Vệ-Xuân-Hoa cùng với Thạch-Song-Anh lãnh nhận công tác của Trần-Gia-Cách giao phó tới Bắc-Kinh để dò xét tình hình. Hai ngày đầu chẳng có động tịnh gì cả.
Nhưng đến ngày thứ ba, hai người tình cờ nhìn thấy Trương-Siêu-Trọng đi với Mã-Chân bên vệ đường. Dường như là hai người đang tranh cãi nhau về vấn đề nào đó rất là kịch liệt. Hai người bèn len lén đi theo để ý nghe ngóng.
Chiều tối, hai người nhìn thấy Mã-Chân và Trương-Siêu-Trọng đi vào trong một căn nhà cửa sơn màu đỏ. Mã-Chân ngồi trên một cái giường bằng đá, còn Trương-Siêu-Trọng thì đi qua đi lại.
Trương-Siêu-Trọng sau đó nói với Mã-Chân rằng y có việc phải đi Bắc-Kinh để lo vài việc khẩn cấp, và sau khi đi Bắc-Kinh về, Hoàng-Đế sẽ giao cho y một công tác đặc biệt đến xứ Hồi để bắt một người nào đó. Mã-Chân buộc Trương-Siêu-Trọng phải cương quyết từ chối nhưng Trương-Siêu-Trọng vịn cớ rằng lệnh của Hoàng-Đế đã ban truyền nên y không dám vi chiếu. Hai người sau đó cãi nhau một trận kịch liệt. Cuối cùng Mã-Chân cả giận bước xuống giường nói:
-Trước mặt anh em Hồng Hoa Hội, ta đã hứa với họ. Nếu để cho ngươi đi, ta còn, mặt mũi nào mà nhìn mặt họ nữa!
Trương-Siêu-Trọng hậm hực nói:
-Bọn chúng là bang hội phản phúc, có gì mà đại sư huynh phải bận tâm?
Mã-Chân nghe nói cả giận tuốt kiếm ra nói:
-Mi có nhớ lời sư phụ trăn trối không? Mi thật là đứa vong ân bội nghĩa, cong lưng uốn gối làm chó săn cho triều đình Mãn-Thanh. Mi thật là đứa vô sỉ. Ta quyết cùng mi sống chết phen này.
Trương-Siêu-Trọng bỗng dịu giọng nói:
-Sư huynh không thích thì thôi, đệ không làm thế nữa. Để ngày mai đệ sẽ cùng sư huynh đi Hồ-Bắc.
Mã-Chân nghe nói thì hết giận tra kiếm lại vào vỏ, còn an ủi Trương-Siêu-Trọng vài câu. Hình như đã quá mỏi mệt, Mã-Chân nằm đặt mình lên giường ngủ. Trương-Siêu-Trọng mặt đằng đằng sát khí, đi đi lại lại không yên.
Đột nhiên Trương-Siêu-Trọng nghiến răng, đứng dậy gọi lớn:
-Đại sư huynh!
Mã-Chân giật mình tỉnh dậy, còn đang dụi mắt thì bỗng hét lên thất thanh. Máu từ đôi mắt của ông bỗng nhiên nhỏ xuống. Thì ra Trương-Siêu-Trọng đã dùng phù-dung châm phóng mù đôi mắt của ông ta.
Trương-Siêu-Trọng sau đó nhảy tới đâm vào người Mã-Chân một kiếm ngay ngực. Vệ-Xuân-Hoa cùng Thạch-Song-Anh thấy bất nhẫn thì bất chấp nguy hiểm xông cả vào tấn công Trương-Siêu-Trọng.
Ngỡ là quân tiếp viện tới rất đông, Trương-Siêu-Trọng không dám ở lại đương cự, tìm đường tẩu thoát. Nhưng trước khi chạy, y còn phóng trúng Thạch-Song-Anh mấy mũi phù-dung châm. Hai người đến dìu Mã-Chân dậy thì ông ta chỉ nói được có vài lời rồi tắt thở.
…
Mọi người nghe đến đây ai nấy đều hết sức căm phẫn. Trần-Gia-Cách nghe đến đây cả giận nói:
-Tên súc sinh Trương-Siêu-Trọng này thật là khốn nạn! Không giết được hắn, Trần-Gia-Cách tôi thề không làm người sống trên cõi đời này nữa.
Xoay qua Vệ-Xuân-Hoa, Trần-Gia-Cách hỏi:
-Mã đạo trưởng lúc lâm chung đã nói những gì?
Vệ-Xuân-Hoa đáp:
-Đạo trưởng nói rằng: “Làm ơn nói lại với Lục sư đệ và Dư-Ngư-Đồng trả thù cho tôi”. Tôi lo tẩm liệm cho Mã đạo trưởng xong liền tìm hấp thiết thạch để hút phù-dung châm ra cho thập-nhị đệ. Hiện tại y còn đang nằm dưỡng thương tại Song Liễu Tử Hồ Đồng ở Bắc-Kinh. Tôi sau đó đi Hà-Nam, gặp anh em Hồng Hoa Hội và Long-Môn hội cho biết Tổng-Đà-Chủ đã lên đường sang xứ Hồi. Thời may, sau đó tất cả anh em lại tìm được thập-tứ đệ. Nghe tin Mã đạo-trưởng bị hại, thập-tứ đệ rất đau lòng liền cùng theo anh em đến đây để tìm gặp Tổng-Đà-Chủ, thời may lại gặp được ở đây.
Vừa lúc đó, cát bụi tứ phía bay lên mịt mù. Từ-Thiện-Hoằng hoảng hốt kêu lên:
-Nguy tai! Quân Thanh đã bủa vây kín cả bốn mặt. Thật khó lòng mà thoát ra được!
Trần-Gia-Cách nói:
-Để đến đêm chúng ta sẽ phá vòng vây.
Đêm xuống, tuyết bắt đầu rơi. Hơi lạnh bốc lên thấu xương. Trần-Gia-Cách nói:
-Chúng ta có thể mở vòng vây để tẩu thoát được rồi.
Từ-Thiện-Hoằng nói:
-Thưa Tổng-Đà-Chủ! Tuy người không hèn nhưng hầu hết ngựa chưa được nghỉ ngơi đúng mức, chỉ còn đủ sức chạy ở mức độ tương đối nào đó thôi chứ không đủ sức của chiến mã để xông xáo phá vòng vây.
Thất đương-gia vừa dứt lời thì tên bắn tới như mưa. Mọi người phải nép hết vào bức tường cát để né tránh.
Lạc-Băng than:
-Nếu không có viện binh chắc chúng ta phải chết hết ở nơi đây!
Từ-Thiện-Hoằng nói:
-Mộc-Trác-Luân anh hùng thấy con gái mình và Tổng-Đà-Chủ đi lâu quá không về chắc thế nào cũng phải cho người đi đón.
Trần-Gia-Cách nói:
-Ngặt nỗi mình đi về hướng Nam xa quá, vị tất viện binh đã tìm ra được dấu vết của chúng ta mà cứu ứng!
Từ-Thiện-Hoằng đề nghị:
-Chúng ta nên cho người đi cầu viện là hay hơn cả.
Tâm-Nghiện hăng hái nói:
-Con xin lãnh mạng, xin Tổng-Đà-Chủ ra lệnh!
Trần-Gia-Cách suy nghĩ một hồi, đáp:
-Được!
Tâm-Nghiện lấy giấy bút ra. Trần-Gia-Cách nhờ Hương Hương công chúa viết bằng tiếng Duy xin viện binh. Sau đó, Trần-Gia-Cách lẻn ra ngoài giết một tên lính Thanh, lột hết quân phục cho Tâm-Nghiện mặc vào nói:
-Em dùng con bạch mã của tứ tẩu phi cho thật nhanh. Để ta cùng các đương-gia giả vờ phá vòng vây hướng đây để đánh lạc hướng chúng. Em thừa lúc chúng sơ hở mà tẩu thoát. Thoát khỏi vòng vây, em phải thay lại y phục cũ, đừng để cho người Duy lầm tưởng em là quân Thanh thì khốn!
Quả nhiên mọi chuyện xảy ra như ý muốn. Đám quân Thanh tưởng quần hùng Hồng Hoa Hội phá vòng vây nên tập trung hết về một nơi để đối phó. Tâm-Nghiện nhờ thế mà thoát ra được vòng vây dễ dàng.
Nhìn bóng Tâm-Nghiện khuất dần, Trần-Gia-Cách tự nhiên cảm thấy lo lắng trong lòng. Mặc dù trên danh nghĩa là chủ tớ, nhưng Trần-Gia-Cách luôn thương Tâm-Nghiện như đứa em nhỏ của mình. Lần này Tâm-Nghiện xả thân đi cầu viện, chưa biết sẽ sống chết thế nào.
Thấy Tâm-Nghiện thoát được vòng vây, ai nấy đều vui mừng, hứng chí vô cùng, tin tưởng sẽ được thoát nạn.
Tâm-Nghiện sau khi thoát được vòng vây, phi ngựa một hồi đi khá xa rồi tìm một chỗ thuận tiện để thay lại y phục của mình theo lời dặn của Trần-Gia-Cách. Cậu ta không dám chậm trễ, liền giục ngựa chạy cho thật lẹ để sớm tới nơi. Nhờ con thiên lý mã đi ngàn dặm không biết mỏi mà Tâm-Nghiện sau cùng cũng đến được nơi an toàn.
Mộc-Trác-Luân mãi không thấy Hương Hương công chúa cùng Trần-Gia-Cách trở về thì hết sức lo ngại. Đột nhiên thấy Tâm-Nghiện đến dâng lên lá thư của Hương Hương công chúa thì mừng rỡ vô cùng. Nhận ra đúng tuồn chữ của con gái, ông ta liền truyền lệnh cho viên đại đội trưởng tập họp các đội ngũ lại.
Tiêu-Thanh-Đồng hỏi Tâm-Nghiện:
-Quân số của Thanh-binh độ chừng bao nhiêu?
Tâm-Nghiện đáp:
-Không dưới 5000-6000 người!
Tiêu-Thanh-Đồng mím chặt hai vành môi. Nàng đi qua đi lại suy nghĩ. Sau đó tiếng tù và tập họp các đội quân người Duy lại. Ai nấy đều gươm dáo đầy đủ, nai nịt chỉnh tề, chỉ cần đợi lệnh là lập tức xuất chinh.
Thấy Mộc-Trác-Luân chuẩn bị lên đường, bỗng nhiên Tiêu-Thanh-Đồng nói lớn:
-Gia gia! Đừng nên đi! Con quả quyết là mình không cứu được đâu!
Mộc-Trác-Luân nghe nói giận đỏ mặt hỏi:
-Tại sao?
Tiêu-Thanh-Đồng đáp:
-Triệu-Huệ là đại nguyên-soái, dụng binh không phải tầm thường. Y không chịu bắt sứ giả ở khi còn ở tổng hành dinh mà lại đem theo đến 5000-6000 quân đuổi theo để vây thôi chứ không đánh, ắt hẳn là có quỷ kế!
Mộc-Trác-Luân cương quyết nói:
-Dầu cho y có quỷ kế đi chăng nữa, không lẽ để em con cùng các vị bằng hữu Hồng Hoa Hội chết trong tay quân Thanh à?
Tiêu-Thanh-Đồng nói:
-Con chỉ sợ rằng chẳng nhữn không cứu được hai người mà còn làm uổng mạng mấy ngàn binh sĩ của người Duy chúng ta.
Mộc-Trác-Luân đang nóng ruột nên dậm chân thình thịch thét vang lên:
-Đừng nói là có em con trong đó. Chỉ nội có Tổng-Đà-Chủ cùng anh em Hồng Hoa Hội trong đó cũng đủ cho chúng ta phải liều mạng để cứu rồi. Họ đối với chúng ta ân nghĩa như vậy, nay họ gặp nguy há chúng ta lại làm ngơ được chăng? Chẳng thà là chúng ta cùng chết chung với họ còn hơn sống một mình… Con… con…
Tiêu-Thanh-Đồng bình tĩnh nói:
-Con nào có bảo là không cứu? Con chỉ muốn làm cách nào vừa cứu được người, vừa thắng Triệu-Huệ một trận lớn mà chỉ thiệt hại ít thôi.
Mộc-Trác-Luân nghe nói cả mừng lên tiếng:
-Sao con không sớm nói cha biết như vậy? Đâu, kế sách của con làm sao, mau nói cho cha nghe, kẻo cha sốt ruột lắm rồi.
Tiêu-Thanh-Đồng nói:
-Con sẽ nói nếu cha bằng lòng giao cho con binh quyền tự ý chỉ huy trận này. Luôn cả anh Tiêu-A-Y cũng phải chịu nghe theo lệnh.
Mộc-Trác-Luân nghe nói cười, đáp:
-Việc này có gì là khó!
Sau đó ông ta lên tiếng nói với toàn thể tướng sĩ người Duy rằng:
-Tất cả nghe rõ đây! Tiêu-Thanh-Đồng sẽ là tư lệnh chỉ huy trận đánh này. Tất cả phải nghe theo kế hoạch và lệnh truyền, không được cãi lời!
Tất cả tướng sĩ Duy nghe nói đều hăng lên nói:
-Chúng tôi nguyện nghe theo lệnh của Tiêu-Thanh-Đồng cô nương. Xin Chân-Thần A-Trấp phù hộ cho Thúy-Vũ Hoàng-Sam đánh tan quân tàn bạo, dẹp hết đám xâm lăng!
Tiêu-Thanh-Đồng bước ra nói:
-Tốt lắm! Bây giờ mọi người hãy về nghỉ cho khỏi đã.
Mộc-Trác-Luân ngạc nhiên không hiểu, nhưng vẫn đi vào trong trướng để mặc Tiêu-Thanh-Đồng quyết định. Tâm-Nghiện đến quỳ vập đầu khóc lóc năn nỉ:
-Cô nương! Nếu cô không chịu phát binh thì công tử của em chết mất còn gì!
Tiêu-Thanh-Đồng cười nói:
-Nào ta có bảo là không đi cứu công tử của em đâu!
Tâm-Nghiện nói:
-Hơn 10 mạng người đều nằm cả trong tay cô nương đó. Nếu cô không cứu ắt chẳng một ai còn sống được.
Tiêu-Thanh-Đồng hỏi:
-Có đạo quân thiết-giáp của Triệu-Huệ đi tiên phong hay không?
Tâm-Nghiện đáp:
-Em chưa được thấy. Nhưng biết đâu chúng lại chẳng tấn công rồi!
Lúc đó Tiêu-A-Y dẫn vào mấy tên Thanh-binh bị chàng bắt được đang rình rập tại tổng hành dinh của Mộc-Trác-Luân. Tiêu-Thanh-Đồng vui mừng nói:
-Tốt lắm! Em đang định đi bắt vài tên về đây thì không ngờ chúng lại đến nạp mạng. Thật đỡ phải tốn công.
Mộc-Trác-Luân nói:
-Việc chính yếu là làm sao cứu được Kha-Tư-Lệ (#1) và các anh em Hồng Hoa Hội thôi! Sá gì mấy tên Thanh-binh này mà con phải bận tâm đến!
Tiêu-Thanh-Đồng lặng thinh. Nàng nhận ra một trong những tên lính bị bắt là tên sứ giả tên Hoa-Nhĩ-Đạt ban sáng. Tiêu-Thanh-Đồng nghiêm nghị nói:
-Gia Gia! Cha còn nhớ câu chuyện người ta bẫy con chó sói vàng không? Người ta để vào bẫy một miếng thịt dê. Con sói vàng tưởng bở chộp lấy miếng thịt dê làm cái bẫy xập. Thế là con sói vàng bị bắt. Triệu-Huệ dùng em con và các anh em Hồng Hoa Hội làm miếng thịt dê, và coi chúng ta là con sói vàng. Cha thử nghĩ coi! Ở giữa chốn sa mạc bằng phẳng không chỗ nào ẩn núp được. Với 5000-6000 quân, Triệu-Huệ nếu muốn giết mười mấy người có phải là chuyện khó hay không?
Mộc-Trác-Luân gật đầu cho là phải. Hai cha con ngồi bàn luận một hồi. Tiêu-Thanh-Đồng kết luận:
-Tóm lại, nếu ta đem quân đi cứu viện là sa vài bẫy của chúng, giống như con sói vàng đi tìm miếng thịt dê kia.
Tâm-Nghiện nghe nói như vậy lại òa lên khóc nói:
-Không ngờ cô nương tàn nhẫn như vậy. Tôi thề chết trước công tử nhà tôi.
Dứt lời, Tâm-Nghiện phóng lên lưng ngựa phi mất hút. Tiêu-Thanh-Đồng sau đó rỉ tai Mộc-Trác-Luân nói vài câu. Sau đó hai cha con cãi nhau như mổ bò. Mấy tên tù binh Mãn-Thanh, trong đó có Hoa-Nhĩ-Đạt đều nghe rõ mồn một, đại khái Mộc-Trác-Luân muốn phát binh cứu viện nhưng Tiêu-Thanh-Đồng nhất định không chịu. Nhưng sau cùng, nàng đành phải chịu nghe theo lời thân phụ.
Kế đến, Mộc-Trác-Luân cùng Tiêu-Thanh-Đồng ngồi bàn thảo kế hoạch cứu viện ra sao. Hoa-Nhĩ-Đạt nghe rõ từ đầu đến cuối không sót một câu nào. Nhìn ra phía ngoài, thấy mấy tên lính Duy lơ là việc canh gác vì đang bày cuộc đen đỏ với nhau, Hoa-Nhĩ-Đạt cả mừng liền vạch một lỗ hổng trong lều mà trốn ra.
Hoa-Nhĩ-Đạt sau đó liền trộm một con ngựa phi như bay về tổng hành-dinh của Triệu-Huệ báo tin. Triệu-Huệ cả mừng, liền huy động toàn bộ 10 vạn binh ròng, quyết tâm phen này tiêu diệt toàn bộ lực lượng của Mộc-Trác-Luân.
Lúc ấy tại tổng hành dinh của Mộc-Trác-Luân, Tiêu-Thanh-Đồng cười nói:
-Bây giờ chúng ta truyền lệnh khởi binh được rồi.
Mộc-Trác-Luân với vẻ mặt tươi cười nói:
-Mưu kế của con thật là thần sầu. Chắc chắn sẹ cứu được Kha-Tư-Lệ và anh em Hồng Hoa Hội thôi!
Cầm lệnh tiễn (#2), Tiêu-Thanh-Đồng đứng trước ba quân phát lạc:
-Đại đội trưởng đội Hồng-Kỳ thứ nhất lãnh 4 đội binh mã đến mai phục tại đầu phía Tây Đại-Nê-Trắc bên mặt đồng Quan-Bích thành. Nơi ấy là một đầm lầy sâu ngập đầu, có thể chôn vùi đại quân của Triệu-Huệ. Ba đội Bạch-Kỳ phải phục bên ngoài thành Diệp-Nhĩ-Khương lừa cho quân Thanh vào rồi phóng hỏa. Đội Hắc-Kỳ chia ra làm ba, một đội cung nỏ, hai đội canh chừng ven hai bờ sông Hắc-Thủy-Hà. Nếu thấy quân Thanh kéo ra đó thì lập tức đánh úp vào cả ba mặt, chặt gẫy cây cầu.
Sau đó Tiêu-Thanh-Đồng lại dặn dò kỹ các đội binh mã khác phải đi đào hào sâu, đắp thành lũy cho thật cao… để mà chống giặc.
Mộc-Trác-Luân ngạc nhiên hỏi:
-Vậy thì ai phụ trách phần giải cứu?
Tiêu-Thanh-Đồng lại kề tai Mộc-Trác-Luân nói nhỏ. Ông ta nghe xong mới gật đầu vui vẻ.
***
Nhắc lại Tâm-Nghiện, sau khi nghĩ rằng công việc cầu viện của mình thất bại liền trở về lại báo cáo tình hình với Trần-Gia-Cách.
Thấy Tâm-Nghiện không nói một lời gì mà cứ lăn ra khóc, ai nấy như linh cảm có việc gì chẳng lành. Châu-Ỷ hỏi:
-Sao em lại khóc? Có việc gì làm cho em buồn vậy?
Từ-Thiện-Hoằng hỏi:
-Có phải Tiêu-Thanh-Đồng không chịu phát binh không?
Tâm-Nghiện gật đầu, kể lại mọi chuyện. Quần hùng ngẫm nghĩ một hồi rồi đề nghị rằng tất cả nên hộ tống Hương Hương công chúa cùng Trần-Gia-Cách thoát khỏi vòng vây.
Văn-Thái-Lai nói:
-Chúng tôi có sống hay chết cũng chẳng thành vấn đề. Nhưng Tổng-Đà-Chủ phải sống để lo đại sự cho dân tộc. Xin Tổng-Đà-Chủ đem cái nghĩa lớn đặt lên trên tất cả.
Trần-Gia-Cách nói:
-Con người nếu chưa thực hiện được điều nghĩa nhỏ thì còn nói gì đến nghĩa lớn! Tôi không thể thoát thân một mình để mặc anh em sống chết ra sao được. Chúng ta chẳng lẽ chưa từng thề nguyền chung với nhau là cho dù không sinh cùng năm nhưng vẫn mong được chết cùng ngày đó sao? Chúng ta hãy cùng nhau hộ tống cho Hương Hương công chúa thoát khỏi vòng vây thôi!
Mặc ai khuyên thế nào, Trần-Gia-Cách cũng không nghe. Trần-Gia-Cách sau đó nói rõ ý định cho Hương Hương công chúa nghe. Nàng hỏi:
-Còn anh thì sao?
Trần-Gia-Cách đáp:
-Tôi phải ở lại sống chết với anh em cho tròn nghĩa.
Hương Hương công chúa khảng khái nói:
-Nếu vậy thì em cũng ở lại để sống chết với anh.
Mặc Trần-Gia-Cách có khuyên thế nào, Hương Hương công chúa cũng không chịu, quyết ở lại sống chết với mọi người. Ai nấy đều cảm động. Dù là phận nữ lưu nhưng ý chí của Hương Hương còn mạnh hơn nhiều đấng mày râu trong thiên hạ.
Châu-Ỷ nói:
-Hồi nãy tôi thầm trách Tổng-Đà-Chủ chẳng chút chung tình. Nhưng bây giờ thì tôi không trách nữa. Tổng-Đà-Chủ quả nhiên có cặp mắt tinh đời.
Lạc-Băng nói:
-Nói như em vậy thì ra em yêu thất-lang tha thiết đắm đuối là vì tấm lòng của chàng chứ không phải vì lý do chi khác?
Châu-Ỷ đáp:
-Chồng em tuy khỉ khọn nhưng lòng dạ rất tốt. Đó chính là điều em quý mến chàng.
Từ-Thiện-Hoằng nghe vợ ca ngợi mình trước mặt quần hùng thì rất hãnh diện, trong lòng sung sướng vô cùng.
Bỗng Trần-Gia-Cách quay qua Tâm-Nghiện nói:
-Tâm-Nghiện! Kể từ giờ phút này em không được gọi ta là thiếu-gia nữa, vì em là thập-ngũ đương-gia của Hồng Hoa Hội.
Mọi người đều vui vẻ nói:
-Phải! Dù sống hay chết, chúng ta đều nhận em là đứa em thứ 15 của chúng ta.
Tâm-Nghiện nghe nói cảm động quá, khóc mãi không thôi. Lúc bấy giờ tuyết xuống dày thêm mấy tấc. Mọi người vừa xúc tuyết đắp lên tường, vừa nói chuyện vui vẻ.
Từ-Thiện-Hoằng cười nói:
-Lúc này mà có một chung rượu hoàng-hoa hảo hạng thì tuyệt biết mấy!
Châu-Ỷ nguýt chàng một cái nói:
-Để cho anh say, bắt em phải canh chừng hộ giấc ngủ cho đó hả? Còn lâu!
Mọi người ai nấy đều cười rộ lên. Dư-Ngư-Đồng ngần ngừ một chút bỗng lên tiếng nói với Văn-Thái-Lai:
-Tứ ca! Em có một điều tâm sự. Nếu không nói được với anh có lẽ đến chết em vẫn còn ân hận.
Văn-Thái-Lai mỉm cười tế nhị, ôn tồn nói:
-Thập-tứ đệ có tâm sự gì cứ nói. Anh muốn nhấn mạnh là bất cứ điều gì!
Dư-Ngư-Đồng kể lại chuyện mình si mê Lạc-Băng đến nỗi suýt làm nhục nàng khi trước, từ đầu đến đuôi, không dấu diếm bất cứ một chi tiết nào cho Văn-Thái-Lai và tất cả mọi người cùng nghe.
Sau cùng, Dư-Ngư-Đồng nói:
-Cũng bởi vì em hối hận chuyện này không biết mấy cho nên mới vào Bảo-Tương-Tự quy y làm hòa thượng.
Văn-Thái-Lai bỗng bật cười lên ha hả nói:
-Thập-tứ đệ! Em tưởng là anh chẳng hiểu một tí gì về tâm sự của em sao? Nhưng em thấy đó, dù hiểu biết là vậy, anh đối xử với em có điều gì khác lạ không? Tứ tẩu chưa hề hé môi nói cho anh nghe, nhưng chỉ nhìn sơ qua là anh cũng hiểu được hết rồi. Anh đã hiểu em từ ngày em mới gia nhập Hồng Hoa Hội kia! Anh biết em còn đang tuổi thanh niên bồng bột nên thế nào mà chẳng bị ma tình ám ảnh, không chỗ này thì cũng chỗ khác thôi. Nhưng thực tâm, em không phải là người hèn hạ xấu xa. Anh chưa bao giờ bắt lỗi hay trách hận gì em, thì em còn phải lên tiếng xin anh tha thứ làm gì? Cùng chằng, anh chỉ trách em một điều duy nhất là em dành quá nhiều thì giờ để đi suy nghĩ và làm những việc thừa, không đáng để ý đến!
Quần hùng nghe Văn-Thái-Lai nói, ai nấy đều tấm tắc khen ngợi, hết sức bội phục tấm lòng khoan dung độ lượng quân tử của Văn-Thái-Lai.
Dư-Ngư-Đồng cảm thấy vô cùng cảm kích mà cũng vô cùng xấu hổ. Nhưng chàng cảm thấy tâm hồn được nhẹ nhõm hẳn đi như đã trút bỏ được hết tất cả phiền não bên trong ra ngoài.
Lạc-Băng nhìn Dư-Ngư-Đồng cười nói:
-Này thập-tứ đệ! Chị còn một chuyện không vừa lòng với em chút nào cả đấy nhé!
Dư-Ngư-Đồng hỏi:
-Chuyện gì vậy tứ tẩu?
Lạc-Băng nói:
-Em làm hòa thượng, nếu chết sẽ được Phật-Tổ Như-Lai dẫn về Tây-Phương Cực-Lạc. Còn bọn ta đây sẽ bị bà con của ngũ ca và lục ca bắt xuống địa ngục a-tỳ. Như vậy thì còn gì là công bằng? Câu thề nguyền năm xưa có phú cùng hưởng có họa cùng chịu còn đúng nữa hay không?
Mọi người nghe Lạc-Băng nói đều cười ngất. Dư-Ngư-Đồng cũng không nhịn được, cười lên ha hả. Chàng cởi áo cà sa ra nói:
-Hôm nay em đã phạm sát giới, đâu còn xứng đáng làm hòa thượng nữa. Vậy để em hoàn tục để có gì cùng về chung cõi âm ty với tất cả.
Mọi người lại thêm một phen cười ngất. Quần hùng Hồng Hoa Hội sau đó lại cố thủ bên vách tường cát thêm một đêm nữa. Ai nấy đều trong vị trí tử chiến, quyết liều thân một khi quân Thanh tấn công bất cứ lúc nào. Nhưng trái với sự tiên liệu của mọi người, quân Thanh chỉ vây chặt, không cho họ thoát ra, nhưng không chịu tấn công vào.
Từ-Thiện-Hoằng suy nghĩ một hồi liền hỏi Tâm-nghiện:
-Thập-ngũ đệ! Tiêu-Thanh-Đồng cô nương có hỏi gì em không?
Tâm-Nghiện cố nặn óc một hồi mới đáp:
-Nàng có hỏi sơ sơ về quân tình, ví dụ quân số là bao nhiêu, có thiếp giáp quân đi xung phong không…
Từ-Thiện-Hoằng bỗng cả mừng reo lên:
-Tất cả anh em đừng lo! Tiêu-Thanh-Đồng sẽ đem quân tiếp ứng. Tin tôi đi, nội trong hôm nay đại quân người Duy sẽ tới!
Mọi người nhìn Từ-Thiện-Hoằng ngạc nhiên, chàng lại nói tiếp:
-Chúng ta thật là hồ đồ, nghi ngờ đến lòng dạ chân thật của Tiêu-Thanh-Đồng! Nàng còn sáng suốt hơn bọn ta gấp bội!
Châu-Ỷ ngơ ngác hỏi:
-Nghĩa là sao?
Từ-Thiện-Hoằng không trực tiếp trả lời Châu-Ỷ mà hỏi lại:
-Nếu đạo quân thiết-giáp Mãn-Thanh mà tấn công vào đây liệu chúng ta có người nào toàn tánh mạng được hay không?
Châu-Ỷ gật đầu, nhưng lấy làm lạ, nói:
-Ừ! Thật là lạ nhỉ!
Từ-Thiện-Hoằng lại giải thích:
-Mà sự thật chúng cũng cần gì phải dùng đến thiết-giáp quân! Với quân số đông đảo như thế mà tấn công vào thì cho dù là đám quân bệnh hoạn, chúng ta liệu có sống sót nổi hay không?
Trần-Gia-Cách reo lên:
-Đúng rồi! Đúng rồi! Chủ ý bọn chúng chỉ cần bao vây chúng ta để nhử quân tiếp viện đến. Tiêu-Thanh-Đồng hiểu rõ thâm ý của bọn chúng nên chắc nàng đã có kế hay gì rồi!
Chương-Tấn nói:
-Có kế gì đâu Tổng-Đà-Chủ! Chỉ thấy nàng bỏ mặc chúng ta sống chết nơi đây mà thôi!
Trần-Gia-Cách nó:
-Thập ca yên tâm. Tôi tin tưởng nàng đã có biện pháp nào rồi.
Quần hùng không cùng một ý nghĩ như nhau. Người thì quả quyết, kẻ thì hoài nghi. Nhưng có một điều ai ai cũng phải giống nhau là cùng nhau chờ đợi tin tức…
Chú thích:
(1-) Kha-Tư-Lệ: tên của Hương Hương công chúa. Như chúng ta đã được biết qua, người Duy theo chế độ “mẫu hệ”. Vì vậy chúng ta có thể kết luận rằng Tiêu-Thanh-Đồng với Kha-Tư-Lệ là “cùng cha khác mẹ”.
(2-) “Lệnh tiễn” của người Duy cũng tương tự như “kiếm ấn” của người Hán và người Việt.