Nhắc lại Dư-Ngư-Đồng sau khi vâng lệnh Trần-Gia-Cách đi tìm tin tức của Văn-Thái-Lai. Sau khi qua sông, Dư-Ngư-Đồng lên bờ tìm cách hỏi thăm nhưng nhưng chẳng được kết quả gì. Một hôm, Dư-Ngư-Đồng đến Lượng-Châu. Đây là một thương cảng đông đúc, giàu có. Lượng-Châu là một quận lớn của phủ Cam-Tân. Chàng vào một quán cơm ở ven con đường phía Nam quận lỵ. Thấy bên dưới quá đông, Dư-Ngư-Đồng lên trên lầu bảo tửu bảo dọn một mâm cơm rượu.
Ngồi một mình lại nghĩ đến Lạc-Băng, Dư-Ngư-Đồng khó cầm được giọt lệ. Chàng vẫn biết đây là một mối tình tuyệt vọng nhưng hễ càng muốn quên đi lại càng nhớ.
Nhìn lên vách, thấy có nhiều bài thơ vịnh cảnh Lượng-Châu có ký tên và đề rõ cả ngày giờ của du khách đến đây ăn nhìn cảnh vật mà động lòng. Thi tứ Dư-Ngư-Đồng bỗng trào ra. Chàng lấy bút đề một bài thơ lên vách như sau:
Kim địch tung hoành nhất khứ lai,
Thu phong sầu tự bất năng bài.
Nhân ngôn hậu chuyển trường sinh đoản,
Ngã dĩ ưu quân chuyển thập hoài.
Ngư Đồng
Rượu vào, nhưng sầu nan giải. Dư-Ngư-Đồng cố ngâm nga để khuây lắng mà lòng vẫn mãi không sao vơi được.
Dư-Ngư-Đồng nhìn xuống dưới lầu chợt thấy có hai người đi lên. Người đi trước hình như chàng đã có gặp ở đâu mà nhớ chưa ra. Chàng ngồi nặn óc một hồi mới chợt nghĩ ra là tên quan sai đã đụng độ với chàng ở Thiết-Đảm-Trang. Hình như hắn không nhận ra chàng nên cứ tự do với nói chuyện với đồng bọn mà không sợ ai nghe thấy. Lên đến nơi, hai tên nhìn tứ phía rồi chọn một cái bàn gần Dư-Ngư-Đồng mà ngồi.
Dư-Ngư-Đồng giả gục mặt lên bàn như say rượu, ngủ mê, miệng ngáy khò khò. Tửu bảo lại lay chàng mấy lần mà không thấy cựa quậy gì cũng đành chịu thua, bỏ đi phục vụ bàn khác.
Tên quan sai cùng đồng bọn của hắn nói toàn những chuyện bậy bạ tầm phào, chẳng có gì quan trọng. Một lát sau, Dư-Ngư-Đồng nghe một tên trog bọn nói:
-Này Đoàn đại ca! Anh lần này đã lặp được đại công. Chẳng hiểu rồi đây hoàng thượng sẽ thưởng cho anh những gì xứng đáng.
Người họ Đoàn ấy đáp:
-Thưởng gì đi chăng nữa tôi cũng không ham. Tôi chỉ muốn thái thái đưa người ấy đến Hàng-Châu trước đã. Nói thật với chú em, 8 viên thị vệ rời khỏi Bắc-Kinh chỉ còn có một mình tôi sống sót mà về được với vợ con mà thôi. Còn 7 người kia thì thật kém may mắn. Không phải tôi ca ngợi địch mà làm giảm uy phong của mình, nhưng còn sống sót trận đánh ấy mà trở về thì thật là phúc 30 đời để lại. Thế nhưng bao nhiêu công lao bọn Ngự-lâm quân đều cướp hết. Bọn Ngự-tiền thị-vệ chúng tôi thì chẳng ai thèm đếm xỉa tới. Này Châu đệ! Lạ một điều là chẳng hiểu vì lẽ nào có lệnh truyền không giải kẻ ấy về Bắc-Kinh như mọi người tưởng mà lại bí mật đưa về Hàng-Châu? Kể cũng lạ! Nhưng tôi lại thích vậy, vì biết đâu về Hàng-Châu thái thái sẽ xét công lao của mình nhiều hơn là về Bắc-Kinh chỉ có một Hoàng-Đế tự quyền ban thưởng!
Người họ Châu đáp, giọng hắn nhỏ hơn người họ Đoàn một chút:
-Chị tôi vốn là người trong phủ của Lưu đại học sĩ nên biết rõ vụ này. Tôi nghe lóm được chị tôi nói với anh tôi rằng lần này Hoàng-Thượng định đi Giang-Nam một chuyến. Sở dĩ phải giải kẻ ấy đến Hàng-Châu là cốt ý để Hoàng-Thượng đích thân thẩm vấn.
Người họ Đoàn hừ một tiếng, nốc một hớp rượu, giọng lè nhè:
-Bọn chú 6 người từ Bắc-Kinh đến đây lâu rồi, sao gọi là mới vâng thánh chỉ?
Người họ Châu đáp:
-Vì đây là điều tối mật. Chắc anh cũng thừa biết, Giang-Nam là tổng hành dinh của Hồng Hoa Hội. Thế lực của chúng mạnh lắm. Quan quân triều đình vị tất đã làm gì được! Do đó mà thánh chỉ truyền đi một cách âm thầm, để che hết tai mắt của Hồng Hoa Hội. Nếu bảo có khâm sai từ Bắc-Kinh xuống thì lộ tẩy hết còn gì! Chẳng qua là vui miệng mà nói chơi đây thôi chứ vẫn sợ tai vách mạch rừng lắm. Nên tiểu tâm mà đề phòng kẻo nguy hiểm đến tánh mạng.
Người họ Đoàn bỗng kề tai nói nhỏ với người họ Châu, nhưng cũng đủ lọt vào tai Dư-Ngư-Đồng vì hắn cũng có vẻ ngà ngà cho nên dù là nói nhỏ nhưng trong lúc say cũng đủ lớn như lúc tỉnh.
-Quên! Nãy giờ chúng ta quên mất cái thằng nằm gục đầu lên bàn đấy chứ!
Rồi một chuỗi cười vang lên:
-Khéo lo xa! Hắn ngủ như chết! Không nghe tiếng ngáy của hắn sao? Với lại gã tửu bảo cũng mấy lượt đánh thức gã rồi mà có hiệu quả nào đâu!
Dư-Ngư-Đồng cười thầm trong bụng, nhưng vẫn làm bộ ngáy đều. Hình như tiếng người họ Châu tiếp tục nói:
-Theo tôi thì đã có Trương đại nhân. Chúng ta chẳng có gì phải lo cả!
Dư-Ngư-Đồng lắng nghe từ đầu đến cuối câu chuyện lấy làm kinh ngạc vô cùng. Chàng tự nghĩ nếu quả như lời hai tên kia nói thì Trương-Siêu-Trọng quả đã đi một nước cờ hết sức cao siêu. Cả kế hoạch của Hồng Hoa Hội là truy kích bọn Trương-Siêu-Trọng trên đường đi Bắc-Kinh chứ có ngờ đâu chúng lại ầm thầm đưa Văn-Thái-Lai về Giang-Nam, là ngay đất nhà của Hồng Hoa Hội! Cả một bang hội lớn như thế, đầy rẫy nhân tài mà lại bị thua mưu một Hỏa-Thủ Phán-Quan!
Dư-Ngư-Đồng cảm thấy trách nhiệm của mình lúc này nặng hơn bao giờ hết. Nếu chàng không báo tin kịp thời, đại sự sẽ hỏng hết, không còn gì! Nhưng chàng lại thầm nghĩ có phải tin tức kia xác thực hay không, hoặc giả chỉ là mưu đồ của phía địch giả mượn rượu để đánh lạc hướng người nghe như chàng đây? Đang lúc chàng còn đang phân vân rối trí thì lại nghe gã thị vệ họ Châu nói:
-Này Đoàn huynh! Chẳng hiểu cái tên đó phạm tội gì quan trọng mà chính Hoàng-Thượng phải thân giá xuống tận Giang-Nam mà thẩm vấn? Chúng đệ làm Ngự-tiền thị-vệ lâu rồi mà chưa thấy tên khâm phạm nào đặc biệt được Hoàng-Thượng lưu ý như tên này.
Người họ Đoàn nói:
-Việc quân quốc trọng đại như thế thì chúng tôi làm sao mà thấu hiểu nổi? Mình cũng như thiên lôi sai đánh đâu thì đánh đó, nào có ai thèm nói rõ lý do hay nguyên do gì cho biết! Đã vậy mà làm không xong thì nhẹ lắm thì vào khám, còn nặng thì rơi đầu! Từ ngày có lệnh bắt tên khâm phạm đó đã có không biết bao nhiêu người chết… Toàn là những cao thủ võ lâm… Mà đã hết đâu! Sẽ còn bao nhiêu cái chết khác nữa… Biết đâu sẽ đến lượt bọn mình!…
Người họ Châu nói:
-Việc đó thuộc về tương lai, còn xa vời quá! Hiện tại Đoàn đại ca mới lập được kỳ công, tiểu đệ xin mừng đại ca ba chén lớn!
Sau đó hai người tiếp tục ca ngợi nhau bằng những chung này qua chung khác… Uống đến sau mèm, gã họ Đoàn nói với gã họ Châu:
-Thôi, mình giải tán chứ! Cứ ngồi mãi đây mà nói chuyện hay sao?
Nói xong hai người bước xuống thang lầu. Trước khi đi, hắn không quên quay lại liếc nhìn Dư-Ngư-Đồng một lần cuối. Hắn mỉm cười khẽ mắng một câu:
-Cái bọn chỉ biết đọc sách Thánh hiền mà làm được quái gì! Mới uống vài ly đã say cúp bình thiếc!
Dư-Ngư-Đồng chờ cho chúng đi khỏi mới ngẩng đầu dậy móc ra hai lượng bạc đặt trên bàn rồi vội vã xuống lầu nhìn theo. Xa xa, chàng thấy hai người ngã lui ngã tới trên lề đường. Chàng để ý thấy chúng vào trong cửa thành Lượng-Châu. Chàng chờ mãi cả nửa ngày mà vẫn không thấy bóng chúng trở ra. Đoán chắc rằng chúng thuộc người của phủ này, Dư-Ngư-Đồng không đợi nữa liền trở lại khách điếm. Chàng thay vội đồ dạ hành, nhẹ nhàng phóng ra ngoài cửa sổ.
Đến trước cửa phủ Lượng-Châu, Dư-Ngư-Đồng thấy có ánh sáng lập lòe bên cánh cửa sổ ở hướng đông. Chàng dùng thuật phi hành đến gần, nép mình ở phía bên ngoài cửa sổ lắng nghe. Nghe có tiếng người bên trong, Dư-Ngư-Đồng dùng một ngón tay soi một lỗ nhỏ để nhìn vào. Chàng hết sức kinh ngạc khi nhìn thấy bên trong người ngồi đầy như nệm cối.
Người ngồi chính giữa là Trương-Siêu-Trọng. Hai bên hắn toàn là đám thị vệ công sai. Một người ngồi quay lưng ra phía cửa sổ lên tiếng thật lớn như chửi mắng:
-Quân bây là đồ chó chết…
Dư-Ngư-Đồng giật nẩy mình. Giọng nói này nghe thật là quen. Chính là giọng nói của Bôn-Lôi-Thủ Văn-Thái-Lai chứ không chạy vào đâu được hết! Chàng nằm rạp xuống đất, chỉ cố gắng lắng tai nghe. Tiếng Văn-Thái-Lai như chuông đồng tiếp tục chửi mắng:
-Này lũ tẩu cẩu vô tài! Văn lão gia chẳng may lọt vào tay chúng bây thi chúng bây cứ mặc sức muốn làm gì thì làm! Rồi đây sẽ có người báo thù xứng đáng cho ta! Cái thứ lòng trâu dạ chó chúng bây đừng mong dụ dỗ hay uy hiếp được ta…
Tiếng một người trong trẻo ngư chuông ngân lọt vào tai Dư-Ngư-Đồng:
-Hay lắm! Mi cứ việc mắng chửi cho sướng miệng đi! Ta vốn biết Bôn-Lôi-Thủ Văn-Thái-Lai lợi hại, đảm lược can trường lâu rồi ki mà! Song ta vẫn muốn biết rõ sự lợi hại của mi đến mức nào. Này! Hãy thử chịu một quyền của ta xem sao.
Dư-Ngư-Đồng nghe xong thì hết sức hồi hộp, lòng nghĩ thầm:
-Tứ ca thật là người nghĩa khí, thà chết chứ không chịu nhục. (#1)! Con người như vậy chả trách được tứ tẩu yêu mến! Lẽ nào ta lại đứng đây mà nhìn tứ ca chịu nhục!
Ghé mắt nhìn vào lỗ hổng, Dư-Ngư-Đồng nhìn thấy một ngưòi cao lớn, độ chừng 30 tuổi, mặc vải xanh đang giơ cao quyền lên. Văn-Thái-Lai bị trói cả tay lẫn chân không sao cử động được, nét mặt giận dữ hiện ra mặt.
Dư-Ngư-Đồng bậm môi, nghiến răng, ra vẻ uất hận đến cực độ. Quyền người ấy vừa hạ xuống, Dư-Ngư-Đồng liền đặt ống sáo vàng vào ngay lỗ thổi một cái. Người kia thét lên một tiếng đau đớn, xé tan bầu không khí im lặng.
Người ấy không ai khác hơn là Ngân-Bá-Cân, một tay quyền khét tiếng ở Thanh-Châu. Bị Dư-Ngư-Đồng bắn ngay một phi tiêu vào mắt, hắn chịu không thấu, ngã nhào xuống đất, kêu la thảm thiết. Trong phòng bỗng trở nên hỗn loạn khác thường. Sau đó Dư-Ngư-Đồng lại thổi tiếp một phi tiêu nữa vào ngay chân mày bên hữu của một tên thị vệ khác.
Dư-Ngư-Đồng tự dưng trong người dâng lên một luồng dũng khí, chàng bước tới cửa chính xô mạnh tiến thẳng vào, miệng hét vang như sấm:
-Bọn chim mồi chó săn kia! Chúng bây khôn hồn thì tên nào ngồi đâu thì ở yên chỗ đó! Người của Hồng Hoa Hội đã tới cứu bạn đây rồi!
Tiếp theo đó, Dư-Ngư-Đồng lại thổi một mũi phi tiêu khác vào ngay huyệt nhuyễn ma của tên quan sai lãnh nhiệm vụ ngồi canh gác, giữ Văn-Thái-Lai. Đến trước mặt Văn-Thái-Lai, Dư-Ngư-Đồng rút một lưỡi trủy thủ cắt đứt hết dây trói cho Văn-Thái-Lai. Sau khi được Dư-Ngư-Đồng cắt hết dây trói, Văn-Thái-Lai chẳng khác gì một con hổ sổng chuồn, tinh thần trở nên dũng mãnh lạ thường.
Một tên thị vệ cầm binh khí vừa xông đến bị Văn-Thái-Lai tặng ngay cho một quyền ngay bả vai. Hắn chỉ kịp kêu lên một tiếng rồi ngã lăn xuống. Những tên khác thấy bản lãnh của Văn-Thái-Lai lợi hại quá thì không dám liều mạng xông vào, chỉ lui dần ra mà trố mắt nhìn.
Dư-Ngư-Đồng nói với Văn-Thái-Lai rằng:
-Tứ ca! Mau chạy ra khỏi nơi đây!
Văn-Thái-Lai khẽ hỏi:
-Có đông đủ các vị đương-gia đến chưa?
Dư-Ngư-Đồng đáp:
-Chỉ có một mình em thôi.
Văn-Thái Lai khẽ gật đầu một cái. Vết thương ở chân lâu ngày không được băng bó kỹ lưỡng mà lại bị trói lâu ngày thành ra chàng đi đứng loạng quạng không được vững. Dư-Ngư-Đồng phải nghiêng mình kề vai cho Văn-Thái-Lai dựa để chàng dìu ra cửa chính.
Sợ khâm phạm triều đình trốn khỏi nên cả bọn thị vệ đành liều một lượt nhảy như nước tràn. Dư-Ngư-Đồng bèn dùng ống sáo vàng để chống cự.
Cả hai vừa ra đến cửa thì thấy Trương-Siêu-Trọng tại đó như đã đứng đợi sẵn từ bao giờ. Trương-Siêu-Trọng tiến tới một bước thét lên:
-Hãy dừng lại ngay!
Dứt lời, bảo kiếm của y nhắm ngay bụng Văn-Thái-Lai đâm một mũi thật lẹ. Văn-Thái-Lai hai chân đi không vững nên né tránh không kịp, nhưng bắt buộc phải tự vệ. Văn-Thái-Lai dùng hai ngón tay như mũi xiên chỉa tới đâm thẳng vào hai mắt của Trương-Siêu-Trọng.
Trương-Siêu-Trọng kinh hãi, biết đây là đòn liều lĩnh hy sinh của Văn-Thái-Lai. Nếu tiếp tục sẽ đâm chết Văn-Thái-Lai nhưng đồng thời cũng bị đối phương xỉa cho mù hai mắt nên vội vàng thu kiếm về, buột miệng khen:
-Hay lắm! Hay lắm!
Tuy nhiên cả tay lẫn chân đều chỉ dùng được một nên sau một chiêu trao đổi với một đại cao thủ như Trương-Siêu-Trọng như thế, Văn-Thái-Lai gần như không còn đứng vững nổi nữa. Trương-Siêu-Trọng thừa cơ dùng kiếm chém vào vai Văn-Thái-Lai một nhát. Văn-Thái-Lai khẽ nghiêng mình tránh nhưng tránh không khỏi, bị một vết thương nhẹ trên vai. Toàn thân chàng không gượng nổi, ngã hẵn xuống đất.
Dư-Ngư-Đồng vừa đánh vừa nghĩ:
-Ta là một kẻ đau khổ nhất trên đời, sống cũng như chết! Thôi, thì hôm nay chi bằng cố gắng mà cứu được tứ ca về cho đoàn tụ với tứ tẩu thì cho dù có chết cũng không ân hận. Họ sẽ hiểu được lòng ta. Dư-Ngư-Đồng này không phải kẻ bất nghĩa.
Lòng đã quyết, Dư-Ngư-Đồng không chút đắn đo, nhắm Trương-Siêu-Trọng dùng ống sáo vàng đánh ra một chiêu trí mạng. Trương-Siêu-Trọng nhìn thấy chiêu thức của Dư-Ngư-Đồng hết sức bí hiểm thì không dám khinh thường, lùi lại một bước, lách mình sang một bên né tránh. Nhờ vậy, Văn-Thái-Lai có đủ thì giờ mà đứng bật dậy. Chàng thét lên một tiếng như hổ gầm khiến cho đám thị vệ sợ hãi, lui lại đàng sau. Tên nào tên nấy vẫn cầm binh khí thủ trong tay, nhưng chẳng ai dám tiến tới. Dư-Ngư-Đồng thấy vậy kêu lớn:
-Tứ ca! Mau thoát ra cho lẹ!
Văn-Thái-Lai thấy cửa trước trống không người canh giữ bèn lách một cái như một cái bóng phớt qua. Dư-Ngư-Đồng múa ống sáo vàng, sử dụng Nhu-Vân Kiếm-Thuật pha với tuyệt kỹ của phái Không-Động nhất định cản Trương-Siêu-Trọng lại, không cho đuổi theo Văn-Thái-Lai.
Trương-Siêu-Trọng hết sức nóng nảy trong lòng, chỉ sợ Văn-Thái-Lai tẩu thoát. Nhưng ngặt nỗi Dư-Ngư-Đồng đánh dữ quá, chiêu nào chiêu nấy đều hiểm ác. Chàng đánh như chẳng cần còn mạng để rời khỏi nơi này, cũng chẳng cần biết mình đánh với ai và bao nhiêu người nữa.
Trương-Siêu-Trọng cả giận, trổ uy thần xông tới chém trúng Dư-Ngư-Đồng hai nhát. Thế nhưng chàng vẫn nhịn đau, thản nhiên như không mà tiếp tục đấu trí mạng, tấn công Trương-Siêu-Trọng liên tục không ngừng tay.
Trương-Siêu-Trọng giận quá hét vang lên:
-Bộ mi không sợ chết sao? Ai dạy cho mi cái lối đánh liều mạng như thế?
Dư-Ngư-Đồng cười nhạt đáp:
-Phải, ta liều mạng đó! Ông có bản lãnh thì cứ việc giết chết ta đi chứ việc gì phải nổi khùng mà lải nhải cho dài dòng.
Đánh với Trương-Siêu-Trọng được thêm vài hiệp, Dư-Ngư-Đồng lại trúng thêm một nhát kiếm nữa ngay bả vai. Bọn thị vệ thấy chàng bị thương liền thừa cơ hội xông lên quyết hạ cho bằng được để còn đuổi theo Văn-Thái-Lai. Dư-Ngư-Đồng quay ống sáo vàng điểm một cái vào ngay huyệt nhụ hạ của một tên khiến hắn ngã lăn ra chết không kịp ngáp. Thuận tay, chàng phang luôn một chiêu vào giữa đỉnh đầu một tên khác khiến hắn chịu chung số phận với tên đồng bọn vừa rồi.
Trương-Siêu-Trọng thừa lúc chàng bận đấu với đám thị vệ lại xông đến chém trúng ngay vai Dư-Ngư-Đồng thêm một nhát nữa. Lúc ấy, máu tuôn như ướt đẫm hết cả áo Dư-Ngư-Đồng. Chàng hét lên một tiếng xông tới, gặp tên nào đánh tên đó, gặp ít đánh ít, gặp nhiều đánh nhiều, như một mãnh hổ bị thương đang liều mạng với đàn sói.
Đột nhiên, Dư-Ngư-Đồng như bị ai quất trúng một ngọn roi khiến chàng không sao gượng được, ngã sấp xuống đất. Thế nhưng Dư-Ngư-Đồng vẫn cố đứng dậy tiếp tục múa ống sáo vàng. Nhưng chưa múa được mấy cái thì chàng bỗng cười rộ lên một tràng rồi gục xuống bất tỉnh, nằm buông xuôi.
Vừa khi ấy có tiếng người từ ngoài cửa hét lớn:
-Ngừng tay!
Cả Trương-Siêu-Trọng cùng bọn thị vệ nhìn thấy Văn-Thái-Lai thần sắc oai nghiêm từ ngoài cửa bước vào. Văn-Thái-Lai như chẳng thèm đếm xỉa tới ai, chỉ chạy lại ôm lấy Dư-Ngư-Đồng. Nhìn khắp thân thể Kim-Địch Tú-Tài nhuộm máu hồng, Văn-Thái-Lai bất giác sa lệ nhỏ xuống. Để tay lên ngực Thập-tứ đương-gia thấy còn hơi thở, Văn-Thái-Lai mừng rỡ đỡ chàng dậy miệng gọi lớn:
-Mau đem thuốc cầm máu lại đây cho ta.
Lời của Văn-Thái-Lai chẳng khác gì một mệnh lệnh. Bọn thị vệ vội đi lấy thuốc kim thương mang đến. Chàng chính tay lấy thuốc rịt lên tất cả những vết thương trên người của Dư-Ngư-Đồng rồi ra dấu bảo đám thị vệ đõ Thập-tứ đương gia dậy. Sau đó chàng đưa hai tay ra bảo bọn thị vệ:
-Trói đi!
Bọn thị vệ nhìn thần sắc của Văn-Thái-Lai cũng đủ sợ rồi nên không một tên nào dám lại gần, chỉ nhìn Trương-Siêu-Trọng mà đợi ý kiến.
Trương-Siêu-Trọng chưa kịp mở miệng thì Văn-Thái-Lai đã quát lớn:
-Bây sợ à? Nếu ta muốn chạy thoát thì đã thoát lâu rồi! Bây giữ được ta à?
Lúc đó, mấy tên thị vệ mới dám đến trói hai tay chàng lại rồi dẫn về nhà lao của phủ.
Sáng hôm sau, Trương-Siêu-Trọng thức dậy thật sớm đích thân đến xem xét thương tích của Dư-Ngư-Đồng. Nhờ được tận tình săn sóc, thuốc men đầy đủ nên Dư-Ngư-Đồng đã tỉnh lại. Trương-Siêu-Trọng xem xét các vết thương cẩn thận rồi cất tiếng hỏi:
-Sư phụ của mi họ Mã hay họ Lục?
Dư-Ngư-Đồng đáp:
-Ân sư của ta ngoại hiệu là Thiên Lý Độc Hành, họ Mã, tên Chân.
Trương-Siêu-Trọng gật đầu nói:
-Phải! Ta đây chính là sư thúc của mi, tên là Trương-Siêu-Trọng.
Dư-Ngư-Đồng khẽ gật đầu mấy cái. Trương-Siêu-Trọng lại hỏi:
-Mi có phải là người của Hồng Hoa Hội không?
Dư-Ngư-Đồng lại gật đầu. Trương-Siêu-Trọng lắc đầu, than:
-Đáng tiếc! Thật là đáng tiếc! Một người tuổi trẻ tài cao, có tương lai rực rỡ như mi lại đi lầm đường lạc lối! Còn Văn-Thái-Lai là gì trong Hồng Hoa Hội? Y có ân nghĩa gì với mi mà lại liều mạng để cứu như thế?
Dư-Ngư-Đồng nhắm mắt lại, không trả lời. Một lát sau chàng mới mở mắt ra nói:
-Ta quyết đổi tánh mạng mình để cứu được người ấy. Dẫu có chết cũng vui, chẳng có gì ân hận.
Trương-Siêu-Trọng nói:
-Chỉ uổng mạng mi thôi! Văn-Thái-Lai đã ở trong tay ta rồi. Mi không cứu thoát được đâu.
Dư-Ngư-Đồng cả kinh hỏi lại:
-Ta đã cứu thoát được tứ ca rồi! Có lý nào lại bị ông bắt lại?
Trương-Siêu-Trọng nói:
-Ta chưa cần phải ra tay bắt lại thì hắn đã chạy vào tự nạp mình.
Trương-Siêu-Trọng cố khai thác, hỏi nhiều câu về Hồng Hoa Hội, nhưng Dư-Ngư-Đồng như giả điếc chẳng thèm nghe. Chàng dùng miệng thay sáo (#2), thổi những bài ca du dường mà thường ngày ưa thích nhất, tỉnh bơ như không biết đau đớn gì cả. Trương-Siêu-Trọng mỉm cười, gật đầu khen:
-Thật là một trang thiếu niên dũng cảm, không biết sợ là gì!
Trương-Siêu-Trọng bỏ ra ngoài đi thẳng, gọi đám thị vệ vào bàn riêng. Rút kinh nghiệm, Trương-Siêu-Trọng gia tăng sự canh phòng. Y ra lệnh cho đám thị vệ canh phòng trước sau thật nghiêm ngặt, lại cắt đạt thêm một đội xạ thủ cung nỏ để phòng bị thích khách đột nhập như Dư-Ngư-Đồng đêm hôm trước. Về phần Văn-Thái-Lai, Trương-Siêu-Trọng đích thân dẫn ra khỏi nhà lao, tự tay đích thân canh giữ.
Sáng hôm sau có người báo tin, cho biết sông Hoàng-Hà dậy sóng, nước cuốn như thác đổ, thật khó mà qua lại bằng ghe đò. Nhưng Trương-Siêu-Trọng khôn nghe, vẫn ra lệnh phải tức tốc lên đường. Đám thuộc hạ đành răm rắp tuân theo.
Trương-Siêu-Trọng từ biệt các quan Tri-Phủ Lương-Châu cùng với Tri-Huyện sở tại. Kế đến, y sai nhốt Văn-Thái-Lai và Dư-Ngư-Đồng, mỗi người vào trong một chiếc tù xa để áp giải đi. Khi sắp sửa khởi hành thì thấy Ngô-Quốc-Đống, Tiền-Chính-Luân, Hàn-Văn-Xung, trước sau mười mấy người từ cửa phủ đi thẳng vào. Mặt mũi người nào người nấy trông hết sức tiều tụy và thảm não.
Trương-Siêu-Trọng ngạc nhiên hỏi tại sao thì tất cả đem chuyện kể lại. Trương-Siêu-Trọng hỏi:
-Diêm lục-gia võ nghệ cao cường mà sao lại phải chết trong tay một đứa nha đầu mới thật lạ lùng!
Ngô-Quốc-Đống lạnh lùng nói:
-Cao nhân tất hữu cao nhân trị (#3)! Diêm-Thế-Chương bản lãnh cao cường nhưng nha đầu người Duy kia võ nghệ còn giỏi hơn! Đó là chưa kể đến bản lãnh của đám người Hồng Hoa Hội và đám người Duy kia. Chưa chắc gì Trương-Đại-Nhân đã sánh được với chúng nó, chứ đừng nói là chúng tôi!
Nghe Ngô-Quốc-Đống tán dương đám hào kiệt Hồng Hoa Hội, lại nói rằng mình chưa chắc đã địch nổi với họ, Trương-Siêu-Trọng như bị chạm tự ái rất nặng, giọng gay gắt nói lớn:
-Để rồi ông coi! Ta sẽ cho đám Hồng Hoa Hội kia biết bản lãnh của Hỏa-Thủ Phán-Quan này như thế nào. Ông cứ chống mắt lên mà xem thử rằng ai không địch nổi ai, hay ai không sánh được với ai!
Rồi đưa thẳng nắm đấm giơ lên cao, Trương-Siêu-Trọng hét lớn:
-Ta thề phải báo cho được thù này!
Ngô-Quốc-Đống nhìn thấy bộ điệu phách lối củ Trương-Siêu-Trọng thì ghét cay ghét đắng. Nhớ lại tình cảnh mình bị họ Trương đưa ra làm vật tế thần theo kế kim thiền thoát xác, Ngô-Quốc-Đống lại càng hận thêm. Y nói thầm trong bụng:
-Phải! Ta sẵn sàng chống mắt lên để xem thử coi mi giỏi hay là tụi Hồng Hoa Hội kia giỏi hơn!
Chú thích:
(1-) Ninh khả tử, bất khả nhục.
(2-) Huýt gió.
(3-) “Người tài thì cũng có người tài hơn”.