Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thư Kiếm Ân Cừu Lục

Chương 9 – Nuốt hận đương gia theo chí lớn – Đau lòng trang chủ giết con yêu

Tác giả: Kim Dung
Chọn tập

Nhìn bốn kỵ-mã đang phóng ngựa phi tới, Lạc-Băng và Dư-Ngư-Đồng nhận ra người đi trước là một vị tiền bối râu tóc bạc phơ như tuyết. Người đó không phải ai khác hơn là Thiết-Đảm Trang-Chủ Châu-Trọng-Anh.

Thấy hai người có vẻ vội vàng và sợ hãi, gương mặt đầy vẻ uất hận và đau buồn, Châu-Trọng-Anh lấy làm lạ hết sức. Ông ta gò cương ngựa lại hỏi:

-Hai vị đi đâu mà lại vội vàng thế? Hãy quay trở lại cho chúng tôi được hân hạnh tiếp đãi. Chúng tôi có mời được danh y về để lo bệnh tình cho Văn tứ đương-gia đây. Trong lúc tôi vắng mặt có điều gì sơ xuất dám xin quý vị lượng tình mà tha thứ cho.

Lạc-Băng nghe hỏi mà tức giận đến độ không dằn nổi, chẳng nói chẳng rằng, rút ngay một ngọn phi đao ra phóng thẳng vào mặt Châu-Trọng-Anh. Thấy Lạc-Băng vung tay phóng phi đao tới chực giết hại mình, Châu-Trọng-Anh thất kinh la lên một tiếng. Vì chẳng chút đề phòng nên Châu-Trọng-Anh biết không thể nào bắt nổi phi đao ấy mà chỉ còn cách ngả người xuống lưng ngựa mà tránh thôi.

Mũi phi đao phóng không trúng Châu-Trọng-Anh nhưng lại thẳng đường bay ra phía sau nhắm vào người đệ tử thứ nhì của Châu-Trọng-Anh là An-Kiện-Cường. Thấy vậy, nhanh như cắt, An-Kiện-Cường rút thanh đoản đao ra gạt mũi phi đao kia lệch sang một bên.

Ngọn phi đao của Lạc-Băng rơi xuống đất, văng vào một thân cây lờn bên vệ đường, lóe lên hào quang sáng ngời hòa với ánh nắng đỏ thắm của vầng thái dương đang chiếu.

Sau khi tránh được phi đao của Lạc-Băng, Châu-Trọng-Anh bật thẳng người ngồi lại ngay ngắn trên lưng ngựa như cũ. Đang định hỏi Lạc-Băng vì cớ nào lại dùng độc thủ định hại mình thì lại nghe nàng mắng:

-Lão đừng nói câu nhân nghĩa với ai nữa! Xưa nay thiên-hạ lầm tưởng lão là một bậc chính-nhân quân-tử nghĩa khí trung can chứ có ngờ đâu thật ra lão là cái đồ lòng lang dạ sói, bất nhân bất nghĩa. Chỉ vì chúng ta quá tin lời Lục-Phỉ-Thanh sư bá giới thiệu lão là anh hùng hào kiệt, trượng nghĩa khinh tài, khuyên chúng ta tới đó tạm nương náu mà lánh nạn. Đến nay chúng ta mới rõ được mặt thật của lão thì có hối hận cũng không còn kịp nữa! Thì ra lão dụ chúng ta đến sơn-trang của lão để dàn cảnh, thông đồng với quân cẩu trệ mà ám hại Văn tứ đương-gia. Tiếc thay mũi phi đao của ta không giết chết được lão, nhưng hận này ta thề trước sau cũng phải trả.

Lạc-Băng cứ mắng ít câu lại khóc một hồi, khi thì vừa khóc vừa mắng khiến cho Châu-Trọng-Anh há hốc, chẳng hiểu đầu đuôi ra sao cả mà cũng chẳng thể mở miệng nói thành lời được.

Mắng chửi, than khóc một hồi, Lạc-Băng bỗng thúc ngựa lướt tới cầm thanh đao lăn xả vào chém Châu-Trọng-Anh. Thấy khí thế Lạc-Băng vô cùng dũng mãnh, Châu-Trọng-Anh không dám khinh thường bèn dùng thủ pháp nhanh nhẹn mà né tránh những đường đao hiểm ác ấy. Nhưng chung quy ông vẫn không hiểu được lý do gì khiến cho Lạc-Băng oán hận ông đến như thế.

Châu-Trọng-Anh chỉ né tránh mà thật tình không muốn động thủ với Lạc-Băng một chút nào cả. Ông ta chẳng có chút hiềm khích nào với Lạc-Băng, Dư-Ngư-Đồng và Văn-Thái-Lai nói riêng, và Hồng Hoa Hội nói chung. Là người từng trải giang hồ, nhiều kinh nghiệm sống, ông ta biết việc này phải có một lý do gì gây ra sự ngộ nhận cho nên Lạc-Băng mới có thái độ như vậy. Ông hiểu ngay đó là do lòng phẫn uất của Lạc-Băng mà gây ra chứ không phải nàng vô cớ, chủ tâm muốn lăng nhục ông ta.

Châu-Trọng-Anh vốn nổi danh là anh hùng nghĩa khí, Xưa nay thiên-hạ chỉ có ca tụng ông ta chứ chưa bao giờ chê trách một lời nào. Ông ta cũng là một kẻ sĩ, thà chết chứ không để cho ai đụng chạm đến danh dự của mình. Và mặc dù nóng tính, Châu-Trọng-Anh không phải là hạng người hồ đồ, lúc nào cũng muốn tìm hiểu tường tận bất cứ chuyện gì trước khi hành động. Do đó, đối với những lời mắng chửi, ông ta cắn răng mà nhịn chứ không thèm nói lại hay quyết phải một mất một còn với Lạc-Băng. Nhưng ông quyết phải tìm ra nguyên nhân chuyện này cho rõ trắng đen hư thực.

Thấy Châu-Trọng-Anh nhịn không nói một lời nào mà cũng chỉ tránh né những đường đao của mình, Lạc-Băng lại càng tức giận, cho là mình nói trúng tim đen của chủ nhân Thiết-Đảm-Trang nên ông ta cảm thấy lương tâm cắn rứt đôi phần thành ra mới chịu im lặng chứ không hoàn thủ.

Châu-Trọng-Anh đoán rằng nhất dịnh trong lúc ông ta vắng mặt, Thiết-Đảm-Trang đã xảy ra tai biến gì. Ông ta cũng không tin là người Thiết-Đảm-Trang đã chỉ điểm quan quân đến bắt Văn-Thái-Lai như lời Lạc-Băng đã lên án. Cả sơn trang, từ trên xuống dưới, luôn cả nhi nữ cũng được Châu-Trọng-Anh rèn luyện rất kỹ càng để có được một tấm lòng chánh trực trung can. Không có lý nào mà chỉ mới vắng mặt ông ta trong một thời gian ngắn ngủi như vậy mà người trong sơn trang của mình lại biến đổi tính tình mau lẹ như vậy.

Châu-Trọng-Anh tin rằng Mạnh-Kiện-Hùng và Tống-Thiện-Bằng là những đệ tử biết trượng nghĩa, không bao giờ làm những chuyện nào để có thể tổn hại đến danh dự của ông ta và Thiết-Đảm-Trang. Còn Châu-Anh-Kiệt thì vô tư, có biết gì về chuyện Văn-Thái-Lai mà nói đến chuyện ám hại. Hơn nữa việc tố giác Văn-Thái-Lai cho quan quyền tức là gieo họa lây đến cho Thiết-Đảm-Trang của ông ta. Chắc chắn người nhà của ông ta không thể nào dại dột đến như thế được.

Châu-Trọng-Anh vừa tránh đao của Lạc-Băng mà trong lòng rối như tơ vò, đầu óc hết sức bấn loạn. Lạc-Băng vẫn không chịu buông tha, tay tiếp tục múa đao chém tới, miệng thì mắng chửi không ngừng; mắng chửi một hồi thì lại khóc.

An-Kiện-Cường, người đệ tử thứ nhì của Châu-Trọng-Anh thấy sư phục đã hết lòng nhường nhịn mà Lạc-Băng còn làm tới thì không dằn được, bất chấp Châu-Trọng-Anh có cho phép hay không, cầm đao xông vào đấu trí mạng với Lạc-Băng.

Châu-Trọng-Anh thầm nghĩ phải có điều gì uẩn khúc bên trong, mà hiện tại nếu không bên nào chịu nhường nhịn thì không biết kết quả sẽ còn tai hại đến thế nào. Đắn đo một hồi, Châu-Trọng-Anh quyết định chịu thiệt thòi mà nhường nhịn nên ông ta nhảy vào giữa trận ác đấu, lớn tiếng gọi An-Kiện-Cường:

-Đồ đệ, không được vô lễ! Hãy lui ra! Còn nữ hiệp, xin ngừng tay cho lão phu hỏi một lời rồi sau đó muốn gì lão phu cũng xin tuân mệnh.

Dư-Ngư-Đồng nãy giờ đứng ngoài nhìn thấy Châu-Trọng-Anh không có một ác ý nào hay tỏ ra một cử chỉ nào gây hấn với Lạc-Băng mà chỉ im lặng, mặc cho Lạc-Băng mắng chửi, lại chưa hề đánh trả lại một đòn nào. Chàng thấy vậy liền khuyên Lạc-Băng:

-Tẩu tẩu! Công việc của chúng ta rất là khẩn cấp, không nên động thủ làm chi nữa. Hãy đợi cứu xong Tứ ca rồi sẽ trở lại Thiết-Đảm-Trang mà chất vấn, tính với họ sau cũng chưa muộn.

Nghe Dư-Ngư-Đồng nhắc đến chuyện cứu Văn-Thái-Lai, Lạc-Băng cảm thấy thật vô cùng hữu lý nên tạm gác chuyện trả thù Châu-Trọng-Anh sang một bên. Nàng nhìn Châu-Trọng-Anh với một vẻ khinh khi, nhổ một bãi nước miếng xuống đất rồi giục ngựa quay đi, phi thẳng một mạch.

Châu-Trọng-Anh sở dĩ tung hoành khắp thiên hạ, được mọi người sùng bái cũng chỉ vì ông ta luôn luôn lấy nhân nghĩa làm đầu mà đối đãi mọi người. Ông vẫn thường nói với mọi người rằng:

-Bình sinh, ta chỉ có hai điều đáng ghi nhớ, một phải tránh và một phải làm. Tránh là việc kết oán kết thù, và làm là việc giao du kết bạn.

Trong cả hai giới hắc bạch trên giang hồ, ai ai cũng khen Châu-Trọng-Anh là một người quân-tử hiếm có trên đời, luôn dùng ân nghĩa với thiên hạ. Có thể nói đây là lần thứ nhất trong đời Châu-Trọng-Anh bị chửi mắng, mà người chửi ông ta lại là một phụ nữ (#1)!…

Châu-Trọng-Anh liền quay sang tên tráng đinh hỏi chuyện. Tên tráng đinh quả quyết thuật lại rằng cả Châu phu nhân lẫn đại đệ tử Mạnh-Kiện-Hùng của ông ta tiếp đãi mấy người Hồng Hoa Hội rất là niềm nở mà chẳng có gì làm cho họ bất bình cả. Chính Châu phu nhân đã ra lệnh cho gã đi mời danh y về chữa trị cho Văn-Thái-Lai nên mới tình cờ gặp Châu-Trọng-Anh đi về cùng đường.

Châu-Trọng-Anh nghe xong càng lấy làm lạ, mặt buồn rầu, nóng lòng muốn biết rõ tự sự nên cố giục ngựa phi cho lẹ để mau mau về đến Thiết-Đảm-Trang. Chẳng bao lâu, bốn ngựa đã về tới sơn trang. Bọn tráng đinh thấy chủ nhân đã về tới nên cùng nhau ra đón rước.

Nhìn nét mặt ai cũng buồn bã lo sợ, Châu-Trọng-Anh biết ngay trong khi ông ta vắng mặt, trong nhà đã xảy ra tai biến. Vừa bước vào nhà, Châu-Trọng-Anh đã lớn tiếng gọi:

-Mạnh-Kiện-Hùng đâu, ra ngay ta bảo!

Một tên gia đinh thân tín vội thưa:

-Bẩm lão gia, lệnh cao đồ đã đưa phu nhân cùng thiếu gia ra sau núi lánh nạn rồi.

Châu-Trọng-Anh nghe xong chợt kinh hãi, biết có đại biến, ngả người ra ghế thở dài, không hỏi thêm được gì nữa.

Hai người lão bộc là Đinh-Thất và Trương-Bát đến ra mắt Châu-Trọng-Anh thuật lại tất cả từ đầu đến đuôi những gì đã xảy ra trong Thiết-Đảm-Trang từ lúc ông ta đi khỏi. Châu-Trọng-Anh hỏi cặn kẽ về tình hình Văn-Thái-Lai bị Trương-Siêu-Trọng bắt dẫn đi ra sao thì hai người lão bộc thưa rằng:

-Bẩm lão gia, bọn quan quyền sau khi bắt Văn tứ gia liền giải đi ngay nhưng chắc cũng chưa đi xa lắm đâu. Chúng tôi có đi theo dọ thám thì biết được Trương-Siêu-Trọng không đi đường lớn mà lại đi theo đường nhỏ ven rừng.

Châu-Trọng-Anh gật đầu, biết hai người nói thật vì nếu Trương-Siêu-Trọng đi đường lớn ắt dọc đường thế nào cũng đụng phải ông ta. Đinh-Thất lại nói:

-Lúc đàm quan quyền đi khỏi, tôi có cho người lên báo cho Mạnh gia hay, chắc cũng sắp về đến nơi rồi.

Châu-Trọng-Anh lại tiếp tục hỏi:

-Ba người, Văn-Thái-Lai, Lạc-Băng và Dư-Ngư-Đồng được Mạnh-Kiện-Hùng giấu kín dưới địa huyệt. Chẳng hay người nào trong nhà đã nói cho Trương-Siêu-Trọng hay. Ta chắc chắn như vậy vì trừ khi có kẻ tiết lộ bí mật thì làm sao hắn biết được!

Bọn tráng đinh sau khi nghe câu hỏi này thì không ai dám hé môi ra cả mà chỉ lấm lét, tên nọ nhìn tên kia. Tên nào tên nấy mặt mày lấp ló như che dấu điều gì. Châu-Trọng-Anh thấy vậy liền hiểu ngay là có ẩn tình nên trợn mắt giận dữ thét lên như sấm. An-kiện-Cường thấy sư-phụ nóng giận quá đỗi thì cũng chẳng dám một lời khuyên can vì chàng biết rõ tính sư-phụ xưa nay nếu một khi đã nổi trận lôi đình thì những lời khuyên can chỉ là dầu chế thêm vào lửa mà thôi.

La hét một hồi, Châu-Trọng-Anh lại ngồi buồn rầu trầm tư, suy nghĩ. Lòng vẫn mang nặng uất khí chưa tan. Lúc đó bên ngoài có tiếng người giật chuông nhưng mọi người đều đứng im chờ lệnh của Châu-Trọng-Anh chứ không ai dám ra. Châu-Trọng-Anh thấy vậy hét lớn lên:

-Chúng bây còn đứng đây đợi gì nữa? Mau ra ngoài xem có phải Mạnh-Kiện-Hùng về không thì gọi y vào đây cho ta bảo!

Châu-Trọng-Anh vừa dứt lời thì Mạnh-Kiện-Hùng từ bên ngoài hớt ha hớt hãi chạy đến trước mặt Châu-Trọng-Anh bái kiến, vấn an:

-Bẩm, sư-phụ về lâu chưa?

Châu-Trọng-Anh chỉ khẽ gật đầu nhận lời vấn an của người đại đệ tử chứ không trả lời. Với giọng hằn học, ông ta nhìn Mạnh-Kiện-Hùng hỏi:

-Nói mau! Ai đã tiết lộ địa huyệt nơi Văn-Thái-Lai trú ẩn? Mi phải nói thật, không được giấu diếm nửa lời!

Có thể nói từ khi bái sư cho tới nay, chưa bao giờ Mạnh-Kiện-Hùng nhìn thấy gương mặt Châu-Trọng-Anh giận dữ như bây giờ. Chàng hết sức do dự, nửa muốn thú thật, nửa không muốn.

Nếu Mạnh-Kiện-Hùng nói thật thì chàng biết rõ thật nguy cho Châu-Anh-Kiệt. Nhưng từ trước đến nay Mạnh-Kiện-Hùng cũng chưa bao giờ dám nói dối sư-phụ một điều gì. Không nói thì không được, mà nói thật chàng dư biết là không xong, sẽ có chuyện lớn.

Nhìn thấy thái độ sợ sệt lo lắng, do dự của Mạnh-Kiện-Hùng, Châu-Trọng-Anh lại lớn tiếng hỏi:

-Đứa nào đã tiết lộ bí mật? Mi còn chưa chịu nói? Định giấu ta nữa sao!

Mạnh-Kiện-Hùng giọng run run, khẽ nói:

-Bẩm sư-phụ, chẳng có ai tiết lộ cả, bọn chó săn chim mồi đó tự đánh hơi mà tìm ra được đó thôi!

Châu-Trọng-Anh không tin, vỗ thật mạnh vào bàn, thét lên như sấm nổ vang ngay tai mọi người:

-Mi đừng nói láo! Cái địa huyệt của ta bí mật kín đáo như thế thì cho dù bọn Trương-Siêu-Trọng có lục soát tháng này qua năm nọ đi chăng nữa vị tất đã tìm ra, nữa là chỉ có vài tiếng đồng hồ! Mi bảo rằng bọn ưng khuyển triều đình kia tự đánh hơi thì đánh hơi làm sao, mau thuật lại tỉ mỉ đầu đuôi cho ta nghe!

Mạnh-Kiện-Hùng đứng trân người như khúc gỗ, cúi gầm mặt xuống mà không mở miệng ra nói được một lời nào.

Châu phu-nhân cũng dắt Châu-Anh-Kiệt về cùng lúc với Mạnh-Kiện-Hùng nên có mặt ở đấy, được chứng kiến mọi chuyện ngay từ đầu. Thấy trượng-phu (#2) quá giận dữ bèn dắt con lại gần, hy vọng rằng nhìn thấy hao người, tình nghĩa vợ chồng và tình phụ tử sẽ làm nguôi giận được ông ta.

Châu-Trọng-Anh thấy trên tay Châu-Anh-Kiệt cầm chiếc Thiên-Lý-Cảnh, lòng bỗng hoài nghi liền ngoắc con lại bảo:

-Kiệt nhi, con mau lại đây cho cha hỏi!

Châu-Anh-Kiệt run sợ đi đến trước mặt cha. Châu-Trọng-Anh nhìn rồi chỉ vào chiếc Thiên-Lý-Cảnh rồi hỏi:

-Cái này ở đâu mà con có được?

Châu-Anh-Kiệt nghe hỏi mà tái xanh lại, mặt cắt không còn giọt máu. Châu-Trọng-Anh cầm cái roi ngựa giơ lên cao nói lớn:

-Con còn chưa chịu nói? Có muốn cha đánh chết ngay bây giờ không?

Châu-Anh-Kiệt mếu máo, chỉ muốn òa lên khóc nhưng lại không dám, chỉ khẽ liếc mắt nhìn mẹ như van lơn cầu cứu. Châu phu-nhân thấy vậy liền chạy đến ôm con vào lòng, thiết tha cầu khẩn kêu xin:

-Ông à! Con nó còn nhỏ, có biết chi đâu! Lẽ nào vì giận dữ mà ông lại đánh chết nó hay sao? Chúng ta chỉ có mỗi một mình nó là con trai để nối dõi cho giòng họ Châu đó! Dù sao thì ông cũng nên nghĩ đến khí huyết…

Châu phu-nhân nói đến đây bỗng nhiên nghẹn ngào, hai hàng nước mắt trào ra như mưa, không nói thêm được lời nào nữa. Châu-Trọng-Anh như chẳng thèm để ý đến lời vợ, ông ta giá roi ngựa lên đầu Châu-Anh-Kiệt giận dữ nói lớn:

-Mày mà không nói thì tao đánh chết! Tao không cần gì đến giòng giống với khí huyết chi cả!

Châu phu-nhân chụp lấy cái roi ngựa năn nỉ:

-Ông mới vừa về đến nhà, chưa biết rõ nguồn cơn ra sao mà lại nhẫn tâm định giết con như vậy? Chắc ông nghĩ nó không phải là con ông nên ông mới muốn giết nó chứ gì?

Mạnh-Kiện-Hùng cùng đám đệ tử và tráng đinh nghe Châu phu-nhân xin tha cho con bằng những lời cà kê dê ngỗng như vậy thì không khỏi cười thầm trong bụng. Nhưng khi nhìn nét mặt hầm hầm của Châu-Trọng-Anh thì chẳng một ai dám nhếch môi hó hé. Đám đệ-tử xin cáo lui ra sau vườn hoa tập võ, còn đám tráng đinh thì xin cho ai trở về làm việc nấy của sơn trang. Tất cả biết đây là chuyện riêng của gia đình Châu-Trọng-Anh nên không muốn dính vào. Mà có muốn dính vào cũng không dám.

Châu-Trọng-Anh dùng tay dãn vợ con ra hai nơi nói:

-Đừng hòng đem tình cảm mà chi phối được lòng ta!

Sau đó ông trợn mắt nhìn Châu-Anh-Kiệt nạt lớn:

-Ai cho mày vật này? Nói mau, không thì chết!

Châu phu-nhân biết cơn thịnh nộ của chồng đã bốc lên như hỏa-diệm-sơn, (#3) thật khó mà dập tắt nổi nên bèn đổi chiến thuật, dỗ ngọt con:

-Hài nhi, cha hỏi thì con mau trả lời đi. Người nào trong nhà đã cho con vật này con cứ thành thật mà nói rồi trả lại cho người ấy, và cúi đầu trước cha mà xin tha tội. Mẹ sẽ cho tiền con mua cái khác.

Châu-Anh-Kiệt thật thà nói:

-Không phải người nào trong nhà cho con vật ấy đâu mẹ ạ!

Châu phu-nhân khôn khéo cố mớm lời cho con:

-Thế thì ai cho người trong nhà rồi người trong nhà cho lại con thì con cứ nói thật cho cha nghe, chắc cha sẽ thương con thật thà nhỏ dại mà không bắt tội đâu. Nói đi con! Đừng dại mà làm thinh để cha giận!

Châu-Anh-Kiệt rụt rè, khẽ nói:

-Vị quan-nhân vào nhà mình cho con đó.

Châu-Trọng-Anh biết Thiên-Lý-Cảnh là vật lạ quý báu của Tây-phương chứ người Á-Châu không có. Vật này cho dù là quan đại thần cũng chưa chắc có được chứ đừng nói là phú hộ; còn thường dân thì miễn bàn. Lý do vì không có một cửa hàng nào bày bán thứ này cả, cho nên dù có tiền cũng không làm sao mua được. Vì vậy, vị quan-nhân nào đến Thiết-Đảm-Trang mà dám khảng khái tặng cho con ông ta vật bảo vật này ắt phải có một ẩn ý nào bên trong. Đem chuyện vị quan-nhân đến nhà, cộng thêm với thái độ rụt rè úp mở của Mạnh-Kiện-Hùng và bọn tráng đinh, Châu-Trọng-Anh đã đoán ra đầu đuôi câu chuyện cả mười phần. Ông chắc chắn là vị quan-nhân kia đã dùng chiếc Thiên-Lý-Cảnh này làm mồi dụ dỗ Châu-Anh-Kiệt để nó chỉ chỗ Văn-Thái-Lai cho quan quân bắt lấy.

Hiểu rõ được sự tình, mồ hôi Châu-Trọng-Anh tuôn ra nhễ nhại khắp cả người. Ông ta cảm thấy cả châu thân như muốn rét run lên. Đột nhiên, giọng của Châu-Trọng-Anh như lắng dịu xuống hẳn:

-Kiệt nhi! Mau đem cái vật ấy đến cho ta xem thử ra sao.

Thấy cha có vẻ như đã nguôi giận, Châu-Anh-Kiệt hơi yên tâm, bước tới cầm Thiên-Lý-Cảnh đưa cho Châu-Trọng-Anh. Sau khi đón lấy Thiên-Lý-Cảnh, Châu-Trọng-Anh không thèm nhìn qua mà cầm lấy nhắm vách tường đập vào một cái bể nát ra. Tiện tay, ông ta nắm cứng Châu-Anh-Kiệt lại quát:

-Đứng im cho cha hỏi chuyện!

Châu-Trọng-Anh kéo Châu-Anh-Kiệt lại gần hỏi:

-Phải mày chỉ chỗ mấy vị khách trốn dưới địa huyệt cho vị quan-nhân kia biết phải không? Ngoài mày ra thì còn ai vào đây nữa!

Đứng trước mặt cha, Châu-Anh-Kiệt chẳng dám nói dối nên gật đầu thú nhận. Châu-Trọng-Anh quay lại nói với Châu phu-nhân rằng:

-Bà mau thắp nhang trên bàn thờ ông bà và bàn thờ tổ sư cho tôi ngay bây giờ!

Châu phu-nhân chẳng hiểu ý tứ làm sao, nhưng nghe chồng bảo như vậy thì cứ tuân lời mà làm theo.

Châu-Trọng-Anh là đệ tử của môn phái Thiếu-Lâm chánh tông, được sáng lập ra bởi Đạt-Ma Tổ-Sư.

Đèn nhang đốt lên, mùi hương trầm thơm ngát. Ánh sáng rực rỡ làm cho bức tượng Đạt-Ma Tổ-Sư trên bàn thờ càng tăng thêm vẻ uy nghiêm. Châu-Trọng-Anh cầm ba nén hương đưa ngang trán, miệng khấn vái lâm râm rồi quỳ xuống bái lạy. Lễ bái thần vị của tổ-sư xong, Châu-Trọng-Anh bảo Châu-Anh-Kiệt bái lạy như mình.

Trước ánh nến chiếu rọi trên bàn thờ, Châu-Trọng-Anh nhìn thấy mặt con như trăng rằm, mắt sáng môi son, khôi ngô tuấn tú, trông rất dễ thương bỗng cảm thấy đau lòng như dao cắt. Ông ta nghiêm nghị hỏi:

-Anh-Kiệt! Lâu nay con có thiếu nợ gì ai không? Con có mượn người nào tiền bạc mà chưa trả không? Mau nói cho cha biết!

Châu-Anh-Kiệt nói:

-Thưa cha, con không thiếu nợ ai mà cũng chẳng mượn ai đồng nào.

Châu-Trọng-Anh lại hỏi:

-Thế con có giữ lại của ai vật gì mà chưa trả cho người ấy không?

Châu-Anh-Kiệt đáp:

-Con có giữ mấy quả Ô-Mai của chị Minh-Nhi, em gái của Mạnh-Kiện-Hùng đại ca gửi cho con giữ lúc ra chơi sau núi.

Vừa nói, Châu-Anh-Kiệt vừa móc trong túi áo ra mấy quả Ô-Mai trao cho Châu-Trọng-Anh xem. Cầm mấy quả Ô-Mai để lên bàn, Châu-Trọng-Anh nói:

-Để rồi cha sẽ đích thân trả cho Minh-Nhi, con đừng lo ngại chi cả, cứ an tâm đi.

Lần này Châu-Trọng-Anh nói với Châu-Anh-Kiệt bằng lời lẽ hết sức dịu dàng trìu mến, tình thâm ý thiết, ngữ khí ôn hòa dị thường mà chưa ai từng thấy ông ta đối xử với con như thế bao giờ. Ông ôm Châu-Anh-Kiệt vào lòng, đưa bàn tay gân guốc lên vò đầu xoa trán nâng niu nó chẳng khác nào một người cha vui với con thơ lần cuối trước khi từ biệt đi xa mà không hẹn ngày trở về. Trước cử chỉ thương yêu trìu mến của cha, Châu-Anh-Kiệt cảm thấy sung sướng vô cùng.

Châu-Trọng-Anh lại nói với Châu-Anh-Kiệt rằng:

-Con hãy hướng mặt vào mẹ mà bái tạ công ơn cưu mang và dưỡng dục đi.

Châu-Anh-Kiệt riu ríu vâng theo lời, tới trước mặt mẹ cúi đầu lạy tạ. Lúc bấy giờ Châu phu-nhân mới hiểu rõ là chồng có ý định sắp sửa giết con nên khóc rống, lên nức nở ôm chặt Châu-Anh-Kiệt vào lòng.

Châu-Anh-Kiệt cũng hiểu cái chết đang chờ nó trong giây phút một khi nó hành lễ lạy trả công ơn sinh dưỡng xong, và hai mẹ con nói lời vĩnh biệt, vì cha nó nhất định không tha cái tội tiết lộ cơ quan địa huyệt để Trương-Siêu-Trọng bắt Văn-Thái-Lai mang đi.

Cho dù Châu-Trọng-Anh nghĩa khí cao ngất, nhưng lòng ông ta vẫn chưa phải là sắt đá. Trước những giây phút cuối cùng của tấm thảm kịch sinh ly, Châu-Trọng-Anh cảm thấy như mình đăng đứt từng khúc ruột. Không còng bao lâu nữa, chính tay ông ta sẽ đoạn tình phụ tử.

Tuổi của Châu-Trọng-Anh đến lúc về chiều mới sinh được một mụn con trai. Ông ta thương con hơn tất cả ngọc ngà châu báu, cũng như tất cả sự nghiệp và luôn cả tánh mạng của chính mình. Thấy Châu-Anh-Kiệt thông minh tuyệt chúng, đỉnh ngộ hơn người ông vẫn mong rằng sau này ngoài việc nối dõi tông đường, đứa con trai này còn nối chí được ông ta, vì môn phái Thiếu-Lâm chánh tông mà lãnh đạo các môn phái võ lâm tại vùng Tây-Bắc. Vì vậy, Châu-Trọng-Anh bỏ hết công sức rèn luyện cho con, từ bản lãnh, tính tình, cho đến đức độ, mong rằng mai sau khi bước vào đời sẽ có được khả năng đối đầu với tất cả mọi nghịch cảnh, hành hiệp trượng nghĩa để trở thành một đấng nam nhi đại trượng phu đầu đội trời, chân đạp đất, không hổ là con cháu họ Châu, làm rạng danh môn phái.

Những tưởng đã đạt được hoài bão cùng với bao nhiêu kỳ vọng. Nào ngờ Châu-Anh-Kiệt chỉ vì tham một vật lạ của ngoại-bang, nghe lời dụ dỗ của một tên    tẩu cẩu cho nhà Mãn-Thanh mà đành tâm bán rẻ một bậc anh hùng nghĩa khí như Văn-Thái-Lai. Vẫn biết rằng đây có thể chỉ là sự bồng bột, trót dại dột thôi chứ không phải chủ tâm nhưng vì đại nghĩa của dân tộc, vì danh dự môn phái, và vì uy tín của một minh chủ võ lâm của một vùng, Châu-Trọng-Anh quyết định phải xử tử đứa con trai độc nhất của mình.

Châu-Trọng-Anh ngồi trên ghế như một thần tượng mặc cho vợ con khóc lóc, kể lể một hồi lâu mới đứng lên giật Châu-Anh-Kiệt trong tay Châu phu-nhân ra. Nhưng Châu phu-nhân ôm quá chặt khiến ông ta không làm sao giựt thằng bé ra được. Châu phu-nhân vừa khóc vừa kêu van:

-Thà là ông giết luôn cả hai mẹ con tôi một lượt để cho cả hai hồn cùng theo nhau xuống cửu tuyền chứ đừng làm cho mẹ con phải chia lìa như thế! Nếu con chết thì tôi cũng không sống được đâu!

Châu-Trọng-Anh ngậm ngùi nói không ra hơi. Chính bản thân ông ta nào có muốn giết chết hòn máu duy nhất của mình. Nhưng cố đè nén mọi xúc cảm, ông ta hét lớn:

-Mau buông nó ra! Ý tôi đã quyết định rồi, không được nói nữa! Không gì lay chuyển được đâu!

Châu phu-nhân vẫn liều mình ôm cứng lấy con, đem thân ra chịu trận, sẵn sàng để cho chồng muốn bằm xé ra sao tùy ý. Châu-Trọng-Anh thấy vậy ôn tồn nói:

-Mình à! Chẳng lẽ chỉ có mình mới biết thương con thôi, còn tôi là giống cây cỏ, gỗ đá hay sao mà không biết bảo vệ cho con? Hổ dữ kia còn chưa nỡ ăn thịt con thì có lý nào tôi đây lại thích giết con ư? Nhưng thằng nghịch tử bất hiếu này chỉ mới có chừng này tuổi đầu mà đã hiện rõ bản chất gian manh, vì lợi quên nghĩa, phản bội dân tộc, giống nói. Chỉ mới có một chiếc Thiên-Lý-Cảnh mà nó đã như thế rồi thì mai sau khi lớn lên vì những điều lợi lớn lao khác nó sẽ còn như thế nào nữa? Cái thứ con như thế này để cho nó sống phỏng có ích gì? Giết chết nó đi là trừ họa cho quốc gia dân tộc, cho xã hội, và để khỏi làm điếm nhục gia phong, khỏi tủi đến vong linh của tổ tông và danh dự của môn phái. Có gì để cho mình phải thương tiếc nữa chứ hả?

Rồi xuất kỳ bất ý, Châu-Trọng-Anh giựt một cái thật mạnh như con thú dữ vồ mồi làm Châu phu-nhân vuột tay ngã sấp xuống đất. Châu phu-nhân thét lên một tiếng làm thảm địa sầu thiên, với hai tay ôm cứng Châu-Anh-Kiệt, vừa khóc vừa hếr lời năn nỉ:

-Mình không tha mạng sống được cho con hay sao? Thôi, cứ kể như nó đã đứt nôi từ thuở mới lọt lòng mẹ mà đuổi cổ nó đi khỏi Thiết-Đảm-Trang này cấm không cho trở về nữa! Đó cũng kể như là đoạn tình với nó, xem như nó đã chết bờ chết bụi rồi!

Châu-Trọng-Anh lặng thinh không đáp, vận khí vào tay rồi giáng một chưởng xuống ngay đầu Châu-Anh-Kiệt. Chỉ nghe bộp một tiếng, cặp đồng tử của Châu-Anh-Kiệt như muốn lọt ra ngoài, toàn thân của nó ngã xuống dưới chân Châu-Trọng-Anh không la lên được tiếng nào, chết không kịp ngáp.

Châu phu-nhân nhìn thấy con chết dưới tay chồng thì lồng lộn lên như một con cọp dữ nhào tới cấu xé thật hung hăng khiến Châu-Trọng-Anh phải lui ra sau mấy bước để mà tránh. Như kẻ cuồng tâm loạn trí, Châu phu-nhân chạy ra đàng sau rút một thanh đoản đao trong cái giá dùng để giát các món binh khí nhào tới nhắm ngay đầu Châu-Trọng-Anh bổ xuống một cái.

Lúc ấy, Châu-Trọng-Anh cũng đã tan nát cõi lòng trước thảm kịch gia đình. Từ lúc ra tay giết chết con, hồn ông ta như đã gục xuống theo cùng với xác của nó. Vì vậy, ông ta chẳng buồn tránh né lưỡi đao làm gì nữa, chỉ nhắm mắt lại buồn rầu nói:

-Thế cũng hay! Mình cứ giết tôi cho hả dạ, để tôi không còn phải đau khổ thêm nữa!

Xưa nay Châu-Trọng-Anh vốn nổi tiếng là cứng rắn và chí công vô tư, thường ngày vẫn dạy con cũng như đệ-tử rằng anh hùng sa huyết bất sa lệ (#4). Đã biết bao nhiêu phen đứng trước nhiều hoàn cảnh thương tâm mà ông ta vẫn giữ được thái độ bình thản, tránh những trò nhi nữ thường tìnhcủa nhân gian. Thế mà giờ đây ông ta chán đến độ không còn muốn sống nữa mà phải buông lên một câu hết sức đau khổ đầy tuyệt vọng như thế!

Châu phu-nhân bỗng cảm thấy cổ mình như nấc lên từng hồi. Bà ta không sao hạ thủ được nữa, đành buông đao xuống đất, quỵ xuống ôm lấy chân Châu-Trọng-Anh mà khóc lên từng hồi…

Chú thích:

(1-) Người xưa luôn quan niệm “Sĩ khả sát, bất khả nhục”, lại rất coi thường đàn bà con gái. Bị phụ nữ mắng chửi là một điều hết sức nhục nhã, danh dự bị tổn thương không ít.

(2-) Trượng-phu: chồng.

(3-) Hỏa-diệm-sơn: núi lửa

(4-) Anh-hùng sa huyết bất sa lệ: Người anh-hùng chỉ có chảy (đổ) máu chứ không bao giờ chảy nước mắt.

Chọn tập
Bình luận