Đẳng-Nhất-Lôi nhìn trong bóng đêm, thấy có bóng người mặc đồ dạ hành từ bên trong phi thân ra.
Cổ-Kim-Phiêu toan tới cản lại bỗng nghe người kia gọi lớn:
-Ta là Kim-Địch Tú-Tài đây! Bọn ngươi có dám rượt theo chăng?
Bọn người đều muốn bắt sống Dư-Ngư-Đồng để banh thân xẻ thịt nên dĩ nhiên đời nào chịu bỏ qua, bèn rượt theo bén gót. Đẳng-Nhất-Lôi là người hăng hái nhất nên chạy đầu dẫn đường cho Cổ-Kim-Phiêu và Ngôn-Bá-Càn.
Chạy được một lúc, bóng người chợt quay lại phóng ra một nắm phù-dang châm. Đẳng-Nhất-Lôi vốn kỵ loại ám khí đó nên vội vả thối lui ra đàng sau.
Thật ra bóng người đó chính là Lý-Mộng-Ngọc. Nàng dùng kế điệu hổ ly sơn này với mục đích giải nguy cho Dư-Ngư-Đồng.
Bọn Đẳng-Nhất-Lôi không dám lại gần nhưng cũng không để mất dấu con mồi. Rượt nhau cho đến sáng thì đã đến Mạnh-Tân. Lý-Mộng-Ngọc vào một khách điếm, tìm một tên tửu bảo dúi cho một vài lượng bạc nói:
-Mi cho ta một phòng. Ta bị mấy tên chủ nợ theo đòi. Nếu chúng có hỏi mi cứ nói rằng không thấy ai vào đây hết nhé!
Tên tửu bảo được cho bạc, mừng rỡ nói:
-Được rồi, khách quan khỏi lo.
Tên tửu bảo đưa Lý-Mộng-Ngọc vào phòng thì bọn Đẳng-Nhất-Lôi cũng vừa tới nơi. Chúng hỏi tin thăm tin tức thì tên tửu bảo quả quyết không thấy ai vào cả. Bọn chúng nhất định không tin nên tự ý lục soát. Cả bọn vừa đi vừa réo tên Dư-Ngư-Đồng, lôi cả ba đời tổ tiên ra mà chửi.
Đột nhiên cánh cửa phòng bên trái mở rộng ra. Một thiếu nữ dáng người tha thướt, dung nhan xinh đẹp vô cùng từ bên trong bước ra, miệnmg tươi cười vui vẻ. Thấy không có điều gì khả nghi nơi thiếu nữ, bọn Đẳng-Nhất-Lôi lại tiếp tục lục soát.
Lý-Mộng-Ngọc sau đó ra khỏi khách điếm. Nàng thấy có một tên bộ khoái dẫn binh lính đến vì lúc nãy người quản-lý khách sạn có đến báo cáo rằng có một đám người đến phá phách…
***
Nhắc lại Dư-Ngư-Đồng, sau khi hiểu rõ Lý-Mộng-Ngọc dùng kế điệu hổ ly sơn nhử cho ba tên lợi hại nhất rượt theo bèn vác kiếm ra khỏi động. Ba tên Bành-Tam-Xuân, Tống-Thiên-Bảo và Đàm-Thiên-Thừa xông tới định cản lại, bị chàng đánh cho một trận tơi bời hoa lá. Đánh ba tên một trận xong, Dư-Ngư-Đồng liền dùng khinh công chạy đi khiến co ba tên không tài nào theo được. Đi mãi một hồi, ba tên tìm chẳng thấy Dư-Ngư-Đồng đâu mà lại gặp bọn Đẳng-Nhất-Lôi. Hai nhóm sau đó liền nhập vào thành một đi thẳng về hướng Tây thì thình lình trông thấy Hấp-Hợp-Đài đi chung với Hàn-Văn-Xung.
Sau biến cố tại Bắc-Cao-Phong, Hàn-Văn-Xung khuyên Vương-Duy-Dương nên rửa tay gác kiếm, dẹp Trấn-Viễn tiêu cục mà sống cuộc đời an lạc để hưởng nốt tuổi trời còn lại. Vương-Duy-Dương sau đó cũng đã giác ngộ nên nghe lời, giải tán tiêu cục và vui sống ẩn dật. Hàn-Văn-Xung sau đó cũng trở lại Lạc-Dương vui thú điền viên, không còn lý gì đến chuyện giang hồ nữa. Trên đường về lại Lạc-Dương, Hàn-Văn-Xung tình cờ gặp Hấp-Hợp-Đài.
Cực chẳng đã, Hàn-Văn-Xung bất đắc dĩ phải giải thích cho Hấp-Hợp-Đài nghe rằng kẻ sát hại Tiêu-Văn-Kỳ và hai anh em họ Diêm không phải là Hồng Hoa Hội. Hấp-Hợp-Đài tin lời, liền bàn với Hàn-Văn-Xung cùng đi giải cứu Dư-Ngư-Đồng. Hai người đến Mạnh-Tân đúng lúc ba người Đẳng-Nhất-Lôi, Cổ-Kim-Phiêu và Ngôn-Bá-Càn vừa đụng độ với quan binh trong khách điếm chạy ra, và hai bên gặp nhau ở giữa triền núi…
Trong khi đó, Dư-Ngư-Đồng thoát nạn, thầm nghĩ Lý-Mộng-Ngọc đã dám vì mình hy sinh, không biết nàng sống chết ra sao thì vô cùng cảm kích, quyết tâm phải đi tìm nàng cho bằng được. Tìm không đâu ra được tung tích của Lý-Mộng-Ngọc, Dư-Ngư-Đồng bèn tìm một khách sạn nhỏ tạm nghỉ ngơi.
Vào khoản canh hai, Dư-Ngư-Đồng đang nằm ngổn ngang niềm tâm sự bỗng nghe có tiếng đàn tỳ-bà ai oán, dâng lên những khúc não nùng. Vốn là người đa tài lại đa tình nên Dư-Ngư-Đồng liền theo tiếng đàn tìm đến nơi. Thì ra chủ nhân tiếng đàn là Ngọc-Nhu-Ý.
Dò hỏi, mới biết được vị hôn phu của nàng bị bắt đi xứ Hồi đánh giặc, đào ngũ trốn về, nay bị bệnh nặng. Tiền bạc của Trần-Gia-Cách tặng nàng nhờ dẫn dụ Càn-Long cho Hồng Hoa Hội bắt đã bị kẻ cướp đón đường giựt hết. Bơ vơ giữa đất khách quê người, Ngọc-Như-Ý phải làm nghề đàn hát kiếm tiền nuôi chồng, trong lòng lúc nào cũng nơm nớp lo sợ chồng bị quan quyền truy nã về tội đào ngũ.
Xót xa cho tình cảnh của Ngọc-Như-Ý, Dư-Ngư-Đồng liền tặng nàng 100 lượng bạc. Ngọc-Như-Ý cũng tặng lại cho chàng ba bức họa của Càn-Long tặng cho nàng khi trước.
Đang lúc ấy, bỗng cả khách điếm như xôn xao, huyên náo cả lên. Thì ra bọn bộ-khoái nghe tin có lính của Triệu-Huệ đào ngũ trốn nơi này nên tìm đến bắt. Chồng của Ngọc-Như-Ý đang bị bệnh nặng lại bị đám quân lính đánh đập tàn nhẫn thì chịu không nổi, chết ngay tại chỗ. Ngọc-Như-Ý thấy vậy khóc rống lên rồi đập đầu vào tường tự sát.
Thấy chuyện quá thương tâm, Dư-Ngư-Đồng không biết phải làm gì hơn, bèn lấy ra ít lượng vàng, nhờ chủ khách điếm tẩm liệm, chôn cất hộ hai kẻ bạc mệnh.
Vai mang hành lý, Dư-Ngư-Đồng lại tiếp tục lên đường tìm Lý-Mộng-Ngọc. Chàng đi ven bờ núi, hết nghĩ đến thân phận của mình lại nghĩ đến ân tình của Lý-Mộng-Ngọc. Chưa hết, chàng còn hồi tưởng lại, nghĩ đến cả mối tình si tuyệt vọng và tội lỗi của mình với Lạc-Băng. Lòng buồn không sao kể xiết, Dư-Ngư-Đồng nằm thiếp đi dưới một gốc đại thọ lúc nào mà không hay…
Mơ mơ màng màng, bỗng nghe tiếng chuông chùa văng vẳng, Dư-Ngư-Đồng mới giật mình tỉnh dậy. Dư-Ngư-Đồng lắng tai nghe tiếng chuông chùa thật kỹ rồi nhắm hướng đi lên núi. Đi một lúc, chàng tới một ngôi chùa cũ, lâu đời không được sửa sang. Nhìn lên trên, Dư-Ngư-Đồng thấy ba chữ: Bảo Tương Tự.
Vào đến đại điện, Dư-Ngư-Đồng thấy trên cao có một bức tượng Phật tay buông trên đầu gối, dường như thương xót người trần tục đang đau khổ. Chung quanh bốn vách tường là những bức họa kể lại chuyện cổ tích của đức Thích-Ca Mâu-Ni.
Một vị hòa thượng già từ bên trong bước ra nhìn thấy Dư-Ngư-Đồng liền lên tiếng hỏi:
-Cư sĩ giáng lâm đến tiểu tự có việc gì chăng?
Dư-Ngư-Đồng đáp:
-Tại hạ ngao du sơn thủy, thấy Bảo-Tự là nơi thanh tu muốn tạm trú vài ngày, sẽ cúng dường Tam-Bảo tạ Phật.
Vị hòa thượng già đáp:
-Chùa là của chung bá tánh. Cư sĩ muốn ở bao lâu cũng được, có sao đâu.
Vị hòa thượng mời chàng vào phòng trong dành cho khách và sai người đem trà đến mời. Uống vài chén trà, Dư-Ngư-Đồng cảm thấy tinh thần khỏe khoắn, trong lòng hết sức thoải mái. Chàng liền đánh một giấc ngon lành, mãi cho đến giờ Ngọ mới thức giấc. Tiếng chuông mõ lại nhịp nhàng vang lên từ nơi chánh điện.
Dư-Ngư-Đồng định xuống núi đi tìm Lý-Mộng-Ngọc chợt nhìn thấy trên bàn có ba cuộn giấy của Ngọc-Như-Ý tặng cho chàng trước khi tự sát theo chồng. Chàng liền mở từng bức ra xem.
Hai bức đầu chẳng có gì đáng cho chàng quan tâm cả. Nhưng xem đến bức thứ ba, thấy vẽ về sự tích của 8 bậc cao tăng đời nhà Tống. Dưới hình vẽ có kể sơ lược về cuộc đời xuất gia của từng vị. Trong đó có một vị nhân nghe được một khúc hát trên tửu lầu mà bỗng nhiên giác ngộ. Dư-Ngư-Đồng cuốn bức tranh lại, bụng nghĩ thầm:
-“Khúc hát gì mà lại có mãnh lực chinh phục được lòng người đến thế!”
Mở lại bức họa ra xem, thấy khúc hát ấy chỉ có vỏn vẹn 7 chữ:
Nhữ ký vô tâm ngã tiện hưu (#1)
Đọc xong 7 chữ ấy, Dư-Ngư-Đồng bỗng nhiên ngẩn người ra. Chàng lên giường nằm lại, suy nghĩ thật nhiều. Nằm trằn trọc đến thật khuya mà vẫn không sao ngủ được. Chuyện xưa từ 23 năm về trước như đang diễn lại trước mắt. Nào là thi đỗ… Nào là tai họa xảy đến cho gia đình… Nào là giết chết kẻ thù trả oán, rồi đi ra hành hiệp giang hồ… Một ngày nọ, trên mặt nước Tây-Hồ tình cờ trông thấy một giai nhân… Từ đó, ngày đêm mơ tưởng hình bóng không làm sao quên được. Một đời sầu khổ mà chưa có được một khắc hân hoan. Lạc-Băng đối với mình chưa bao giờ tỏ ra một tình ý chi cả… Ngươi không có lòng, ta cũng thôi. Nhưng mà cũng thôi thật không phải là dễ. Phải là người có định lực, trí tuệ hơn người mới làm nổi. Nỗi lòng của Dư-Ngư-Đồng vương vấn như tơ vò, gỡ hoài không ra nổi. Chàng ngồi dậy đốt đèn, chợt thấy trên ghế có 3 bộ kinh. Đó là bộ kinh cổ nhất từ Thiên-Trúc (#2) truyền sang Trung-Quốc, gọi là Tứ Thập Nhị Chương Kinh. Dư-Ngư-Đồng lật từng tờ xem. Đến chuyện Ngồi dưói gốc cây, thấy kể rằng: thiên thần đem dâng cho Đức Phật một cô gái dung nhan như ngọc thì Phật bảo: “Cái bị chứa đồ dơ đó đem đến làm chi?”.
Dư-Ngư-Đồng nghe thần trí như mê muội, hồi lâu mới tỉnh ngộ lại được. Chàng tự nhủ:
-“Đức Phật thấy ngọc nữ mà nói như vậy chẳng qua là bên trong làn da kia có chứa máu tanh, xương rã nên việc gì phải đắm say mê mệt.”
Không còn thắc mắc gì nữa, Dư-Ngư-Đồng ra khỏi phòng, tìm vị hòa thượng già xin thí phát quy y. Lão tăng khuyên mấy lần, nhưng chàng vẫn không thay đổi ý định.
Sáng hôm sau, lão hòa thượng tập họp chúng tăng lại, xuống tóc cho Dư-Ngư-Đồng, dạy cho giới luật, đặt pháp danh là Không-Nghiêm.
Từ đó, hàng ngày ở chùa Bảo-Tự, Dư-Ngư-Đồng lạy Phật, tụng kinh, tâm hồn được thư thả, nhẹ nhàng trong sáng.
Hôm ấy, Dư-Ngư-Đồng đang quỳ trước tượng Phật đọc kinh sáng, niệm Ngã Phật từ bi phổ độ chúng sanh, bỗng nghe sau lưng có tiếng lóng giang hồ thỏ thẻ:
-Oan nghiệt Mạnh-Tân đều do người hết. Sao lại vào đây tìm lối thoát sinh? Nợ đời ngươi chưa trả mà hòng dối Phật?
Dư-Ngư-Đồng giật mình nghĩ thầm:
-“Sao giọng nói này nghe quen thuộc quá!”
Bỗng lại có thêm một tiếng người khác hằn học:
-Chạy khỏi Mạnh-Tân chắc gì đã sống sót? Bọn ta theo sát gót chân mi đây mà!
Dư-Ngư-Đồng nghiến răng nghĩ thầm:
-Được! Bọn bây muốn tìm ta thì cứ đến!
Dư-Ngư-Đồng nín thinh không đáp gì cả. Sau đó chàng lại nghe tiếng Hấp-Hợp-Đài và Cổ-Kim-Phiêu cãi nhau kịch kiệt. Hấp-Hợp-Đài bảo Cổ-Kim-Phiêu nên tức tốc đến xứ Hồi mà tìm Tiêu-Thanh-Đồng, nhưng Cổ-Kim-Phiêu nhất định không chịu, đòi bắt cho bằng được Dư-Ngư-Đồng.
Rồi sau đó lại đến lượt Ngôn-Bá-Càn cật hỏi vị trụ trì ở chùa. Vị trụ trì cương quyết rằng không có vị Tú-Tài nào ẩn náu trong chùa cả. Ngôn-Bá-Càn không tin, lục soát khắp nơi trong chùa. Sau cùng, hắn bắt gặp chiếc áo dạ hành của Lý-Mộng-Ngọc trong buồng Dư-Ngư-Đồng.
Ngôn-Bá-Càn trở ra hỏi, vị trụ trì đáp:
-Vị Tú-Tài ấy đã đi mất rồi. Các người vĩnh viễn không mong gì còn tìm lại được nữa đâu.
Dư-Ngư-Đồng đang gõ mõ chợt lui vào phía sau. Ngôn-Bá-Càn thấy nghi ngờ liền đảo mắt ra hiệu. Tống-Thiên-Bảo hiểu ý, bước tới nói:
-Hòa thượng kia! Đứng lại cho ta hỏi!
Dư-Ngư-Đồng vẫn đi chậm rãi không dừng bước. Tống-Thiên-Bảo liền chạy tới, đưa tay trái chụp vào hậu tâm Dư-Ngư-Đồng. Chàng khẽ lách mình một cái đã tránh khỏi, vung tay áo lên khẽ phất vào giữa mặt Tống-Thiên-Bảo. Nghe hai bên xương hông đau điếng, Tống-Thiên-Bảo chịu không thấu ngã qụy xuống.
Thật ra, Dư-Ngư-Đồng vung tay áo lên chỉ là để cho y chú ý tưởng lầm là chàng phóng ám khí. Trong lúc y để hết tâm trí nhìn vào tay áo thì Dư-Ngư-Đồng dùng cây dùi mõ điểm vào yếu huyệt của y.
Điểm huyệt Tống-Thiên-Bảo xong, Dư-Ngư-Đồng vẫn thản nhiên niệm: A-Di-Đà-Phật! Thiện tai (#3) ! Thiện tai! Tay vẫn gõ mõ, chân bước ra đàng sau.
Bọn Ngôn-Bá-Càn nghe tiếng mõ mỗi lúc một xa mà vẫn chưa thấy Tống-Thiên-Bảo ra liền kéo nhau vào bên trong, thấy họ Tống nhăn mặt ôm hông rên xiết.
Bành-Tam-Xuân cả giận nạt hỏi:
-Mi làm cái giống gì ở đây? Còn tên hòa thượng kia đâu rồi?
Tống-Thiên-Bảo không nói được, mồ hôi nhỏ ra từng loạt đầy trán, tay chỉ ra phía sau. Bọn Ngôn-Bán-Càn chỉ thấy một người nấu bếp mà chẳng còn một ai khác.
Ngôn-Bá-Càn đỡ Tống-Thiên-Bảo xem xét vết thương, thấy bên hông tím bầm sưng vù lên thì biết là thương tích không nhẹ. Ngôn-Bá-Càn vội vàng hỏi:
-Tên hòa thượng kia đánh mi?
Tống-Thiên-Bảo gật đầu. Ngôn-Bá-Càn lại hỏi:
-Mặt mũi tên hòa thượng kia ra sao?
Tống-Thiên-Bảo nín thinh không đáp. Thật ra, hắn không được trông thấy mặt mũi hòa thượng kia. Bọn chúng sau đó lại tìm viên trụ trì tra hỏi. Nhưng lão tăng nhất định không chịu nói. Chúng lại hăm đốt cả chùa, nhưng vị trụ trì vẫn bình tĩnh, chẳng chút sợ sệt.
Cổ-Kim-Phiêu ra dấu gọi cả bọn ra, nói:
-Chùa này thật nhiều bí ẩn, đêm nay chúng ta đến dò xét tiếp.
Cả bọn liền rủ nhau đi ăn uống no nê, đêm đến, chúng lại kéo nhau đến Bảo-Tương-Tự để dò xét…
***
Nhắc lại đám quần hùng Hồng Hoa Hội đến trước sơn động tìm được bao nhiêu dấu tích mà bóng Dư-Ngư-Đồng vẫn không thấy đâu cả. Văn-Thái-Lai buồn bực, cầm mấy cây trúc-tiêu của Ngôn-Bá-Càn bẻ nát ra.
Không biết phải làm gì hơn, tất cả đành trở lại Mạnh-Tân, nhờ đám thuộc hạ của Thượng-Quan Nghị-Sơn tìm hộ thêm manh mối.
Đêm khuya, Văn-Thái-Lai cứ trằn trọc mãi không thể nào chớp mắt được. Nghĩ đến Dư-Ngư-Đồng hai phen liều mạng cứu mình, Văn-Thái-Lai xúc động vô cùng. Thấy Lạc-Băng vẫn ngủ say, chàng ngồi bật dậy, lấy binh khí phóng ra cửa sổ.
Dùng khinh công nhảy lên nóc nhà, Văn-Thái-Lai cứ thế phóng đi mãi. Qua nửa giờ, Văn-Thái-Lai đã đi gần hết vùng Mạnh-Tân. Không biết phải đi về đâu nữa, Văn-Thái-Lai đứng thở dài chán nản. Thấy một bóng đen phi thân chạy về hướng Tây, Văn-Thái-Lai mừng rỡ tunh mình rượt theo.
Chạy được một hồi, Văn-Thái-Lai thấy bóng người vỗ tay mấy cái. Xa ca có mấy tiếng vỗ tay đáp lại. Biết đối phương đông người, Văn-Thái-Lai từ từ đi chầm chậm ở mé sau.
Người ấy đi băng qua một cánh đồng hoang, chạy thêm khoảng 7-8 dặm đường nữa rồi lên thẳng sườn núi. Trên đỉnh có một ngôi chùa, trên bảng có ba chữ Bảo Tương Tự. Văn-Thái-Lai leo tường, vào tận bên trong. Chàng đứng bên ngoài cửa sổ nhìn vào bên trong chánh điện thấy có một vị hòa thượng đang quỳ trước tượng Phật. Một hồi lâu, vị hòa thượng mới đứng dậy quay đầu lại.
Văn-Thái-Lai vừa trông thấy mặt chợt kinh hãi vô cùng. Chàng nghĩ thầm:
-Không lý thập-tứ đệ lại vào chùa làm hòa thượng?
Văn-Thái-Lai trong lòng nghi ngại chẳng cùng nhưng không tiện lên tiếng nên khẽ ẩn mình vào một góc để dò xét.
Vị hòa thượng ấy lại ra sau tượng Phật quỳ lạy, miệng vái lâm râm rồi núp vào đàng sau pho tượng.
Vừa lúc ấy, hai cánh cửa chùa bị tông mạnh văng ra, một bọn 7-8 người xông vào. Văn-Thái-Lai nhận ra Ngôn-Bá-Càn ngay vì hắn có đến Thiết-Đảm-Trang trợ lực với Trương-Siêu-Trọng để bắt chàng. Đồng thời, chàng cũng nhận ra được Đẳng-Nhất-Lôi là cái bóng đen chàng theo dõi đến nơi.
Đẳng-Nhất-Lôi nhìn trước ngó sau, bỗng đưa tay xách một cái chuông đồng thật lớn dựng ngược lên. Văn-Thái-Lai trông thấy cũng phải kinh ngạc vì cái chuông đồng kia nặng có đến 400-500 cân mà một tay hắn xách nổi thì sức mạnh không phải tầm thường.
Cổ-Kim-Phiêu bỗng giận dữ, chỉ vào tượng Phật mắng:
-Lão Bồ-Tát này sao mặt ủ mày châu thế?
Cầm cây Lập hổ ngại (#4), Cổ-Kim-Phiêu đập lên tượng Phật một cái nẩy lửa. Chỉ nghe một tiếng vọng lại khô khan, Đẳng-Nhất-Lôi và Ngôn-Bá-Càn nhảy vọt ra sau hai bước nói:
-Cái mặt lão Bồ-Tát này trông thật quái gở vô cùng!
Đẳng-Nhất-Lôi nhảy vọt lên đứng hẳn trên bàn thờ, đưa thẳng cây độc cước đồng nhân dùng thế hoành tảo thiên quân đập mạnh vào cánh tay tượng Phật làm cho gẫy nát, mảnh vụn văng tứ tung.
Từ trong ống tay trái của tượng Phật, Dư-Ngư-Đồng nhảy ra, hai chân đặt trên bàn thờ để lấy trớn nhảy xuống đất.
Bọn Đẳng-Nhất-Lôi kinh ngạc, lùi ra sau mấy bước. Dư-Ngư-Đồng không thèm đếm xỉa gì đến bọn chúng, đến quỳ trước tượng Phật, chắp hai tay, miệng vái lâm râm:
-“Đệ tử thật tội lỗi vô cùng, dẫn dắt lũ tà ma đến chùa để cho chúng phá thân thể của Phật bị hư hại thế này. Xin ngã Phật từ bi hỉ xả.”
Bọn Đẳng-Nhất-Lôi thấy cử chỉ của chàng như vậy đều ngẩn người ra, ngạc nhiên không ít. Ngôn-Bá-Càn đưa bàn tay ra chụp vào mặt Dư-Ngư-Đồng nạt lớn:
-Đừng làm mặt quỷ! Đố mi chạy đâu cho khỏi?
Dư-Ngư-Đồng không chống cự. Đàm-Thiên-Thừa chạy tới định trói chàng lại thì bỗng đâu cánh cửa bên ngoài mở toang ra, một người mặt lầm lầm lì lì đứng chắn ngang cánh cửa, mặc chiếc áo dài xám, thắt dây lưng ngang hông, đôi mắt tròn xoe, trông hết sức oai phong lẫm liệt.
Ngôn-Bá-Càn vừa nhìn thấy người này thì người chợt run lẩy bẩy, ấp úng hỏi:
-Mi… mi… mi là Bôn-Lôi-Thủ…
Ngôn-Bá-Càn chưa nói dứt câu thì bàn tay kia đã với tới chộp vào cổ tay hắn. Cái chộp quá mạnh bạo, Ngôn-Bá-Càn không làm sao chống đỡ kịp, chỉ còn cách buông Dư-Ngư-Đồng ra, lui lại ra sau. Dù vậy, cổ tay của hắn cũng bị mấy ngón tay của Văn-Thái-Lai quét trúng, đau thốn vô cùng.
Đẳng-Nhất-Lôi nhìn thủ pháp của Văn-Thái-lai lợi hại như thế thì kinh hãi vô cùng, liền đưa cao cây độc cước đồng nhân lên đứng chặn ngõ ra.
Văn-Thái-Lai nhảy tới kéo tay Dư-Ngư-Đồng sang đứng bên trái đại điện. Dư-Ngư-Đồng gọi:
-Tứ ca… anh…
Văn-Thái-Lai hỏi:
-Em có bị thương không?
Dư-Ngư-Đồng đáp:
-Không!
Văn-Thái-Lai vui mừng nói:
-Tốt lắm! Hôm nay anh em chúng ta quyết so tài với chúng một trận ch hả hê!
Dư-Ngư-Đồng chưa kịp đáp, Tống-Thiên-Bảo và Đàm-Thiên-Thừa đã vung đao chém tới. Nhìn thân pháp hai người, Văn-Thái-Lai biết ngay chúng là người của môn phái Ngôn-Gia-Quyền ở Thần-Châu. Chàng vốn oán hận môn phái này đã lâu nên quyết định không nương tay.
Thoáng một cái, đã vọt ra đàng sau lưng hai tên Tống-Thiên-Bảo và Đàm-Thiên-Thừa. Hai tay Bôn-Lôi-Thủ sau đó chộp ngay lấy hậu tâm của hai tên. Bành-Tam-Xuân đứng sát bên liền vung cây tam đoạn thiết-côn dùng thế độc xà xuất động định đánh vào hậu tâm Văn-Thái-Lai.
Văn-Thái-Lai cầm hai quay tròn từng vòng, miệng hét lên một tiếng thật lớn. Bành-Tam-Xuân khiếp sợ quá đỗi, buông rơi cây tam đoạn thiết-côn xuống đất. Văn-Thái-Lai sau đó dùng hai tay, nện hai cái sọ dừa của Tống-Thiên-Bảo và Đàm-Thiên-Thừa vào với nhau một cái nẩy lửa rồi quăng hai tên xuống đất. Cả hai nằm im bất động, tắt thở.
Chưa chịu buông tha, Văn-Thái-Lai lại cúi xuống xách hai tử thi lên ném vào người Ngôn-Bá-Càn và Bành-Tam-Xuân. Hai người vội vàng nhảy qua một bên tránh né.
Bành-Tam-Xuân cúi xuống nhặt cây tam đoạn thiết-côn, nhưng chưa kịp ra tay thì Văn-Thái-Lai đã bước tới đánh ra một quyền ngay bả vai y. Chưa kịp hoàn hồn, Bành-Tam-Xuân đã bị Văn-Thái-Lai túm lấy vạt áo nhấc bổng lên ném vào chiếc bàn đá gần đó, vỡ sọ chết ngay tại chỗ.
Giết Bành-Tam-Xuân xong, Văn-Thái-Lai xông tới thoi một quyền vào ngay giữa mặt Ngôn-Bá-Càn khiến y ngã bổ ngửa ra sau. Thấy Hấp-Hợp-Đài đứng gần, Văn-Thái-Lai thuận tay vung chưởng đánh luôn vào người y. Chưởng pháp của Văn-Thái-Lai mau lẹ vô cùng, Hấp-Hợp-Đài không làm sao đỡ nổi, bị đánh trúng ê ẩm hết cả người, may nhờ lớp áo da trâu dày cộm mặc trên người nên không đến nỗi bị thương.
Hấp-Hợp-Đài xông tới dùng cầm nã thủ, hai tay chộp dính Văn-Thái-Lai, ôm ngang hông toan vật xuống bỗng thấy hai cổ tay đau thốn rồi cả thân hình bị nhấc bổng lên.
Dư-Ngư-Đồng kinh hãi lênb tiếng:
-Tứ ca! Y là bạn, không phải là thù!
Nhưng đã muộn, cả thân hình Hấp-Hợp-Đài đã bị Văn-Thái-Lai quăng về phía chuông đồng. Trong lúc tánh mạng của Hấp-Hợp-Đài như mành chỉ treo chuông thì bỗng đâu Văn-Thái-Lai phi thân đến nắm lấy chân y kéo lại, tả chưởng vỗ một cái xoa vào huyệt kiên tĩnh của hắn, kéo hắn đứng dậy nói:
-Xin lỗi bằng hữu, tôi lỡ tay.
Hấp-Hợp-Đài như người chết sống lại, ngẩn cả người ra. Đẳng-Nhất-Lôi và Cổ-Kim-Phiêu đang định xông vào sống chết với Văn-Thái-Lai bỗng thấy chàng ra tay cứu thoát Hấp-Hợp-Đài nên lại thôi, dìu Hấp-Hợp-Đài ngồi xuống một góc gần đại điện nghỉ ngơi.
Đột nhiên Hàn-Văn-Xung lớn tiếng gọi Văn-Thái-Lai:
-Coi chừng sau lưng!
Nghe tiếng gió sau lưng, Văn-Thái-Lai quay lại, thấy Ngôn-Bán-Càn dùng cây thiết-hoàn đánh lén mình. Cả giận, Văn-Thái-Lai lách mình qua một bên, nhảy tới chộp lấy cổ tay Ngôn-Bá-Càn.
Ngôn-Bá-Càn cảm thấy cổ tay như muốn gẫy lìa, không chịu nổi, lập tức buông cây thiết-hoàn ra, nhảy tới ba bước. Chưa kịp xoay người lại, y nghe Văn-Thái-Lai gọi lớn:
-Trả lại cho mi đây!
Nhìn song-hoàn nhắm mình bay tới, Ngôn-Bá-Càn cả kinh né qua một bên. Nhanh như chớp, Văn-Thái-Lai nhảy tới dùng phích lịch quyền đánh vào người hắn liên tiếp hai cái. Ngôn-Bá-Càn hộc ra một búng máu tươi, ngã nhào xuống đất. Y lồm cồm cố gắng bò dậy. Nhưng vừa đứng lên, cả người Ngôn-Bá-Càn lại ngã xuống như một thân cây bị đốn, đầu đập mạnh vào cái chuông đồng, nằm im bất động.
Dư-Ngư-Đồng nói:
-Phúc họa khó lường, đều do người tự rước lấy mà thôi!
Hàn-Văn-Xung vòng tay chào Văn-Thái-Lai:
-Tôi xin cáo từ.
Văn-Thái-Lai vội vàng đáp lễ. Quan-Đông Tam Ma cũng rút lui có trật tự. Nhìn thấy ống sáo vàng của Dư-Ngư-Đồng vắt tréo ngang hông Cổ-Kim-Phiêu, Văn-Thái-Lai nói:
-Lão huynh! Xin trả binh khí lại cho người anh em của tôi!
Cổ-Kim-Phiêu quay đầu lại lớn tiếng nói:
-Nếu y có bản lãnh thì cứ tới mà lấy lại!
Văn-Thái-Lai tiến tới định ra tay, bỗng Dư-Ngư-Đồng đưa tay cản lại:
-Tứ ca! Đệ nay đã xuất gia, không còn dùng ống sáo đó làm chi nữa. Tặng nó cho vị Cố đại ca kia cũng chẳng hề gì.
Cổ-Kim-Phiêu đang đi bỗng nghe bên hông mình động đậy. Ống sáo vàng đã nằm gọn trong tay Văn-Thái-Lai. Y cả giận lên tiếng chửi rủa. Hấp-Hợp-Đài thấy vậy cười, khuyên rằng:
-Lão nhị đừng chửi hắn làm gì! Giả sử thay vì lấy ống sáo vàng kia mà y lại ra tay đánh vào hậu tâm của anh thì sao?
Cổ-Kim-Phiêu gật đầu, cho là phải. Trường hợp nếu Văn-Thái-Lai muốn lấy mạng y thật không phải là chuyện khó chút nào. Tam Ma bàn với Hàn-Văn-Xung sang xứ Hồi tìm Tiêu-Thanh-Đồng trả thù nhưng Hàn-Văn-Xung nhất định không chịu đi, quyết tâm trở lại Lạc-Dương sống an nhàn, không dấn thân vào chốn giang hồ nữa. Đôi bên đành phải chia tay nhau, đường ai nấy đi.
Sau khi lấy lại ống sáo vàng cho Dư-Ngư-Đồng, Văn-Thái-Lai tới ngồi bên cạnh hỏi chuyện. Dư-Ngư-Đồng thở dài nói:
-Tứ ca! Em không thể nào bày tỏ được với anh. Mong anh tha thứ.
Văn-Thái-Lai buồn rầu nói:
-Chúng ta tình nghĩa chẳng khác gì ruột thịt. Cho dù em có lầm lỗi với anh nặng đến cỡ nào đi chăng nữa, anh cũng chẳng phiền trách em tí nào cả. Có gì mà không bày tỏ được?
Dư-Ngư-Đồng nói:
-Em có một niềm tâm sự.
Văn-Thái-Lai nói:
-Em cứ nói! Văn tứ ca của em lúc nào cũng sẵn sàng nghe.
Suy nghĩ một hồi lâu, bỗn Dư-Ngư-Đồng lại thở dài nói:
-Thôi tứ ca à! Anh hãy về đi! Xin anh cứ coi như thập-tứ đệ của anh đã chết rồi!
Dứt lời, Dư-Ngư-Đồng quay lưng trở vào chùa, để mặc Văn-Thái-Lai ở ngoài không nói năng một lời nào. Văn-Thái-Lai nghĩ thầm:
-“Lúc này có khuyên giải cũng vô ích. Hãy về bàn với Tổng-Đà-Chủ cùng cách anh em xem có biện pháp nào hữu hiệu hơn không.”
Dư-Ngư-Đồng thấy tượng Phật bị phá vỡ thì chắp tay quỳ xuống đọc kinh. Đột nhiên thấy một bàn tay phụ nữ cầm ống sáo vàng của mình quơ qua trước mặt, Dư-Ngư-Đồng thất kinh quay đầu lại ngó. Lý-Mộng-Ngọc đã có mặt từ hồi nào, đứng sát bên lưng. Nàng mặc đồ nữ nhân, dáng người hết sức xinh đẹp nhưng trông có vẻ xanh xao tiều tụy.
Dư-Ngư-Đồng không nói một lời, quay mặt lại. Lý-Mộng-Ngọc hai tay ôm mặt khóc nức nở…
Chú thích:
(1-) Ngươi không có lòng, ta cũng thôi.
(2-) Thiên-Trúc: nước Ấn-Độ.
(3-) Thiện tai: lành thay!
(4-) Lập hổ ngại: cái chĩa đâm cọp.