Vua Càn-Long xong bị bỏ đói liên tiếp hai ngày trong tháp Lục-Hòa thì toàn thân yếu ớt, tinh thần rã rượi. Sáng hôm thứ ba, nhà vua thức dậy thật sớm nhưng thấy uể oải nên định bụng đánh thêm một giấc.
Bỗng đâu thư đồng Tâm-Nghiện vào thưa:
-Tâu Hoàng-Thượng! Thiếu-gia của tôi xin mời ngài đến nói chuyện.
Càn-Long hỏi:
-Thiếu gia của em là ai?
Tâm-Nghiện đáp:
-Là Tổng-Đà-Chủ của Hồng Hoa Hội.
Càn-Long đứng dậy khoác áo. Tâm-Nghiện đi lấy nước cho nhà vua rửa mặt. Sau khi rửa mặt xong, Càn-Long theo Tâm-Nghiện xuống tầng thứ nhất của tháp Lục-Hòa.
Trần-Gia-Cách mặc chiếc áo dài màu xanh nhạt, mặt tươi vui hớn hở bước tới đón tiếp. Càn-Long vòng tay đáp lễ. Cả hai đi vào bên trong, Tâm-Nghiễn đem trà đến dâng lên.
Trần-Gia-Cách vừa rót trà vừa nói với Tâm-Nghiện:
-Mau đem đồ điểm tâm lên đây!
Tâm-Nghiện vào trong bưng lên một mâm thức ăn thơm phức, đầy đủ các món ăn ngon lành. So hai đôi đũa ngọc đặt trước mặt từng, người, Tâm-Nghiện lại rót rượu vào hai chung vàng.
Trần-Gia-Cách nói:
-Tiểu đệ phải đi thăm một người bạn bị trọng thương nên chậm trễ việc tiếp đón, xin huynh đài miễn chấp cho.
Càn-Long vui vẻ đáp:
-Không sao! Không sao!
Trần-Gia-Cách nói:
-Mời huynh đài dùng đỡ mấy món ăn đạm bạc. Tiểu đệ còn muốn được thưa chuyện.
Trần-Gia-Cách cầm đũa gắp thịt bồ câu hầm yến với nhân sâm hồng nhục. Quá đói, Càn-Long không khách sáo, cầm đũa ăn thật tình. Trần-Gia-Cách chỉ ăn qua loa một thứ một chút, dụng ý nhường hết cả cho Càn-Long. Nhìn Càn-Long ăn uống ngon lành, Trần-Gia-Cách mỉm cười không nói gì cả. Chỉ trong chớp mắt, cả mâm thức ăn đã cạn sạch.
Điểm tâm xong, Trần-Gia-Cách lại rót trà mời vua Càn-Long. Nhà vua thấy nước trà màu xanh nhận ra ngay là Long tinh tế trà liền nhắm luôn mấy hớp. Nước trà thơm ngon mát rượi, Càn-Long cảm thấy tinh thần khoan khoái, thân xác khỏe khoắn lại nhiều.
Sau mấy tuần trà, Tâm-Nghiện đến dọn. Trần-Gia-Cách bảo:
-Em bảo đầu bếp chuẩn bị mấy món ăn thật tươm tất để ta nhắm rượu với Hoàng-Thượng.
Tâm-Nghiện vừa đi ra, Trần-Gia-Cách liền đóng chặt cửa lại nói:
-Tất cả mọi người đều ở dưới tháp. Chúng ta ở trên này cứ nói chuyện thong thả. Việc này quyết không thể để lọt vào tai một người thứ ba được.
Vua Càn-Long bỗng đổi sắc mặt, trầm giọng hỏi:
-Nhà ngươi bắt cóc ta đến đây để làm gì?
Trần-Gia-Cách bước tới hai bước nhìn thẳng vào mặt Càn-Long. Đôi mắt của chàng như hai luồng điện quang, Càn-Long không dám nhìn vào, ngó mặt đi chỗ khác.
Một hồi lâu, Trần-Gia-Cách mới lên tiếng:
-Đại ca! Tới giờ phút này mà anh vẫn chưa chịu nhận em sao?
Lời nói của Trần-Gia-Cách rất êm ái, đượm tình tha thiết, nhưng Càn-Long lại cảm tưởng như tiếng sét đánh vào tai:
-Ngươi… ngươi… ngươi nói gì?
Nét mặt lộ hẳn ra những nét chân thành, Trần-Gia-Cách nắm tay Càn-Long nói:
-Chúng ta là anh em ruột. Đại ca! Anh đừng dối em, em biết hết cả rồi!
Từ lúc Văn-Thái-Lai được cứu thoát, Càn-Long đã đoán biết ngững bí mật của mình không thể nào còn giấu kín được nữa. Nhưng thình lình nghe Trần-Gia-Cách gọi mình bằng đại ca thì lòng chợt muôn phần kinh hãi, cảm thấy mình như bất lực, ngã ngồi trên ghế.
Trần-Gia-Cách nói tiếp:
-Anh du hành đến Hải-Ninh tảo mộ, lập miếu thờ cha mẹ, phong thần cho cả hai người. Em thấy rõ ràng anh chưa phải là người quên gốc quên nguồn. Anh thử lấy ảnh xưa mà xem lại, sẽ rõ.
Dứt lời, Trần-Gia-Cách lấy một cuốn giấy treo vách tường. Cuốn giấy mở ra, để lộ một khuôn mặt rất lớn. Càn-Long nhìn thấy đó chính là chân dung của mình trong y phúc người Hán, mặt mũi sáng sủa hiền lành. Xem bức ảnh của mình xong, Càn-Long lại đứng lên đưa mắt nhìn Trần-Gia-Cách. Cả hai giống nhau như hai giọt nước. Càn-Long thở dài, ngồi lại xuống ghế.
Trần-Gia-Cách tha thiết nói:
-Đại ca! Chúng ta không hiểu nhau để đi đến cốt nhục tương tàn (#2). Hồn thiêng phụ mẫu hẳn xót xa lắm!
Càn-Long lặng thinh một hồi rồi mới nói:
-Từ lâu ta đã gọi ngươi đến kinh-thành làm việc. Sao ngươi không nghe?
Thấy Trần-Gia-Cách nghĩ ngợi đăm chiêu mà không đáp lạo lời mình, Càn-Long lại nói tiếp:
-Ta biết ngươi đã từng thi Hương và đỗ đầu. Chính ta đã từng phong ngươi chức Cử-Nhân. Tài học của ngươi thì có thi Hội thi Đình vẫn chiếm Khôi-Nguyên có khó gì. Sau này ngươi làm muốn đến chức Thượng-Thư, Tuần-Phủ thì phỏng có khó gì? Ta há chẳng nâng đỡ cho ngươi sao? Cả việc nhà, lẫn việc nước, ta với ngươi cùng đồng tâm bên nhau. Như thế có phải tốt đẹp hơn không? Tại sao ngươi cứ nghĩ toàn những chuyện bất trung, bất hiếu, bất đễ (#1), lăn mình vào trong chốn lục lâm khổ cực chuốc lấy những điều đại nghịch bất đạo như thế?
Bỗng nhiên Trần-Gia-Cách quay lại nói:
-Đại ca! Em không đem những tiếng bất trung, bất hiếu hay bất đễ ra để trách em, cớ sao anh lại đem ra để trách em?
Càn-Long hừ một tiếng đáp:
-Bề tôi thờ vua hết lòng, đó là trung. Chống lại vua là đại nghịch. Ta là vua, làm sao ngươi có thể dùng chữ bất trung với ta được?
Trần-Gia-Cách nói:
-Anh rõ ràng là người Hán. Nay lại thờ giặc Mãn. Như thế gọi là trung hay sao? Ngày cha mẹ còn sống, anh không phụng dưỡng. Ngày ngày giữa triều, cha phải quỳ lạy anh. Như thế là hiếu sao?
Mồ hôi từ trên trán Càn-Long nhỏ xuống có hột. Nhà vua đàng dịu giọng:
-Thật ra là ta thật tình không biết. Cố Tổng đà-chủ Hồng Hoa Hội vào mùa Xuân năm nay bí mật vào cung nói cho ta biết. Mãu cho đến giờ này ta vẫn còn bán tín bán nghi. Chẳng qua bổn phận làm con phải tin là có chứ không được ngờ là không. Tin lầm là ngu. Đúng mà không tin là bất hiếu. Vì vậy mà ta mới đến Hải-Ninh tế mộ.
Sự thật nói như thế Càn-Long đã dối lòng. Mùa Xuân vừa rồi, Vu-Vạn-Đình đem Văn-Thái-Lai theo ông ta vào cung đích thân trao cho Càn-Long một lá thư của Trần phu nhân tự tay viết. Trong thư kể rõ tất cả những gì về cuộc đời của Càn-Long từ nhỏ, và nhà vua tin tưởng là sự thật. Sau khi Vu-Vạn-Đình đi khỏi, Càn-Long sai mời người vú nuôi họ Lộc tới hỏi rõ mọi việc. Bị Càn-Long bắt phải nói thật, người vú nuôi họ Lộc không dám dối, kể lại tất cả cho Càn-Long nghe.
Nguyên 47 năm trước đây, vào ngày 13 tháng 8, Phúc-Tấn, vị Hoàng-Tử Bối-Lạc Doãn-Trinh cho ra đời một gái. Nghe tin phu nhân của quan đại thần Trần-Thế-Quang cùng ngày cũng sinh được một đứa con trai, Hoàng-Tử bèn sai nội thị sang Trần phủ bế đứa bé trai vào cung xem thử. Nhưng khi người trong cung bế con trả lại thì lại là một đứa con gái. Biết Hoàng-Tử tráo hài nhi, Trần-Thế-Quan cũng chỉ đành ngậm miệng mà không dám để lộ việc.
Thời ấy, các Hoàng-Tử Bối-Lạc con của Khang-Hy đều ngắm nghía đến ngai vàng cả. Ai nấy đều quyết liệt tranh giành ngôi Thái-Tử nên không từ chối áp dụng bất cứ mộ thủ đoạn nào. Vua Khang-Hy thích môn Khoa-học toán số của người Tây-phương nên các Hoàng-Tử đua nhau học Tây. Ai nấy đều tìm cách lôi kéo các vị quan đại thần về phe mình để ngầm tạo thế lực. Người nào cũng âm thầm tổ chức những màn ám sát ngầm, giết những kẻ nào không theo mình.
Nhìn đám con mình thấy không có ai có đủ tài đức như mình mong muốn, Khang-Hy lại nhắm vào hàng con cháu.
Hoàng-Tử Doãn-Trinh lúc bấy giờ có được một đứa con trai nhưng rất nhu nhược và đần độn nên dĩ nhiên Khang-Hy chẳng thèm để ý. Doãn-Trinh chỉ còn hy vọng vào đứa con kế chào đời. Nhưng chẳng ngờ đứa kế lại là gái. Nghe tin Trần-Thế-Quang phu nhân cho ra đời một trai cho nên Doãn-Trinh mới nảy ngay ra ý định đánh tráo hài nhi…
Đứa bé này từ nhỏ đã tỏ ra thông minh đỉnh ngộ, ham văn thích võ, tỏ ra rất có tương lai. Năm 6 tuổi đã biết đọc bài Ái liên thuyết, và đến năm 9 tuổi tình cờ ngẫu nhiên gặp được một chuyện kỳ lạ hiếm có. Việc kỳ lạ đó cũng giúp cho Doãn-Trinh lên được ngôi báu sau này.
Đứa bé đó, tức Bảo-Thân-Vương, năm 9 tuổi theo vua Khang-Hy đi săn bắn trong tỉnh Nhiệt-Hà. Đội quân thị vệ đuổi từ trong rừng sâu ra một con gấu đen to lớn dị thường. Con ách thú xông thẳng tới tấn công Khang-Hy, bị Khang-Hy bắn cho một mũi tên ngay đầu. Con gấu đen lăn lộn ra đất. Khang-Hy đã cất cây nỏ. Bào-Thân-Vương ngồi trên một con ngựa nhỏ đưa cây nỏ nhắm con gấu đen định bắn. Hai mắt Bảo-Thân-Vương nhìn con gấu to lớn mà chẳng chút sợ hãi. Khang-Hy nhìn Bảo-Thân-Vương với vẻ hài lòng nói:
-Con bắn cho nó một phát đi!
Khang-Hy vốn yêu mến Bảo-Thân-Vương nên có ý bảo thằng bé bắn để nói với quần thần rằng cháu nội mình mới có 9 tuổi mà đã bắn chết được một con gấu đen to lớn đến thế.
Bảo-Thân-Vương xuống ngựa đến trước đầu con gấu giuơng nỏ bắn một cái. Tất cả bọn thị vệ cùng vỗ tay hoan hô. Khang-Hy sung sướng vuốt râu mỉm cười. Bảo-Thân-Vương sau đó nhảy lên ngựa phi đi.
Không ngờ con gấu ấy chưa chết, nó vùng dậy đứng hai chân lên như người rồi hung hăng nhàn tới toan vồ lấy Khang-Hy. Bọn thị vệ kinh hãi liền xúm lại dùng cung nỏ bắn như mưa, giết chết con gấu.
Khang-Hy mừng rỡ bảo đám thị vệ rằng:
-Thằng cháu Bảo-Thân-Vương của ta thật là có chân mệnh thiên tử, phúc phần rất lớn. Giả sử nó mà lui chậm một chút nữa thôi thì còn gì là tánh mạng với con quái thú kia?
Từ đó về sau, Khang-Hy sủng ái Bảo-Thân-Vương hơn tất cả những người cháu nội khác. Và thương cháu nội thì đương nhiên phải nghĩ đến cha của nó. Vì vậy mà Khang-Hy mới truyền ngôi cho Doãn-Trinh để sau này Doãn-Trinh sẽ truyền lại cho Bảo-Thân-Vương.
Sau này Doãn-Trinh lên ngôi, lấy hiệu là Ung-Chính, hết sức nâng đỡ họ Trần ở Hải-Ninh. Ung-Chính làm việc ấy một là để tạ ơn họ Trần, hai là để mua chuộc lòng của vị quan đại thần này để vĩnh viễn theo phò, ủng hộ mình. Tuy vậy, cái hận đổi con, vợ chồng Trần-Thế-Quang không sao quên được nên mới đưa đẩy đến việc tố cáo bí mật của Càn-Long.
Lúc mới bị bắt vào phủ của Ưng-Thân-Vương (#2), thằng bé một mực kêu khóc, không chịu, nhất định không chịu bú. Vợ của Doãn-Trinh là Phúc-Tân không biết phảo làm thế nào nên đành gọi người vú em của nhà họ Trần là Lộc-thị vào phủ để cho bú. Lúc bấy giờ đứa bé mới nín khóc, và chịu bú.
Câu chuyện đã được giữ kín hơn 40 năm rồi, nay bỗng nhiên Càn-Long bất ngờ hỏi lại. Nhưng chẳng qua những câu hỏi của Càn-Long rành mạch quá nên Lộc-thị biết nhà vua đã biết hết cả rồi nên bất đắc dĩ phải nói thật. Lúc bấy giờ Lộc-thị đã ngoài 60 tuổi. Sau khi nói ra sự thật, đêm ấy Lộc-thị bị Càn-Long sai người thắt cổ cho đến chết vì sợ bà ta sẽ thổ lộ bí mật của mình ra…
Trần-Gia-Cách hỏi:
-Đại ca xem thử xem mình có giống người Mãn-Châu hay không mà cứ hoài nghi mãi thế?
Càn-Long lặng thinh không đáp. Trần-Gia-Cách lại nói tiếp:
-Anh là người Hán. Non sông gấm vóc của người Hán ngày nay rơi vào tay giặc Mãn. Anh làm đầu não của giặc Mãn thẳng tay đàn áp, khinh khi Hán-tộc, con cháu của Minh-Đế. Việc đó có phải là bất trung bất hiếu, đại nghịch và vô đạo hay không?
Càn-Long không làm sao cãi lại, giận quá nói liều:
-Ta hôm nay lọt vào tay các ngươi. Muốn giết thì cứ giết đi, hà tất phải lắm lời!
Trần-Gia-Cách nhỏ nhẹ phân bày:
-Hai người chúng ta chẳng có lời ước hẹn trên bờ biển Hải-Ninh hôm nọ là sau này không giết hại nhau hay sao? Lời thề đó đệ vẫn nghe văng vẳng bên tai, lẽ nào lại bội ước? Huống hồ bây giờ đệ lại biết đại ca là anh ruột thì thử hỏi còn nỡ giết làm sao? Đại ca ơi! Suốt 10 năm trời dài đăng đẳng, tấm thân em một mình bôn ba, không có được ai là cốt nhục tình thâm cả. Hôm nay nhờ trời xui đất khiến, vong hồn phụ mẫu linh thiêng mới khiến cho em gặp được mặt anh. Thương anh còn không hết, thử hỏi làm sao nỡ giết hại anh chứ?
Trần-Gia-Cách tính tình đôn hậu. Mỗi lúc xúc động là hai dòng lệ lại chảy dài.
Càn-Long thở dài hỏi:
-Ngươi bảo ta làm thế nào đây? Bắt ta phải thoái vị chăng?
Lau khô lệ, Trần-Gia-Cách nghẹn ngào nói:
-Có ai bảo anh thoái vị đâu? Anh vẫn làm Hoàng-Đế như thường. Nhưng chỉ mong anh làm một Hoàng-Đế anh minh, nhân hiếu. Một Hoàng-Đế khai quốc, chứ không phải là một Hoàng-Đế bất trung bất hiếu như trước nữa.
Càn-Long hỏi:
-Thế nào là Hoàng-Đế khai quốc?
Trần-Gia-Cách đáp:
-Làm Hoàng-Đế của người Hán, không phải là Hoàng-Đế Mãn-Thanh!
Càn-Long lại hỏi:
-Ngươi bảo ta đuổi người Mãn ra khỏi quan ải?
Trần-Gia-Cách đáp:
-Đúng vậy! Cái địa vị của anh hiện tại là nhận giặc làm cha, tránh không khỏi bị đời sau nguyền rủa! Sao chẳng chịu đoạt lại giang sang để dựng nên cơ nghiệp muôn đời?
Càn-Long là người vốn ưa sự nghiệp vĩ đại, lưu danh vào sử xanh nên sau khi nghe Trần-Gia-Cách nói vậy thì quả trong lòng bị rung động.
Thấy lời của mình như đã đánh trúng tâm lý phần nào của Càn-Long, Trần-Gia-Cách nói tiếp:
-Hiện tại anh là vua, ai cũng biết là anh chỉ hưởng cái sự nghiệp của người trước để lại. Có gì gọi là hiển hách? Bất quá cũng chỉ như bao nhiêu kẻ khác mà thôi. Anh nghĩ thử xem có đúng không?
Càn-Long bước lại gần cửa sổ. Trần-Gia-Cách chỉ tay vào một nông phu đang cày ruộng nói:
-Ví dụ như người kia sinh tại phủ Ưng-Thân-Vương, còn anh sinh tại nhà dân giả thì hắn ta là vua, còn anh là dân cày. Có đúng không?
Càn-Long nhận lời nói là có lý. Trần-Gia-Cách nói luôn:
-Kẻ đại trượng phu sinh ra, sống trong vòng trăm năm. Thời giờ như bóng sổ, như vó câu. Nếu không lập được sự nghiệp vẻ vang thì trong chớp mắt đã mục nát như cây cỏ. Các vị như Hán-Cao-Tổ, Đường-Thái-Tông, Minh-Thái-Tổ mới là những chân anh hùng. Còn những người như Nguyên-chúa Thành-Cát Tư-Hãn, người Thanh như Thái-Tổ Nỗ-Nhĩ-Cáp-Xích Thái-Tôn Hoàng-Thái-Cực, đều là hùng chúa một đời. Còn như Hán-Hiến-Đế, Minh-Sùng-Trinh thì cho dù không phải là những vua mất nước , dẫu được ở ngôi trăm năm cũng chỉ như bao nhiêu kẻ tầm thường mà thôi, chẳng có gì đáng nói đến!
Trần-Gia-Cách thật sự rất biết cách nói chuyện. Cứ sau một câu nói, lập trường của Càn-Long dường như ngả về phía chàng. Nhà vu nghĩ thầm:
-“Y nói rất đúng! Nếu ta mở đầu được một triều đại mới thì sau này tên tuổi trong sử xanh nào có kém gì Lưu-Bang với Lý-Thế-Dân?”
Trần-Gia-Cách còn đang định dùng thêm lời để thuyết phục Càn-Long thì bất chợt nghe đàng xa có tiếng chó sủa. Càn-Long thấy Trần-Gia-Cách dựng ngược lông mi hướng mắt nhìn ra ngoài thì cũng ngó theo. Bốn con chó săn to lớn ở dưới tháp Lục-Hòa chạy nhanh như tên bắn. Đàng sau có bóng hai người đang phi thân rất lẹ nên không làm sao trông thấy mặt được. Thoáng một cái, 4 con chó săn cùng 2 người đã đến dưới chân tháp. Tháp Lục-Hòa cao đến 32 tầng. Càn-Long và Trần-Gia-Cách ở trên lầu thứ 12 nên đối với chân tháp còn rất xa.
Trần-Gia-Cách cố gắng để ý lắng tai nghe mà vẫn không nghe được hai người kia nói gì với nhau, chỉ thấy người và chó xông bên trong vào tháp.
Rồi thình lình, 4 con chó săn quay mình trở ra, cất tiếng sủa dữ dội chạy lồng lộn chung quanh tầng dưới. Mạnh-Kiện-Hùng cầm cung giương lên định bắn vào bốn con chó săn thì một bóng người nhảy tới giật lấy cây cung đồng thời đánh lên đầu chàng một chưởng. Mạnh-Kiện-Hùng vừa tránh khỏi thì bị người kia dùng cây cung điểm huyệt, ngã qụy xuống nằm im bất động.
Không thèm quay đầu trở lại, người kia thừa thắng xông lên, giơ tay điểm huyệt tiếp Độc-Giác-Hổ An-Kiện-Cường làm chàng ta té ngửa xuống.
Cùng lúc ấy, cha con Mã-Thiện-Quân và Mã-Đại-Đình cất tiếng kêu la cấp cứu không ngừng:
-“Kình địch! Kình địch!
Trần-Gia-Cách nhìn quanh bốn phía thấy im thin thít thì tin chắc rằng cường địch chỉ có hai người và bốn con chó. Rồi có hai tiếng thét vang lên, một là thiếu nữ và một là thiếu niên. Kế đến là một cây đao và một cây nhuyễn tiên bay ra ngoài tầng dưới của tháp. Trần-Gia-Cách biết ngay hai người kia đoạt được binh khí của Châu-ỷ và Tâm-Nghiện ném ra ngoài.
Càn-Long thấy sắc mặt của Trần-Gia-Cách thay đổi bất thường thì trong lòng nghi hoặc không hiểu gì cả. Mới thấy chàng lộ vẻ lo lắng thì mặt chàng lại tươi cười ngay trở lại. Thì ra Tưởng-Tứ-Căn cầm cây thiết tương múa như bay đánh bốn con chó chạy ra ngoài cửa tháp. Kế đến là Châu-Ỷ và Tâm-Nghiện đỡ Mạnh-Kiện-Hùng và An-Kiện-Cường đứng dậy.
Bốn con chó sói hung dữ, cao lớn dị thường không thua gì bốn con báo. Bị Tưởng-Tứ-Căn nện trúng mỗi con một thiết tương, chúng vẫn không chút sợ sệt, cùng nhau bao vây Tưởng-Tứ-Căn lại cắn sủa không ngừng.
Tâm-Nghiện chạy ra nhặt một nắm gạch vụn ném vào đầu bốn con chó khiến chúng đau quá, kêu lên oăng oẳng. Châu-Ỷ cũng xông ra tiếp chiến.
Bỗng nhiên từ cửa sổ tháp thứ sáu, một đầu người nhô ra khẽ huýt gió một tiếng, bốn con chó chia nhau bốn đường chạy thẳng ra ngoài. Tưởng-Tứ-Căn không làm sao rượt kịp chúng. Thấy một con bị chàng phang què một chân nên chạy chậm, Tưởng-Tứ-Căn nhảy tới chộp lầy chân nó giở hổng lên cao, ném mạnh ra xa.
Trần-Gia-Cách lúc đó thấy có điều gì không ổn nên thầm nghĩ:
-“Tầng thứ 4 có Thạch-Song-Anh; tầng thứ 5 có Vệ-Xuân-Hoa; tầng thứ 6 có Dương-Thanh-Hiệp….”
Nghĩ tới đó, Trần-Gia-Cách kêu thầm:
-“Không xong! Cường địch võ nghệ quá cao cường. Mỗi tầng của mình chỉ có một người mà chúng có đến hai thì làm sao chống cựa lại? Chúng đã đến tầng thứ 6 vậy có nghĩa là Thạch-Song-Anh và Vệ-Xuân-Hoa cản không nổi!”
Trần-Gia-Cách đang định tập họp tất cả mọi người lại cùng tử thủ tầng thứ 9 thì bỗng thấy Từ-Thiện-Hoằng tung cửa sổ nhảy ra ngoài nơi tầng thứ 7, theo sau là một người khác phóng theo nắm chân Thất đương-gia lôi lại.
Trần-Gia-Cách thất kinh, định cầm ba quân cờ ném ra, lại nghe Từ-Thiện-Hoằng la lớn:
-Coi chừng kim tiêu!
Người kia nghe nói vậy liền rụt đầu trở lại. Thật ra Từ-Thiện-Hoằng chỉ dùng tâm lý chiến để đánh chứ chàng làm gì có kim tiêu.
Trần-Gia-Cách nhìn rõ được người kia mặc đồ trắng, trên đầu tóc cũng trắng xóa hết cả, là một bà lão, sau lưng đeo bảo kiếm, đang bay nhảy bắt Từ-Thiện-Hoằng. Nhìn thấy Từ-Thiện-Hoằng tay không, Trần-Gia-Cách biết là binh khí của chàng đã bị đối phương đoạt mất.
Từ-Thiện-Hoằng vung ngọn thiết quảy trước ngực theo thế Phù dương quan phóng tới, miệng kêu lớn:
-Coi chừng kim tiêu!
Bà lão lên tiếng mắng:
-Con khỉ đột! Mi đừng mong xí gạt được bà già của mi!
Dứt lời, bà ta đưa tay ra bắt lấy thiết quảy. Không chậm trễ, Từ-Thiện-Hoằng dùng một miếng ngói phóng luôn. Bà lão không đường nào tránh kịp liền đưa tay ra đánh một chưởng. Miếng ngói nát ra thành trăm mảnh vụn rơi xuống.
Tây-Xuyên Song-Hiệp lúc đó cũng bị cường địch cầm chân tại tầng thứ 8 cho nên có muốn tiếp tay Từ-Thiện-Hoằng cũng không được.
Châu-Ỷ ở phía dưới trông thấy, biết Từ-Thiện-Hoằng không phải là đối thủ của bà ta nên lớn tiếng gọi:
-Gia gia! Mau ra tay cứu Hoằng ca, không thì trễ mất!
Châu-Trọng-Anh giữ tầng thứ 10 chính mắt trông thấy hai đồ đệ của mình bị đánh lăn chiêng, con rể thì đang trong tình trạng hiểm nghèo liền phóng ra ngoài cửa sổ cất tiếng hỏi lớn:
-Người kia là ai? Cớ sao tới gây sự? Xem đây!
Sau đó, hai ngọn Thiết-đảm liên tiếp phóng vào người bà lão. Bà lão liền dùng tay trái bám vào mái ngói, lấy trớn bay xuống tầng thứ 6. Bà lão vừa đáp xuống chợt nghe một trận mưa ám khí, nào Trục-tiền, Thiết-liên tử, cương tiêu… của Triệu-Bán-Sơn từ trên tầng thứ 9 nhắm xuống. Bà lão lại dùng khinh công búng mình ra xa rồi lộn mình, bắn lên lại tầng thứ 7. Chân vừa chạm xuống mái ngói, bà lão đột ngột tấn công một chưởng như vũ bão vào ngay lồng ngực Châu-Trọng-Anh.
Châu-Trọng-Anh trong lúc nguy ngập liền dùng đại đao chém luôn vào ngực đối phương. Đây là một đòn hy sinh, hết sức mạo hiểm, vì Châu-Trọng-Anh hết đường né tránh. Bà lão, thấy vậy liền thu chưởng về, nghiêng mình né tránh, tay trái chộp lấy cổ tay của đối thủ.
Châu-Trọng-Anh thấy thủ pháp của bà ta vừa lanh lẹ vừa hiểm ác thì không dám khinh thường vội ưỡn mình một cái rồi nhảy sang một bên.
Trong lúc đó, Tây-Xuyên Song-Hiệp đã bay ra ngoài cửa sổ đang đánh nhau với một người cao lớn, cặp mắt sáng quắc, trên đầu không có một cọng tóc. Hai anh em họ Thường dùng Hắc-Sa-Chưởng hai mặt tấn công tới tấp, nhưng người này không nao núng, đỡ trước gạt sau. Hai bên quần nhau một hồi lâu mà vẫn không phân thắng bại. Biết Tây-Xuyên Song-Hiệp không hạ được người kia nhưng chắc chắn cũng không đến nỗi phải bại, Châu-Trọng-Anh cũng yên tâm, thấy mình không phải trợ lực tiếp cứu.
Trên tầng thứ 6, Châu-Ỷ liều mạng giao đấu với bà lão, bị đẩy lui không ngừng. Từ-Thiện-Hoằng thấy thế gọi lớn:
-Ỷ muội! Mau lui bước, đừng liều lĩnh!
Châu-Ỷ quay mình bỏ chạy, nhưng còn cố quay lại trêu tức bà lão:
-Đố mụ dám rượt ta đó! Ta có sẵn mai phục, chờ mụ tới nạp mình.
Bà lão nghe Châu-Ỷ trêu tức mình thì chịu không được, liền quay mình rượt theo. Châu-Trọng-Anh thấy vậy liền phóng ngay vào hậu tâm của bà ta một ngọn Thiết-đảm. Nghe hơi gió, bà lão liền dùng dùng chiêu Hàn giang độc điếu tránh thoát rồi tiếp tục rượt theo Châu-Ỷ. Vừa khi ấy, Vệ-Xuân-Hoa, Dương-Thanh-Hiệp và Thạch-Song-Anh từ đâu cùng kếo đến một lượt để trợ thủ cho Châu-Ỷ. Châu-Trọng-Anh khi ấy cũng vừa chạy đến nơi. Châu-Ỷ liền chạy lại đứng sau lưng ông ta. Trước cường địch quá đông đảo, bà lão không dám khinh thường, vội lui lại đàng sau mấy bước thủ thế.
Lúc ấy từ trên có một vọng như chuông đồn vang xuống:
-Tôi lên trên tháp đánh rốc xuống, mụ từ dưới đánh bừa lên nhé!
Bà lão nghe nói liền tung người, lấy tay chụp vào góc tường của tầng thứ 7 lấy đà bay vụt lên tầng thứ 8. Thấy không có một bóng người canh giữ, bà ta chạy thẳng lên tầng thứ 9.
Vừa lên tới nơi, Triệu-Bán-Sơn đã cầm kiếm nhảy tới. Bà lão chẳng nói chẳng rằng, vung kiếm tung ra ba thế cực kỳ mau lẹ và hết sức biến ảo tấn công. Triệu-Bán-Sơn bình tĩnh dùng thế Vân ma tam vũ trong Thái-Cực-Kiếm hóa giải được ba chiêu thế của bà lão một cách dễ dàng.
Trần-Gia-Cách được chứng kiến các cuộc tranh phong rất rõ ràng. Càn-Long để ý quan sát gương mặt Trần-Gia-Cách rất kỹ. Nếu thấy chàng lo ngại thì nhà vua lại mừng thầm trong lòng, nhưng hễ thấy chàng bình tĩnh thản nhiên thì Thanh-đế lại lo lắng.
Chợt khi đó, Tâm-Nghiện chạy vội lên vào đến nơi dùng tiếng lóng của Hồng Hoa Hội báo cáo:
-Không xong, Tổng-Đà-Chủ! Có vài ngàn binh sĩ đang nhắm thẳng đường kéo đến Lục-Hòa tháp.
Trần-Gia-Cách gật đầu. Tâm-Nghiện lại đi xuống. Nhìn nét mặt Trần-Gia-Cách tỏ vẻ lo ngại, vua Càn-Long đoán là chắc có viện binh đến cứu. Vua Càn-Long nhìn từ xa thấy một lá cờ thật lớn tung bay phất phới. Trên lá cờ có một chữ Lý thật lớn. Càn-Long mừng rỡ vô cùng, biết Lý-Khả-Tú đem quân đến cứu giá.
Trần-Gia-Cách liền cúi xuống dưới tháp gọi lớn:
-Mã đại ca! Mau ra ngoài tháp chuẩn bị cung nỏ sẵn sàng.
Trần-Gia-Cách vừa dứt lời bỗng thấy một người đầu trọc, mặt đỏ đang phi thân bay lên, đàng sau là Châu-Trọng-Anh và Tây-Xuyên Song-Hiệp đuổi theo. Người đầu trọc thẳng đường phóng lên lầu thứ 12. Châu-Trọng-Anh rượt theo không kịp liền vào bên trong, dùng thang lầu đi lên tầng thứ 12 trong khi Tây-Xuyên Song-Hiệp trở về lại tầng thứ 8 thủ.
Bên hiên của tầng lầu, Triệu-Bán-Sơn cùng bà lão đang so kiếm, đánh nhau kịch liệt, trước sau đến trăm hiệp mà vẫn không phân thắng bại.
Bỗng nhiên Triệu-Bán-Sơn nhảy ra ngoài nói:
-Kiếm pháp của tôn giá thật là cao minh. Xin cứ tự tiện lên trên tháp.
Bà lão ngạc nhiên vì thấy hai người đang đấu ngang ngửa không hiểu sao Triệu-Bán-Sơn lại bỗng nhiên dừng tay nhường nhịn. Dù vậy, bà ta cũng chẳng khách khí đi thẳng lên lầu trên.
Châu-Ỷ ngạc nhiên hỏi:
-Triệu tam thúc đã thua đâu mà lại chịu nhường nhịn như thế?
Triệu-Bán-Sơn cười nói:
-Kiếm pháp của bà ta thật là cao diệu. Hãy để cho Lục lão ca có cơ hội cùng thưởng thức một lượt cho vui. Mà kìa, Châu cô nương! Sao cô lại gọi tôi là tam thúc? Hoằng đệ gọi tôi là tam ca kia mà!
Châu-Ỷ đỏ mặt nói:
-Gia gia tôi bảo tôi phải gọi như vậy.
Triệu-Bán-Sơn dẫn mọi người lên tầng thứ 11, tin tưởng rằng sẽ được nhìn thấy cuộc ác đấu giữa bà lão kia cùng với Lục-Phỉ-Thanh, nhưng lạ lùng thay, tầng 11 lại trống trơn không một bóng người. Mọi người kinh ngạc, liền cùng nhau kéo lên tầng 12.
Nghe có tiếng binh khí chạm nhau nẩy lửa, mọi người vào trong thấy bà lão đang kịch chiến với Châu-Trọng-Anh. Hai bên đấu ngang ngửa, không ai chịu kém ai.
Trần-Gia-Cách dắt Càn-Long ra ngồi nép vào góc tháp quan sát trận đấu. Từ-Thiện-Hoằng, Dương-Thanh-Hiệp và Thạch-Song-Anh lại giữ chặt cửa sổ, phòng bà lão thoát thân.
Từ-Thiện-Hoằng lớn tiếng gọi bà lão:
-Mau buông kiếm đầu hàng, chúng ta sẽ tha mạng!
Châu-Ỷ nói:
-Kiếm pháp của người này thật lạ lùng, anh thấy thế nào?
Từ-Thiện-Hoằng đáp:
-Đúng vậy! Anh cũng thấy quả thật là hết sức lạ lùng.
Lúc đó, Châu-Trọng-Anh chém một đao thật mạnh, bà lão lui lại đàng sau đẩy cái ghế ra chặn. Chiếc ghế bị đại đao của Châu-Trọng-Anh bửa ra làm đôi.
Bà cụ bỗng nhiên ngừng tay chỉ vào mặt vua Càn-Long hỏi:
-Nói mau! Ngươi có phải là Hoàng-Đế không?
Càn-Long đáp:
-Phải! Phải! Trẫm là Hoàng-Đế đây! Có phải cứu binh đến đó không?
Bà lão chợt phi thân đến dùng kiếm tung ra một thế Anh bạt vạn lý đâm thẳng vào ngựa vua Càn-Long.
Thật là một chuyện ngoài sức tưởng tượng của mọi người. Ai cũng ngỡ là bà lão đến đây cứu giá, nhưng nào ngờ bà ta lại bất ngờ ra chiêu hạ thủ.
Trần-Gia-Cách nhanh như cắt đẩy nhẹ Càn-Long qua một bên, dùng tay trái điểm vào hiếp cốt của bào lão. Bà lão khẽ bước sang một bên nửa bước, dùng một thế Kim long thám trảo chộp lấy tay của Trần-Gia-Cách.
Trần-Gia-Cách khẽ đảo tay, dùng ngay lại thế vừa rồi chộp lại bà lão, chiêu thế cực kỳ mau lẹ. Bà lão thất kinh thu tay về, dùng kiếm xông tới chém bừa. Trần-Gia-Cách vội rút thanh đoản kiếm đeo bên mình đưa lên chặn lại, tay trái chàng tung ra một quyền vào giữa mặt bà lão, chân trái bồi thêm một cước ngay ngực.
Bà lão kinh ngạc phải lui lại mà tránh. Trần-Gia-Cách sau đó dùng Bách Hoa Thố Quyền liên tiếp tấn công, thủ pháp vô cùng mau lẹ, biến ảo không lường. Bà lão vừa đỡ, vừa tránh né liên tục không làm sao phản công được.
Đánh nhau được mấy chục hiệp, Trần-Gia-Cách bỗng thâu quyền trở về, vòng tay cung kính hỏi:
-Xin thỉnh vấn đại danh cao tánh của lão bà?
Không trả lời câu hỏi của Trần-Gia-Cách, bà lão hỏi lại:
-Thanh đoản kiếm của ngươi ở đâu mà có?
Trần-Gia-Cách đáp:
-Của một người bạn tặng cho.
Bà lão lại hỏi:
-Ngươi gọi Thiên-Trì Quái-Hiệp là gì?
Trần-Gia-Cách đáp:
-Đó là ân sư của vãn bối.
Bà lão chợt lắc đầu nói:
-Thế thì hỏng! Sư phụ ngươi vốn là bậc chính nhân quân tử, sao ngươi lại bôi nhọ danh dự của ân sư cam tâm làm chó săn cho triều đình Mãn-Thanh?
Dương-Thanh-Hiệp nghe nói nhịn không được nạt lớn:
-Mụ già kia đừng nói bậy! Có câm cái họng thối của mi lại hay không? Đó là Tổng-Đà-Chủ của chúng ta nghe chưa! Mi ăn nói cũng phải khách sáo một chút!
Nghe Dương-Thanh-Hiệp mắng, bà lão không giận, trái lại còn dịu giọng hỏi:
-Các ngươi là Hồng Hoa Hội?
Dương-Thanh-Hiệp đáp:
-Không sai!
Xoay qua Trần-Gia-Cách, bà lão hỏi:
-Các ngươi đã đầu hàng Mãn-Thanh phải không?
Trần-Gia-Cách nói:
-Chúng tôi vì đời làm việc nghĩa, há lại quy thuận giặc Mãn bao giờ? Mời lão bà ngồi xuống, chúng tôi sẵn sàng hầu chuyện.
Bà lão không ngồi, nhưng cả nét mặt và giọng nói đều trở nên dịu dàng hơn, hỏi tiếp:
-Ta muốn hỏi lại là ai đã tặng thanh đoản kiếm kia cho ngươi?
Trần-Gia-Cách nghe hỏi thì cũng đoán được vài phần câu chuyện, đáp:
-Do một người bạn ở xứ Hồi trao tặng.
Bà lão lại hỏi:
-Ngươi quen biết với Thúy-Vũ Hoàng-Sam sao?
Trần-Gia-Cách nghe hỏi bỗng nhiên đỏ mặt, không biết phải trả lời ra sao. Thấy vậy, Châu-Ỷ bèn đỡ lời:
-Chị Tiêu-Thanh-Đồng tặng cho anh ấy đó. Bà cũng quen biết chị Tiêu-Thanh-Đồng à?
Bà lão đáp:
-Đó là đồ đệ của ta.
Trần-Gia-Cách nghe nói liền bước lên thi lễ nói:
-Không biết Thiên-Sơn Song-Ưng nhị vị tiền bối giá lâm nên chúng tôi đã thất lễ. Xin thứ lỗi cho.
Thì ra hai người đến đại náo Lục-Hòa-Tháp chính là cặp Thiên-Sơn Song-Ưng lừng danh trên giang hồ. Người cao lớn mặt đỏ đầu trọc là Trần-Chánh-Đức, còn bà lão này chính là Quan-Minh-Mai, vợ của ông ta.
Quan-Minh-Mai bỗng nghiêm mặt hỏi:
-Tại sao các ngươi lại bảo vệ cho Càn-Long không cho ta giết hắn?
Hai anh em Tây-Xuyên Song-Hiệp bỗng từ ngoài cửa sổ nhảy vào nói:
-Hoàng-Đế Mãn-Thanh là do chúng tôi bắt đến đây. Nếu cần giết thì chúng tôi đã giết, đâu cần phải đợi đến bà ra tay!
Trần-Gia-Cách nói:
-Đúng vậy! Chính chúng tôi đã bắt Hoàng-Đế đến đây để hỏi một chuyện quan trọng. Ban đầu vì ngộ nhận, tưởng hai vị là thị vệ của Mãn-Thanh nên mới xảy ra những chuyện hiểu lầm đáng tiếc.
Quan-Minh-Mai bỗng ngước mặt ra bên ngoài gọi lớn:
-Lão già, mau xuống đây!
Không có tiếng trả lời. Rồi bỗng một mũi tên từ phía dưới bắn lên. Quan-Minh-Mai đưa tay bắt gọn múi tên rồi cầm lấy cắm phập lên bàn, giận dữ nói:
-Bọn tiểu nhân vô tín! Miệng nói leo lẻo mà lại ngầm bắn tên ám toán.
Trần-Gia-Cách ôn tồn, phân trần:
-Xin tiền bối đừng giận! Anh em dưới tháp có lẽ vì chưa hiểu tình thế trên này cho nên mới đắc tội. Tôi sẽ bảo họ tạ tội với tiền bối sau.
Dứt lời Trần-Gia-Cách chạy đến cửa sổ gọi vọng xuống:
-Người nhà cả! Đừng có bắn tên!
Chàng vừa dứt lời thì lại có mấy mũi tên bắn lên. Bấy giờ Trần-Gia-Cách mới hiểu rằng quân Thanh đã đến và đã vây chặt Lục-Hòa-Tháp dùng cung nỏ bắn lên.
Trần-Gia-Cách liền nói với Triệu-Bán-Sơn:
-Tam ca mau điều động, dặn tất cả mọi người phải cố thủ, không được liều mạng xông bừa ra.
Triệu-Bán-Sơn tuân lệnh ra đi. Châu-Trọng-Anh hướng về Quan-Minh-Mai nói:
-Tại hạ ngưỡng mộ đại danh của Thốc-Ưng và Tuyết-Điêu-Quang đã lâu, nay được gặp thật là vạn hạnh.
Quan-Minh-Mai cũng đáp lễ:
-Tên tuổi của Thiết-Đảm trang chủ Châu lão anh hùng, chúng tôi cũng được nghe qua nhiều lần và hết sức kính phục.
Chợt nhớ ra điều gì, Quan-Minh-Mai gọi lớn:
-Lão già ở đâu? Làm cái trò gì mà chưa chịu đến đây?
Châu-Trọng-Anh nói:
-Thốc-Ưng chắc đang say mê tỉ kiếm với Vô-Trần đạo-trưởng. Chúng ta nên nói rõ sự tình để hai người ngừng tay.
Trần-Gia-Cách liền dẫn mọi người cùng lên trên tầng thứ 13. Mở cửa xông vào trong, mọi người thấy kiếm quang rực rỡ chói lòa cả mắt. Hai bóng người vờn nhau như hai con hổ tranh nhau miếng mồi. Rồi ánh kiếm lại lóe lên, hai người trong chớp mắt đã trao đổi qua mấy chục chiêu. Mọi người trông thấy thế, ai nấy đều thầm phục kiếm pháp cao diệu của hai người.
Trần-Gia-Cách lớn tiếng gọi:
-Đạo trưởng! Xin dừng tay lại! Người nhà cả đấy!
Quan-Minh-Mai cũng lớn tiếng gọi Trần-Chánh-Đức:
-Lão già cũng mau dừng tay lại thôi! Họ là Hồng Hoa Hội đấy chứ không phải là chó săn triều đình đâu!
Nhưng có lẽ hai người đã đi đến hồi quyết liệt, say mê tỉ thí kiếm pháp nên mặc cho ai ai có kêu gọi cách mấy, cả hai người như chẳng nghe thấy, chỉ tập trung hết tư tưởng vào trong kiếm và kiếm thuật mà thôi. Thoáng một cái, hai người lại trao đổi với nhau thêm mấy chục chiêu nữa.
Bỗng Trần-Chánh-Đức vung lên một thế Băng hà kiếm xung, xả xuống bả vai mặt Vô-Trần Đạo-Nhân như rọc mía. Vô-Trần Đạo-Nhân né sang bên trái, Trần-Chánh-Đức lại xoay kiếm chém vào vai trái. Vô-Trần Đạo-Nhân vốn không có tay trái nên không cần phải né tránh, đâm lại một thế Mạnh bà quán than vào ngay yếu hầu của đối phương.
Trần-Chánh-Đức sau khi chém trúng vào tay áo Vô-Trần Đạo-Nhân mới biết là mình bị hớ vì đã ra một chiêu vô ích, định chặt một cánh tay không có! Trần-Chánh-Đức liều mạng, vận toàn vung kiếm lên chặt ngang.
Hai thanh kiếm sau đó cùng xoay một lượt rồi thay phiên đè lên nhau, như dính chặt vào với nhau, cùng nhắm yết hầu đối phương mà chĩa. Cả hai người ghìm nhau lừa thế, không ai dám thu kiếm về vì sẽ bị kiếm của đối phương đâm vào yết hầu chết ngay.
Trần-Gia-Cách thấy vậy liền mượn cây cương tiên của Dương-Thanh-Hiệp định nhảy tới phang một cái vào hai cây kiếm của Vô-Trần Đạo-Nhân và Trần-Chánh-Đức thì bỗng từ trên một bóng người nhảy xuống tay cầm gươm chặt mạnh vào hai thanh kiếm đang dính chặt vào với nhau.
Chỉ nghe những tiếng loảng xoảng vang lên, Vô-Trần Đạo-Nhân và Trần-Chánh-Đức lùi lại đàng sau mấy bước. Mỗi người cầm nửa khúc kiếm, mặt mày ngơ ngác.
Người kia cười lên một tràng nói:
-Hảo kiếm pháp! Hảo kiếm pháp!
Chú thích:
(1-)Bất đễ: không nên không phải với anh em ruột.
(2-)Ưng-Thân-Vương: phong-tước của vua Ung-Chính (Thái-Tử Doãn-Trinh) khi còn là Hoàng-Tử Bối-Lạc.