Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thư Kiếm Ân Cừu Lục

Chương 26 – Hổ huyệt long đàm quan thánh diện – Trường giang nguyệt hạ thỉnh tri âm

Tác giả: Kim Dung
Chọn tập

Mặt trời chưa chen vào dãy núi Nam-Sơn, Từ-Thiện-Hoằng đã trở về nhà Mã-Thiện-Quân báo cáo với Trần-Gia-Cách:

-Người ấy đi thưởng ngoạn Tây-Hồ, mãi đến chiều mới về dinh Trần-Vũ Hàng-Châu.

Trần-Gia-Cách đem chuyện gặp gỡ Đông-Phương-Nhĩ lúc sáng ra bàn luận tỉ mỉ với Từ-Thiện-Hoằng. Hai người đồng ý với nhau rằng Đông-Phương-Nhĩ không phải là tên họ thật, nhưng chắc chắn phải là một vị quan lớn triều đình, địa vị và thế lực không phải nhỏ. Nếu không phải là quan Khâm-sai triều đình thì cũng rất có thể là hoàng-thân quốc-thích rất gần với Thanh-đế.

Nhưng diện mạo người ấy thì lại không giống người Mãn-Thanh chút nào nên giả thuyết hoàng-thân quốc-thích coi bộ như không được vững lắm. lại thêm một điều khó hiểu nữa là cao thủ với ngón Ưng-Trảo-Công của phái Cao-Dương kia cam tâm làm kẻ hầu cận cho người mang tên Đông-Phương-Nhĩ kia. Một quan Khâm-sai khó mà tìm được một cao thủ cỡ đó làm thuộc hạ cho mình.

Trần-Gia-Cách nói:

-Tôi có linh cảm rằng việc người này đến Hàng-Châu có liên quan đến Văn tứ ca. Đêm nay chúng ta thử đến dinh Trần-Vũ dọ thám thử xem.

Từ-Thiện-Hoằng đề nghị:

-Dinh Trần-Vũ được canh phòng hết sức cẩn mật vào nghiêm ngặt từ trong ra đến ngoài. Nếu Tổng-Đà-Chủ định đi đến dò xét thì nên mang theo một vị ca ca võ nghệ tuyệt luân để trợ lự mới xong.

Trần-Gia-Cách gật đầu nói:

-Nếu mời được Triệu tam ca đi chung thì hay hơn cả. Triệu tam ca là người sinh trưởng tại vùng Chiết-Giang này, đương nhiên sẽ nắm vững được tình thế và địa hình tại Hàng-Châu này.

Đúng canh hai, Trần-Gia-Cách cùng Triệu-Bán-Sơn thay đồ dạ hành, mang theo vài món cần thiết rồi cả hai dùng thuật phi hành ra khỏi nhà Mã-Thiện-Quân.

Nhìn thân pháp của Triệu-Bán-Sơn, Trần-Gia-Cách nói:

-Khinh công của tam ca quả đã đạt đến mức Đăng phong đạo cực (#1). Ta phải nhờ tam ca truyền thụ cho tuyệt kỹ này mới thỏa bình sinh khát vọng.

Triệu-Bán-Sơn cười nói:

-Không dám! Khinh công của Tổng-Đà-Chủ mới thật là có một không hai trong thiên hạ. Triệu-Bán-Sơn này làm sao dám sánh!

Hai người cùng cười lớn lên. Vừa đi vừa nói chuyện nên tới gần dinh Tuần-Vũ lúc nào mà vẫn không hay. Hai người nhảy lên nóc một chòi canh chờ xem xét tình hình.

Trần-Gia-Cách rỉ tai Triệu-Bán-Sơn nói nhỏ:

-Căn phòng trước mặt có ánh đèn.

Triệu-Bán-Sơn thu phục mình phục sát trên mái ngói của một chòi canh. Từ trên nhìn xuống, có bóng hai người qua lại đi tuần phòng. Chờ cho hai bóng người quay đi, Triệu-Bán-Sơn phất tay áo một cái, một ngọn thiết-liên tử bay tới cắm vào thân cây cổ thụ gần đó.

Nghe tiếng động, hai bóng người phi thân lên cao để xem xét. Trần-Gia-Cách cùng Triệu-Bán-Sơn lợi dụng cơ hội định lách mình qua ngõ cửa, lén vào trong dinh. Rồi như hai cánh chim, hai người tung mình lên trên nóc nằm rạp người xuống kiên nhẫn chờ đợi xem động tĩnh.

Chờ một lúc khác lâu mà vẫn không nghe động tịnh gì, Trần-Gia-Cách khẽ nhô người lên nhìn xuống dưới. Chàng bỗng kinh hãi đến tột độ ra dấu bảo Triệu-Bán-Sơn thử nhìn xem.

Bên dưới, đèn đuốc sáng chưng tưởng chừng như một con kiến bò qua cũng trông thấy được. Có gần 1000 binh sĩ và xạ thủ, một số cầm sẵn binh khí nơi tay, một số giương cung sẵn sàng như chuẩn bị lâm trận bất cứ lúc nào. Chừng mấy chục võ quan, dũng tướng chạy qua chạy lại liên hồi, mắt đăm đăm trông lên các nóc đinh.

Càng lạ lùng hơn nữa là với số binh sĩ đông đảo như vậy mà bốn bề lại im phăng phắc, không có một tiếng động nào. Biết không thể nào đột nhập được, Trần-Gia-Cách liền ra dấu cho Triệu-Bán-Sơn, ý bảo rút lui.

Hai người khẽ buông nhẹ mình xuống vách tường gần đó, khẽ nép mình mắt nhìn tứ phía. Thấy có bóng bốn, năm người từ xa đi lại, hai người nhảy ra xa thêm mấy trượng, núp sau một hòn non bộ.

Trần-Gia-Cách nói:

-Chúng ta không nên động cỏ để rắn sợ! Tốt hơn hết là trở về lại nhà Mã-Thiện-Quân để bàn tính kế hoạch nào cho chu đáo và quy mô hơn mới được.

Hai người định phi thân lên lại nóc nhà để để dùng thương lộ (#2) để tẩu thoát thì cánh cửa dinh Tuần-Vũ bỗng nhiên mở toang ra.

Một võ quan hàng Nhị-phẩm đi ra, theo sau là bốn người võ trang bằng kiếm. Cả 5 người nhắm về phía bến đò chạy thật nhanh rồi sau đó lại trở về. Xem chừng đây là một lối thực tập theo binh pháp cho việc canh phòng được hữu hiệu hơn.

Chờ cho nhóm người thứ nhì thay thế nhóm thứ nhất trở về, Triệu-Bán-Sơn định theo chúng ra ngoài cửa dinh nhưng Trần-Gia-Cách nắm chéo áo trở lại nói:

-Phải hạ thủ mới xong.

Triệu-Bán-Sơn hội ý, tung ra một lượt ba mũi phi tiêu. Ba tên quân đi sau lập tức ngã lăn xuống đất. Trần-Gia-Cách ném hai con cờ hạ luôn tên võ tướng cùng tên quân còn lại đi trước. Cả hai kéo năm người vào bóng tối, lột hai bộ quân phục mặc vào rồi dồn chúng thành một đống vào một góc thành gần mương nước.

Sau đó, hai người chuyền theo nóc các dinh thự vào lại chỗ ban nãy rồi nhảy xuống. Theo ánh sáng bên trong, Trần-Gia-Cách và Triệu-Bán-Sơn tiến vào nội viện. Bên trong có vào khoảng mấy ngàn binh sĩ nhưng tuyệt nhiên không ai để ý đến hai người. Bỗng đâu có một võ quan từ đâu đi đến, sợ lộ tẩy, Trần-Gia-Cách liền kéo Triệu-Bán-Sơn vào phía có dựng một tấm bình phong. Hai người vừa trốn vào thì lại có thêm một võ quan nữa ra khỏi nội viện. Chờ cho viên võ quan ra ngoài, Trần-Gia-Cách phóng mình một cái treo hai chân lên xà nhà, buông thòng mình xuống mà ngắm bên trong. Triệu-Bán-Sơn ở sau lưng bảo vệ, phòng có kẻ tập kích bất ngờ.

Bên trong là một căn phòng rộng lớn chia làm ba gian. Ở gian phòng ở giữa có năm, sáu người mặc quan phục đại thần của Mãn-Thanh. Một người ngồi xoay lưng về phía Trần-Gia-Cách đang nhìn vào, vì vậy chàng không nhìn được tướng mạo của người ấy như thế nào. Mấy người mặc quan phục đại thần kia tỏ vẻ hết sức cung kính với người ấy. Mỗi cử chỉ của họ đều tỏ ra dè dặt mà không dám nhìn thẳng, chỉ cúi đầu mà vòng tay.

Vừa lúc ấy, một vị quan từ bên ngoài bước vào, hướng về người xoay lưng về mặt Trần-Gia-Cách quỳ xuống lạy một hơi 9 lạy.

Trần-Gia-Cách giật mình nghĩ thầm:

-“Theo thể thức này thì rõ ràng người kia phải là Hoàng-Đế đương trào! Nếu vậy thì ra Càn-Long đến Hàng-Châu kinh lý à?”

Trần-Gia-Cách trong lòng còn đang nghi hoặc thì chợt nghe vị quan kia nói:

-Kẻ nô tài (#3) làm Án-sát hai tỉnh Chiết-Giang là Doãn-Chương-Cai xin tham kiến đấng vạn tuế!

Trần-Gia-Cách nghe rõ mồn một từng tiếng. Chàng nghĩ thầm:

-“Thôi! Đích thị là Hoàng-Đế rồi! Hèn gì mấy ngày hôm nay Hàng-Châu mới áp dụng thiết-quân luật, giới nghiêm gắt gao đến thế kia!”

Chàng đang suy nghĩ bỗng thấy người ngồi xoay mặt mà chàng tin là Hoàng-Đế hừ một tiếng phán rằng:

-Nhà ngươi thật là to gan!

Doãn-Chương-Cai tự lột mão trên đầu, cúi mọp xuống. Vị Hoàng-Đế trầm ngâm giây lát rồi hỏi:

-Trẫm sai đại quân đi chinh phạt, sao nhà người lại dám phản đối?

Tiếng trẫm một lần nữa là bằng chứng cụ thể cho thân phận của người ngồi xoay mặt. Doãn-Chương-Cai vẫn cúi đầu tâu:

-Kẻ nô tài không dám!

-Trẫm truyền hai tỉnh Chiết-Giang phải vận dụng 10 vạn hộc lương ra cho đại quân Chinh Tây, sao ngươi dám can ngăn?

-Kẻ nô tài quả không dám vi chiếu (#4). Nhưng sự thật là năm nay tỉnh Chiết-Giang thâu không đủ số quân lương, dân chúng đói khổn vô cùng. Chỉ trong một thời giang ngắn như vậy làm sao có thể bắt bá tánh đóng góp đủ số 10 vạn hộc lương.

-Dân chúng đói khổ à? Ngươi thật là vị quan yêu dân như con!

-Tội nô tài thật đáng chết!

-Vậy cứ như theo ý ngươi thì phi làm sao? Quân lương của đại quân viễn chinh không đủ. Việc cứu binh như cứu hỏa. Chẳng lẽ để quân lính chết đói hết ở xứ Hồi sao?

-Kẻ nô tài không dám nói!

-Có điều gì mà ngươi lại bảo không dám nói? Cứ nói thử xem!

-Đức Vạn-tuế là vị Hoàng-Đế anh minh trị vì trăm họ. Dân chúng xứ Hồi vẫn còn ngu muội, có đáng chi cho Đức Vạn-Tuế phải sử dụng đến đại quân đi vấn tội. Như thế chỉ làm khổ sở cho binh lính thiên triều mà thôi. Muốn thu phục xứ Hồi chỉ cần một vị đại thần giàu ân đức đến đó giao hảo, tự nhiên dân xứ Hồi sẽ cảm đại đức mà về với triều đình.

Trần-Gia-Cách nghe một tiếng hừ, và sau đó tiếng tiếng Doãn-Chương-Cai tâu tiếp:

-Người xưa vẫn nói: Binh lính là hung khí, chỉ vạn bất đắc dĩ mới dùng tới. Nếu bệ hạ bãi việc đem quân đi chinh phạt xứ Hồi thì khắp thiên hạ đều cảm ân sâu đức trọng.

-Nếu quả nhân cứ việc đem binh đi chinh phạt xứ Hồi là tiếng oán thán vang trời dậy đất phải không?

Doãn-Chương-Cai nghe nói quỳ xuống dập đầu lạy liên tiếp. Vị Hoàng-Đế cười, đứng dậy đi đến chỗ Doãn-Chương-Cai nói:

-Nhà ngươi thật cứng đầu cứng cổ cho nên mới dám cùng trẫm đương đầu từng câu, đối đáp từng tiếng một.

Vị Hoàng-Đế vừa qua lưng lại, Trần-Gia-Cách bỗng thất kinh. Đó chính là người tiếp chuyện với chàng cả nửa ngày bên chùa Linh-Ấn, người tự xưng mình là Đông-Phương-Nhĩ. Chàng có ngờ đâu Đông-Phương-Nhĩ chính là đương-trào Hoàng-Đế Càn-Long!

Đang ngỡ ngàng, Trần-Gia-Cách lại nghe tiếng Càn-Long phán:

-Thôi! Nhà ngươi hãy lui về nhà mà nghỉ cho khỏe!

Lại thấy Doãn-Chương-Cai lạy tạ mấy lần trước khi lui ra. Vua Càn-Long hướng về phía một lão già láy mắt một cái như ra dấu.

Lão già ấy nãy giờ vẫn thủ thế ở sau lưng Doãn-Chương-Cai bỗng bước ra đến sát viên Án-Sát Chiết-Giang. Doãn-Chương-Cai lớn tiếng nói:

-Trung ngôn nghịch nhĩ (#5), từ xưa đến nay vẫn vậy! Vì thương dân chúng đói khổ, Doãn-Chương-Cai này sẵn sàng nói lên sự thật, miễn không thấy hổ thẹn với lương tâm là được rồi. Dẫu chết há sợ sao?

Nói xong, Doãn-Chương-Cai hướng mặt vào bên trong lạy 9 lạy. Ngay sau đó, lão già tống vào lưng Doãn-Chương-Cai một chưởng ngã lăn quay ra chết liền tại chỗ rồi sai quân sĩ đem xác ra ngoài. Sau đó y trở vào phục mệnh Càn-Long.

Vua Càn-Long nói:

-Các ngươi mau lui hết ra ngoài, 10 vạn hộc lương tức tốc phải chuẩn bị xong cho đủ số rồi vận chuyển bất kể ngày đêm đến biên giới xứ Hồi. Không được chậm trễ!

Các vị quan đại thần nghe truyền như thế đều lui ra bên ngoài hết. Vua Càn-Long sau đó gọi:

-Khang nhi đâu? Ra bảo!

Một viên nội thị vén bức rèm lên. Một người từ bên trong đưa một thanh niên đến. Trần-Gia-Cách nhận ra là người có diện mạo giống hệt như mình, gặp hôm qua tại Tây-Hồ.

Thanh niên ấy đứng sát bên mình Càn-Long, thần thái tỏ vẻ hết sức thân mật trong tất cả triều thần văn võ đều khép nép sợ sệt.

Vua Càn-Long lại nói:

-Cho gọi Lý-Khả-Tú!

Một viên võ quan bước vào cúi đầu, quỳ xuống tâu:

-Kẻ nô tài là Hàng-Châu Lý-Khả-Tú, xin vập đầu tham kiến thánh thượng.

Vua Càn-Long lại hỏi:

-Tên thổ phỉ Hồng Hoa Hội họ Văn kia thế nào?

-Thương tích y quá trầm trọng, nô tài phải rước lương y điều trị và chờ khi thần trí của y hoàn toàn bình phục mới thẩm vấn được.

-Cần phải để ý lưu tâm cho thật kỹ mới được!

-Kẻ nô tài không dám sơ sót.

Vua Càn-Long lại phán truyền:

-Thôi được, ngươi lui ra.

Trần-Gia-Cách lúc đó cũng nói với Triệu-Bán-Sơn:

-Bây giờ mình cũng về.

Cả hai nhẹ nhàng buông tay nhảy xuống. Chân chưa chạm đất, thình lình bên trong có tiếng la:

-Có thích khách!

Một bóng người từ bên trong vọt ra như một mũi tên. Trần-Gia-Cách với Triệu-Bán-Sơn không dám chậm trễ, trổ hết tài khinh công mà phóng đi thật lẹ. Bỗng nhiên đèn đuốc sáng lên, một người già gầy ốm dẫn theo 7-8 tên đại hán mặc áo lam tay lăm le binh khí đi tuần phòng, kiểm tra tứ phía.

Trần-Gia-Cách xoay lưng lại kịp, cốt ý tránh cặp mắt cú vọ của hắn. Chàng xăm xăm đi ra phía cửa ngoài thì thình lình lão già kia lớn tiếng gọi lại:

-Ngươi là ai?

Vừa dứt lời, hắn đưa tay ra chụp thẳng vào bả vai Triệu-Bán-Sơn toan giữ lại. Triệu-Bán-Sơn vung hai chưởng đã hóa giải được chiêu thế của hắn dễ dàng rồi phóng mình ra cửa.

Lão già ấy liền nhanh chân rượt theo, đưa thẳng tay nhắm bối tâm của Triệu-Bán-Sơn đánh xuống một chưởng. Nghe tiếng gió sau lưng, Triệu-Bán-Sơn biết có người đánh lén liền né qua một bên tránh thoát. Chưa kịp trả đòn thì Trần-Gia-Cách lúc ấy vừa cởi xong bộ đồ lính, dùng cái áo nhắm ngay đỉnh đầu lão già chụp xuống. lão già vội vàng đưa tay chụp lấy cái áo. Hai bên ra sức giằng co làm cái áo rách toạc làm hai mảnh.

Trần-Gia-Cách cầm nửa cái áo, vận công đánh một cái vào ngay giữa mặt lão già. Nửa cái áo kia trúng ngay mặt lão già tét ra làm năm, sáu mảnh. Tuy không đến nỗi bị thương nhưng cũng đủ làm cho hắn đau nhức vô cùng. lão già tức lồng lộn lên, không ngớt buông tiếng chửi thề. Trong khi đó, Triệu-Bán-Sơn đã ra khỏi được bên ngoài.

Thấy Trần-Gia-Cách cười mình như chọc quê, lão già cả giận dùng Ưng-Trảo-Công nhắm Trần-Gia-Cách chụp nhầu. Triệu-Bán-Sơn đứng bên ngoài thấy vậy liền chụp lấy một tên lính nhắm lão già liệng một cái ngay bụng hắn. Lão già cả kinh, vội đưa tay khẽ chụp lấy tên lính đặt xuống đất. Thấy thích khách đã thoát ra ngoài, đồng thời lại có mấy chục tên lính chạy ra, lão già nạt lớn:

-Ra đây làm gì? Hãy trở vào bảo vệ hoàng-thượng. Chỉ cần năm, sáu tên theo ta là đủ.

Thấy trên nóc nhà có hai bóng người đang phi thân, lão già cũng tung mình nhảy lên, dùng khinh công đuổi theo. Nhờ quen thuộc địa hình hơn nên chẳng mấy chốc mà lão già đã bắt kịp được hai người. Hai bóng người thấy vậy bèn nhảy xuống lộ. Lập tức lão già cũng nhảy theo. Lúc đó Trần-Gia-Cách và Triệu-Bán-Sơn đã đứng lại.

Trần-Gia-Cách cất tiếng cười vang lên nói:

-Ta là bạn của chủ nhân nhà ngươi. Quả thật là ngươi to gan nên mới dám thất lễ với ta.

Lúc bấy giờ, lão già mới trông rõ được mặt Trần-Gia-Cách. Hắn giật mình kinh hãi, vòng tay nói:

-Các hạ hãy theo tôi vào ra mắt thánh thượng chờ định đoạt.

Trần-Gia-Cách cười nói:

-Thật ngươi dám đối đầu với ta sao?

Lão già ra vẻ nghĩ ngợi. Bỗng đâu từ bên mình Trần-Gia-Cách, Tâm-Nghiện ló đầu ra nói:

-Hôm qua ngươi định chụp tay ta, nhờ nể mặt chủ nhân nhà ngươi, công tử ta mới không sửa trị. Ta cũng vì nể mặt công tử và khách quý của người nên mới bỏ qua. Bộ nhà ngươi tưởng ta sợ hay sao?

Lão già hét lên một tiếng, nhanh như cắt nhảy tới, vung năm ngón tay như năm cái móc sắt chụp lên bả vai Tâm-Nghiện. Không ngờ địch thủ ra tay quá lẹ làng, Tâm-Nghiện không né tránh kịp, cảm thấy vai mình như tê rần lại. Trần-Gia-Cách và Triệu-Bán-Sơn cả kinh, cùng nhảy tới tấn công lão già một lượt để giải cứu Tâm-Nghiện. lão già thấy thế vộ buông Tâm-Nghiện ra, dùng song chưởng đón lại chiêu thế của hai người. Bùng bùng hai tiếng, lão già bị sức chưởng quá mạnh làm choáng váng cả mặt mày, lùi ra sau mấy bước.

Tâm-nghiện phóng tới định xông vào tấn công lão già, chợt nghe một hồi tiêu thổi, vội vàng cắm đầu cắm cổ mà chạy.

Ngay lúc ấy, có năm viên thị vệ từ đâu xông tới cản trở. Trần-Gia-Cách và Triệu-Bán-Sơn vội vã nhắm hướng Tây thoát đi. Bỗng nhiên phía trước có tiếng tiêu thổi và tiếng lão già kia thét:

-Rượt theo!

Thế là đàng trước 3 người chạy, phía sau 6 người đuổi, phi thân vùn vụt lại phía Tây-Hồ. Tại Tây-Hồ có nơi đóng quân của triều đình gọi là đồn Kỳ-Hạ. Vì vậy lão già vững tâm rượt theo, cho rằng nơi đó là lãnh thổ của người bên mình, địch nhân khó lòng mà thoát khỏi.

Đột nhiên lão già thấy ba người trong bọn Trần-Gia-Cách nhảy xuống một chiếc thuyền đã đậu sẵn tại đó từ bao giờ. Ba người vừa nhảy lên thì lập tức người lái đò tách thuyền rời khỏi bến. Thấy ngay bến đò còn một du thuyền khác, lão già cùng 5 người thị vệ bèn nhảy xuống.

Lão già thấy ở trước mũi thuyền có một cô gái đang ngồi. Nàng vấn khăn xanh, mặc áo tố, thân hình uyển chuyển dịu dàng.

Chỉ tay về phía trước, lão già nói:

-Mau chống thuyền ra khơi rượt cho kịp chiếc thuyền trước, ta sẽ trọng thưởng cho.

Cô lái đò mỉm cười đáp:

-Đi đâu thế? Nửa đêm canh ba rồi! Khuya thế này còn đi du hồ nữa sao? Tôi sắp về nhà nghỉ rồi, xin mời quý khách lên bờ!

Một tên thị vệ nóng nảy, rút dao ra cắt đứt sợi dây neo. Một tên khác cầm mái chèo chống thuyền tách bến độ vài trượng thì thuyền bỗng dưng quay trở lại.

Cô lái đò vẫn bình tĩnh cười nói:

-Tôi chưa thấy du khách nào nóng nảy như mấy ông. Cứ căn cứ vào thái độ này thì mấy ông không phải hạng người nho nhã.

Lão già không thèm đếm xỉa đến lời nói mỉa mai của cô lái đò, chỉ hối thúc hai tên thị vệ cấp tốc chiếc thuyền phía trước đang bơi thật chậm. Cô lái đò còn một mái chèo, thấy thuyền trước nhắm hướng Tô-Đề thì cũng dùng mái chèo bơi theo.

Hai chiếc thuyền mỗi lúc mỗi gần lại với nhau. Chiếc sau dường như đã bắt kịp chiếc trước. Đang khi ấy, trong đám sen tàu, dưới bóng cây thùy dương, một dãy 5 chiếc thuyền nhỏ từ từ bung ra ngoài khơi.

Ngay chính giữa đoàn du thuyền là một chiếc du đĩnh thật lớn, bên ngoài lan can sơn màu đỏ hồng rực rỡ, lại thêm những rèm châu phủ xuống rung rinh, tráng lệ. Trước mũi du đĩnh, một người đang ngồi thổi tiêu.

Từ bên chiếc thuyền nan nhỏ, Trần-Gia-Cách nhún chân búng nhẹ một cái là đã đứng gọn gàng trên mũi chiếc du đĩnh. Tâm-Nghiện sau đó cũng dùng khinh công tung mình lên và đáp xuống mũi du đĩnh, đứng sau Trần-Gia-Cách. Vừa hạ mình xuống thuyền, Tâm-Nghiện mở bao lấy chiếc áo choàng màu trắng như tuyết khoác lên mình vị Tổng-Đà-Chủ Hồng Hoa Hội.

Trần-Gia-Cách đứng trước mũi du đĩnh, tay phe phẩy chiếc quạt làm bằng lông cánh con Bạch-Nga Thanh-Hải. Trần-Gia-Cách đứng trước mũi thuyền, nhìn bóng nguyệt như đang tận hưởng cái thú nhìn trăng ngắm cảnh trên sông tại Tây-Hồ.

Chỉ trong nháy mắt, chiếc thuyền của lão già đã bắt kịp 6 chiếc du đĩnh. Lão già bảo cô lái đò ngừng chèo, hướng về phía Trần-Gia-Cách nói:

-Bằng hữu kia! Bạn muốn đi đâu cứ tùy tiện, mỗ (#6) không ngăn cản! Chỉ yêu cầu để lại đứa bé ngang ngạnh kia cho ta sửa trị!

Tâm-Nghiện từ bên trong khoang thuyền ngang nhiên vén màn bước ra đi đến trước mũi thuyền nói:

-Tôi là Tâm-Nghiện, thư đồng của công tử nhà tôi. Bác là người hầu của bạn công tử tôi. Vậy tôi với bác cùng phận nô bộc như nhau, sao không chịu kết tình thân với nhau mà thông cảm cho nhau? Bác tên họ là gì, xin cho biết để tiện bề xưng hô.

Những lời Tâm-Nghiện nói rất nhẹ nhàng, nhưng nghe cho kỹ thì thấm tháp vô cùng, ngụ ý mỉa mai lãi già chỉ là hạng nô bộc không hơn không kém.

Lão già giận đến râu tóc dựng ngược lên hét lên như sấm:

-Đồ tiểu quỷ! Trước mặt ta mà mi dám nói những lời như vậy à?

Lúc ấy Triệu-Bán-Sơn cũng vừa phi thân lên du đĩnh đứng nơi mũi thuyền cạnh Trần-Gia-Cách và Trâm-Nghiện. Ông ta nhìn lão già nói:

-Tại hạ là Triệu-Bán-Sơn ở Ôn-Châu. Phải chăng các hạ là người của phái Cao-Dương?

Lão già nghe hỏi có vẻ kinh ngạc Ủa! một tiếng rồi hỏi lại:

-Thế ra các hạ là nhân vật mà trên võ lâm thường gọi là Thiên-Thủ Như-Lai Triệu tam đương có phải không?

Triệu-Bán-Sơn khiêm tốn đáp:

-Đó là tại đồng đạo võ lâm thương mà gọi vậy thôi chứ tại hạ rất lấy làm xấu hổ, thật tình không dám nhận cái biệt hiệu ấy! Xin hỏi đại danh cao tánh của cách hạ?

Lão già có vẻ tự phụ, nhưng cố làm ra vẻ khiêm tốn đáp:

-Tại hạ họ Bạch, tên Chấn, không có chữ lót.

Tiếng hắn vừa dứt, cả Trần-Gia-Cách cũng như Triệu-Bán-Sơn đều giật mình, sửng sốt. Triệu-Bán-Sơn hướng về Bạch-Chấn thi lễ nói:

-Thì ra là Kim-Trảo Thiết-Câu Bạch đại huynh với đại lực Ưng-Trảo-Công đã nổi tiếng hơn 30 năm về trước. Tôi nghe đại danh lão huynh như sấm nổ bên tai từ lâu rồi. Trên giang hồ đột nhiên vắng bóng lão huynh, không biết tung tích nơi đâu, không ngờ lần này lại tình cờ gặp được nơi đây. Chẳng hiểu nguyên nhân nào mà Bạch lão huynh cứ đuổi theo chúng tôi mà làm khó dễ hoài vậy?

Bạch-Chấn không trả lời câu hỏi của Triệu-Bán-Sơn, chỉ nói:

-Từ lâu ngưỡng mộ đại danh của Tam đương-gia Hồng Hoa Hội. Hôm nay được bái kiến thật là hân hạnh. Còn vị kia là ai?

Triệu-Bán-Sơn chưa kịp trả lời, Bạch-Chấn như sực nhớ ra điều gì cỉ khẽ gật đầu hai cái rồi ông tồn, kính cẩn nói:

-À… Phải… Phải rồi! Vị này là Thiếu-Đà-Chủ của quý hội, là Trần công tử!

Triệu-Bán-Sơn cũng không đáp lại hay chỉnh lại câu nói của Bạch-Chấn, chỉ khẽ hỏi:

-Bạch lão huynh xem thấy thế nào?

Trần-Gia-Cách phe phẩy chiếc quạt lông cất tiếng trong trẻo như chuông ngân, nói lơ đãng một mình:

-Đêm khuya thanh tịnh, gió mát trăng thanh như thế này thật là hiếm có. Mời Bạch lão tiền bối sang bên này cùng nhau uống vài chung rượu cho ấm bụng. Chẳng hay tiền bối nghĩ sao?

Bạch-Chấn nói:

-Người trong đêm tăm tối làm kinh động dinh môn, gây kinh sợ cho quan quyền, nói làm sao cho hết! hãy theo tôi về giáp mặt chủ nhân tôi. Nếu tôi về tay không thì bất tiện lắm. Vì chủ nhân tôi đối với người rất tốt nên tôi không dám thẳng tay gây sự, đối địch với người.

Trần-Gia-Cách với nét mặt thản nhiên, tươi cười nói:

-Tôi xem chủ nhân tiền bối không phải là người tầm thường. Tiền bối cứ về thưa lại là Tây-Hồ, quế đang trổ hoa, bóng nguyệt soi gương mặt nước. Nếu chủ nhân tiền bối có nhã hứng thì mời đến thưởng thức cái thú thần tiên này. Tôi vẫn ở đây đợi chủ nhân của tiền bối. Như vậy, tiền bối khỏi phải lo.

Bạch-Chấn nghe nói không biết phải làm sao, tự nghĩ:

-“Chính mắt mình trông thấy hoàng-thượng đối với hắn còn tốt hơn cả hoàng-thân quốc-thích nữa. Mà chưa có người nào dám nói với hoàng-thượng một lời bóng gió nào, chứ đừng nói là những lời người này đã dám cả gan thốt ra. Thế mà hoàng-thượng lặng thinh thì đủ biết ngài chiều hắn đến thế nào. Nếu ta đụng chạm đến y, ắt hoàng-thượng thế nào cũng bắt tội ta thôi. Mà đang đêm y dám tới dọ thám, làm kinh động thánh thượng, nếu ta không bắt được y đem về thì cũng nguy hiểm cho tính mạng của ta!”

Đang lúc phân vân, Bạch-Chấn lại nghĩ:

-“Chi bằng ta bắt Triệu-Bán-Sơn đem về phục mệnh cũng tạm đỡ trách nhiệm phần nào. Sau sẽ hay…”

Dùng thế Yến tử phi vân, Bạch-Chấn xét lên một cái như chiếc pháo thăng thiên bổ xuống ngay chỗ Triệu-Bán-Sơn đang đứng. Thân hình y chưa đáp xuống thuyền mà hai bàn tay đã chĩa ra như 10 nanh vuốt của một con chim ưng chụp ngay trước mặt và ngực Triệu-Bán-Sơn.

Triệu-Bán-Sơn không ngờ Bạch-Chấn dám mạo hiểm đến mức ấy, nhưng vẫn giả vờ như vô tình chẳng hay biết gì cả. Chờ cho hai tay địch thủ chụp xuống, Triệu-Bán-Sơn dùng thế Vân Thủ hất mạnh một cái đánh bạt 10 ngón tay của Bạch-Chấn ra.

Bạch-Chấn biết là gặp đối thủ nên vận toàn lực, dở hết tuyệt kỹ ra đánh, quyết bắt sống cho bằng được đối phương. Triệu-Bán-Sơn bình tĩnh chống đỡ. Hai bên trao qua đổi lại chiêu thức với nhau một hồi mà vẫn không phân thắng bại.

Dùng thế Dã mã phân tòng trong Thái-Cực-Quyền vừa gạt thế Ưng-Trảo-Công lợi hại của Bạch-Chấn, vừa phản kích lại ngay bên hông. Bạch-Chấn vừa né đầu sang một bên, định chụp lấy khuỷu tay của Triệu-Bán-Sơn giữ lại. Triệu-Bán-Sơn khẽ xoay ngược cánh tay tung ra một chưởng vào ngay giữa mặt Bạch-Chấn. Hết đường né tránh, Bạch-Chấn vận toàn lực, dùng chưởng mà đón lại.

Hai chưởng chạm vào nhau tạo nên một âm thanh kinh hồn. Cả hai người cùng té ngửa ra đàng sau. Tưởng-Tứ-Căn nhào tới định đỡ Triệu-Bán-Sơn dậy nhưng chưa đến nơi thì Thiên-Thủ Như-Lai đã đứng dậy vững vàng.

Về phía Bạch-Chấn thì khi vừa ngã xuống thì thuyền khẽ chao một cái hất y văng xuống nước. Hoảng hồn, Bạch-Chấn dùng đề khí, hai chân vừa chạm xuống nước liền bắn vọt trở lên, nhảy về lại thuyền mình.

Tiếng Trần-Gia-Cách như chuông đồng vang lên:

-Tài nghệ của ngươi kể cũng rất khá, không hổ danh là một cao thủ võ lâm. Nhưng ngươi không cần phải biểu diễn thêm nữa mà hãy về thưa với chủ nhân ngươi rằng ta đang chờ ở đây xem hoa quế nở, thưởng nguyệt Tây-Hồ.

Bạch-Chấn vừa thẹn vừa lo. Nhìn tứ phía thấy các du thuyền bao quanh chiếc du đĩnh của Trần-Gia-Cách, hiển nhiên là đồng bọn của chàng ta ở đây rấtn nhiều. Chỉ cần một Triệu-Bán-Sơn cũng đủ chống nổi với y rồi, huống hồ là có sự hiện diện của bao nhiêu cao thủ nữa.

Bạch-Chấn nhủ thầm:

-“Thừa dịp này ta quay về điều động thêm lực lượng để bắt bọn này thì chắc hơn.”

Quay lại cô lái đò, Bạch-Chấn nói:

-Trèo trở về, mau!

Cô lái đò mỉm cười duyên dáng nói:

-Trăng trong nước biếc thế này, sao chẳng chịu ở lại thưỏng thức ho quế mà lại hối thúc trở về?

Bạch-Chấn nạt:

-Đừng nói lôi thôi! Bộ mi không thấy bọn ta có công việc gấp rút đó sao?

Vẫn nụ cười nở trên vành môi thắm, cô lái đò nói:

-Thật là một chuyện lạ lùng xưa nay chưa từng thấy! Đến Tây-Hồ để lo việc công, còn dinh thự lại bỏ trống cho là việc tư! Ăn nói kiểu đó khách du hồ sẽ cười cho đến chết mà thôi! Nhưng thôi! Công với tư gì không cần biết. Lần đưa ra chưa tính tiền, làm ơn trả giùm cái đã! Có trả đủ em mới đưa trở lại vào bờ, còn không trả thì… cảm phiền bơi vào trong!

Bọn Bạch-Chấn nghe nói thật là dở khóc dở cười. Từ dinh Tuần-Vũ cố mà rượt theo địch nhân, nào có tên nào bọc theo tiền bạc!

Một tên thị vệ nổi nóng gắt lên:

-Bọn ta đi thuyền dĩ nhiên sẽ trả tiền công! Bao nhiêu cũng được chứ không cần mặc cả. Mi mau chèo vào bờ, bọn tra sẽ trả cho, mau lên!

Cô lái đò ngừng chèo, hai tay chắp kín lồng ngực, đứng thủ thế, cười dòn như bắp rang nói:

-Dầu cho lão Hoàng-Đế đi chăng nữa, đã bước chân xuống thuyền là phải trả tiền sòng phẳng. Lệ ở đây không cho đi thuyền chịu, tiền chao cháo múc. Đừng lên giọng kẻ cả mà bắt nạt ai!

Bạch-Chấn thấy cô lái đò muốn làm khó dễ bọn hắn để hạ nhục cho bõ ghét thì bối rối, toan lên tiếng. Một tên thị vệ quan thói lỗ mãng, quen thói ăn hiếp người nghèo và kẻ yếu liền đưa tay nắm lấy chân cô lái đò cười nham nhở nói:

-Thôi mà em! Công lao khó nhọc của em thì anh rờ bắp chân mà đền lại thì cũng đủ rồi!

Bỗng mạn thuyền chợt nghiêng qua một bên, tên thị vệ vội chống tay xuống dưới để giữa thăng bằng. Bạch-Chấn bỗng nhiên la lên:

-Lão Phạm, coi chừng!

Bạch-Chấn vừa dứt lời, cô lái đò đã tung một cước đá tên thị vệ ngã lăn xuống hồ. Bạch-Chấn xông tới nhắm cô lái đò phóng ra một chưởng. Cô lái đò đưa mái chèo lên đỡ. Không ngờ chưởng của Bạch-Chấn quá mạnh khiến cho mái chèo gãy làm hai khúc. Cô lái đò thất kinh, phóng xuống hồ. Chiếc thuyền không người điều khiển bỗng dưng chao động dữ dội và quay tròn một vòng. Bạch-Chấn cũng như đám thị vệ đều là người phương Bắc (#6) nên không quen bơi lội, vì vậy cho nên cả đám người nào người nấy kinh hãi không ít.

Bạch-Chấn đang hoang mang bỗn nghe tiếng Trần-Gia-Cách nói lớn:

-Bọn người đốn mạ này là nô bộc của bằng hữu ta. Hãy tạm dung mạng chúng một phen để chúng về mời chủ nhân chúng đến đây uống rượu cho vui!

Tưởng-Tứ-Căn lớn tiếng đáp:

-Xin tuân mạng!

Dứt lời, Thập-tam đương-gia nhảy xuống hồ vớt tên thị vệ lão Phạm bị cô lái đò đá rơi xuống ban nãy, hai tay bế xốc đưa lên trên đầu liệng lên. Bạch-Chấn đưa hai tay bắt lấy.

Bạch-Chấn thấy Tưởng-Tứ-Căn từ dưới nước mà nâng được một người to lớn như lão Phạm mà ném được lên trên thì không khỏi kinh hãi, trong bụng khen thầm:

-“Quả nhiên là hảo thần lực!”

Lúc bấy giờ, cô lái đò cùng Tưởng-Tứ-Căn dùng khinh công nhún mình nhảy qua chiếc du đĩnh như hai con hải âu bay lượn trên mặt hồ.

Bạch-Chấn cùng đám thị vệ đành phải chịu khó ra sức chèo mà gắng chèo. Mãi một hồi lâu, cả đám mới vào được trong bờ rồi cắm đầu cắm cổ chạy về lại dinh Trần-Vũ.

Bạch-Chấn vào yết kiến vua Càn-Long thuật lại mọi chuyện. Vua Càn-Long suy nghĩ một hồi rồi phán:

-Người ấy đã có nhã hứng như vậy quả là hợp ý trẫm. Ngươi tới trước báo cho y rằng trẫm sẽ đến ngay.

Bạch-Chấn tâu:

-Bọn chúng toàn là dân liều mạng. Nô tài thiết nghĩ bệ hạ không nên khinh thường tấm thân vạn-thặng (#7) mà tới đó làm gì.

Vua Càn-Long gạt đi mà truyền rằng:

-Ngươi không cần phải phân trần lợi hại với trẫm! Mau thi hành gấp!

Bạch-Chấn cúi đầu lui ra, lên ngựa phi nhanh đến bờ hồ. Thấy Tưởng-Tứ-Căn vẫn đứng trước mũi thuyền, Bạch-Chấn lên tiếng gọi và nói:

-Huynh đài hãy vào thưa với chủ nhân của anh rằng chủ nhân tôi sắp đến đây thưởng thức trăng Tây-Hồ.

Nói xong, Bạch-Chấn lập tức quay ngựa lại, trở về phục mệnh. Dọc đường y gặp vô số binh lính Thần-Sách Dinh đang nhắm hướng Tây-Hồ đi thẳng tới. Luôn cả đạo quân Kỳ-Dinh, là đạo cảm tử quân trấn giữ Hàng-Châu cũng xuất hiện đi chung với đạo quân đông đúc kia. Đích thân y cũng về tập trung hai đội Ngự-tiền thị-vệ và Ngự-lâm quân đi theo hộ giá.

Vua Càn-Long trông vẻ rất cao hứng như đã hoàn thành được một kế hoạch quy mô nào đó. Nhà vua sau đó lại cho mời Hàng-Châu nguyên-soái là Đại-Tướng-Quân Lý-Khả-Tú đến bàn việc.

Vua Càn-Long hỏi:

-Chuẩn bị đầy đủ chưa?

Lý-Khả-Tú đáp:

-Muôn tâu, tất cả đã sẵn sàng!

Vua Càn-Long vui mừng, gật đầu phán:

-Chúng ta khởi hành ngay. Binh quý thần tốc (#8), phải tuyệt đối giữa bí mật. Đánh kẻ địch trong lúc bất ngờ sẽ nắm chắc phần thắng mà lại đỡ hao tổn xương máu của binh sĩ.

Truyền lệnh cho Lý-Khả-Tú xong, vua Càn-Long thay đổi y phục như Đông-Phương-Nhĩ hôm gặp Trần-Gia-Cách. Bọn thị vệ cũng mặc áo lam như hôm nọ.

Vua Càn-Long cỡi ngựa đi chậm rãi về phía Tây-Hồ. Bọn thị vệ theo hầu sát một bên, trong mình giấu đầy đủ binh khí và ám khí.

Vừa ra khỏi dinh Tuần-Vũ Hàng-Châu, một võ quan hi ngựa đến đến trước mặt Lý-Khả-Tú thưa:

-Thưa Nguyên-soái, không làm sao gọi du thuyền vào bờ được. Tất cả đều neo giữa hồ, không có chiếc nào trên bến cả. Tôi đã cho quân gọi hết hơi mà chẳng một thuyền nào chịu vào cả.

Lý-Khả-Tú nghe nói cả giận mắng lớn:

-Quân khốn kiếp! Bộ chúng muốn làm phản cả rồi hay sao? Mau tiếp tục gọi!

Viên võ quan không dám cãi lời, vâng dạ luôn miệng, lập tức lui ra. Chẳng bao lâu sau thì vua Càn-Long cùng đám thị vệ cũng đến nơi.

Vua Càn-Long phán:

-Dầu cho chúng có biết trẫm là ai hay không, các ngươi cũng phải giả đóng vai thường dân, không được để lộ cho chúng biết trẫm là thiên tử và các ngươi là văn võ bá quan. Kẻ nào vi lệnh, cứ chiếu theo luật mà thi hành.

Bốn mặt Tây-Hồ giờ đây đâu đâu cũng có đầy quân lính bao phục chặt chẽ. Các đội quân thiện chiến của Nguyên-soái Lý-Khả-Tú cũng như các đội Kỳ-Dinh và Thủy-Sư đều phòng bị cẩn thận vòng ngoài. Chỉ hiềm một nỗi là quanh hồ không có lấy được bất cứ một chiếc thuyền nào.

Lý-Khả-Tú đang nghĩ ngợi, chưa biết phải làm gì, bỗng có 5 chiếc thuyền lướt tới thật lẹ vào bờ. Đứng trước mũi thuyền đi đầu là một người mặt sáng như ngọc, khí vũ hiên ngang, mình khoác chiếc áo the Hàng-Châu dài, tay cầm chiếc quạt giấy.

Chờ cho thuyền gần vào cập bến, người ấy tươi cười cất tiếng lên nói lớn:

-Kẻ tiểu nhân vâng lệnh Lục công tử đến đây rước Đông-Phương tiên sinh ra hồ thưởng nguyệt đối ẩm.

Nói xong, người ấy vừa nói xong liền hướng về vua Càn-Long vái một cái rồi tung mình phóng lên bờ.

Vua Càn-Long cũng vái lại một cái, vui vẻ hỏi:

-Tại hạ chính là Đông-Phương-Nhĩ. Xin hỏi cao danh quý tánh của huynh đài?

Người ấy đáp:

-Kẻ tiểu nhân họ Vệ, tên gọi Xuân-Hoa.

Vua Càn-Long bước xuống thuyền. Theo sau là Nguyên-soái Lý-Khả-Tú, Bạch-Chấn cùng với 30-40 tên cẩm y thị vệ. Chúng chia nhau ngồi rải rác chung quanh thuyền, ngầm bí mật hộ giá (#9). Một số khác chia nhau xuống 4 chiếc còn lại.

Đoàn thuyền 5 chiếc lướt sóng như bay ra giữa lòng hồ. Đoàn thuyền đến gần du đĩnh thì tiếng tiêu, tiếng sáo ngân nga trầm bổng, muôn ngàn điệu nhạc êm ái dịu dàng.

Từ trên du đĩnh, một giọng nói vang lên:

-Chẳng hay Đông-Phương tiên sinh đã đến chưa? Sao mà chậm thế!

Vệ-Xuân-Hoa đáp:

-Đã đến rồi đây!

Cả giòng sông bỗng nhiên như sáng rực lên. Chung quanh chiếc du đĩnh (#10) là cả một đại đội du thuyền.

Bạch-Chấn nhìn thấy không khỏi thầm kinh hãi. Rõ ràng là phía địch cũng đã cảnh giác mà đề phòng đâu ra đó cả rồi.

Từ trên du đĩnh, Trần-Gia-Cách bước ra nói:

-Không ngờ được Đông-Phương tiên sinh có nhã hứng đến thăm. Xin mời sang bên này.

Hai chiếc thuyền cập sát vào nhau. Vua Càn-Long, Nguyên-soái Lý-Khả-Tú, Bạch-Chấn và một số thị vệ trá hình cùng nhau bước qua chiếc du đĩnh của Trần-Gia-Cách.

Trần-Gia-Cách bước ra, nét mặt tươi cười chào đón mọi người. Đàng sau chàng là thư đồng Tâm-Nghiện đứng hầu. Tâm-Nghiện đi trước, dẫn mọi người vào trong khoang thuyền.

Bên trong khoang thuyền là một thư phòng với những bức tranh thêu, những bức khẩm xà xừ được trạm trổ hết sức tinh vi được trang hoàng khắp nơi. Ngay chính giữa là một chiếc bàn lớn có bày sẵn những bình rượu, những chung trà, đầy rẫy hoa quả và đồ nhắm, không thiếu một thứ gì.

Trần-Gia-Cách nhìn vua Càn-Long nói:

-Nhân huynh không chê tiểu đệ hủ lậu mà chịu hạ cố đến chơi, thật là vạn hạnh!

Vua Càn-Long nói:

-Huynh đài đã có ý tốt mời mọc, lẽ nào không đến?

Hai người nắm tay nhau thân mật, cùng cất tiếng cười vang lên. Bạch-Chấn và Lý-khả-Tú đứng sau vua Càn-Long để ý từng cử chỉ nhỏ của Trần-Gia-Cách, mắt không lúc nào rời. Trần-Gia-Cách nhìn Bạch-Chấn khẽ mỉm cười nhưng chẳng nói một lời nào cả.

Chú thích:

(1-) Đăng phong đạo cực: bay lên đỉnh cao với một sức tung cực kỳ mãnh liệt.

(2-) Thương lộ: phương pháp nhảy từ mái nhà này qua mái nhà nọ.

(3-) Nô tài: danh từ dùng để xưng hô với Hoàng-Đế Mãn-Thanh, cũng như danh từ “hạ thần” của người Hán hay của người Việt.

(4-) Vi chiếu: cãi lại chiếu chỉ của vua.

(5-) Trung ngôn nghịch nhĩ: lời nói phải bao giờ cũng nghe chói tai.

(6-) Tại Trung-Quốc có câu “Người Bắc cỡi ngựa, người Nam chèo thuyền”.

(7-) Vạn-thặng: mười nghìn cỗ xe. Khi vua đi đến đâu đều có xe ngựa đông đảo chung quanh hộ tống bảo vệ.

(8-) Binh quý thần tốc: việc binh hay ở chỗ phải làm cho thật mau lẹ, bất ngờ.

(9-) Hộ giá: bảo vệ vua.

(10-) Du đĩnh: chiếc thuyền lớn dùng để du ngoạn. Nhưng trong truyện có lẽ là “Soái-hạm” của Trần-Gia-Cách.

Chọn tập
Bình luận
× sticky