tôi biết mình là ai, cũng biết mình đang ở đâu, khiến hai đứa vô cùng thất vọng.
Đêm ngủ tôi mơ thấy Thổ ti Mạch Kỳ.
Cơm trưa xong, tôi lại về phòng ngủ. Vừa chợp mắt thì nghe có tiếng chân rầm rập trên cầu thang, tôi tự nhủ, không phải người trong mơ đến. Chờ cho mọi người im tiếng, cánh cửa phòng bật mở. Mắt tôi bừng sáng, sau đấy cả căn phòng tối om.Tấm thân to bè của Thổ ti bịt ngang cửa, chắn hết ánh sáng. Quả nhiên con người trong giấc mơ đêm qua đến.Tôi nói “Cha tránh cửa kia ra, nếu không ban ngày của con bị biến thành ban đêm”.
Cha cười sằng sặc.Từ trong tiếng cười có thể nghe thấy tiếng đờm trong cổ họng cha. Ông đi tới, từ điệu bộ đi có thể thấy, người ông có thêm nhiều thịt. Cứ như vậy ông sẽ không thể đi lại thoải mái được.
Ông đi không nhanh, bà vợ đi trước, đến bên giường khom người xuống, đặt môi lên trán tôi. Âm bộ của vợ tôi đã khô khốc, vành môi vốn ướt át của mẹ tôi cũng đã khô khốc. Nước mắt của bà từng giọt từng giọt rơi lên mặt tôi. Bà nói “Mẹ nhớ con lắm!”
Mắt tôi cũng ướt nước.
Mẹ hỏi “Cha đến, con có vui không?”
Tôi nhảy ra khỏi giường, ôm lấy người đàn bà khô gầy vào lòng.Thổ ti tách mẹ con tôi ra, ông nói “Con ơi, cha đến nghỉ mát ở cung mùa hè của nhà Mạch Kỳ”.
Thổ ti coi cái nơi tôi kinh doanh nhiều năm nay là cung mùa hè. Bọn thuộc hạ rất phấn khởi, cho rằng Thổ ti sẽ đuổi tôi đi nơi khác.Thằng Trạch Lang muốn giúp tôi giải hoà Ta Na cũng nói, nếu chồng nàng ở đây không yên, nàng đành phải về ở với mẹ.
Cha vô cùng phấn khởi thấy việc mình đến đây giống như ném một tảng đá lớn xuống mặt hồ yên tĩnh. Cha nói với tôi “Con là tương lai của nhà Mạch Kỳ”. Ấy là cha đã thừa nhận tôi là người thừa kế vai trò Thổ ti Mạch Kỳ.
Đám thuộc hạ nghe thấy thế mới bình tĩnh lại.
Tôi lên làm người thừa kế Thổ ti Mạch Kỳ nhưng cũng chẳng bận gì, liền đi ra phố mua rượu.
Chủ quán bảo với tôi, em ông ta chạy xuống vùng người hán, xung vào quân đội người Hán.Thư của em ông ta nói, sắp sửa nổ súng đánh quân Hán đỏ. Nhiều năm thằng em sống lang thang, đến nhiều nơi trong vùng người Hán và các dân tộc khác. Chủ quán khoe, em ông ta tinh thông ít nhất là ba thứ tiếng, biết sơ sơ sáu bảy thứ tiếng khác.Tôi nói “Đáng tiếc!”.
“Có lúc tôi nghĩ, nếu cậu không phải là người của nhà Mạch Kỳ, anh em chúng tôi sẽ làm việc với cậu. Không rõ em tôi có về nữa không, nó cũng không quá bức xúc phục thù, chỉ muốn giết người thật quang minh chính đại, cho nên mới đi lính”. Chủ quán nói tiếp “Bây giờ đến lượt tôi giết Thổ ti Mạch Kỳ”.
Tôi nói với ông ta, Thổ ti Mạch Kỳ đang ở đây.
“Được lắm, để tôi giết, đầu xuôi đuôi lọt, việc gì cũng xong”. Nói rồi mặt ông ta tỏ ra buồn thương.
Tôi hỏi tại sao ông ta buồn như thế.
Ông ta trả lời “Tôi giết cha cậu, cậu giết tôi, như vậy chẳng phải đầu xuôi đuôi lọt là gì?”
“Nếu tôi không giết ông?”
“Tôi sẽ giết cậu, vì lúc ấy cậu là Thổ ti Mạch Kỳ rồi”.
Chủ quán bảo tôi đưa Thổ ti ra quán ông ta uống rượu.
“Ông vội kết thúc thế à?”
Mấy hôm sau, Thổ ti cùng hai bà vợ thưởng thức đủ cái tài chụp ảnh của thằng Nhi Y, tôi đưa họ ra phố để xem thằng Trạch Lang thu thuế, xem mọi người dựa vào tờ giấy để rút tiền ở hiệu bạc của ông Dân. Sau đó mới vào quán rượu. Chủ quán bày ra trước mặt Thổ ti một bát rượu có màu thật đậm, tôi biết rượu của qúan ông ta không có màu như thế này.Tôi cho một con rồi chết vào bát rượu. Có như vậy Thổ ti mới có cớ để gọi bát rượu khác. Lúc đổi rượu, tôi hắt bát rượu kia xuống chân chủ quán, kết quả, rượu làm cháy cả ủng của ông ta.
Cha uống xong rồi về trước.
Ông chủ quán ôm lấy cái chân bị rượu độc làm bỏng, ông ta nói “Cậu sợ tôi đầu độc cha cậu à?”
“Tôi sợ sẽ phải giết ông ngay. Nếu vậy, ông không có nổi một đứa con, ai sẽ báo thù thay ông? Nhanh nhanh lấy vợ đi thôi, lấy vợ để đẻ đứa con phục thù cho cha”.
Ông ta cười “Đấy đâu phải là đầu xuôi đuôi lọt, mà tôi thì cần đầu xuôi đuôi lọt.Tôi nói đầu xuôi đuôi lọt”. Ông ta hỏi “Cậu có biết anh em chúng tôi vì việc của cha mà phải chịu cực chịu khổ như thế nào không? Cho nên tôi không đẻ con để nó phải chịu khổ như chúng tôi”.
Tôi bắt đầu thương cho ông ta.
Lúc tôi ra về, ông ta đứng đàng sau nói “Như vậy cậu buộc tôi phải giết cậu sau lưng cha cậu đấy”.
Tôi không quay lại, nghĩ bụng, con người đáng thương này chỉ nói thế thôi. Lúc đầu, nếu thằng em ông ta không có sự trợ giúp của cái áo oan hồn màu tím, thì cũng không giết anh tôi. Hồi xưa, sát thủ phụcthù không nghĩ ngợi nhiều như hắn. Nếu nói những năm gần đây lòng người đổi thay, thì đó là một chứng minh.
Buổi tối, lúc tôi sắp ngủ, cha vào, nói tôi đã cứu cha thoát chết.
Cha nói, sáng sớm mai cha sẽ cho người đi giết chủ quán rồi đốt quán rượu, tuy trong đó không có gì đáng đốt.Tôi giảng giải đạo lý cho ông, giải thích không cần phải làm như thế.
Thổ ti suy nghĩ giây lát rồi nói “Giống như có ngườicướp ngôi Thổ ti của cha, nhưng rồi không cướp nữa, phải không?”
Tôi nghĩ, đúng là không có gì cản trở tôi giành được ngôi vị Thổ ti, nhưng tôi cũng không có suy tính gì để buộc cha phải thoái vị.
Cha nói “Nếu là anh con sẽ làm như thế “.
Nhưng anh đã bị giết.Tôi không nói lúc ấy cha không chịu nhường ngôi, mà chỉ nói “Con là đứa con khác của cha, anh ấy có mẹ của anh ấy, con cũng có mẹ riêng”.
Cha nói “Thôi được, tuỳ ý con, cha không giết người kia nữa, muốn nói gì đi nữa thì đây là địa bàn của con”.
Tôi nói “Đây cũng mùa hè của cha, nếu cha không muốn con ở đây, con sẽ đi nơi khác”.
Bỗng cha xúc động, nắm chặt cánh tay tôi, nói “Con, con biết cha đến đây để làm gì không? Cha biết mình không sống được bao lâu nữa. Sang thu, con về với cha. Cha chết, con sẽ là Thổ ti Mạch Kỳ”.
Tôi định nói gì đây, nhưng cha bịt miệng tôi, nói “Đừng nói với cha con không muốn làm Thổ ti, cũng đừng nói với cha con ngốc”. Lúc cha nói chuyện, Ta Na ngồi hát trong buồng của nàng. Dưới trời đêm, tiếng hát vọng đến phòng tôi. Cha lắng nghe rồi chợt hỏi tôi “Lên làm Thổ ti rồi con định làm gì?”
Tôi suy nghĩ mãi mà vẫn không nghĩ ra, lên làm Thổ ti rồi sẽ nên làm gì. Vẻ lúng túng hiện lên mặt tôi. Đúng vậy, trước đây tôi chỉ muốn làm Thổ ti, nhưng không nghĩ làm Thổ ti rồi sẽ làm gì? Tôi đã nghĩ kỹ, làm Thổ ti sẽ được những gì. Của cải ư? Gái ư? Đất đai rộng lớn ư? Nô bộc, thuộc hạ nhiều ư? Tôi không cần mất sức cũng đã có những thứ đó. Quyền lực. Đúng rồi, Quyền lực. Mà tôi cũng không phải không có quyền lực. Với lại, có nhiều quyền lực là để có nhiều của cải, gái, đất đai và nhiều nô bộc, thuộc hạ. Có nghĩa là, với tôi, làm Thổ ti không có ý nghĩa gì. Kỳ lạ là, tôi vẫn muốn làm Thổ ti.Tôi nghĩ, nhất định làm Thổ ti có những cái tốt khác mà mình chưa biết, nếu không, tại sao tôi lại khao khát làm Thổ ti như vậy?
Cha nói “Tốt lắm, con đã biết những chuyện đó, còn lại, buổi tối con không được ngủ yên, phải đề phòng ngay cả con mình”.
“Điều ấy con không sợ”.
“Tại sao không sợ?”
“Vì con không có con”.
“Không có con? Làm sao biết không có con?”
Tôi muốn nói với cha, bộ phận ấy của Ta Na đã khô, không thể sinh con, nhưng tôi nghe thấy tiếng mình “Vì con của cha là Thổ ti cuối cùng”.
Cha giật mình.
Tôi nhắc lại “Chẳng bao lâu nữa Thổ ti sẽ không còn”.
Tôi còn nói nhiều chuyện khác, nhưng không nhớ. Ở chỗ chúng tôi thường có những vị thần linh không thần tượng bỗng nhiên nhập vào người, nói lên những chuyện tương lai. Vị thần ấy gọi là thần phán về tương lai hậu vận. Những vị thần ấy lúc sống bị coi là kẻ phản nghịch, tức là những người như ông thư ký Ung Bô, sau khi chết, linh hồn không quy y, sẽ biến thành thần phán về tương lai hậu vận.
Cha quỳ xuống trước mặt tôi, nói “Xin hỏi, thần linh phán về tương lai hậu vận ở đâu?”
Tôi nói “Không có thần linh,chỉ có con của cha suy nghĩ như vậy”.
Cha đứng dậy, tôi phủi đầu gối cho cha, hình như đầu gôi cha dính nhiều bụi đất.Tuy trong nhà sạch sẽ, hễ sáng ra là có người dùng phất trần làm bằng đuôi bò trắng phủi sạch bụi, nhưng tôi vẫn phủi đầu gối cha không có lấy một hạt bụi. Động tác ấy của thằng ngốc rất có tác dụng, nụ cười lại nở trên khuôn mặt ảo não của cha. Cha thở dài, nói “Cha không biết rốt cuộc con có ngốc không nhưng cha biết chắc lời con nói vừa rồi là ngốc”.
Tôi nhìn rõ kết cục, các Thổ ti tranh hùng không còn. Cơ ngơi Thổ ti sẽ sụp đổ, một cọt bụi hình nấm bốc lên. Bụi tan, trong không trung, trên mặt đất sẽ không còn gì.
Thổ ti Mạch Kỳ cho rằng, lời của thằng con trai là ngốc nghếch.Thật ra, trong lòng ông vẫn tin lời tôi, chẳng qua miệng chỉ nói thế thôi.
Cha còn nói, Phật sống Tế Ca đã bói cho cha một quẻ, bảo mùa đông này cha sẽ gặp đại hạn.Tôi nói “Bảo Phật sống bói cho một quẻ khác, dù sao thì các Thổ ti đều không còn, nếu cha chưa chết cũng sẽ không tránh khỏi phải chuyển giao quyền lực”.
Cha rất nghiêm túc hỏi lại tôi “Con thấy còn lâu nữa không?”
Tôi nói “Mười năm đổ lại”.
Cha thở dài, nói “Nếu là dăm năm ba năm còn có thể, nhưng mười năm thì lâu quá”.Tôi nghĩ, có thể là năm năm, ba năm. Nhưng dù bao lâu đi nữa thì tôi cũng cảm thấy kết cục của ngày ấy, không phải thấy mà là cảm thấy. Cảm thấy thế giới sắp tới không những không có Thổ ti, mà tất cả các Thổ ti đều không còn.
Trước khi có Thổ ti, trên đất này có nhiều tù trưởng, từ sau khi có Thổ ti, tù trưởng đều biến mất. Vậy sau Thổ ti là cái gì, tôi không biết.Tôi thấy lâu đài Thổ ti đổ xuống, bụi bay lên, sau khi bụi lắng xuống sẽ không còn gì. Đúng vậy, không còn gì.Trên bụi đất ngay cả dấu chân chim cũng không thấy. Mặt đất phủ một lớp bụi giống như lớp lụa xốp nhẹ. Nhìn lại những người chung quanh, họ đều cúi đầu bận với công việc của mình. Chỉ có ông sư phụ người Hán và ông thư ký không có lưỡi ngẩn ngơ nhìn trời, nghĩ đến những việc không liên quan chung quanh và đang nghĩ về tương lai.Tôi nói với hai người về cảm giác của mình.
Ông thư ký nói, cái gì cũng có ngày mất đi.Trong con mắt ông ta là khuôn mặt ngơ ngác của tôi và mây bay trên trời.
Ông Dân nhắm mắt, nói với giọng kinh ngạc “Nhanh như thế được ư? Nhanh hơn cả dự đoán của tôi?” Ông mở cặp mắt trống trải, vuốt mấy sợi râu vàng hoe nói, trước tiên, khi đất nước lớn mạnh, tấn phong nhiều Thổ ti, về sau, đất nước lớn mạnh thêm, sẽ tiêu diệt Thổ ti. Nhưng lúc này đất nước đang suy yếu, để Thổ ti sống thêm vài trăm năm. Cặp mắt trống trải của ông sư phụ loé sáng “Coi như cậu nói, chỉ cần mười năm, đất nước sẽ giàu mạnh lên”.
Tôi nói “Có thể không cần đến mười năm”.
Ông sư phụ nói “Cái đầu lão già này có còn thấy được ngày ấy không?”
Tôi không có lòng dạ nào để trả lời ông ta.Tôi hỏi ông, tại sao đất nước lớn mạnh lại không còn Thổ ti? Ông nói, xưa nay ông không xem cậu Hai nhà Thổ ti Mạch Kỳ là ngốc, nhưng nói đến những chuyện ấy, thì người thông minh nhất trên đất này cũng là ngu ngốc. Vì không có một Thổ ti nào muốn thật sự biết đất nước là gì, dân tộc là gì.Tôi suy nghĩ giây lát, có thể ông ta nói đúng, vì khi tôi ngồi cùng các Thổ ti, chưa bao giờ nghe họ bàn những chuyện như vậy.
Chúng tôi chỉ biết, Thổ ti là vua của rừng núi.
Ông sư phụ nói, một đất nước hoàn chỉnh và lớn mạnh chỉ có một ông vua. Ông vua ấy tuyệt đối không để ai xưng vua, cho dù chỉ là một vị vua nhỏ bé. Ông ta nói “Cậu không lo thay đổi bởi vì cậu không sống trong thời đại Thổ ti nữa”.
Tôi không tin lời ông ta, vì tôi biết chung quanh tôi toàn là Thổ ti, cũng tức là sống trong thời đại Thổ ti. Hơn nữa, tôi đang chờ để lên ngôi báu Thổ ti.
Quan trọng hơn là, tôi chỉ thấy Thổ ti mất đi, mà chưa thấy tương lai.
Không ai thích cái tương lai mà mình chưa rõ.