Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thư Kiếm Ân Cừu Lục

Chương 14 – Lấy oán trả ân khi ngộ nhận – Đổi thù thành bạn lúc phân minh

Tác giả: Kim Dung
Chọn tập

Trần-Gia-Cách, Lục-Phỉ-Thanh và toàn thể đám hào kiệt của Hồng Hoa Hội đi sát sau lưng Châu-Trọng-Anh. Ông ta là người võ công trác tuyệt, bản lãnh phi phàm nên mặc dù thất thế bị Trần-Gia-Cách điểm trúng Phù hy huyệt nhưng chỉ trong một vài phút sau là đã tự giải huyệt được, hô hấp trở lại bình thường tự nhiên.

Sở dĩ Trần-Gia-Cách phải tỉ thí với Châu-Trọng-Anh cũng chẳng qua vì tình thế, muốn buộc ông ta phải giao cho Hồng Hoa Hội người đã tiết lộ bí mật địa huyệt để cho Trương-Siêu-Trọng bắt mất Văn-Thái-Lai. Trong thâm tâm, Trần-Gia-Cách hết sức kính phục Châu-Trọng-Anh là bậc tiền bối cao nhân, không những chỉ có bản lãnh trác tuyệt thôi mà còn có phong độ của bậc trưởng thượng nữa. Vì vậy, cho dù phải ra tay đả bại Châu-Trọng-Anh, Trần-Gia-Cách cũng không có ác ý, chỉ lựa huyệt nhẹ mà điểm trúng để không làm hại đến tánh mạng của ông ta, thậm chí còn không muốn để ông ta phải mang trọng thương nữa.

Châu-Trọng-Anh đưa đám hào kiệt Hồng Hoa Hội qua hai gian nhà kế cận tòa nhà chính. Lúc ấy, ngọn lửa đã cháy bùng lên. Sức lửa nóng làm mọi người đến toát cả mồi hôi. Nhiều căn nhà trong Thiết-Đảm-Trang đã bị thiêu hủy.

Giữa đêm tối, mọi người chỉ trông thấy một ngọn lửa cao ngất trời. Thiết-Đảm-Trang phút chốc đã biến thành một biển lửa, khói tỏa mịt mù, tiếng nổ nghe lốp đốp như pháo.

Từ-Thiện-Hoằng thấy lửa cháy dữ dội quá bèn hô lớn lên rằng:

-Các anh em Hồng Hoa Hội! Chúng ta hãy tạm gác mọi chuyện lại đã! Cứu hỏa là điều cần kíp hơn!

Nghe Từ-Thiện-Hoằng kêu gọi đám Hồng Hoa Hội đi chữa lửa thì cơn giận lại phừng lên. Chính miệng Từ-Thiện-Hoằng đã bao nhiêu lần kêu gọi người trong hội của hắn đốt Thiết-Đảm-Trang. Nhìn cả một vùng Thiết-Đảm-Trang đang bị làm mồi cho lửa, Châu-Ỷ nghiến răng nhìn Từ-Thiện-Hoằng, cho rằng chính hắn là thủ phạm đã gây ra thảm cảnh này cho Thiết-Đảm-Trang. Chẳng những thế, nàng còn lườm cả đám người Hồng Hoa Hội như muốn ăn tươi nuốt sống hết cả đám cho hả giận. Chỉ vì bọn họ đông quá nên Châu-Ỷ nhắm đánh không được mà đành nhịn nhục. Nhưng dù sao nàng cũng không dằn được cơn thịnh nộ liền trợn mắt nhìn Từ-Thiện-Hoằng điểm vào mặt mắng xối xả:

-Thằng giặc đốt nhà kia! Chính mi là thủ phạm đã đốc thúc bọn cẩu trệ chúng bây đốt chứ còn ai vào đây nữa mà bây giờ lại bày trò giả nhân giả nghĩa kêu gọi chữa cháy! Khéo đóng tuồng quá hả? Ta dù có bằm xác cả đám bọn bây ra cũng chưa hả giận nữa! Nhưng thù này ta sẽ không bao giờ quên được đâu! Sẽ có ngày chúng bây phải đền tội!

Mắng Từ-Thiện-Hoằng mấy câu xong, Châu-Ỷ vẫn chưa dập tắt được lửa giận liền xuất kỳ bất ý đưa cao ngọn đao lên nhắm đầu Thất đương-gia mà bổ xuống một nhát. Từ-Thiện-Hoằng nhanh chân nhảy vọt ra đàng sau tránh khỏi được nhát đao.

Chém không trúng, Châu-Ỷ càng tức giận thêm, định xông tới quyết ăn thua đủ với Từ-Thiện-Hoằng thì Triệu-Bán-Sơn bước tới ngăn cản. Châu-Ỷ vẫn không chịu bỏ qua quyết lấy mạng Từ-Thiện-Hoằng cho bằng được. Sau cùng, Triệu-Bán-Sơn phải giữ chặt lấy thanh đao của nàng không cho cựa quậy lúc đó nàng mới chịu thôi.

Châu-Trọng-Anh một mạch lướt qua lửa mà đi. Những gì xảy ra chung quanh dường như ông ta không còn nhìn thấy, nghe thấy, hay để ý tới nữa. Đám hào kiệt Hồng Hoa Hội cũng chẳng ai nói với ai lời nào, cứ lẳng lặng mà đi thôi.

Ra phía sau cùng của gian nhà đến một linh-đường (#1), Châu-Trọng-Anh đưa mọi người vào bên trong. Ngay trước bàn thờ là một linh-vị (#2), hai bên có đốt hai cây đèn sáp (#3) màu đỏ. Những giọt hồng của hai cây đèn sáp nhỏ xuống tựa như những giọt huyết lệ bi ai. Sau linh vị là một bức màn đen phủ xuống. Bên trong bức màn là một chiếc quan tài nhỏ chưa đậy nắp, còn phủ lên một tấm vải đỏ. Cảnh tượng trông thật vô cùng thê lương.

Châu-Trọng-Anh đưa tay khoác bức màn đen cho tất cả được trông thấy chiếc quan tài rõ ràng. Ông lại ngoắc tay một cái, ngụ ý bảo mọi người đến gần chiếc quan tài hơn. Châu-Trọng-Anh sau đó một tay cầm cây nến rọi xuống, một tay gỡ tấm vải đỏ phủ mặt quan tài lên. Trước mắt mọi người hiện ra một tử thi của một đứa bé độ chừng 10 tuổi. Đứa bé đã chết nhưng gương mặt tươi tỉnh, trông rất khôi ngô, chỉ có hai mắt lồi ra và sọ lũng sâu xuống. Đứa bé được mặc cho một bộ đồ rất sạch sẽ và đẹp đẽ. Đó chính là tử thi của Châu-Anh-Kiệt, đứa con trai duy nhất của Châu-Trọng-Anh.

Nguyên Châu-Trọng-Anh sau khi hạ sát đứa con yêu xong, vì thấy Châu-Ỷ chưa về đến nhà nên chưa muốn liệm xác vội vì cốt ý muốn để cho đứa con gái của mình được trông thấy mặt đứa em một lần cuối trước khi hạ huyệt (#4). Chính tay Châu-Trọng-Anh mặc cho nó bộ quần áo mà bình nhật nó ưa thích nhất và đặt xác nó ngay ngắn vào trong quan tài mà quàng lại đó.

Châu-Trọng-Anh xúc động đến cực độ, hai mắt đỏ ngầu, lệ tràn ra như suối. Với giọng ngập ngừng xót xa, ông ta nhìn đám người Hồng Hoa Hội lớn tiếng nói:

-Chính thằng con thơ dại này của ta đã làm tiết lộ bí mặt để cho Văn tứ đương gia bị bắt. Ta không phủ nhận việc này. Các người đòi ta phải giao nó cho các người để các người chất vấn và mang đi thì bây giờ đã được toại nguyện rồi đó! Vậy các người hãy xem mặt nó cho thỏa mãn đi… rồi muốn hỏi gì thì hỏi… và sau đó muốn mang nó đi đâu thì mang!

Đám hào kiệt Hồng Hoa Hội, từ Tổng-Đà-Chủ Trần-Gia-Cách trở xuống, dưới ánh nến trông rõ ràng là một tử thi của một đứa bé. Cả đám chưa ai hiểu gì thì Châu-Ỷ như uất ức đến cùng cực hét vang lên:

-Em trai của ta mới có 10 tuổi! Nó khờ khạo có biết gì đâu nên vô tình mà tiết lộ chỗ ẩn núp của người anh em họ Văn các ngươi ra! Thân phụ ta về đến nhà hay được việc này thì quá đỗi giận dữ nên mới ra tay đánh chết em ta! Mẹ ta vì quá xót tình mẫu tử cho nên chưa kịp chôn cất em ta đã bỏ nhà mà đi, đến nay còn chưa biết lưu lạc phương nào! Gia đình ta chỉ trong một sớm một chiều mà tan nát, thảm não đến thế này! Thế mà các ngươi vẫn chưa vừa lòng, còn đòi giết luôn cả hai cha con ta, đốt hết Thiết-Đảm-Trang và giết luôn tất cả người ở Thiết-Đảm-Trang này nữa! Được lắm! Các ngươi cứ việc đốt đi! Đốt hết đi!… Giết đi!.. Giết hết đi!… Giết cho thỏa cái lòng hận thù khát máu của các ngươi! Thật bọn tẩu cẩu với đám triều đình Mãn-Thanh có dã man hay tàn bạo thì cũng chỉ đến độ như Hồng Hoa Hội các ngươi là cùng…

Châu-Ỷ còn định kiếm thêm những lời nặng nề độc địa để chửi tiếp nhưng nói đến đây nàng bỗng nghẹn ngào vì quá uất hận, nước mắt tuôn ra như mưa, chỉ biết ôm mặt mà khóc nức nở.

Trước những lời hậm hực cũng như những tiếng chửi rủa của Châu-Ỷ, đám hào kiệt Hồng Hoa Hội không những không tức giận chút nào mà còn cảm thấy mủi lòng nghẹn ngào, cho rằng nàng nói mình như thế thật vẫn còn quá nhẹ. Cả đám đứng nhìn nhau xấu hổ đỏ hết cả mặt mày. Đến bây giờ, họ mới nhận rõ được anh hùng bản sắc(#5). Châu-Trọng-Anh thật là người nghĩa khí có một không hai ở trên đời! Ai nấy bất giác vừa kính phục vừa nể sợ. Lúc trước thù hận Châu-Trọng-Anh bao nhiêu thì giờ đây lại ăn năn hối hận bấy nhiêu. Cả đám người Hồng Hoa Hội đều tự nghĩ trong lòng rằng nếu phải đem tánh mạng mình để tạ lỗi với Châu-Trọng-Anh thì chuyện ấy cũng vẫn còn là quá nhỏ, quá ít.

Châu-Trọng-Anh vẫn đứng im lìm tự nhiên như chẳng thèm quan tâm đến đám người tự cường thị nhược ấy (#6).

Chương-Tấn là người nóng tính nhưng ngay thẳng nhất trong đám. Trước tình cảnh này, y bước tới quỳ hướng về Châu-Trọng-Anh cúi rạp đầu xuống đất lạy rồi dõng dạc lên tiếng:

-Thưa lão tiền bối! Hồng Hoa Hội chúng tôi quả đắc tội quá nặng với tiền bối! Thằng gù này xin cúi đầu chịu lỗi trước tiên. Tùy lượng lão tiền bối muốn xử trí ra sao cũng xin vâng chịu chứ chẳng dám nửa lời oán trách.

Dứt lời, Chương-Tấn lại quay sang Châu-Ỷ vái một cái rồi nói:

-Cô nương! Từ nay về sau cô có gọi tôi là thằng gù này với thằng bướu nọ hay có mắng xả vào mặt tôi bất cứ lúc nào đi chăng nữa tôi cũng chẳng dám giận cô nữa đâu.

Châu-Ỷ đang đau lòng nhìn tử thi em mình trong quan tài nghe Chương-Tấn nói mà cũng phải buồn cười nhưng không tài nào cười nổi.

Lúc ấy Trần-Gia-Cách nhìn các đương-gia láy mắt một cái. Mọi người đều hiểu ý chàng. Từ-Thiện-Hoằng, Dương-Thanh-Hiệp, Vệ-Xuân-Hoa, Lạc-Băng, Thạch-Song-Anh, Tưởng-Tứ-Căn và Dư-Ngư-Đồng đồng một lượt cùng nối đuôi theo vị Tổng-Đà-Chủ của mình đến trước mặt Châu-Trọng-Anh mà vòng tay cúi đầu tạ tội. Luôn cả hai người vai vế cao nhất trong hội sau Tổng-Đà-Chủ là Vô-Trần Đạo-Nhân với Triệu-Bán-Sơn dù không đắc tội với vị chủ nhân Thiết-Đảm-Trang kia, nhưng khi biết rõ mọi chuyện cũng theo chân mọi người đi ra mà vòng tay cúi đầu. Châu-Trọng-Anh thấy vậy cũng vội vàng đáp lễ. Trong lòng ông hiện đang phân vân nhiều nỗi. Buồn, vì nhìn tử thi của con trai ông ta; giận, vì thái độ vô lễ hung hăng của đám Hồng Hoa Hội đã xử tệ với mình trước đây; và hận, vì ngọn lửa ác nhân đang thiêu hủy sự nghiệp một đời gian lao khổ cực dựng nên…

Những kẻ đã thóa mạ làm nhục mình giờ đây đã biết lỗi, đã chịu hạ mình thành thực chịu lỗi. Châu-Trọng-Anh vốn là người đại lượng nên có lẽ nào lại không bỏ qua? Nhưng có muốn nói một đôi lời mà ông ta cũng chẳng biết phải nói gì!

Trần-Gia-Cách buồn bã, ôn tồn dùng lời an ủi, thưa rằng:

-Châu lão tiền bối đối xử với Hồng Hoa Hội chúng tôi như thế thật còn gì để cho ai thắc mắc được nữa! Thiết tưởng cổ kim chưa ai có được nghĩa khí như Châu lão anh hùng! Ân đức này, chúng tôi dù chết cũng xin ghi lòng tạc dạ chứ chẳng bao giờ dám quên. Nay có dùng lời thế nào đi chăng nữa cũng không làm sao diễn tả được hết những ý nghĩ trong lòng, những nỗi ân hận vô bờ bến của chúng tôi!

Xoay qua đám đương-gia thuộc hạ còn đang đứng túc trực trước mặt Châu-Trọng-Anh như những pho tượng, Trần-Gia-Cách ra lệnh:

-Cứu hỏa là việc quan trọng hơn cả! Tôi ra lệnh cho tất cả mọi người phải ra tay liều chết với thần hỏa! Từ những bụi cây, viên ngói, viên gạch hay bất cứ những gì thuộc về Thiết-Đảm-Trang, nếu cứu được phải liều mình xông pha mà cứu cho kỳ được!

Ai nấy đều răm rắp tuân theo, tủa lực lượng ra tìm đủ mọi cách để chống chọi với ngọn lửa đỏ rực cả nền trời đang lan tràn khắp nơi.

Lửa cháy bừng, khói bay nghi ngút, gạch ngói đổ xuống ầm ầm, kèo cột gẫy nổ lốp đốp như địa ám thiên băng. Cả một dãy Thiết-Đảm-Trang chìm trong biển lửa mênh mông. Tiếng la hét của những người tráng đinh vang dội như muôn quân đang lăn sả vào bãi chiến trường.

Vùng Cam-Túc này có tiếng là phong khố (#7) của Trung-Quốc. Có thể nói rằng một năm 365 ngày, không một ngày nào là vắng tiếng gió. Lửa đã lớn còn được gió phụ vào nên càng phựt lên cao hơn trong khi nước thì không làm sao xách lên cho kịp. Nói chung là nước của người không làm sao cự nổi với lửa và gió của trời! Trong phút chốc, cả một dãy Thiết-Đảm-Trang đã trở thành bình địa (#8)!

Khi ấy, các hào kiệt Hồng Hoa Hội nhìn thấy Châu-Trọng-Anh vẫn đứng im không nhúc nhích bên cạnh quan tài của Châu-Anh-Kiệt, nhìn con mà ruột thắt gan bào! Hình như ông ta không còn đếm xỉa gì tới sự nghiệp đang trong cơn điêu tàn cũng như ngọn lửa hồng đang phừng lên sắp sửa thiêu hủy luôn cả linh đường này. Có lẽ Châu-Trọng-Anh muốn cùng được thiêu chung với tử thi đứa con yêu quý nên không màng đến sống chết nữa làm chi.

Ngọn lửa bắt đầu xâm nhập vào bên trong linh đường. Ba người Vệ-Xuân-Hoa, Thạch-Song-Anh và Tưởng-Tứ-Căn liều mình chạy vào cấp cứu. Họ vì mắc bận chữa lửa cho nên không để ý tới Châu-Trọng-Anh.

Châu-Ỷ nãy giờ đứng sát bên thân phụ, thấy tình hình nguy ngập trước mắt lìền nói:

-Thân phụ à! Chúng ta ra mau kẻo chết cháy!

Châu-Trọng-Anh không ngó lên mà cũng chẳng buồn đáp lại, mắt vẫn trân trân nhìn vào tử thi bên trong quan tài. Ai nấy trông thấy đều tỏ vẻ bất nhẫn song có lẽ Châu-Trọng-Anh thà nhất định chịu chết chứ không để con phải một mình bị chết thêm một nghiệp. Chương-Tấn có lẽ hiểu được ý của Châu-Trọng-Anh nên níu tay Dương-Thanh-Hiệp chạy vào nói lớn:

-Bát ca! Anh mau vác quan tài đặt lên lưng đệ!

Dương-Thanh-Hiệp cúi xuống hai tay khiêng quan tài để lên vai Chương-Tấn, Thập đương-gia khẽ khom người vác lấy rồi bất kể nguy hiểm vượt qua lửa chạy ra. Các đương-gia khác cố gắng lo khuân hết những đồ vật trong linh đường, còn Châu-Ỷ thì đỡ Châu-Trọng-Anh dìu ra ngoài theo chân các hào kiệt Hồng Hoa Hội.

Trong nháy mắt, cả linh đường đã biến thành đống tro tàn. Khi mọi người an toàn chạy đến một khoảng đất trống thì ngọn lửa cũng đã đốt sạch một vùng Thiết-Đảm-Trang, vô phương cứu chữa. Đám hào kiệt Hồng Hoa Hội cũng như người của Thiết-Đảm-Trang, trước tình thế như vậy chỉ còn lo cứu người thôi mà đành chịu thua, không thể nào cứu được đồ vật nữa. Ai nấy đều bao quanh Châu-Trọng-Anh, rất muốn dùng lời an ủi ông ta nhưng không ai biết phải nói điều gì hay nói ra làm sao cả!

Bỗng nhiên Tâm-Nghiện từ đâu chạy tới la lớn:

-Quên! Còn tên chó chết ưng khuyển Vạn-Khánh-Nhuận chưa cứu ra!

Dứt lời, Tâm-Nghiện liền dùng thuật khinh công phi thân lên nhẹ nhàng. Ai nấy nghĩ rằng cậu ta liều mình nhảy vào lửa để cứu Vạn-Khánh-Nhuận ra nên cả kinh gọi giật ngược cậu lại:

-Đừng Tâm-Nghiện! Nguy hiểm lắm! Lửa cháy lớn quá rồi, không thể nào vào trong được nữa đâu!

Thạch-Song-Anh nói to lên:

-Cái giống sài lang ác độc đó có chết đi mấy kiếp cũng chưa đáng tội, cứu nó làm quái gì!

Lạc-Băng lắc đầu nói:

-Chỉ tiếc có thằng khốn nạn thuộc phe Trấn-Viễn tiêu-cục chưa bắt được để trị tội.

Trần-Gia-Cách hỏi:

-Nó là ai vậy?

Lạc-Băng bèn đem chuyện Đổng-Triệu-Hòa kể lại từ đầu đến đuôi cho Trần-Gia-Cách và mọi người cùng nghe. Mạnh-Kiện-Hùng cũng kể lại việc Đổng-Triệu-Hòa dẫn Vạn-Khánh-Nhuận đem thư của Lục-Phỉ-Thanh giới thiệu Văn-Thái-Lai đến Thiết-Đảm-Trang hăm dọa đòi làm tiền Châu-Trọng-Anh thế nào cho Hồng Hoa Hội nghe thêm để hiểu rõ.

Từ-Thiện-Hoằng nói:

-Phải rồi! Hắn đã đốt Thiết-Đảm-Trang một lần trước đây để gieo mối nghi ngờ cho Hồng Hoa Hội hầu gây thêm sự mâu thuẫn cho hai bên. Lần này ắt hẳn thủ phạm là hắn thôi chứ không thể là ai vào đây được nữa!

Trong lúc mọi người bàn luận, Từ-Thiện-Hoằng khẽ liếc mắt nhìn lén Châu-Ỷ thì cũng vừa vặn gặp nhãn tuyến của nàng đang hướng về chàng. Hai lằn nhãn tuyến hữu ý đụng nhau. Người nào cũng bẽn lẽn ngó lơ đi chỗ khác.

Trần-Gia-Cách lại bàn:

-Tên tiểu tử chó chết Đổng-Triệu-Hòa đó không thể để cho trốn thoát được. Anh em hãy rượt theo bắt cho kỳ được nó đem về đây trị tội.

Sau đó vị Tổng-Đà-Chủ liền phân công, ra lệnh cho Từ-Thiện-Hoằng, Dương-Thanh-Hiệp, Vệ-Xuân-Hoa và Chương-Tấn phải cố rượt theo đón đường bắt Đổng-Triệu-Hòa. Bốn người vâng lệnh, chia nhau ra bốn ngã chạy cấp tốc.

Sau đó, Lục-Phỉ-Thanh và Châu-Trọng-Anh cùng tất cả mọi người họp mặt nhau lại ngồi hàn huyên. Lục-Phỉ-Thanh và Châu-Trọng-Anh cùng đem lòng ngưỡng mộ đối với nhau ra nói. Hai người vốn đã kính phục nhau từ bao giờ nay được dịp gặp gỡ thật là thỏa lòng khát vọng ao ước của cả đôi bên. Càng nói chuyện, hai người càng ý hợp tâm đầu, càng xiết chặt thêm tình tri kỷ.

Trần-Gia-Cách cũng nói ít câu khiêm nhượng và một lần nữa tỏ lòng hâm mộ, kính phục của mình đối với ông ta:

-Châu lão tiền bối đã vì Hồng Hoa Hội mà cửa nát nhà tan, người chết, sự nghiệp tiêu điều, thê tử ly tán. Ơn lớn đức dày đó, Hồng Hoa Hội có muốn đền đáp lại suốt đời này qua đời khác cũng chưa chắc đã tròn. Anh em tại hạ quyết dù là chân trời góc bể cũng phải tìm cho bằng được Châu phu nhân về để gia đình được xum họp trở lại. Còn Thiết-Đảm-Trang bị hủy hoại thế nào, Hồng Hoa Hội sẽ phụ trách tu bổ lại hoàn toàn để bồi hoàn lại cho lão tiền bối chứ chẳng thể để công lao gây dựng một đời của lão tiền bối phút chốc trở thành tro bụi được. Còn tất cả các anh em gia nhân tráng đinh trong Thiết-Đảm-Trang có bị hư hao mất mát gì trong trận hỏa hoạn này thì Hồng Hoa Hội nguyện bồi thường lại đầy đủ hết. Họ khổ cực mới có được chút đỉnh để nuôi sống gia đình, có lý nào Hồng Hoa Hội lại để cho họ bị thiệt thòi vì sự sơ sót, lỗi lầm của hội?

Châu-Trọng-Anh nhìn thấy một vùng rộng lớn của Thiết-Đảm-Trang thì nghĩ lại bao nhiêu tâm huyết bỏ ra giờ chỉ còn là đống tro tàn thì làm sao không khỏi bồi hồi luyến tiếc! Nhưng khi nghe mấy lời của Trần-Gia-Cách vừa nói ra thì ông ta lại thở dài đáp lại:

-Đa tạ hảo tâm của Trần tổng đà-chủ. Nhưng thịnh ý của Tổng-Đà-Chủ chẳng hạp với chí nguyện của lão phu chút nào cả. Lão phu đương nhiên là tiếc công lao bao nhiêu năm gây dựng Thiết-Đảm-Trang thật đó, nhưng bất quá cũng chỉ là vật chật, là những vật ngoại thân mà thôi. Chỉ có bằng hữu mới là đáng quý, cho dù là tình máu mủ ruột thịt kia cũng chưa chắc đã hơn được. Lão phu chỉ yêu quý bằng hữu mà chẳng kể gì đến tài vật. Nếu Tổng-Đà-Chủ còn nói đến chuyện đền đáp với bồi thường nữa thì quả thật là lão phu không bằng lòng chút nào đó!

Quả thật vậy. Châu-Trọng-Anh xưa nay rất quý mến bằng hữu nên lời ông nói ra là thật sự phát xuất tự đáy lòng chứ không phải là ngoa hay giả dối khoe khoang với đãi bôi. Hành động giết chết đứa con yêu để tỏ lòng với Văn-Thái-Lai cùng Hồng Hoa Hội là một bằng chứng cụ thể hùng hồn nhất nói lên được điều đó mà không ai có thể chối cãi được.

Được chính mắt nhìn thấy các hào kiệt Hồng Hoa Hội xả thân, tận tình tận lực trong việc cứu hỏa vừa rồi, Châu-Trọng-Anh hết sức cảm kích. Bao nhiêu hiềm khích cũ, những gì họ hiểu lầm, thóa mạ hay làm nhục ông đã theo cơn hỏa hoạn kia hóa ra tro bụi cả rồi. Chỉ trong một lúc mà ông ta được kết giao với không biết bao nhiêu là anh hùng hào kiệt thì trong lòng cảm thấy vô cùng mãn nguyện mà chẳng còn thiết gì đến sự nghiệp, đến công lao gây dựng Thiết-Đảm-Trang kia nữa.

Mạnh-Kiện-Hùng và Tống-Thiện-Bằng kiểm điểm lại nhân số trong Thiết-Đảm-Trang, cho biết rằng chỉ có trên 30 tráng đinh bị thương tích sơ sài thôi mà chẳng một ai bị trọng thương hay thiệt mạng cả.

Tống-Thiện-Bằng cùng mọi người trong Thiết-Đảm-Trang sau đó tỉ mỉ đem tất cả những diễn biến trong sơn trang từ lúc Văn-Thái-Lai đến nương náu cho đến lúc Châu-Trọng-Anh cho đến lúc Châu-Trọng-Anh dùng kế dập tắt hết đèn đuốc ở sảnh đường để tạm thời chấm dứt cuộc giao phong ác liệt giữa Hồng Hoa Hội và Thiết-Đảm-Trang ra sao cho Trần-Gia-Cách nghe. Vị Tổng-Đà-Chủ Hồng Hoa Hội cảm động vô cùng, lại càng kính nể và mến phục Châu-Trọng-Anh nhiều hơn nữa…

Về phần đám gia nhân tráng đinh Thiết-Đảm-Trang sau khi nghe tin Hồng Hoa Hội sẽ bồi thường lại tất cả những thiệt hại còn hứa ban thưởng cả công lao khó nhọc của họ đã tận tâm cứu hỏa thì ai nấy đều vui mừng, vô cùng cảm kích độ lượng của vị Tổng-Đà-Chủ rộng rãi kia…

Sau một cơn hỗn loạn, ai nấy đều cố gắng thu xếp mọi công việc. Người nào làm được gì thì làm, vì ai cũng nhận thấy đó là trách nhiệm chung. Đang bận rộn thì bỗng đâu Vệ-Xuân-Hoa và Chương-Tấn từ ngoài ngõ đi vào đến trình diện Trần-Gia-Cách. Cả hai cùng cho biết đã đi xa đến sáu, bảy dặm đường để truy kích Đổng-Triệu-Hòa mà vẫn không tìm được tung tích của tên tiêu-sư gian manh ấy. Hai người bất đắc dĩ phải trở về vì biết cũng sắp đến giờ phục mệnh Tổng-Đà-Chủ. Hai người vừa trình bày xong mọi chuyện thì Từ-Thiện-Hoằng và Dương-Thanh-Hiệp cũng vừa về đến nơi.

Cũng như hai người kia, hai người này không cách nào tìm được tung tích của hung thủ nên đành phải quay gót trở về.

Trần-Gia-Cách cười nói:

-Không sao! Xin tất cả mọi người cứ yên trí. Đã biết tên tiểu tử này là tiêu sư của Trấn-Viễn tiêu cục thì hắn có mọc cánh mà bay tới chân trời góc bể hay xuống âm ty địa ngục mà trốn cũng không thoát khỏi. Sớm muộn gì thì hắn cũng sẽ bị bắt và đền tội mà thôi!

Quay sang phía Châu-Trọng-Anh, Trần-Gia-Cách hỏi:

-Thưa Châu lão tiền bối, hiện nay Thiết-Đảm-Trang trong hình trạng tiêu điều, phải cần một thời gian khá lâu để dọn dẹp và tu bổ lại, thật không phải là một chỗ ở tiện. Chẳng hay Châu lão tiền bối định sắp xếp ra sao cho mọi người Thiết-Đảm-Trang tạm thời có chỗ an thân?

Châu-Trọng-Anh suy nghĩ một hồi rồi đáp:

-Tôi định chờ trời sáng sẽ bảo họ đến Xích-Kim-Vệ ở tạm rồi sẽ liệu.

Từ-Thiện-Hoằng bỗng mau mắn đề nghị:

-Tiểu điệt có điều này muốn đề nghị với lão tiền bối. Chẳng biết lão tiền bối có đồng ý hay không?

Châu-Trọng-Anh chưa kịp trả lời, Trần-Gia-Cách đã mỉm cười giới thiệu Từ-Thiện-Hoằng với ông:

-Thưa lão tiền bối! Người này là Từ-Thiện-Hoằng, vai vế đứng thứ 7 trong Hồng Hoa Hội, biệt hiệu là Võ-Gia-Cát, là người túc trí đa mưu, có thể nói là bộ óc của Hồng Hoa Hội đó!

Châu-Ỷ liếc nhìn Từ-Thiện-Hoằng, khẽ hừ một tiếng rồi quay sang nói với Mạnh-Kiện-Hùng:

-Mạnh huynh! Anh xem hạng người như thế mà dám sánh với Gia-Cát-Lượng Khổng-Minh đời Tam-Quốc đấy! Liệu có tin được không?

Mạnh-Kiện-Hùng không đáp, mà cũng chẳng có ý kiến, chỉ mỉm cười. Châu-Trọng-Anh liền hỏi:

-Ý Từ thất đương-gia như thế nào, có thể nói cho lão phu biết được không?

Từ-Thiện-Hoằng bèn thưa:

-Tên Đổng-Triệu-Hòa là một đứa gian ngoa hiểm ác, chúng ta chẳng may không bắt được nó ắt thế nào nó cũng còn trở lại đây mà quấy rối, đống thời bọn tẩy cẩu kia cũng sẽ đi cáo quan. Lúc đó binh lính triều đình sẽ kéo tới bao vây lùng bắt các người của Thiết-Đảm-Trang ở các vùng phục cận nơi đây. Chi bằng mọi người thừa lúc này đi thẳng về An-Tây thì chắc chắn vững vàng hơn. Đây không phải là vì sợ quan binh triều đình mà chạy trốn, chẳng qua là chỉ tạm thời tránh ngọn gió dữ mà thôi. Chờ đến khi đâu đó đã được ổn định rồi thì mặc chúng muốn gì cũng được. Còn như tiền bối đến Xích-Kim-Vệ thì quá xa với căn cứ của Hồng Hoa Hội, việc tiếp cứu rất ư là bất tiện, thật không phải là thượng sách!

Nghe Từ-Thiện-Hoằng phân giải những điều lợi hại, Châu-Trọng-Anh hết lời khen ngợi, phục Từ-Thiện-Hoằng là người sâu sắc, có mưu cao, với tầm mắt nhìn rất xa. Châu-Trọng-Anh gật đầu nói:

-Đúng! Đúng lắm! Lão đệ thật không hổ danh với ngoại hiệu Võ-Gia-Cát! Ý kiến đi An-Tây thật hay, lại có nhiều điều thuận tiện cho lão phu là đàng khác nữa. Tại An-Tây lão phu có rất đông bằng hữu, nếu phải đến tạm nương tưởng cũng chẳng khó khăn gì.

Châ-Ỷ nghe phụ thân luôn miệng khen Từ-Thiện-Hoằng thì trong lòng nàng không được vui. Đối với Từ-Thiện-Hoằng, nàng vẫn còn giữ nhiều ác cảm. Tuy đám hào kiệt Hồng Hoa Hội cho rằng Đổng-Triệu-Hòa là kẻ phóng hỏa đốt cháy Thiết-Đảm-Trang và cho người chia nhau đi tìm hắn nhưng Châu-Ỷ vẫn không tin. Nàng cho đó là kế của Trần-Gia-Cách bày ra để xoa dịu lòng uất hận của người Thiết-Đảm-Trang để che dấu tội lội của Hồng Hoa Hội. Châu-Ỷ nghĩ rằng chính Từ-Thiện-Hoằng mới là thủ phạm đã dùng hỏa công thiêu hủy Thiết-Đảm-Trang nếu quả thật hắn xứng danh là Võ-Gia-Cát. Chẳng qua là trong những trận giao phong vừa qua, Từ-Thiện-Hoằng luôn miệng kêu gọi người Hồng Hoa Hội phóng hỏa đốt Thiết-Đảm-Trang. Vì vậy Châu-Ỷ ghét Thất đương-gia đến độ chẳng thèm nhìn mặt. Cùng lắm là chỉ liếc sơ qua mà thôi.

Trần-Gia-Cách sau đó nhờ Tống-Thiện-Bằng làm một danh sách của toàn thể gia nhân tráng đinh của Thiết-Đảm-Trang. Trước sau, tổng cộng là 162 người tất cả. Ngồi dưới ánh sáng của ngọn lửa hồng đang bùng lên một cái trước khi tắt, Trần-Gia-Cách viết trên một tờ giấy tự điều trao cho Tống-Thiện-Bằng nói:

-Lần thiệt hại này, các vị bị tổn thất quá nặng. Hồng Hoa Hội chúng tôi áy náy vô cùng. Vậy khi đến An-Tây, chư vị cứ lấy mà chi dụng, đừng ái ngại gì cả. Tống huynh hãy cầm lấy tờ giấy này mà làm bằng.

Tống-Thiện-Bằng cầm tờ tự điều của Trần-Gia-Cách trao cho mà cứ ngẩn cả người, không sao mở miệng ra được. Mạnh-Kiện-Hùng bước đến gần sát bên đưa mắt nhìn vào tờ giấy thấy có hàng chữ như sau:

“Cứ chiếu theo văn tự này mà xuất ra năm vạn lượng bạc”

Nét chữ như rồng bay phượng múa đẹp không thể nào tả được. Trên những đại tự ấy là một con dấu hình đóa hoa hồng. Mạnh-Kiện-Hùng nhìn mãi hàng chữ mà không biết chán. Có lẽ trong đời chàng chưa bao giờ được nhìn nét chữ của ai sắc xảo tinh vi như thế này.

Mạnh-Kiện-Hùng bèn bưóc lại tạ ân Trần-Gia-Cách rồi hỏi:

-Thưa Tổng-Đà-Chủ, đại đức của ngài chúng tôi xin tuân mệnh. Nhưng ví phỏng không lãnh được số tiền này thì sao?

Trần-Gia-Cách đáp:

-Khi đến An-Tây, Mạnh huynh cứ cầm tờ giấy này đến chùa Ngọc-Hư Đạo Quang trình ra thì tức khắc có người cho lãnh tiền ngay vì đó là ngân phiếu của Hồng Hoa Hội. Riêng về phần Mạng huynh và An huynh, mỗi gia quyến được lãnh 5000 lượng, còn kỳ dư mỗi người khác được lãnh 500 lượng. Còn dư lại bao nhiêu, kể như các vị cứ dùng vào lộ phí đi đường từ đây tới An-Tây.

Mạnh-Kiện-Hùng toan từ chối không chịu lãnh 5000 lượng cho gia quyến của mình thì Trần-Gia-Cách đã nói chặn trước:

-Ý tôi đã định như vậy rồi. Nếu Mạnh huynh mà còn từ chối thì tôi không thể coi Mạnh huynh là bằng hữu được đâu đấy nhé! Tôi biết Mạnh huynh không đặt vấn đề tiền bạc làm trọng yếu nhưng lúc này nếu không có tiền cho gia quyền tạm chi độ nhật thì làm thế nào?

Mạnh-Kiện-Hùng vẫn không dám tự chuyên liền đến hỏi ý kiến của sư phụ để xem ông ta định đoạt như thế nào. Châu-Trọng-Anh xưa nay tính tình rất hào sảng, luôn lấy sự thành thực xử trí chứ không hay câu nệ khách sáo. Vì vậy nghe Mạnh-Kiện-Hùng thỉnh thị, ông bảo rằng:

-Trần Tổng-đà-chủ đã hết lòng như vậy, nếu ngươi còn từ chối thì chẳng hóa ra phụ lòng người lắm sao! Hãy cứ tuân theo là hơn.

Còn Trần-Gia-Cách sở dĩ không dám đả động gì đến việc tiền bạc với Châu-Trọng-Anh và Châu-Ỷ là do sự tế nhị và tôn trọng. Châu-Trọng-Anh thấy cách xử trí của Trần-Gia-Cách như vậy thì hết sức hài lòng. Ông ta bảo Trần-Gia-Cách:

-Nhìn thấy cách xử trí của Tổng-Đà-Chủ, lão phu hết sức khâm phục.

Châu-Trọng-Anh càng lúc càng thêm mến phục Trần-Gia-Cách nên lúc nào cũng ở sát một bên, không muốn rời xa, tự hào rằng đã tìm được một người bạn tri kỷ hiếm có trên đời. Ông ta sau đó lại gọi Tống-Thiện-Bằng lại dặn:

-Đến An-Tây, mi nhớ lại ngay dinh đường của Ngô đại quan nhân đem hết công việc của Thiết-Đảm-Trang chúng ta nói cho ông ấy nghe. Ông ta sẽ thay mặt ta mà biện lý hộ. Sau khi hoàn tất mọi việc nhớ tin cho ta hay.

Châu-Ỷ ngạc nhiên hỏi:

-Gia gia! Chúng ta không đi An-Tây sao?

Châu-Trọng-Anh đáp:

-Hiện nay chúng ta chưa thể đến đó được. Văn tứ gia hiện đang bị nạn chưa biết lành dữ thế nào. Việc cứu nguy cho Văn tứ gia là khẩn cấp. Chẳng lẽ chúng ta lại khoanh tay ngồi nhìn mà lo cho việc tư của chúng ta hay sao?

Nghe Châu-Trọng-Anh đề cập đến chuyện giải cứu Văn-Thái-Lai, ba người Châu-Ỷ, Mạnh-Kiện-Hùng và An-Kiện-Cường hết sức tán đồng. Nhất là Mạnh-Kiện-Hùng, chàng mừng rỡ vô cùng vì đối với Văn-Thái-Lai, chàng một lòng kính phục và quý mến tuy chỉ được biết nhau có mấy tiếng đồng hồ. Nghĩa khí và cùng võ công của Văn-Thái-Lai tỏ ra tại Thiết-Đảm-Trang cùng với sự chiến đấu dũng cảm của chàng ta tại hoa viên khiến cho Mạnh-Kiện-Hùng đã in vào trong đầu Mạnh-Kiện-Hùng một hình ảnh của một trang hào kiệt mà chàng muốn noi gương theo.

Trước đây, Mạnh-Kiện-Hùng chỉ phục có một mình sư phụ. Nhưng từ lúc được gặp Văn-Thái-Lai, chàng mới hiểu rằng ngoài Châu-Trọng-Anh ra, trên đời cũng còn rất nhiều hảo hán nữa.

Lúc Văn-Thái-Lai bị Trương-Siêu-Trọng bắt đi, Mạnh-Kiện-Hùng đã toan liều mạng để giải cứu. Nhưng thấy lực lượng của Trương-Siêu-Trọng quá mạnh, chàng biết sự hy sinh của mình chỉ là vô ích mà thôi chứ không được lợi gì. Nhìn Văn-Thái-Lai bị giải đi, Mạnh-Kiện-Hùng đau lòng vô cùng. Chàng định chờ sư phụ về sẽ xin ông ta cho chàng huy động toàn bộ lực lượng Thiết-Đảm-Trang cho rượt theo liều mạng cứu lại Văn-Thái-Lai. Nhưng sau đó Thiết-Đảm-Trang liên tiếp xảy ra việc này tới việc nọ thành thử Mạnh-Kiện-Hùng chưa bao giờ bày tỏ được ý kiến của mình.

Nay bỗng nhiên Châu-Trọng-Anh khi không lại khơi động đến việc này cho nên chí nguyện của Mạnh-Kiện-Hùng được đáp ứng làm chàng sung sướng đến tột độ.

Trần-Gia-Cách nói:

-Tại hạ có ý kiến như thế này, không biết có nên thưa cùng Châu lão tiền bối chăng?

Châu-Trọng-Anh đáp:

-Xin Tổng-Đà-Chủ vui lòng cho biết.

-Mỹ ý của Châu lão tiền bối làm cho Hồng Hoa Hội chúng tôi cảm kích vô ngần. Nhưng xin tiền bối hãy giúp chúng tôi trên phương diện chỉ dạy chiến thuật với chiến lược thôi. Còn vấn đề giải cứu Văn tứ ca bằng vũ lực, xin tiền bối đừng nhúng tay vào mà hãy để cho Hồng Hoa Hội tự đảm đương lấy.

Châu-Trọng-Anh khẽ vuốt chòm râu bạc suông đuột như những sợi cước nói rằng:

-Trần tổng-đà-chủ sợ liên lụy đến lão phu à? Nếu như Tổng-Đà-Chủ không cho lão đem tánh mạng già đi cứu bằng hữu tức là không muốn xem lão phu là bằng hữu của Hồng Hoa Hội rồi! Nếu Hồng Hoa Hội khi dễ lão phu đến thế thì lão phu sẽ…

Không đợi cho Châu-Trọng-Anh nói hết câu, Lục-Phỉ-Thanh lập tức chặn lại nói với Trần-Gia-Cách:

-Châu lão anh hùng nghĩa nặng bằng non, trong giới giang hồ ai chẳng bội phục? Châu lão anh hùng nếu sợ liên lụy ắt đã không tiếp Tứ đương-gia, Thật nhất đương gia và Thập tứ đương-gia rồi! Nếu như vậy thì làm gì có chuyện lục soát Thiết-Đảm-Trang; hạch sách tiền tài, để đưa đến việc thiêu hủy sơn trang? Châu lão anh hùng đã không sợ liên lụy từ trước ắt sẽ không sợ liên lụy về sau! Xin Tổng-Đà-Chủ đừng bận tâm mà phụ chân tình của Châu lão anh hùng.

Trần-Gia-Cách trầm ngâm một lúc rồi nói:

-Châu lão tiền bối nghĩa khí đến thế, anh em Hồng Hoa Hội chỉ biết cảm đại đức chứ biết nói sao cho cùng đây!

Lúc bấy giờ Lạc-Băng mới đến trước mặt Châu-Trọng-Anh quỳ hai gối xuống dưới chân mà rằng:

-Thưa lão tiền bối, điệt nữ vì nóng giận vô lý mà trót phạm đến hổ oai, nay tự xét thấy tội lỗi quá nhiều. Xin tiền bối thương xót cho điệt nữ chỉ vì quá nặng tình nghĩa vợ chồng nên đâm ra u mê ngu muội, mà rộng lượng tha thứ cho. Lỗi lầm lớn lao kia, lão tiền bối đã không chấp thì chớ, nay còn quyết ra tay giúp Hồng Hoa Hội để giải thoát cho Văn tứ ca. Điệt nữ xin thay mặt Văn tứ ca mà lạy tạ ân đức cao dày của Châu lão tiền bối.

Dứt lời, Lạc-Băng lạy hai lạy. Châu-Trọng-Anh ngăn không kịp nên đành đỡ dậy nói:

-Văn tứ phu nhân xin đừng bận tâm mà chi. Hãy cứ vui vẻ lên chứ đừng nên buồn rầu mà làm gì. Lão phu đã quyết một lời là không cứu được Văn tứ đương-gia quyết chẳng thèm làm người đứng trên thế gian này nữa.

Xoay qua Trần-Gia-Cách, Châu-Trọng-Anh nói:

-Việc này không nên trễ nãi. Xin Tổng-Đà-Chủ ban bố hiệu lệnh cho tất cả thi hành.

Trần-Gia-Cách nói:

-Trách nhiệm ấy vãn bối thật không dám đảm trách. Xin hai vị tiền bối cùng nhau phác họa kế hoạch ra sao rồi dạy lại cho anh em vãn bối thì hơn.

Lục-Phỉ-Thanh cười nói:

-Trần tổng-đà-chủ bất tất phải khiêm nhượng. Chúng tôi chỉ là khách, và cũng đang chuẩn bị nghe theo chỉ thị của Tổng-Đà-Chủ mà tiến hành đây.

Trần-Gia-Cách lại nói mấy lời khiêm nhường. Lục-Phỉ-Thanh và Châu-Trọng-Anh phải cố thuyết phục mãi, vị Tổng-Đà-Chủ mới chịu nhận lãnh trách nhiệm điều hành. Trần-Gia-Cách hướng về hai người cung kính nói:

-Hai vị tiền bối vì quá thương nên mới dạy như thế. Nếu như vãn bối có điều gì sơ sót xin hai vị dạy bảo thêm cho.

Xoay qua đám đương-gia thuộc hạ, Trần-Gia-Cách nói tiếp:

-Các anh em Hồng Hoa Hội! Chúng ta trước tiên phải vọng bái Tổ-Sư đã!

Sau đó Trần-Gia-Cách sai Tâm-Nghiện mở gói lấy chiếc áo dài bằng gấm Hàng-Châu màu hồng rồi dẫn đám hào kiệt trong bang hội đến một khoảng đất sạch sẽ và rộng rãi rồi theo thứ tự mà quỳ xuống làm lễ.

Trần-Gia-Cách quỳ hàng đầu ngay chính giữa. Hai bên là Vô-Trần Đạo-Nhân và Triệu-Bán-Sơn. Rồi mọi người cứ theo thứ tự lớn nhỏ mà quỳ ở những hàng sau. Kế đến, mọi người đều nghiêm chỉnh hướng mặt về phương Nam lạy ba lạy.

Châu-Trọng-Anh và Lục-Phỉ-Thanh không phải là đương-gia hay thành viên của Hồng Hoa Hội nên không tham dự lễ vọng bái Tổ-Sư này.

Lễ vọng bái Tổ-Sư vừa chấm dứt, Trần-Gia-Cách lên tiếng ban truyền mệnh lệnh để mọi người chuẩn bị cuộc hành quân. Khi ấy ngọn lửa vẫn chưa tắt hẳn. Kèo cột vẫn còn cháy nên một khi có gió mạnh thổi tạt vào, ngọn hồng quang sáng tỏa khắp trời. Trừ tiếng tre nổ và tiếng gió reo, bốn bề đều im phăng phắc như chờ đợi lệnh của Trần-Gia-Cách sắp sửa ban hành. Quanh cảnh thật là oai nghiêm chẳng khác gì trước giờ phút lên đường của một vị đại nguyên-soái trước ba quân…

Trần-Gia-Cách hô lên một tiếng khảu hiệu rồi bắt dầu truyền lệnh:

-Đội thứ nhất đi trước dẫn đường là Kim-Địch Tú Tài Dư-Ngư-Đồng. Dọc đường sẽ gặp hai anh em Tây-Xuyên Song-Hiệp là Thường-Thích-Chí và Thường-Bá-Chí. Hai anh em họ Thường sẽ chịu trách nhiệm liên lạc thường xuyên với các đội để báo tin cho chính xác.

Đội thứ hai do Thiên-Thủ Như-Lai Triện-Bán-Sơn lãnh đạo, suất lĩnh Chương-Tấn và Quỷ-Kiến-Sầu Thạch-Song Anh.

Đội thứ ba do Truy-Hồn Đoạt-Mệnh-Kiếm Vô-Trần Đạo-Nhân lãnh đạo, suất lĩnh Thiếp-Tháp Dương-Thanh-Hiệp và Đồng-Đầu Lý-Ngư Tưởng-Tứ-Căn.

Đội thứ tư do Hồng Hoa Hội Tổng-Đà-Chủ Trần-Gia-Cách lãnh đạo, suất lĩnh Cửu-Mệnh Cẩm-Báo-Tử Vệ-Xuân-Hoa và thư đồng Tâm-Nghiễn.

Đội thứ năm do Miên-Lý-Châm Lục-Phỉ-Thanh lãnh đạo, suất lĩnh Thần-Đạn-Tử Mạnh-Kiện-Hùng và Độc-Giác-Hổ An-Kiện-Cường.

Đội thứ sáu do Thiết-Đảm-Trang Châu-Trọng-Anh lãnh đạo, suất lĩnh Tiểu-Quý-Lục Châu-Ỷ, Võ-Gia-Cát Từ-Thiện-Hoằng và Uyên-Ương-Đao Lạc-Băng.

Phát lệnh xong, Trần-Gia Cách gọi Dư-Ngư-Đồng đến nói:

-Dư thập tứ đệ! Em phải đi liền bây giờ thì mới kịp thời hợp nhất với Tâh-Xuyên Song-Hiệp được. Công việc của hai người đó rất quan trọng, em phải cố gắng căn dặn cố gắng mà thi hành gấp rút mới được. Phải biết rõ ràng tung tích của Văn tứ ca thì mới có thể có kế hoạch tấn công để giải cứu được.

Xoay qua những người khác, Trần-Gia-Cách nói:

-Các đội còn lại tạm nghỉ lại đây lấy sức để sáng mai lên đường. Khi đó các đội sẽ tách riêng ra mà đi thẳng tới Triệu-Gia Bảo. Khi nào qua khỏi Gia-Cốc-Quan ta mới hợp lại để bàn kế hoạch mới. Viên tướng giữ ải Gia-Cốc là Tôn-Bàng. Tên này là tướng giặc mạnh, có rất nhiều bọn ưng khuyển làm nha trảo. Các vị nên thận trọng, đừng để lộ bí mật.

Mọi người ai nấy đều răm rắp nghe theo lệnh. Dư-Ngư-Đồng lên ngựa, chào hết mọi người rồi giục ngựa phi như bay. Không hiểu vì sao chàng bỗng quay đầu nhìn lại thì bắt gặp Lạc-Băng đang ngó theo chàng với vẻ trầm tư. Dư-Ngư-Đồng khẽ thở dài một tiếng. Chỉ trong chớp nhoáng, bóng chàng đã mờ dần và khuất hẳn sau những bụi cây…

Dư-Ngư-Đồng đi rồi, ai nấy đều tìm đỡ một nơi tạm nằm nghỉ chân theo lệnh của Trần-Gia-Cách mà chờ đến trời sáng. Trần-Gia-Cách đến tìm gặp riêng Từ-Thiện-Hoằng mà nói nhỏ:

-Thất ca à! Thật là tội nghiệp cho Châu lão anh hùng quá! Chính vì chúng ta mà ông ấy phải lâm vào cảnh cửa nát nhà tan, người thì chết! Vậy mà lão anh hùng còn nhất định theo chúng ta đi để giải cứu cho bằng được Văn tứ ca. Theo tôi nghĩ thì chúng ta nên tìm cách nào để bọn quan binh đừng nhận diện được Châu lão anh hùng thì hơn. Có như vậy thì sau này khi trùng tu lại Thiết-Đảm-Trang Châu lão anh hùng mới có thể sống yên được mà sống cảnh đoàn viên với gia đình. Còn Văn tứ tẩu còn mang nhiều thương tích, mong thất ca đừng để cho nàng phải giao chiến với địch nhé. Đó là lý do tôi xếp thất ca vào đội cha con Châu lão anh hùng và Văn tứ tẩu. Cố mà ngăn họ lại. Tốt hơn hết là làm cách nào để họ không phải ra tay là hay nhất!

Từ-Thiện-Hoằng nhất nhất tuân theo lời của Tổng-Đà-Chủ dặn, hứa sẽ thi hành y như vậy…

Chú thích:

(1-) Linh đường: nơi thờ cúng.

(2-) Linh vị: bảng viết tên người quá cố để thờ cúng.

(3-) Đèn sáp: nến, đèn cày.

(4-) Hạ huyệt: đem chôn.

(5-) Anh hùng bản sắc: mặt thật của người anh hùng.

(6-) Tự cường thị nhược: ỷ mạnh hiếp yếu.

(7-) Phong khố: kho gió.

(8-) Bình địa: vùng đất trống vì bị san bằng.

Chọn tập
Bình luận