Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Ăn, Cầu Nguyện, Yêu

Chương 70

Tác giả: Elizabeth Gilbert

Tôi tin là tất cả các tôn giáo của thế giới, tận cốt lõi của mình, đều chia sẻ mong muốn tìm thấy được một ẩn dụ gây cảm xúc mạnh mẽ. Khi ta muốn đạt đến tương thông với Thượng Đế, cái ta thực sự đang cố gắng làm là rời khỏi đời sống trần tục và bước vào vĩnh cửu (từ ngôi làng đến khu rừng, ta có thể nói vậy, theo chủ đề antevasin) và ta cần một kiểu ý niệm cao quý nào đó để đưa ta đến đấy. Ẩn dụ này phải là một ẩn dụ lớn, thật sự lớn, ma thuật và hùng mạnh, vì nó phải đưa ta qua một khoảng cách cực kỳ lớn. Nó phải là chiếc thuyền lớn nhất có thể hình dung được.

Những nghi thức tôn giáo thường phát triển từ thực nghiệm huyền bí. Một hướng đạo sinh can đảm nào đó đi tìm con đường mới đến thiêng liêng, có được trải nghiệm siêu việt và trở về nhà thành một nhà tiên tri. Ông hay bà ấy mang về cho cộng đồng những câu chuyện về thiên đường và các bản đồ chỉ cách đến đó. Rồi những người khác lặp lại những từ, những công việc, những cầu nguyện, hay những hành động của nhà tiên tri này, để cũng vượt qua được. Đôi khi việc ấy thành công – đôi khi cùng một kết hợp quen thuộc các âm tiết và thực hành tín ngưỡng được lặp lại thế hệ này qua thế hệ khác có thể sẽ đưa nhiều người sang bờ bên kia. Thế nhưng, đôi khi nó không có kết quả. Ngay cả những ý niệm mới mẻ ban đầu cũng không thể tránh khỏi cuối cùng chai lại thành giáo điều hay ngừng phục vụ mọi người.

Những người Ấn quanh đây kể một ngụ ngôn cảnh tỉnh về một vị thánh vĩ đại luôn được những tín đồ trung thành bao quanh trong Ashram của mình. Vị thánh và các môn đệ thiền về Thượng Đế trong nhiều giờ mỗi ngày. Vấn đề duy nhất là vị thánh nuôi một con mèo con, một sinh vật quấy rầy, nó thường lang thang khắp đền và kêo meo meo rồi rên từ từ và làm phiền tâấ cả mọi người trong giờ thiền. Nên vị thánh, với tất cả sự sáng suốt thực tế của mình, ra lệnh buộc con mèo vào một cái cột bên ngoài vài giờ mỗi ngày, chỉ trong lúc thiền, để nó không quấy rầy ai. Việc ấy đã trở thành một thói quen – buộc con mèo vào cột và rồi thiền về Thượng Đế – nhưng nhiều năm trôi qua, thói quen chai lại thành một nghi thức tôn giáo. Không ai có thể thiền nếu không buộc con mèo vào cột trước. Rồi một ngày con mèo chết đi. Các môn đệ của vị thánh kinh hãi. Đó là một cuộc khủng hoảng tôn giáo ghê gớm – giờ làm sao họ có thể thiền nếu không có con mèo để buộc vào cột? Làm sao họ có thể đến với Thượng Đế đây? Trong óc họ, con mèo đã trở thành phương tiện.

Câu chuyện này cảnh cáo, hãy rất cẩn trọng, đừng để trở nên quá ám ảnh chuyện lặp lại nghi thức tôn giáo chỉ vì nghi thức. Nhất là trong thế gian chia rẽ này, khi mà Taliban và Liên minh Cơ đốc tiếp tục cuộc chiến tranh thương hiệu quốc tế của mình để phân tranh xem ai sở hữu các quyền đối với từ Thượng Đế và ai có những nghi thức đúng mực để đến được Thượng Đế ấy, có lẽ sẽ hữu ích khi nhớ rằng không phải việc buộc con mèo vào cái cột sẽ đưa bất kỳ ai đến siêu nghiệm, mà chỉ bằng mong muốn kiên trì của một cá thể tìm kiếm trải nghiệm bi mẫn vĩnh cửu của thiêng liêng. Sự uyển chuyển cũng cơ bản đối với sự thiêng liêng như kỷ luật vậy.

Vậy thì, công việc của ta, nếu ta quyết định chấp nhận nó, là cứ tìm kiếm những ẩn dụ, nghi thức và những vị thầy sẽ giúp ta ngày càng đến gần hơn với thiêng liêng. Kinh điển Yoga nói rằng Thượng Đế đáp lại những lời cầu nguyện thiêng liêng và những nỗ lực của con người bằng bất kỳ cách thức nào con người đã chọn -chừng nào những lời cầu nguyện đó là chân thành. Như một dòng trong Upanishada gợi ý, “Người ta theo các con đường khác nhau, thẳng hay quanh co, tùy theo khí chất của mình, phụ thuộc vào điều họ cho là tốt nhất, hay thích hợp nhất – và tất cả đều đến với Ngài, như sông đổ về biển.”

Mục đích khác của tôn giáo, tất nhiên, là cố giải thích thế giới hỗn loạn của chúng ta và giải thích những điều không giải thích được chúng ta thấy đang diễn ra mỗi ngày ngoài kia trên trái đất: người vô tội phải chịu đựng, kẻ ác được tưởng thưởng – chúng ta phải làm gì với tất cả những điều ấy? Truyền thống phương Tây nói, “Tất cả mọi sự đều được giải quyết sau cái chết, trên thiên đường và dưới địa ngục.” (Tất cả công lý sẽ được ban phát nhỏ giọt, tất nhiên, bởi cái James Joyces thường gọi là “Thượng Đế, Người Hành Quyết” – với gương mặt của người cha, ngồi ở chiếc ghế phân xử cứng nhắc Của Ông Ấy trừng phạt kẻ ác và ban thưởng người tốt.) Tuy nhiên ở phương Đông, Upanishads phủ nhận bất kỳ cố gắng nào giải thích những hỗn loạn của trần gian. Họ thậm chí không chắc là thế gian hỗn loạn, mà gợi ý là nó có thể chỉ thị hiện như vậy với chúng ta, vì cái nhìn giới hạn của chúng ta. Những kinh văn này không hứa hẹn công lý hay báo thù cho bất kỳ ai, dù có nói là mỗi hành động đều có những hậu quả – vậy nên hãy chọn hành vi của ta sao cho phù hợp. Dù có thể ta không thấy những hậu quả này trong một lúc nào đó sớm. Yoga luôn nhìn xa nghĩ rộng. Hơn nữa, Upanishads gợi ý là cái được gọi là hỗn loạn có thể có một chức năng thiêng liêng thực sự, ngay cả nếu ta không tự mình nhận ra nó ngay lúc này: “Thần thánh thích cái khó hiểu và không thích cái hiển nhiên.” Vậy thì, điều tốt nhất ta có thể làm, để đáp lại thế giới nguy hiểm và không thể hiểu nổi của chúng ta, là thực hành duy trì trạng thái thăng bằng nội tại – bất luận việc điên loạn nào đang diễn ra ngoài kia.

Sean, người nông dân Ireland sản xuất bơ sữa, bạn Yoga của tôi, giải thích điều ấy cho tôi theo cách như vậy. “Hãy tưởng tượng vũ trụ là một động cơ lớn đang quay,” anh nói. “Ta muốn ở gần tâm của nó – ngay trong trung tâm của bánh xe – không phải ở ngoài rìa nơi tất cả xoáy lốc cuồng loạn này đang diễn ra, nơi mà khi đến được ta có thể bị tàn phá. Trung tâm của tĩnh lặng – đó là tim ta. Đó là nơi Thượng Đế sống trong ta. Nên hãy ngừng tìm kiếm câu trả lời trong thế gian. Chỉ cần cứ trở lại trung tâm đó và ta sẽ luôn tìm thấy thanh thản.”

Về mặt tâm linh, tôi chưa từng thấy ý kiến nào có lý hơn. Nó hiệu quả với tôi. Và nếu có lúc nào tìm thấy cái gì hiệu quả hơn, tôi cam đoan với bạn – tôi sẽ dùng.

Tôi có nhiều bạn bè ở New York không theo đạo. Hầu hết, tôi có thể nói vậy. Hoặc là họ rời bỏ giáo huấn tâm linh thời trẻ của họ hoặc họ chưa từng biết đến Thượng Đế nào từ khi lớn lên để bắt đầu tin theo. Tự nhiên là, một số người trong họ có chút gì sợ hãi vì nỗ lực đến với thiêng liêng mới tìm thấy của tôi. Đã có nhiều trò đùa, dĩ nhiên. Như anh bạn Bobby đã từng chế giễu khi anh đang cố sửa cái máy tính của tôi, “Không phải xúc phạm hào quang của bồ đâu, nhưng bồ còn chưa biết quái gì về việc tải phần mềm xuống nữa là.” Tôi cười nghiêng ngả vì câu đùa. Tôi cũng thấy hoàn toàn thú vị. Tất nhiên đúng là vậy.

Dù sao, điều tôi thấy ở một số bạn của tôi, khi họ già đi, là một khát khao có cái gì đó để tin vào. Nhưng khao khát này phôi pha dần vì bao nhiêu trở ngại, kể cả trí tuệ và lương tri của họ. Tuy nhiên, bất chấp trí tuệ của họ, những người này vẫn đang sống trong một thế giới loạng choạng lao về phía trước giữa một loạt những chao đảo dữ dội, bị tàn phá và hoàn toàn phi lý. Những trải nghiệm lớn lao và khủng khiếp về khổ đau hay vui sướng vẫn thường diễn ra trong đời sống của tất cả những người này, cũng như với những người còn lại trong chúng ta, và những trải nghiệm thật to lớn đó thường khiến ta khát khao một bối cảnh tâm linh để bày tỏ hoặc sự than van hoặc lòng biết ơn, hay để tìm kiếm hiểu biết. Vấn đề là – thờ phụng cái gì, cầu nguyện ai?

Tôi có một người bạn quý có đứa con đầu lòng chào đời ngay sau khi người mẹ yêu dấu của vừa mất. Sau ngã ba của điều kỳ diệu và mất mát này, bạn tôi cảm thấy khát khao có một kiểu nơi chống thiêng liêng nào đó để đến, hay nghi thức nào đó để thực hiện, hòng sắp xếp lại mọi cảm xúc. Bạn tôi nhận được nền giáo dục để thành một tín đồ Thiên chúa giáo, nhưng lớn lên không thể cam chịu trở lại nhà thờ. (“Tôi không tin nó nữa,” anh nói, “khi biết điều mình từng tin.”) Tất nhiên, anh sẽ bối rối nếu trở thành một tín đồ Ấn giáo hay một Phật tử hay cái gì đó lập dị như vậy. Vậy anh có thể làm gì? Như anh bảo tôi, “Tôi không muốn lại đi kén chọn một tôn giáo tốt nhất.”

Đây là một tình cảm tôi hoàn toàn tôn trọng ngoại trừ việc tôi hoàn toàn không đồng ý. Tôi nghĩ ta được tự do kén chọn cái tốt nhất trong việc thay đổi tinh thần ta và tìm thấy thanh thản nơi Thượng Đế. Tôi nghĩ ta được tự do tìm kiếm bất kỳ ẩn dụ nào có thể đưa ta vượt qua sự chia rẽ trần tục mỗi khi ta cần hoan hỉ hay được trấn an. Không có gì phải bối rối về chuyện đó cả. Đó là lịch sử tìm kiếm sự thiêng liêng của nhân loại. Nếu nhân loại không đạt được tiến bộ nào trong tiến trình khám phá tính linh thiêng, rất nhiều người chúng ta có thể còn thờ phụng mấy cái tượng mèo bằng vàng của Ai Cập. Cuộc tiến hóa trong quan niệm tôn giáo liên quan rất nhiều tới việc chọn lọc. Ta dùng bất kỳ công trình nào từ bất cứ đâu ta có thể tìm thấy nó, và cứ thể tiếp tục tiến về phía ánh sáng.

Những người Anh điêng Hopi nghĩ rằng mỗi tôn giáo trên thế giới đều chứa đựng một sợi chỉ tâm linh, và rằng các sợi chỉ này luôn tìm kiếm nhau, muốn nối liền lại. Khi cuối cùng tất cả các sợi chỉ đan lại với nhau chúng sẽ hình thành một sợi dây thừng kéo chúng ta ra khỏi chu kỳ lịch sử tối tăm này để vào cảnh giới tiếp theo. Đương đại hơn, Đạt Lai Lạt Ma đã lặp lại ý tưởng đó, ngài nhiều lần khẳng định với các môn đệ Tây phương của mình là họ không cần phải trở thành Phật tử Tây Tạng mới là học trò của ngài. Ngài hoan nghênh họ lấy bất kỳ tư tưởng nào họ muốn từ Phật giáo Tây Tạng và kết hợp những tư tưởng này vào các thực hành tôn giáo của chính họ. Ngay cả ở những nơi gần như không thể và bảo thủ nhất, đôi khi ta cũng có thể tìm thấy ý tưởng mơ hồ rằng Thượng Đế có thể cao cả hơn điều những học thuyết tôn giáo giới hạn của chúng ta đã dạy ta. Vào năm 1954, Giáo hoàng Pius XI, hơn ai hết, đã cử một số người đại diện Vatican đến Libya với những hướng dẫn bằng văn bản như sau, “ĐỪNG nghĩ các người đang đi giữa những kẻ ngoại đạo. Những tín đồ Hồi giáo cũng đạt được cứu rỗi. Những con đường của Thượng Đế là vô tận.”

Nhưng điều đó không có nghĩa sao? Rằng cái vô tận có thể là, thật sự… vô tận? Rằng ngay cả những người thần thánh nhất trong chúng ta vào bất cứ thời điểm nhất định nào cũng chỉ có thể thấy những mảnh rời rạc của bức tranh vĩnh cửu? Và rằng có lẽ nếu chúng ta có thể thu nhặt những mảnh đó và đối chiếu, một câu chuyện về Thượng Đế có thể sẽ bắt đầu hiện lên, giống và bao gồm hình dung của tất cả mọi người? Và phải chăng khát khao siêu nghiệm cá thể của chúng ta chỉ là một phần của cuộc tìm kiếm cái thiêng liêng lớn hơn của loài người? Mỗi người chúng ta không có quyền tiếp tục tìm kiếm cho đến khi gần ngọn nguồn của điều kỳ diệu nhất có thể sao? Ngay cả khi điều đó có nghĩa là đến Ấn Độ và hôn hít cây cối dưới ánh trăng trong chốc lát?

Nói cách khác, dù trong góc khuất hay giữa ánh mắt đỏ dồn vào của đám đông, tôi vẫn sẽ chọn lựa tôn giáo của mình.

Bình luận