Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thư Kiếm Ân Cừu Lục

Chương 48 – Thú hoang khi đói tìm mồi xé – Thù bạn như nhau gặp họa chung

Tác giả: Kim Dung
Chọn tập

Thiên-Sơn Song-Ưng phóng ngựa phi như bay, không dám chậm trễ. Hai người vốn ở chốn sa mạc lâu năm nên hiểu rõ bầy chó sói hung dữ kia vô cùng. Một khi chúng đói đi tìm mồi, bất luận người nay bất cứ loài thú nào không may bị chúng rượt theo đều trở thành mồi ngon, vô phương cứu chữa.

Chạy được một lúc, quả nhiên hai người thấy trước mặt có hai cây táo ngàn năm, gốc mấy ôm, cao cả trăm thước, cành lá sum xuê. Quang-Minh-Mai nói với Trần-Chánh-Đức:

-Thế là thoát hiểm, không bị làm mồi cho lũ sói kia!

Quan-Minh-Mai bế Tiêu-Thanh-Đồng xuống, tháo yên cương cho hai con ngựa nói với chúng:

-Ráng chạy cho thật lẹ, tìm nơi yên ổn tạm trú để thoát khỏi đàn sói kia nhé hai con!

Hai con ngựa như hiểu ý Quan-Minh-Mai liền sánh đôi phi thật lẹ. Quan-Minh-Mai nhìn theo bóng song mã cho đến khi khuất dạng mới thở phào nhẹ nhõm. Lúc đó, một bầy sói khoảng gần trăm con đã đến gần, sủa lên ầm ĩ. Thiên-Sơn Song-Ưng liền bế Tiêu-Thanh-Đồng phi thân lên cây táo để lánh nạn. Bầy sói nhìn lên cây táo, nhảy chồm lên, sủa ầm ĩ nhưng giận lắm vì không làm sao leo lên được.

Quan-Minh-Mai ngồi trên cây nhìn thấy kỵ mã áo đen cỡi ngựa hồng là một người già, trạc tuổi Trần-Chánh-Đức phi trước bầy dã thú bỗng la lên:

-Ủa! Y đây mà!

Trần-Chánh-Đức cũng gật đầu đáp:

-Đúng rồi! Chính là y!

Trần-Chánh-Đức nhìn vợ thở dài nói:

-Mà y thì đã sao nào? Làm gì mà quýnh lên thế? Gặp như tôi gặp nguy hiểm, có ai lo lắng như vậy không?

Quan-Minh-Mai nghe nói bỗng giận dữ quát lên:

-Cứ ở đó mà nói ba láp ba xàm mãi! Có mau cứu người ta hay không?

Dứt lời, Quan-Minh-Mai tay mặt nắm chắc cành táo, buông người xuống lơ lửng. Trần-Chánh-Đức hừ một tiếng, đưa tay mặt nắm cứng lấy chân trái của vợ, làm thành một sợi dây dài.

Kỵ mã áo đen vừa chạy qua, Trần-Chánh-Đức liền buông thẳng người xuống, dùng tay nắm lấy áo ngay vai kéo lên. Kỵ mã áo đen sẵn đà phi thân lên cây táo. Con ngựa của ông ta tiếp tục chạy, càng lúc cành nhanh cho đến khi mất hút.

Người áo đen quay mắt nhìn thấy Thiên-Sơn Song-Ưng thì lộ vẻ tức giận, nét mặt hầm hừ.

Trần-Chánh-Đức hỏi:

-Anh bị sói rượt à?

Người áo đen, bực tức nói:

-Thôi đừng lắm chuyện!

Quan-Minh-Mai bỗng xen lời:

-Tại sao lại lắm chuyện? Người ta cứu mạng cho mà!

Trần-Chánh-Đức thấy vợ bênh vực mình bỗng nét mặt vui hẳn lên. Người áo đen cười nhạt nói:

-Cái gì cứu mạng? Các người làm hỏng hết kế hoạch của người ta thì có!

Trần-Chánh-Đức nói:

-Anh bị sói rượt nãy giờ chắc mệt lắm rồi. Hãy nghỉ một chút đã.

Người áo đen như chưa hết giận, hậm hực nói:

-Làm gì sói dám rượt ta? Viên-Sĩ-Tiêu này há sợ đám súc sanh ấy?

Người áo đen kia chính là Thiên-Trì Quái-Hiệp Viên-Sĩ-Tiêu. Giữa ông ta và vợ chồng Thiên-Sơn Song-Ưng có một chuyện tình tam giác hết sức ly kỳ.

Thuở nhỏ, Viên-Sĩ-Tiêu và Quan-Minh-Mai chơi với nhau rất thân. Khi trưởng thành, hai người trở thành một cặp tình nhân, tình cảm hai bên càng ngày càng thêm thắm thiết đậm đà. Tuy nhiên, tính tình cả hai đều ngang ngược, chẳng ai chịu nhường ai. Rồi một hôm, không hiểu vì một chuyện xích mích gì mà Viên-Sĩ-Tiêu bỏ đi biệt tăm đến mãi tận vùng sa mạc hướng Bắc. Quan-Minh-Mai chờ đợi mòn mỏi hơn 10 năm mà vẫn không thấy bóng dáng và tin tức của Viên-Sĩ-Tiêu ở đâu. Chẳng bao lâu, cha mẹ Quan-Minh-Mai gả nàng cho Trần-Chánh-Đức. Sau khi hai người làm lễ thành hôn thì Viên-Sĩ-Tiêu đột ngột trở về cố hương. Biết được chuyện người tình đã sang ngang, Viên-Sĩ-Tiêu buồn bã, nát tan cõi lòng. Quan-Minh-Mai cũng ngỡ ngàng, thẹn thùng. Chuyện đã lỡ làng nên cả hai chỉ còn biết ôm mối hận lòng mà thôi chứ chẳng ai nói với ai được lời nào. Trần-Chánh-Đức ghen tuông tìm Viên-Sĩ-Tiêu quyết đấu nhưng đánh không lại vì bản lãnh Viên-Sĩ-Tiêu cao hơn mình một bậc. Nếu không nhờ Quan-Minh-Mai năn nỉ thì có lẽ Trần-Chánh-Đức đã nguy hiểm đến tính mạng. Từ đó, Trần-Chánh-Đức tự lượng sức mình, không còn dám nghĩ đến chuyện gây sự với Viên-Sĩ-Tiêu nữa, âm thầm dẫn vợ qua xứ Hồi sống một cuộc sống ẩn dật. Viên-Sĩ-Tiêu và Quan-Minh-Mai dù vậy vẫng không thể nào quên được nhau. Mặc dù cả đôi bên vẫn đường đường chính chính, không đi lại với nhau hay làm chuyện gì mờ ám để gây nên tai tiếng, nhưng tình nghĩa bấy nhiêu năm quen biết cũng như niềm tâm sự đau buồn không thể nào vơi được. Chính Trần-Chánh-Đức cũng nhìn thấy được điều đó nên rất buồn lòng và đau khổ. Tóm lại suốt mấy chục năm trời sau đó, cả ba người đều buồn phiền, không lúc nào vơi được. Cho đến giờ này, cả ba đều già hết rồi, nhưng tâm sự của họ vẫn không hề thay đổi chút nào.

Trần-Chánh-Đức nghĩ mình cứu mạng Viên-Sĩ-Tiêu mà không được tiếng cám ơn còn bị ông ta hậm hực nói xốc óc thì trong lòng không được vui. Quan-Minh-Mai hiểu tính tình hay dỗi hờn của Viên-Sĩ-Tiêu nên dịu giọng hỏi:

-Sao? Chúng tôi làm hỏng kế hoạch gì của anh vậy?

Viên-Sĩ-Tiêu đáp:

-Ta đang tìm cách dẫn dụ đàn sói này vào cạm bẫy để giết chúng, tự nhiên mấy người nhanh nhẩu đoảng ra tay cứu người, làm hỏng hết mọi việc! Nhưng thôi, dù sao thì các người cũng có ý tốt, ta xin có lời cám ơn.

Không biết Viên-Sĩ-Tiêu nói thật hay không, nhưng được nghe lời cám ơn từ miệng ông ta nói ra, Thiên-Sơn Song-Ưng cảm thấy vui vẻ, mãn nguyện vô cùng.

Khi đó, nhìn thấy Quan-Đông Tam-Ma hớt ha hớt hãi chạy đến. Viên-Sĩ-Tiêu nói:

-Hãy cứu người trước rồi tính sau.

Dứt lời, Thiên-Trì Quái-Hiệp nhảy xuống, vung chưởng ra tay giết một lượt đến mấy chục con sói. Sau đó ông ta nắm lấy bọn Tam-Ma, thảy từng tên lên cây táo bên kia. Ba tên lên tiếng cảm tạ Thiên-Trì Quái-Hiệp chẳng cùng.

Viên-Sĩ-Tiêu lại hăng máu, khi chưởng khi chỉ, giết thêm vô số chó sói. Đánh giết một hồi chán chê, ông ta mới chịu leo lên cây trở lại. Bầy sói hung hăng, thấy đồng loại bị người đánh chết liền đổ xô lại xé thịt đồng loại ăn ngấu nghiến.

Sau cùng, bầy sói như biết rõ không thể nào đụng được những người ở trên cây bèn rút lui, nhập lại với đồng loại, tiếp tục rượt theo bầy dã thú.

Thiên-Sơn Song-Ưng dạy Tiêu-Thanh-Đồng ra mắt Thiên-Trì Quái-Hiệp. Viên-Sĩ-Tiêu nhìn gương mặt của nàng biết đang mang bệnh trầm trọng nên lấy ra một viên thuốc nói:

-Đây là viên Thiết-sâm hoàn. Con mau uống vào là hết bệnh ngay, lại còng tăng thêm sinh lực 10 năm công phu luyện tập.

Quan-Minh-Mai biết đây là một viên thuốc rất quý liền bảo đồ đệ mau tạ ơn Viên-Sĩ-Tiêu nhưng chỉ thoáng một cái, ông ta đã nhảy xuống dưới rồi tung mình mấy cái mất hút.

Uống xong viên thuốc, nét mặt Tiêu-Thanh-Đồng hồng hào ngay trở lại. Nàng cảm thấy khỏe khoắn trong người, sức lực như tăng cường thêm rất nhiều.

Quan-Minh-Mai nói:

-Thật là một viên thuốc tiên!

Uống thuốc xong, Tiêu-Thanh-Đồng liền theo Thiên-Sơn Song-Ưng trở về Ngọc-Vương-Cổn. Trước khi đi, nàng không quên nhìn lên cây táo bên phia nói với Tam-Ma:

-Ta chính là Thúy-Vũ Hoàng-Sam Tiêu-Thanh-Đồng. Các ngươi muốn gì sau này cứ việc tìm ta mà thanh toán.

Quan-Minh-Mai nhìn Tam-Ma nói:

-Nếu chúng bây có gan trời thì cứ việc đụng đến đồ đệ của ta.

Về đến Ngọc-Vương-Cổn, Tiêu-Thanh-Đồng nhất nhất kể lại đầu đuôi mọi chuyện cho Thiên-Sơn Song-Ưng nghe. Đến đoạn Trần-Gia-Cách thân mật với Hương Hương công chúa, Quan-Minh-Mai giận dữ đứng dậy la lên:

-Phải giết chết cả hai đứa bạc tình này!

Tiêu-Thanh-Đồng nghe nói thất kinh can ngăn:

-Đừng! Sư phụ! Đừng nên…

Tiêu-Thanh-Đồng sợ hãi quá đến ngất đi. Đến lúc tỉnh dậy, nàng không thấy sư phụ cùng sư công ở đâu cả. Hoảng hốt, Tiêu-Thanh-Đồng lên ngựa phóng đi tìm.

Thiên-Sơn Song-Ưng sau khi nghe kể đều giận dữ khôn tả, quyết phải đi tìm Trần-Gia-Cách cùng Hương Hương công chúa Kha-Tư-Lệ. Đi được ba ngày thì phát hiện nhìn ra xa thấy có hai bóng người một nam một nữ trẻ tuổi đang sóng ngựa đi đôi. Nhận ra là Trần-Gia-Cách cùng Kha-Tư-Lệ, Thiên-Sơn Song-Ưng liền phi ngựa tiến tới.

Trần-Gia-Cách trông thấy hai người thì mừng rỡ, nhảy xuống ngựa chào hỏi:

-Được gặp hai vị tiền bối nơi đây thật là may mắn. Chẳng hay hai vị có tìm thấy Tiêu-Thanh-Đồng cô nương hay không?

Quan-Minh-Mai trong bụng chửi thầm:

-“Đồ bạc tình bạc nghĩa! Khéo giả vờ thăm hỏi người tình cũ!”

Tuy vậy, ngoài mặt bà ta vẫn giả lã đáp:

-Chưa! Chẳng hay có việc gì vậy?

Miệng nói, nhưng mắt Quan-Minh-Mai đảo mắt nhìn Kha-Tư-Lệ. Chưa kịp hỏi thì Trần-Gia-Cách đã mau mắn nói:

-Đây là sư phụ của lệnh tỷ. Cô nương mau làm lễ ra mắt.

Hương Hương công chúa vội vàng nhảy xuống ngựa khấu đầu, miệng tươi tắn thưa:

-Con là Kha-Tư-Lệ. Chị con vẫn thường nhắc nhở đến hai vị tiền bối luôn.

Hai vợ chồng Thiên-Sơn Song-Ưng nhìn thấy sắc đẹp của Kha-Tư-Lệ cũng phải giật mình nghĩ thầm:

-Con bé đẹp như thế này, chả trách tên kia bội tình, có mới nới cũ!

Trần-Gia-Cách kể lại đầu đuôi câu chuyện. Quan-Minh-Mai cũng ậm ừ, để yên cho chàng nói. Trần-Gia-Cách vừa kể xong, Quan-Minh-Mai bèn đề nghị:

-Hay là chúng ta cùng nhau đi tìm Tiêu-Thanh-Đồng một thể có lẽ tiện hơn.

Trần-Gia-Cách nghe nói cả mừng. Thế rồi 4 người cùng nhau tiến thẳng về hướng Bắc mà đi. Dọc đường, Thiên-Sơn Song-Ưng để ý thật kỹ từng hành động của Trần-Gia-Cách cùng Kha-Tư-Lệ. Bà nhận thấy họ có vẻ khắng khít bên nhau nhưng vẫn giữ đúng nề nếp gia phong, không có gì tỏ vẻ là yêu đương cuồng loạn.

Tối đến, bốn người dựng lều nghỉ chân. Quan-Minh-Mai bàn mưu hành thích cả hai người, Trần-Chánh-Đức sẽ ra tay hạ sát Trần-Gia-Cách, còn bà ta sẽ hành thích Kha-Tư-Lệ.

Thiên-Sơn Song-Ưng đến lều của Trần-Gia-Cách và Kha-Tư-Lệ. Thấy hai người vẫn còn thức ngồi bên ngoài nói chuyện với nhau, hai vợ chồng chưa ra tay vội, để ý lắng nghe. Trần-Gia-Cách và Kha-Tư-Lệ luôn luôn nhắc chuyện về Tiêu-Thanh-Đồng, nét mặt cả hai hiện đầy vẻ lo âu đối với Thúy-Vũ Hoàng-Sam. Trần-Gia-Cách từng lời nói, từng cử chỉ đều tỏ ra quan tâm đến sự an nguy của Tiêu-Thanh-Đồng nhiều hơn là Kha-Tư-Lệ ở cạnh bên mình.

Đột nhiên Quan-Minh-Mai khựng lại. Bà cảm thấy mủi lòng. Hai giọt nước mắt từ từ lăn xuống đôi gò má. Trần-Chánh-Đức thấy vậy liền ôm vợ sát vào lòng như an ủi. Cả hai người sau đó mỉm cười, bỏ về lại lều mình.

Sáng ra, vừa thức dậy, Trần-Gia-Cách và Kha-Tư-Lệ mới hay Thiên-Sơn Song-Ưng đã bỏ đi từ bao giờ. Gần chỗ hai người ngồi nói chuyện hôm qua có khắc bằng mũi kiếm nhiều đại tự thật lớn:

“Phụ tình bạc nghĩa, chớ trách mạng vong”

Kha-Tư-Lệ ngạc nhiên hỏi:

-Mấy chữ này có ý nghĩa gì vậy?

Trần-Gia-Cách cười đáp:

-Thiên-Sơn Song-Ưng cho biết có chuyện phải đi gấp.

Bỗng nhiên Kha-Tư-Lệ kinh hãi la lên:

-Kìa, anh hãy thử lắng nghe!

Tiếng chó sủa từ xa vọng lại mỗi lúc một gần. Trần-Gia-Cách cả kinh nói:

-Đó là bầy sói đói đi tìm mồi, chạy mau!

Hai người thu dọn thật lẹ rồi phóng lên ngựa phi như bay. Đàng sau, hàng ngàn, hàng vạn con chó sói kéo từng bầy chạy tới như một làn sóng hãi hùng. Nhờ hai con thần mã phi thật lẹ, phút chốc Trần-Gia-Cách và Kha-Tư-Lệ đã bỏ xa đàn sói ngót trên 100 dặm.

Tin tưởng đã qua cơn nguy hiểm, Trần-Gia-Cách cùng với Kha-Tư-Lệ ngồi xuống nghỉ mệt tại một nơi tương đối an toàn, bên cạnh có một rừng cây nhỏ. Lúc ấy trời cũng đã khuya. Sa mạc ban ngày nóng bao nhiêu thì ban đêm trở nên lạnh bấy nhiêu. Thấy vậy, Trần-Gia-Cách bèn đi nhặt một mớ cành khô về nhóm lên làm thành một đống lửa.

Quá mệt mỏi, cả Trần-Gia-Cách nằm gần bên đống lửa sưởi ấm đến nỗi thiếp đi lúc nào không hay. Đến lúc nghe tiếng sói sủa ấm ĩ, hai người mới giật mình tỉnh giấc. Hai người định lên ngựa chạy nhưng đã quá muộn, bầy sói đã bao vây cả hai chung quanh.

Thấy bầy sói có vẻ do dự, Trần-Gia-Cách biết ngay bởi vì loài vật vốn sợ lửa nên chàng vội vàng dùng đám cành khô bỏ thêm vào đống lửa cho phựt lên. Một đám sói có lẽ vì quá đói nên liều mạng, xông vào. Bốn con nhảy tới vồ hai con ngựa, liền bị cặp mã đá tung bó vó trước sau, vỡ đầu chết tươi.

Trần-Gia-Cách quăng xác chúng vào giữa đàn sói, lập tức những con sói khác nhào tới xé thịt chúng ra ăn ngon lành, luôn cả xương cũng không còn.

Bốn con khác xông tới vồ Hương Hương công chúa. Trần-Gia-Cách cả kinh, một tay chộp lấy một con dùng làm vũ khí đập vào đầu một con khác chết tươi cả hai. Một chân chàng bồi cho một con một cước chết ngay tại chỗ, rồi một tay dùng chưởng đánh ngay đầu một con khác vỡ sọ. Theo phương pháp, cũ, Trần-Gia-Cách lại quăng xác chúng ra giữa đàn sói để mượn chúng thu dọn hộ chiến trường.

Nhìn đống cành khô sắp hết, Trần-Gia-Cách cả kinh nói với Kha-Tư-Lệ:

-Cô coi chừng đống lửa, nhớ đốt thêm và giữ cho ngọn lửa cháy đều, để tôi đi lấy thêm củi về mới được.

Kha-Tư-Lệ gật đầu dặn lại:

-Anh phải hết sức thận trọng.

Trần-Gia-Cách tả xung hữu đột, giết thêm nhiều sói để mởi đường vào rừng lấy thêm cành cây khô. Cứ lấy được vài cành khô là chàng lại phải giết thêm vài con sói. Đến lúc ôm đầy được một bó, Trần-Gia-Cách trước sau đã giết được cả trăm con. Đám dã thú đánh hơi được mùi máu của đồng loại thì ùa đến tranh nhau ăn thịt, cắn xé lẫn nhau.

Trần-Gia-Cách phóng mình một các đã nhảy về lại thành lửa của mình. Thấy chàng trở về an toàn, Kha-Tư-Lệ mừng rỡ vô cùng, chạy ra giúp chàng đem củi vào trong để tiếp tục nhóm lửa.

Nhìn vào bên trong đống lửa, Trần-Gia-Cách bỗng kinh hãi thấy một bóng người quần áo rách như bươm, tay cầm kiếm, mình mẩy dính đầy máu me. Đôi mắt hắn nhìn Trần-Gia-Cách tỏ vẻ lo lắng, như van lơn. Hắn chính là Hoả-Thủ Phán-Quan Trương-Siêu-Trọng.

Kha-Tư-Lệ nói:

-Người này bị bầy sói rượt, thời may thấy ngọn lửa của chúng ta nhảy vào nên thoát nạn. Kìa! Anh xem y có thảm thương hay không.

Kha-Tư-Lệ động lòng rót một ly nước đưa cho Trương-Siêu-Trọng. Hỏa-Thủ Phán-Quan mừng rỡ chộp lấy uống một hơi cạn. Định cầm khăn đến lau máu trên mặt cho y, nhưng tình cờ nhận ra là tên hung ác hôm ở tổng hành dinh giao thủ với Trần-Gia-Cách và định bắt sống mình, Hương Hương công chúa la lên một tiếng kinh hãi.

Trần-Gia-Cách nhìn Trương-Siêu-Trọng nghiêm mặt nói:

-Lại đây!

Nhưng Trương-Siêu-Trọng hình như đã kiệt sức nên chỉ mới trở mình một cái đã ngã lăn ra bất tỉnh.

Nguyên Trương-Siêu-Trọng sau khi cứu được Hoa-Nhĩ-Đạt đem về trận thì bắt gặp Trần-Gia-Cách cùng Hương Hương công chúa lên đường đi tìm Tiêu-Thanh-Đồng. Y liền bàn với Hoa-Nhĩ-Đạt cùng đi theo hắn để rình hai người, chờ cơ hội bắt Hương Hương công chúa. Chẳng ngờ giữa đường hai tên đụng phải đàn sói hung dữ, hàng nghìn hàng vạn con, nên cả hai phải liều chết mà chống đỡ. Trong khi Hoa-Nhĩ-Đạt đang bận chống đỡ với bầy sói, Trương-Siêu-Trọng liền nghĩ ra một độc kế. Y thừa lúc Hoa-Nhĩ-Đạt không để ý liền đâm cho một kiếm sau lưng chết tốt. Thuận tay y giết luôn con ngựa của mình và của Hoa-Nhĩ-Đạt đang cỡi. Thế là đàn sói ùa vào xé xác Hoa-Nhĩ-Đạt và hai con ngựa ra. Nhờ vậy, Trương-Siêu-Trọng mới được rộng chỗ để tìm đường thoát ra.

Bị đàn sói rượt suốt cả ngày đêm, không ăn không uống, Trương-Siêu-Trọng đã đến hồi kiệt lực, nhưng thời may lại tìm được ngọn lửa của Trần-Gia-Cách đốt nên xông bừa vào mà tránh đàn dã thú.

Hương Hương công chúa thấy tội nghiệp y nên lấy khăn nhúng nước lau mặt cho y, rửa sạch các vết máu. Sau đó, nàng lại đổ thêm vào miệng y thêm một ít nước. Sau một hồi khá lâu, Trương-Siêu-Trọng mới từ từ tỉnh hẳn lại.

Trần-Gia-Cách nói:

-Chúng ta hiện tại đang lâm vào tình trạng hiểm nghèo. Hãy cùng nhau hợp tâm hợp lực để cùng nhau thoát khỏi bầy sói này, mà tạm gác lại những ân oán. Trương đại nhân nghĩ sao?

Trương-Siêu-Trọng gật đầu nói:

-Lời Trần tổng đà-chủ thật sáng suốt. Nếu chúng ta còn rắp tâm mà hại lẫn nhau thì chỉ có nước vào bụng sói cả mà thôi!

Trong khi Trần-Gia-Cách và Kha-Tư-Lệ thay phiên nhau trông chừng đốn củi, Trương-Siêu-Trọng thừa cơ hội vận công tĩnh dưỡng nên chẳng bao lâu đã hồi phục được nguyên khí.

Trần-Gia-Cách sực nhớ được phương pháp Thiêu lang yên truyền phóng (#1). Chàng liền đốt một thanh củi lửa thật dài, giơ lên cao như một ngọn pháo bông. Trương-Siêu-Trọng lắc đầu nói:

-Vô ích! Dù cho ai có trông thấy đi chăng nữa cũng chẳng dám tới đây cứu chúng ta đâu. Trừ khi có một đạo quân vài ngàn người thì may ra!

Đến sáng, đàn sói vẫn tiếp tục bao vây chặt chẽ bên ngoài thành lửa. Trần-Gia-Cách nhìn xa thấy một bầy lạc đà mấy trăm con đang chạy thì reo lên:

-Hay lắm! Hy vọng đàn sói sẽ bỏ chúng ta mà rượt bầy lạc đà này.

Chàng vừa dứt lời lại nghe nhiều tiếng sủa từ xa vọng lại. Thì ra đàng sau bầy lạc đà là một bầy sói nữa, không biết là bao nhiêu con đang đuổi theo.

Trương-Siêu-Trọng bực mình lên tiếng chửi rủa:

-Cái lũ quỷ sứ kéo đến càng lúc càng đông. Phen này chắc chỉ có nước chết thôi chứ còn mong gì mà thoát nạn! Khốn nạn! Thật là khốn nạn!

Đột nhiên có ba thớt ngựa đang tiến dần về phía đống lửa. Nhưng lúc đến gần thì không thể nào vào được bên trong vì đàn sói bu lại chung quanh quá đông, có đến cả nghìn con.

Ba người kia võ nghệ thật cao cường, xông xáo giết rất nhiều sói. Nhưng càng giết, chúng càng kéo tới đông, binh khí của ba người không làm sao giết kịp.

Không ai bảo ai, cả Trần-Gia-Cách lẫn Trương-Siêu-Trọng cùng xông ra giết sói cứu người. Sau một hồi nỗ lực ra công, 5 người đã mở được một đường cho ba con ngựa vào bên trong thành lửa để trốn nguy. Mọi người chợt nhìn ra một người bị trói chặt hai tay nằm sấp trên lưng một con ngựa. Người này dáng điệu mảnh khảnh, hình như là một thiếu nữ.

Ba người kia đã kiệt sức. Trần-Gia-Cách liền dìu thiếu nữ kia xuống để cởi trói. Vừa nhìn thấy mặt thiếu nữa, Trần-Gia-Cách bỗn thất kinh kêu lên một tiếng. Kha-Tư-Lệ không dằn được kêu lớn:

-Trời ơi! Chị tôi! Chị! Chị…

Thì ra thiếu nữ bị trói với gương mặt xanh xao kia chính là Tiêu-Thanh-Đồng chứ chẳng phải ai xa lạ.

Hôm ấy sau khi nghe sư phụ có ý định đi giết Trần-Gia-Cách và Kha-Tư-Lệ, Tiêu-Thanh-Đồng sợ hãi đến ngất đi. Khi tỉnh lại nàng không dám chậm trễ liền lên ngựa đi tìm sư phụ để ngăn cản.

Đi được nửa buổi, nàng đụng phải Quan-Đông Tam-Ma. Không đủ sức chống cự, Tiêu-Thanh-Đồng bị bắt trói lại bỏ trên lưng ngựa.

Quan-Đông Tam-Ma sau đó cứ chạy vòng vòng mà không biết đường nào ra. Tình cờ ba tên phát hiện được khói bay ở trên trời thì tưởng là đã gần ra được sa mạc mà đến một làng mạc nào. Nhưng chúng có ngờ đâu đó là khói từ cây củi lớn do Trần-Gia-Cách đốt giơ cao lên trời.

Đang loay hoay tìm hướng thì đụng phải đàn sói rượt bầy lạc đà nên cả ba đều phải chạy thục mạng mà mở đường máu. Thời may chúng nhìn thấy được đống lửa của Trần-Gia-Cách nên liều mạng xông tới, lại nhờ Trần-Gia-Cách và Trương-Siêu-Trọng ra tay cứu nên mới còn mạng.

Tiêu-Thanh-Đồng vừa mở mắt ra, thấy mình đang nằm trong lòng Trần-Gia-Cách, còn Kha-Tư-Lệ thì gục đầu một bên khóc nức nở.

Cảm động vô cùng, Tiêu-Thanh-Đồng ngồi dậy ôm Kha-Tư-Lệ nói như hờn như trách:

-Em vẫn còn thương nhớ chị hả? Những tưởng trong kiếp này mình không bao giờ còn gặp được nhau nữa!

Trần-Gia-Cách nhìn Quan-Đông Tam-Ma với cặp mắt đầy thù hận. Trương-Siêu-Trọng thấy thế vội khuyên can, kêu gọi mọi người nên hợp tác với nhau cho qua cơn hoạn nạn.

Vì mải chăm sóc cho Tiêu-Thanh-Đồng nên Trần-Gia-Cách và Kha-Tư-Lệ quên bỏ thêm củi khô vào đống lửa, để một chỗ bị tắt hẳn, chừa một khoảng trống ra. Đến khi Kha-Tư-Lệ vừa khám phá ra thì đã có mấy chục con sói xông vào.

Không kịp chụp lấy binh khí, Trần-Gia-Cách liền thi triển Bách-Hoa Thố-Quyền giết một lượt 5 con sói cứu nguy cho Kha-Tư-Lệ.

Phía Tam-Ma ngồi đột nhiên tắt củi. Đàn sói lại thừa cơ xông vào tấn công. Trương-Siêu-Trọng phải chụp vội thanh kiếm xông bừa tới giết sói. Tam-Ma cũng phải rút binh khí ra đánh dữ dội.

Cổ-Kim-Phiêu giết được vài con sói thì bị một con cắn trúng vào chân. Hắn vừa giết được con sói ấy thì một con khác lại nhảy tới táp vào cổ tay hắn làm rơi mất binh khí.

Trần-Gia-Cách thấy vậy liền rút một thanh củi đang cháy thảy cho Cổ-Kim-Phiêu, miệng hô lớn:

-Bắt lấy!

Cổ-Kim-Phiêu mừng rỡ bắt lấy cây củi, rồi cầm quơ vào trước mặt mấy con sói. Giống vật quả lúc nào cũng sợ lửa nên không con nào dám lại gần Cổ-Kim-Phiêu nữa.

Trong khi đó, Trần-Gia-Cách đã rút được thanh đoản kiếm của Tiêu-Thanh-Đồng tặng mình ra. Chàng mặc sức tung hoàng, giết sói nhiều không biết bao nhiêu mà kể. Những con còn lại hoảng sợ chạy ra ngoài. Duy chỉ một con dữ dằn, không chịu lui, chỉ nhe hai răng chựa cắn lại.

Trần-Gia-Cách liền bổ xuống một kiếm ngay đầu nó. Nào ngờ con vật khôn ngoan, lùi lại sau đồng thời táp lấy thanh kiếm của chàng. Trần-Gia-Cách dùng chân đá cho nó mấy cước nhưng con vật vẫn cắn chặt không chịu nhả. Nổi giận, Trần-Gia-Cách tung ra một chưởng đánh ngay đầu con chó vỡ sọ, ngã gục xuống chết, nhưng trên miệng còn ngậm thanh đoản kiếm của chàng.

Mọi người đang chung quanh bỗng cảm tưởng như một ánh hào quang lóe lên, rồi tất cả cùng kinh ngạc. Trong miệng con sói rõ ràng ngậm đoản kiếm mà trên tay của Trần-Gia-Cách cũng lại cầm một đoản kiếm còn nguyên vẹn chứ không phải bị gẫy.

Trần-Gia-Cách đưa lưỡi kiếm lên nhìn thử. Một luồng kiếm khí toát ra khiến cho chàng cảm thấy lạnh người. Qua giây phút, Trần-Gia-Cách chợt hiểu được nguyên do. Thì ra thanh kiếm Tiêu-Thanh-Đồng tặng cho chàng thật sự có đến hai lớp vỏ. Lớp vỏ thứ nhất đã đành ai cũng biết. Nhưng không ngờ trên thực tế nó còn thêm một lớp vỏ bí mật thứ hai nữa. Lớp vỏ đặc biệt này được ngụy trang hết sức khéo léo đến độ ai cũng tưởng đó là lưỡi kiếm, nhưng không ngờ được sự thật đó chỉ là một bao kiếm sắc bén mà thôi. Trần-Gia-Cách đã được Tiêu-Thanh-Đồng cho biết rằng có một ẩn tàng nào trong thanh kiếm này mà trải qua bao nhiêu chủ nhân rồi mà vẫn không ai biết được nó. Nếu không có sự tình cờ bị con chó táp lấy lưỡi kiếm thì có lẽ Trần-Gia-Cách không bao giờ biết được bí mật này của thanh kiếm.

Trần-Gia-Cách lấy rút cái vỏ trong miệng con sói ra rồi tra kiếm vào thi quả nhiên vừa vặn vô cùng, trông như một thanh kiếm thường chứ không ai biết rằng nó đã được bọc ở ngoài thêm mộ lớp vỏ nữa.

Hương Hương công chúa tò mò cầm kiếm lên xem, khen ngợi luôn miệng, thích thú vô cùng. Nàng rút vỏ kiếm bí mật ấy gõ nhẹ mấy cái chợt thấy một vật gì tròn đỏ như hột cườm màu đỏ tươi gắn dính vào từ bên ngoài.

Kha-Tư-Lệ liền rút cây trâm trên đầu nàng cậy nhẹ một cái, một hột màu đỏ rơi vào lòng bàn tay nàng. Kha-Tư-Lệ cầm hột cườm đỏ đạt lên tay của Trần-Gia-Cách. Chàng xem xét một hồi thì nhận ra là một hột hoàn sáp nhỏ chứ không phải là hột cườm.

Trần-Gia-Cách hỏi Tiêu-Thanh-Đồng:

-Chúng ta có nên mở ra xem thử không?

Tiêu-Thanh-Đồng gật đầu, tỏ ý ưng chịu. Trần-Gia-Cách khẽ bóp nhẹ một cái, hoàn sáp vỡ làm đôi. Bên trong là một miếng giấy mỏng vo tròn lại thật nhỏ. Chàng mởi giấy ra xem, thấy mặt giấy mỏng dính như cánh ve sầu. Màu giấy trắng theo thời gian đã thành màu vàng sậm. Trên giấy viết toàn bằng chữ Duy nhỏ li ti. Bên mặt có vẽ một bản đồ rất đầy đủ chi tiết, có núi, sông, rạch, đường đi, bãi cát…

Chú thích:

(1-) Thiêu lang yên truyền phóng: cách đốt phân chó sói để truyền tin bằng khói.

Chọn tập
Bình luận