Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thư Kiếm Ân Cừu Lục

Chương 11 – Hận cũ còn mang nghe khó trả – Ân sâu trót chịu biết sao đền

Tác giả: Kim Dung
Chọn tập

Lạc-Băng nằm hôn mê dưới đất chẳng biết là bao lâu. Nàng bỗng nghe văng vẳng bên tai như có tiếng người gọi:

-Úy trời! Ngủ gì mà ngủ mê man dữ vậy? Gần tối rồi! Thức dậy đi chứ!

Lạc-Băng tưởng mình đang nằm mộng. Đôi mắt nặng nề cố nhướng mày mở ra xem cho rõ có rằng có người thật không, là chỉ là ảo ảnh. Mí mắt Lạc-Băng từ từ hé lên. Trước mặt nàng là một thiếu nữ xinh đẹp, mắt sáng như sao. Cô thiếu nữ này trông sắc diện nghiêm trang, lông mày rậm đen, gương mặt sáng sủa, tuổi chừng 16. Thấy Lạc-Băng đã tỉnh thì nàng thiếu nữ nở một nụ cười tươi tắn như hoa, quay lưng ra sau như nói với một con a hoàn đi theo hầu:

-Mi lấy bình sữa của ta đem đến mời chị này uống đỡ. Ta trông khí sắc thấy dường như đói bụng quá nên đâm ra mê man chứ không phải là ngủ đâu.

Đứa a hoàn vâng lời lấy bình sữa tươi rót ra một chén bạc thật lớn mời Lạc-Băng uống. Đang đói, lại khát, Lạc-Băng chẳng chút khách sáo bưng chén sữa tươi uống một hơi cạn. Uống xong chén sữa, Lạc-Băng như tỉnh hẳn lại. Nàng cảm thấy tinh thần phơi phới lạ thường, có cảm tưởng như chén sữa ấy là một chén thuốc hồi sinh cứu người sắp chết sống lại. Nếu như lúc này có lên ngay yên ngựa, nàng cũng đủ sức mà vượt qua được muôn dặm lộ trình.

Lạc-Băng gắng gượng ngồi dậy. Chung quanh chẳng phải là rừng mà là một nơi hoàn toàn xa lạ. Lạc-Băng thấy mình đang nằm trên một chiếc giường lót nệm, có gối, có chăn hẳn hòi giữa một căn phòng trang hoàng rất sang trọng, trang nhã. Nàng nghĩ bụng đây là nhà của một phú hộ giàu có, và thiếu nữ nọ là con của ông ta.

Lạc-Băng nhớ lại tình hình lúc hôn mê bất tỉnh. Nàng đoán rằng chắc thiếu nữ kia tình cờ đi qua trông thấy tình trạng nàng như vậy nên đem về đây cứu mạng. Nghĩ đến đây, Lạc-Băng vô cùng cảm kích vì nếu không được nàng thiếu nữ ra tay cứu nạn thì giờ này chắc nàng đã sang bên kia thế giới rồi.

Lạc-Băng chống hai tay lên thành giường mà ngồi hẳn dậy. Thiếu nữ vội vã bước tới vịn vào hai vai nàng giữ lại nói:

-Tỷ tỷ vẫn còn yếu lắm, cứ nằm nghỉ thêm một lát đi! Đừng vội dậy làm chi cho mất sức!

Với giọng biết ơn, Lạc-Băng nói:

-Đa tạ cô nương có lòng nhân đạo hảo tâm. Nhờ ơn cô cứu mạng đem về đây nên bây giờ tôi đã bình phục lại rồi. Xin cho được biết rõ danh tánh để ghi nhớ mãi trong lòng.

Thiếu nữ cười duyên dáng, từ tốn nói:

-Có gì đâu mà chị phải bận tâm đến ân với nghĩa! Tiểu muội họ Châu…

Bỗng nhiên thiếu nữ ngừng lại không nói tiếp tên mình. Nàng lấy tay đỡ Lạc-Băng nằm lại xuống giường rồi nói tiếp:

-Em trông chị còn mệt lắm. Thôi, hãy nằm xuống mà ngủ thêm một giấc nữa đi! Chừng nào chị hết mệt, tinh thần tỉnh táo lại thì mình nói chuyện sau cũng chưa muộn.

Không để cho Lạc-Băng tỏ thái độ, thiếu nữ họ Châu vừa dứt lời đã từ từ ra khỏi phòng. Nàng đi hết sức nhẹ nhàng như sợ làm kinh động đến Lạc-Băng khiến nàng không ngủ được.

Lạc-Băng lại nằm xuống giường. Quả như lời thiếu nữ họ Châu nói, nàng chưa hết mệt hẳn. Vì vậy nằm im chốc lát mà nàng đã ngủ vùi một giấc mê man. Ngủ lại một giấc ngon lành không biết là bao lâu, đến lúc thức dậy, Lạc-Băng bỗng chóa mắt lên vì những ngọn đèn sáng choang trong phòng nàng đang nằm. Lạc-Băng nghe văng vẳng phía ngoài cửa phòng có tiếng một thiếu nữ nói rõ ràng:

-Thật bọn chúng khinh lão gia ta quá! Chưa điều tra cho rõ căn nguyên, chúng đã kéo nhau tới đốt phá Thiết-Đảm-Trang (#1)! Lão gia ta, một vị anh hùng cái thế, chuyên lấy nhân nghĩa ra đối xử với đời, lấy lượng khoan dung kết nạp nhân sĩ. Các võ phái vùng Tây-Bắc này chưa có ai bất bình, mà đối với những cao thủ võ lâm cũng chưa ai mà không kính phục. Thế mà ngày nay bọn chúng mục hạ vô nhân, thóa mạ lão gia ta lắm điều lại đòi thiêu hủy cả một vùng Thiết-Đảm-Trang không chừa lại một chỗ cho gia đình ta dung thân! Lão gia ta còn nhẫn nhịn được chứ còn ta thì nhất định không nghe, quyết cùng bọn chúng một phen sống mái mới được! Ta vì thiên hạ hành hiệp để dẹp tan các nỗi bất bình mà chính nỗi bất bình của gia đình mình lại không làm gì được thì còn mặt mũi nào để nhìn ai nữa!

Giọng nói oanh vàng của thiếu nữ ấy trong trẻo như tiếng chuông vang, mà khẩu khí lại vô cùng khảng khái khiến cho Lạc-Băng tuy chưa thấy mặt nhưng đã đem lòng nể phục.

Lạc-Băng nằm trên giường nghe ba tiếng Thiết-Đảm-Trang vừa thốt ra là đã để ý ngay rồi sau đó lại nghe rõ bao nhiêu chuyện đã xảy ra cho nơi ấy do chính miệng thiếu nữ kia kể lại thì trong lòng nàng không khỏi kinh ngạc. Nàng không hiểu bọn người nào đã tới đốt phá Thiết-Đảm-Trang để cho thiếu nữ này phải lồng gan lộn mặt lên đến như thế!

Phải chăng đám người ấy là anh em Hồng Hoa Hội của nàng? Cứ căn cứ vào lời thiếu nữ nói thì hẳn nàng chính là con gái của Châu-Trọng-Anh chứ không còn chạy vào đâu được nữa.

Đối với Thiết-Đảm-Trang, Lạc-Băng có một mối hận phải trả. Chỉ vì sự phản bội của người nhà Châu-Trọng-Anh nên Văn-Thái-Lai, chồng nàng mới bị Trương-Siêu-Trọng bắt được mà giải đi. Nhưng nghĩ đến cái ơn người con gái họ Châu đã cứu sống nàng đem về đây thuốc thanh săn sóc, và hiện tại nàng vẫn còn đang ăn gửi nằm nhờ thì Lạc-Băng không khỏi cảm động. Tóm lại, chồng nàng bị bắt là bởi lỗi lầm của Thiết-Đảm-Trang, nhưng còn thân nàng được cứu sống thì không thể phủ nhận công ơn của Thiết-Đảm-Trang được!

Oán không dám trả là hạng thất phu. Nhưng ơn mà không đền cũng chẳng phải là bậc hiền nhân. Lạc-Băng nghĩ ngợi một hồi, thắc mắc không biết rồi đây nàng sẽ phải xử trí ra sao với Thiết-Đảm-Trang.

Nghe thiếu nữ họ Châu trách bọn người đến đốt phá sơn trang mà không chịu tìm hiểu rõ lý do phải trái, Lạc-Băng nhận thấy những lời lẽ kia cực kỳ chính trực của một người biết lẽ phải. Nàng thầm nghĩ không biết có phải trong Thiết-Đảm-Trang có gian tế hay không. Hoặc giả có điều gì hết sức bí ẩn trong việc này mà chưa ai tìm rõ được nguyên nhân…

Đang phân vân suy tính thì cánh cửa phòng mở toang ra, thiếu nữ họ Châu và đứa nữ tỳ xăm xăm đi vào. Thiếu nữ họ Châu đến trước giường của Lạc-Băng vén màn nhìn vào. Lạc-Băng muốn dò biết ý định của cô ta nên giả vờ nhắm hai mí mắt lại, ngáy đều đều.

Thiếu nữ họ Châu lại quay trở ra, đến trước cái giá giắt binh khí rút ra một cây đao. Lạc-Băng mở mắt nhìn, thấy cây Uyên-Ương Đao của mình vẫn còn để y nguyên trên mặt bàn nên trong lòng đã chuẩn bị đề phòng mọi bất trắc có thể xảy ra. Nàng thầm nghĩ nếu thiếu nữ họ Châu trở mặt dùng đao thình lình chém mình thì nàng sẽ chụp lấy cái gối trên giường mà đỡ rồi sẽ nhảy xuống giường chụp lẹ thanh Uyên-Ương Đao của mình mà chém vài nhát rồi sẽ chạy ra cửa mà tẩu thoát.

Nhưng trái với sự lo nghĩ của Lạc-Băng, thiếu nữ họ Châu chỉ nhìn vào thanh đao với đôi mắt giận dữ mà hoàn toàn không để ý gì đến nàng hay có hành động nào khả nghi. Nàng nghe giọng đứa thị tỳ nói:

-Tiểu thư à! Đừng nên gây thêm chuyện nữa mà làm gì! Lão gia chúng ta há không đủ tài sức và mưu trí để đương đầu với bọn Hồng Hoa Hội sao? Thế mà lão gia bỏ qua tất cả, tất nhiên vì người không muốn gây thù chuốc oán thêm nữa! Ý lão gia như vậy, chẳng lẽ tiểu thư lại muốn trái trái ngược hay sao? Lão gia đang buồn nhiều, bổn phận của tiểu thư là làm sao cho lão gia vui lên chứ đừng làm cho lão gia phải mệt trí thêm nữa! Nô tỳ tin là vụ này lão gia đã có chủ trương rồi, tiểu thư nên kiên nhẫn mà chờ xem, chớ có vọng động!

Thấy thiếu nữ họ Châu thở dài, đứng im không nói năng gì. Không biết thế nào, nàng ta tra bỏ lại thanh đao vào chiếc giá. Lạc-Băng thấy vậy nghĩ thầm:

-“Chắc thiếu nữ họ Châu này là ái-nữ của Châu-Trọng-Anh đây.”

Lạc-Băng quả nhiên đoán không sai. Thiếu nữ này là Châu-Ỷ, con gái của Châu-Trọng-Anh, trang-chủ Thiết-Đảm-Trang. Tuy là phận nữ nhi nhưng phong cách của Châu-Ý phong cách của nàng ta giống hết cha ở lòng hào hiệp và chí khí ngang tàng.

Bình sinh, Châu-Ỷ hay lo bao biện (#2) chuyện thiên hạ. Bất cứ việc nào thấy bất bình là nhất định nàng phải xen vào cho bằng được trước đã, rồi để mặc cho hạ hồi phân giải. Vì vậy, giới võ lâm giang-hồ vùng Tây-Bắc đặt cho Châu-Ỷ biệt danh là Tiểu Quy Lục. Hay can dự vào việc của kẻ khác nên thường gây ra chuyện phiền rắc rối cho cha là Châu-Trọng-Anh…

Hôm ấy, vì thấy việc bất bình, Châu-Ỷ đánh một kẻ uy quyền đến trọng thương mà bênh vực cho một kẻ yếu thế nên bị Châu-Trọng-Anh trách mắng không biết nên sợ hãi mà trốn ra ngoài. Nàng định chờ cha nguôi bớt cơn giận rồi sẽ về lạy lục chịu tội sau.

Lúc Châu-Ỷ cùng đứa nữ tỳ trên đường trở về Thiết-Đảm-Trang thì tình cờ gặp Lạc-Băng nằm hôn mê bất tỉnh dưới đất, mắt thì nhắm nghiền lại, còn hơi thở thì thoi thóp. Châu-Ỷ đến gần bắt mạch xem thử bỗng kinh hãi, nhận thấy tánh mạng Lạc-Băng mười phần nguy ngập nên liền sai con nữ tỳ cõng nàng về nhà mà cấp cứu…

Nghe lời giải bày của đứa nữ tỳ, Châu-Ỷ như giác ngộ vì nhận thấy thật là vô cùng chí lý. Một phút nóng giận có thể làm hỏng chuyện của thân phụ nàng như không. Châu-Ý nói thầm trong bụng rằng:

-Thân phụ ta không phải là hạng người để cho ai uy hiếp được. Đời sống của thân phụ ta không phải chỉ riêng lo cho hạnh phúc gia đình. Mặc dầu không gia nhập Hồng Hoa Hội, cha ta lúc nào cũng có cảm tình với đảng phái cách mạng của những người yêu nước luôn vận động phong trào phản Thanh phục Minh. Tuy không trực tiếp chống đối triều đình Mãn-Thanh, người rất tỏ ra bất bình những kẻ ngoại bang đang dùng vũ lực dày xéo quê hương, bắt dân ta làm nô lệ. Thân phụ ta cũng rất chán ghét những vụ huyết nhục tương tàn của người Hán chuyên đi hiếp đáp, sát hại lẫn nhau. Sự nghiệp của thân phụ ta không phải chỉ trong phạm vi gia đình Thiết-Đảm-Trang mà còn là sự nghiệp của một anh hùng vị quốc vong gia (#3). Đành rằng Hồng Hoa Hội đốt phá Thiết Đảm Trang, nhục mạ một chí sĩ như phụ thân ta mà không chịu điều tra kỹ lưỡng hay biết phân biệt thế nào là đại nghĩa với tiểu tiết; thế nhưng thân phụ ta vẫn nhịn chúng vì người biết nếu gây sự với chúng thì chỉ có lợi cho quân xâm lược mà thôi, như vậy thì có khác nào nối giáo cho giặc! Thân phụ ta đã vì đại nghĩa mà không kết oán với Hồng Hoa Hội mà ta trái lại muốn cùng chúng gây hấn thì có khác nào phá hủy đi sự nghiệp lớn lao của thân phụ ta không? Lời con liễu hoàn nhắc nhở ta thật hay và đúng lúc!”

Suy nghĩ một hồi, Châu-Ỷ bỗng giật mình một cái, quay qua nói với đứa nữ tỳ:

-Hay lắm! Lời em thật là hữu tình hữu lý! Suýt nữa là ta nóng giận làm càn thì say này có hối mấy cũng không xong. Thêm vào đó, ta không làm vui lòng được thân phụ lại khiến cho người càng buồn thêm. Tai biến gần đây của gia đình làm thân phụ buồn rầu, gầy đi rất nhiều. Em nói đúng! Chuyện ấy ta nên để cho thân phụ quyết định mà chẳng nên nhúng tay vào làm gì!

Đứa liễu hoàn thấy lời khuyên can của mình được cô chủ của mình cho là phải mà nghe theo thì vui mừng hớn hở nói:

-Tiểu thư dằn được tính nóng để khỏi nhọc tâm đến lão gia thì thật là quý hóa. Lâu nay tính tiểu thư nóng như lửa đốt, nhưng không ngờ hôm nay lại dằn được.

Châu-Ỷ nhoẻm miệng cười đáp lại:

-Việc nào cần phải nóng thì cho dù ai bảo thế nào ta cũng không nghe. Nhưng việc nào không nên nóng mà lại nóng thì thật là kẻ bất trí, vô mưu. Hữu dũng mà vô mưu là ngu dại. Người trí dũng song toàn phải biết thời cơ.

Có lẽ Châu-Ỷ giống cha ở chỗ ấy. Nàng rất trọng nghĩa khí, rất khảng khái, biết cân nhắc khinh, trọng. Đành rằng là Châu-Ỷ có nóng tính. Nhưng không vì thế mà nàng thiếu xét đoán, coi thường lẽ phải.

Nói dứt lời, Châu-Ỷ bước ra khỏi phòng đi thẳng một mạch, không quay đầu nhìn lại. Đứa nữ tỳ cũng trở gót đi theo.

Lạc-Băng được chứng kiến những hành động của Châu-Ỷ, lại được nghe tận tai câu chuyện giữa nàng ta cùng với con liễu hoàn. Nàng nhận xét thấy con người của Châu-Ỷ thật là quang-minh chính đại. Nhưng câu chuyện nghe được giữa hai người làm cho Lạc-Băng không khỏi bồn chồn suy nghĩ.

Căn cứ theo câu chuyện vừa nghe được thì chính Hồng Hoa Hội của nàng là thủ phạm đốt phá Thiết-Đảm-Trang. Nếu quả thật Châu-Trọng-Anh xử sự hòa nhã như thế thì ông ta quả là một người hiếm có trên đời. Chẳng nói đâu cho xa, những cử chỉ cùng lời nói của Lạc-Băng nhục mạ Châu-Trọng-Anh hôm nọ còn nặng hơn cả giết chết ông ta nữa!

Lạc-Băng cảm thấy có điều gì hết sức lạ lùng mà nàng chưa nghĩ ra được. Có lẽ nào mà Châu-Trọng-Anh lại khiếp nhược đến thế được? Dẫu sao thì ông ta cũng là minh chủ võ lâm của cả vùng Tây-Bắc. Lý do nào lại khiến cho ông ta chịu nhẫn nhục đến như vậy?

Nếu quả thật là người của Thiết-Đảm-Trang phản bội cấu kết với triều đình mà chỉ chỗ ẩn nấp của Văn-Thái-Lai cho Trương-Siêu-Trọng thì Châu-Trọng-Anh phải chịu trách nhiệm mà nhận lấy hậu quả, cho dù có phải đích thân ông ta hành động hay chủ mưu hay không! Và đương nhiên Lạc-Băng sẽ không bao giờ hối hận về cử chỉ của nàng đối với Châu-Trọng-Anh cả. Luôn cả việc Hồng Hoa Hội của nàng đốt phá Thiết-Đảm-Trang cũng chẳng có điều gì đáng nói. Quy luật của Hồng Hoa Hộng xưa nay vẫn thế. Ân đền ân. Oán trả oán.

Tuy nhiên, điều mà Lạc-Băng sợ nhất là ngộ nhỡ không phải người của Thiết-Đảm-Trang chỉ điểm mà chính Trương-Siêu-Trọng tìm thấy được chỗ núp của Văn-Thái-Lai hôm ấy thì sao đây? Biết đâu người của Thiết-Đảm-Trang thật tình hết lòng bảo vệ nhưng vẫn phải chịu thua non một tay Trương-Siêu-Trọng? Như thế chẳng hóa ra thụ ân lớn đã không đền mà còn đi trả thù một cách tàn nhẫn! Và như thế thì uy tín Hồng Hoa Hội liệu còn có giá trị nữa hay không?

Điều lo ngại này chính Văn-Thái-Lai đã đề cập đến hôm đó lúc bị lộ tẩy. Có lẽ Văn-Thái-Lai cũng đoán được sẽ có ngày này. Phải chăng chàng đã biết trước anh em Hồng Hoa Hội sẽ không chịu điều tra kỹ lưỡng trước khi hành động?

Nhưng rồi Lạc-Băng lại không tin rằng Hồng Hoa Hội là thủ phạm việc đốt phá Thiết-Đảm-Trang. Nàng tin Thiếu-Đà-Chủ Trần-Gia-Cách là người thông minh tột đỉnh, xét đoán việc như thần, quyết không thể sai lạc. Ngoài Thiếu-Đà-Chủ ra, cũng còn các đương-gia khác nữa. Họ đâu phải là những người tầm thường chỉ biết nghe mà không biết suy đoán! Huống chi Châu-Trọng-Anh là một nhân vật có danh vọng và uy tín cao như vậy. Trước khi ra tay trừng phạt một nhân vật như thế ắt Hồng Hoa Hội phải nắm được bằng chứng xác thực hẳn hòi trong tay chứ không thể hành động hồ đồ thiếu suy nghĩ được.

Lại thêm một điều khiến cho Lạc-Băng vô cùng thắc mắc nữa là Lục-Phỉ-Thanh, một vị tiền bối có bản lãnh trác tuyệt, kinh nghiệm có thừa mà lại không hiểu rõ được con người Châu-Trọng-Anh mà lại giới thiệu cho Văn-Thái-Lai để bị lầm vào mưu gian? Nếu Lục-Phỉ-Thanh không biết rõ Châu-Trọng-Anh tất nhiên đã không giới thiệu cho Văn-Thái-Lai đến đó để nương náu làm gì, vì ông ta biết sự sống chết của Văn-Thái-Lai có quan hệ không nhỏ đến sự tồn vong của Hán-tộc. Có lẽ nào Lục-Phỉ-Thanh lại khờ khạo đến độ đưa mồi vào miệng hồ lan (#4)? Và nếu Hồng Hoa Hội hành động thiếu suy nghĩ thì không lẽ Lục-Phỉ-Thanh không biết dùng lẽ phải để canh thiệp, can ngăn?

Lục-Phỉ-Thanh nhận lãnh trách nhiệm chịu thay thế Dư-Ngư-Đồng về gấp An-Tây báo cáo tình hình khẩn cấp để Hồng Hoa Hội tìm phương cách giải cứu Văn-Thái-Lai. Lẽ đương nhiên Lục-Phỉ-Thanh đã về đến nơi và sau đó đi chung với Hồng Hoa Hội, tức là ông ta luôn luôn ở bên cạnh Hồng Hoa Hội, và phải có mặt trong vụ này. Nếu chuyện là thế sao Lục-Phỉ-Thanh không một lời khuyên ngăn hay cản trở?

Nằm mãi trên giường nghĩ tới nghĩ lui mà Lạc-Băng vẫn không sao tìm ra được chân lý trong vụ đốt phá Thiết-Đảm-Trang. Ngoài ra bao nhiêu câu hỏi đặt ra cũng không có cách nào mà giải đáp!

Đã qua hai ngày kể từ lúc Lạc-Băng được Châu-Ỷ cứu đem về Thiết-Đảm-Trang. Nàng được tận tình săn sóc bằng thuốc men, dùng toàn thức ăn của ngon vật lạ để bổ dưỡng, lại được ngủ ngon, cũng như nghỉ ngơi đúng mức.

Hôm nay, Lạc-Băng không còn cảm thấy đau nhức chút nào nữa. Các vết thương như đã lành cả rồi. Tinh thần thì khoan khoái nhẹ nhàng, nhiệt độ trong người đã trở lại mức bình thường. Lạc-Băng nghe mình như đã được hoàn toàn bình phục.

Vì quen luyện tập võ công nên thân thể Lạc-Băng quả khác với người thường. Một khi hết bệnh là thân thể lại trở nên mạnh khỏe lại như cũ. Nàng liền ngồi dậy thu thập y phục xếp lại cẩn thận rồi khăn gói mang lên vai. Đang đói bụng, lại thấy trên bàn có sẵn một cái đĩa lớn với những chiếc bánh gói rất thơm ngon, Lạc-Băng liền bóc mấy cái dùng đỡ dạ. Ăn no xong, Lạc-Băng lấy nốt những cái bánh còn lại bỏ trong bao đem đi đường dùng làm lương thực. Sau đó, nàng lấy cặp Uyên-Ương Đao trên bàn giắt vào mình nhẹ bước ra khỏi phòng mà đi.

Cứ nghĩ đến Châu-Ỷ là Lạc-Băng lại cảm kích cái ơn hồi sinh kia, đã cứu thoát nàng trong lúc nguy nan cực kỳ khốn đốn chẳng khác nào như một cơn ác mộng.

Mối thù đối với họ Châu tại Thiết-Đảm-Trang nếu sâu như bể thì ân nghĩa kia cũng chẳng khác gì non cao. Lạc-Băng không hiểu đó là một sự ngẫu nhiên hay là do định mệnh an bài?

Người của Thiết-Đảm-Trang dù vô tình hay cố ý phản bội, nếu phải trả bằng cái giá đó tưởng cũng đủ lắm rồi. Lòng căm thù của nàng đối với Châu-Trọng-Anh cũng đã hả giận. Nhưng cái ơn của người Thiết-Đảm-Trang cứu nàng mang về thuốc thang tận tình săn sóc để giờ này còn lại mạng sống đây, mai sau nàng phải đền lại cách nào cho xứng đáng đây?

Lúc tỉnh dậy lần đầu, Lạc-Băng chưa có gì nghi ngại. Nhưng khi nghe Châu-Ỷ nói cho biết nàng ta họ Châu, Lạc-Băng đã nghi ngờ nàng là người của Thiết-Đảm-Trang. Là người từng trải giang hồ nhiều năm nên cho nên việc gì Lạc-Băng cũng hết sức thận trọng. Khi nghi ngờ Châu-Ỷ là người của Thiết-Đảm-Trang, Lạc-Băng đã liệu bề cảnh giác mà đề phòng. Nàng cho rằng Châu-Ỷ đã biết rõ nàng là người của Hồng Hoa Hội nên ngại không dám nói tên cũng như lý lịch của mình ra. Đến lúc được nghe lời phiền trách Hồng Hoa Hội từ miệng Châu-Ỷ nói ra thì Lạc-Băng lại nghĩ nàng ta nói vậy cốt ý để cho mình nghe thấy. Ngay cả việc Châu-Ỷ rút đao ra, Lạc-Băng cũng nghĩ rằng nàng sẽ tấn công, giết chết mình để trả cái thù Hồng Hoa Hội đốt phá Thiết-Đảm-Trang. Lúc đó trong đầu Lạc-Băng nghĩ rằng lúc cứu nàng về, Châu-Ỷ chưa biết nàng là ai, nhưng sau khi biết rõ nàng là ai thì lại có ý muốn hạ sát. Lại có thể là Châu-Trọng-Anh sai Châu-Ỷ giết Lạc-Băng không chừng để trả thù cái tội nhục mạ ông ta? Ôi! Không biết bao nhiêu là nghi vấn quanh quẩn trong đầu Lạc-Băng lúc đó…

Tất cả mọi nghi vấn được chấm dứt từ khi Lạc-Băng nghe được câu chuyện giữa Châu-Ỷ cùng đứa liễu hoàn. Khi ấy, trong đầu nàng chỉ còn lại vỏn vẹn một ý nghĩ duy nhất:

-“Nếu y thị cứ bỏ mặc ta nằm dưới đất hôm ấy thì còn gì nữa mà phải nghĩ ngợi với nghi kỵ!”

Có lẽ điều này là cứu cánh của Lạc-Băng lúc bấy giờ. Phải, nếu muốn giết nàng, Thiết-Đảm-Trang đã có quá nhiều cơ hội thuận tiện! Từ từ nàng nhìn thấy được nhiều điều, nhất là thái độ hòa nhã của cha con Châu-Trọng-Anh. Rất có thể họ biết rõ nàng là người của Hồng Hoa Hội nhưng không những không giết mà còn cứu mạng, đồng thời lại không trách Hồng Hoa Hội về hành động đốt phá Thiết-Đảm-Trang. Nếu là một môn phái võ lâm thông thường thì có đời nào Châu-Trọn-Anh chịu bỏ qua, cho dù thế lực của ông ta có thua kém đi chăng nữa. Đàng này, ông ta nhất định chịu nhục, không vì thù nhà mà làm ảnh hưởng đến đại cuộc. Chỉ vì ông ta thấy Hồng Hoa Hội là đảng phái cách mạng đang gieo được niềm hy-vọng lớn lao cho Hán-tộc, nên bỏ qua tất cả mọi hiềm khích cá nhân mà đặt nặng lòng ái quốc ưu dân lên trên hết. Nhưng nếu thế thì Châu-Trọng-Anh quả là người nghĩa khí, không thể nào là một kẻ phản bội bán rẻ lương bằng được!

Sự nhận xét ấy có thể rất đúng. Là vì khi giả ngủ mê, Lạc-Băng đã nghe được cả Châu-Ỷ và con liễu hoàn trách Hồng Hoa Hội hành động không chu đáo, thiếu suy nghĩ.

Căn cứ theo những thái độ và những hành động hào hiệp của Thiết-Đảm-Trang đối với Hồng Hoa Hội, cứ khách quan mà nói thì Lạc-Băng nhận thấy Châu-Trọng-Anh quả nghĩa khí và ít nhiều, sáng suốt hơn anh em Hồng Hoa Hội của nàng. Thù chung chưa trả được mà đã vội đi gây thêm tư thù làm sứt mẻ tinh thần đoàn kết trong giới võ lâm đồng đạo với nhau như thế thì chỉ có lợi cho kẻ thù mà có hại cho mình mà thôi!

Lạc-Băng thấy trong lòng không được yên, và cảm thấy lương tâm như bị cắn rứt. Cảm tình với Châu-Ỷ càng lúc càng nảy nở thêm nhiều. Và nàng cũng thấy tội nghiệp cho Châu-Trọng-Anh và tiếc cho Thiết-Đảm-Trang, một thành trì kiên cố, là chỗ nuôi dưỡng không biết bao nhiêu anh hùng khi gặp nguy khốn trên đường chống chọi với kẻ thù.

Giá mà lúc này Châu-Ỷ có vào đây quyết lấy mạng nàng chắc Lạc-Băng đành nhắm mắt chịu chết để đền ơn chứ không có bụng dạ nào chống trả lại. Tuy nhiên, Lạc-Băng thầm nghĩ rằng hãy tạm lánh nơi này vẫn hơn. Những gì đổ vỡ hãy tìm cách mà hàn gắn lại sau này. Dù kịp hay không cũng không thành vấn đề.

Tuy trong người đã bình phục, nhưng gót chân vẫn còn hơi đau cho nên Lạc-Băng cố mà đi từ từ ra ngoài để khỏi phải vấp ngã. Nàng dùng thuật phi hành đi lướt trên mặt đất thật nhẹ nhàng, cố không phát ra một tiếng động để cho ai nghe thấy.

Thấy đi ngã trước bất tiện, Lạc-Băng ven theo tường đá mà ra ngã sau phía hoa viên. Tại đây tương đối kín đáo, có thể ẩn núp được nếu có động tịnh gì. Lạc-Băng đi lần hướng cửa sau để ra đường lớn.

Hai bên cây cỏ xanh tươi, hoa quả thơm ngát trên con đường nhỏ hẹp phía hoa viên mà Lạc-Băng đang lê gót từ từ. Chợt đâu nghe như có tiếng người, Lạc-Băng dừng chân đứng lại, nép mình vào một thân cây cổ thụ. Dường như có hai người đang nói chuyện với nhau. Tiếng nói chuyện ly ty nghe nhỏ quá nên Lạc-Băng không hiểu được họ nói những gì. Chờ mãi muốn rụng rời cả đôi chân mà hình như hai người này vẫn chưa chịu đi nơi khác, Lạc-Băng chắc rằng đây là hai người gác cửa. Họ không chịu xê dịch tất nhiên sẽ chẳng còn đi đâu nữa. Lạc-Băng nhận thấy không thể đi được bằng cửa này nên bèn trở lại mà tìm hướng khác.

Qua khỏi hai gian nhà, Lạc-Băng đến một dãy hành lang rộng rãi có giàn dạ lý hương thơm ngát làm cho nàng cảm thấy sảng khoái, lên hẳn tinh thần.

Tạm dừng chân dọc theo hành lang nối liền với gian nhà chính với một gian nhà khách nguy nga tráng lệ, Lạc-Băng thấy ở gian nhà chính có đèn đuốc huy hoàng sáng chưng. Lạc-Băng không nhìn rõ được có ai trong đó mà chỉ nghe được tiếng người nói rất lớn, giọng hết sức uy nghiêm.

Tình tò mò hiếu kỳ nổi dậy, Lạc-Băng muốn xem thử bên trong có gì, mà giọng nói uy nghiêm kia của ai. Nàng bèn dùng thuật phi hành đến bên cửa sổ, nép mình vào sát vách tường liếc mắt khẽ nhìn vào bên trong.

Lạc-Băng nhìn thấy có tất cả ba người đang ngồi bên trong. Ngồi chính giữa là trang-chủ Thiết-Đảm-Trang Châu-Trọng-Anh. Ngồi bên trái là một người trông quen quen như đã gặp qua rồi nhưng chưa đưọc biết tên. Còn người ngồi bên tay mặt thì vừa nhìn Lạc-Băng đã lập tức nhận ngay ra được. Người ấy chẳng phải ai khác hơn là tên khốn kiếp, con chó săn Đổng-Triệu-Hòa, kẻ đã dẫn đường cho Trương-Siêu-Trọng và đám quan quân cẩu trệ đến bắt Văn-Thái-Lai, chồng nàng.

Đầu giây mối nhợ mọi chuyện đều do tên Đổng-Triệu-Hòa này mà ra cả. Giả sử như không có hắn nhúng tay thì chắc chắn Trương-Siêu-Trọng chưa chắc đã tìm đưọc đường đến Thiết-Đảm-Trang nữa chứ đừng nói gì đến chuyện gì khác.

Lạc-Băng còn nhớ trước đây vì say mê sắc đẹp của nàng nên định giở thói sàm sỡ, bị Văn-Thái-lai điểm huyệt một lần suýt nữa mất mạng. Thế nhưng hắn vẫn không chịu chừa mà còn cố tâm đeo đuổi nàng mãi.

Vừa trông thấy mặt kẻ thù, Lạc-Băng lại nghĩ đến bao nhiêu nỗi khổ sở của Văn-Thái-Lai mà lửa giận bốc lên phừng phừng, không sao ngăn được.

Quên cả nguy hiểm, mà cũng chẳng nghĩ nghĩ đến điều lợi hại sống hay chết nữa, Lạc-Băng như con hổ rình được mồi ngon liền rón rén đi lại cửa trước tung mạnh một cái bước vào. Chẳng thèm nói một lời, Lạc-Băng rút ngọn phi đao, nhắm thẳng mặt Đổng-Triệu-Hòa mà phóng tới.

Đang ngồi chợt nghe hơi gió, Châu-Trọng-Anh chợt thấy một mũi phi đao nhắm vào Đổng-Triệu-Hòa bay thẳng tới. Nhanh như chớp, ông ta dùng cây Thiết-đảm phóng tới, gạt mũi phi đao của Lạc-Băng xuống đất.

Mặc dù kịp ra tay gạt được mũi phi đao, cây Thiết-đảm của Châu-Trọng-Anh cũng chỉ đánh gãy được cán đao, còn lưỡi của phi đao vẫn vuột thẳng tới cắm lút vào bả vai bên trái của Đổng-Triệu-Hòa chẳng khác như đóng đinh vào cột.

Nguyên-Châu-Trọng-Anh sau khi giết con là Châu-Anh-Kiệt, vợ ông ta vì quá đau xót mà đâm ra phẫn chí, khóc than ngày đêm mãi không nguôi. Rồi một hôm, bà ta giắt vào người một ít nén vàng làm lộ phí rồi âm thầm cất bước ra đi, không hề nói nửa lời với ai cả. Thế là Thiết-Đảm-Trang lại vắng thêm một người, đi không hẹn ngày về, đi như tìm về cõi chết.

Châu phu nhân khi ấy chưa đầy 40 tuổi vốn là con gái của một vị quyền sư khét tiếng, võ công của bà ta cũng thuộc vào hạng cao thủ. Từ khi xuất giá tòng phu thì gia đình suy xụp, cả cha lẫn mẹ đều lần lượt qua đời nên chẳng mấy khi bà ta có ý về thăm lại nơi làng xưa quê cũ. Nay vì quá đau lòng vì cái chết của đứa con trai, bà ta như điên dại bỏ ra đi, và chẳng một ai biết rõ được là bà đi đâu.

Con chết, vợ bỏ đi, Châu-Trọng-Anh đã khổ tâm lại còn chuốc thêm đau buồn! Gan sắt của người anh hùng cũng đến độ tan nát rã rời! Ông nằm liệt trong phòng suốt mấy ngày đêm bỏ ăn bỏ ngủ, than vắn thở dài, chẳng tìm được cách gì cho khuây khỏa được…

Đêm hôm ấy vào giờ Tuất, Châu-Trọng-Anh nằm vắt tay lên trán mà ngẫm nghĩ về cái lẽ hưng vong bĩ cực ở đời thì bỗng một gã tráng đinh vào báo tin rằng có hai người khách lạ yêu cầu được gặp mặt.

Châu-Trọng-Anh bèn gọi Mạnh-Kiện-Hùng vào dặn chàng thay mặt ông ta mà tiếp khách, còn mình thì thoái thác là đang bệnh nên chẳng thể nào làm trọn lễ tân chủ được.

Mạnh-Kiện-Hùng vâng lời ra tiếp khách thì nhận ra một trong hai người là Đổng-Triệu-Hòa, một tên đầu não trong việc gieo họa cho Thiết-Đảm-Trang. Thấy mặt Đổng-Triệu-Hòa, Mạnh-Kiện-Hùng vừa giận, vừa sợ, lại vừa nghi ngờ, không biết hắn có dụng ý gì khi đến Thiết-Đảm-Trang lần này. Đổng-Triệu-Hòa chẳng khác nào một con quỷ dữ, đi đến đâu là gieo họa cho người ta đến đó.

Thấy mặt Mạnh-Kiện-Hùng, Đổng-Triệu-Hòa liền giới thiệu ngay người bạn đồng hành của hắn:

-Xin giới thiệu cùng Mạnh huynh, đây là võ lâm cao thủ, tài nghệ quán chúng tại Bắc-phương, hiện đang làm Tổng-Giáo-Tập tại phủ Trịnh-Vương, đại danh là Vạn-Khánh-Nhuận.

Mạnh-Kiệt-Hùng bất đắc dĩ phải miễn cưỡng mà hỏi thăm cho hợp lễ kính khách. Nhưng sau đó, cả Đổng-Triệu-Hòa lẫn Vạn-Khánh-Nhuận đều tỏ ý muốn được tiếp xúc trực tiếp với trang-chủ Châu-Trọng-Anh.

Mạnh-Kiện-Hùng cố lựa lời từ chối khéo cho qua chuyện:

-Mấy hôm nay trang chủ chúng tôi trong người không được khỏe nên chẳng thể ngồi lâu mà tiếp khách được, xin thành thật cáo lỗi với hai vị. Nếu hai vị có điều gì cần gấp xin cứ dạy bảo, tại hạ sẽ báo lại cùng trang chủ sau.

Đổng-Triệu-Hòa cười lên ha hả rồi lạnh lùng nói:

-Lần này chúng tôi đến Thiết-Đảm-Trang là có ý tốt, thích tiếp hay không là tùy Châu trang-chủ chứ thật tình chúng tôi chẳng dám ép. Nhưng có điều tôi mong Mạnh huynh thưa lại với trang-chủ là cái họa tan cửa nát nhà, chết người sắp sửa xảy ra rồi đó. Nếu Châu trang-chủ không sớm liệu e không còn kịp nữa.

Sau khi Văn-Thái-Lai bị bắt giải đi, Mạnh-Kiện-Hùng cảm thấy hết sức áy náy, hận sức mình không sao giải cứu được. Chàng vừa cảm khái, vừa thương tiếc con người nghĩa khí mà chàng xem là một anh hùng đáng noi gương. Chàng ngày đêm vẫn thường lo lắng cho tánh mạng của vị Tứ đương gia Hồng Hoa Hội kia. Nhưng đồng thời, Mạnh-Kiện-Hùng còn một mối lo lớn hơn nữa là chàng sợ Thiết-Đảm-Trang cũng bị liên lụy vào. Không phải chàng lo cho bản thân mình, mà lo ngại cho sự an nguy của toàn thể mọi người sơn-trang từ trang-chủ cho đến người tráng-đinh chức vị thấp kém nhất. Lúc nào trong lòng Mạnh-Kiện-Hùng cũng có linh cảm rằng đại họa không sớm thì muộn sẽ xảy đến bất tử cho Thiết-Đảm-Trang, nên chỉ cần một câu nói hơi chút lạ thường cũng đủ cho chàng lo sợ phập phồng rồi. Hôm nay tình cờ Đổng-Triệu-Hòa đến, Mạnh-Kiện-Hùng đã có vẻ nghi ngờ. Khi nghe xong giọng nói khó chịu của tên tiêu-sư gian ác ấy, chàng khẽ than thở trong lòng, cho là việc gì phải đến đã đến.

Không do dự mà cũng chẳng dám tự chuyên, Mạnh-Kiện-Hùng vào trong thư phòng báo cáo mọi tình hình cho Châu-Trọng-Anh rõ, để mặc cho Đổng-Triệu-Hòa cùng Vạn-Khánh-Nhuận ngồi đó mà chẳng thèm nói một câu nào.

Nghe Mạnh-Kiện-Hùng thuật lại rõ từ cử chỉ hách dịch đến giọng nói phách lối của Đổng-Triệu-Hòa, Châu-Trọng-Anh không dằn được, lửa giận bốc lên tận trời. Ông ta ngồi phắt dậy, với tay lấy cây Thiết-đảm bước ra khỏi phòng miệng nói như gầm thét:

-Quân khốn nạn! Chúng còn dám vác mặt đến đây hăm dọa ta nữa à? Hay chúng tưởng là diệt được Thiết-Đảm-Trang dễ dàng lắm? Ta phải hỏi cho ra lẽ rồi cho ba cái quân súc sinh ấy một bài học!

Bước chân vào phòng khách, Châu-Trọng-Anh chẳng cần đếm xỉa tới Đổng-Triệu-Hòa mà chỉ chào hỏi Vạn-Khánh-Nhuận sơ qua cho có lệ.

Vạn-Khánh-Nhuận đứng dậy rút trong túi ra một tờ giấy, trải ra ngay ngắn giữa mặt bàn, dùng hai tay giữ chặt hai đầu rồi nói với Châu-Trọng-Anh:

-Xin mời Châu lão anh-hùng thử đọc xem!

Châu-Trọng-Anh xích lại gần, nhìn vào tờ giấy mà đọc chứ chẳng buồn lấy tay đụng tới. Thì ra đó là bức thư của Lục-Phỉ-Thanh viết cho Châu-Trọng-Anh, ngụ ý gửi gắm Văn-Thái-Lai, Lạc-Băng và Dư-Ngư-Đồng. Mặc dù có đến Thiết-Đảm-Trang và được Mạnh-Kiện-Hùng dấu vào địa huyệt, Văn-Thái-Lai vẫn giữ bức thư trong người chứ không chịu đưa cho ai vì không gặp được Châu-Trọng-Anh để trao tận tay. Chắc hẳn là lúc bị bắt, Văn-Thái-Lai bị Trương-Siêu-Trọng và đồng bọn lục soát khắp người và bắt gặp phong thư này.

Sự thật là thế. Bọn Đoàn-Đại-Lâm sau khi bắt được lá thư đều kinh ngạc đến ngây người, nhận ra ngay chủ nhân viết bức thư này là một trong những khâm-phạm bị triều-đình truy nã gắt gao nhất cả hơn 10 năm trường nay. Không biết bao nhiêu người nhận chiếu chỉ của vua Càn-Long đã khổ công đi tìm từ chân trời này cho tới góc biển nọ mà vẫn không tìm được tung tích của Lục-Phỉ-Thanh ở đâu. Đa số tưởng rằng ông ta đã chết rồi. Nhưng tình cờ không kiếm mà ra, bức thư trên mình Văn-Thái-Lai là bằng chứng hẳn hoi cho thấy Lục-Phỉ-Thanh vẫn còn sống và hoạt động mạnh mẽ, liên kết cả với Hồng Hoa Hội lẫn Thiết-Đảm-Trang nữa. Do đó, đám quan triều đình bàn với nhau chỉ cần chất vấn, gây áp lực với Châu-Trọng-Anh là Lục-Phỉ-Thanh không còn chạy trốn đi đàng nào được nữa.

Bọn Đoàn-Đại-Lâm họp nhau lại bàn tính. Chúng nhận thấy rằng công lao tìm được Lục-Phỉ-Thanh đem so với công Trương-Siêu-Trọng bắt được Văn-Thái-Lai cũng không hơn kém là bao nhiêu.

Đoàn-Đại-Lâm bàn với cả bọn rằng:

-Bắt được Lục-Phỉ-Thanh mà nạp cho vua Càn-Long dĩ nhiên là công lao lớn lắm. Tuy nhiên muốn bắt được con người này thì không phải là chuyện dễ, cho dù Châu-Trọng-Anh có chỉ chỗ đi chăng nữa! Thiết-Đảm-Trang là nơi chuyên chứa chấp khâm-phạm triều-đình, và Châu-Trọng-Anh đã có liên-quan đến việc này từ lâu rồi. Nhưng mãi cho đến nay mới có được bằng chứng cụ thể trên giấy trắng mực đen như thế này để kết tội y. Mà muốn bắt được Châu-Trọng-Anh cũng không phải là đơn giản. Đến Thiết-Đảm-Trang của y nào khác chi đem thân vào hổ huyệt, không khéo lại bị cọp vồ thì bỏ mạng chứ chẳng phải đùa. Kế vạn toàn nhất là đem bức thư của Lục-Phỉ-Thanh đến hăm dọa Châu-Trọng-Anh, buộc y phải xuất ra một số kim-ngân thật lớn để mà chuộc lấy bức thư này. Nhưng chúng ta cũng nên dấu kín chuyện này, đừng để cho Trương-Siêu-Trọng biết rõ vì dù sao Lục-Phỉ-Thanh và Trương-Siêu-Trọng cũng vẫn là huynh-đệ đồng môn. Cả hai người đều lợi hại, không phải dễ đối phó. Ta không nên dại dột mà gây ra oán cừu trong việc này.

Bọn Đoàn-Đại-Lân suy nghĩ đắn đo một hồi thì bỏ ngay ý định bắt Lục-Phỉ-Thanh với Châu-Trọng-Anh. Tất cả đồng ý với nhau là cách đem bức thư này đến tống tiền trang chủ Thiết-Đảm-Trang là thượng sách, vừa có lợi mà không phải chuốc thêm oán thù.

Nhưng đường đường là những bậc quan triều-đình, có chức sắc và địa vị cao lại mà đi làm những chuyện hạ tiện như thế này thì thật không còn mặt mũi nào nhìn ai lỡ chẳng may chuyện đổ bể ra! Vì vậy, sau khi bàn tính kỹ càng, ai nấy đều nhận xét rằng chỉ nên giao việc này cho Đổng-Triệu-Hòa và Vạn-Khánh-Nhuận lo liệu, là hai tay chai mặt, không dính dáng gì đến quan quyền.

Sau khi đọc xong bức thư, Châu-Trọng-Anh hơi giật mình nhưng cố làm ra vẻ điềm tĩnh, lạnh lùng hỏi:

-Ông đem bức thư này đến đây cho ta đọc chẳng hay có chủ ý gì xin cho tại hạ được biết rõ.

Vạn-Khánh-Nhuận đáp:

-Chúng tôi lâu nay được nghe đại danh của Châu lão anh-hùng như sấm nổ bên tai, trong lòng ngưỡng mộ vô cùng. Những mong được dịp bái kiến chỉ hiềm không có cơ hội nên bất đắc dĩ mới phải chờ tới hôm nay. Nhưng trớ trêu thay, đến lúc đạt được bình sinh khát vọng thì lại gặp lúc Thiết-Đảm-Trang sắp sửa gặp đại họa thê thảm. Nếu chẳng may phong thư này lọt vào tay các quan lớn triều đình thì Châu lão anh-hùng làm sao tránh khỏi không bị liên lụy? Vì vậy khi tìm thấy phong thư này trong mình Văn-Thái-Lai, anh em chúng tôi là những người trọng nghĩa, có cảm tình với Thiết-Đảm-Trang nên nghĩ ngay đến chuyện giấu diếm mà không hề hé môi với quan lớn triều đình một lời nào, vì đây là một phong thư hết sức tai hại, có thể đêm đến họa diệt tộc như chơi! Xem xong, và đại khái biết được nội dung của bức thư, tất cả anh em đặc phái hai người chúng tôi đến đây để diện kiến trang chủ, thứ nhất để báo tin cho Thiết-Đảm-Trang sớm biết trước mà đề phòng, và kế đến là để mong được thỏa lòng ao ước bấy lâu nay để được kết giao với Châu lão anh-hùng trong tình bằng hữu. Nếu Châu lão anh-hùng không chê chúng tôi là những kẻ bỉ tiện mà bằng lòng hạ mình kết giao thì anh em chúng tôi nguyện đốt ngay phong thư này đi mà quyết chẳng lưu lại một chữ nào làm vết tích. Không những thế, chúng tôi còn hứa sẽ ém nhẹm luôn việc Châu lão anh-hùng chứa chấp bọn Văn-Thái-Lai trong Thiết-Đảm-Trang. Còn như chuyện chứa chấp Văn-Thái-Lai mà lòi ra thì e chuyện Lục-Phỉ-Thanh cũng khó mà giấu kín được. Dĩ nhiên Trương-Siêu-Trọng cũng chẳng muốn nhìn thấy điều này lộ ra vì dù sao Lục-Phỉ-Thanh cũng là anh em đồng môn của ông ta. Do đó, nếu chúng tôi giữ im lặng thì đương nhiên Trương-Siêu-Trọng sẽ không bao giờ truy xét đến việc này nữa.

Nghe Vạn-Khánh-Nhuận nói xong, Châu-Trọng-Anh cười nhạt, mỉa mai nói:

-Được kết giao bằng-hữu với quý vị, Châu-Trọng-Anh tôi lấy làm vinh hạnh lắm chứ! Nhưng kết bạn như thế nào xin hai vị giải bày tường tận để tôi còn định liệu.

Dĩ nhiên, mục đích chính của Vạn-Khánh-Nhuận và Đổng-Triệu-Hòa đến Thiết-Đảm-Trang nào phải để kết tình bằng hữu với Châu-Trọng-Anh. Mà chúng cũng thừa biết, với tư cách của chúng, Châu-Trọng-Anh chưa cho mỗi mạng một trận là may lắm rồi, chứ làm sao mà có được chuyện sinh tử chi giao! Nghe câu hỏi mỉa mai đầy ẩn ý của Châu-Trọng-Anh, Vạn-Khánh-Nhuận biết chỉ còn cách đánh liều mà nói thẳng ý định ra để kết thúc câu chuyện cho thật sớm mà thôi chứ không nên day dưa thêm nữa. Nghĩ vậy y cố phải làm mặt dạn nói:

-Anh em chúng tôi vâng lệnh hoàng-thượng đi tróc nã khâm-phạm. Từ lúc rời khỏi Bắc-Kinh cho tới nay đã lâu ngày nên tiền lương đã cạn sạch, hết trơn rồi. Ai nấy đều phải nhịn rượu mà vẫn không đủ để chi tiêu, thậm chí không còn được chút lộ phí để trở về kinh-đô nữa! Trộm nghĩ Châu lão anh-hùng là người hào hiệp chắc không nỡ làm ngơ với võ lâm đồng đạo trước tình cảnh như thế này nên anh em bèn phái hai đứa chúng tôi đến đây mượn đỡ Châu lão anh-hùng một ít ngân lượng. Sau này chúng tôi sẽ hoàn lại đầy đủ, mà nghĩa cử của lão anh-hùng chúng tôi nguyện sẽ ghi nhớ mãi chứ chẳng dám quên.

Châu-Trọng-Anh nghe nói liền nhíu mày, đôi mắt trợn lên nhưng vẫn không một tiếng trả lời. Vạn-Khánh-Nhuận thấy vậy nói tiếp:

-Số ngân lượng anh em chúng tôi muốn mượn đỡ Châu lão anh-hùng cũng chẳng lớn lao gì cho lắm, bất quá cũng chỉ vào khoảng năm, sáu vạn lượng mà thôi. So với cái sản nghiệp lớn lao của Châu lão anh hùng thì bấy nhiêu đó tưởng có thấm tháp vào đâu? Mà dĩ nhiên một khi Châu lão anh-hùng nghĩ đến anh em chúng tôi thì anh em chúng tôi có bổn phận phải báo đáp lại cho xứng đáng mới yên lòng.

Nghe cái giọng tống tiền của Vạn-Khánh-Nhuận, lửa giận của Châu-Trọng-Anh như bốc lên phừng phừng. Ông ta dằn rõ từng tiếng vào mặt hắn:

-Sơn trang của tôi làm gì mà có sẵn được một món tiền quá lớn như vậy cho các người mượn! Mà cho dù có đi chăng nữa thì cũng chỉ để dành cho những người nghĩa khí hay để giúp đỡ những bậc anh-hùng quân tử lúc sa cơ lỡ vận hoặc khi lỡ bước cùng đường chứ lẽ nào lại để cho đám sai nha, tẩu cẩu mượn được!

Thấy Châu-Trọng-Anh chẳng những không chịu bỏ tiền chuộc bức thư mà còn mắng xiên mắng xéo, Đổng-Triệu-Hòa cười gay gắt nói:

-Tôi biết Châu lão anh-hùng khinh anh em chúng tôi là đám tiểu nhân, không xứng đáng để kết giao. Một lời nói của bọn tiểu nhân chúng tôi chưa chắc đã hữu hiệu cho việc gây dựng sự nghiệp hay làm lợi cho ai, nhưng trong việc phá hoại làm tan đại nghiệp thì lại không đến nỗi vô dụng. Châu lão anh-hùng tiếc năm, sáu vạn lượng hơn một công trình nguy nga đồ sộ, vĩ đại thế này thật uổn lắm đó!…

Đổng-Triệu-Hòa chưa nói dứt câu thì cửa chính của sảnh đường vụt mở ra, một thiếu nữ bước vào nhìn hắn chằm chặp, miệng hét lớn:

-Có cô nương đến đây! Đứa nào tài thì cứ giỏi thử làm gì Thiết-Đảm-Trang cho biết!

Thiếu nữ ấy chẳng phải ai khác hơn là Châu-Ỷ, con gái lớn của Châu-Trọng-Anh. Chỉ thấy Trang-chủ Thiết-Đảm-Trang khẽ liếc mắt một cái, Châu-Ỷ đã chạy thẳng một nước ra ngoài. Tiếng Châu-Trọng-Anh nói với theo rằng:

-Này con! Nhớ dặn mạnh-Kiện-Hùng và An-Kiện-Cường trong này có hai tên tẩu cẩu, nhớ canh gác giữ gìn cho cẩn thận đừng để cho chúng tẩu thoát ra nghe chưa!

Châu-Ỷ nghe nói vui mừng hớn hở thưa:

-Gia gia khỏi lo! Có chúng con giữ ở bên ngoài thì đố hai con chó săn đó trốn đi đâu được!

Dặn xong con gái, Châu-Trọng-Anh quay lại nhìn Vạn-Khánh-nhuận và Đổng-Triệu-Hòa với gương mặt đầy sát khí, tưởng chừng như muốn ăn tươi nuốt sống cả hai. Cả Vạn-Khánh-Nhuận với Đổng-Triệu-Hòa thấy vậy cũng hơi chột dạ, nhưng cũng phải cố gắng ra vẻ bình tĩnh. Vạn-Khánh-Nhuận nói:

-Châu lão anh-hùng đÂã không chịu giúp đõ thì anh em chúng tôi xin cáo lui!

Dứt lời y cầm lá thư xé ra từng mảnh vụn. Châu-Trọng-Anh đang thắc mắc không hiểu tại sao y lại hủy đi cái thư, là phương tiện để cho chúng làm tiền. Vạn-Khánh-Nhuận như đọc được ý nghĩ của Châu-Trọng-Anh, bèn phân giải:

-Phong thư này chẳng qua chỉ là bản sao mà thôi, còn nguyên bản (#5) thì Trương-Siêu-Trọng đại nhân vẫn cất giữ ở trong mình vì biết đem đến đây sẽ gặp nhiều bất tiện.

Vạn-Khánh-Nhuận hành động như vậy ngụ ý bảo cho Châu-Trọng-Anh biết bằng cớ vẫn nằm trong tay Trương-Siêu-Trọng; cho dẫu cho ông ta có giết chết hắn và Đổng-Triệu-Hòa cũng không sao đoạt lại được bức thư kia.

Đang lúc không khí căng thẳng chưa biết sự tình đi đến đâu thì cánh cửa mở toang ra và phi đao của Lạc-Băng nhắm Đổng-Triệu-Hòa phóng tới. Mặc dầu ghét Đổng-Triệu-Hòa thậm tệ, cho dù có bằm thây hắn ra cũng chưa hả giận, Châu-Trọng-Anh không muốn thấy hắn bị chết trong sơn trang của mình. Vì thế, không chút đắn đo mà cũng chẳng cần phải biết người phóng phi đao là ai, ông ta vội dùng cây Thiết-Đảm gạt phi đao kia xuống đất cứu Đổng-Triệu-Hòa thoát chết, nhưng không cứu được cho hắn khỏi mang thương tích…

Thấy Châu-Trọng-Anh bỗng nhiên thi triển bản lãnh mà cứu mạnh kẻ thù của mình, Lạc-Băng giận dữ vô cùng, quát lớn lên:

-Lão tặc khốn kiếp kia! Mi đã xúi người nhà hại chồng ta rồi bây giờ còn ngăn cản ta trả thù tên gian ác này nữa! Ta thề phải giết mi!

Lạc-Băng nhảy bổ lại, tuốt Uyên-Ương Đao xông tới chém nhầu vào Châu-Trọng-Anh. Cây Thiết-đảm khi nãy dùng để phóng cản phi đao cứu mạng cho Đổng-Triệu-Hòa nên vẫn còn nằm dưới đất chịp thâu hồi. Không có binh khí trong tay, Châu-Trọng-Anh liền chụp vội chiếc ghế đẩu dùng để đương cự cặp đao của Lạc-Băng. Ông ta vừa đỡ vừa nói:

-Việc đâu rồi còn đó. Xin cô nương hãy dừng tay lại, nói cho rõ đầu đuôi rồi muốn sao cũng được, cớ sao lại gặp đâu đánh đó mà không chịu phân biệt phải trái là nghĩa làm sao?

Lạc-Băng đang đau khổ vì chồng bị bắt, lại tìm ra Đổng-Triệu-Hòa là tên đầu xỏ thủ phạm mọi chuyện nên muốn giết hắn chết ngay cho hả giận. Chẳng may bị Châu-Trọng-Anh phóng cây Thiết-đảm cứu kẻ thù thoát chết thành ra bao nhiêu cơn giận nàng bỗng trút hết vào Châu-Trọng-Anh. Vì vậy, Lạc-Băng không cần suy nghĩ mà phân biệt phải trái, quyết tâm thi triển hết tuyệt kỹ của Lạc-Gia Đao Pháp mà tấn công Châu-Trọng-Anh tới tấp không ngừng.

Châu-Trọng-Anh cũng hiểu rõ và biết được tâm trạng của Lạc-Băng nên không vì thế mà giận để kết thêm thù oán hay để phải đi đến tình trạng quyết đấu một mất một còn. Ông ta có ý nhường nhịn nên từ đầu đến cuối chỉ đỡ đòn mà không hề đánh trả lại chiêu nào.

Vì thủ mãi không công nên chẳng mấy chốc, Châu-Trọng-Anh đã bị Lạc-Băng dồn vào sát vách tường. Hết đường lui, Châu-Trọng-Anh phải nhanh nhẹn chống đỡ luôn tay trước những đường đao vô cùng hiểm ác của Lạc-Băng. Thế nhưng ông ta vẫn không hề phản công lại, chỉ cố mà tiếp tục đỡ đòn.

Không biết có hiểu được sự nhường nhịn của trang-chủ Thiết-Đảm-Trang hay không, Lạc-Băng càng lúc càng tấn công kịch liệt như quyết tâm phải hạ Châu-Trọng-Anh cho bằng được mới thôi.

Thình lình Lạc-Băng nghe hơi gió như có tiếng binh khí đang tập kích mình ở đàng sau nên vội nằm phục xuống đất để tránh né. Chỉ thấy một mũi đao sau đó ghim vào tường như lưỡi phi đao của nàng lúc nãy ghim vào bả vai Đổng-Triệu-Hòa. Lạc-Băng nằm dưới đất chém quặt đao ra phí sau một vòng, buộc người nào đó đánh lén nàng phải lui lại một bước. Nhân cơ hội đó, Lạc-Băng búng mình đứng thẳng dậy thủ thế thì nhìn thấy rõ được người tập kích mình chẳng phải ai xa lạ mà chính là Châu-Ỷ, con gái của Châu-Trọng-Anh, và cũng là ân nhân cứu sống tánh mạng của nàng.

Châu-Ỷ trợn mắt nhìn Lạc-Băng với vẻ căm hờn mắng:

-Đồ cái thứ vô ân bội nghĩa háo sát! Ta đã cứu sống tánh mạng của mi đem về, nếu thật lòng muốn giết mi thì liệu giờ này mi còn đứng đây được để tác oai tác quái chăng? Đã không biết ơn thì chớ, còn giở thói đạo tặc đòi giết cả cha ta nữa! Phải chăng đó là lối trả ơn của Hồng Hoa Hội các người?

Giá là bất cứ người nào khác dám nhục mạ đến Hồng Hoa Hội như thế ắt Lạc-Băng không bao giờ để yên. Nhưng vì người đó là Châu-Ỷ, ân nhân của nàng nên Lạc-Băng cũng phải bớt lại đôi ba phần nộ khí, mặc dầu tức giận vô cùng. Nàng nhìn Châu-Ỷ lớn tiếng nói:

-Bọn Thiết-Đảm-Trang các ngươi toàn là thứ giả nhân giả nghĩa chứ có phải là anh hùng hảo hán chi đâu mà bảo rằng ta phải mang ơn với chịu nghĩa! Cha mi đã xúi người trong Thiết-Đảm-Trang này hại chồng ta, thù ấy ta không bao giờ bỏ qua đâu. Còn mi thì vị tình một lần cứu mạng, ta không muốn gây sự mà cũng chẳng muốn giết. Nếu biết điều thì mau đi đi!

Dứt lời, Lạc-Băng bất thình lình quay lại phía Châu-Trọng-Anh chém sả xuống một đao. Châu-Trọng-Anh lại đưa cái ghế đẩu lên đỡ. Lạc-Băng lại dùng Liên Hoàn Đao chém liên tiếp ba nhát vô cùng lợi hại. Châu-Trọng-Anh né bên tả, tránh bên hữu, miệng gọi mãi không ngớt:

-Hãy dừng tay lại! Hãy dừng tay lại đã!

Thấy cha một mực nhẫn nhịn không đánh trả trong khi Lạc-Băng cứ làm tới đánh mãi, Châu-Ỷ cả giận cầm đao nhảy tới đứng trước mặt Châu-Trọng-Anh rồi xông tới tấn công Lạc-Băng như mưa, dùng toàn những chiêu liều mạng mà đánh.

Kể ra thì võ nghệ của Lạc-Băng còn cao hơn Châu-Ỷ một bậc, và kinh nghiệm giao đấu dĩ nhiên hơn xa cô con gái của Châu-Trọng-Anh. Nhưng vì các vết thương chưa lành hẳn, gót chân vẫn còn đau nên chiêu thức và nội lực của nàng vì thế mà bị giới hạn. Đã thế còn phải trải qua nhiều cơn bi thương sầu thảm nên trong người luôn bị phiền não, lo lắng vạn điều. Đó là một trong những đại kỵ của con nhà võ. Thêm vào đó, Châu-Ỷ đang ở vào thời kỳ thể lực phát triển mạnh, lại mang ý định che chở bảo vệ cứu thân phụ nên chiến đấu bạt mạng không chút sợ hãi, mà cũng chẳng kể gì đến mạng sống của mình nữa. Càng đánh, Châu-Ỷ càng hăng, trong khi Lạc-Băng càng bị lép vế. Dần dần, Châu-Ỷ đã nắm được thế chủ động trong trận đấu.

Châu-Trọng-Anh đứng ngoài thầm kêu khổ vì hai người đã đi đến một trận sinh tử, mà kết quả sẽ hết sức thảm khốc. Ông chẳng muốn người nào phải gục xuống cả. Một đàng sẽ đem lại đau thương, còn một đàng đem lại phiền não, oán thù thêm chồng chất. Miệng ông ta không ngớt kêu lên như van hai người:

-Mau dừng tay lại! Đừng đánh nhau nữa!

Đang hồi hăng máu, cả Lạc-Băng lẫn Châu-Ỷ như chẳng còn để ý đến tiếng gọi của Châu-Trọng-Anh nữa mà vẫn tiếp tục tranh phong.

Mặc dù thấy Châu-Ỷ chiếm được thế thượng phong, Châu-Trọng-Anh không vì thế mà mừng, trái lại ông cảm thấy lo ngại cho Lạc-Băng. Chỉ vì ông ta không muốn cùng Hồng Hoa Hội đào sâu thêm hố sâu chia rẽ nên đời ông không muốn Châu-Ỷ làm thương tổn đến tánh mạnh của Lạc-Băng.

Châu-Trọng-Anh càng gân cổ kêu gọi ngừng tay thì hai người lại càng đánh nhau khốc liệt bấy nhiêu. Trong lúc ông ta chưa biết phải dùng biện pháp nào để ngăn ngừa thì thừa lúc lộn xộn ấy, Vạn-Khánh-Nhuận đã đỡ Đổng-Triệu-Hòa dậy được, rút phi đao ra, xé vạt áo băng đỡ lại cho. Máu ở vai Đổng-Triệu-Hòa tuôn ra như suối. Biết dù muốn thoát thân cũng không được vì Châu-Trọng-Anh đã ra lệnh cho Mạnh-Kiện-Hùng cùng An-Kiện-Cường bọc kín hết các ngõ chung quanh nên Vạn-Khánh-Nhuận đành đứng mà xem cuộc ác đấu giữa hai nữ hiệp với nhau, chờ cơ hội tốt.

Lạc-Băng không chịu nghe lời Châu-Trọng-Anh đã đành, nhưng thấy cả con gái cũng không xem lời ông ta vào đâu mà cứ tiếp tục đánh như ngây như dại thì bỗng nổi giận lên, biết mình không thể nào đứng ngoài vòng mà gọi mãi được.

Nghĩ vậy, Châu-Trọng-Anh liền cầm cái ghế đẩu nhảy tới phang một cái thật vào giữa hai đường đao, tách cả Lạc-Băng lẫn Châu-Ỷ ra hai nơi. Cùng lúc ấy, một bóng đen từ vườn sau xông vào như mũi tên bắn thật lẹ. Nhìn ra thì đó là một người lùn và mập, hai tay cầm song phủ (#6), vận toàn lực nhắm đầu Châu-Ỷ bổ xuống.

Châu-Ỷ lanh mắt, biết không thể dùng đơn đao mà chống trả được liền lách mình sang một bên để tránh hai nhát búa giết người ấy. Tránh được hai nhát búa, Châu-Ỷ liền dùng thế Thần Long Đẩu Giáp chém vào phía sau vai của người đó.

Người ấy chẳng thèm né tránh, tay trái xoay cán búa ra đỡ. Đao và búa chạm nhau tóe lửa, tạo thành một thứ âm thanh ghê rợn khiến người nghe phải đến đinh tai nhức óc. Châu-Ỷ bị kình lực quá mạnh loạng choạng ra sau mấy bước, cánh tay tê chồn lại, đánh rơi thanh đao đao xuống đất lúc nào không hay. Nàng hốt hoảng, nhưng với bản năng sinh tồn mạnh mẽ nên khẽ tháo lui ra sau hai bước và định tâm đứng vững lại như thường.

Dưới ánh sáng chưng của đèn đuốc trong nhà, Châu-Ỷ trông rõ người ấy hình dung rất cổ quái, lại bị tật, mang một cái bướu đàng sau lưng.

Người gù ấy không tấn công Châu-Ỷ nữa mà lại xoay mặt nhìn về phía Lạc-Băng ra vẻ quan tâm. Lạc-Băng chợt reo lên vì vui mừng:

-Ủa, Thập ca đấy à?

Chỉ nói được có bấy nhiêu tiếng, Lạc-Băng quá xúc động, nghẹn ngào, lệ tuôn đầm đề…

Chú-thích:

(1-) Một sơn trang như Thiết-Đảm-Trang không phải chỉ là một căn nhà lớn mà còn bao gồm nhiều dãy khác ở bốn phía chung quanh, thậm chí có cả sông hồ, suối lạch là đàng khác. Diện tích một sơn trang như thế có khi bằng cả một thôn xóm là chuyện thường. Vì vậy, muốn thiêu hủy toàn bộ một “sơn trang” có lẽ huy động tới một đoàn quân khá đông người chuyên về hỏa công.

(2-) Bao biện: lãnh tất cả mà làm; hay nói một cách khác là “thầu”.

(3-) Vị quốc vong gia: vì nước quên nhà (gia đình).

(4-) Một câu khác, nghĩa tương tự là “đem trứng giao cho ác”.

(5-) Nguyên bản: bản chính.

(6-) Song phủ: hai cái búa (rìu).

Chọn tập
Bình luận
× sticky