Nhắc lại Từ-Thiện-Hoằng đêm hôm ấy nghỉ tại khách sạn chợt nghĩ đến mấy phong thư lấy được từ đám tiêu sư Trấn-Viễn tiêu cục liền mở từng bức ra đọc. Hầu hết chỉ là những thư từ cá nhân, không có liên quan gì đến Hồng Hoa Hội cả. Chỉ riêng có bức thư cuối cùng do Vương-Duy-Dương gửi cho Hàn-Văn-Xung đốc thúc họ Hàn gấp rút về gấp kinh-đô để hộ tống một số châu báu đi Giang-Nam, và có đề cập đến đại quân chinh Tây của Triệu-Huệ.
Từ-Thiện-Hoằng đoán rằng chắc vì trách nhiệm nặng nề nguy hiểm mà lại không đủ cao thủ nên Vương-Duy-Dương phải nhờ cậy đến Hàn-Văn-Xung. Thình lình nghe phòng bên có tiếng Châu phu nhân và Châu-Ỷ cãi nhau, mà mình là đề tài chính. Chàng thầm nghĩ nếu vì mình mà để cho Châu-Ỷ phải mang tiếng không tốt thì thật không đành chút nào nên viết vội bức thư nhờ tiểu nhị trao lại cho hai người rồi một mình lặng lẽ ra đi trong đêm khuya.
Chiều hôm sau, Từ-Thiện-Hoằng đến biên giới tỉnh Hà-Nam. Nhận được ký hiệu quen thuộc để lại trên một vách tường, chàng lập tức thẳng đường tới Khai-Phong. Kế đến, chàng tìm đến tư gia của đại hiệp Mai-Lương-Minh ở Biện-Lương thì quả nhiên gặp đủ tất cả các nhân vật Hồng Hoa Hội tại đây. Thấy chàng bình an vô sự, ai nấy đều vui mừng không biết mấy.
Lúc ấy, thương tích của Vệ-Xuân-Hoa, Chương-Tấn, Tâm-Nghiện cũng đã lành. Thạch-Song-Anh vâng lệnh Trần-Gia-Cách đem tin sang xứ Hồi cho Mộc-Trác-Luân chưa về. Hai anh em Tây-Xuyên Song-Hiệp đi công tác, dò thăm tin tức Văn-Thái-Lai, còn Tưởng-Tứ-Căn đi quan sát tình hình nạn lụt do sông Hoàng-Hà gây nên.
Từ-Thiện-Hoằng giấu nhẹm việc mẹ con Châu-Ỷ, chỉ cho mọi người biết tin tức về Dư-Ngư-Đồng đang bị trọng thương và đi chung với một thiếu nữ cải nam trang. Lúc đầu chàng tưởng đó là Lạc-Băng, nhưng bây giờ gặp Lạc-Băng ở đây thì trong lòng thắc mắc vô cùng, không hiểu người kia là ai.
Sáng hôm sau, Châu-Ỷ cũng đến nơi. Châu-Trọng-Anh và mọi người hết sức vui mừng.
Châu-Ỷ khẽ láy mắt Từ-Thiện-Hoằng rồi ghé tai chàng nói nhỏ:
-Anh sang đây! Tôi có việc cần thương lượng với anh một chút.
Từ-Thiện-Hoằng ngoan ngoãn đi theo nàng không chút do dự, không một tiếng thắc mắc.
Cả Châu-Trọng-Anh lẫn đám hào kiệt Hồng Hoa Hội đều ngạc nhiên. Không ai có thể tưởng tượng được cảnh nhìn thấy hai người thân mật với nhau như vậy.
Ra ngoài hiên, Châu-Ỷ nói với Từ-Thiện-Hoằng:
-Mẹ tôi cương quyết không chịu đến gặp mặt cha tôi. Anh có cách nào nối được hai người lại với nhau không?
Từ-Thiện-Hoằng cười lớn nói:
-Mẹ em không chịu đến thì mời cha em đi đến đón về, có gì là khó đâu!
Châu-Ỷ nói:
-Nói như anh thật dễ dàng quá! Bà mà không chịu đến gặp ông thì có năn nỉ đến nghìn lần ông cũng không chịu đi đón bà về đâu mà hòng!
Từ-Thiện-Hoằng trầm ngâm giây lát rồi reo lên:
-Có cách rồi!
Chàng rỉ tai Châu-Ỷ nói nhỏ một hồi. Châu-Ỷ hỏi:
-Biết có được không?
Từ-Thiện-Hoằng nói bằng giọng quả quyết:
-Nhất định được mà! Em mau đi trước đi!
Châu-Ỷ đi ra khỏi nhà, Từ-Thiện-Hoằng vào lại bên trong. Nói chuyện với mấy người Hồng Hoa Hội một lúc, chàng từ tốn nói với Châu-Trọng-Anh:
-Thưa Châu lão bá, ở gần chùa Thiết-Tháp, rượu đã thơm ngon mà phong cảnh lại hữu tình. Chúng ta đến đó uống rượu mà thưởng thức thì thật là hứng thú.
Thấy Từ-Thiện-Hoằng gãi đúng chỗ ngứa của mình, Châu-Trọng-Anh mỉm cười hài lòng, nhận lời ngay:
-Vậy tôi xin mời tất cả cùng đến đó chén một bữa cho thật say.
Từ-Thiện-Hoằng nói:
-Thưa lão bá, đi đông không tiện. Nơi này nằm trong châu thành nên bọn tẩu cẩu, tai mắt của triều đình rất đông. Rủi chúng đánh hơi được thì hỏng hết việc lớn của chúng ta. Xin lão bá mời riêng Tổng-Đà-Chủ đi cho vui thôi.
Châu-Trọng-Anh khen phải, bèn mời Trần-Gia-Cách cùng đi chung. Từ-Thiện-Hoằng chọn một cái bàn bên ngoài, rồi ba người chia nhau ngồi theo vị trí chữ phẩm (#1).
Cả ba ngồi thưởng thức phong cảnh, chẳng mấy chốc đã uống hết mấy bình rượu ngon. Bấy giờ, Từ-Thiện-Hoằng mới bắt đầu gợi chuyện:
-Châu lão bá, nhân dịp cha con bác đoàn tụ lại với nhau, cháu xin mừng bác một chung.
Châu-Trọng-Anh uống cạn rồi bỗng cảm thấy lòng như bùi ngùi, khẽ thở dài một tiếng.
Từ-Thiện-Hoằng nói tiếp:
-Lão bá không được vui, hẳn luyến tiếc công trình gây dựng Thiết-Đả-Trang, nay không còn!
-Đó chỉ là vật ngoại thân! Lão phu không bao giờ bận tâm đến!
-Chắc lão bá thương nhớ đến… Châu tiểu đệ?
Châu-Trọng-Anh không nói, chỉ thở dài não nuột. Trần-Gia-Cách thấy không ổn liền đảo mắt ra hiệu, ý bảo Từ-Thiện-Hoằng đừng khơi lại vết thương lòng của Châu-Trọng-Anh.
Nhưng Từ-Thiện-Hoằng giả vờ như không trông thấy, nói tiếp:
-Lúc ấy Châu tiểu đệ ngây thơ bị kẻ gian dụ dỗ vô tình chỉ chỗ núp của Văn tứ ca cho chúng bắt. Lão bá nóng giận, và vì muốn giữ trọn chữ tín trong đạo nghĩa giang hồ nên phải đau lòng mà hạ thủ. Anh em Hồng Hoa Hội hết sức áy náy về chuyện này…
Trần-Gia-Cách thấy vậy vội nạt Từ-Thiện-Hoằng:
-Thất ca! Anh uống nhiều quá rồi đó! Đừng nói nữa!
Từ-Thiện-Hoằng vẫn không nghe, lại hỏi:
-Chẳng hiểu vì sao mà Châu phu nhân lại bỏ nhà ra đi? Lão bá có thể cho tiểu điệt biết rõ nguyên do được không?
Châu-Trọng-Anh buồn rầu, ngậm ngùi đáp:
-Bà ta vì ngăn cản lão phu giết đức con ngỗ nghịch mà không thay đổi được ý kiến của lão phu nên giận mà bỏ đi! Thương hại cho bà… một mình một thân… không rõ phiêu bạt giang hồ chốn nào! Tôi nguyện sau khi cứu được Văn tứ ca, bằng mọi cách sẽ đi tìm bà ta trở về. Nhưng bây giờ thì chưa được…
Châu-Trọng-Anh vừa nói dứt lời thì cánh cửa sổ mở ra, Châu-Ỷ dắt Châu phu nhân vui vẻ bước vào. Châu phu nhân nhìn Châu-Trọng-Anh nói:
-Những gì ông nói tôi đã nghe hết rồi. Nào ông có cần phải trèo non vượt biển gì đâu? Tôi vẫn ở gần bên ông đấy, sao không chịu đi tìm?
Châu-Trọng-Anh trông thấy cả vợ lẫn con thì chớp mắt không dám tin là thật. Ông ta vừa vui mừng vừa kinh ngạc, không sao thốt được nên lời.
Châu-Ỷ đem mẹ mình giới thiệu với Trần-Gia-Cách:
-Trần đại ca! Đây là thân mẫu của tiểu muội!
Quay sang mẹ, nàng nói:
-Mẹ à! Vị này là Tổng-Đà-Chủ Hồng Hoa Hội đấy!
Trần-Gia-Cách lịch thiệp, mời hai mẹ con ngồi chung. Châu-Ỷ nói với Châu-Trọng-Anh:
-Gia gia! Thật là ý trời xếp đặt cho cha mẹ gặp lại nhau. Con nghe ở đây mát mẻ bèn mời mẹ đi ăn cá lý ngư. Ban đầu mẹ nhất định không đi, con phải năn nỉ mãi mẹ mới chịu đi. Hai mẹ con ngồi sát bên cửa sổ gần bàn rượu, chỉ nghe cha nói một câu là hết giận liền.
Sự thật đó là diệu kế của Từ-Thiện-Hoằng bày cho Châu-Ỷ mà sắp xếp cho hai vợ chồng Châu-Trọng-Anh gần lại với nhau.
Thấy cha mẹ đã làm lành lại với nhau, Châu-Ỷ mừng rỡ vô cùng đem việc giết Đổng-Triệu-Hòa làm sao kể lại cho mọi người nghe. Từ-Thiện-Hoằng sợ nàng vui miệng nói đến việc của mình nên láy mắt ra hiệu cho nàng đừng nói.
Nhưng Châu-Ỷ không hiểu ý, lại lấy tay chỉ vào chàng nói:
-Việc giải cứu mẫu thân và giết kẻ thù đều do chú bé này sắp đặt cả đấy.
Châu-Trọng-Anh nói:
-Lời xưa vẫn nói anh hùng hào kiệt xuất thiếu niên, quả thật là đúng lắm. Ngày nay cháu cứu vợ bác, giết gian tặc trả thù cho Thiết-Đảm-Trang, bác vô cùng cảm kích!
Từ-Thiện-Hoằng khiêm tốn nói:
-Dạ không! Đó là công lao của Châu cô nương chứ cháu có công trạng hay tài cán gì đâu mà để bác phải quá lời khen tặng như thế!
Trần-Gia-Cách mỉm cười hỏi:
-Thì ra hai người gặp nhau trên bước đường hoạn nạn à?
Châu-Ỷ mắc cở đỏ mặt, cúi gầm mặt xuống, suýt nữa thì đánh rơi cả đôi đũa. Từ-Thiện-Hoằng cũng lặng im không nói được lời nào. Trần-Gia-Cách biết hai người đều có một tâm sự kín đáo nên không nỡ hỏi tới nơi.
Tan tiệc, tất cả mọi người về lại nhà Mai-Lương-Minh. Trần-Gia-Cách gọi riêng Từ-Thiện-Hoằng đến vừa cười vừa hỏi:
-Thất ca! Anh đừng giấu tôi nhé! Anh với cô ấy có nhiều cử chỉ úp mở!
Từ-Thiện-Hoằng thành thật trình bày:
-Xin Tổng-Đà-Chủ đừng nghi oan mà tội nghiệp cho cô ta. Đối với tôi, cô ấy là ân nhân. Chẳng qua sợ dư luận đàm tiếu mà phải giấu đó thôi.
Đoạn Từ-Thiện-Hoằng đem chuyện Châu-Ỷ cứu mình ra sao thuật lại cho Trần-Gia-Cách nghe.
Trần-Gia-Cách nói:
-Chính tôi nhận thấy Châu cô nương là một người có nhiều phẩm hạnh nên rất muốn làm mai cho thất ca.
Từ-Thiện-Hoằng nghe nói vội đưa tay ngăn lại:
-Xin đừng! Tổng-Đà-Chủ có lòng thương thì tôi thật hết sức cảm kích nhưng không dám tuân mệnh đâu. Tôi không xứng đáng!
Trần-Gia-Cách nói:
-Thất ca chớ nên quá khiêm nhượng như vậy. Anh văn võ toàn tài, Châu lão anh hùng lúc nào cũng quý mến…
Từ-Thiện-Hoằng ngắt lời:
-Nhưng chỉ sợ cô ấy không ưa tôi!
Trần-Gia-Cách cười nói:
-Đó là chuyện cũ. Từ hôm cô ta cứu anh thì chuyện đã khác xa rồi. Tôi thấy ngay từ lúc cô ta mới bước vào.
Đang lúc Trần-Gia-Cách tìm lời khuyên Từ-Thiện-Hoằn thì đứa gia nhân của Mai-Lương-Minh xô cửa bước vào nói:
-Thưa Trần gia, Châu lão anh hùng mời ngài sang phòng bên có chút việc.
Trần-Gia-Cách đứng dậy nhìn Từ-Thiện-Hoằng cười rồi bước ra khỏi phòng qua gặp Châu-Trọng-Anh. Thấy mặt Trần-Gia-Cách, Châu phu nhân vội chào hỏi sơ qua rồi tìm cớ lui ra nhà sau.
Châu-Trọng-Anh mở đầu câu chuyện:
-Lão có một việc tự mình khó nói, định nhờ Tổng-Đà-Chủ giúp giùm cho.
Trần-Gia-Cách lễ phép nói:
-Châu lão bá, xin đừng ngại. Việc nào vãn bối làm được tất nhiên sẽ hết lòng.
Châu-Trọng-Anh khẽ chần chừ rồi từ tốn nói:
-Con gái tôi năm nay 19 tuổi rồi, mà tính nết vẫn còn con nít lắm. Vì vậy chủ ý tôi là muốn tìm được một người cho nó bầu bạn. Nay…
Dừng lại một giây, khẽ thở ra, Châu-Trọng-Anh nói tiếp:
-Từ thất đương-gia văn võ song toàn, lại có đức độ và nhân phẩm. Ý tôi muốn tác hợp cho hai người nên duyên giai ngẫu. Hiềm vì…
Trần-Gia-Cách nghe nói cả mừng đỡ lời:
-Tưởng là việc gì! Nếu là chuyện này thì vãn bối sẵn sàng xin nhận ngay. Châu lão bá là Thái-Sơn Bắc-Đẩu của võ lâm. Nếu Từ thất ca mà được hân hạnh làm nữ tế (#2) thì thật là phúc cho cả Hồng Hoa Hội chứ không riêng gì thất ca. Vãn bối xin đi bắt tay vào việc ngay.
Trần-Gia-Cách trở về nói rõ ý định của Châu-Trọng-Anh. Từ-Thiện-Hoằng không ngờ hạnh phúc lại đến với mình đột ngột như thế nên hớn hở ra mặt, nói với Trần-Gia-Cách:
-Thôi, mọi việc xin nhờ Tổng-Đà-Chủ giúp cho.
Ngẫm nghĩ một hồi, Trần-Gia-Cách đề nghị với Từ-Thiện-Hoằng:
-Tôi có một điều tâm huyết muốn thảo luận với Từ thất ca trước.
Từ-Thiện-Hoằng nói:
-Xin Tổng-Đà-Chủ cứ nói rõ tôn ý.
Trần-Gia-Cách nghiêm trang nói:
-Châu lão anh hùng vốn chỉ có một đứa cho trai duy nhất để nối dõi tông đường nhưng chẳng may lại phải chết thảm thiết vì chuyện Hồng Hoa Hội chúng ta. Hương lửa Châu gia đã tuyệt. Đó là nỗi khổ tâm nhất của Châu lão anh hùng, và cũng là tội nặng nhất của Hồng Hoa Hội chúng ta. Thế mà cha con Châu lão anh hùng không thù hận mà lại còn liên kết, sống chết với chúng ta, tình nghĩa càng ngày càng thêm mật thiết. Nay xem chừng Châu phu nhân cũng sẽ sát cánh với chúng ta nữa. Chẳng hiểu ý thất ca thế nào?
Từ-Thiện-Hoằng chẳng chút do dự nói ngay:
-Có phải ý Tổng-Đà-Chủ muốn sau này tôi cho con trai trưởng lấy họ Châu để giữ hương lửa cho Châu lão anh hùng hay không?
Trần-Gia-Cách mừng rỡ, gật đầu nói:
-Thất ca có lòng như thế thật là quý hóa. Như thế cũng tạm gọi là đền đáp lại được phần nào ân nghĩa của Châu lão anh hùng. Mà thất ca cũng chẳng có gì phải lo. Con thứ sẽ lấy họ Từ mà giữ hương lửa cho thất ca thôi!
Liền sao đó, Trần-Gia-Cách dẫn Từ-Thiện-Hoằng sang ra mắt vợ chồng Châu-Trọng-Anh nói rõ ý định. Cả hai người đều vui vẻ, thích chí vô cùng. Châu-Trọng-Anh cao hứng nói:
-Hiện nay cha không có món gì quý báu để cho hai con làm của hồi môn. Cha chỉ có mông Thiết-Đảm này truyền lại cho con mà thôi. Đó là tuyệt kỹ của Châu-gia, một đời tung hoành trong thiên hạ, chưa hề nhượng bộ bất cứ một cao thủ nào!
Từ-Thiện-Hoằng vốn sẵn đã ngưỡng mộ võ công của Châu-Trọng-Anh, muốn học mà không được, nay nghe Châu-Trọng-Anh đích thân truyền lại cho mình thì cảm kích vô cùng, bèn quỳ xuống làm lễ bái sư theo quy luật của võ lâm.
Châu phu nhân cũng nói:
-Cha con có môn Thiết-Đảm, mẹ cũng có phép sử dụng song tiên. Để mẹ sẽ truyền luôn cho con. Tưởng đó cũng không phải là vô ích.
Tư-Thiện-Hoằng lại định quỳ xuống bái sư thì Châu-Trọng-Anh cản lại bảo:
-Đã là con cái trong nhà, hà tất phải theo quy luật của võ lâm làm gì!
Tin Từ-Thiện-Hoằng sẽ thành hôn với Châu-Ỷ truyền ra rất lẹ. Đám hào kiệt Hồng Hoa Hội đua nhau đến chúc mừng…
Sau đó, Trần-Gia-Cách mở một cuộc họp nhỏ, bàn sơ qua những kế hoạch cho những ngày sắp tới.
Trần-Gia-Cách nói:
-Chúng ta đóng ở đây đã mấy ngày, không có tin gì của Văn tứ ca cả, mà Tây-Xuyên Song-Hiệp cũng chưa về. Vậy anh em có kế hoạch gì không?
Chương-Tấn nói:
-Coi bộ Trương-Siêu-Trọng đã giải tứ ca về Bắc-Kinh rồi! Do đó mà Tây-Xuyên Song-Hiệp không tìm được tin tức gì cả. Có lẽ chúng ta phải lên Bắc-Kinh một chuyến thôi chứ không thể nào ở đây mà đợi mãi được.
Người bàn thế này, người bàn thế nọ, không ai đồng ý với ai cả. Vì vậy, Trần-Gia-Cách không có một quyết định nào rõ rệt…
Khi ấy, Thạch-Song-Anh mới hoàn thành công tác trở về. Thập-nhị đương-gia tìm Trần-Gia-Cách báo tin và trao một phong thư nói:
-Thưa Tổng-Đà-Chủ, Mộc lão anh hùng có thư hồi âm cho Tổng-Đà-Chủ đây.
Trần-Gia-Cách mở thư Mộc-Trác-Luân ra xem. Lời lẽ trong thư hết sức bi tráng khiến Trần-Gia-Cách xúc động vô cùng.
Nhìn Thạch-Song-Anh, Trần-Gia-Cách hỏi thăm:
-Gia đình Mộc-Trác-Luân đối đãi với Thập-nhị ca có chu đáo không?
Thạch-Song-Anh gật đầu nói:
-Cả gia đình ông ta quả thật là anh hùng, lại vô cùng hiếu khách. Họ hết sức niềm nở đối với tôi. Ông cho vợ, hai người con gái và một người con trai ra chào đón và tiếp đãi rất ân cần. Cô con gái lớn có lần nói chuyện với Tổng-Đà-Chủ vừa thấy tôi đã ra hỏi thăm ngay sức khỏe của Tổng-Đà-Chủ.
Trần-Gia-Cách lại hỏi:
-Cô ấy có nhắn tôi lời gì không?
Thạch-Song-Anh suy nghĩ giây lâu như cố nhớ lại rồi mới đáp:
-Có… mà không! Ý chừng cô ấy muốn gửi thăm Tổng-Đà-Chủ lắm nhưng nghĩ sao lại thôi.
Trần-Gia-Cách lặng thinh, rút thanh đoản kiếm của Tiêu-Thanh-Đồng tặng ra xem xét, cố tìm những gì bí mật ẩn bên trong. Kiếm vừa rút khỏi vỏ liền tỏa ra ánh sáng chói lòa, kiếm khí toát ra lạnh cả người…
Vừa lúc đó, Tưởng-Tứ-Căn trở về báo tin, tường thuật lại những tai ách của dân chúng qua cơn lụt do sông Hoàng-Hà gây nên, cũng như các hành vi của bọn tham quan ô lại. Chàng cho biết sông Hoàng-Hà mới vừa lặng lại dậy sóng trở lại. Chuyến này còn có vẻ khủng khiếp hơn nữa, chưa biết được thiệt hại nhân mạng và tài sản nhiều đến thế nào.
Bọn quan lại cai trị giá áo túi cơm trước tình cảnh đau khổ ấy, chẳng những không tìm biện pháp nào để cứu giúp dân chúng lầm than, còn bắt họ phải phải cùng nhau mang đất đắp đê, bó gai cản nước, làm toàn những chuyện vô ích. Một mặt, chúng viết biểu tâu về triều đình phóng đại thêm những thiệt hại để thừa cơ hội đục khoét thêm ngân quỹ của công. Không những thế, lợi dụng lúc triều đình xuất ra lúa vựa, tiền kho ra cứu giúp nạn nhân, chúng cùng nhau vơ vét chia nhau cho thỏa thích. Rốt cuộc, chẳng có một thứ gì đến tay người dân.
Mọi người ai nấy ngậm ngùi, thương xót dân chúng hết bị trời đày lại bị người hành.
Trần-Gia-Cách nói:
-Cứu người như cứu hỏa! Hồng Hoa Hội chúng ta hãy đến tận nơi để xem giúp đỡ gì được cho dân chúng thì giúp.
Nghe Trần-Gia-Cách nói vậy, ai nấy đều đồng ý, hết sức tán thành. Rồi không ai bảo ai, tất cả cùng kéo nhau lên đường cứu nạn dưới sự lãnh đạo của vị Tổng-Đà-Chủ của họ…
Suốt đêm ấy, đám hào kiệt Hồng Hoa Hội đi không nghỉ. Trời vừa hừng sáng, mọi người đã đến cửa sông. Sóng vẫn vỗ ào ào, bao nhiêu nhà cửa, súc vật đều bị cuốn trôi hết. Đi đến đâu cũng nghe tiếng khóc van, cầu cứu.
Mọi người đi quan sát khắp nơi trước khi đến trại Đỗ-Lương. Họ dự định sẽ đến Thiên-Thảo vào giờ Mùi. Đây là một thị trấn lớn nằm trên bờ sông Hoàng-Hà nên tất cả nạn nhân đều quy tụ về đó.
Lạc-Băng đem bán hết số vàng ròng mang theo mua lương thực sẵn sàng để phân phát cho dân. Chỉ trong chốc lát, nạn nhân kéo đến đông như kiến cỏ.
Trần-Gia-Cách nói:
-Bổn phận chúng ta là làm cách mạng lật đổ triều đình Mãn-Thanh, thiết lập một xã hội mới có trật tự với công bình bác ái. Nhưng đứng trước cảnh tượng đau khổ của dân chúng, chúng ta không thể nào làm ngơ được. Trách nhiệm cấp thời của Hồng Hoa Hội là là phải trực tiếp cứu dân bị nạn. Các anh em có ý kiến gì không?
Từ-Thiện-Hoằng nói:
-Lúc đi đường, tôi có nghĩ ra một biện pháp là cướp của tham quan, đoạt của nhà giàu bất lương mà giúp dân.
Trầng-Gia-Cách đồng ý nói:
-Kế ấy vô hại. Lâu nay phủ Lan-Phong có tiếng là giàu có hơn hết. Viên tri phủ này lại có tiếng là tham lam và tàn ác. Cái bọn a-dua theo hắn làm giàu bằng cách bất nhân hẳn không ít. Lấy của kẻ ác mà dùng vào việc thiện cứu mạng người cũng là điều hay. Chúng ta cứ tùy nghi mà hành động, đừng để đổ máu và nhớ tránh đừng cướp của những nhà giàu lương thiện.
Lúc ấy, một kỵ mã mặc y phục võ quan phi ngựa ngược chiều với đám hào kiệt Hồng Hoa Hội, ra vẻ gấp rút lắm. Y cho ngựa phóng nước, không cần để ý gì đến khách bộ hành. Một người đàn bà bế con trong khi cố gắng tránh né, trượt chân ngã xuống đất. Vệ-Xuân-Hoa chờ hắn phi đến gần liền lấy tay đẩy hắn một cái ngã nhào xuống ngựa.
Kỵ mã mặc võ phục lồm cồm ngồi dậy giận dữ mắng:
-Chúng bây quả là bọn ăn cướp lưu manh. Bản chức đang có việc gấp rút nên tạm gác chuyện này. Xong việc sẽ biết tay ta.
Trần-Gia-Cách nói:
-Thập ca! Anh lục thử trong túi hắn xem có gì không.
Chương-Tấn bước tới rút trong túi hắn một tờ công văn, thấy bên ngoài đề như sau: 600 dặm cấp tốc trình báo Chinh Tây Đại Nguyên-Soái. Mở công văn ra đọc, thấy có những hàng chữ vận lương quan tổng binh Tôn-Khắc-Dụng. Đại ý trong thư, Tôn-Khắc-Dụng cho Triệu-Huệ biết là lương thực tiếp tế cho quân đội Chinh Tây đã đủ số, đang trên đường chuyển đến phủ Lan-Phong. Chỉ vì sông Hoàng-Hà bị nước lụt thành ra phương tiện di chuyển bị thiếu hụt, phải chậm trễ mất vài hôm.
Trần-Gia-Cách xem xong trao cho Từ-Thiện-Hoằng nói:
-Tờ công văn hết sức quan trọng, chỉ tiếc không thấy đề cập đến chuyện Văn tứ ca.
Từ-Thiện-Hoằng nói:
-Thưa Tổng-Đà-Chủ! Tờ công văn này quý giá vô cùng, trước giúp được Mộc-Trác-Luân chống quân xâm lăng, sau cứu tế được dân bị nạn lụt sông Hoàng-Hà.
Bước đến trước mặt tên kỵ mã trong y phục võ quan cầm tờ công văn xé nát, Từ-Thiện-Hoằng cười nói:
-Để thất lạc công văn là tử tội, bị chém đầu. Nhưng ta chỉ cho mi một đường sống là nên đi chỗ khác mà làm ăn.
Tên võ quan thật là dở khóc dở cười, liền cởi bỏ bộ y phục võ quan, trà trộn vào trong đám nạn nhân tẩu thoát.
Trần-Gia-Cách đã hiểu được ý của Từ-Thiện-Hoằng nên gật đầu nói:
-Hay lắm! Thế nhưng lương thực là việc tối trọng của quân đội viễn chinh, chắc chắn là được hộ tống và canh phòng rất nghiêm trọng. Chúng ta ít người biết phải đối phó như thế nào? Thất ca có chủ kiến nào chưa?
Từ-Thiện-Hoằng ghé tai Trần-Gia-Cách nói vài câu. Trần-Gia-Cách mỉm cười gật đầu.
Sau đó, Trần-Gia-Cách liền tập họp tất cả mọi người lại phân công. Châu-Trọng-Anh và Châu phu nhân, Châu-Ỷ và Từ-Thiện-Hoằng đột nhập vào cửa Tây thành Lan-Phong. Vô-Trần Đạo-Nhân chỉ huy Dương-Thanh-Hiệp, Chương-Tấn và Tưởng-Tứ-Căn ở phương Bắc. Triệu-Bán-Sơn chỉ huy Vệ-Xuân-Hoa, Lạc-Băng và Thạch-Song-Anh tại cửa Nam. Còn đích thân Trần-Gia-Cách chỉ huy Mạnh-Kiện-Hùng, An-Kiện-Cường và Tâm-Nghiện vào cửa Đông.
Tất cả mọi người hóa trang làm nạn nhân chia nhau ra các ngả, hẹn đúng giờ Ngọ hôm sau sẽ ra tay hành động.
Hôm sau vào giờ Ngọ, có đến hàng trăm vạn nạn nhân ùa đến thành Lan-Phong như nước vỡ bờ, gây ra một tình trạng vô cùng hỗn loạn không sao kềm chế được.
Quan Tri-phủ Lan-Phong là Vương-Bá-Đạo thấy tình thế như vậy thì sai mấy tên bộ-khoái ra bắt ít nạn nhân vào tra hỏi thì người nào cũng bảo rằng họ được tin hôm nay phủ Lan-Phong phát lương cứu trợ nên đua nhau đến lãnh.
Vương-Bá-Đạo liền truyền lệnh đóng chặt bốn cửa thành lại rồi lén ra ngoài vào thẳng chùa Thạch-Phật là nơi quan Tổng-binh Tôn-Khắc-Dụng đồn trú mà báo tin.
Nắm được cơ hội tốt để kiếm chác, Tôn-Khắc-Dụng nói:
-Tiểu tướng tuân lệnh Triệu nguyên-soái giữ gìn quân lương, đúng ngày giờ phải chuyển nạp đủ số sang biên giới xứ Hồi. Nếu chẳng may để sơ thất thì cả họ hàng bị tru lục. Không phải tiểu tướng không muốn giúp, ngặt vì việc quân trọng đại, xin Vương đại nhân lượng thứ cho.
Vương-Bá-Đạo nghe nói thất vọng trở về. Phùng-Sơn-Thương, một quan lại làm việc tại bộ Hình, nổi tiếng là đa mưu lắm kế bàn rằng:
-Có phải đại quan cần binh lính đến giúp phải không? Mọi chuyện đều không qua tiền. Quan lớn cứ thử xem.
Vương-Bá-Đạo nghe lời trở về dinh lấy 5000 lượng bạc nhờ Phùng-Sơn-Thương đem đến đưa cho Tôn-Khắc-Dụng, gọi là ủy lạo quân sĩ. Quả nhiên, sau đó Tôn-Khắc-Dụng cho 500 quân thiện chiến, võ trang đầy đủ đến phủ Lan-Phong giúp canh giữ bốn cửa.
Trời vừa nhá nhem tối, bỗng có tin báo lửa bốc cháy dữ dội. Vương-Bá-Đạo đang ăn cơm phải bỏ đũa xuống đi đốc thúc các bộ khoái và quân lính đi cứu hỏa.
Một tên quân hớt ha hớt hãi chạy đến báo tin:
-Không biết ai mở cửa thành phía Tây để cho dân chúng tràn vào như thác đổ, không cách nào ngăn lại được!
Trong khi ấy, 500 quân của Tôn-Khắc-Dụng gửi đến cũng đua nhau chạy tán loạn. Đàng sau đám quân là một đạo-nhân tay cầm trường kiếm cùng với một người to lớn vung cây roi sắt, một người gù cầm hai cái búa và một người mặt lạnh lùng dữ như hộ pháp cầm thương đang rượt theo đánh giết đám quân kia chết như rạ.
Không dám chậm trễ, Vương-Bá-Đạo chạy ngay vào chùa Thạch-Phật. Ngoài chùa, từng lớp dân chúng nạn lụt vây chặt lấy chung quanh.
Tôn-Khắc-Dụng đứng trên thành gọi xuống:
-Hỡi tất cả! Đừng nghe lời đồn nhảm nhí! Ai nấy đều phải lập tức lui khỏi nơi này! Nếu cưỡng lời, bản chức sẽ ra lệnh cho xạ thủ bắn tên!
Nhưng đám dân chúng nhất định không lui, tiếp tục kéo đến càng lúc càng đông. Tôn-Khắc-Dụng liền ra lệnh buông tên.
Tên từ trên thành bay xuống như mưa. Nhưng trước mặt dân chúng có một hàng rào người cầm võ khí gạt hết tên xuống dễ dàng như không.
Đám hào kiệt Hồng Hoa Hội đã có mặt đông đủ trong đám dân chúng. Sở dĩ họ không muốn hành động sớm là vì muốn để cho dân chúng được chứng kiến hành vi của bọn quan binh, hầu tạo ra niềm công phẫn trong quần chúng.
Bỗng nhiên Tây-Xuyên Song-Hiệp từ đâu phóng tới, nhảy lên tường. Lạc-Băng thấy thế cũng vác song đao nhảy lên, đứng sát bên hai người, hỏi:
-Hai anh có gặp Văn tứ ca không?
Trông thấy Lạc-Băng, Tây-Xuyên Song-Hiệp cũng ngạc nhiên hỏi:
-Tứ tẩu cũng có mặt nơi đây nữa sao? Chúng tôi đã gặp tứ ca rồi.
Tưởng-Tứ-Căn và Mạnh-Kiện-Hùng ở phía dưới tìm cách mở cửa chùa ra. Không đầy bao lâu, cánh cửa được mở toang ra. Tưởng-Tứ-Căn vẫy tay nói với dân chúng:
-Bà con mau kéo và đây để lãnh phần.
Hàng muôn ngàn người đổ xô vào bên trong. Đám quan binh ban đầu định xông tới chém giết nhưng nhìn thấy người dân quá đông đảo bỗng trùn tay, không dám nữa. Trong khi đó, đám hào kiệt Hồng Hoa Hội tiếp tục giết chết đám tướng sĩ của Tôn-Khắc-Dụng để yểm trợ cho dân chúng.
Tôn-Khắc-Dụng phải đích thân cầm đạo đao cầm đầu một toán quân cảm tử để chống cự. Chợt nghe tiếng gió đàng sau lưng và đại đao mình hình như bị một sợi giây nào cuốn chặt lấy, và sau lưng có tiếng người nói lớn như ra lệnh:
-Mi lập tức ra lệnh cho tướng sĩ buông hết vũ khí xuống và mau rút khỏi chùa nếu muốn toàn tánh mạng.
Tôn-Khắc-Dụng chưa biết phải làm gì một lưỡi đao kề ngay vào gáy y, khẽ nhấn xuống một cái. Tông-Khắc-Dụng kinh hãi vội vàng lập tức truyền lệnh. Quân sĩ nhìn thấy chủ tướng bị một người trẻ tuổi mặc áo trắng uy hiếp thì tất cả đều vứt bỏ hết binh khí rồi kéo nhau chạy ra khỏi chùa Thạch-Phật.
Người uy hiếp Tôn-Khắc-Dụng chẳng phải ai xa lạ mà chính là Tổng-Đà-Chủ Hồng Hoa Hội Trần-Gia-Cách. Chàng kề đao giải Tôn-Khắc-Dụng vào trong đại điện thì vừa vặn Thạch-Song-Anh cũng giải quan tri phủ Vương-Bá-Đạo đến nơi chờ lệnh.
Trần-Gia-Cách lạnh lùng nhìn Vương-Bá-Đạo hỏi:
-Nghe nói từ khi mi đến nhậm chức tại phủ này đã gây nên bao nhiêu việc thâm độc bất nhân phải không?
Vương-Bá-Đạo mặt xanh như tàu lá chuốt nói:
-Xin đại vương tha mạng.
Trần-Gia-Cách cả cười nói:
-Mi tưởng ta là đạo tặc nên mới gọi là đại vương phải không?
-Tội tôi thật đáng chết! Xin công tử cho biết đại danh quý tánh.
Trần-Gia-Cách không đáp, tiếp tục hỏi:
-Mi có phải là một danh sĩ khoa bảng được bổ làm quan phải không?
-Không dám! Không dám!
Trần-Gia-Cách nói:
-Mi thi Hương đỗ Cử-nhân, thi Hội đỗ Tiến-sĩ, hẳn là tinh thông kinh sử, văn hay chữ tốt. Vậy ta ra một vế đối, mi phải đối lại cho sát nghĩa. Nếu nghe được, ta tha tánh mạng, còn bằng không thì đừng trách ta!
Dân chúng nghe Hồng Hoa Hội cho biết chút nữa sẽ được phát lương nên tất cả đều yên tâm. Nghe được quan tri phủ bị bắt, lại nghe Tổng-Đà-Chủ Hồng Hoa Hội thi thố tài văn chương với hắn nên ai nấy đều hiếu kỳ kéo nhau đến xem đông như kiến. Hàng bao nhiêu ngàn cặp mắt đổ dồn nhìn vào mặt Vương-Bá-Đạo, bốn phía đều im lặng, tưởng chừng như một con ruồi bay qua cũng nghe thấy tiếng.
Trần-Gia-Cách nói:
-Ngươi nghe cho kỹ! Vế đối của ta là: Sông có đục có trong, quan có trong có đục. Sông trong dễ hay quan trong dễ?
Vương-Bá-Đạo toát cả mồ hôi. Suy nghĩ một hồi lâu vẫn không tài nào tìm ra chữ nghĩa để mà đối lại. Y đành chịu thua mà lên tiếng:
-Công tử! Vế đối của người khó quá, tôi không làm sao đối nổi!
Trần-Gia-Cách cười nói:
-Được! Không đối được cũng không sao. Nghe ta hỏi! Nước sông Hoàng-Hà dễ trong sạch hay quan lại dễ trong sạch?
Vương-Bá-Đạo phúc khởi tâm linh đáp ngay:
-Nếu Quan lại trong, thiên hạ đều trong thì nước sông Hoàng-Hà cũng trong.
Trần-Gia-Cách cười lớn nói:
-Hay lắm! Như vậy thì mi còn đợi gì mà không triệu tập hết thảy quan lại trong phủ bảo họ xuất lương gạo trong kho ra phát cho dân chúng bị thiên tai? Còn quan Tổng-binh nữa, xin giúp quan Tri-phủ một tay nhé!
Không còn cách nào khác hơn, hai người phải họp tất cả các viên chức thuộc hạ lại, xuất kho đem lương gạo phát cho dân.
Trần-Gia-Cách đứng ra nói với dân chúng:
-Tất cả nhớ kỹ điều này! Ngày sau nếu có vị quan lớn nào tới điều tra việc phát lương hôm nay thì nhớ khai rằng: quan Tri-phủ hợp với quan Tổng-binh tự tay phân phát cho từng người!
Trần-Gia-Cách canh giữ Vương-Bá-Đạo và Tôn-Khắc-Dụng chờ đến quả nửa đêm, khi các kho lương đã phát hết mới gọi Từ-Thiện-Hoằng đến dặn:
-Thất ca cho tất cả hay rằng đừng đem vũ khí về cất giấu kẻo sau này nếu quan binh triều đình xét thấy sẽ phao vu là dân chúng bạo động.
Từ-Thiện-Hoằng vâng lời, bảo tất cả dân chúng đem hết binh khí của quan binh liệng hết xuống sông rồi cùng nhau giải tán.
Làm xong việc nghĩa, đám hào kiệt vui mừng sung sướng, cùng nhau lên đường rời khỏi phủ Lan-Phong. Trần-Gia-Cách hỏi anh em Tây-Xuyên Song-Hiệp:
-Tin tức của Văn tứ ca đến đâu rồi?
Thường-Thích-Chí nói:
-Chúng tôi nhận được ký hiệu của Thập-tứ đệ cho biết là Văn tứ ca bị giải về Hàng-Châu.
Trần-Gia-Cách nghe nói giật mình hỏi:
-Sao lại giải về Hàng-Châu?
Thường-Thích-Chí đáp:
-Điều ấy thật quả là bất ngờ!
Từ-Thiện-Hoằng nói:
-Hàng-Châu là địa bàn (#3) của chúng ta. Như vậy, việc giải cứu Văn tứ ca sẽ dễ dàng hơn cho chúng ta. Còn nếu muốn chắc chắn cả hai bề thì nên cử một người sang tận Bắc-Kinh để dò xét hư thực.
Trần-Gia-Cách nói với Thạch-Song-Anh rằng:
-Việc này chắc phải phiền đến Thập-nhị ca chịu khó giùm phen nữa.
Thạch-Song-Anh tuân lệnh lên ngựa nhắm hướng Bắc đi thẳng. Trần-Gia-Cách hỏi thăm về thương tích của Dư-Ngư-Đồng thì Tây-Xuyên Song-Hiệp cho lắc đầu không biết. Họ kể lại rằng khi tìm thấy ám hiệu của Dư-Ngư-Đồng để lại thì lập tức quay về báo tin, tình cờ đi qua phủ Lan-Phong, thấy cảnh bất bình ra tay giúp dân chúng thì tình cờ gặp được tất cả mọi người ở đây.
Thấy mọi chuyện đã tạm yên, đám hào kiệt Hồng Hoa Hội ai nấy cảm thấy khoan khoái, hân hoan trong lòng. Tin tức đã đến được Mộc-Trác-Luân của xứ Hồi; cứu dân chúng bị thiên tai làm cản trở cuộc tiến binh của Triệu-Huệ; tin tức Văn-Thái-Lai cũng đã biết được…
Châu-Ỷ tươi cười nói:
-Đại quân Tây chinh của Triệu-Huệ không có lương tiếp tế, đó là một thắng lợi cho Tiêu-Thanh-Đồng tỷ tỷ!
Vô-Trần Đạo-Nhân cười nói:
-Cô bé ấy kiếm pháp thật tài tình. Mong y thị chuẩn bị đánh một trận cho tan tành quân xâm lăng rồi lo chuyện hạnh phúc của mình để chúng ta đến đó uống rượu chúc mừng một phen.
Tất cả mọi người nghe nói đều cười rộ lên. Chỉ riêng một mình Trần-Gia-Cách là buồn buồn như đang nghĩ ngợi điều gì.
Nghỉ ngơi, chuẩn bị đâu đó xong xuôi, Trần-Gia-Cách ra lệnh cho tất cả lên đường…
Chú thích:
(1-) Có thể nói một cách khác là ngồi theo vị trí “kiềng ba chân”.
(2-) Nữ tế: con rể.
(3-) Địa bàn: đất nhà.