Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thư Kiếm Ân Cừu Lục

Chương 30 – Làm trò ma quỷ bày mưu quái – Bắt kẻ hùng gian cướp ngọc bình

Tác giả: Kim Dung
Chọn tập

Lần bảo tiêu này, Trấn-Viễn tiêu cục có trách nhiệm đem bảo vật đến cho Trần Tướng-quốc phủ, đồng thời Hoàng-Thái-Hậu còn gửi gắm cặp ngọc bình để trao đến tận tay cho vua Càn-Long.

Thấy trách nhiệm quá nặng nề, Vương-Duy-Dương không thể tin tưởng được ai nên đích thân đứng ra chỉ huy cuộc bảo tiêu. Vương-Duy-Dương chọn 6 tiêu sư võ công cao cường nhất của tiêu cục cùng với Hàn-Văn-Xung đi theo mình hộ tống. Ngoài ra, triều đình Mãn-Thanh còn phái thêm 4 tên thị vệ võ nghệ vào bậc thượng thừa đi cùng với 30 Ngự-lâm quân xuất sắc đi theo giúp sức.

Trong suốt cuộc hành trình hoàn toàn không gặp một trở ngại nho nhỏ nào cả. Cả hai phe Hắc-Đạo cũng như Bạch-Đạo hễ nghe tiếng rao truyền là lập tức lánh xa chứ không dám lại gần…

Hôm ấy vào giờ Ngọ, đoàn bảo tiêu chỉ còn cách Hàng-Châu khoảng 10 dặm. Cả đoàn bảo tiêu ai nấy đều hân hoan vì thấy công tác sắp sửa hoàn tất. Tiêu sư nổi tiếng của Phụng-Thiên tiêu cục, một chi nhánh của Vương-Duy-Dương là Uông-Hạo-Thiên huênh hoang nói:

-Vương tổng tiêu-đầu! Phen này nhờ uy danh của Tổng tiêu-đầu mà cuộc bảo tiêu được an toàn đến Hàng-Châu. Thế nào Hoàng-Thượng cũng hài lòng và phong cho Tổng tiêu-đầu một chức xứng đáng để đền bù công lao khó nhọc.

Vương-Duy-Dương đắc ý, cười lớn nói:

-Tuổi ta đã cao, công danh phú quý chỉ là phù vân (#1)! Chỉ mong sao con cháu được Hoàng-Thượng chiếu cố đến là thỏa mãn lắm rồi!

Tên Ngự-tiền thị-vệ Mã-Kinh-Hiệp nói:

-Tôi có nghe mấy người bằng hữu ở trên Kinh nói lại rằng Hoàng-Thượng sẽ đặc biệt chiếu cố đến Vương tổng tiêu-đầu. Lần này xong việc ắt Vương tổng tiêu-đầu sẽ được thỏa chí bình sinh mà thôi!

Vương-Duy-Dương sung sướng nói:

-Nếu quả như lời Mã hiền đệ thì ta đây cảm kích vô cùng.

Vương-Duy-Dương vừa dứt lời chợt nghe có tiếng vó ngựa dồn dập, một kỵ mã lách vào bên mặt đoàn bảo tiêu phi như xé gió. Đoàng bảo tiêu thấy kỵ thuật của người ấy rất tinh thông, thủ pháp vừa nhanh nhẹn vừa mạnh dạn bỗn nhiên cảm thấy e ngại trong lòng. Nhưng lại nghĩ rằng đây không phải là chốn rừng núi hiểm trở, không còn cách Hàng-Châu bao xa thì lại vững tâm trở lại, tin tưởng rằng không có đám lục lâm thảo khấu nào dám cả gan mà vuốt râu hùm nữa.

Đi thêm vài dặm, đoàn bảo tiêu lại thấy kỵ mã lúc nãy phi ngược trở lại vượt qua mặt đoàn tiêu xa. Lần này không đám tiêu sư và đám thị vệ cảm thấy chột dạ mà chính Vương-Duy-Dương cũng phải lưu ý nhìn theo.

Theo kinh nghiệm giang hồ thì hành động của kỵ mã kia không ngoài mục đích dọ thám đường đi nước bước cũng như lực lượng của đoàn bảo tiêu.

Uông-Hạo-Thiên cười nói:

-Lẽ nào bọn giặc cỏ không biết có Thái-Sơn Bắc-Đẩu ở chốn này mà đòi giỡn mặt!

Mã-Kinh-Hiệp cũng lên tiếng:

-Từ lúc khởi hành đến giờ tay chân không được hoạt động chút nào nên người đâm ra uể oải, buồn ngủ không tả. Nếu có ít đám giặc cỏ đến giúp chúng ta đỡ ngứa tay thì chũng là chuyện hay chứ sao.

Đoàn bảo tiêu vẫn tiếp tục từ từ tiến lên, nhưng không dám khinh xuất, canh phòng cẩn mật hơn. Đi qua một thị trấn lớn, Vương-Duy-Dương cho đoàn bảo tiêu ghé vào một lữ quán để ăn uống, nghỉ ngơi.

Đang ăn cơm thì bất thình lình nghe tiếng ngựa hí ngoài cửa. Hàn-Văn-Xung nghe tiếng ngựa hí thì giật mình lắng tai nghe. Nhìn ra bên ngoài, hắn thấy một con bạch mã thật cao lớn hùng vĩ đang chở trên lưng trên lưng một vài bó củi. Đi sau là một nông dân. Hắn ta bỗng giơ roi ra quất một cái vào mông ngựa. Con ngựa nhảy chồm lên và phi về hướng trước như bay. Gã nông dân sau đó phóng lên yên ngựa một cái thật mau lẹ và tài tình phi mất hút. Hàn-Văn-Xung đang ăn bỏ cả chén đũa, ra ngoài rượt theo. Đám tiêu sư thấy một cao thủ như Hàn-Văn-Xung mà lại đuổi theo một nông dân tầm thường thì cũng chẳng thèm lý tới.

Ngay lúc đó, một tên tiểu nhị từ ngoài đi vào miệng nói luyên thuyên không ngừng:

-Bẩm Trương lão gia. Mời lão gia vào trong này ngồi. Hôm nay có nhiều món ngon và rượu thượng hảo hạng, lại thêm có một đám hề đến giúp vui nữa. Vui lắm! Hay tuyệt!

Một người từ ngoài đi vào mặc áo bông màu lam, quần lãnh Tô-Châu màu trắng, trông cực kỳ sang trọng. Hình như là một phú thương. Đi theo lão phú thương là bốn, năm người, xách khăn gói, đồ đạc, hình như là đám gia nhân theo hầu. Tiểu nhị đưa đám người vào một cái bàn lớn, gần bàn của Vương-Duy-Dương, bưng trà lên ân cần mời mọc.

Vương-Duy-Dương chỉ khẽ liếc qua một cái nhìn người phú thương thôi chứ cũng chẳng thèm để ý. Uy-Chấn Hà-Sóc nói với bọn tiêu sư và Ngự-tiền thị vệ rằng:

-Lạ quá! Sao Hàn lão đệ đi lâu quá vậy!

Vương-Duy-Dương vừa dứt câu thì bên ngoài có tiếng giày khua, một nhóm ba người gồm một người vóc dáng trung bình hơi gầy, một nàng thiếu nữ cũng trạc tầm vóc với người kia, và một người to lớn vạm vỡ trông rất mạnh khỏe.

Trông ba người giống như hạng giang hồ mãi võ. Người gầy đi trước chắp tay vái bốn phía rồi lễ phép nói:

-Lời xưa vẫn dạy: ở nhà nghe lời cha mẹ, ra đường nghe lời bạn bè. Tôi vốn lưu lạc giang hồ từ nhỏ, có chút nghề mọn xin đem ra biểu diễn để giúp vui quý khách trong khi uống rượu. Nếu thấy xem được thì xin quý vị tặng cho chút tiền để dùng làm lộ phí, còn thấy dở thì đuổi ra khỏi cửa.

Nói vài câu tiếng lóng giang hồ xong, hắn thò tay lên đầu lấy cái mũ vải rách đặt lên một chung trà trên bàn vỗ nhẹ một cái thét lên:

-Hô biến!

Hắn giở cái mũ lên một cái, chung trà quả nhiên biến đi đâu không thấy. Người phú thương họ Trương tỏ vẻ thích thú vô cùng liền gọi người ấy đến gần cười nói:

-Anh biểu diễn ảo thuật hay lắm! Còn những màn nào ngoạn mục cứ việc làm tiếp. Tôi sẽ thưởng sau.

Người ảo thuật gia cười nói:

-Trương lão gia có cái điếu đệp quá, cho tôi mượn xem được không?

Trương phú-gia (#2) cười lớn đưa cái điếu cho chàng ảo thuật gia. Theo phương pháp lúc nãy, y lại úp cái mũ của mình lên điếu và lúc giở mũ ra thì cái điếu cũng biến đi đâu mất.

Người nô bộc của Trương phú-gia bỗng lên tiếng nói:

-Cái điếu của chủ nhân tôi là một vật quý giá. Anh làm mất không được đâu đấy nhé!

Người ảo-thuật gia cười nói:

-Kìa, sao anh nói oan cho tôi vậy! Cái điếu nằm trong cái hầu bao của anh đó!

Người nô bộc ngơ ngác ngó xuống hầu bao thì quả nhiên thấy có cái điếu thật. Hắn buồn cười lấy cái điếu để lên bàn cho mọi người xem. Ai nấy đều vỗ tay khen ngợi.

Vị Trương phú-gia hết sức kinh ngạc, mà chính bọn tiêu sư của Trấn-Vễn tiêu cục cũng phải lấy làm lạ nên tới vây quanh chàng ảo-thuật gia để xem y diễn trò.

Trương phú-gia rút chiếc nhẫn bằng vàng nhân ngọc phí thủy từ ngón áp út trao cho chàng ảo-thuật gia nói:

-Đâu, anh biến thử tôi xem?

Chàng ảo-thuật gia để cái nhẫn bên chiếc mũ, dùng miệng thổi một hơi rồi đọc lên một câu thần chú:

-Biến Đông biến Tây… Biến bảy, tám ngã… Không sợ Diêm-Vương… Không kiêng hà-bá… Táng mạng nan đào… Hô biến!

Thật kỳ lạ, chiếc nhẫn biến đi đâu mất mà không một ai trông thấy. Chàng ảo-thuật gia cười nói với Trương phú-gia:

-Đại nhân hãy nhìn thử trong túi mình xem.

Trương phú-gia thò tay vào trong túi thì quả nhiên là chiếc nhẫn của mình nằm trong đó từ bao giờ.

Vừa lúc ấy, có nhiều tiếng chân nổi lên, rồi nhiều người sao đó bước vào. Chỉ có một vài người là khách, còn lại bao nhiêu đều là binh lính, thậm chí có cả một vài võ quan trong dinh Thống-binh nữa.

Một viên võ quan như đã hỏi thăm và biết rõ mọi chuyện liền bước đến mắng:

-Cái lũ dân giang hồ kiếm tiền nuôi miệng chỉ chuyên đi làm trò dối trá lừa người. Trước mặt quan gia đây, ngươi có giỏi thì biến thử ta xem!

Dứt lời, viên võ quan đặt trên bàn một tờ công văn, ngoài phong bì có đề hàng chữ rõ ràng:

“Tức tốc trình lên quan Binh-bộ Bắc-Kinh Vương đại nhân”

Với một giọng hách dịch quan liêu, tên võ quan dằn mạnh từng tiến như thách thức:

-Hãy biến thử ta xem! Không biến được thì đừng trách ta!

Chàng ảo-thuật gia gượng cười, khép nép rụt rè thưa:

-Xin quan lớn tha tội cho kẻ giang hồ nghèo khó bày chút nghề mọn kiếm ăn. Tờ công văn này là quân cơ tối mật, kẻ tiểu nhân gan nào mà dám đụng đến. Nếu có mệnh hệ gì thì rơi đầu như không!

Trương phú-gia hình như không biết đó là một vật quan trọng nên đề nghị:

-Có gì mà lại không dám! Đã có người bảo biến thì ngươi cứ biến đi chứ sợ cái gì?

Quay qua đám gia nhân, Trương phú-gia nói:

-Mi mau lấy 50 lượng bạc bỏ lên bàn cho ta.

Tên gia nhân móc trong bao đếm đủ số bạc để lên bàn. Trương phú-gia ung dung nói:

-Ngươi biến được, ta thưởng cho ngươi!

Chàng ảo-thuật gia nhìn thấy bạc thì mừng lắm, xoay qua nói nhỏ vào tai người thiếu nữ bằng tiếng lóng giang hồ rồi nghiêng mình thi lễ với viên võ quan nói:

-Kẻ tiểu nhân không dám cãi lệnh quan lớn nên xin mạn phép biết thử.

Sau đó chàng ảo-thuật gia úp cái mão lên bức công văn miệng lại đọc thần chú rằng:

-Biến mau biến lẹ… Ngọc-Hoàng Thượng-Đế… Thái-Bạch Kim Tinh… Gia-Cát Khổng-Minh… Lê-Sơn Thánh-Mẫu… Nam-Tào Bắc-Đẩu… Thái-Thượng Lão-Quân… Nhị-Lang Tôn-Thần… Tề-Thiên Đại-Thánh! Nhất cấp như luật… Hô biến!

Vương-Duy-Dương nghe chàng ảo-thuật gia đọc thần chú ba láp ba xàm thì không khỏi ôm bụng lăn ra cười. Bỗng nhiên chàng ảo-thuật gia đưa ngón tay trỏ chỉ tứ phía rồi chỉ trên chỉ dưới rồi tình lình chỉ vào hai cái gói làm bằng da tê-giác để ngay trên bàn chỗ Vương-Duy-Dương ngồi, vỗ tay một cái hô lớn:

-Tớu mau, lui mau! Một sợi lông của Tôn-Ngộ-Không biến hai cái bao da này bay mất!

Nói một hồi, chàng ảo-thuật gia giở cái mũ lên và… tờ công-văn đã biến mất, không còn ở đó nữa.

Viên võ-quan bỗng mắng vào mặt chàng ảo-thuật gia:

-Thầy rùa! Không lẽ mi có tà thuật của bàng môn tả đạo hả?

Chàng ảo-thuật gia như giả điếc không nghe thấy, chỉ quay sang nhà phú-hộ họ Trương nói:

-Đa tạ Trương đại nhân đã tặng cho món tiền lớn thế này!

Viên võ-quan bỗng nạt lớn:

-Đâu rồi? Mau trả lại tờ công-văn cho ta chớ!

Chàng ảo-thuật gia cười nói:

-Nó nằm trong cái bao da đàng kia. Q uan lớn cảm phiền mở ra mà lấy!

Câu nói của chàng ảo-thuật gia vừa thốt ra thì tất cả bọn tiêu sư cùng đám thị vệ đều nhảy chổm lên. Viên võ quan chạy lại chỗ để hai cái bao da đưa tay định mở ra thì tên tiêu đầu Uông-Hạo-Thiên hoảng hốt kêu lớn:

-Không thể được! Đó là bảo vật của hoàng-cung gửi đến thánh thượng, đừng nên đụng vào!

Viên võ quan nói:

-Ta cần lấy tờ công văn, không lẽ không mở được hay sao?

Dứt lời, hắn lại đưa tay định mở ra. Mã-Kinh-Hiệp vội vàng ngăn lại:

-Không ai được mở ra xem hết, dù là Tướng-Quốc hay Nguyên-Soái cũng thế thôi!

Viên võ-quan nhìn thấy Mã-Kinh-Hiệp mặc sắc phục thị vệ thì biết là chức vị trên hắn nên không dám cả gan làm liều, nhưng vẫn kỳ kèo:

-Nếu không cho ty-chức (#3) mở thì đại nhân cho xin lại bức công văn.

Mã-Kinh-Hiệp ngó chàng ảo-thuật gia nạt lớn:

-Mi không được gây rắc rối! Mau trả lại bức công văn cho vị Tổng-binh này!

Chàng ảo-thuật gia trả lời tự nhiên một cách rất thành thật:

-Bức công văn đã biến vào trong bao da ấy. Nếu ngài không tin thì cứ mở ra mà xem.

Viên võ-quan nghe nói nổi nóng đánh vào trán chàng ảo-thuật gia một cái và hét lớn:

-Mau trả lại công văn cho ta!

Người thiếu nữ cả giận nạt lại:

-Mi muốn gì? Tại sao lại đánh người ta?

Viên võ quan giận quán mắng xối xả:

-Đồ khốn kiếp! Bọn bay dám lấy tờ công văn khẩn cấp của ta làm trò đùa à?

Trương phú-gia thấy việc không êm bèn quay qua bảo chàng aỏ-thuật gia:

-Mi không được lỗ mãng! Mau trả lại tờ công văn đó cho viên Tổng-binh!

Chàng ảo-thuật gia nhăn mặt nói:

-Ông ấy bảo tôi biến thì tôi chẳng vâng lời biến đi đó là gì? Hơn nữa tôi biến nó vào cái bao da kia thôi cứ có lấy của ông ta đâu? Giờ bảo tôi phải trả, tôi có đâu mà trả!

Vị Trương phú-gia chạy tới nói với Mã-Kinh-Hiệp:

-Xin ngài cho biết quý danh.

Mã-Kinh-Hiệp đáp:

-Tôi hõ Mã.

Trương phú-gia đề nghị:

-Ở đây nhỏ hẹp, chẳng một ai để ý tới đâu. Mã đại nhân cứ lén mở đại bao da lấy bức công văn trao trả lại cho viên Tổng-binh là xong chuyện.

Mã-Kinh-Hiệp nghe nói cả sợ:

-Có ấn son niêm phong của Hoàng-Thái-Hậu, lại không có chiếu chỉ của Hoàng-Thượng, ai dám mở ra!

Viên võ quan nói:

-Không giao trả bức công văn cho tôi để lỡ việc thì không những chỉ có tôi, mà ông cũng bị rời đầu đó! Vậy ráng mà lo liệu cho tôi giùm tôi xem phải làm thế nào bây giờ!

Trong lữ-quán có đến mấy chục viên võ quan khác xúm lại bênh vực đồng bọn, buộc Mã-Kinh-Hiệp phải mở bao da lấy bức công văn trao trả.

Vương-Duy-Dương là người giàu kinh nghiệm giang hồ, thấy sự việc xảy ra hết sức lạ lùng bèn nắm bả vai chàng ảo-thuật gia kia mà chụp lấy.

Chàng ảo-thuật gia ai ngờ lại lanh lẹn lạ thường. Cánh tay Vương-Duy-Dương vừa vươn ra, chàng ta đã lách mình tránh sang một bên nói:

-Bẩm, quan lớn tha tội!

Trông rõ được thân pháp của chàng ảo-thuật gia, Vương-Duy-Dương lại càng nghi ngờ thêm. Lúc ấy, bọn võ quan đã vây chặt bọn tiêu sư cùng đám thị vệ vào giữa. Uông-Hạo-Thiên sợ có biến nên ôm cứng hai cái bao da vào lòng.

Mã-Kinh-Hiệp rút đao ra nạt lớn:

-Mau lập tức tránh ra xa! Ai tới gần đây sẽ bỏ mạng!

Viên võ quan cũng rút đao ra nạt lại:

-Mi không chịu trả bức công văn thì ta quyết liều mạng với mi.

Vương-Duy-Dương kinh hãi, định can cả hai bên nhưng đã muộn. Tiếng đao kiếm đã nổi lên chát chúa, cả hai bên đang cùng nhau giao chiến kịch liệt.

Mã-Kinh-Hiệp là một cao thủ có hạng trong đám Ngự-tiền thị vệ, thế mà đánh mãi vẫn không thắng được một viên võ quan ở một địa phương tầm thường thì giận dữ vô cùng, quyết trổ hết tuyệt kỹ ra để thị uy. Nhưng đánh thêm được vài hiệp thì bị viên võ quan thích cho một mũi đao ngay trán.

Đang khi hỗn loạn, thình lình bên ngoài có người chạy vào cất tiếng nói lớn:

-Bọn nào dám cả gan làm náo loạn tại đây? Mau bắt hết giải về cho ta!

Nghe tiếng nói người ấy hết sức oai nghi, ai nấy đều dừng tay lại ngay. Mã-Kinh-Hiệp nhìn ra bên ngoài thấy có mấy chục võ quan đang tháp tùng một chàng công tử đi vào. Mã-Thanh-Hiệp nhìn ra bỗng chợt giật mình kinh hãi vì nhận ra chàng công tử kia là Phúc-Khang-An (#4), đang làm chức Cửu-môn đề đốc kiêm chức Tống-lãnh Ngự-lâm quân tại Bắc-Kinh, là người được vua Càn-Long sủng ái nhất trong hàng vương thân,quốc thích.

Mã-Kinh-Hiệp sợ hãi vô cùng vộ bước tới cúi đầu vấn an, còn tất cả đám thị vệ cũng đều quỳ xuống làm lễ tham kiến.

Phúc-Khang-An lớn tiếng hỏi:

-Tên làm trò ảo-thuật kia đâu rồi?

Chàng ảo-thuật nãy giờ lủi thủi trốn ở đàng xa, nghe Phúc-Khang-Anh hỏi tới mình thì bước tới, cúi đầu khúm núm.

Phúc-Khang-Anh nói:

-Mi diễn trò quái gở khó xét, phải theo ta về Hàng-Châu chờ thẩm vấn điều tra.

Mã-Kinh-Hiệp liền thưa:

-Quan Thống-lãnh đại nhân xét xử thật là anh minh.

Phúc-Khang-Anh quay mặt lại nói với chàng ảo-thuật gia:

-Mau theo ta!

Chàng ảo-thuật gia vừa ra khỏi cửa thì bọn võ quan thuộc hạ của Phúc-Khang-An cũng bắt hết tất cả những người có liên quan đến cuộc ẩu đả vừa rồi, kể cả bọn tiêu sư Trấn-Viễn tiêu cục và bọn Ngự-tiền thị vệ.

Vương-Duy-Dương chỉ biết ngơ ngác nhìn theo mà chẳng dám nói một lời nào cả. Chính ra, lão ta đã định ra tay áp đảo tên võ quan nằng nặc đòi bản công văn cho bằng được rồi mới nói lý cho hắn nghe sau, thì không ngờ quan Thống-lãnh Ngự-lâm-quân Phúc-Khang-An lại xuất hiện.

Vương-Duy-Dương thấy Phúc-Khang-An đến thì cả mừng, đỡ cho lão được rất nhiều vấn đề nan giải. Mã-Kinh-Hiệp liền bước ra, chỉ Vương-Duy-Dương mà giới thiệu với Phúc-Khang-An:

-Thưa Phúc đại nhân, vị này là Tổng tiêu-đầu Trấn-Viễn tiêu cục, họ Vương, tên Duy-Dương.

Vương-Duy-Dương sau đó cũng vội vàng bước ra lễ phép cúi đầu tham kiến Phúc-Khang-An.

Phúc-Khang-Anh nhìn Vương-Duy-Dương hừ một tiếng rồi quay lưng đi, ra lệnh:

-Tất cả đi hết theo ta!

Sau đó, tất cả cùng đi theo Phúc-Khang-Anh vào thành Hàng-Châu. Bọn Vương-Duy-Dương lặng thinh không nói một tiếng. Đám quan binh và bọn Ngự-lâm quân tới một công quán bên cạnh một hòn núi cạnh hồ.

Vương-Duy-Dương trong lònh hơi phân vân, nghĩ thầm:

-“Sao lạ vậy? Có lẽ nào đây lại là tư dinh của Phúc Thống-lãnh? Ông ta là người Hồng-Kỳ, tức hoàng tộc Mãn-Châu, là người được Hoàng-Thượng sủng ái nhất kia mà!”

Phúc-Khang-An nói:

-Bảo tất cả vào bên trong ngồi đợi ta một lát!

Mã-Kinh-Hiệp đáp:

-Phúc đại nhân cứ tự nhiên!

Phúc-Khang-Anh đi vào bên trong. Không bao lâu, một viên quan Ngự-lâm bước ra, đi theo là viên võ quan cãi cọ vì tờ công văn, chàng ảo-thuật gia, người phú-hộ họ Trương và gia nhân của ông ta. Tất cả đều đứng im đợi lệnh.

Bên phía Trấn-Viễn tiêu cục, ai nấy đều hồi hộp, bàn tính với nhau không ngừng. Uông-Hạo-Thiên nói:

-Lúc mọi người cãi cọ, tôi cố bảo vệ bảo vật gửi cho Hoàng-Thượng vì sợ viên võ quan hung hăng kia làm vỡ. Theo tôi thấy, hắn không phải là người lương thiện.

Mã-Kinh-Hiệp nói:

-Tôi thấy trong bọn quan binh ấy có nhiều tay võ công cao cường lắm. May mà Phúc đại nhân đến kịp nếu không thì còn nhiều điều nguy hiểm.

Vương-Duy-Dương nói:

-Chỉ cần nhìn vào nhãn quan thôi cũng đủ biết Phúc đại nhân là người võ nghệ hết sức cao siêu. Nhưng việc này có gì là lạ. Trong số hoàng thân quốc thích không thiếu gì người có bản lãnh hơn người.

Mã-Kinh-Hiệp nói:

-Tôi trông hai con ngươi của Phúc đại nhân sáng như sao, vì vậy cũng đoán được ông ta võ nghệ hết sức cao thâm. Mặc dù trong hoàng-tộc có nhiều người giỏi võ thật, nhưng giỏi đến cỡ này thì thật là chưa thấy bao giờ!

Liền khi đó, một viên quan ra lớn tiếng dõng dạc nói:

-Lệnh truyền Vương-Duy-Dương của Trấn-Viễn tiêu cục vào hầu.

Đi qua hai gian tới hậu đường, Vương-Duy-Dương nhìn thấy Phúc-Khang-An ngồi chễm chệ ở ghế chính giữa, trước mặt là công án, hai bên có mười mấy viên quan trong đạo Ngự-lâm quân đứng hầu. Chàng ảo-thuật gia, người phú-hộ họ Trương và cả đám còn lại quỳ bên trái.

Vương-Duy-Dương vừa bước tới thì đám quan quân thét lớn:

-Mau quỳ xuống!

Vương-Duy-Dương không dám cãi lệnh, đành riu ríu quỳ.

Phúc-Khang-An nạt lớn:

-Mi là Vương-Duy-Dương đó à?

Vương-Duy-Dương khúm núm đáp:

-Vâng, kẻ tiểu nhân chính là Vương-Duy-Dương.

Phúc-Khang-An lại hỏi:

-Nghe đâu mi có ngoại hiệu là Uy-Chấn Hà-Sóc phải không?

Vương-Duy-Dương đáp:

-Không phải do kẻ tiểu nhân dám tự tôn mà do đồng đạo võ lâm thương mà gọi vậy thôi.

Phúc-Khang-An bắt bẻ, nói:

-Cả Hoàng-Thượng và ta đều ở Bắc-Kinh, thế ra oai của mi còn lấn áp cả Hoàng-Thượng và ta nữa à?

Vương-Duy-Dương vội thưa:

-Tiểu nhân thật không dám! Từ nay kẻ tiểu nhân lập tức bỏ ngay cái ngoại hiệu ấy, không để cho ai gọi thế nữa.

Phúc-Khang-An hét lên như sấm:

-Thật là to gan lớn mật! Bắt trói hắn cho ta!

Mười mấy viên quan hầu cận Phúc-Khang-An ùa ra bắt Vương-Duy-Dương trói lại. Mặc dù võ nghệ cao cường, Vương-Duy-Dương không dám kháng cự.

Kế đến, bọn Ngự-tiền thị vệ ở Bắc-Kinh và bọn tiêu sư Trấn-Viễn tiêu cục cũng lần lượt bị bắt trói và nhốt hết vào nhà lao.

Một viên quan bưng hai cái bao da đến trước mặt Phúc-Khang-An, hai tay dâng lên, cười nói:

-Thưa Phúc đại nhân, đây là cặp ngọc bình!

Phúc-Khang-Anh cầm lấy hai chiếc bao da, cười lên một tràng như đắc ý rồi đi vào trong. Chàng ảo-thuật gia, người thiếu nữ, người phú-hộ họ Trương cùng người gia nhân to lớn mạnh khỏe cũng đứng dậy mỉm cười đi vào trong.

Phúc-Khang-An nhìn chàng ảo-thuật gia cười nắc nẻ nói:

-Thất ca! Anh thật không hổ với ba chữ Võ Gia-Cát!

Thì ra chàng ảo-thuật gia kia là Từ-Thiện-Hoằng, người thiếu nữ là Châu-Ỷ, người phú-hộ họ Trương là Mã-Thiện-Quân, người gia nhân to lớn mạnh khỏi của ông ta là An-Kiện-Cường, vị võ quan là Thường-Thích-Chí…, còn Phúc-Khang-An chính là Tổng-Đà-Chủ Trần-Gia-Cách!

Người cỡi ngựa chạy qua chạy lại chính là Vệ-Xuân-Hoa. Sau khi nắm vững tình hình, chàng về báo cáo cho Tổng-Đà-Chủ. Sau đó Từ-Thiện-Hoằng bày ra kế để cướp cặp ngọc bình và bắt sống Vương-Duy-Dương.

Ban đầu, Triệu-Bán-Sơn giả làm nông dân, đem ngựa của Lạc-Băng đến dùng làm kế điệu hổ ly sơn nhử cho Hàn-Văn-Xung đuổi theo. Hắn theo Triệu-Bán-Sơn được một lúc thì bất ngờ bị Thường-Bá-Chí rình bắt, thộp cổ mang về. Sở dĩ phải không dám để cho Hàn-Lâm-Xung ở lại trong đám kia là vì hắn đã biết mặt hầu hết các nhân vật của Hồng Hoa Hội, ắt mưu kế tiếp đến khó lòng mà thi hành nổi.

Những món đồ dùng làm trò ảo-thuật đều do sáng kiến của Từ-Thiện-Hoằng mà ra cả. Từ cáo mũ rách cho đến cái điếu, cái nhẫn ngọc, mỗi thứ đều có hai thứ giống nhau cả. Cái bàn dùng để diễn trò có lỗ trống, khép bằng ván kín đáo. Hễ vỗ tay một cái thì nắp ván ấy bật nhẹ rơi xuống dưới. Dĩ nhiên là bên dưới có hộc, tự động khép lại. Đó là lý do của những màn Hô biến của chàng ảo-thuật gia. Lữ-quán đó là của Hồng Hoa Hội lập ra, mà tất cả người làm tại đó, từ chủ quán cho đến tiểu nhị đều là người của Hồng Hoa Hội cả.

Trần-Gia-Cách tướng mạo đã giống Phúc-Khang-An, còn được một người trong đám thị vệ thân cận cũ của Phúc-Khang-An, nay là người của Hồng Hoa Hội, hóa trang hộ và tập cho từ tướng đi cho đến giọng nói, cho nên Mã-Kinh-Hiệp vừa mới gặp mặt đã nhận lầm ngay.

Còn đám Ngự-tiền thị vệ thì tuy rằng có được gặp mặt Phúc-Khang-An một vài lần nhưng chưa bao giờ có dịp tiếp xúc thành thử không thể nào mà phân biệt được.

Trần-Gia-Cách mở hai bao da ra xem. Trong mỗi chiếc bao da sừng tê giác có một chiếc bình rất cân đối. Hai chiếc bình giống nhau y như đúc, có chiều cao là 1 thước 2 tấc, thuộc loại dương chỉ bạch ngọc bình. Đặt tay vào ngọc bình, Trần-Gia-Cách thấy mát lạnh, nhưng sờ lâu lại thấy ấm áp. Trên mỗi ngọc bình có chạm một hình mỹ nhân tuyệt sắc, mặc áo dài tha thướt, tóc mây óng ả, theo lối trang phục quý phái của người Duy. Những nét Chạm trổ trông cực kỳ linh động. Càng nhìn ngắm, Trần-Gia-Cách càng say mê vì không tin ở thế gian này lại có được hạng giai nhân kiều diễm như hai mỹ nữ chạm trổ trên hai chiếc bình này.

Lạc-Băng trầm trồ khen ngợi:

-Tôi tưởng rằng nhan sắc của Tiêu-Thanh-Đồng là có một không hai trên thế gian rồi, nhưng không ngờ giai nhân trên hai chiếc bình này còn diễm lệ hơn nữa!

Châu-Ỷ cãi lại:

-Bất quá chỉ là hình chạm trổ mà thôi chứ trong thiên hạ làm gì có được người đẹp như thế này đâu mà chị khen!

Lạc-Băng lại nói:

-Tôi tin chắc rằng họa sư có tài đến đâu cũng không thể tưởng tượng bằng trí óc được nếu không trông thấy được dung nhan người thật.

Từ-Thiện-Hoằng bỗng xen lời:

-Cãi cọ làm gì vô ích! Chúng ta cứ mời thẳng sứ giả người Duy đến hỏi thì biết hết được sự thật ngay.

Viên sứ giả người Duy nguyên đi chung với đoàn bảo tiêu của Trấn-Viễn tiêu cục nên bị bắt chung đem về. Được mời đến trước mặt Trần-Gia-Cách, viên sứ giả tưởng chàng là một vị quan đại thần của triều đình Mãn-Thanh nên tỏ ra hết sức cung kính, làm lễ ra mắt.

Trần-Gia-Cách nói:

-Sứ giả đi đường xa thật mệt nhọc, xin cho biết đại danh quý tánh?

Sứ giả người Duy thưa:

-Hạ sứ là Khải-Biệt-Hưng. Chẳng hay phải xưng hô cùng quan lớn ra sao, xin cho hạ sứ được biết.

Trần-Gia-Cách chỉ cười mà không đáp. Từ-Thiện-Hoằng thấy thế liền đỡ lời:

-Ngài đây là Nguyên-Soái thống lĩnh binh mã Hàng-Châu tên là Lý-khả-Tú.

Đám hào kiệt Hồng Hoa Hội nghe nói đều ngạc nhiên, không hiểu dụng ý của Từ-Thiện-Hoằng. Trần-Gia-Cách hỏi Khải-Biệt-Hưng:

-Mộc-Trác-Luân lão anh hùng vẫn mạnh giỏi chứ?

Khải-Biệt-Hưng ngạc nhiên hỏi:

-Đa tạ quan lớn hỏi thăm. Tộc trưởng của hạ sứ vẫn khỏe mạnh như thường. Nhưng sao quan lớn lại quen biết được Tộc trưởng của hạ sứ?

Trần-Gia-Cách đáp:

-Tôi vẫn mến mộ đại danh của Mộc-Trác-Luân lão anh hùng từ lâu. Tiện đây xin hỏi sứ giả luôn hai mỹ nhân chạm trổ trên ngọc bình là người thật hay là do óc tưởng tượng của họa sư?

Khải-Biệt-Hưng đáp:

-Nét hoạ do họa sư trứ danh Mặc-Anh phác họa cho điêu khắc gia chạm trổ. Cặp ngọc bình này là sở hữu (#5) của Tam công nương của Tộc-trưởng Mộc-Trác-Luân chúng tôi tự tay chế tạo. Thiếu nữ trên ngọc bình chính là tiêu tượng (#6) của nàng.

Châu-Ỷ buột miệng hỏi:

-Thế ra nàng là chị hay em của chị Tiêu-Thanh-Đồng có phải không?

Khải-Biệt-Hưng lại thêm một phen ngạc nhiên nữa, hỏi rằng:

-Sao cô nương lại biết được Thúy-Vũ Hoàng-Sam?

Châu-Ỷ đáp:

-Tôi và chị ấy có gặp nhau một lần.

Trần-Gia-Cách định hỏi thăm tin tức của Tiêu-Thanh-Đồng, nhưng chỉ mới vừa có ý nghĩ là đỏ mặt lên ngay. Bỗng đâu từ bên ngoài, Mã-Thiện-Quân hớt ha hớt hãi chạy vào ghé tai Trần-Gia-Cách nói nhỏ:

-Hiện thời Lý-Khả-Tú đang huy động 5000 tinh binh nhắm hướng này kéo tới. Phải chăng là định đối phó với chúng ta chăng?

Trần-Gia-Cách khẽ gật đầu, xoay qua nói với Khải-Biệt-Hưng:

-Sứ giả hãy tạm lui về nghỉ ngơi. Tôi sẽ có việc bàn sau.

Do dự một chút, Khải-Biệt-Hưng đánh bạo hỏi:

-Còn cặp ngọc bình?

Trần-Gia-Cách đáp:

-Đừng lo! Tôi sẽ giữ cho an toàn!

Trần-Gia-Cách nói:

-Tất cả các anh em! Chúng ta mau tạm rời khỏi Hàng-Châu trước. Hiện tại chưa thể cứu được Văn tứ ca, đụng độ với quân Thanh không tiện.

Lạc-Băng nét mặt hầm hầm nói lớn:

-Nếu Lý-Khả-Tú làm khó dễ tứ ca thì chúng ta giết quách vợ hắn đi để khỏi mất công canh chừng. Tổng-Đà-Chủ cho tôi làm việc này để trả thù được không?

Trần-Gia-Cách ngơ ngác không hiểu hỏi:

-Vợ Lý-Khả-Tú?

Lạc-Băng đáp:

-Phải! Người thiếu phụ có nhan sắc mà chúng ta bắt được tại dinh Lý-Khả-Tú đó! Đó là nàng hầu được Lý-Khả-Tú cưng chiều nhất. Từ lúc đem về đây, nó hết khóc lóc lại kêu la rên rỉ, thấy mà phát ghét! Chỉ cần Tổng-Đà-Chủ ra lệnh là tôi cho nó một đao ngay!

Đám hào kiệt Hồng Hoa Hội thấy Lạc-Băng vì quá nhớ thương chồng mà đâm ra như điên loạn thì vừa thương hại, vừa thấy buồn cười.

Từ-Thiện-Hoằng nói:

-Chị định giết người thiếu phụ ấy à? Chỉ gây thêm thù hận với Lý-Khả-Tú, làm hại cho Văn tứ ca thêm thôi chứ có ích gì!

Xoay qua Trần-Gia-Cách, Từ-Thiện-Hoằng nói:

-Theo ý của tôi thì Tổng-Đà-Chủ nên thảo cho Lý-Khả-Tú một bức thư đi!

Trần-Gia-Cách hội ý đáp:

-Hay lắm!

Sau đó chàng liền thảo ngay bứ thư như sau:

Lý tướng-quân,

Sáng nay tại hạ đi dạo cảnh hồ. Tình cờ gặp người tướng quân sủng ái nhất đi lạc nên tại hạ mạn phép mời về tệ xá để khoản đãi để tỏ chút tình ngưỡng mộ. Tại hạ thảo vội mấy lời này để báo tin cho tướng quân an lòng, không phải lo ngại mà tìm kiếm vất vả làm gì nữa.

Tổng-Đà-Chủ Hồng Hoa Hội Trần-Gia Cách kính bút.

Trần-Gia-Cách gọi Vệ-Xuân-Hoa vào nói:

-Cửu ca, anh mang là thư này đến trao tận tay Lý-Khả-Tú thử xem y phản ứng ra sao.

Quay qua Dương-Thanh-Hiệp, Trần-Gia-Cách nói:

-Bát ca, anh mau đi theo hộ tống Cửu ca. Phải thận trọng, đừng sơ xuất!

Hai người lãnh mạng ra đi. Trần-Gia-Cách lại nói:

-Nếu quả Lý-Khả-Tú cưng nàng tiểu thiếp này thì chắc chắn sẽ không dám vọng dộng gì cả, Nhưng nếu có chiếu chỉ của Càn-Long thì chắc y chẳng dám vi lệnh đâu. Thất ca thấy thế nào?

Từ-Thiện-Hoằng nói:

-Mục đích chúng ta cướp cặp ngọc bình này là để thương lượng với Hoàng-Đế. Cặp ngọc bình thật là tuyệt vời, thiết nghĩ Càn-Long trông thấy thế nào cũng hài lòng mà chịu cho xứ Hồi giảng hòa. Nếu chúng ta giữ cặp ngọc bình này, hoặc dùng làm phương tiện để cứu Văn tứ ca ắt chỉ làm hỏng đại sự của Mộc-Trác-Luân lão anh hùng mà thôi. Như thế thật không đúng chút nào cả!

Trần-Gia-Cách cau mày nói:

-Thất ca bàn rất có lý. Nhưng chúng ta phải trải bao nhiêu khó khăn mới đoạt được cặp ngọc bình này, chẳng lẽ lại trả không cho chúng?

Từ-Thiện-Hoằng nói:

-Tôi nghĩ được mộ kế, không hiểu Tổng-Đà-Chủ có tán thành hay không?

Từ-Thiện-Hoằng sau đó liền trình bày kế hoạch cho mọi người nghe… Châu-Ỷ nghe xong có vẻ không được vui bèn lên tiếng:

-Như thế chẳng quang minh chính đại chút nào cả! Tôi không hoan nghênh!

Châu-Trọng-Anh mắng:

-Con là nữ nhi, biết gì mà xen vào! Cứ để đó cho Tổng-Đà-Chủ định liệu.

Châu-Ỷ dù không dám ra mặt phản đối nhưng cứ lẩm bẩm mãi:

-Làm như vậy thật là thất đức!

Trần-Gia-Cách trầm ngâm một lúc, nói:

-Một việc không làm hư hại đến cuộc hòa nghị của xứ Hồi, lại giải cứu được Văn tứ ca. Chúng ta chỉ cần có thế thôi. Thất ca! Anh cho mời sứ giả xứ Hồi đến bàn tính công việc ngay.

Từ-Thiện-Hoằng đi gọi Khải-Biệt-Hưng đến nói:

-Tôi đưa sứ giả đế bệ kiến Hoàng-Thượng.

Mạnh-Kiện-Hùng bưng cái bao da đến nhưng đã lấy đi một cái ngọc bình. Cả ba người sau đó đến trước dinh Tuần-Vũ Hàng-Châu. Mạnh-Kiện-Hùng trao cái bao da cho Khải-Biệt-Hưng chỉ đường đi vào trong dinh thự và nhắm phía Tây-Hồ đi trở lại. Giữa đường, hai người gặp Dương-Thanh-Hiệp và Vệ-Xuân-Hoa cho biết Lý-Khả-Tú sau khi nhận thư của Trần-Gia-Cách đã lập tức lui binh.

Đám hào kiệt Hồng-Hoa-Hội chờ cả nửa ngày, mãi cho đến giờ Thân mới có một võ quan đưa danh thiếp với ba chữ Tăng-Đồ-Nam đến, xin vào yết kiến Trần-Gia-Cách.

Mã-Thiện-Quân cười nói:

-Thất đương-gia! Kế hoạch của anh kể như thành công được một nửa rồi!

Trần-Gia-Cách nói:

-Cửu ca! Anh thay tôi nói chuyện với hắn hộ nhé!

Vệ-Xuân-Hoa nghe lời ra bên ngoài thấy một võ quan tướng tác rất oai vệ đang ngồi chờ đợi. Cửu đương-gia bước tới thi lễ nói:

-Chẳng biết Tăng đại nhân đến đây có điều chi dạy bảo?

Tăng-Đồ-Nam đáp:

-Tôi thừa lệnh Lý Nguyên-soái đến đây gặp Trần tổng đà-chủ để thương lượng một việc.

Vệ-Xuân-Hoa nói:

-Hiện tại Tổng-Đà-Chủ của chúng tôi vắng mặt. Tăng đại nhân xin cứ cho tôi biết để về thưa lại cũng được.

Tăng-Đồ-Nam vào thẳng đề:

-Lý tướng-quân nhận được thư Trần tổng đà-chủ mới biết Như phu-nhân của người hiện đang được quý hội bảo vệ. Chúng ta đều là võ lâm đồng đạo cả, xin Tổng-Đà-Chủ thả cho phu nhân về. Lý tướng-quân nguyện không bao giờ quên ơn.

Vệ-Xuân-Hoa nói:

-Việc ấy chẳng có gì gọi là vấn đề. Tổng-Đà-Chủ chúng tôi xin tuân mệnh ngay.

Tăng-Đồ-Nam lại nói:

-Còn việc thứ hai là ngọc bình của xứ Hồi.

Vệ-Xuân-Hoa ủa một tiếng rồi lặng thinh. Tăng-Đồ-Nam nói:

-Xứ Hồi sai sứ giả đem đôi ngọc bình sang dâng cho Hoàng-Thượng để cầu hòa thì mất hết một cái. Hoàng-Thượng hết sức giận dữ thì sứ giả cho hay có một người trẻ tuổi tự xưng là Hàng-Châu Nguyên-soái Lý-Khả-Tú. Hoàng-Thượng cho gọi Lý tướng-quân đến hỏi thì quả thật là Nguyên-soái không biết gì hết cả. May mà Hoàng-Thượng anh minh biết Lý tướng-quân không bao giờ dám làm chuyện tày trời như thế nên mới không bắt tội, vì biết bên trong ắt phải có ẩn tình gì.

Vệ-Xuân-Hoa làm ra không mấy vẻ quan tâm, nói:

-Lại có chuyện ngộ nghĩnh như vậy sao?

Tăng-Đồ-Nam nói:

-Khổ nỗi là tuy Hoàng-Thượng không bắt tội nhưng ra hạn cho Lý tướng-quân trong ba ngày phải tìm lại được chiếc ngọc bình…

Vệ-Xuân-Hoa cười nói:

-Chỉ sợ Lý Nguyên-soái không điều tra được mà lụy đến thân. Làm quan cao chức trọng như vậy thật nào có sung sướng gì!

Tăng-Đồ-Nam không có thì giờ để ý đến câu nói đùa cợt của Vệc-Xuân-Hoa, liền nói ngay ý định:

-Tôi cũng chẳng có điều gì để giấu diếm nữa cả. Sở dĩ tôi đến đây hôm nay, ngoài việc Lý phu-nhân, còn một mục đích nữa là yêu cầu quý vị trả lại chiếc ngọc bình.

Vệ-Xuân-Hoa vẫn giữ vẻ bình tĩnh nói:

-Ngọc bình nào? Chúng tôi chưa hề nghe nói đến chuyện đó. Nhưng nếu Lý Nguyên-soái mà gặp việc khó khăn, Tăng đại nhân khổ công đến đây nhờ vả thì đương nhiên chúng tôi phải cố gắng một phen mà thôi.

Tăng-Đồ-Nam thất Vệ-Xuân-Hoa nói úp úp mở mở, cử chỉ lúc cứng lúc mềm thì hiểu rằng đối phương thật mười phần lợi hại. Tăng-Đồ-Nam là bộ hạ đắc lực nhất của Lý-Khả-Tú. Ngoài việc điều binh khiển tướng, chém quân giết giặc, ông là còn là một mưu sĩ cừ khôi, lại giỏi cả những công việc giao tế, đàm phán nữa. Vì vậy chỉ trong một cuộc đối thoại ngắn ngủi, ông ta đã biết ngay dụng ý của đối phương như thế nào rồi.

Không chần chừ, Tăng-Đồ-Nam nói ngay:

-Lý tướng-quân ngưỡng mộ đại danh Tổng-Đà-Chủ từ lâu, chỉ vì chưa có hân hạnh được dịp kết giao đó thôi. Vì rất tin tưởng vào quý hội nên hôm nay mới nhờ tôi đến mang hai việc trên nhờ quý hội giúp đỡ hộ. Chẳng hay Trần tổng đà-chủ có ý kiến gì cần bàn với Lý tướng-quân xin cứ cho biết để tôi về trình lại.

Vệ-Xuâm-Hoa cũng không khách khí nữa, nói thẳng:

-Việc thứ nhất, Tổng-Đà-Chủ chúng tôi tự nhận có lỗi với Lý Nguyên-soái nhiều nên nhờ đại nhân về thỉnh tội giùm chúng tôi, xin Lý Nguyên-soái tha thứ.

Tăng-Đồ-Nam nói:

-Quý vị không việc gì phải bận tâm. Lý tướng-quân sẽ chẳng bao giờ làm khó dễ quý hội.

Vệ-Xuân-Hoa gật đầu nói tiếp:

-Điều duy nhất Tổng-Đà-Chủ chúng tôi yêu cầu có liên quan đến Tứ đương-gia của chúng tôi là Văn-Thái-Lai hiện đang bị giam giữ trong lao mật (#7) trong dinh của Lý Nguyên-soái. Văn tứ đương-gia của chúng tôi là khâm phạm nên chúng tôi cũng dư biết, không dám đòi hỏi quá đáng mà xin Lý Nguyên-soái phóng thích. Bất quá, Tổng-Đà-Chủ chúng tôi chỉ xin Lý Nguyên-soái cho gặp mặt Tứ đương-gia một lần mà thôi.

Nghĩ ngợi một hồi, Tăng-Đồ-Nam nói:

-Việc này rất quan trọng, tôi không dám tự quyết, phải về trình lại xem Lý tướng-quân định đoạt ra sao rồi sẽ trở lại báo cho quý vị biết sau.

Tăng-Đồ-Nam từ giã ra về. Đến giờ Thìn, viên tham-tướng của Lý-Khả-Tú mới trở lại nói:

-Thật chuyện này khó khăn vô cùng, vì Văn tứ đương-gia là khâm phạm số một của triều đình, nếu để sơ thất thì Hoàng-Thượng ắt chẳng dung tha. Tuy nhiên, để đáp lại thịnh tình của Tổng-Đà-Chủ, Lý tướng-quân bằng lòng để Tổng-Đà-Chủ quý hội gặp Văn tứ gia một lần. Tuy nhiên, vẫn có hai điều khoản cần phải nói rõ trước, không biết Trần tổng đà-chủ có bằng lòng không?

-Xin đại nhân cứ cho biết rõ.

-Điều thứ nhất, Tổng-Đà-Chủ phải tuyệt đối giữ bí mật vì nếu bị phát giác thì họa ấy không phải nhỏ.

-Tôi xin thay mặt Tổng-Đà-Chủ nhận lời, quyết không để lộ bí mật.

-Còn điều thứ hai là chỉ một mình Tổng-Đà-Chủ được vào thăm Văn tứ đương gia thôi, không có người thứ hai được đi theo.

-Điều này tôi cũng xin chịu nhận.

Tăng-Đồ-Nam gật đầu nói:

-Một lời đã định (#8), tôi xin trở về bẩm báo lại với Lý tướng-quân. Tối nay xin mời Tổng-Đà-Chủ đến.

Vệ-Xuân-Hoa nói:

-Điều trọng yếu là trong khi Tổng-Đà-Chủ chúng tôi nói chuyện với Văn tứ đương-gia, không có người thứ ba được nghe. Và lẽ đương nhiên là không thể nào có mặt Trương-Siêu-Trọng tại đó.

Tăng-Đồ-Nam suy nghĩ một hồi, rồi nói:

-Được! Lý tướng-quân sẽ mời y ra ngoài nói chuyện là xong.

Vệ-Xuân-Hoa nói:

-Đa tạ Tăng đại nhân! Chúng tôi luôn luôn giữ chữ tín, chỉ mong Lý Nguyên-soái giữ trọn những điều giao ước này. Đích thân tôi sẽ đem Lý phu nhân và chiếc ngọc bình đến.

Tăng-Đồ-Nam chắp tay thi lễ nói:

-Xin thành thật cảm tạ huynh đài trước.

Tăng-Đồ-Nam về rồi, Trần-Gia-Cách mới họp tất cả mọi người lại bàn luận kế hoạch. Việc giải cứu Văn-Thái-Lai đã hai lần sắp thành công nhưng lại thất bại vào phút chót nên không ai dám khinh thường. Trần-Gia-Cách lại một lần nữa, nhờ đến Từ-Thiện-Hoằng nghĩ kế bày mưu.

Từ-Thiện-Hoằng suy nghĩ một lúc khá lâu mới nói:

-Không có Trương-Siêu-Trọng là một điều thuận tiện. Nhưng Lý-Khả-Tú cũng không phải là tay tầm thường, chắc chắc việc canh phòng cũng hết sức nghiêm ngặt. Vào trong dinh thự gặp Văn tứ ca là việc dễ dàng, nhưng làm sao cứu được Văn tứ ca mới là chuyện khó khăn. Theo tôi nghĩ thì chuyến này, Tổng-Đà-Chủ chỉ nên dò la địa hình bên trong và cách phòng bị nghiêm ngặt như thế nào thôi chứ chưa thể tính kế nào khác hơn trong lúc này được!

Triệu-Bán-Sơn gật đầu nói:

-Thất đệ nói rất đúng! Lý-Khả-Tú dám điều động đến hai phần ba lựng lượng quân trú phòng ở Hàng-Châu để canh giữ chứ chẳng phải đùa! Hơn nữa theo Lý-Khả-Tú đã ra hẹn, chỉ có một mình Tổng-Đà-Chủ được vào mà thôi.

Thường-Thích-Chí nói:

-Như vậy chúng ta phải đợi sẵn ở ngoài để hổ trợ Tổng-Đà-Chủ, đề phòng chúng giở quỷ kế.

Từ-Thiện-Hoằng nói:

-Tôi không sợ Lý-Khả-Tú giở quỷ kế nào cả, vì tiểu thiếp của hắn và chiếc ngọc bình vẫn còn trong tay chúng ta.

Trần-Gia-Cách chợt reo lên:

-Tôi đã nghĩ ra được một kế cứu Văn tứ ca. Khi đi vào nhà lao, tôi mặc áo đoạn vân tay rộng, màu xanh da trời, đầu đội mão ngự phong vành nhỏ, cố che khuất mặt không để ai nhìn rõ.

Từ-Thiện-Hoằng nghe nói đã hiểu ngay dụng ý của Trần-Gia-Cách liền chặn lại nói:

-Làm theo kế Tổng-Đà-Chủ thì cứu được một người nhưng lại kẹo mất một người. Như vậy không phải là thượng sách.

Vô-Trần Đạo-Nhân hỏi:

-Kế hoạch của Tổng-Đà-Chủ là thế nào? Xin nói rõ cho mọi người biết may ra đóng góp thêm được ý kiến hay.

Trần-Gia-Cách giải thích:

-Khi vào trong nhà lao, tôi sẽ thay đổi y phục với Văn tứ ca. Khi Văn tứ ca đi ra, bọn quân canh sẽ tưởng đó là tôi. Chỉ cần tứ ca ra đến cửa là có các anh em bảo vệ đưa đi. Thế là xong chuyện!

Vô-Trần Đạo-Nhân hỏi:

-Còn Tổng-Đà-Chủ?

Trần-Gia-Cách đáp:

-Vua Càn-Long với tôi có một mối giao tình khác đặc biệt, ắt sẽ thả tôi về chứ không giết hại đâu!

Vệ-Xuân-Hoa lắc đầu phản đối:

-Kế hoạch ấy thật là tuyệt diệu. Nhưng Tổng-Đà-Chủ là lãnh tụ của Hồng Hoa Hội, không thể mạo hiểm được, vạn bất đắc dĩ có chuyện gì thì hội còn biết trông cậy vào ai? Văn tứ ca là một con hổ, nhưng Tổng-Đà-Chủ là một con rồng. Đem rồng đổi hổ thật không có lợi chút nào cả. Chi bằng để tôi thế vào chỗ Tổng-Đà-Chủ thì hơn. Như thế, chúng ta đem một con dê để đổi một con hổ thì hay hơn nhiều.

Không riêng gì Vệ-Xuân-Hoa mà nhiều đương-gia khác cũng đòi thế vào chỗ Trần-Gia-Cách để thực hiện cái kế kim thiền thoát xác này.

Trần-Gia-Cách gạt đi nói:

-Tôi nhất định không để cho anh em phải hy sinh. Chẳng thà là để Văn tứ ca ở trong đó thì Càn-Long ít nhất cũng chưa dám giết vội, chứ nếu y phát giác ra bất kỳ một người nào khác tất nhiên y sẽ giết ngay mà thôi. Tất cả anh em đối với tôi đều tình sâu nghĩa trọng cả. Tôi không bao giờ chấp nhận để một người nào hy sinh vì người khác được. Thà để tôi thi hành là hơn cả. Không phải là tôi giỏi hơn hay dũng cảm hơn các anh em, chẳng qua vì hoàn cảnh của tôi thuận lợi hơn mà thôi.

Dương-Thanh-Hiệp nói:

-Càn-Long là người nham hiểm, không thể tin được. Làm sao Tổng-Đà-Chủ có thể chắc chắn là y sẽ thả Tổng-Đà-Chủ về mà không sát hại?

Trần-Gia-Cách gật đầu, kể lại chuyện mình với Càn-Long hứa là không hại đến tánh mạng của nhau ra sao cho mọi người cùng nghe.

Từ-Thiện-Hoằng nói:

-Đành là vậy, nhưng Tổng-Đà-Chủ không nên tin vào tên Hoàng-Đế nham hiểm này được. Việc nhỏ thì may ra y còn giữ lời, chứ việc lớn như thế này chưa chắc y chịu bỏ qua đâu! Theo ý tôi thì chúng ta nên đi theo bảo vệ Tổng-Đà-Chủ, phòng khi bất trắc. Nếu cứu được Văn tứ ca thì càng hay, nhưng điều quan trọng là Tổng-Đà-Chủ vẫn phải được an toàn trở ra. Hãy tùy cơ ứng biến mà hành động. Nếu thấy Tổng-Đà-Chủ đem được Văn tứ ca ra ngoài thì mọi việc êm xuôi, chúng ta chia hai nhóm, một nhóm hột tống Văn tứ ca lên thuyền, còn một nhóm ở lại cản đường đánh cầm chừng, chờ Văn tứ ca được đi xa rồi mới rút lui. Còn nếu chẳng may Tổng-Đà-Chủ bị chúng tấn công ngay ở bên trong thì chúng ta phải xông cả vào mà quyết chiến thôi.

Mọi người biết mưu kế của Từ-Thiện-Hoằng không phải là thượng sách, nhưng suy đi nghĩ lại, cũng không còn cách nào hơn cả.

Lạc-Băng đến trước mặt Trần-Gia-Cách quỳ xuống lạy. Hai giòng nước mắt của nàng chảy dài xuống, nghẹn ngào mà rằng:

-Chỉ vì Văn tứ ca mà Tổng-Đà-Chủ và các anh em phải bao phen vào sinh ra tử! Vợ chồng chúng tôi biết đời nào, kiếp nào mà đền đáp lại được…

Trần-Gia-Cách vột đỡ nàng dậy an ủi:

-Văn tứ tẩu đừng khách sáo. Chúng ta tình như cốt nhục, sống chết có nhau. Hơn nữa đây cũng là việc chung của Hồng Hoa Hội chúng ta chứ không phải là chuyện riêng của ai cả. Đừng quên Văn tứ ca còn ôm những bí mật có liên quan đến sực tồn vong của Hán-tộc…

Trần-Gia-Cách còn định nói thật nhiều nhưng lại thôi, ra lệnh cho Từ-Thiện-Hoằng điều động tất cả mà phân công…

Chú thích:

(1-) Phù vân: chòm mây nổi.

(2-) Trương phú-gia: ông nhà giàu họ Trương.

(3-) Ty-chức: danh từ khiêm xưng của quan nhỏ đối với quan cấp trên.

(4-) Phúc-Khang-An: đây là một nhân vật có thật trong lịch sử nhà Thanh, làm “Tổng-Đốc Lưỡng-Quảng” (Quảng-Đông và Quảng-Tây) tại Trung-Hoa cùng thời với vua Quang-Trung tại Việt-Nam.

(5-) Sở hữu: của riêng.

(6-) Tiêu tượng: chân dung.

(7-) Lao mật: nhà giam (tù) kín đáo.

(8-) Nhất ngôn vi định.

Chọn tập
Bình luận
× sticky