Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thư Kiếm Ân Cừu Lục

Chương 16 – Quyết chí tìm chàng vì nghĩa trọng – Tình cờ trộm ngựa rõ mưu thâm

Tác giả: Kim Dung
Chọn tập

Thấy Lạc-Băng reo mừng cho biết đã có tin của Văn-Thái-Lai từ Tây-Xuyên Song-Hiệp, Châu-Ỷ vẫn không hiểu bèn hỏi:

-Chị làm sao quả quyết được có tin như vậy? Những chữ viết và hình vẽ trên vách tường này có nghĩa gì vậy?

Lạc-Băng liền giải thích:

-Những hàng chữ ngoằn nghoèo và lá bùa mà em nhìn thấy trên vách tường là ký hiệu của thành viên Hồng Hoa Hội dùng để đưa tin cho nhau. Cho dù là những người trong các môn phái võ lâm trên giang hồ hay trong các tổ chức nào đó, luôn cả quan binh thám tử của triều đình có biết chắc chắc đây là mật mã của một nhóm nào đi chăng nữa cũng vẫn không làm sao hiểu được. Nhưng nếu là người của Hồng Hoa Hội thì xem xong là hiểu ngay.

Giải thích cho Châu-Ỷ xong, Lạc-Băng lấy gót giày xóa hết những ký hiệu ghi trên vách cho thật sạch. Châu-Ỷ lại thêm một phen ngạc nhiên nữa. Nàng hỏi:

-Sao chị lại bôi ký hiệu đi? Phỏng như có người Hồng Hoa Hội khác chưa biết tin tức Văn tứ ca đến đây như chúng ta bây giờ thì làm sao biết được tin?

Lạc-Băng gật đầu khen ngợi và giải thích thêm:

-Em thật là cẩn thận và chu đáo, nó có lý lắm! Nhưng em quên một điều là chúng ta là đội chót đi qua đây. Những đội đi trước hẳn đã xem qua và biết hết cả rồi. Chỉ còn chúng ta đây là những người cuối cùng, mới được biết đó thôi.

Châu-Ỷ lại hỏi:

-Ký hiệu riêng này chỉ có người Hồng Hoa Hội biết được thôi thì chị có để nguyên hay xóa đi cũng có hại gì đâu? Sự cẩn thận của chị có thừa chăng?

Lạc-Băng cười đáp:

-Không thừa như em nghĩ đâu! Như chị đã nói, chúng ta là đội cuối cùng tới đây. Chị có để lại cũng chỉ bằng thừa vì đâu còn ai đến nữa. Và em cũng đừng nên coi thường thiên hạ như vậy. Kẻ địch dù không hiểu được dấu hiệu nói gì nhưng ít nhất chúng cũng nghi ngờ mà đề phòng được. Nhất là những kẻ đang đối địch với chúng ta. Nếu chúng thấy ký hiệu rồi sinh nghi mà thay đổi lộ trình thì công việc truy tầm tung tích của Văn tứ ca sẽ trở nên phức tạp hơn nhiều!

Châu-Ỷ nghe nói liền vỗ tay ca ngợi:

-Thật em không ngờ Hồng Hoa Hội có nhiều nhân tài như vậy! Mọi việc đều có kế hoạch tuần tự đâu ra đó hẳn hòi. Kiến thức của chị thật hơn em quá xa!

Châu-Trọng-Anh lúc đó mới lên tiếng nói với con gái:

-Hồng Hoa Hội là một tổ chức cách mạng đại quy mô đối đầu với triều đình Mãn-Thanh thì đương nhiên phải có những người tài giỏi lãnh đạo thì mới mong giải thoát được ách nô lệ cho Hán-tộc mà giành độc lập cho tổ-quốc. Từ nay con phải kính nể và tôn trọng những nhân vật của Hồng Hoa Hội.

Châu-Ỷ đưa mắt lườm Từ-Thiện-Hoằng một cái rồi nói với Châu-Trọng-Anh:

-Trong đám ngọc trai vẫn có một vài mắt cá lọt vào. Đã đành là con kính nể những lãnh tụ trong Hồng Hoa Hội như Văn tứ ca với Lạc tỷ tỷ! Còn những kẻ vô tài vô đức chỉ biết thuận gió mà phóng hỏa, chỉ có tài nói khoác mà không làm được gì thì con nhất định không bao giờ chịu hạ mình trước những kẻ ấy!

Lạc-Băng biết Châu-Ỷ vẫn còn hậm hực với Từ-Thiện-Hoằng, và vẫn nghi ngờ chàng là thủ phạm phóng hỏa đốt cháy Thiết-Đảm-Trang nên cố gắng tìm lời để giảng hòa cho hai người xích lại gần nhau hơn.

Lạc-Băng nói với Châu-Ỷ như khuyên:

-Lời của em nói rất đúng, chị rất tán thành! Có ai lại đi tôn trọng một kẻ không có tài đức và tư cách bao giờ? Nhưng nhận xét cá nhân thường hay chủ quan lắm, không thể nào bằng nhận xét chung của một nhóm đâu. Không phải chị muốn nói tốt cho Hồng Hoa Hội của chị nhưng người nào đã được cân nhắc lên hàng đương gia trong hội thì đương nhiên, từ tài đức nhân phẩm phải được xem xét rất kỹ càng, nói chung là trên mọi phương diện. Em hãy nhận xét một cách khách quan thử xem! Có lý nào một tổ chức cách mạng lớn lao vì dân tộc lại để cho hạng người không ra gì nắm quyền cao chức trọng bao giờ? Theo ý chị, em không nên chủ quan mà có thành kiến với bất cứ người nào nếu chưa tìm hiểu tường tận.

Châu-Ỷ nhìn Lạc-Băng cười nói:

-Lời chị nói có lý. Nhưng sao cái người có thành kiến em ghét cay ghét đắng. Cho dù cố gắng tin là người có thiện chí hay tài đức, em cũng không làm sao kính nể cho được!

Lạc-Băng cả cười nói:

-Càng ghét bao nhiêu thì khi yêu lại càng yêu tha thiết bấy nhiêu. Càng không tin bao nhiêu thì đến lúc tin lại tin đáo để bấy nhiêu. Để rồi em xem!

Châu-Ỷ háy Từ-Thiện-Hoằng một cái rồi đáp lời Lạc-Băng:

-Khó lắm! Khó lắm! Cho dù Tô-Tần hay Trương-Nghi có sống lại làm thuyết khách em cũng không nghe đâu chị ạ!

Lạc-Băng nói:

-Em sẽ nghe một khi không còn thành kiến nữa!

Châu-Ỷ lại nói:

-Cái thành kiến đó tự kẻ ấy tạo ra cho hắn chứ nào phải em tự nhiên gán ghép cho hắn đâu! Em nhớ rất rõ từng hành động, ngôn ngữ và tư cách của người ấy trong lúc xảy ra cuộc giao tranh giữa Hồng Hoa Hội và Thiết-Đảm-Trang. Đến khi Thiết-Đảm-Trang bị ngọn lửa hồng thiêu hủy thì em uất hận và căm phẫn đến tột độ, không thể nào cứu vãn lại được nữa!

Lạc-Băng lại cười nói:

-Nếu vậy thì rồi chính người ấy sẽ tự phá vỡ thành kiến giùm em. Khi hết thành kiến rồi thì ác ngẫu sẽ biến thành giai ngẫu!

Châu-Trọng-Anh vỗ tay cả cười:

-Hiền điệt nữ được tin tức của Văn tứ ca rồi chắc hẳn là phơi phới trong lòng rồi nên nói chuyện nghe rất hay! Lão phu phục là cao kiến đó!

Từ-Thiện-Hoằng bỗng xoay đề tài, nói với mọi người:

-Đã nhận được ký hiệu của Tây-Xuyên Song-Hiệp, chúng ta nên gất rút mà khởi hành, đừng để chậm trễ. Có lẽ giờ đây Tây-Xuyên Song-Hiệp đã gặp và sát nhập với đội tiên phong của Dư-Ngư-Đồng rồi cũng nên. Và cũng rất có thể mấy đội kia cũng đang trên đường rượt theo Trương-Siêu-Trọng trên đường về Bắc-Kinh khi biết được tin tức Văn tứ ca. Khi bắt kịp Trương-Siêu-Trọng, việc giải cứu Văn tứ ca rất phức tạp, phải cần đến sự tiếp tay của tất cả mọi người.

Vì quá nóng lòng giải cứu Văn-Thái-Lai mà Từ-Thiện-Hoằng quên cả lời dặn của Trần-Gia-Cách là cố diên trì Châu-Trọng-Anh và Lạc-Băng lại, không nên để hai người tham dự vào trận giao phong với phe Trương-Siêu-Trọng.

Châu-Ỷ lại háy Từ-Thiện-Hoằng nói:

-Giỏi dữ há? Còn bày đặt làm thầy bàn nữa!

Sau đó bốn người liền bắt tay ngay vào việc, chuẩn bị đâu đó thật đầy đủ rồi lên ngựa phi như bay. Suốt ba ngày, đoàn người không bỏ phí thì giờ, cố gắng đi thật lẹ không ngừng, chỉ khi nào người ngựa quá mệt thì mới tạm dừng bước để lấy sức đi tiếp. Đến ngày thứ tư vào khoảng giờ Ngọ thì bốn người tìm thấy được ký hiệu của Dư-Ngư-Đồng tại bãi Thất-Lý-Đao. Dư-Ngư-Đồng cho biết đã gặp và nhập bọn với Tây-Xuyên Song-Hiệp và tin tưởng sẽ bắt kịp đám Trương-Siêu-Trọng trước khi giải Văn-Thái-Lai về Bắc-Kinh. Lạc-Băng mừng quá phi thật lẹ khiến ba người kia phải cố gắng lắm mới bắt kịp được. Thấy Lạc-Băng quá náo nức, Từ-Thiện-Hoằng thấy khó cách nào mà khuyên được nàng ngoại trừ phải nói thẳng cho nàng biết ý định và mệnh lệnh của Trần-Gia-Cách. Dĩ nhiên là Lạc-Băng phải tuân theo lệnh trên dù muốn dù không.

Đêm ấy, bốn người mướn khách sạn nghỉ chân. Lạc-Băng nằm thao thức mãi, không sao chớp mắt được. Hết nghĩ tới Văn-Thái-Lai, nàng lại nghĩ đến lệnh của Trần-Gia-Cách. Một bên là tình nghĩa vợ chồng, một bên là kỷ luật của bang hội. Nếu muốn xả thân vì chồng ắt phạm đến kỷ luật của hội. Điều ấy thật không tiện. Còn như tuân theo lệnh trên thì lại không được đích thân nhúng tay vào công việc giải cứu chồng. Điều này Lạc-Băng cũng không yên tâm chút nào…

Lạc-Băng bước xuống khỏi giường mở cửa sổ nhìn cảnh vật bên ngoài. Từng tiếng gió rì rào. Từng hạt mưa tí tách. Phải chăng là những giọt nước mắt của người thiếu phụ bao ngày mong đợi chồng?

Và rồi Lạc-Băng nhớ lại đêm tân hôn của nàng với Văn-Thái-Lai tại phủ Gia-Bình. Lúc ấy hai người nhận lệnh của Vu tổng-đà-chủ đi cứu một người quả phụ đang bị một tên thổ hào ám hại. Dù là đang tuần trăng mật, Lạc-Băng cũng như Văn-Thái-Lai, vẫn không quên nhiệm vụ. Đêm ấy cũng như đêm nay. Trời gió lộng, lại mưa tầm mưa tã. Nhưng hai người cảm thấy ấm áp vô cùng, cùng nhau lên đường thi hành công tác…

Cứu được người quả phụ, Văn-Thái-Lai đưa một lưỡi chém rụng đầu tên thổ hào. Sau đó, hai vợ chồng đưa nhau đến Nam-Hồ, lên Yên-Vũ-Lầu uống rượu ngắm cảnh, nhìn mưa rơi để tự thưởng công. Kỷ niệm ấy đã khắc sâu vào lòng Lạc-Băng, chưa bao giờ phai nhạt…

Suy nghĩ một lúc, Lạc-Băng tự nhủ thầm:

-“Không được! Chuyện gì cần làm, ta phải làm!”

Thừa lúc mọi người còn đang êm giấc, Lạc-Băng lấy cặp Uyên-Ương-Đao cùng với gói hành trang rồi dùng than viết lên bàn để lại ký hiệu cho Từ-Thiện-Hoằng. Nàng phi thân qua cửa sổ phóng nhẹ xuống nhẹ nhàng như một chiếc lá rụng.

Lạc-Băng rón rén đi đến nơi giữ ngựa, nhẹ tay tháo gỡ dây cương, khẽ dắt ngựa đi một quãng ra khỏi phạm vi lữ quán rồi mới phóng lên yên phi thật lẹ, không ngừng.

Trời vừa hừng sáng, Lạc-Băng đến một thị trấn. Con ngựa của nàng vì phải phi suốt đêm nên đã quá mệt, không còn đủ sức để chạy nữa. Tạm nghỉ chừng nửa giờ đồng hồ, Lạc-Băng lại giục ngựa chạy tiếp. Đi được 40 dặm nữa, con ngựa dường như không còn chịu đựng được nữa nên ngã qụy một chân xuống đất. Lạc-Băng thất kinh, biết rằng nếu còn ép con ngựa chạy nữa, thì cũng chẳng khác gì như giết chết nó. Lạc-Băng đành thả bộ dắt ngựa đi từ từ chứ không còn biết cách nào.

Thấy sau lưng có tiếng vó ngựa, Lạc-Băng giật mình định quay đầu lại ngó. Nhưng chưa kịp ngoái cổ lại thì kỵ mã ở sau đã đến nơi. Lạc-Băng vội tránh sang bên lề để nhường chỗ cho người ấy đi qua. Trước mắt nàng, một con ngựa dáng cực kỳ hùng vĩ, lông trắng như tuyết, bốn vó phi như bay, thoáng một cái đã mất hút cả người lẫn ngựa. Con ngựa phi lẹ đến nỗi Lạc-Băng không kịp trông rõ mặt người cỡi như thế nào. Lạc-Băng tấm tắc khen:

-Thật trong đời ta chưa bao giờ được thấy một con ngựa nào như thế kia!

Con Hồng-Hỏa Tuyết-Hoa-Câu (#1) vốn đã là một con ngựa hiếm có do thân phụ Lạc-Nguyên-Thông của nàng đã bỏ ra cả ngàn nén bạc mà mua lấy từ Tây-Tạng về do lời khuyên của Thần-Tăng Lục-Tống.

Thần-Tăng Lục-Tống là một người rất sành về ngựa, nói với Lạc-Nguyên-Thông rằng con Hồng-Hỏa Tuyết-Hoa-Câu này là một linh vật, có thể giúp cho chủ nhân thoát được nguy hiểm.

Quả đúng như lời Thần-Tăng dạy, khi về đi ngang qua Quan-Trung, Lạc-Nguyên-Thông bị một con tinh hổ đón đường, núp trong bụi rậm chờ sẵn. Khi còn cách chỗ bụi rậm độ nửa dặm, con ngựa hí vang lên liên hồi. Nhờ vậy Lạc-Nguyên-Thông có linh tính mà đề phòng trước, phóng cho con hổ tinh một phi đao. Nhưng con hổ tinh thật lợi hại, không những nó tránh thoát được còn ngậm luôn cả lưỡi phi đao mà chạy nữa. Vì vậy, Lạc-Nguyên-Thông dặn con gái phải hết sức cẩn thận một khi qua núi rừng, và để ý xem con Hồng-Hỏa Tuyết-Hoa-Câu mỗi khi gặp nguy hiểm vì nhờ nó có thể thoát nạn được.

Nghĩ đến lời dặn của phụ thân, Lạc-Băng liền kiếm một chỗ mát để nghỉ chân đồng thời thả ngựa cho ăn cỏ. Chờ cho ngựa ăn no nghỉ đủ, Lạc-Băng mới tiếp tục cuộc hành trình. Đi thêm 30 dặm nữa thì tới một thôn xóm nhỏ. Đến trưóc cổng thôn, Lạc-Băng trông thấy dưới gốc cây trái một mái tranh cột một con ngựa toàn thân một màu trắng toát. Lạc-Băng đang mải mê nhìn con bạch-mã thì bỗng nhiên nó chợt hí vang lên làm nàng giật mình. Con Hồng-Hỏa Tuyết-Hoa-Câu chừng như kinh hãi nên lùi lại mấy bước ra sau, nhảy chồm lên như muốn chạy trốn, suýt liệng Lạc-Băng xuống đất.

Nghe tiếng ngựa hí, từ bên trong chạy ra một người đàn ông cao lớn, độ chừng 30 tuổi, thân hình vạm vỡ đi tới vuốt ve con bạch-mã như để xoa dịu nó. Lạc-Băng nhìn con ngựa mà ngây cả người ra. Nàng nghĩ thầm:

-“Quả là một con thần mã! Nếu ta mà có được con ngựa này thì lo gì mà không rượt kịp Trương-Siêu-Trọng để cứu tứ ca!”

Nhưng rồi nàng lại buồn rầu nghĩ thầm:

-“Nhưng một con thần mã như thế này thì dẫu có ngàn vàng chắc gì đã mua nổi! Mà người nào biết giá trị của nó thì có lẽ nào lại bán cho kẻ khác bao giờ!”

Nhìn chủ nhân con ngựa, tự nhiên Lạc-Băng biết được ngay là một tay hảo hán chứ không phải hạng người thất phu. Cứ nhìn vào mặt và vóc dáng của y cũng đủ biết đây không phải là hạng người dễ dầu chịu khuất phục bởi vũ lực bao giờ.

Hồi nhỏ đi hành hiệp với phụ thân, Lạc-Băng cũng học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm. Thần-Đao Lạc-Nguyên-Thông vốn là một đại đạo khét tiếng nên truyền lại cho nàng rất nhiều bí quyết trong nghề. Những mánh lới trong nghề cướp giựt Lạc-Băng rất là sành sõi, chẳng thủ đoạn nào mà nàng không biết.

Lạc-Băng đứng suy nghĩ một chập rồi quyết định phải thi hành cho mau lẹ. Nàng móc trong túi ra một ít đồ dẫn hỏa. Lấy một viên đá lửa, Lạc-Băng cọ mạnh vào một viên đá để sẵn bùi nhùi. Lửa loáng lên, Lạc-Băng tay dắt ngựa đi thẳng lại phía sau con bạch mã đoạn rút ra hai mũi phi đao phóng đứt sợi dây cột con ngựa trên cây đại thọ. Sau đó, Lạc-Băng mới nở một nụ cười, dùng thế Tiềm long phi thiên cầm gói hành trang phóng lên lưng con bạch mã. Bị người phóng lên lưng bất thần, con bạch-mã hí lên một tiếng rồi bốn vó phi như bay chẳng khác nào một mũi tên vừa thoát khỏi dây cung.

Thấy động, chủ nhân bạch-mã từ trong chạy vội ra thì đã muộn. Ngựa của y đã biến mất từ bao giờ, chỉ còn biết ngẩn người ra mà tiếc thôi! Thế vào chỗ con bạch-mã là con Hồng-Hỏa Tuyết-Hoa-Câu…

Con bạch-mã phi quá mau, băng rào, vượt bụi rậm bất kể gai gốc nên cành lá hai bên cào trúng người Lạc-Băng đau nhức vô cùng. Con vật vừa phi, vừa cắn, vừa hí vang làm náo động cả một thôn xóm yên tĩnh. Mọi người đổ xô ra xem vì không hiểu biến cố gì đã xảy ra.

Con bạch-mã biết Lạc-Băng không phải là chủ nó nên tỏ ý bất phục, dùng đủ mọi cách kháng cự, đối chọi với nàng. Khi thì đá tung hai chân sau lên, khi thì như cố ý khom người để hất kẻ đã bức bách cưỡng đoạt nó xuống đất. Thấy không hất được Lạc-Băng xuống, con bạch mã như điên lên, tăng tốc lực phi lẹ hơn. Chạy được một khúc thì nó lại nhảy chồm lên phía trước hí lên một hồi rồi quay đầu trở lại tiếp tục phi như bay về chỗ cũ. Cứ như thế mà giằng co mãi khiến Lạc-Băng không làm sao ra khỏi được thôn xóm. Và cũng vì vậy mà chủ nhân con ngựa rượt theo kịp, tới nơi lúc nào không hay.

Chủ nhân con ngựa chỉ khẽ nhún mình một cái nhẹ đã đến đứng trước đầu con bạch-mã. Nhìn thân pháp của hắn, Lạc-Băng cũng phải thầm kinh hãi. Nàng nhận thấy rằng thuật khinh công của hắn có thể sánh với hầu như bất cứ một cao thủ thượng thừa nào trên giang hồ hiện tại, so với nàng thì hơn xa lắm. Lạc-Băng không còn cách nào hơn là rút trong túi ra mấy đỉnh vàng ròng cúi đầu cung kính nói:

-Tôi có việc gấp rút nên cần một con tuấn mã để làm phương tiện cấp thời vì con tuấn mã của tôi đã quá đuối sức. Thấy ngựa của ông tôi mừng quá, nhưng lại sợ ông không cho mượn mà cũng chẳng cịu bán cho nên tôi mới đánh liều lén cướp đi, định chừng nào xong việc sẽ trở lại trả sau. Chẳng qua lâm vào tình thế phải ngộ biến tòng quyền (#2) thôi chứ ý tôi nào có muốn làm chuyện như thế! Tôi thành thật xin lỗi ông. Tôi có để lại con tuấn mã của tôi lại làm tin để khi nào trở lại sẽ xin chuộc nó về, và tiện đây có ít vàng ròng mong ông cầm đỡ mà cho tôi mượn tạm bảo mã.

Chủ nhân bạch mã nghe Lạc-Băng nói thì cho rằng nàng phách lối tự cường, không xem hắn ra gì cả nên giận dữ nói:

-Mi nói như thế mà nghe được à? Từ trước tới nay có ai đi mua ngựa theo cái lối cướp cạn này không? Mi bảo có việc cần gấp thì sao không tìm người nào có ngựa bán để mà mua mà lại giở tà tâm trộm ngựa của ta? Ta có bán đâu mà mi lại xỉa vàng ra? Khôn hồn mau trả ngựa lại cho ta thì yên chuyện chứ đừng nói dài dòng thêm làm gì nữa!

Lạc-Băng vẫn ngồi trên lưng ngựa mà nói:

-Tôi biết việc của tôi làm là không phải với ông nên mới có lời xin lỗi ông vừa rồi. Tôi cũng biết là ông không bán ngựa. Nhưng chuyện của tôi quá gấp rút đi, không thể nào chậm trễ được! Lẽ nào ông không chịu thông cảm cho?

Nghe Lạc-Băng nói, chủ nhân bạch-mã lại càng giận dữ nói:

-Chắc mi trông cậy vào bản lãnh võ công nên mới dám dùng lời lẽ xốc óc đó mà nói chuyện với ta chứ gì? Nói thật cho mi biết, dẫu cho mi là ai, có bản lãnh tới đâu cũng đừng hòng đem được con ngựa này đi khỏi nơi đây!

Thấy gã một mực không chịu hiểu cho mình, Lạc-Băng hết sức chán nản nhưng vẫn cố phân trần:

-Con ngựa của tôi cũng là ngựa quý mà tôi cam tâm để lại làm tin cộng thêm với ít vàng để tạm gọi là thế chân. Thiết tưởng ông có gì lỗ lã đâu chứ? Mà xong việc, tôi sẽ đem ngựa ông đến đây trả lại chứ có phải lấy luôn đâu mà ông nhất định làm khó ép tôi đến cùng như vậy. Nếu trả ngựa lại cho ông thì tôi đi bằng gì đây? Không lẽ lại đi bộ à? Làm sao nổi!

Nghe nàng nói thì cũng thấy đôi phần có lý, thế nhưng chủ nhân bạch mã không sao nhịn được. Hắn buông lời chửi mắng, nhưng Lạc-Băng vẫn cứ tươi cười, mặc kệ cho hắn muốn nói gì thì nói. Thấy chửi hoài mà cũng không có kết quả, hắn giơ tay định nắm lấy đầu con bạch mã kéo lại để cùng với nàng một phen sống chết. Lạc-Băng chỉ chờ có thế, nàng dùng hai đầu gối thúc mạnh vào hai bên hông ngựa. Con vật đau quá hí chồm lên đưa chân trước đá loạn xạ mấy cái rồi phóng đi như điện xẹt. Lạc-Băng lại giơ roi quất liên tiếp vào con bạch mã khiến nó đau quá nên càng phi lẹ hơn nữa.

Con bạch-mã biết người cỡi nó không phải là hạng tầm thường, sẵn sàng dùng sức mạnh với nó nên đành ngoan ngoãn mà phục tùng làm theo ý chứ không dám giở chứng nữa.

Bạch mã vừa phi thì chủ nhân nó cũng lập tức dùng thuật phi hành đuổi theo. Lạc-Băng sợ hãi tiếp túc ra roi. Bạch mã dường như đã thuần thục nên biết ý chủ mới mà tăng thêm tốc độ. Bóng người kia càng lúc càng xa dần, cho đến khi mất hẳn Lạc-Băng mới yên lòng.

Ra khỏi thôn, Lạc-Băng thấy chung quanh là một bầu trời quang đãng nên biết là mình đã ra khỏi được chốn núi rừng. Con bạch-mã phi như bay, gió hai bên thổi tạt dữ dội. Đi suốt đêm, vượt bao nhiêu cánh đồng, ruộng nương mà bạch-mã vẫn không tỏ ra một chút nào mệt nhọc cả. Lạc-Băng mừng thầm vì biết đây là một con thần mã sức lực vô biên, ngày đi nghìn dặm không biết mỏi.

Trời chưa sáng, thấy đói bụng, Lạc-Băng liền cho ngựa chạy chậm lại ghé vào một thị trấn tìm một lữ quán kiếm chút lót lòng, luôn tiện nghỉ mệt.

Thị trấn này gọi là Sa-Tĩnh. Tính từ lúc rời chỗ cướp ngựa cho đến đây, Lạc-Băng đã đi trên 200 dặm đường. Nàng không ngờ con bạch mã phi mau đến như thế. Và với khoảng cách xa như vậy, nàng không sợ gì chủ nhân nó đuổi theo nữa.

Càng nhìn con ngựa, Lạc-Băng càng cảm thấy thích. Tự tay mở hàm thiết, nàng khẽ vuốt ve bờm nó tỏ vẻ mến thương. Bỗng nàng để ý bên hông ngựa có một cái bao bằng vải cột ghì vào yên. Lúc phóng lên ngựa, vì vội vàng quá nên Lạc-Băng không tháo ra trả cho chủ nhân. Nàng mở dây lấy cái bao xuống thì nghe như có tiếng kim loại loảng loảng bên trong. Lạc-Băng mở thử bao vải ra xem thì đó là một cây Thiết-cầm-sát.

Cầm vũ khí trên tay, Lạc-Băng nghĩ thầm:

-Cứ căn cứ vào món binh khí này mà suy ra thì con bạch-mã ta trộm đây là của họ Hàn ở Lạc-Dương. Chỉ có họ Hàn mới sử dụng Thiết-cầm-sát mà thôi. Nếu sớm biết trước là của họ Hàn thì ta đã chẳng đụng đến họ làm gì. Nay chuyện đã dĩ lỡ rồi, còn cứu vãn lại làm sao nữa! Sau này tất nhiên khó mà tránh được những rắc rối.

Lạc-Băng lại thò tay vào trong bao tiếp tục moi ra thì thấy có chừng mấy chục thỏi bạc cùng với một phong thư. Cầm phong thư lên xem thì thấy có hàng chữ:

Kính gửi Hàn-Văn-Xung đại gia. Người gửi: Vương-Hán

Tự nhiên linh tính báo cho Lạc-Băng rằng có chuyện gì hết sức bí mật dấu trong phong thư này nên không chút do dự, nàng liền bóc ra xem. Giấy viết thư là một loại giấy tin chỉ rất quý và hiếm có. Lạc-Băng lật ở trang cuối thì thấy hai chữ Duy Dương ký rất rõ ràng. Tính hiếu kỳ của Lạc-Băng lại càng nổi lên dữ dội. Nàng bình tĩnh cầm thư lên xem.

Kính gửi Hàn-Văn-Xung đại gia,

Việc này rất gấp, không thể diên trì. Nhận được thư này, anh mau thu xếp mọi việc lập tức lên đường đến Trấn-Viễn tiêu-cục, không nên chậm trễ. Để cho cuộc hành trình được mau lẹ, tôi cho người đem thư này cấp tốc đến tận tay anh, đồng thời tặng anh một con thiên-lý-mã mua được ở Tân-Cương mà làm phương tiện.

Anh hãy về Trấn-Viễn tiêu-cục để họp mặt với anh em họ Diêm vì tôi đang giữ họ ở đây để bàn chuyện cùng anh cho chu đáo. Khi bàn xong, anh và anh em họ Diêm cố gắng bảo tiêu hộ một vật hết sức quan trọng về tận Bắc-Kinh. Nếu sơ sẩy thì nguy hại cho Trấn-Viễn tiêu-cục không ít! Ngoài ra cũng còn một sự kiện tối quan trọng khác nữa cũng phải nhờ anh hộ tống đến Giang-Nam nữa.

Gửi thư này cho anh, và ngày đêm trông chờ anh đến. Còn việc Tiêu-Văn-Kỳ do bọn Hồng Hoa Hội giết thì tôi khuyên tạm thời dẹp qua một bên để cho tôi điều tra lại kỹ lưỡng rồi sẽ đối phó sau cũng chẳng muộn. Anh không nên trả thù gấp một mình rất bất tiện.

Chào anh, và chúc anh mọi điều may mắn,

VƯƠNG-DUY-DƯƠNG

Đọc xong bức thư của Vương-Duy-Dương gửi cho Hàn-Văn-Xung, Lạc-Băng mới hiểu rõ là hai bên đã ngầm thông đồng liên kết với nhau. Có hai điều nàng thắc mắc là không biết Vương-Duy-Dương nhờ Hàn-Lâm-Xung và hai anh em họ Diêm bảo tiêu hộ vật gì về Bắc-Kinh, và sự kiện sẽ nhờ riêng Hàn-Văn-Xung hộ tống về Giang-Nam.

Còn việc Tiêu-Văn-Kỳ mà Vương-Duy-Dương nói rằng bị Hồng Hoa Hội giết và khuyên Hàn-Văn-Xung tạm bỏ qua thì Lạc-Băng nghĩ thầm:

-“Hồng Hoa Hội ân oán phân minh, chẳng bao giờ chịu làm điều mờ ám. Một khi đã giết ai, người đó luôn luôn có bản án do Thạch-Song-Anh giám sát. Làm gì có tên Tiêu-Văn-Kỳ trong đó? Vả lại Vu cố tổng-đà-chủ cũng đã sai Dư-Ngư-Đồng đến Lạc-Dương biện giải cho họ Hàn rồi mà! Sao Vương-Duy-Dương còn nhắc đến việc này, mà còn nhắc tên Hồng Hoa Hội ở trong đó nữa?”

Trở lại điểm thứ hai Vương-Duy-Dương nói trong thư sẽ nhờ Hàn-Văn-Xung hộ tống một vật về Giang-Nam. Mà tổng hành dinh của Hồng Hoa Hội nằm tại Giang-Nam. Nếu không có quan hệ đến Hồng Hoa Hội thì không một cao thủ nào dám xâm nhập địa phận. Càng nghĩ, Lạc-Băng càng thấy khó hiểu. Sau cùng, nàng đi đến kết luận rằng:

-“Ta nên gặp Tổng-Đà-Chủ gấp mà thông báo chuyện này là hơn. Hiện nay tất cả những nhân vật trọng yếu của Hồng Hoa Hội đều bận vào việc truy kích Trương-Siêu-Trọng giải cứu Văn tứ ca thành thử Giang-Nam bị bõ ngõ. Ngộ nhỡ chúng đến quấy phá lúc này thì thật là nguy!”

Nghĩ vậy, Lạc-Băng lại tiếp tục lên đường gấp rút mà không nghĩ đến chuyện ở lại lữ quán nghỉ ngơi nữa.

Trời vẫn mưa. Lạc-Băng như thương xót con ngựa vì mình mà dầm mưa dãi nắng nên vỗ nhẹ vào hông như an ủi:

-Thần mã! Ta biết mi là một con ngựa quý nhất trên đời. Nay mi đã về với ta thì có khác nào Xích-Thố về với Quan-Công. Mi đừng tưởng nhớ Hàn-Văn-Xung làm gì nữa mà hãy giúp ta trên đường nghĩa vụ thiêng liêng! Mi là bạn đồng hành của ta. Ta vơí mì sẽ đồng lao cộng lạc (#3)!

Nghe những lời ngon ngọt dịu dàng của Lạc-Băng, con bạch-mã tinh khôn như thấu hiểu được ý người. Nó hí lên một tiếng như reo mừng và đồng ý và như hứng chí phi thật lẹ. Lạc-Băng cảm thấy tinh thần sảng khoái và trong lòng sung sướng hơn bao giờ hết…

Đi thêm một đoạn đường khá xa, Lạc-Băng chợt nhìn phía trước như đang có một đoàn xe ngựa. Nhìn cát bụi bay mù mịt, Lạc-Băng tự nghĩ:

-“Nếu bắt kịp đoàn xe ngựa này thì chẳng có gì là khó. Nhưng họ là ai? Không biết có phải người mình muốn gặp không? Nếu là cường địch thì càng thêm trở ngại thôi chứ ích lợi gì? Nhưng nếu là đoàn xe ngựa của Trương-Siêu-Trọng thì có phải là bỏ mất cơ hội tốt không?

Đang lúc Lạc-Băng còn phân vân thì khi ấy một người như sẵn núp đâu ở ven lộ phóng ra, đưa một tay ve vẩy. Con bạch-mã đang phi nước đại bỗng như tự động đứng khựng lại và dừng hẳn. Lạc-Băng vừa định hỏi xem người ấy là ai nhưng chưa kịp mở lới thì người ấy đã tiến lại gần thêm, hướng về phía nàng lễ phép thưa rằng:

-Kìa tứ tẩu! Tứ Tẩu! Ối chà! Làm sao mà chị có được con tuấn mã hùng vĩ và đẹp như thế này? Quả là con Thiên-Lý Thoại-Long-Câu có một không hai trên đời đó! Dẫu là bảo mã của Trần tổng-đà-Chủ cũng chưa chắc đã sánh được đâu! Chị mua con ngựa này của ai? Bao nhiêu vậy chị?

Lạc-Băng bỗng thở phào một cái nhẹ nhõm, phì cười đáp:

-Em đi lang thang ở đâu mà gặp chị chốn này? Sao không cho chị biết về tin tức Văn tứ ca mà lại khen ngựa của chị đẹp? Em làm chị giật mình muốn chết, tưởng cường địch xông ra đột kích!

-Đâu phải lỗi tại em! Tại con ngựa của chị khôn ngoan quá đó thôi. Em tới đâu có đột ngột dữ vậy?

Lạc-Băng vui vẻ rong cương tới gặp người ấy. Thì ra đó là Tâm-Nghiện, thư-đồng của Trần-Gia-Cách. Lạc-Băng liền hỏi:

-Em có biết thêm tin tức gì về Văn tứ ca không, hãy cho chị biết với kẻo chị nóng lòng lắm rồi!

-Theo lời Thường ngũ gia và Thường lục gia thì cả hai vị đó đã được gặp Văn tứ gia rồi. Và hiện thời có nhiều đương-gia khác đang bắt đầu tiếp xúc với Văn tú đương-gia. Ở đây nói chuyện bất tiện, chị với em mau tìm chỗ khác vắng vẻ yên lặng hơn.

Dứt lời Tâm-Nghiện liền giắt con bạch-mã của Lạc-Băng vào một khoảng rừng gần đó. Đến một cái ngói cũ bên ngoài đề ba chữ Nhạc-Vương-Miếu, Tâm Nghiện mới đỡ Lạc-Băng xuống ngựa vào bên trong. Cậu ta cột ngựa lại cho ăn cỏ xng xuôi rồi theo vào.

Lạc-Băng vò đầu Tâm-Nghiện tỏ vẻ trìu mến. Nàng hỏi:

-Em đưa chị đến đây để cho chị nghe những tin tức lạc quan về Văn tứ ca phải không? Chị nóng lòng nghe lắm. Em mau cho chị biết đi để chúng ta còn lên đường cho kịp.

Tâm-Nghiện cười, hỏi lại Lạc-Băng:

-Chị còn muốn đi đâu nữa đây?

Lạc-Băng ngạc nhiên nhìn Tâm-Nghiện hỏi:

-Em hỏi gì lạ vậy? Thì đi tìm Văn tứ ca chứ còn đi đâu nữa?

-Chị biết Văn tứ gia ở đâu mà dẫn em đi tìm?

-Lúc này không phải là lúc đùa! Em đừng đùa dai kẻo chị giận đó!

-Nào em có đùa dai với chị! Nhưng phải biết Văn tứ gia đi đàng nào rồi mới tìm được chứ!

-Vì vậy chị mới cần em cho biết tin tức. Chính em đã nói cho chị biết là Tây-Xuyên Song-Hiệp đã gặp Văn tứ ca và các đương gia đang tìm cách gặp Văn tứ ca rồi kia mà!

-Vâng, đúng vậy. Nhưng sao chị không hỏi các đương gia ấy mà lại hỏi em? Làm sao em biết rõ hơn các đương gia được!

-Tâm-Nghiện! Em điên rồi sao? Mấy vị đương-gia ở đâu mà nói cho chị nghe chứ!

Tâm-Nghiện cả cười. Cậu bé liếng thoắng đáp:

-Mà chị có muốn gặp đủ mặt các đương-gia không?

-Sao lại không? Bây giờ Tổng-Đà-Chủ và các vị đương-gia đang ở đâu? Xa gần? Nếu gần thì em dắt chị lại gặp tất cả để cùng bàn kế hoạch cứu Văn tứ ca. Mau lên đi em!

-Không cần phải đi xa! Chị cứ theo em ra phía sau miếu đây thì gặp.

Lạc-Băng ngơ ngác nhìn Tâm-Nghiện như nghi ngờ điều gì. Tâm-Nghiện hình như đoán được điều đó nên hỏi:

-Chị đang nghi ngờ là em nói không thật đó sao?

-Chị không nghi em nói gạt chị. Nhưng tại sao lại có chuyện khó hiểu đến thế?

-Tại chị đa nghi đó thôi! Rồi chị sẽ hiểu.

Tâm-Nghiện dắt Lạc-Băng ra sau Nhạc-Vưong-Miếu. Nơi đây ở giữa một khu rừng gần như hoang vu vì khá xa xóm làng, và vùng này lại có tiếng là nhiều độc xà và mãnh thú, và cũng là nơi tụ họp của các đảng phái lục lâm nên không mấy ai dám lui tới.

Nhạc-Vương-Miếu là một toà miếu cổ khá rộng lớn, có tiền đường, hậu tẩm và có nhiều phòng, lập nên từ thời nhà Tống để bốn mùa cúng kiếng. Qua mấy đợt hưng phế (#4), bụi thời gian đã đóng đầy lên miếu, tuy không ai trùng tu sửa sang lại nhưng nếp cũ vẫn còn y nguyên.

Tâm-Nghiện dắt Lạc-Băng ra đến hậu tẩm rồi ra đến đại điện. Nàng thấy có mặt đầy đủ các nhân vật Hồng Hoa Hội tại đó đang bàn thảo kế hoạch. Ngồi đầu là Tổng-Đà-Chủ Trần-Gia-Cách, kế đến là Vô-Trần Đạo-Nhân, Triệu-Bán-Sơn, Tây-Xuyên Song-Hiệp cùng những đương gia khác…

Trông thấy Lạc-Băng, mọi người đứng lên chào đón vui vẻ. Lạc-Băng đến bên Trần-Gia-Cách vấn an sức khỏe rồi thú nhận việc mình vi phạm quân kỷ tự ý tách rời nhóm Châu-Trọng-Anh mà đơn thân độc mã đi một mình. Nàng nhất nhất kể lại từ đầu đến đuôi và xin vị Tổng-Đà-Chủ tha thứ.

Trần-Gia-Cách ngồi yên lẳng lặng nghe Lạc-Băng kể hết rồi mới nói:

-Tứ tẩu vì nóng lòng cứu tứ ca nên vì thế mà không thể trì hoãn mà đi cùng với đội. Tình nghĩa vợ chồng như thế thật là chí thiết, chiếu theo quy luật thì cũng có nguyên nhân, có lý do để tha thứ được. Nhưng cái tội cưỡng lệnh của tướng soái thì không phải là chuyện nhỏ, tôi không thể vì tình riêng mà quyết định được. Giờ tạm thời gác lại chuyện đó. Chờ khi giải cứu Văn tứ ca rồi sẽ họp đại hội mà đem ra xét xử. Lúc ấy, tứ tẩu cứ trình bày nguyên ủy, rồi sẽ tùy theo đa số của hội nghị mà luận tội hay giảm khinh.

Sau đó, Trần-Gia-Cách quay qua Quỷ-Kiến-Sầu Thạch-Song-Anh truyền lệnh:

-Thập-nhị đương-gia hãy ghi việc này vào sổ Hình-Đường.

Thạch-Song-Anh lập tức vâng lời. Với thái độ lạnh lùng, Quỷ-Kiến-Sầu lật cuốn sổ bìa đỏ chữ vàng ghi chép nội vụ của Lạc-Băng vào, lại thêm ký chú bằng chữ đỏ rằng:

“Trần tổng-đà-chủ dạy ghi rõ việc này chờ khi giải thoát Văn-Thái-lai xong thì họp đại hội phủ Hương-Đường phân xử. Lạc-Băng phạm vào tội vi lệnh nguyên-soái (#5) và bất tuân hiệu lệnh của Tổng-Đà-Chủ. Chiếu theo khoản 5 điều 7 trong hình luật, tội vi lệnh và bất tuân hiệu lệnh phải trục xuất ra khỏi ban điều hành và xử tử hình.”

Lạc-Băng nói thầm trong bụng:

-Miễn sao giải thoát được tứ ca, sau đó có xử ta tội chết, ta cũng vui lòng cam chịu.

Lạc-Băng hỏi Tây-Xuyên Song-Hiệp:

-Có phải ngũ ca và lục ca đã được giáp mặt với tứ ca rồi phải không?

Thường-Thích-Chí đáp:

-Vâng! Đêm hôm trước khi nhận được hiệu lệnh của Tổng-Đà-Chủ do Dư-Ngư-Đồng hỏa tốc truyền đạt đến thì hai anh em chúng tôi tức tốc bám sát bọn ưng khuyển của Càn-Long áp giải Văn tứ ca qua khỏi địa phận Song-Tĩnh.

Lạc-Băng lại hỏi:

-Chẳng hay Văn tứ ca phải chịu những điều gian khổ như thế nào, xin hai anh làm ơn cho tôi biết được không?

Thường-Bá-Chí đáp:

-Văn tứ ca vẫn bình yên vì bọn Trương-Siêu-Trọng không dám làm thương tổn đến tánh mạng của anh ấy.

Lạc-Băng hỏi tiếp:

-Khi gặp tứ ca, hai anh có hành động gì không?

Thường-Thích-Chí đáp:

-Chúng tôi chỉ có hai anh em, còn bọn chúng thì đông vô kể. Đứa nào đứa nấy đều là cao thủ, đều lăm le vũ khí trong tay, chia nhau canh phòng cẩn mật. Nhưng nói vậy không có nghĩa là chúng tôi sợ chúng. Chẳng qua là chưa có lệnh của Tổng-Đà-Chủ cho nên chúng tôi không dám tự quyết. Hơng nữa, chúng tôi chỉ được lệnh dò xét tung tích của Văn tứ ca chứ không được lệnh đụng độ với bọn Trương-Siêu-Trọng hay giải cứu Văn tứ ca. Nhưng điều quan trọng hơn cả là chúng tôi sợ cơ mưu bại lộ, chúng sẽ đề phòng nghiêm ngặt hơn và thay đổi lộ trình cùng chiến thuật thì có thể làm hỏng hết kế hoạch của Tổng-Đà-Chủ. Chính nhờ chúng tôi không động thủ mà bọn chúng không để ý hay nghi ngờ có người của Hồng Hoa Hội theo sát chúng. Đêm hôm ấy chúng tôi mạo hiểm, dùng khinh công đến sát chỗ Văn tứ ca để dò xét tình hình. Chúng tôi nhìn vào tù xa thì trông thấy Văn tứ ca nằm ngủ trên nệm dưỡng thần trông rất thoải mái. Sợ để ý lâu có thể bị lộ nên sau đó chúng tôi trở về…

Đang lúc Tây-Xuyên Song-Hiệp kể chuyện Văn-Thái-Lai cho Lạc-Băng nghe thì Dư-Ngư-Đồng từ ngoài bước vào. Vừa trông thấy Lạc-Băng, Kim-Địch Tú-Tài tỏ vẻ sững sờ, bẽn lẽn. Sau một giây định thần, chàng reo lên:

-Ủa, tứ tẩu!…

Nhưng Dư-Ngư-Đồng biết ngay mình không phải. Thấy cử chỉ của mình như để lộ ra cho mọi người thấy nên chàng liền im lặng không dám hỏi thăm Lạc-Băng thêm nữa, mà hướng về Trần-Gia-Cách lễ phép, kính cẩn báo cáo tình hình theo công tách được giao phó. Dư-Ngư-Đồng nói:

-Tôi bí mật rượt theo đám người Duy kia thì thấy họ đến một khe nước trong veo có tàng cây cổ thụ giăng màn nghỉ chân. Những người Duy có bổn phận canh gác thì người nào người nấy tuốt gươm sáng ngời, đứng nghiêm nghị, mắt nhìn tứ phía. Vì trời còn quá sớm nên không tiện lại gần để xem động tĩnh cho tường tận nên trở về đây báo cáo cho Tổng-Đà-Chủ nghe trước. Chờ đêm đến tối trời tôi sẽ tới đó dọ thám thật kỹ lưỡng mà khỏi sợ bị phát giác. Sự tình hiện tại như thế này. Tùy Tổng-Đà-Chủ định liệu mà sai bảo.

Sau khi Dư-Ngư-Đồng báo cáo tình hình cho Trần-Gia-Cách nghe xong, mọi người ngồi im lặng, để mắt chú ý bên ngoài đường rừng. Lúc ấy có nhiều tiếng bánh xe lăn trên đường rầm rộ như có vẻ nặng nề lắm. Ngoài tiếng bánh xe lăn trên đường còn có tiếng ngựa phi đều đều trong đó. Ai nấy đều đoán thầm là một đội tiêu mã đang đi qua…

Chú thích:

(1-) Hồng-Hỏa Tuyết-Hoa-Câu: ngựa lông màu đỏ có bốn chân trắng.

(2-) Ngộ biến tòng quyền: gặp tình thế bất đắc dĩ thì cứ theo tình thế mà làm, cho dù là cũng chuyện “bất đắc dĩ”.

(3-) Đồng lao cộng lạc: vui khổ có nhau.

(4-) Hưng phế: thịnh suy; ý nói trải qua nhiều triều-đại.

(5-) Vi lệnh nguyên-soái: cãi lệnh chủ tướng.

Chọn tập
Bình luận
× sticky