Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Ăn, Cầu Nguyện, Yêu

Chương 28

Tác giả: Elizabeth Gilbert

Tôi cho là (thực sự đã từ vài tháng trở lại đây rồi) chính hạnh phúc này khiến tôi nghĩ trên đường trở về Roma rằng mình phải làm một cái gì đó về chuyện David. Có lẽ đã đến lúc chúng tôi kết thúc câu chuyện của mình mãi mãi. Chúng tôi đã chia tay rồi, chính thức, nhưng vẫn còn một cửa sổ hy vọng để ngỏ rằng có lẽ một ngày nào đó (có lẽ sau chuyến đi của tôi, có lẽ sau một năm xa cách) chúng tôi có thể thử một lần nữa. Chúng tôi yêu nhau. Điều đó không bao giờ phải nghi ngờ. Chỉ có điều chúng tôi không thể hình dung ra cách nào để thôi làm cho nhau khốn khổ một cách tuyệt vọng, gào thét và kiệt quệ tâm hồn đến vậy.

Mùa xuân năm ngoái David đưa ra một giải pháp điên rồ cho những phiền muộn của chúng tôi thế này, chỉ một nửa là đùa: “Nếu mình công nhận là quan hệ của hai đứa mình tồi tệ, nhưng dù sao vẫn chịu đựng đến cùng thì sao? Nếu mình thừa nhận là cả hai đều làm cho nhau cáu tiết lên, mình tranh cãi liên miên và họa hoằn lắm mới ái ân, nhưng mình không thể sống thiếu nhau, nên hai đứa sẽ xử lý chuyện này, thì sao? Và rồi mình có thể sống bên nhau dù khốn khổ, nhưng cũng hạnh phúc vì không xa lìa.”

Hãy để điều đó là bằng chứng tôi yêu người đàn ông ấy tuyệt vọng ra sao khi tôi đã dành cả mười tháng qua suy xét nghiêm túc lời đề nghị đó.

Một khả năng khác trong thâm tâm chúng tôi là, dĩ nhiên, một trong hai người có thể thay đổi. Anh ấy có thể trở nên cởi mở và trìu mến hơn, không thu mình lại với bất kỳ ai chỉ vì sợ cô ta sẽ ăn mất linh hồn mình. Hay tôi có thể học cách làm sao để… thôi chuyện cố ăn linh hồn anh ấy.

Biết bao lần tôi nói với David là tôi ước gì có thể giống mẹ mình hơn như cách bà hành xử trong cuộc hôn nhân của mình – độc lập, mạnh mẽ, không phụ thuộc. Một cái máy tự cấp. Có thể tồn tại mà không cần những liều lượng lãng mạn hay tán tỉnh thường xuyên từ người nông dân cô độc là cha tôi. Có thể hớn hở trồng vườn hoa cúc giữa những vách đá im lặng không thể giải thích nổi mà đôi khi cha tôi dựng lên quanh ông. Rất đơn giản cha tôi là người tôi yêu chuộng nhất trên đời, nhưng ông có chút gì đấy là một trường hợp kỳ quặc. Một cô bạn trai cũ của tôi đã từng tả ông như vậy, “Bố em chỉ có một bàn chân trên mặt đất này. Và hai cái cẳng chân thực sự, thực sự là dài…”

Tôi lớn lên thấy trong nhà mình một người mẹ thường đón nhận tình yêu và trìu mến của chồng mỗi khi ông ấy nghĩ cần phải mang lại, rồi thì bà thường tránh đi và tự lo cho mình khi ông trôi dạt vào vũ trụ riêng biệt thờ ơ quên lãng kém cỏi của ông. Dù sao, nó có vẻ như vậy đối với tôi, khi xem xét cái điều rằng không ai (và nhất là trẻ con) có thể hiểu được những bí ẩn của hôn nhân. Tôi tin khi lớn lên đã nhìn thấy một người mẹ không đòi hỏi điều gì từ bất kỳ ai. Suy cho cùng thì, đây là mẹ tôi – một phụ nữ khi ở tuổi dậy thì đã tự dạy mình bơi một mình ở hồ Minnesota lạnh buốt, với một cuốn sách mượn ở thư viện địa phương có tựa Làm sao để bơi. Trong mắt tôi, không có gì người phụ nữ này không tự làm được.

Nhưng rồi tôi đã có một cuộc trò chuyện sáng tỏ với mẹ, không lâu trước khi tôi đi Roma. Mẹ tôi đến New York để ăn bữa trưa cuối với tôi, và mẹ hỏi tôi thẳng thắn – phá vỡ mọi quy tắc giao tiếp trong lịch sử gia đình chúng tôi – chuyện gì đã xảy ra giữa con và David. Tiếp tục phớt lờ Sổ Nội quy Giao tiếp Chuẩn mực của Gia đình Gilbert, tôi đã thực sự kể cho mẹ nghe. Tôi kể cho mẹ nghe mọi chuyện. Tôi nói với mẹ mình yêu David đến chừng nào, nhưng tôi cô đơn và thất vọng ra sao bên cạnh con người này, người luôn biến đi khỏi phòng, khỏi giường, khỏi hành tinh.

“Nghe có vẻ như anh ta giống bố con,” mẹ nói. Một thú nhận can đảm và rộng lượng.

“Vấn đề là,” tôi nói. “Con không giống mẹ. Con không cứng rắn được như mẹ, mẹ à. Con cần một mức độ gần gũi thường trực từ người con yêu. Ước gì con có thể giống mẹ, lúc đó con mới có thể có chuyện tình này với David. Nhưng nếu không thể trông cậy vào cảm giác yêu thương đó khi cần, nó chỉ hủy hoại tôi thôi.”

Rồi mẹ làm tôi choáng. Mẹ nói, “Tất cả những điều con mong muốn từ quan hệ của mình đó hả, Liz? Mẹ cũng đã luôn mong muốn những điều này.”

Vào giây phút đó, như thể người mẹ mạnh mẽ của tôi vươn qua bàn, mở nắm tay ra và cuối cùng cho tôi thấy một nhúm đắng cay mẹ đã nhẫn nhục chịu đựng qua hàng chục năm để vẫn hạnh phúc với hôn nhân trong mắt cha tôi (và, nếu cân nhắc mọi điều, mẹ có hạnh phúc trong hôn nhân). Tôi chưa từng thấy khía cạnh này của mẹ trước đây, chưa từng. Tôi chưa từng hình dung mẹ có thể đã muốn điều gì, mẹ có thể đã thiếu thốn điều gì, mẹ có thể đã quyết định điều gì để không đòi hỏi điều gì vì cái toàn thể. Khi biết được tất cả những điều này tôi đã có thể cảm thấy thế giới quan của mình bắt đầu có một thay đổi triệt để.

Nếu ngay cả mẹ cũng mong muốn điều tôi muốn, vậy thì…?

Tiếp tục dòng câu chuyện thân mật chưa có tiền lệ này, mẹ nói, “Con phải biết là mẹ đã được nuôi dạy mong đợi rất ít điều mẹ xứng đáng trong đời, con yêu. Hãy nhớ – mẹ từ một thời đại và không gian khác với con.”

Tôi nhắm mắt và thấy mẹ, mười tuổi trong trang trại gia đình ở Minnesota, làm việc như một người làm mướn, nuôi dạy những đứa em trai của mình, mặc quần áo của chị, dành dụm từng xu để ra khỏi đó…

“Và con phải hiểu mẹ yêu bố con đến thế nào,” bà kết luận.

Mẹ tôi đã có những chọn lựa trong đời, như tất cả chúng ta phải vậy, và mẹ an thuận với chúng. Tôi có thể thấy sự thanh thản của mẹ. Mẹ không thoái thác chính mình. Những lợi ích từ lựa chọn của mẹ thật lớn lao – một cuộc hôn nhân lâu bền và ổn định với một người đàn ông mẹ vẫn gọi là bạn thân nhất của mình; một gia đình giờ đã mở rộng thêm với những đứa cháu vốn ngưỡng mộ bà; vững tin vào chính nghị lực của bà. Có lẽ mẹ phải hy sinh một số thứ, và bố tôi cũng có những hy sinh của mình nữa -nhưng có ai trong chúng ta sống mà không có những hy sinh?

Và giờ đây câu hỏi cho tôi là: những chọn lựa của tôi phải là gì? Điều gì tôi tin mình xứng đáng trong đời? Tôi có thể chấp nhận hy sinh điều gì và điều gì thì không thể? Đối với tôi, khó mà hình dung một cuộc sống thiếu David. Thậm chí chỉ tưởng tượng thôi rằng sẽ không bao giờ còn những chuyến đi xa với bạn đồng hành ưa thích của mình nữa, rằng tôi sẽ không bao giờ còn đỗ xe lại lề đường nhà anh với cửa kính xe hạ xuống và tiếng nhạc của Springsteen trên radio, với một nguồn cung cấp bất tận những lời bông đùa và thức ăn vặt giữa hai chúng tôi, và với một điểm đến nơi vùng biển hiện ra lờ mờ cuối xa lộ. Nhưng làm sao tôi có thể chấp nhận niềm vui sướng đó khi nó đi cùng với mặt trái tối tăm này – cô lập hạ nhục, bất an xói mòn, phẫn hận âm ỉ và, tất nhiên, sự triệt hạ hoàn toàn bản ngã tất yếu diễn ra khi David ngừng trao, và bắt đầu lấy đi. Tôi không thể làm vậy nữa. Cái gì đó liên quan đến niềm vui gần đây của tôi ở Naples giúp tôi tin tưởng là mình không chỉ có thể tìm thấy hạnh phúc mà không có David, mà còn phải tìm thấy. Dù tôi yêu anh ấy đến đâu (và tôi yêu anh ấy, một cách thái quá xuẩn ngốc), giờ đây tôi phải chia tay người này thôi. Và tôi phải chứng tỏ.

Nên tôi viết cho anh ấy một email.

Lúc này là tháng Mười một. Chúng tôi không liên lạc gì với nhau từ tháng Bảy. Tôi đã yêu cầu anh ấy đừng liên lạc khi tôi đi du lịch vì tin rằng mình quyến luyến anh mãnh liệt đến nỗi không thể tập trung vào hành trình của mình nếu cứ dõi theo anh. Nhưng giờ thì tôi đang bước vào đời anh lần nữa với email này.

Tôi nói với anh rằng tôi mong anh vẫn ổn, và báo là tôi cũng ổn. Tôi pha trò một chút. Chúng tôi luôn thạo pha trò. Rồi tôi phân trần rằng tôi nghĩ chúng tôi cần chấm dứt mối quan hệ này mãi mãi. Rằng có lẽ đã đến lúc thừa nhận mối quan hệ này sẽ không bao giờ xảy ra, rằng nó nên không bao giờ xảy ra. Bức thư ngắn không kịch tính thái quá. Có Chúa biết chúng tôi đã có đủ thăng trầm với nhau rồi. Tôi viết ngắn gọn và đơn giản. Nhưng còn một điều nữa tôi cần phải thêm vào. Nín thở, tôi gõ, “Nếu anh muốn tìm một người đồng hành khác trong đời mình, dĩ nhiên em sẽ cầu chúc cho anh.” Tay tôi run lên. Tôi ngừng lá thư bằng chữ yêu anh, cố giữ một giọng điệu vui vẻ có thể.

Tôi cảm thấy như bị một đòn vào ngực.

Đêm đó tôi không ngủ được mấy, hình dung anh ấy đang đọc những lời của mình. Ngày hôm sau, tôi chạy lại quán cà phê Internet đó mấy lần tìm một lời đáp. Tôi cố lờ đi phần trong tôi cháy lòng muốn thấy anh ấy trả lời, “TRỞ LẠI ĐI! ĐỪNG ĐI! ANH SẼ THAY ĐỔI!” Tôi cố không đếm xỉa cô gái trong tôi có thể quẳng cái ý tưởng du lịch vòng quanh thế giới vĩ đại này chỉ để đổi lấy chìa khóa căn hộ của David. Nhưng vào khoảng 10 giờ đêm đó, cuối cùng tôi có được câu trả lời. Một cái email tuyệt vời, dĩ nhiên. David luôn luôn viết tuyệt vời. Anh đồng ý là, đúng, đã đến lúc chúng tôi thật sự nói lời chia tay mãi mãi. Anh cũng đã suy nghĩ về chuyện này, anh nói. Anh đã đáp lại nhã nhặn hết mức và anh chia sẻ những cảm giác mất mát, nuối tiếc của mình một cách rất dịu dàng mà đôi khi anh có thể đạt đến một cách nhức nhối đến vây. Anh hy vọng tôi biết anh ngưỡng mộ tôi đến chừng nào, thậm chí anh không đủ khả năng diễn đạt. “Nhưng cả hai đều không phải là người mà người kia cần,” anh nói. Nhưng, anh tin chắc là một ngày nào đó tôi sẽ tìm thấy tình yêu lớn của đời mình. Anh chắc chắn điều đó. Cuối cùng, anh nói, “cái đẹp hấp dẫn cái đẹp.”

Thật vậy, đó là một điều đẹp đẽ để nói. Đúng là điều đẹp đẽ nhất mà tình yêu của đời ta có thể nói, khi anh ấy không nói, “TRỞ LẠI ĐI! ĐỪNG ĐI! ANH SẼ THAY ĐỔI!”

Tôi im lặng ngồi đó ngây người nhìn cái màn hình máy tính trong một lúc lâu và buồn bã. Mọi chuyện thế là tốt nhất, tôi biết vậy. Tôi biết mình đang chọn lựa hạnh phúc thay vì đau khổ, tôi biết mình đang làm thế. Tôi dọn chỗ cho tương lai bí ẩn sẽ làm đầy cuộc sống mình với những bất ngờ còn chưa đến. Tôi hiểu tất cả những điều này. Nhưng mà…

David. Giờ tôi đã mất anh ấy rồi.

Tôi gục mặt vào hai bàn tay một lúc lâu hơn và buồn hơn nữa. Cuối cùng tôi ngẩng lên thì thấy một phụ nữ người Albani làm việc ca tối tại quán cà phê Internet vừa dừng lau chùi sàn nhà, dựa vào tường và nhìn tôi. Chúng tôi nhìn nhau chằm chằm mệt mỏi một lúc. Rồi tôi lắc đầu dứt khoát với cô ta và nói to, “Chuyện này quá tệ.” Cô ấy gật đầu cảm thông. Cô không hiểu, nhưng dĩ nhiên, theo cách của cô, cô hiểu hoàn toàn.

Điện thoại reo.

Là Giovanni. Anh có vẻ bối rối. Anh nói đã đợi tôi hơn một giờ rồi ở Piazza Fiume, là nơi chúng tôi luôn gặp nhau vào các tối thứ Năm để giao lưu ngôn ngữ. Anh hoang mang, vì thông thường anh là người đến trễ hoặc quên mất cuộc hẹn, nhưng tối nay, lần anh đến đúng giờ và khá chắc chắn – không phải chúng tôi có hẹn sao?

Tôi đã quên. Tôi cho anh biết mình đang ở đâu. Anh nói sẽ đưa xe đến đón tôi. Tôi không có tâm trạng để gặp ai, nhưng quá khó để giải thích việc này qua telefonino, theo như khả năng ngôn ngữ hạn hẹp của chúng tôi. Tôi ra ngoài đứng đợi anh trong rét buốt. Vài phút sau, chiếc xe nhỏ màu đỏ của anh dừng lại và tôi leo lên. Anh hỏi tôi bằng tiếng lóng của Ý là có chuyện gì vậy. Tôi mở miệng trả lời và gục xuống khóc. Ý tôi là – gào khóc. Tôi muốn nói là – cái kiểu kêu khóc tả tơi, khủng khiếp mà bạn Sally của tôi gọi là “bơm đúp”, mỗi khi nức nở ta phải hít vào hai hớp oxy. Tôi thậm chí chưa từng thấy cơn chấn động thống thiết như thế diễn ra, và nó ập đến khiến tôi hoàn toàn bất ngờ

Tội nghiệp Giovanni! Anh ngập ngừng hỏi bằng tiếng Anh, anh có làm điều gì sai không. Hay là tôi đang bực anh? Anh có làm tổn thương tình cảm tôi không? Tôi không thể trả lời mà chỉ lắc đầu và tiếp tục gào khóc. Tôi quá xấu hổ về mình và thấy ái ngại cho Giovanni thân yêu, bị kẹt ở đây trong chiếc xe này với một gái già nức nở, lảm nhảm, một người đang hoàn toàn là pezzi – một thứ vỡ vụn.

Cuối cùng, tôi cũng có thể hổn hển một lời trấn an là nỗi thống khổ của mình không liên quan đến anh. Tôi nghẹn ngào thốt ra một lời xin lỗi vì đã như thế. Giovanni đảm đương tình huống với một phong cách vượt xa tuổi của anh. Anh nói, “Đừng xin lỗi vì mình khóc. Không có cảm xúc này, chúng ta chỉ là những người máy.” Anh đưa tôi ít khăn giấy từ cái hộp phía sau xe. Rồi nói, “Thôi mình đi nào.”

Anh nói đúng – không thể suy sụp ở một nơi quá công nhiên và quá sáng đèn như ở mặt trước của quán cà phê Internet này. Anh chạy xe một chốc, rồi lái về phía trung tâm của Piazza della Repubblica, một không gian công cộng quý phái hơn của Roma. Anh đỗ xe trước cái đài phun nước tráng lệ có những nữ thần trần truồng trơ trẽn đang nhảy nhót rất khiêu dâm với biểu tượng dương vật là tương đài thiên nga khổng lồ kiêu ngạo của mình. Đài phun nước này mới được xây khá gần đây, theo tiêu chuẩn Roma. Trong sổ hướng dẫn tôi đọc, những cô gái làm mẫu các nữ thần là hai chị em, hai vũ nữ hài kịch tục tĩu nổi tiếng vào thời họ. Họ nhận khá điều tiếng khi đài phun nước được hoàn thành, trong nhiều tháng nhà thờ đã cố ngăn việc khánh thành đài phun nước này vì nó quá khiêu gợi. Hai chị em sống sung túc đến già, thậm chí mãi đến những năm 1920 người ta còn thấy hai bà già đáng kính này mỗi ngày cùng nhau đi dạo đến Piazza để xem đài phun nước “của họ”. Và mỗi năm một lần, khi họ còn sống, nhà điêu khắc Pháp đã khắc họa một lần, khi họ còn sống, nhà điêu khắc Pháp đã khắc họa được họ trong thời kỳ xuân sắc nhất của mình vào đá cẩm thạch lại đến Roma và mời hai chị em đi ăn trưa, nơi họ cùng nhau hồi tưởng những ngày họ còn trẻ đẹp và hoang dại đến vậy.

Vậy là Giovanni dừng xe ở đó và chờ tôi trấn tĩnh lại. Tôi chỉ có thể ấn gò bàn tay vào mắt, cổ đẩy ngược nước mắt vào trong. Tôi và Giovanni, chúng tôi chưa từng có một cuộc chuyện trò riêng tư. Tất cả những tháng này, tất cả những buổi ăn tối cùng nhau này, tất cả những gì chúng tôi đã từng đàm đạo là triết học, nghệ thuật, văn hóa, chính trị, và thức ăn. Chúng tôi không biết gì về cuộc sống riêng tư của nhau. Thậm chí anh không biết là tôi đã ly dị hay tôi đã để lại tình yêu ở Mỹ. Tôi không biết một điều gì về anh ngoại trừ chuyện anh muốn trở thành một nhà văn và anh ra đời ở Naples. Chuyện tôi khóc, dù sao, sắp đẩy trò chuyện giữa hai người tới một mức độ mới. Tôi mong điều đó không xảy ra. Không phải tình huống kinh khủng này.

Anh nói, “Tôi rất tiếc, nhưng tôi không hiểu. Hôm nay chị làm mất cái gì sao?”

Nhưng tôi vẫn chưa hình dung được phải nói sao. Giovanni cười và khích lệ, “Parla come magni.” Anh ấy biết đây là một trong những thành ngữ yêu thích của tôi trong thổ ngữ Roma. Nghĩa là, “Hãy nói theo cách ta ăn” hay, theo phiên dịch cá nhân của tôi, “Hãy nói như ta ăn”. Đó là một nhắc nhở – khi ta cố gắng quá mức để giải thích điều gì đó, khi ta tìm những từ đúng – hãy giữ cho ngôn ngữ của ta đơn giản và trực tiếp như thức ăn Roma. Đừng cầu kỳ quá. Chỉ cần đặt nó lên bàn.

Tôi thở một hơi thật sâu và thuật lại ngắn gọn tình trạng của mình bằng tiếng Ý (tuy nhiên thế nào đó mà vẫn đầy đủ).

“Là về một chuyện tình, Giovanni à. Hôm nay tôi đã phải nói lời chia tay với một người.”

Rồi tôi lại vỗ hai tay lên mắt, nước mắt trào qua những ngón tay tôi khép chặt. Chao ôi trái tim chàng, Giovanni không cố đặt vòng tay dỗ dành quanh tôi, cũng không thể hiện sự khó chịu nhỏ nhất về nỗi buồn òa vỡ của tôi. Trái lại, anh chỉ ngồi im lặng suốt thời gian tôi khóc cho đến khi tôi nguôi ngoai. Lúc đó anh nói với một sự đồng cảm trọn vẹn, cẩn trọng lựa từng từ (là giáo viên tiếng Anh của anh, tối nay tôi rất tự hào về anh!), chậm rãi, rõ ràng và ân cần, “Tôi hiểu, Liz. Tôi đã từng đến đó.”

Bình luận